30. Sống buông xả bình thản
Buông xả bình thản là cụm từ tôi dùng để miêu tả một quá
trình buông bỏ trong gia đình cũng như mọi nơi khác. Nói một cách đơn
giản, điều này có nghĩa là bình thản trước sự hỗn độn của cuộc sống,
với sự tán thành và khiêm tốn. Nghĩa là một hình thức của sự chấp nhận,
hài lòng với hiện thực, và chấm dứt không còn vật lộn với cuộc sống nữa.
Thường thì chúng ta hay vật lộn với nhiều phạm vi trong cuộc sống mà
phần lớn là vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta – tiếng ồn, sự
nhầm lẫn, những nhận xét mà ta không hài lòng, những món đồ thất lạc,
sự thô lỗ, sự khiếm khuyết, những điều tiêu cực, những chiếc tẩu thuốc
gãy, những đường ống nước bị nghẽn... gần như bất cứ điều gì. Chúng ta
chống lại, nổi giận và bực tức, rồi mong muốn cho sự việc đổi khác đi.
Chúng ta phàn nàn, cáu kỉnh và than vãn. Cho dù vậy, thêm vào tất cả
những chuyện bực dọc này rồi thì kết quả cuối cùng vẫn là như vậy:
những điều phiền lòng vẫn y nguyên như cũ. Những thái độ tức tối của
chúng ta như nghiến răng, nắm chặt tay đấm... cũng chẳng tạo ra được sự
khác biệt nào dù là nhỏ nhất. Trong thực tế, chúng chỉ như đổ thêm dầu
vào lửa, thường làm cho sự việc càng tồi tệ hơn cả mức thật có.
Buông xả bình thản không có nghĩa là thua cuộc. Cũng không phải là thờ
ơ, lười nhác hay không quan tâm. Thay vì vậy, đây là một thái độ chấp
nhận thích hợp, là sẵn lòng buông bỏ tính cố chấp xưa nay của chúng ta,
cho rằng mọi chuyện trong đời phải xảy ra theo một cách nhất định nào
đó, hay là phải khác hơn so với thực tại. Ý nghĩa khôn ngoan trong giải
pháp này cũng đơn giản thôi: cho dù bạn có mong muốn mọi chuyện khác đi
(hoặc đòi hỏi như thế), chúng vẫn không thay đổi. Chúng vẫn hiện hữu
đúng như thực tại.
Điều này cũng không có nghĩa là bạn không nên thực hiện những
đổi thay hay thúc đẩy sự hoàn thiện. Bạn hoàn toàn nên làm những điều
đó khi thấy là quan trọng hay cần thiết. Điều mà giải pháp này đang đề
cập đến là sự bực bội khi mọi việc xảy ra không như ý muốn.
Phương pháp sống buông xả bình thản là bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt.
Ví dụ như, trong khi rửa bát đĩa, bạn bộc lộ bản chất con người – là
không hoàn thiện – và làm rơi vỡ một cái đĩa. Thay vì là kêu thét lên
rồi dậm chân vì bực tức, hãy xem bạn có thể nào chấp nhận giây phút đó
đúng như thực tại – thực tại có cái đĩa đã vỡ. Không có vấn đề gì to
tát, không cần phải bực dọc, không cần phải hốt hoảng. Chỉ một sự chấp
nhận trìu mến đối với sự thật trong hiện tại. Kìa là cái đĩa vỡ, trước
mặt bạn, trên mặt đất. Vấn đề là: giờ bạn sẽ làm gì đây? Cái đĩa đã vỡ
rồi. Bạn có thể căng thẳng đôi tay hơn để rồi có lẽ sẽ làm vỡ thêm một
cái khác, hoặc là bạn có thể thư giãn đi và nhận ra tính hài hước trong
một sự thật là tất cả chúng ta đều không hoàn thiện.
Một ví dụ khác có thể là về chuyện giao tiếp giữa vợ chồng. Nếu vợ (hay
chồng) bạn nói một điều gì đó mà thường thì có thể làm bạn bực mình,
hãy xem bạn có thể nào phản ứng một cách hơi khác đi chăng. Thay vì cảm
thấy bực bội với nhu cầu cần đưa ra lời phê phán của vợ (hoặc chồng)
mình trong lúc ấy, xem bạn có thể nào «phớt lờ» đi, và tỏ thái độ yêu
thương bất chấp sự phê phán đó. Cũng như trường hợp trước, lời phê phán
giờ đây đã được đưa ra. Phản ứng như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào
bạn. Nếu bạn có thể thay đổi đi cách phản ứng theo thói quen lâu nay,
để phản ứng theo một cách hòa dịu hơn, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng mọi
việc rồi ra cũng đều tốt đẹp cả.
Trong gia đình chúng tôi, có một câu cách ngôn nhỏ mà một trong hai đứa
bé đã nghĩ ra. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng đó là một cách thật tuyệt để mô
tả cách sống buông xả bình thản. Khi một vật gì đó đổ vỡ, hoặc có điều
gì thật sự không hay xảy ra, một trong hai đứa trẻ sẽ nói câu này: «Ái
chà, chuyện gì cũng có thể xảy ra.» Nói một cách khác, chuyện vùng vẫy
liệu có ích gì đâu?
Giải pháp này đặc biệt hiệu quả khi có rất nhiều chuyện lộn xộn xảy ra
trong nhà. Mới hôm qua đây, tôi ở nhà với cả hai đứa trẻ và hai nhóc
bạn của chúng. Tất cả bọn trẻ đều đã đói, và tôi thì vẫn chưa lau chùi
xong những chỗ bẩn cuối cùng. Điện thoại reo cùng lúc với chuông gọi
cửa. Trong một lúc, tôi nghĩ rằng mình sắp phát điên lên được. Rồi thì
tôi nhớ ra, thở một hơi thật sâu và buông bỏ. Trong giây phút hỗn loạn
đó, điều tốt nhất tôi có thể làm là thực hành sống buông xả, hoàn toàn
thư giãn. Điều thú vị đối với tôi trong chuyện này, cũng như mọi trường
hợp tương tự khác mà tôi có thể nhớ lại, là ngay lúc tôi buông xả và
thôi không vật lộn với sự việc nữa thì mọi thứ bắt đầu lắng dịu.
Nếu bạn sẵn lòng thử nghiệm giải pháp này một lần, bạn sẽ kinh
ngạc trước kết quả thấy được. Bạn càng bình thản hơn thì cuộc sống của
bạn sẽ càng dễ dàng hơn. Thay vì làm trầm trọng thêm những sự việc
không hay và nhận lấy những gì tồi tệ nhất nơi người khác, bạn sẽ bắt
đầu biết cách chặn đứng điều không hay ngay khi nó còn chưa kịp phát
triển thêm. Với thời gian, và với sự rèn luyện đôi chút, bạn sẽ bắt đầu
trải nghiệm những cơn hỗn loạn dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Sẽ giảm
đi rất nhiều kịch tính trong cuộc sống của bạn. Vì thế, hãy bắt đầu
ngay hôm nay, để xem bạn có thể nào giảm nhẹ sự hỗn loạn bằng vào cách
sống buông xả bình thản này hay không.