45. Khi yêu thương hãy chấp nhận mọi thứ
Điều đáng buồn, nhưng hầu như trong rất nhiều trường hợp
những người mà chúng ta yêu thương với những đòi hỏi khe khắt nhất, lại
chính là những người mà ta yêu thương nhiều nhất. Nói cách khác, trong
khi chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua hoặc xem như không có đối với
những khuyết điểm hoặc phong cách riêng tư của một người hoàn toàn xa
lạ, thì lại khó mà có thể làm được như vậy với con cái hoặc vợ, chồng
mình.
Điều này được tôi chú ý đến là nhờ một người bạn thân. Cô này nhận thấy
tôi đặt những điều kiện mong đợi quá cao nơi hai đứa con gái, và vì thế
nói với tôi rằng: «Tôi thấy dường như là trong mọi khía cạnh về việc
chăm sóc con cái anh đều tốt cả, nhưng anh có nhận biết một điều là,
nhìn chung có vẻ như anh nghĩ rằng các con anh luôn luôn phải năng động
và vui vẻ?» Và cô ấy tiếp tục hỏi tôi: «Anh có thể tưởng tượng là phải
khó khăn đến mức nào để sống đúng theo cách nghĩ như vậy của anh
không?» Câu hỏi này như một cú đánh mạnh vào đầu tôi. Nhận xét của cô
bạn có làm tôi hơi tự ái một chút, nhưng đáng ngạc nhiên là nó thật
chính xác. Và hóa ra đây lại là một sự soi sáng quan trọng mà đã giúp
ích cho tôi rất nhiều.
Cô bạn tôi hoàn toàn đúng. Trong hầu hết mọi chuyện, tôi luôn chấp nhận
việc đa số mọi người không phải bao giờ cũng được hạnh phúc vui vẻ. Tôi
tin là tôi đã rất hoàn hảo trong việc chấp nhận được bản chất thực tế
của hết thảy mọi người. Tuy nhiên, tôi lại có một thói quen xấu là phản
ứng thất vọng đối với chính các con tôi, hầu như bất cứ khi nào mà
chúng bày tỏ một trạng thái cảm xúc nào đó khác hơn là sự vui vẻ.
Điều mà tôi đã nhận biết được là, giống như hầu hết mọi người, tôi cũng
đặt những điều kiện mong đợi khe khắt nhất lên những người mà tôi yêu
thương nhất. Hãy thử nghĩ đến một ví dụ rất rõ nét như thế này: Giả sử
có một người hàng xóm đến chơi và làm đổ ly sữa trên sàn nhà, hẳn là
bạn sẽ nói: «Ồ, đừng quan tâm chuyện ấy, để rồi tôi sẽ làm sạch thôi.»
Tuy nhiên, nếu một đứa con của bạn cũng mắc lỗi y hệt như thế, liệu bạn
có phản ứng giống hệt như vậy chăng? Hay là bạn sẽ bộc lộ thái độ thất
vọng, tức tối, bực dọc? Dù vậy, chính đứa con bạn mới là người mà bạn
yêu thương với cả tấm lòng – không phải người hàng xóm.
Hoặc là, bạn có thể hoàn toàn chấp nhận được những thói tật vô hại của
một người bạn đến chơi, nhưng lại cảm thấy như muốn nổi khùng lên với
những thói tật nào đó của vợ (hoặc chồng) mình, mặc dù chúng có thể là
hoàn toàn tương tự như nhau.
Tôi không muốn đi sâu quá nhiều vào mặt phân tích ở đây về lý do cho
những chuẩn mực lệch lạc như vừa nói. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất
lại là việc chúng ta nhận ra được khuynh hướng của chính mình trong
việc đặt ra những điều kiện mong đợi cực kỳ khe khắt đối với những
người thân yêu nhất của mình, và vì thế bắt đầu yêu thương mà ít đòi
hỏi hơn.
Trong trường hợp của tôi, điều có ích nhất là tập thói quen luôn nhớ
rằng mọi người bao giờ cũng khác biệt nhau trong cách bộc lộ ra bên
ngoài của họ – bao gồm cả các con tôi. Tôi cần phải biết tôn trọng các
con tôi và cách sống của chúng, giống như tôi đã biết cố gắng tôn trọng
tất cả mọi người khác. Và bạn có biết không? Điều này thật sự mang lại
hiệu quả. Tôi tin là các con tôi đều cảm nhận được nỗ lực chân thành
của tôi trong việc trở nên ít phê phán hơn và yêu thương một cách không
đòi hỏi. Và tôi cũng cảm nhận được một tình yêu thương tương tự như thế
từ các con tôi.
Nếu bạn đặt một ưu tiên hàng đầu cho việc chấp nhận mọi thứ từ
những người bạn yêu thương nhất, tôi tin là bạn sẽ được tưởng thưởng
xứng đáng bằng chính tình yêu thương mà bạn mang lại tràn ngập trong
gia đình.