39. Giữ một nhịp sống tỉnh táo
Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhiều người trong chúng ta sống
với một nhịp sống mà chỉ có thể miêu tả là như điên. Thêm vào với những
nhu cầu khủng khiếp trong việc xoay sở, kiếm sống và nuôi nấng gia
đình, thực hiện các trách nhiệm hàng ngày, nhiều người trong chúng ta
còn cố gắng tham gia vào các hoạt động xã hội, luyện thể lực, hoạt động
từ thiện hay tự nguyện, hoặc các hoạt động giải trí nữa. Chúng ta luôn
phải cố gắng một cách ghê gớm để có thể giữ mình trong tình trạng hoàn
hảo, để luôn là những bậc cha mẹ tốt, công dân tốt và bạn tốt... Và nếu
điều kiện cho phép, hầu hết chúng ta đều cũng muốn được chơi đùa đôi
chút. Vấn đề ở đây là, mỗi người chúng ta chỉ có vỏn vẹn 24 giờ một
ngày. Có quá nhiều việc để phải làm trong thời gian đó.
Có nhiều yếu tố khác đóng góp vào sự tăng tốc của cuộc sống, trong đó
có cả yếu tố công nghệ và sự mong đợi ngày càng cao hơn. Máy điện toán,
các thiết bị điện, và những hình thức khác của công nghệ đã làm cho thế
giới của chúng ta dường như nhỏ hơn và che dấu đi sự hạn chế của chúng
ta về thời gian. Chúng ta có thể thực hiện mọi việc nhanh chóng hơn bao
giờ hết. Thật không may là, điều này đã tạo nên một cảm giác thiếu kiên
nhẫn, cảm giác mong đợi mọi việc được hoàn tất tức thì. Tôi đã từng
trông thấy nhiều người tỏ ra bực bội chỉ vì phải chờ đợi trong đôi phút
ở một chỗ bán thực phẩm ăn nhanh, hoặc khó chịu vì chiếc máy vi tính
của họ khởi động lâu hơn đôi chút. Chúng ta trở nên căng thẳng vì giao
thông trở ngại và quên hẳn một thực tế là chúng ta đang được đưa đi rất
nhanh trong một chiếc xe hơi hoặc xe buýt thật thoải mái. Thật vậy, sự
mong đợi của chúng ta dường như đã gia tăng đến một đỉnh điểm mà nhiều
người trong chúng ta muốn làm gần như tất cả mọi việc. Không bao giờ là
đủ cả – chúng ta cần phải có nhiều hơn và làm được nhiều hơn.
Nếu chúng ta cố làm quá nhiều việc, cuối cùng thường là sẽ phải lao đi
như điên cuồng từ việc này sang việc khác. Và khi vội vã, chúng ta dễ
dàng trở nên bực dọc và có khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt
vãnh. Thêm vào đó, trong trạng thái hối hả, chúng ta hiếm khi cảm nhận
được sự thỏa mãn về những gì chúng ta đang làm, bởi vì chúng ta chỉ
luôn tập trung sự chú ý vào việc làm sao chuyển nhanh sang chuyện sắp
tới. Thay vì sống trong hiện tại, chúng ta đã bị đẩy sang giây phút
chưa xảy đến.
Giữ một nhịp sống tỉnh táo có lợi nhiều hơn là chỉ giữ cho chúng ta
được tỉnh táo. Nó mang lại một sự phong phú cho sự trải nghiệm của
chúng ta, mà vốn không thể nào có được khi quay cuồng một cách quá
nhanh chóng. Có điều gì đó rất kỳ diệu khi bạn có được một chút thời
gian trống giữa hai công việc tiếp nối nhau – một cảm giác bình thản,
cảm giác có đủ thời gian. Tôi đã nhận ra rằng việc giữ một nhịp sống
tỉnh táo tự nó là một phần thưởng, một cảm giác thỏa mãn nhờ vào chính
nó.
Nếu tôi phải chọn giữa việc thực hiện 5 việc với một cung cách hối hả,
thôi thúc, hoặc là thực hiện 4 việc một cách bình thản và êm ả, tôi sẽ
chọn hướng thứ hai này. Điều rõ ràng là, có những lúc mà việc hối hả là
một thực tế mà bạn không thể nào tránh được. Có đôi lúc, dường như là
bạn phải có mặt cùng lúc ở hai hoặc ba nơi. Tuy nhiên, thường thì có
nhiều dạng hối hả do chính chúng ta tự tạo ra.
Chỉ đơn giản bằng cách tỉnh táo nhận thức được khuynh hướng vội vã
của chính mình trong cuộc sống, và đặt ra cho mình mục tiêu giữ một
nhịp sống tỉnh táo, bạn có thể rồi sẽ tìm ra những phương thức tinh tế
để làm chậm nhịp sống của mình lại, và trở nên bình thản hơn một chút,
thoát khỏi sự căng thẳng. Tôi nghĩ là nếu bạn có thể nào thư thả lại,
cho dù là đôi chút thôi, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn theo nhiều
cách.