20. Đánh giá cao giai đoạn trẻ con
Nhìn thoáng qua, đề xuất này có vẻ như không thể thực hiện,
thậm chí gần như mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi bạn đặt cái gọi là «giai
đoạn trẻ con» vào trong một cái nhìn toàn cảnh bao quát hơn, tôi tin là
chẳng những điều này có thể thực hiện được, mà trong thực tế việc «đánh
giá cao» sẽ còn là thực tiễn (và khôn ngoan) hơn so với việc luôn phải
vất vả chống lại bọn trẻ.
Điều then chốt ở đây là cụm từ giai đoạn. Tôi sẽ vô cùng kinh ngạc nếu
như có ai đó đang đọc cuốn sách này, là người ít nhất cũng 20 tuổi, lại
vẫn còn giống hệt như thời trẻ con của mình. Rất thông thường là bạn đã
thay đổi những giá trị, thái độ, ngoại hình, cung cách làm việc, mục
tiêu và cả đến những gì được xem là ưu tiên hơn trong cuộc sống. Chính
bản thân tôi cũng không hề giống với tôi thời trẻ con. Tôi có vẻ ngoài
khác hơn, hành động cũng khác hơn, và mọi thứ trong cuộc sống của tôi
đều đã thay đổi. Tôi hoàn toàn là một người khác – và bạn cũng thế
thôi. Nhìn ngược về quá khứ, đó chỉ là một giai đoạn mà tất cả chúng ta
đều trải qua.
Vậy thì tại sao, nếu chúng ta đã biết rằng thời trẻ con chỉ là một giai
đoạn, chúng ta lại quan tâm đến mọi thứ một cách quá khe khắt? Một phần
nào đó, câu trả lời cho vấn đề này là: chúng ta quên mất rằng đó chỉ là
một giai đoạn! Chúng ta lo sợ rằng cung cách cư xử và định hướng trong
cuộc sống ở đứa con 15 tuổi của mình là vĩnh viễn, là cứng nhắc như thể
khắc sâu vào trong đá! Trong một chừng mực, chúng ta thiếu niềm tin cần
thiết vào trẻ con. Sự thiếu tin cậy này được cảm nhận bởi bọn trẻ ngày
nay và – tôi tin là – đã góp phần tạo ra một số trong những vấn đề khó
khăn trước mắt chúng ta. Không phải tôi muốn nói rằng, nếu lũ trẻ đánh
đấm nhau, đó là lỗi của bạn. Thế nhưng tôi tin tưởng khá chắc chắn rằng
có rất nhiều việc mà chúng ta có thể làm để giúp trẻ phát triển tốt
nhất, cũng như để giảm nhẹ đi sự bực bội mà chúng ta đang cảm nhận.
Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân giúp tôi vượt qua giai đoạn
trẻ con mà không bị thương tổn là nhờ tôi cảm nhận được từ nơi cha mẹ
tôi sự chấp nhận và tin cậy ở tôi như một người lớn. Có vẻ như các vị
biết rằng tôi sẽ tốt thôi (ngay cả khi tôi có gặp vấn đề) và rằng chẳng
có gì trục trặc nơi tôi chỉ vì là tôi đang nỗ lực để lớn lên. Bất chấp
một thực tế là cách ứng xử của tôi còn rất vụng về, tôi biết rằng cha
mẹ tôi vẫn đánh giá cao. Sự tin cậy của các vị đã cho tôi sức mạnh cần
thiết để tôi trưởng thành vượt qua thời trẻ con.
Qua nhiều năm, tôi đã nhận thấy được cũng một cung cách cư xử tương tự
như thế ở một số ít gia đình may mắn, nơi mà các bậc cha mẹ và con cái
họ dường như cùng nỗ lực và sống chung trong hòa thuận. Hầu như trong
tất cả những trường hợp này, những đứa trẻ có cách ứng xử tốt đẹp nhất
chính là những đứa trẻ được cha mẹ đặt sự tin cậy vào như một người lớn
– những bậc cha mẹ biết đánh giá cao con cái mình. Điều rõ ràng là,
thật dễ dàng khi đưa ra một phát biểu: «Dĩ nhiên là cha mẹ sẽ đặt sự
tin cậy (và đánh giá cao) vào một đứa trẻ nếu như cách ứng xử của nó đã
hoàn hảo.» Cũng có phần đúng trong phát biểu này. Tuy nhiên, tôi tin là
chúng ta có thể gieo cấy niềm tin và sự tôn trọng đối với trẻ con bất
chấp cả những khuyết điểm hiện thời của chúng, nếu chúng ta nhận ra
được tầm quan trọng như thế nào của việc này.
Bạn chỉ cần tự hỏi mình xem, khi mọi người chung quanh tin cậy vào bạn,
và khi bạn cảm thấy được đánh giá cao, thì sẽ dễ dàng hơn như thế nào
trong việc thực hiện tốt mọi việc. Thực tế này cũng đúng đối với trẻ
con. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình được đánh giá cao, nó sẽ có một viễn
ảnh tốt để vươn tới. Nhưng điều ngược lại cũng sẽ đúng. Khi một đứa trẻ
cảm thấy mình bị xem thường, nó sẽ có một viễn ảnh xấu để trở nên tồi
tệ hơn.
Tôi không nói điều này là dễ thực hiện, chỉ muốn nói rằng nó
thật sự quan trọng và xứng đáng để trở thành một phần trong cách ứng xử
của bạn. Nếu bạn nghĩ đến thời trẻ con như là một giai đoạn, không phải
là mãi mãi, những vất vả của bạn sẽ được giảm đi rất nhiều.