42. Tôn trọng cha mẹ vợ (hoặc chồng)
Phải thừa nhận là điều này khá dễ dàng đối với tôi, do vì cha mẹ
vợ tôi là những người tốt đẹp, và vợ tôi cũng may mắn như vậy, vì cha
mẹ tôi cũng là những người rất tuyệt vời. Tuy nhiên, đối với nhiều
người thì mối quan hệ với phía vợ (hoặc chồng) chí ít cũng là một thách
thức trong tình cảm riêng tư. Và cho dù ngay cả khi bạn có được tình
cảm thật sự, thì đôi khi vẫn phải có những hy sinh nhất định, đơn giản
chỉ vì đó là bản chất tự nhiên của đời sống gia đình.
Lấy ví dụ, bạn sẽ phải có những thương lượng về việc sẽ đi nghỉ ở đâu.
Bạn cũng phải giải quyết những vấn đề gần như không thể nào tránh được
của những mâu thuẫn đời sống và nuôi dạy con cái – sự khác biệt về tôn
giáo, quan điểm khác nhau về vai trò của cha mẹ, về kỷ luật trong gia
đình, việc chi tiêu, dành dụm, sự quan trọng trong việc dành thời gian
cho gia đình... và nhiều chuyện khác nữa.
Mặc dù vậy, bất chấp những khác biệt có thể có giữa đôi bên, tôi vẫn
tin rằng hầu hết các mối quan hệ có được sau hôn nhân đều có khả năng
phát triển trong yêu thương và kính trọng.
Bí quyết để tạo quan hệ tốt với hầu hết mọi người trong trường hợp này
vẫn là biết giữ thái độ trân trọng. Cho dù chắc chắn có nhiều khác biệt
trong những vấn đề mà bạn phải đối phó, thì một thái độ trân trọng sẽ
giúp bạn có thể đánh giá đúng những khác biệt đó, thay vì là luôn luôn
phản kháng lại.
Một điều rất dễ bị quên đi là, nếu bạn yêu thương vợ (hoặc chồng) mình,
bạn phải biết ơn cha mẹ vợ rất nhiều. Không có sự sinh thành, nuôi
dưỡng của họ, bạn hẳn đã kết hợp với một người nào khác, hoặc phải sống
cô đơn. Hầu như trong mọi trường hợp, cha mẹ vợ của bạn (hoặc một trong
hai người) đã phải vất vả để nuôi lớn người mà ngày nay là vợ (hoặc
chồng) của bạn. Vì vậy, cho dù bạn có nghĩ gì đi chăng nữa, những người
đó vẫn giữ một vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của người bạn
đời của bạn.
Mỗi khi nảy ra ý nghĩ phê phán quy trách nhiệm kiểu như: «Thảo nào mà
vợ (hoặc chồng) mình lại chẳng xấu đến thế.» hãy nhớ rằng, điều ngược
lại cũng sẽ đúng. Nếu bạn quy lỗi cho cha mẹ vợ về những lỗi lầm của
vợ, thì đồng thời cũng phải biết ơn họ về những phẩm chất tốt đẹp của
cô ấy nữa. Thêm vào đó, nếu bạn có con, một phần thể chất của chúng
cũng có những yếu tố di truyền từ họ. Không có phần góp sức của họ, các
con bạn hẳn là không thể giống như ngày nay. Nếu bạn nghĩ rằng các con
mình ngoan ngoãn đáng yêu – và ai mà không nghĩ thế chứ? – thì một phần
của sự ngoan ngoãn đáng yêu đó có được là từ cha mẹ vợ (hoặc chồng) của
bạn.
Hãy tin tôi, tôi không phải là loại người tránh né thực tiễn
đời sống, để rồi mang ảo tưởng là mọi cái đều tốt đẹp. Tôi thừa nhận là
mọi quan hệ đề cập ở đây đều có những khó khăn nhất định, cũng giống
như rồi một lúc nào đó giữa tôi với con rể trong tương lai (điều chắc
chắn sẽ đến thôi). Tuy nhiên, hãy xem bạn có được những chọn lựa nào?
Bạn có thể tiếp tục than phiền về cha mẹ vợ (hoặc chồng), đưa ra những
lời bông đùa châm chọc tệ hại về những khó khăn trong quan hệ với họ,
và ao ước sao cho họ có thể thay đổi khác đi; hoặc thay vì vậy, bạn có
thể bắt đầu quên đi những điểm đáng bực mình từ phía họ, và chú ý nhiều
đến khía cạnh rằng đó là những người mình thật sự phải mang ơn. Đây là
một quyết định không khó khăn gì lắm. Hãy cố giữ tấm lòng biết ơn và
tôi đoan chắc là bạn sẽ có thể hoàn thiện rất đáng kể những mối quan hệ
này.