69. Nội tâm thế nào, cuộc sống thế ấy
Giải pháp mang tính triết lý này đã giúp ích cho tôi rất
nhiều lần trong cuộc sống trưởng thành. Giá trị to lớn nhất của nó là
có thể giúp bạn lấy lại sự quân bình của mình trong những lúc mà cuộc
sống dường như quá bề bộn hay vượt khỏi tầm kiểm soát. Lý thuyết này
xuất phát từ nhận thức là thế giới bên ngoài bạn – hoàn cảnh chung
quanh, mức độ tiếng ồn, sự yên tĩnh hay hỗn loạn trong cuộc sống –
thường là một sự phản ánh từ thế giới bên trong: mức độ bình thản, thư
thái (hay sự thiếu vắng những yếu tố này) bạn đang có trong tâm trí.
Nhiều người phản đối mạnh mẽ lý thuyết này, bởi vì nó có vẻ không chắc
chắn mấy. Ai lại muốn tin rằng một cuộc sống hỗn độn có thể là kết quả
của, cho dù chỉ một phần nào, một đầu óc cuồng nhiệt? Xét cho cùng,
điều dễ tin hơn là: cuộc sống của bạn bề bộn phải do nơi hoàn cảnh
chung quanh, do thời biểu làm việc, và những trách nhiệm phải cáng
đáng. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nhún mình một chút để chấp nhận rằng lý
thuyết này đúng, điều đó sẽ có thể là cực kỳ hữu ích. Bởi vì, trong khi
bạn chẳng có mấy khả năng kiểm soát thế giới bên ngoài, thì bạn lại
thật sự có thể thay đổi được nhiều điều từ bên trong.
Một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất là cuốn «Wherever You Go,
There You Are» (Dù bạn đi đến đâu, vẫn là bạn) của Jon Kabat-Zinn. Hãy
suy nghĩ một chút về ý nghĩa then chốt trong tựa sách này. Nó nói lên
một cách chính xác là, nếu bạn dễ căng thẳng, luôn hấp tấp, và thiếu tổ
chức ở một nơi, bạn sẽ lập lại y hệt những tính chất này cho dù bạn có
đi đến một nơi nào khác.
Lấy ví dụ, có bao giờ bạn đã gặp một người luôn luôn đến trễ? Liệu có
ích gì không nếu bạn cho thêm người ấy 10 phút sớm hơn để chuẩn bị?
Không, chẳng ích gì cả. Lý do rất đơn giản: thói quen tạo ra khuynh
hướng đến trễ không phải được tạo ra từ nơi cái đồng hồ, hoặc thời gian
trong ngày, hoặc thậm chí là số lượng công việc phải làm trong ngày đó.
Thay vì vậy, nó xuất phát từ một xu hướng bên trong: thói quen luôn
luôn đợi đến phút cuối cùng mới chịu ra đi. Bạn có thể thay đổi những
yếu tố bên ngoài: nơi nào người ấy sẽ đến, người ấy sẽ gặp ai... nhưng
rồi bằng cách nào đó, người ấy vẫn sẽ luôn luôn đến trễ. Người ấy sẽ
luôn luôn có sẵn hàng khối lý do, nhưng sự thật vẫn không thay đổi:
người ấy luôn luôn đến trễ. Thói quen này, cũng giống như bao nhiêu
thói quen khác nữa, xuất phát từ bên trong con người và được phản ánh
lại trong cuộc sống bên ngoài của người đó.
Phần quan trọng nhất đề cập ở đây có liên quan đến câu hỏi: «Điều gì
đến trước, tâm hồn yên tĩnh hay cuộc sống yên tĩnh?» Nếu bạn nghĩ đến
tựa sách vừa nêu của Kabat-Zinn, câu trả lời là quá rõ ràng, cho dù khó
được chấp nhận: «Một tâm hồn yên tĩnh dẫn đến một cuộc sống bình yên ở
bên ngoài.» Nói cách khác, nếu cuộc sống của bạn dường như quá sức chịu
đựng, nơi tốt nhất để bạn khởi sự việc hoàn thiện nó là bên trong tâm
hồn mình. Có thể là bạn cần phải nghỉ ngơi, hoặc thay đổi nhịp độ làm
việc. Có thể bạn cần thêm ít thời gian cho riêng mình. Có thể bạn cần
giảm bớt thời gian xem ti-vi và dành thêm thời gian đọc những cuốn sách
bổ ích.
Hoặc là, việc tập ngồi thiền hay dành thời gian cầu nguyện có thể có
ích chăng? Cũng có thể bạn cần ngủ ít hơn một chút, hoặc thức dậy sớm
hơn để có ít thời gian yên tĩnh một mình. Mỗi người cần một phương thức
điều chỉnh khác nhau, bởi vì mỗi người trong chúng ta có những nhu cầu
khác nhau. Dù vậy, chính bản thân việc chấp nhận đơn giản rằng cội rễ
của mọi vấn đề là nằm ở bên trong tâm hồn bạn, không phải do những hoàn
cảnh bên ngoài, thường tự nó đã là một điều hữu ích, bởi vì nó quy
trách nhiệm đúng vào nơi phát khởi vấn đề: bên trong tâm hồn mỗi chúng
ta. Lần tới đây khi bạn có cảm giác quá tải hoặc chán nản, hãy tạm dừng
đôi chút và soi rọi vào nội tâm. Nếu bạn làm như thế, tôi chắc bạn sẽ
đồng ý rằng: cuộc sống bên ngoài được phản ánh từ thế giới nội tâm. Chỉ
đơn giản nhận ra mối quan hệ này, bạn có thể sẽ biết rất rõ cần phải
làm gì tiếp theo để giải quyết vấn đề.