19. Bạn muốn các con sẽ như thế nào?
Một trong những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ mà tôi
thích nhất là cuốn «What Do You Really Want for Your Children» (Bạn
thật sự mong muốn gì cho các con cái mình) của bác sĩ Wane Dyer. Trong
cuốn sách này, ông ta khuyến khích các bậc cha mẹ hãy tự hỏi xem mình
thật sự muốn dạy dỗ cho con cái những gì, và xem xét lại những thông
điệp kín đáo mà mỗi ngày chúng ta vẫn thường xuyên gởi đến cho con cái.
Ông ta gợi ý rằng một số những phẩm chất quan trọng nhất của con người
– tính tự lập, mạo hiểm, lòng kiên nhẫn, tính độc lập – có thể bị ngăn
trở bởi những phương thức vô hình mà qua đó chúng ta giao tiếp cùng con
cái.
Lấy ví dụ, đôi khi chúng ta đòi hỏi trẻ phải thư thả, hay yên tĩnh,
nhưng lại đưa ra yêu cầu này bằng cách to tiếng với đầy sự bực dọc.
Hoặc là, chúng ta muốn con cái phải lớn lên trong tinh thần độc lập,
nhưng chúng ta lại quét dọn phòng cho chúng chỉ vì thấy bực bội không
chịu được, hoặc là không cho phép trẻ có được những cơ hội mạo hiểm
thích hợp. Đôi khi chúng ta nói là muốn cho con cái sống điềm tĩnh,
nhưng chúng ta lại tự mình có thái độ kích động thái quá, thậm chí đến
như điên cuồng lên. Có lẽ chúng ta muốn trẻ con lớn lên trong tinh thần
hòa hợp, nhưng bản thân chúng ta lại có khuynh hướng gây gổ, cãi vã quá
thường xuyên. Có rất nhiều ví dụ chỉ ra rằng, trong khi chúng ta muốn
khuyến khích trẻ cư xử theo một cung cách nào đó, thì chúng ta lại ngấm
ngầm đưa ra một thông điệp nói lên điều ngược lại.
Có rất nhiều thông điệp mà chúng ta gởi đến cho con cái bắt nguồn từ
những gì đang diễn ra bên trong chúng ta. Liệu chúng ta có bực dọc và
quá khích, hay chúng ta bình thản và nhiệt tình? Liệu chúng ta có kiên
nhẫn và sẵn lòng giúp đỡ, hay chúng ta thường đòi hỏi và dễ gây gổ?
Liệu bạn có phải là người biết lắng nghe người khác? Liệu bạn có chịu
lắng nghe vợ (hoặc chồng) mình, hoặc bạn bè, con cái... hay là bạn có
khuynh hướng luôn nói xen vào hoặc ngắt lời người khác? Và nếu như thế,
liệu có gì đáng ngạc nhiên là vì sao con cái lại thấy khó khăn trong
việc phải chú ý đến, hoặc lắng nghe những chỉ dẫn của chúng ta?
Một trong những thông điệp tích cực tiềm ẩn mà Kris và tôi gởi đến cho
các con là chúng tôi sẽ luôn luôn giữ cho mối quan hệ của chúng tôi
được sinh động và tốt đẹp. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian cho nhau
và cùng đi chơi phố đều đặn. Ngoài việc vui hưởng một quan hệ tốt,
chúng tôi còn muốn cho các con lớn lên biết rõ rằng cha mẹ chúng thật
sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau – không chỉ vì chúng tôi dạy cho
chúng như thế, mà vì chúng tôi đã minh họa bằng chính hành động và cách
cư xử của mình cho chúng biết thế nào là một quan hệ tốt.
Một trong những vấn đề mà tôi nghĩ là chúng tôi còn phải tiếp tục cố
gắng hơn nữa, là khuynh hướng vội vã trong mọi việc. Nhưng điều mỉa mai
là chúng tôi lại bực mình khi thấy bọn trẻ thiếu kiên nhẫn. Xin nhắc
lại một lần nữa, cung cách cư xử trong gia đình luôn chịu ảnh hưởng từ
những thông điệp tiềm ẩn mà chúng ta gởi đến cho bọn trẻ.
Hãy suy nghĩ một chút về những thông điệp tiềm ẩn của riêng
bạn. Với tất cả cả những khả năng thường gặp nhất, sẽ có nhiều khía
cạnh bạn đã làm rất tốt và đồng thời còn nhiều khía cạnh khác cần hoàn
thiện. Đừng lo lắng về điều đó – chúng ta chỉ là những con người! Điều
quan trọng nhất là phải nhận thức rõ về sức mạnh của những thông điệp
tiềm ẩn. Một khi đã được vậy, bạn sẽ có thể bắt gặp chính mình những
khi đang đưa ra các thông điệp đi ngược với những gì mà bạn thật sự
mong muốn. Chỉ cần thực hành đôi chút về đề tài này, tôi tin là rồi bạn
sẽ đồng ý rằng, tự cân nhắc về những thông điệp thực tế đang gởi đến
cho bọn trẻ là một vấn đề thật sự quan trọng.