23. Tự điều chỉnh lại mình đúng lúc
Trong mỗi gia đình đều có những dấu hiệu cảnh báo trước khi
một trận nhốn nháo nào đó sắp xảy ra. Vấn đề là, rất hiếm khi chúng ta
lắng nghe những dấu hiệu này. Thay vì vậy, chúng ta cứ tiếp tục công
việc của mình cho đến khi sự việc xảy ra và chế ngự chúng ta hoàn toàn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh được rất nhiều những lần như thế này
bằng vào việc lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo và rồi học biết cách sử
dụng chúng như những động lực để điều chỉnh lại mình.
Ví dụ như, một trong những dấu hiệu cảnh báo ở gia đình tôi xuất hiện
khi mà cả bốn chúng tôi đều cảm thấy gấp rút, hối hả. Có một cảm giác
quá khích không thể phủ nhận được hiện ra khi mà mọi người đều cảm thấy
bị thúc bách về thời gian và dường như đang hối hả loay hoay, bực dọc.
Trong cuộc sống gia đình, chúng tôi đã biết cách nhận ra cảm giác này
và dùng nó như một động lực để tự điều chỉnh lại. Nói cách khác, một
người trong chúng tôi khi nhận ra cảm giác này sẽ nói một câu như: «Ái
chà, mọi người xem, lại sắp có chuyện rồi đấy.» Hay một câu gì đó, đại
loại là cũng có hiệu quả giống như thế. Nhận xét đơn giản này cho phép
chúng tôi cùng thở một hơi dài, kiềm chế mình lại, và một cách thực
tiễn, bắt đầu lại mọi chuyện hay tự điều chỉnh ngay mức làm việc của
mình. Gần như bao giờ cũng vậy, dấu hiệu cảnh báo này cho biết rằng tất
cả chúng tôi cần phải tự kìm hãm và hòa nhập lại cùng nhau
.
Bằng vào việc sử dụng quá trình tự điều chỉnh này, chúng tôi có thể hòa
nhập và lấy lại thế quân bình của mỗi người. Và nhờ đó có thể cùng nhau
bắt đầu lại mọi việc. Với những lần như thế, nếu chúng tôi không lắng
nghe hoặc không chú ý đến dấu hiệu cảnh báo này, không khí trong nhà sẽ
ngày càng trở nên hối hả hơn và thường thì sẽ dẫn đến rất nhiều bực dọc.
Những dấu hiệu cảnh báo thông thường khác cũng gồm cả những trận cãi vã
căng thẳng giữa bọn trẻ với nhau. Bạn có thể dùng ngay chính chuyện cãi
vã ấy như một cơ hội để điều chỉnh lại trạng thái tinh thần và không
khí chung. Thay vì đợi cho một trận gây gổ bùng nổ hết mức của nó, hãy
hành động ngay trước khi mọi việc vượt ra ngoài tầm khống chế – dùng
những dấu hiệu cảnh báo trước đó như là động lực để điều chỉnh lại. Nếu
bạn chỉ có một đứa con, bạn có thể xem chuyện trẻ khóc như là dấu hiệu
này. Nếu bạn sống một mình, dấu hiệu điều chỉnh có thể xuất hiện vào
lúc mà có quá nhiều món để mua trong một buổi chợ, hoặc khi có quá
nhiều bát đĩa chất chồng trong chậu rửa. Những dấu hiệu này có thể kể
ra trong một danh sách rất dài, nhưng động lực tự điều chỉnh của bạn sẽ
là tương tự. Vấn đề ở đây là nhận ra sự căng thẳng sắp đến trước khi nó
thật sự xảy ra và chặn đứng ngay từ đầu.
Hãy nghĩ đến gia đình bạn trong một lúc thử xem. Liệu có những kiểu
căng thẳng nào nổi bật nhất hoặc thường xuyên được lập lại? Nếu có, có
những dấu hiệu cảnh báo nào xuất hiện trước đó chăng? Nếu bạn quan sát
vấn đề một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy là có đấy. Điều khôn ngoan là
biết vận dụng các dấu hiệu này theo hướng có lợi cho bạn. Hãy chú ý đến
và sử dụng chúng như là những động lực để điều chỉnh lại. Nếu bạn làm
được vậy, bạn sẽ thấy giảm đi rất nhiều căng thẳng trong gia đình.