40. Đừng làm một người hy sinh thái quá
Không cần phải nói, tất cả chúng ta đều có những hy sinh,
những thỏa thuận trao đổi trong các mối quan hệ của mình và trong đời
sống gia đình. Hầu hết những hy sinh này đều là đáng giá. Tuy nhiên,
cũng giống như bao nhiêu việc khác (kể cả những việc tốt), những gì
nhiều quá vẫn phải được thừa nhận là quá nhiều.
Điều rõ ràng là, mức độ chịu đựng của mỗi người về sự căng thẳng, trách
nhiệm, sự thiếu ngủ, sự hy sinh, sự gian khổ, và tất cả những việc khác
nữa, đều khác biệt nhau, chẳng ai giống ai. Nói cách khác, một điều có
thể là cực kỳ dễ dàng đối với bạn, lại có thể là rất khó khăn đối với
tôi – và ngược lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu chú ý đến những cảm
giác của mình một cách trung thực, mỗi người chúng ta đều biết được khi
nào thì sự căng thẳng tăng lên quá độ. Và khi đó, chúng ta thường cảm
thấy cực kỳ chán nản, bực dọc, và có lẽ nhiều hơn cả là cảm giác oán
hận. Chúng ta thường tự cho mình là đúng, và thuyết phục mình là đang
làm việc cực nhọc hơn những người khác, và rằng chúng ta chịu đựng
nhiều hơn bất kỳ ai khác.
Nhiều người trong chúng ta (trong đó có chính tôi) đã rơi vào khuynh
hướng trở thành người hy sinh thái quá. Điều này rất dễ xảy ra bởi vì
thường có một đường ranh rất nhỏ khó phân biệt giữa sự làm việc tích
cực vì thật sự cần thiết và làm việc quá sức vì những việc tưởng là cần
thiết.
Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là, không ai thật sự có được chút lợi ích
nào từ một người hy sinh thái quá, hoặc là đánh giá cao anh ta. Với bản
thân, anh ta là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình – luôn luôn bận rộn
trong đầu óc với hàng khối việc phải làm và thường xuyên tự nhủ rằng
cuộc sống của mình thật khó khăn biết bao. Mặc cảm tinh thần dai dẳng
này vắt kiệt hết những niềm vui trong cuộc sống của anh ta. Và đối với
mọi người chung quanh, người mang mặc cảm hy sinh như thế là một người
hay than vãn thái quá, tự trói buộc bản thân đến mức không thể nhận ra
những vẻ đẹp trong cuộc sống. Thay vì là cảm thấy tội nghiệp cho anh
ta, hoặc nhìn nhận anh ta là thua thiệt, như anh ta thường mong muốn
như vậy, những người chung quanh lại thường đánh giá những khó khăn của
anh ta là hoàn toàn tự chuốc lấy.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có khuynh hướng trở thành một
người hy sinh thái quá như thế, tôi mong bạn hãy từ bỏ ngay đi. Thay vì
tiêu phí hết sinh lực của mình để làm công việc cho kẻ khác, hãy để lại
điều gì đó cho một người khác làm. Chọn lấy cho mình một thú vui nhỏ.
Dành ra mỗi ngày đôi phút để làm điều gì đó cho chính mình – điều gì mà
bạn thấy thật sự vui thích. Bạn sẽ thấy kinh ngạc vì hai việc. Thứ
nhất, bạn sẽ thật sự bắt đầu vui thích với cuộc sống, cảm nhận được
nhiều sinh lực hơn khi cảm thấy bớt đi nhiều căng thẳng. Không có gì
làm mất đi nhiều sinh lực hơn là cảm giác oán hận và cảm thấy thua
thiệt. Thứ hai, khi bạn xóa bỏ đi sự oán hận và ý nghĩ rằng mọi việc
mình làm chỉ là vì bổn phận, mọi người chung quanh sẽ bắt đầu đánh giá
cao bạn hơn là trước đó. Thay vì cảm thấy rằng bạn đang oán hờn họ, giờ
đây họ sẽ cảm nhận rằng bạn yêu thích và trân trọng họ – và bạn cũng sẽ
làm như vậy. Nói tóm lại, mọi người đều có lợi khi bạn từ bỏ đi thái độ
mặc cảm thua thiệt và khuynh hướng trở thành một người hy sinh thái quá.