48. Dễ dãi hơn với những người hàng xóm
Điều rất dễ dàng là thấy khó chịu với những người hàng xóm.
Nói cho cùng, hầu hết chúng ta đều sống kế bên, hay ít nhất là cũng rất
gần, với những người khác. Chúng ta nghe thấy tiếng những người hàng
xóm qua các vách tường, hay bên kia bờ rào, gặp họ thường xuyên, và có
nhiều cơ hội để chứng kiến một số trong những thói quen dễ gây bực mình
nhất của họ. Chúng ta phải đối mặt với những con thú nuôi của họ, sự bề
bộn, những thùng đựng rác, và cả tiếng ồn của họ nữa. Đôi khi chúng ta
phải nhìn thấy cái sân nhà dơ nhớp, hay những bãi cỏ không cắt xén.
Chúng ta buộc lòng phải nhìn thấy những công việc xây dựng dở dang
trong nhà họ, những vạt cỏ dại, những bờ rào chỉ sơn phết được nửa
chừng. Thậm chí, đôi lúc chúng ta còn phải nghe cả những trận cãi nhau
hay nhiều thứ khác mà có thể là họ cũng không muốn chúng ta nghe được.
Liệu có gì đáng ngạc nhiên khi mà có một số người hàng xóm dường như
không thể nào chịu đựng lẫn nhau?
Nếu bạn thường cáu lên vì những chuyện vặt với người hàng xóm của mình,
bạn rất có thể đi đến chỗ phát khùng, bởi vì sẽ có rất nhiều chuyện vặt
với những người hàng xóm để mà tranh cãi.
Cách tốt nhất để giữ gìn sự tỉnh táo của bạn là nhớ trong đầu
một chuyện gì đó mà bạn không muốn nghe đến hay thừa nhận. Tuy nhiên,
điều quan trọng là phải nhớ rằng những người hàng xóm cũng có những khó
chịu giống như ta – họ cũng phải đối mặt với chúng ta vậy! Tôi còn dám
chắc rằng, từ cách nhìn của họ, chúng ta cũng là những người khó chơi –
thậm chí còn khó chơi hơn cả họ nữa.
Nếu bạn luôn nghĩ rằng bạn đúng và khăng khăng cho rằng những người
hàng xóm của bạn là khó khăn, trong khi chính bạn mới là một người hàng
xóm hoàn hảo, sẽ rất khó mà thuyết phục bạn nghĩ theo hướng khác đi.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể tưởng tượng đổi ngược lại vai trò giữa bạn và
những người hàng xóm ấy, chỉ trong đôi phút, và cố gắng nhìn mọi việc
từ góc nhìn của họ, điều đó có thể sẽ giúp bạn bớt căng thẳng đôi chút.
Thông thường, khi người ta thuê một căn hộ hay mua được một căn nhà, họ
bao giờ cũng nghĩ (và cũng công bằng thôi) rằng mình đã hy sinh lâu dài
và khó nhọc, và xứng đáng được sống ở đó theo như cách mình đã chọn.
Nếu bạn trung thực, hẳn bạn sẽ nhận là mình cũng suy nghĩ vậy. Những
điều khó nghe nhất đối với một người có lẽ là khi một người hàng xóm cố
nói cho họ biết rằng cái sân của họ phải nên như thế nào, rằng con chó
của họ cần phải bớt làm ồn hơn, hay bản thân họ cần nhỏ giọng đi sau 10
giờ đêm.
Điều quan trọng là cần đặt bản thân mình vào vị trí của những người
hàng xóm. Cố gắng có những cảm thông với hoàn cảnh của họ. Điều này
không có nghĩa là bạn cần phải thụ động và để mặc cho họ lạm dụng bạn
theo bất cứ cách nào họ muốn – hoặc những yêu cầu của bạn là không hợp
lý và bạn không nên cố gắng làm mọi thứ để thay đổi những gì thật sự
quan trọng. Tuy nhiên, đề xuất này có nghĩa là bạn cần cân nhắc, chọn
lựa những tranh luận của mình một cách hết sức thận trọng. Bạn có thể
biết cách bất đồng ý kiến với những chuẩn mực nào đó của một người hàng
xóm mà không cần thiết phải cáu gắt, bực dọc. Bạn cũng có thể biết giao
tiếp với họ theo cách cởi mở mà tự mình cũng không thấy khó chịu hay
bối rối. Và khi bạn làm như thế, bạn sẽ khám phá ra rằng một đa số rất
nhiều người hàng xóm cũng có những điểm giống như bạn. Hầu hết mọi
người đều muốn sống trong sự hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau. Vấn đề
là, có nhiều người đã trải qua những kinh nghiệm sống không tốt đẹp với
hàng xóm, và rồi tiếp cận với mọi người hàng xóm khác, và những xung
đột liên quan, theo một cung cách tự bảo vệ mình. Trong thực tế thì
điều này có nghĩa là họ luôn tìm kiếm những lý do nào đó để không tin
cậy hoặc bất đồng với bạn. Họ luôn trong tư thế tự vệ, sẵn sàng gây
chiến. Nếu bạn có một dấu hiệu nào đó phù hợp với định kiến của họ, họ
sẽ nhanh chóng trở nên rất khó khăn và khe khắt.
Nếu chính bạn, hay những người hàng xóm của bạn, rơi vào trường hợp nêu
trên, điều tốt nhất mà bạn có thể làm là hãy cố gắng để khơi dậy những
gì tốt nhất từ những người hàng xóm của mình, thay vì là những gì tồi
tệ nhất. Mở rộng lòng ra và cố gắng tìm một điểm khởi đầu mới mẻ. Hãy
xem bạn có thể làm được gì để hoàn thiện mối quan hệ này. Hãy làm người
đến trước trong việc khởi sự xây dựng quan hệ hòa thuận. Chẳng hạn, mời
người hàng xóm của bạn sang uống một tách cà phê. Tự đặt cho mình những
câu hỏi như: «Tôi có thể làm được gì để cho mối quan hệ này tốt hơn đôi
chút?» và «Tôi có làm điều gì tạo thêm rắc rối trong quan hệ này
không?» Bạn không thể thay đổi những người hàng xóm của mình, nhưng bạn
có thể thay đổi chính hành động của bạn.
Một cách nữa để dễ dãi hơn với những người hàng xóm của bạn là
hãy cố đừng chú ý đến những thói quen có thể gây bực mình của họ, mà là
vào những điều tốt đẹp họ làm. Lấy ví dụ, bạn rất dễ quen chú ý đến một
buổi tiệc vui không thường xuyên kéo dài quá khuya của một thiếu niên
con nhà hàng xóm, nhưng lại hoàn toàn quên đi rằng hầu hết những thời
gian khác trong năm, cũng gia đình này, thường rất yên tĩnh. Đây chính
là dịp tốt để áp dụng việc không cáu gắt với những chuyện vặt. Thường
thì điều rất dễ làm là sang ngủ một phòng khác, hoặc nhét nút tai vào
để khỏi nghe thấy tiếng ồn trong suốt thời gian bữa tiệc, nếu như bạn
bị khó ngủ vì sự ồn ào. Và nếu như bạn thành thật, cũng chỉ mất chừng
mười phút để dọn sạch bất cứ rác bẩn nào đó trong sân nhà nếu có. Điều
tất nhiên vẫn thường xảy ra là có vài ba lần tiệc tùng trong một năm,
thế thôi. Bằng cách dễ dãi hơn với những người hàng xóm của bạn, tôi
nghĩ là rồi bạn sẽ thấy việc sống chung hòa hợp là dễ dàng hơn nhiều so
với sự tưởng tượng của bạn trước đây.