6. Tha thứ cho những cơn nóng giận
>
Tôi không cần biết các bạn là ai – hay quan hệ như thế nào với nhau –,
vẫn sẽ có những lúc bạn hoàn toàn mất tự chủ. Thường thì những chuyện
như vậy thật sự chẳng to tát gì lắm. Bạn nổi nóng lên hoặc to tiếng.
Bạn cảm thấy bị xúc phạm hoặc coi thường. Bạn đưa cả hai tay lên với
một sự ghê tởm. Bạn quá căng thẳng đến mức cảm thấy như mình sắp quỵ
ngã. Thậm chí bạn còn có thể nguyền rủa, hay tệ hại hơn, đấm vào cái gì
hoặc ném đi một vật gì đó... Thế nhưng, trừ khi bạn đã thật sự làm bị
thương ai đó hoặc chính mình, bằng không thì điều quan trọng là phải
biết tha thứ cho những cơn nóng giận như thế, chấp nhận rằng mình cũng
chỉ là một con người, và tiếp tục vượt qua, tự hứa là sẽ bớt nóng giận
hơn. Đó là những gì tốt nhất mà bạn có thể làm.
Tôi tin rằng vấn đề lớn hơn một cơn nóng giận là việc chúng ta tự hành
hạ mình sau đó. Chúng ta tự nhủ rằng mình là người tồi tệ biết bao,
rằng chuyện mình đã làm thật tồi tệ biết bao. Chúng ta cảm thấy có lỗi
và chứa đầy trong tâm trí mình những ý tưởng tiêu cực, tự thán. Đáng
buồn thay, kiểu đối thoại nội tâm tự nhận lỗi như thế này chẳng bao giờ
kèm theo được điều gì tích cực, và trong thực tế còn có thể tạo điều
kiện cho chúng ta dễ dàng lập lại đúng những hành vi tồi tệ đã qua, vì
nó giữ tâm trí ta chú ý và tập trung mãi vào sự việc đó.
Trong công việc của mình, tôi đã được gặp một số những nhân vật quan
trọng, kể cả nhiều bác sĩ điều trị chuyên khoa nổi tiếng trên thế giới,
và các tác giả chuyên hướng dẫn người khác lối sống thanh thản... Cho
dù hầu hết đều là những người hiền hòa và giàu lòng yêu thương, thì
cũng không có ai trong số họ, theo như tự nhận, lại thoát được những
cơn bộc phát tình cảm thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ai cũng là con người, và
đều xứng đáng được tha thứ. Nhất là với chính mình.
Trở thành một người ôn hòa hơn, đặc biệt là với những người thân quen
trong gia đình, là một tiến trình liên tục, chẳng bao giờ có điểm cuối.
Nhiều người vẫn thường nói với tôi rằng: «Tôi đã biết cách trở nên một
người ít nóng giận, và tôi thấy vui hơn bao giờ hết. Nhưng có đôi lúc
tôi vẫn còn nổi nóng.» Hầu như lúc nào tôi cũng đáp lại rằng: «Xin chúc
mừng! Bạn đã tiến bộ nhiều lắm đấy.»
Một trong những bí quyết để tha thứ cho chính mình một cách
nhanh chóng là thú nhận rằng mình đã nóng giận, và tự nhủ lòng rằng
mình chắc chắn sẽ còn những cơn nóng giận như thế – có thể đến hàng
ngàn lần nữa. Điều đó tốt thôi. Vấn đề quan trọng hơn trong tiến trình
này là bạn đang đi đúng hướng. Và khi bạn khởi sự biết tha thứ cho
những cơn giận dữ của chính mình, sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc mở
rộng thái độ này đối với người khác. Thực tế là, trong gia đình tôi,
tôi có phần nào thích những lần như thế xảy ra – thỉnh thoảng thôi –
khi một trong hai đứa con tôi, hay Kris, nổi nóng lên đôi chút. Bởi vì,
những dịp này cho tôi cơ hội để thực tập lòng yêu thương, và nhắc nhở
tôi rằng, về cơ bản, tất cả chúng tôi đang cùng chung sống bên nhau.
Nói cho cùng, tôi biết quá rõ cảm giác tồi tệ lúc đó như thế nào. Điều
dự đoán của tôi là, nếu bạn có thể tha thứ nhiều hơn cho những cơn giận
dữ của chính mình và của người khác, những cảm giác suy sụp mà bạn phải
trải qua và khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt vãnh trong gia
đình đều sẽ giảm đi đáng kể.