18. Giảm nhẹ sự căng thẳng
Một ngày kia, vợ tôi, Kris, và tôi bỗng nhiên được một trận cười
vỡ bụng – kiểu cười ngặt nghẽo đến mức gần như là muốn khóc. Kris đã
nói về ảnh hưởng của sự việc đang diễn ra: «Đây thật là một kiểu trò
đùa đáng yêu.» Cái «trò đùa đáng yêu» mà cô ấy đang nói đến, chính là
việc hai chúng tôi đã bỏ ra nhiều giờ đồng hồ liên tục để dọn dẹp nhà
cửa, sắp xếp đồ đạc... Và rồi bất chấp những nỗ lực tập trung mạnh mẽ
của chúng tôi, điều rõ ràng là giờ đây chúng tôi đang thật sự phải trở
lại từ đầu!
Không, chúng tôi không đến nỗi tồi lắm. Thực tế là cả hai chúng tôi đều
rất thành thạo trong việc giữ cho mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên,
sự thật đã xảy ra là mỗi đứa nhóc của chúng tôi đã đưa về một nhóc bạn.
Một đứa trong bọn chúng kéo lê đôi chân bùn bê bết khắp nhà bếp trong
khi Kris bận chùi dọn trong căn phòng nhỏ. (Kẻ phạm tội rõ ràng là đã
quên mất quy định bỏ dép bên ngoài ở nhà chúng tôi.) Hai đứa trẻ khác
đang cố hết sức để lấy vật gì đó ra khỏi cái tủ nhỏ của con gái tôi, và
rồi... ầm, một nửa số đồ chơi đổ nhào xuống tung vãi ra khắp sàn nhà.
Trong lúc đó, tôi đang loay hoay trên căn gác, sắp xếp mấy món đồ vào
những cái hộp để chuẩn bị mang đi cho, và rồi bàn chân tôi bỗng xuyên
thủng qua sàn, tạo ra một lỗ lớn trên trần nhà của căn phòng bên dưới.
Dường như mọi thứ đều trở nên hỗn loạn ở khắp nơi. Quả thật là «một
trong những ngày tồi tệ nhất.» Chắc chắn là bạn cũng đã từng phải trải
qua những ngày tương tự như thế ở nhà.
Vào những lúc như thế này, thật rất dễ dàng trở nên bối rối và căng
thẳng. Đối với nhiều người trong chúng ta, một phản ứng tự nhiên gần
như chắc chắn vào lúc này là tự nhủ mình rằng cuộc đời thật bất công,
và rồi tự thuyết phục rằng những nỗ lực của mình thật vô ích. Thường
thì trong những lần căng thẳng và bực dọc như thế này, chúng ta hay để
tâm nhớ lại trong quá khứ xem bao nhiêu lần rồi những chuyện như thế
này đã xảy ra, và có khả năng nào sẽ xảy ra trong tương lai nữa không.
Không cần phải nói, những suy nghĩ như thế thật sự chẳng mang lại kết
quả tốt đẹp gì.
Một trong những phương thức hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng căng
thẳng này là tách mình ra khỏi sự việc và nhìn nhận tính khôi hài trong
đó. Kris chợt nêu ra điều này: «Nếu có ai đó đang bí mật quan sát cảnh
này, hẳn người ấy phải cười chúng ta đến vỡ bụng mất.» Và chính vào lúc
ấy, cả hai chúng tôi cùng thấy nhẹ nhõm đi với tất cả sự việc.
Phải chăng điều này có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến cảnh hỗn
độn ấy? Hoàn toàn không phải vậy. Thậm chí Kris và tôi còn là những
người rất chuộng sự gọn gàng. Cả hai chúng tôi đều yêu thích sự sạch
sẽ, trật tự trong nhà. Tuy nhiên, có những lúc chỉ đơn giản là bạn
không thể nào kiểm soát được môi trường chung quanh – đặc biệt là khi
bạn có trong nhà một hay nhiều đứa trẻ. Đôi khi, có quá nhiều người đến
chơi, hoặc có quá nhiều việc cùng lúc diễn ra, hoặc là bạn không có đủ
thời gian, hay vì bất cứ lý do nào khác nữa. Điều này không hề gợi ý là
bạn đừng gắng sức, mà chỉ nhắc nhở rằng, dù sao thì bạn cũng chỉ là một
con người. Vấn đề là, đã quá sức mà một con người có thể làm được.
Khi bạn cố nhìn ra khía cạnh khôi hài trong những nỗ lực không
kết quả, điều đó làm mất đi sự căng thẳng của ý tưởng cho rằng bạn phải
hoàn hảo hoặc phải giữ gìn căn nhà mình hoàn hảo. Thay vì là vật lộn
với một tâm trạng đầy bực dọc để làm cho mọi việc đều hoàn tất, bạn có
thể đạt đến sự bình thản khi chấp nhận một sự thật là, ngay cả khi bạn
đã làm sạch được món đồ cuối cùng trong nhà, thì hẳn rồi nó cũng sẽ bẩn
trở lại trong vòng một hai ngày nữa. Sự khôi hài không giúp cho căn nhà
của bạn được sạch sẽ hay gọn gàng, nhưng nó thật sự có thể đưa lại cho
bạn một cái nhìn toàn vẹn hơn và làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nói
một cách thật chính xác, sự khôi hài nhắc nhở bạn đừng thực hiện công
việc và trách nhiệm một cách nghiêm trọng quá đáng.