59. Bày tỏ sự đánh giá cao về người khác
Không phải nghi ngờ gì, một trong những nguyên nhân chủ yếu
dẫn đến sự oán hận trong rất nhiều quan hệ hôn nhân – đúng ra là trong
hầu hết các quan hệ gia đình – là cảm giác thấy mình bị coi thường.
Đáng buồn là nhiều người trong chúng ta quá quen thuộc với các thành
viên gia đình ở quanh mình, đến nỗi chúng ta quên hẳn đi việc bày tỏ
cho nhau biết mình tôn trọng người khác như thế nào. Chúng ta quen xem
thường mọi người khác. Trẻ con làm như vậy với cha mẹ, và ngược lại.
Những cặp vợ chồng đều mắc thói xấu là không bày tỏ sự tôn trọng lẫn
nhau.
Tôi biết những người bạn có các bậc cha mẹ giàu lòng thương yêu
đã bỏ thời gian và công sức để đến chăm lo cho con cái của họ mỗi buổi
tối, hoặc có khi cả dịp cuối tuần. Dù vậy, tôi chưa bao giờ thấy những
người bạn này bày tỏ, dù là đôi chút sự ghi nhận những nỗ lực to lớn
như thế. Thái độ của họ được hiểu dường như là: «Họ hẳn muốn làm như
thế. Xét cho cùng, họ là ông bà nội của chúng kia mà.» Thật dễ dàng để
quên mất đi là mọi người ai cũng muốn và cần cảm thấy mình được tôn
trọng – kể cả những người làm ông, bà.
Điều này thật rất quan trọng và quá dễ làm. Không cảm thấy mình được
tôn trọng là một trong những nguyên nhân chính của sự cạn kiệt tình
cảm. Tôi đã từng nhìn thấy sự thiếu tôn trọng hủy hoại đi những quan hệ
hôn nhân, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em một nhà
với nhau (cũng như mọi quan hệ gia đình khác nữa).
Đề xuất của tôi ở đây rất đơn giản. Mỗi khi có dịp và thấy là thích
hợp, hãy nhớ bày tỏ sự tôn trọng của bạn đối với mọi người. Thường
xuyên nói hai tiếng «Cảm ơn» với sự chân thành. Viết những tấm thiệp
cảm ơn và làm những việc tốt cho những người đã làm điều tốt với bạn.
Cuối tuần vừa qua, tôi được vinh dự trình bày một bài điếu văn. Người
em của ông nội vợ tôi, Miles, người mà tất cả chúng tôi đều vô cùng yêu
quý, vừa mới qua đời trước đó mấy hôm. Ông là người rất quan trọng đối
với cả gia đình nên ông sẽ được chúng tôi thương tiếc mãi.
Rồi mới hôm nay đây, Kris và tôi nhận được một lá thư từ vợ chồng người
con trai của ông Miles. Một phần trong lá thư này viết rằng: «Richard,
cha tôi yêu thương cháu ngay từ lần đầu tiên mới gặp. Ông ấy luôn nói
rằng cháu là một người tốt bụng, và cũng là người duy nhất đã bỏ thời
gian viết thư cảm ơn ông sau lần đầu đến thăm chơi về.» Đó là sức mạnh
của sự tôn trọng. Ông Miles đã nhớ mãi một chuyện rất đơn giản là một
tấm thiệp cảm ơn trong suốt phần đời còn lại của ông. Điều này nổi bật
lên là bởi vì thái độ biết ơn thật có phần nào hiếm hoi trong văn hóa
của chúng ta.
Khi một người nào đó cảm thấy mình được trân trọng, người ấy sẽ vui vẻ
và cảm thấy dễ dàng hơn trong cuộc sống. Nếu bạn có con cái, hãy cho
chúng biết là bạn tôn trọng chúng. Kris và tôi đôi khi cảm ơn các con
chỉ vì chúng là một phần trong cuộc sống gia đình. Chúng tôi nói điều
ấy một cách thành thật. Hãy nhớ cảm ơn hết thảy mọi người khác trong
gia đình nữa – cha mẹ, anh chị em, họ hàng... tất cả mọi người. Phải
bày tỏ cho họ biết rằng bạn đánh giá cao họ đến mức nào. Bạn sẽ ngạc
nhiên trước những kết quả của việc làm này. Mọi người đều thích được
người khác tôn trọng – không loại trừ ai.
Trong kinh nghiệm của tôi, có một mối quan hệ trực tiếp giữa
những gia đình biết bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau và những gia đình gắn
bó với nhau về vật chất cũng như về tình cảm. Những thiếu niên khi cảm
thấy mình được đánh giá cao và được tôn trọng sẽ thấy dễ dàng hơn trong
cuộc sống và tự chúng học biết được sự tôn trọng người khác. Những
người vợ khi cảm thấy được tôn trọng sẽ yêu thương và ngưỡng mộ chồng
mình. Và những người chồng ngược lại cũng vậy. Sự thật này cũng đúng
trong quan hệ giữa anh, chị em trong một nhà, cả khi còn chung sống
cũng như khi đã tạo lập gia đình riêng. Tôi có một người chị và một
người em gái rất tuyệt vời. Cả hai đều khéo léo trong việc bày tỏ lòng
yêu thương và tôn trọng đối với tôi, và tôi cũng cố gắng làm như vậy
với họ. Không phải nghi ngờ gì, đây chính là một trong những lý do giải
thích vì sao chúng tôi vẫn luôn duy trì được quan hệ gắn bó và dành
thời gian cho nhau.