21. Không để những chuyện ấy làm bận tâm
Đây là một trò vui để thực hành nếu như bạn có con nhỏ, nhưng
chắc chắn cũng vẫn mang lại hiệu quả trong trường hợp bạn không có con.
Không để cho những chuyện ấy làm bận tâm là một giải pháp có thể áp
dụng gần như với mọi vấn đề – những trận đấu đá của lũ trẻ, hay vòi
vĩnh sự chú ý của bạn, sự hỗn độn, một căn phòng bề bộn, mái nhà dột
nước, con thú nuôi ồn ào, căn buồng chứa chật chội quá tải, hay người
vợ (hoặc chồng) ngáy đêm.
Không phải là tất cả, nhưng chắc chắn là một phần trong những rắc rối
với phản ứng quá khích của chúng ta bắt nguồn từ những phản ứng với sự
việc theo thói quen, mà hầu như vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng
ta. Ví dụ như, khi bọn trẻ đánh nhau và sự việc dường như sắp làm cho
bạn phát khùng lên, phản ứng tự nhiên của bạn là nổi giận và tống ngay
lũ trẻ về phòng của chúng. Rồi bạn sẽ tiếp tục làm cho vấn đề trở nên
tệ hại hơn bằng những suy nghĩ như: «Thật không tin nổi những chuyện
thế này lại thường xảy ra đến thế.» Hoặc là: «Tôi không tin nổi là việc
nuôi dạy con cái lại khó khăn đến thế.» Hoặc những ý nghĩ khác đại loại
như vậy, nhằm để tự thuyết phục mình rằng, không thể phản ứng lại sự
việc bằng bất cứ cách nào khác tốt hơn. Trong suy nghĩ của mình, chúng
ta đã thổi phồng vấn đề lên quá mức bằng những phân tích quá đáng, và
rồi mang ra thảo luận cùng người khác. Không bao lâu, những chuyện như
thế này, và nhiều chuyện vặt vãnh khác, bắt đầu trở nên có vẻ như là
những vấn đề thật sự to tát.
Hoàn toàn có khả năng rèn luyện tư tưởng của bạn để giảm bớt những phản
ứng thái quá đối với các vấn đề rắc rối thường tình. Khi bạn không để
cho những chuyện ấy làm bận tâm, không phải là bạn phủ nhận việc mình
thật sự có bực bội. Điều bạn đang cố gắng làm là rèn luyện tư tưởng để
có thể phản ứng lại khác hơn đối với cùng những vấn đề như trước. Bạn
bắt đầu thực hiện giải pháp này bằng cách tự nhủ với mình khi nhìn thấy
trước một chuyện rắc rối thông thường đang sắp xảy ra: «Mình sẽ không
bực mình hay phản ứng thái quá với chuyện này.»
Nhìn thoáng qua, và trong giai đoạn mới bắt đầu, giải pháp này dường
như chỉ là vẻ ngoài. Xét cho cùng, tự nói với mình là sẽ không bực
mình, thì cũng giống như tự nhủ rằng mình khỏe trong lúc đang bị cảm
cúm vậy. Tuy nhiên, nếu bạn chịu thử qua một lần, tôi tin là bạn sẽ
nhận thấy giải pháp này mang lại hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên. Hãy
kiên nhẫn và dành ra một ít thời gian. Nếu bạn dự tính trước những phản
ứng của mình trong cuộc sống, điều này sẽ đẩy lùi những kiểu hành động
theo thói quen ra khỏi vấn đề. Bạn sẽ biết trước được là phản ứng của
mình sẽ như thế nào, và bạn chỉ cần sử dụng chính những hoàn cảnh xảy
ra trong cuộc sống để thực hành những cách ứng xử của mình. Bằng cách
này, bạn chuyển đổi được những sự việc trước đây dường như là một gánh
nặng trở thành một trò chơi nội tâm.
Tôi không thể nói hết với bạn giải pháp này đã mang lại hiệu
quả như thế nào trong trường hợp của chính hai đứa con tôi. Cũng giống
như mọi người khác, tôi đã từng phản ứng quá khích rất nhiều lần với
chúng. Tuy nhiên, khi tôi vận dụng giải pháp này, có vẻ như nó đã giúp
xóa bỏ những kiểu ứng xử không hay mà hầu hết chúng ta thường phát
triển thành thói quen. Chỉ mới hôm kia đây, bọn trẻ bắt đầu một trong
những trận cãi vã nhì nhằng của chúng, la hét và đổ lỗi cho nhau ầm ĩ.
Tôi có thể nhìn thấy trước mọi việc khi sắp diễn ra, và âm thầm tự nhủ:
«Mình sẽ không để cho trận ẩu đả sắp tới đây làm bực mình.» Kết quả đã
là một trong những giây phút mà bậc cha mẹ nào cũng mong mỏi có được –
những đứa trẻ đầy kinh ngạc. Tôi ngồi yên vô tư trên trường kỷ, không
hề ngẩng đầu khỏi cuốn sách đang đọc, cho dù chỉ một lần. Chỉ trong mấy
phút, bọn trẻ bỗng nhiên hoàn toàn im lặng, ngạc nhiên tự hỏi không
biết chuyện gì đang xảy ra cho tôi. Chuyện tranh cãi của chúng tự nhiên
tan biến một cách thật kỳ diệu, chẳng có sự can thiệp nào về phần tôi
cả. Chúng tôi cùng chơi vui trong thời gian còn lại của buổi chiều. Rồi
bạn cũng sẽ gặp những chuyện vui tương tự khi áp dụng giải pháp này.