7. Hãy lắng nghe
Nếu như tôi phải chọn ra một giải pháp duy nhất nhằm có lợi
cho mọi quan hệ và giải quyết được tất cả những rắc rối trong gia đình,
giải pháp đó hẳn là: hãy biết lắng nghe nhiều hơn. Và cho dù đại đa số
mọi người đều cần phải học hỏi rất nhiều trong lãnh vực này, tôi vẫn
phải nói rằng, chính chúng ta, những người đàn ông, cần phải thực hành
giải pháp này nhiều nhất.
Trong số hàng trăm phụ nữ mà tôi từng được biết, và hàng ngàn người tôi
đã tiếp chuyện qua công việc, một đa số rất lớn than phiền rằng cha,
chồng, bạn trai hay một người quen thân nào đó của họ là không biết
lắng nghe. Và hầu hết đều nói rằng, chỉ một sự cải thiện nhỏ nhất trong
cách lắng nghe người khác cũng sẽ được họ hết sức vui lòng đón nhận, và
chắc chắn là sẽ làm cho mối quan hệ của đôi bên trở nên tốt đẹp hơn,
bất kể đó là mối quan hệ gì. Việc lắng nghe gần như là một liều thuốc
thần diệu được đảm bảo bao giờ cũng mang lại kết quả tốt.
Thật là thú vị khi nói chuyện với những cặp tình nhân thừa nhận là mình
đang yêu nhau. Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn hỏi họ về bí quyết
đạt đến tình yêu, họ sẽ chỉ ra việc biết lắng nghe của người bạn mình
như là một trong những yếu tố nổi bật nhất đã tạo nên quan hệ tốt đẹp.
Điều này cũng đúng trong những mối quan hệ tốt giữa cha con, cũng như
với bạn trai, bạn gái.
Vậy thì tại sao, nếu như kết quả là rất tốt đẹp và chắc chắn, lại quá
ít người trong chúng ta trở nên những người biết lắng nghe tốt? Có một
vài lý do nảy ra trong ý nghĩ của tôi. Trước hết, là những người đàn
ông, nhiều người trong chúng ta có cảm giác việc lắng nghe là một giải
pháp không tích cực. Nói cách khác, trong khi ngồi yên lắng nghe, thay
vì là nhảy nhổm lên, thì chúng ta không có được cảm giác như là mình
đang làm được một điều gì đó. Chúng ta có cảm giác là mình đang quá thụ
động. Thật là khó để chúng ta chấp nhận được rằng, việc lắng nghe người
khác tự thân nó đã là một cách hành động.
Cách vượt qua điều ngăn ngại đặc biệt này là bắt đầu tìm hiểu xem những
người thân của ta đánh giá việc được ta lắng nghe như thế nào. Khi một
người nào đó chân thành lắng nghe ta, ta có cảm giác mình đang được cảm
thông và được yêu thương. Điều đó nuôi dưỡng tinh thần chúng ta và làm
cho chúng ta cảm thấy mình được người khác hiểu. Ngược lại, khi chúng
ta cảm thấy người khác không lắng nghe mình, lòng ta thấy chán ngán.
Chúng ta cảm giác như có điều gì đó thiếu thốn, như mọi việc chưa kết
thúc và chúng ta không thỏa mãn.
Một lý do chủ yếu khác nữa giải thích vì sao quá ít người trong chúng
ta trở thành người biết lắng nghe, đó là chúng ta không nhận ra được
chúng ta kém cỏi đến mức nào trong việc này. Thế nhưng, nếu không có ai
đó bảo cho ta biết, hoặc chỉ ra điều này bằng cách nào đó, thử hỏi làm
sao chúng ta biết được? Khả năng kém cỏi trong việc lắng nghe người
khác trở thành một thứ thói xấu vô hình mà ngay cả chúng ta không nhận
biết là mình đang có. Và bởi vì chúng ta có quá nhiều quan hệ bè bạn,
khả năng lắng nghe của chúng ta có vẻ dường như là thỏa đáng rồi, và ta
không quan tâm nhiều đến nữa.
Để xác định được bạn là người biết lắng nghe có hiệu quả đến mức độ nào
đòi hỏi rất nhiều sự trung thực và khiêm tốn. Bạn phải sẵn sàng dằn
lòng xuống và lắng nghe chính mình ngay mỗi lúc bạn nhảy chồm lên và
ngắt lời người khác. Hoặc là bạn phải kiên nhẫn hơn một chút và tự quan
sát mình vào những lúc bạn sắp bỏ đi, hoặc bắt đầu nghĩ đến một điều gì
khác, trước khi người nói chuyện với mình kịp chấm dứt câu chuyện.
Điều này sẽ dẫn đến một kết quả hầu như được đảm bảo trước. Bạn
có thể sẽ phải kinh ngạc khi thấy những khó khăn, rắc rối trước đây tự
chúng được giải quyết nhanh chóng như thế nào, cũng như bạn sẽ cảm thấy
gần gũi hơn như thế nào với những người mình yêu thương, khi bạn chỉ
cần đơn giản là chịu bình tâm lại và trở thành một người biết lắng nghe
hơn. Biết lắng nghe là cả một nghệ thuật, nhưng lại hoàn toàn không có
gì phức tạp. Thông thường, tất cả những gì cần phải có chỉ là khuynh
hướng muốn trở thành người biết lắng nghe, theo sau là đôi chút thực
hành. Tôi chắc rằng nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền bù xứng đáng.