5. Bảo vệ sự riêng tư của bạn
Gia đình là một nơi trú ẩn, thoát khỏi thế giới bên ngoài.
Khi bạn để cho quá nhiều những chuyện hổ lốn từ bên ngoài thâm nhập vào
gia đình, là bạn đang xóa bỏ, hay ít nhất cũng làm giảm sút khả năng
bình ổn có thể có. Trong khi phần lớn chúng ta đều quan tâm đến việc
bảo vệ sự an toàn về mặt vật chất, và làm mọi cách để đảm bảo nó, thì
lại rất thường quên đi, hay thậm chí coi thường sự an toàn về mặt tình
cảm, tinh thần. Chúng ta có thể làm được điều này, ít nhất là một phần
nào, bằng cách biết coi trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình trong một
chừng mực nào đó.
Việc bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư là một tuyên bố với chính bản thân
bạn cũng như với mọi người khác rằng bạn hiểu được giá trị của chính
mình và sự bình yên trong tâm trí. Điều đó nói lên rằng tinh thần lành
mạnh và hạnh phúc là những điều cực kỳ quan trọng. Gia đình là một
trong số rất ít những nơi mà, trong phần lớn trường hợp, bạn có thể
kiểm soát – đến một mức độ nào đó – những gì có thể thâm nhập vào, và
những gì không được phép. Gia đình cũng thường là nơi mà bạn có được
thẩm quyền để từ chối.
Bảo vệ sự riêng tư của bạn có thể liên quan đến nhiều việc. Chẳng hạn
có thể là việc dùng máy trả lời điện thoại tự động ghi lại các lời nhắn
để bạn không phải làm điều đó. Rất thường là, hoàn toàn do thói quen,
chúng ta lao đến nhấc máy điện thoại ngay cả khi mà ta chẳng muốn nói
chuyện với ai cả. Liệu có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy môi
trường sống quá nhộn nhịp, đông đúc? Tôi có một chủ trương chung là
không trả lời điện thoại khi tôi đang cảm thấy muốn được ở một mình,
hoặc khi tôi đang ở bên cạnh một người trong gia đình cần đến sự chú ý
của tôi. Tại sao chúng ta lại phải rời bỏ những người ta yêu thương để
trả lời một cú điện thoại của ai đó mà thậm chí có khi ta chưa từng
quen biết?
Nếu bạn có con cái, có thể bạn nên tìm cách giới hạn số khách mời đến
chơi hàng tuần. Bạn làm điều này, không phải nhằm tạo ra một môi trường
tách biệt với xã hội, mà là nhằm tạo ra một cảm giác quân bình và hòa
hợp trong gia đình. Trong nhiều năm qua, có những lúc vợ chồng tôi đã
từng có cảm giác rằng căn nhà của mình dường như gần giống với một ga
xe lửa hay một trạm xe buýt nhộn nhịp hơn là một nơi yên ổn để tìm về.
Và chỉ đơn giản bằng vào việc thừa nhận nhu cầu tạo ra một môi trường
sống yên bình hơn, bằng một vài thay đổi nhỏ để bảo vệ sự riêng tư của
mình, chúng tôi đã có thể trở lại thế quân bình trước đó.
Bạn có thể biết cách từ chối nhiều hơn đối với những yêu cầu đòi hỏi
bạn rời xa gia đình. Và bạn có thể giới hạn việc mời mọc bạn bè hay
những người khác đến chơi nhà. Một lần nữa, bạn làm điều này không phải
để trở thành một người ẩn dật hay xa lạ với bạn bè, thân quyến, mà là
nhằm bảo vệ và trân trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình. Khi làm như
vậy, bạn sẽ nhận ra được sự khác biệt rất đáng kể trong cách cảm nhận
của mình. Bạn sẽ cảm thấy được hàm dưỡng và bình ổn hơn trong tâm hồn.
Và mỗi lần bạn thật sự có mời ai đó đến chơi nhà, hoặc chấp nhận lời
mời của ai đó, bạn biết rằng mình làm như vậy xuất phát từ một nhu cầu
chân thật, không phải vì một áp lực hay bổn phận nào.
Tất cả chúng ta đều cần có sự riêng tư ở một mức độ nhất định. Khi bạn
bước vào nhà, ý thức rõ đấy là căn nhà của riêng bạn. Cho dù bạn chỉ
thuê lại một căn phòng nhỏ trong nhà người khác, hoặc làm chủ một căn
hộ trong chung cư, hay có một ngôi nhà riêng thật sự, hãy biết trân
trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình. Chẳng bao lâu, rồi mọi chuyện sẽ
không còn tràn ngập đến cùng bạn nữa.