36. Đừng coi thường những người chung sống
Tôi có thể viết cả một cuốn sách chỉ riêng về chủ đề này.
Nhưng, vì tôi chỉ có nơi đây vài ba đoạn ngắn để trình bày, nên tôi sẽ
đi ngay vào trọng tâm của vấn đề.
Nếu bạn coi thường người vợ (hay chồng) mình, chắc chắn một trăm phần
trăm là sẽ ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ đôi bên. Tôi chưa từng gặp bất
cứ một người nào lại thích bị coi thường – và rất ít người có thể cam
chịu được điều này trong một thời gian dài.
Điều rõ ràng là, một trong những điều khinh miệt nhất và tai hại nhất
chúng ta rất hay mắc phải đối với vợ (hoặc chồng) mình là xem thường
họ. Làm như thế cũng giống như một kiểu phát biểu rằng: «Bổn phận của
em (hay anh) là phải làm cho cuộc sống của tôi được dễ dàng hơn – đương
nhiên là thế. Và chuyện của tôi là chờ đợi việc đó được thực hiện.»
Thật khôi hài!
Có quá nhiều cách để chúng ta mắc phải vào việc xem thường người chung
sống. Đây chỉ nêu ra một vài ví dụ. Chúng ta xem vai trò của mình là
quan trọng hơn. Chúng ta nghĩ rằng phần đóng góp của mình là to tát
hơn, và người bạn đời của mình quả là người may mắn – vì được sống
chung với mình. Nhiều người trong chúng ta quên nói những lời nhờ cậy
và cảm ơn – và một số lại chưa từng nói ra lần nào. Chúng ta quên không
nghĩ lại rằng, chúng ta thật may mắn biết bao, và sẽ khó khăn, buồn bã
đến đâu nếu sống mà không có vợ (hoặc chồng) mình. Đôi khi chúng ta đòi
hỏi thái quá nơi người bạn đời của mình, hoặc đối xử tệ hại hơn cả cách
mà chúng ta đối xử với bạn bè. Hoặc có những lúc, chúng ta tự ý «thay
quyền» của họ, hay nói năng một cách thiếu tôn trọng ngay trước mặt
người khác. Một số trong chúng ta nghĩ rằng mình biết được những gì mà
vợ (hoặc chồng) mình đang suy nghĩ, và vì thế, chúng ta đưa ra những
quyết định thay cho họ. Và rồi còn có một lỗi lầm thường gặp hơn nữa là
chờ đợi một số điều nhất định phải được làm – một căn nhà sạch sẽ hay
một bữa ăn nóng sốt, hoặc tiền bạc để chi trả hóa đơn, một thảm cỏ được
cắt xén gọn gàng... Chúng ta luôn nghĩ rằng, nói cho cùng, họ là vợ
(hoặc chồng) của ta, họ có bổn phận phải làm những điều này. Điều cuối
cùng nữa là, rất ít người trong chúng ta biết lắng nghe và chia sẻ
những cảm xúc với vợ (hoặc chồng) mình – dĩ nhiên là trừ khi mà điều ấy
phù hợp với những gì mà chúng ta đang quan tâm. Tôi có thể tiếp tục
nhiều hơn nữa, nhưng chắc là bạn đã hiểu được vấn đề.
Liệu có gì đáng ngạc nhiên khi xấp xỉ 50% các cuộc hôn nhân chấm dứt
bằng ly dị, và rất nhiều trong số còn lại sống đau đớn, buồn chán,
không thỏa mãn? Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Điều đó là quá rõ ràng,
nhưng vì những lý do nào đó, chúng ta lại tiếp tục mắc cùng những lỗi
lầm như nhau – chúng ta coi thường, không hề đánh giá cao người chung
sống với mình.
Điều ngược lại cũng là sự thật – gần như không có gì làm cho người ta
thấy dễ chịu hơn là cảm thấy đang được tôn trọng và đánh giá đúng mức.
Hãy nhớ lại, thật tuyệt vời biết bao khi bạn lần đầu tiên gặp vợ (hay
chồng) mình. Thật là hoàn toàn tuyệt diệu. Và một yếu tố quan trọng
đóng góp vào cảm giác thương yêu mà cả hai cùng chia sẻ lúc đó là sự
tôn trọng thật sự đôi bên dành cho nhau. Bạn có thể đã nói những câu
đại loại như: «Thật dễ chịu khi được nghe em nói.» hoặc là «Cảm ơn em
đã gọi đến.» Bạn bày tỏ sự trân trọng của mình về mọi thứ, từ một lời
khen ngợi đơn giản cho đến một món quà nhỏ nhất, một tấm thiệp, hay
thậm chí một cử chỉ đẹp. Mỗi một cơ hội mà bạn có được, bạn bày tỏ sự
biết ơn và không bao giờ coi thường người yêu mới của mình lúc đó.
Nhiều người tin rằng vợ chồng tất nhiên không thể tránh khỏi việc mất
dần đi sự trân trọng lẫn nhau như ban đầu. Không đúng thế! Việc biết
trân trọng là một điều mà bạn hoàn toàn có thể tự chủ được. Nếu bạn
muốn tỏ ra biết ơn và bày tỏ sự tôn trọng của mình, tất nhiên bạn sẽ
làm được. Và bạn càng làm như thế thường xuyên, bạn sẽ càng phát triển
được khả năng tốt đẹp trong việc nhận biết những điều đáng để trân
trọng – đây là một dự báo mà tự nó đã là kết quả.
Vợ tôi, Kris, là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng được
biết trong việc tôn trọng người khác. Cô ấy thường xuyên nói cho tôi
biết là cô yêu tôi đến mức nào, rằng cô ấy thật may mắn biết bao khi
được sống chung cùng tôi. Tôi cũng làm giống như vậy với cô ấy, bởi vì
chính những điều này là hoàn toàn giống với những gì tôi cảm nhận. Và
bạn biết sao không? Cứ mỗi lần cô ấy bày tỏ sự tôn trọng đối với tôi,
tôi lại càng thấy yêu thương cô ấy nhiều hơn nữa. Và cô ấy cho phép tôi
tin tưởng chắc chắn rằng, cùng một cảm giác như vậy cũng đến với cô ấy.
Nhưng chúng tôi không phải làm thế như là một cách để được yêu thương,
mà hoàn toàn vì chúng tôi muốn chú ý vào một việc: chúng tôi thật may
mắn biết bao khi được có nhau như hai người bạn cùng chia sẻ.
Lấy một ví dụ, tôi sẽ phải đi xa cho một buổi diễn thuyết ở đâu đó, và
Kris sẽ để lại cho tôi một lời nhắn thật ngọt ngào qua điện thoại, cho
tôi biết là cô ấy rất biết ơn khi tôi sẵn lòng làm việc thật tích cực
vì gia đình. Gần như cùng lúc ấy, tôi cũng nhắn về cho cô ấy, nói cho
cô ấy biết rằng tôi rất biết ơn cô ấy đã sẵn lòng, và có đủ khả năng để
ở lại nhà với các con, mang lại cho chúng tình thương yêu mà chúng cần
có và xứng đáng được có, trong khi tôi phải đi xa. Cả hai chúng tôi đều
chân thành nhận thấy rằng người bạn đời của mình đã có những hy sinh ít
nhất là không thua kém mình, và chúng tôi cùng sát cánh bên nhau. Khi
cô ấy phải đi xa trong lúc tôi ở lại nhà, có vẻ như chúng tôi lại đổi
ngược cho nhau những lời đã nói. Cô ấy biết ơn việc tôi sẵn lòng và có
thể ở nhà, trong khi tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn như thế về việc cô ấy
đi xa để đóng góp thêm nữa vào cho gia đình.
Kris và tôi đã sống chung với nhau hơn mười lăm năm, và ngày
nay chúng tôi còn yêu thương nhau hơn cả những ngày đã qua. Tôi hoàn
toàn chắc chắn rằng quyết định không coi thường lẫn nhau là một trong
những lý do chính của kết quả này. Tôi dám cuộc là bạn sẽ sửng sốt khi
thấy được sức mạnh của giải pháp này, nếu như bạn thử qua một lần.
Trong thời gian chờ đợi, đừng chú ý đến những cung cách đối xử mình
nhận được, mà hãy chú ý vào cung cách đối xử của chính mình. Tôi tin
rằng khi bạn quyết định thôi không coi thường vợ (hoặc chồng) mình như
lâu nay nữa, dần dần cô ấy (hay anh ấy) cũng sẽ bắt đầu làm như bạn.
Thật là dễ chịu với cảm giác biết ơn người khác. Hãy thử xem, rồi bạn
sẽ thấy thích.