1. HỎI: Thế nào là CHƠN KHÔNG DIỆU HỮU?
- Ø ĐÁP: Chơn không Diệu hữu thuộc về Giáo môn. Giáo môn nói đến Tự tánh về CÓ và KHÔNG: KHÔNG là Chơn không, CÓ là Diệu hữu; ý là cái “Có” chẳng phải thật có, cái “Không” chẳng phải thật không, là muốn mọi người không có chấp thật. Vì chấp thật là bệnh của chúng sanh, sở dĩ có cái khổ sanh tử luân hồi đều do bệnh chấp thật sinh ra. Tự tánh chẳng thể dùng lời nói tỏ bày, nói Chơn không Diệu hữu cũng là phương tiện tạm thời mà thôi.
Vậy thế nào là Diệu hữu, thế nào là Chơn không? Chữ DIỆU trong Kinh Phật là vi diệu, bất khả tư nghì, chẳng thể dùng tâm suy lường được; những gì có thể dùng tâm suy nghĩ tức chẳng phải là diệu. Cái KHÔNG tức thật không, hư không này chẳng phải thật không, chẳng phải chơn không, vì hễ người kiến tánh thì hư không tan nát, nếu là chơn không thì chẳng tan nát được.
Tôi giảng về CHƠN KHÔNG là hiển bày cái dụng: KHÔNG tức trống rỗng, trống rỗng tức không, ấy là cái dụng; có rỗng không chúng ta mới có thể ngồi tại đây, như cái bàn này, nếu chẳng có Không ( trống rỗng) thì chẳng thể sử dụng, cái tách chẳng có cái Không thì chẳng thể đựng nước đựng trà v.v… Nên phàm nói đến cái KHÔNG là để hiển bày cái dụng; muốn dụng ắt phải có cái Không, chẳng có cái Không thì chẳng thể sử dụng được. Cái Không lớn chừng nào thì sự dụng phát huy lớn chừng nấy.
Dụng của Tự tánh cũng vậy, sở dĩ mình sử dụng chẳng được là do các thứ tham, sân, si, phiền não che lắp cái Không, nay tham Thiền dùng “Cây chổi automatic” quét trống được bao nhiêu thì cái Không hiển bày được bấy nhiêu, tự động xài ra. KHÔNG tới cực thì dụng tới cực, tức là Phật. Trước mắt dùng chưa được, chỉ có thể tạm gọi là “Tiềm năng”, tức tiềm trong Tự tánh, đợi khi nào quét trống không rồi thì tự hiện ra cái dụng, như thế mới có thể gọi là Chơn không, cũng gọi là Diệu hữu (Bởi vì nếu không phát huy được sự dụng thì chẳng thể gọi là Diệu hữu).
Tức không tức dụng, tức dụng tức không, Chơn không Diệu Hữu đồng thời. Diệu hữu là dụng, Chơn không là thể, thể với dụng đồng thời, không có phân chia, ấy mới đúng với nghĩa “Tự tánh bất nhị”. Nếu chia ra thể và dụng tức đã thành hai, vì để giải thích nên mới nói thành hai vậy. Nay chúng ta chỉ thấy được cái dụng, muốn tìm ra cái thể thì chẳng thể được. Phật tử tham Thiền, đề khởi câu thoại đầu thì tự động hiện ra cái dụng, chẳng cần tác ý. Như tôi thường kể về cầu thủ Trương Quốc Anh (thủ môn), không qua tác ý mà chụp được quả banh. Trước khi chưa tham Thiền, khởi tâm muốn chụp được quả banh lại bị tuột mất, nay anh ấy đang ở Paris, thường tham gia các trận đấu tại Đức, Thụy Điển v.v… đều giành được thắng lợi, ấy là sự dụng automatic, không cần qua bộ não. Điều này nếu theo sự phân tích của khoa học thì thật vô lý, nhưng thực tế là vậy. Bởi vì dụng của Tự tánh chẳng cần qua bộ não nhưng làm việc của bộ não, nên mới gọi là Diệu hữu, chẳng thể hiểu theo tâm suy nghĩ.
2. HỎI: Thế nào là nghĩa ba câu trong Kinh Kim Cang?
- Ø ĐÁP: Như câu: “Chúng sanh, tức phi chúng sanh, thị danh chúng sanh”; “Thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế giới”; “Đệ nhất Ba-la-mật, tức phi đệ nhất Ba-la-mật, thị danh đệ nhất Ba-la-mật”… Kinh Kim Cang từ đầu đến cuối đều chẳng ngoài nghĩa ba câu này. Câu thứ nhất chấp “Thị chúng sanh” là đúng, câu thứ nhì quét câu thứ nhất nhưng lọt vào cái “Phi”, câu thứ ba “Thị danh” tức là giả danh: Câu thứ nhất “Thị chúng sanh” là giả danh, câu thứ nhì “Phi chúng sanh” là giả danh, câu thứ ba “Thị danh chúng sanh” cũng là giả danh. Nên câu thứ ba quét câu thứ nhất, câu thứ nhì và quét luôn cả câu thứ ba, quét triệt để mới đúng là nghĩa ba câu.
Nghĩa ba câu với nghĩa tứ cú giống nhau, cũng là quét triệt để, chẳng trụ ở cú nào. Nếu chúng ta thấu suốt được, chẳng những nghĩa ba câu của Kinh Kim Cang, bất cứ Kinh nào cũng vậy, không ngoài ý nghĩa ba câu và tứ cú kệ. Đối với vũ trụ vạn vật cũng thế: Cái tách, tức phi tách, thị danh tách; cái bình, tức phi bình, thị danh bình; cái ta, tức phi ta, thị danh ta; Phật, tức phi Phật, thị danh Phật v.v… chẳng ngoài nghĩa ba câu của Kinh Kim Cang vậy.
3. HỎI: Làm sao hàng phục tự tâm?
- Ø ĐÁP: Làm sao hàng phục được ư? Hễ khởi niệm thì lọt vào cú thứ nhất, “Không khởi niệm” lọt vào cú thứ hai, “Chẳng khởi niệm chẳng không khởi niệm” lọt vào cú thứ ba, “Cũng khởi niệm cũng không khởi niệm” lọt vào cú thứ tư. Muốn hàng phục chỉ có tham thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra chẳng còn cách nào khác! Chính cái nghi tình “Không hiểu không biết” là cây chổi automatic hàng phục hết! Có hàng phục được mới an trụ được, nếu không thì làm sao an trụ? Khi đề khởi câu thoại đầu, không cần biết đến có chạy theo lục trần hay không, hễ có chạy theo hay không chạy theo đều nằm trong tứ cú, nên chẳng biết tới.
4. HỎI: Thế nào là “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”?
- Ø ĐÁP: Ấy là trong Kinh Pháp Hoa. Nếu nói đến “Thế gian tướng thường trụ” thì thế gian tướng là tướng sanh diệt, làm sao thường trụ được? Nhưng vì có câu “Thị pháp trụ pháp vị”, tức là pháp nào trụ theo ngôi pháp đó; ví như cái tách thì trụ nơi ngôi pháp tách, khi nào cái tách đập bể rồi thì pháp vị “Tách” mất, trụ ngôi pháp vị miểng, hiện tiền trụ ngôi pháp vị miểng. Nếu đem miểng đốt thành tro thì trụ ngôi pháp vị tro, một làn gió thổi tro bay mất, từ pháp vị tro đổi thành pháp vị không, trụ nơi pháp vị “Không”. Thế gian tướng thường trụ nơi pháp vị hiện tiền ấy: Pháp vị “Sanh” hiện tiền trụ ngôi pháp vị sanh, Pháp vị “Diệt” hiện tiền trụ ngôi pháp vị diệt, nên nói Thế gian tướng thường trụ, là cái dụng của Tự tánh vậy. “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” có thể nói là hai câu cao nhất trong Kinh Pháp Hoa.
5. HỎI: Thiền tông lấy câu “Niệm Phật là ai” để tham, Tịnh độ niệm Phật lấy câu “A Di Đà Phật”, vậy sự thù thắng như thế nào để đạt đạo?
- Ø ĐÁP: Đức Phật dạy chúng sanh tu hành gồm tám mươi bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ của mọi chúng sanh. Mục đích của Phật chỉ muốn mọi chúng sanh đều thành Phật, đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn thoát khỏi tất cả khổ. Sở dĩ có tám mươi bốn ngàn pháp môn là tùy theo căn cơ trình độ, sở thích của từng chúng sanh, do vọng tâm của chúng sanh muôn ngàn sai biệt nên mới dạy nhiều pháp môn, nhưng quy tụ lại thành bốn loại: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì chú, Quán tưởng.
Tham Thiền là tham câu thoại đầu, Niệm Phật là Tịnh độ, hai cách tu khác nhau.
Tông chỉ của Tịnh Độ là TÍN, NGUYỆN, HÀNH TÍN là tin, gồm có ba:
1/ Tin lời của Phật không vọng ngữ.
2/ Tin kiếp này sẽ được vãng sanh.
3/ Tin Cõi Tịnh Độ không bệnh, không già, không chết, muốn gì được nấy.
NGUYỆN có hai: Đại nguyện và tiểu nguyện. Thế nào là tiểu nguyện? Là cầu cho mình được vãng sanh. Nhưng tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, không được vãng sanh. Tại sao? Như đã kể trên, tin Tịnh độ không có già, không bệnh, không chết thì làm sao có đi đầu thai để trả nợ? Phật pháp là nói về nhân quả; hễ tạo thiện nhân thì được thiện quả, tạo ác nhân ắt chịu ác quả, thiện quả tạm gác qua, về ác quả thì từ nhỏ tới lớn có ăn thịt cá không? Có sát sanh không? Cho dù bắt đầu từ bụng mẹ ra chưa hề đập chết con muỗi, không đạp chết con kiến, thế còn có ăn thịt không? Có ăn cá không? Nếu có, ăn một miếng thịt phải trả nợ một miếng thịt, ăn một con cá phải trả nợ một con cá, ấy mới hợp với nhân quả. Nếu vãng sanh Cực Lạc không trở lại nữa thì ai đầu thai trả nợ? Thế là không hợp với nhân quả rồi! Không hợp nhân quả thì không phải Phật pháp, nên nói tiểu nguyện không hợp với nhân quả, phải phát đại nguyện.
Đại nguyện như thế nào? Ví như người thiếu nợ không có tiền trả, hẹn lại kỳ sau: Những nợ mạng nợ thịt mà mình thiếu, nay dù làm việc thiện bố thí cúng dường đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, nguyện cùng ta sanh cõi Cực Lạc, còn những chúng sanh chưa sanh cõi Cực Lạc thì sau khi ta thành Phật rồi sẽ trở về độ hết tất cả chủ nợ, tất cả chúng sanh, ấy mới là đại nguyện, mới hợp nhân quả.
Lại, có hai thứ hạnh khi niệm Phật: Tán tâm niệm Phật và Nhất tâm niệm Phật. “Nhất tâm niệm Phật một câu hơn tán tâm niệm Phật ngàn lần”. Thế nào là tán tâm niệm Phật? Vừa niệm Phật vừa lo đủ thứ việc nhà, việc làm, lo Phật sự, lo ứng phó thí chủ v.v… Còn Nhất tâm niệm Phật là chỉ biết niệm Phật, ngoài ra không biết đến việc khác. Làm thế nào có thể nhất tâm niệm Phật?
Ngài Ấn Quang Pháp sư, Tổ thứ mười ba Tông Tịnh Độ Trung Quốc dạy về nhất tâm niệm Phật bằng cách ghi số (nhớ số) niệm Phật, từng câu một, từ 1 nhớ đến 10. Ví như niệm một câu “A Di Đà Phật” nhớ là 1. (chứ chẳng phải niệm thành “A Di Đà Phật 1, A Di Đà Phật 2…). Vậy từ 1 nhớ đến 10, nếu dài quá nhớ không hết thì chia thành hai đoạn như từ 1 –5, từ 6 – 10, hoặc chia thành ba: 1 –3, 4 – 6, 7 – 10. Đến khi nào thuộc lòng rồi bỏ sự ghi số mà chỉ niệm Phật, đến lúc quen thuộc rồi bốn chữ A Di Đà Phật luôn ở trong tâm, niệm cũng ở trong tâm, không niệm cũng ở trong tâm, ấy gọi là “Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”, đạt đến nhất tâm bất loạn vậy.
- Nhưng pháp môn niệm Phật là chấp thật, cần có chữ Tín; tham Thiền là phá chấp thật, cần có sự nghi. Tức là niệm “A Di Đà Phật” cần có lòng tin, còn tham câu “Niệm Phật là ai?” cần phải nghi. Do đó, nói “Thiền Tịnh song tu” là không được, hễ tu Tịnh Độ phải đúng theo tông chỉ của Tịnh Độ, tham thiền phải theo đúng tông chỉ của Thiền tông, nếu Thiền Tịnh song tu thì dứt khoát hai cái đều không thành.
6. HỎI: Đời mạt pháp nên tu pháp môn nào thích hợp?
- Ø ĐÁP: Theo lời của Tổ Sư cũng như lời của Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, bốn câu kệ trong Kinh Hoa Nghiêm:
Nhược nhơn dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo.
Chánh pháp cũng là duy tâm tạo, mạt pháp cũng là duy tâm tạo, “Nhất thiết” bao gồm tất cả pháp, đâu có phân biệt Chánh pháp hay mạt pháp! Do tâm của mình chấp thật thành có. Tổ sư Thiền tông nói: “Có thể chuyển mạt pháp thành Chánh pháp”; thượng căn, hạ căn cũng do tâm chấp thật thành có phân biệt, nên Tổ sư nói: “Chuyển hạ căn thành thượng căn”.
Nói đến mạt pháp Chánh pháp, trước kia chưa mở trí huệ, tôi cũng tin rằng trong mạt pháp con người không tham thiền được vì không có nhân tài. Nên trước kia tôi hoằng pháp Tịnh Độ, trải qua mười mấy – hai mươi năm, sau đó phát hiện chưa một người nào tu đúng tông chỉ Tịnh Độ, tu còn không có, nói chi vãng sanh!
* Ngày mùng 2 tháng 4 năm 1977 ÂL, ngài Trụ Trì Chùa Từ Ân bảo tôi hoằng pháp Tổ Sư Thiền, ấy chẳng phải ý tôi muốn, tôi đã từng phát nguyện là chưa kiến tánh thì không thuyết pháp. Trước đó một ngày, tôi được mời cúng dường tại Tịnh Xá Giác Huê ở Quận 5, Hòa Thượng Trụ Trì lúc cúng ngọ tại Chùa Từ Ân tuyên bố với các Phật tử rằng: ngày mai sẽ có thầy Duy Lực ra hoằng pháp Tổ Sư Thiền, lúc đó tôi còn chưa hay biết. Tối đến, Hòa Thượng mới thông báo cho tôi biết là sáng ngày Mùng 2 Phật tử đến nghe pháp.
Tôi bất đắc dĩ phải ra hoằng pháp, nhưng còn mang một thành kiến rằng: Tịnh Độ thích hợp hơn pháp Thiền, nên mỗi ngày tôi đều giảng ba lần về pháp Tịnh Độ. Ngày hôm sau, Hòa Thượng đến phòng tôi bảo: “Đừng nói pháp Tịnh Độ nữa mà phải giảng về pháp Thiền,Tịnh Độ đã nhiều người hoằng dương rồi nhưng pháp thiền thì chưa có người nào. “Mặc dù vậy, tôi vẫn giảng tiếp pháp môn Tịnh Độ trong vài ngày.
Tôi hoằng pháp Tịnh Độ, vạch rõ đường đi và tăng cường lòng tin cho Phật tử, kể các sự tích của Cổ Đức và các vị tu trong thời nay để chứng tỏ, nhưng người nghe vẫn không thực hành đúng theo tông chỉ của Tịnh Độ.
Tôi bắt đầu hoằng pháp Tổ Sư Thiền, Phật tử tham thiền trên năm trăm người, mặc dù chúng không hoàn toàn chuyên tu tham thiền, nhưng số tiểu ngộ phát huệ cũng có gần trăm người. So sánh với lúc hoằng Tịnh độ gần hai mươi năm, chưa có một người tu đúng tông chỉ, ngược lại khi hoằng pháp Tổ Sư Thiền từ mấy năm nay, lại có hơn mấy trăm người thực hành và cả trăm người được phát huệ, thông suốt kinh điển, thì biết pháp nào thù thắng hay không thù thắng, pháp nào thích hợp hay không thích hợp rồi.
Thật ra, thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp, đều lọt vào tứ cú. Nghi tình là quét sạch tứ cú thì có gì là thù thắng hay không thù thắng, thích hợp hay không thích hợp? Hiện nay nhân tài tham thiền rất nhiều, số người tham thiền đã xuất ngoại có mặt ở nhiều nước trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada… Vậy nếu hỏi đến pháp nào thù thắng, pháp nào thích hợp thì không biết đâu mà nói, tất cả đều do tâm mình, chứ không thể chấp vào lời của Phật, của Tổ.
Nếu chấp vào lời nói, ví như chấp vào tứ cú của Phật: Cú thứ nhất “Có”, cú thứ nhì “Không”, cú thứ ba: “Chẳng có chẳng không”, cú thứ tư: “Cũng có cũng không”. Mà ý Phật là muốn mình lìa tứ cú; hễ chấp “Có” thì Phật nói “Không” để phá chấp, hễ chấp “Không” thì Phật nói “Có” để phá chấp của chúng sanh. Lúc Phật nói “Có” ý Phật chẳng phải là có, lúc nói “Không” ý của Phật chẳng phải không, nếu chấp vào lời nói là nghịch với ý, nên Tổ Sư Thiền tông thí dụ như “Con chó và con sư tử”:
Có người liệng ra một cục xương, con chó liền đuổi theo cục xương, còn sư tử chẳng màng đến cục xương mà cắn ngay người đó. Con người dụ cho Tự tánh, cục xương dụ cho lời nói của Phật, của Tổ; hễ hướng về lời nói của Phật, Tổ mà ngộ ấy là con chó,hướng về Tự tánh mà ngộ mới là sư tử. Phật muốn mình làm con sư tử chứ không muốn mình là con chó, chớ nên đuổi theo lời mà chấp là thật. Lời nói ấy là khai thị cho người ngộ vào tự tánh, trong Kinh Pháp Hoa nói: “Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”, khai thị đó chẳng phải để ngộ nhập cái khai thị, mà là nhờ khai thị ngộ nhập tự tánh của mình. Thế thì không cần phân biệt thù thắng hay chẳng thù thắng, thích hợp hay chẳng thích hợp, tất cả đều do tâm của mình, do lòng tin của mình vậy.
7. HỎI: Tham Thiền kiếp này chưa kiến tánh, khi chết rồi đi về đâu?
- Ø ĐÁP: Đức Phật nói: “Nếu người giữ được ngũ giới thì không mất thân người,” tức kiếp sau sẽ đầu thai thành người, khỏi bị đọa vào tam ác đạo. Kiếp này mình trì ngũ giới, mặc dù chưa ngộ, kiếp sau đầu thai thành người, tiếp tục tham nữa, bởi cái nhân cách ấm cũng chẳng thể mất được. Vì trí Bát-nhã của mình trong A-lại-da thức được chứa trong kho không mất, đợi khi nào khởi lên vận hành rồi chủng tử mới mất, nếu chưa vận hành cứ giữ mãi trong kho Tạng thức, dù trải qua muôn ngàn kiếp cũng không mất.
Kiếp này tham Thiền ví như đi đường từ Chợ Lớn ra Sài Gòn gồm một trăm bước, hễ đi được một bước thì còn lại chín mươi chín bước, đi hai bước còn chín mươi tám bước, đi ba bước còn chín mươi bảy bước… Hễ đi được ba bước chết đi, kiếp sau bắt đầu từ bước thứ chín mươi bảy, hễ đi được năm mươi bước chết đi thì kiếp sau đi thêm năm mươi bước nữa, chứ không cần bắt đầu lại một trăm bước. Nay chúng ta còn sống thì cứ tham thiền mãi, khỏi cần lo cho việc chết, nếu cứ lo cho việc chết, chẳng những kiếp này không được tiến bộ, cũng khó được kiến tánh.
Nhiều người cho rằng: “Mình nghiệp chướng nặng quá làm sao kiến tánh?” Kỳ thật nghiệp chướng cũng là do tâm tạo, chứ có ai cho mình đâu! Ngài Vĩnh Gia trong bài Chứng Đạo Ca nói: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không”, Liễu tức liễu ngộ tự tánh. Trong lúc chiêm bao, phạm tội bị chính phủ trong chiêm bao bắt ở tù, chịu đủ thứ khổ, đến lúc thức tỉnh rồi tìm chính phủ trong chiêm bao ở đâu? Đủ thứ khổ trong chiêm bao, kể cả thân trong chiêm bao ở đâu?
Như tôi thường nói, hai thứ nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao; nhắm mắt chiêm bao ngủ đến sáng là hết, còn mở mắt chiêm bao phải đợi kiến tánh mới thức tỉnh được, mới hết. Chớ có nói do nghiệp chướng nặng, nói chẳng kiến tánh được, ấy là tâm mình tự bó buộc mình. Ví như trong Kinh Phật nói người nữ có năm thứ chướng, chẳng được làm cái này, cái kia… Cũng chính lời Phật phá năm thứ chướng này trong Kinh Pháp Hoa, có phẩm kể về Long Nữ thành Phật, chẳng những là nữ còn thuộc hàng súc sinh nữa!
Nên biết, lời nói của Phật chẳng thể chấp thật, mà chỉ để phá chấp thật của mình thôi. Người nào cũng có thể thành Phật, chỉ cần quyết tử dụng công phu, bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, thông minh hay ngu si v.v… đều có thể thành Phật. Chớ có nói rằng: “Ngày nay tham thiền mai chết sẽ ra sao?”, chớ có lo cho chết sẽ đi về đâu, hạt giống thành Phật đã gieo thì ắt có ngày thành Phật.
8. HỎI: Nhiều người nghĩ rằng: “Niệm Phật nếu mình vẫn còn nghiệp chướng, khi vãng sanh tiếp tục nhờ tha lực tiếp dẫn”, còn Thiền tông phải tự lực, hễ tự lực yếu thì kiếp sau dẫu được làm người, làm quan, có địa vị nhưng mê muội, phải lăn lóc trong dòng đời thì bao nhiêu công sức của kiếp trước bỏ hết sao?
- Ø ĐÁP: Không đúng. Phật pháp nói là nhân duyên, ví như trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Lục Tổ nói: “Quí vị được nghe tôi thuyết pháp, ấy là nhân duyên đã được gieo trồng từ bao nhiêu kiếp”. Đã có nhân duyên rồi thì nhân duyên ấy làm sao mất được! Nếu có mất là không đúng nhân quả. Lời của Sư bà vừa hỏi là lời nói bên Tịnh Độ, hễ chuyên về pháp mônTịnh Độ thì lời nói cũng hướng về pháp môn ấy.
Phật thuyết đủ thứ Kinh, ở Kinh này thì tán thán hạnh của Kinh này hạng nhất, ở quyển Kinh kia thì tán thán hạnh của Kinh kia hạng nhất, kết quả là Kinh nào thù thắng? Ý của Phật là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập, nên nói những lời phương tiện ấy. Như tôi vừa nói ở trên, về một phương diện khác, Phật nói người nữ có năm thứ chướng, nhưng ở Kinh Đại thừa liễu nghĩa như Kinh Pháp Hoa thì Phật lại phá năm thứ chướng của người nữ.
Về vấn đề tự lực và tha lực: Nếu có TỰ và THA chẳng phải pháp bất nhị của Tự tánh; Tự tánh bất nhị làm sao có tự và tha, mà nói là có tha lực để nhờ! Nếu có tha lực để nhờ thì Phật Thích Ca đã thành Phật, A-nan là em trai của ngài, ắt có thể nhờ Phật lực của người anh mà thành Phật sao! (Kinh Lăng Nghiêm). A-nan là em của Phật cũng chẳng thể nhờ, La Hầu La là con của Phật cũng chẳng thể nhờ, kể cả cha mẹ của Phật cũng chẳng thể nhờ thì tha lực làm sao nhờ được!
Bởi do tâm chấp thật của người tu Tịnh Độ rất nặng, Đức Phật chẳng thể nào khiến bỏ chấp được, nên phải tùy thuận chúng sanh: Tất cả mười pháp giới nếu chấp vào đó thì chi bằng tạm thời cho chấp vào Phật, tạo nhân duyên cho sanh cõi Tây Phương rồi, do hoàn cảnh khiến buông bỏ tập khí xong, chuyển qua tham Thiền mới có thể kiến tánh thành Phật. Bây giờ do tâm chấp quá nặng, nếu không tạm cho chấp thật thì chẳng có phương tiện cứu độ. Phật cứu độ chúng sanh không bỏ sót chúng sanh nào, mặc dù bệnh chấp quá nặng, nên mới có pháp môn Tịnh Độ.
Nếu có thể bỏ được bệnh chấp ngay kiếp này thì đâu cần đợi đến kiếp sau! kiếp này thành Phật có phải hơn không? Ví như nói “Hạ phẩm hạ sanh”, sau khi chết phải trải qua mười hai đại kiếp mới có thể ra khỏi, một đại kiếp biết phải trải qua thời gian bao lâu không? Nếu có thể ngay trong kiếp này, trải qua mấy mươi năm được thành Phật thì hay biết bao!
9. HỎI: Thế nào là đuổi theo lời nói?
- Ø ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri giác nãi chúng sanh”, nghĩa là sự biết của mình là chúng sanh. Căn bản của vô minh là tri giác (tri kiến), nên đối với người tham thiền, tri cũng là vọng, vô tri cũng là vọng, phải quét sạch, bởi vì vô tri cũng là tri. Tại sao vô tri cũng là tri? Nếu thật sự vô tri thì ai biết vô tri? Đã biết vô tri thì vô tri cũng là biết, là tri rồi.
10. HỎI: Vĩnh Gia Đại sư nói là phá ngã chấp và pháp chấp, vậy phàm phu cũng phá ngã chấp và pháp chấp, tại sao không được kiến tánh?
- Ø ĐÁP: Tôi nói nghi tình là cây chổi automatic, hễ khởi niệm “Phá” cũng lọt vào tứ cú, khởi niệm “Không phá” cũng lọt vào tứ cú. Phá là lọt vào cú thứ nhất, “Không phá” lọt vào cú thứ hai, tại ông có tâm chấp mới đuổi theo lời nói, hễ tôi giải thích lời này thì ông bắt theo lời kia để hỏi, vậy kiếp này hỏi đến kiếp kia cũng sẽ không hết. Như tôi đã ví dụ “Con chó và con sư tử”, lời nói của Tổ, của Phật nếu hướng vào đó đuổi theo là con chó; nếu hướng về Tự tánh mà ngộ mới là con sư tử. Hễ cứ đuổi theo lời nói thì không bao giờ dứt được, chỉ có tham thiền khởi nghi tình, đến khi ngộ vào tự tánh thì không cần hỏi nữa.
11. HỎI: Làm sao phân biệt Chơn nghi và hồ nghi?
- Ø ĐÁP: Trước đời nhà Tống, người tham thiền tự phát nghi mà không biết ấy là nghi, hễ khởi nghi mà tự chẳng biết mình đang tham Thiền thì sức nghi mạnh, nên thủ đoạn của Tổ sư hay khiến người tham thiền nghi tình nặng, mau ngộ. Sau đời nhà Tống, thủ đoạn của Tổ được kể ra, khiến không còn công hiệu, muốn phát nghi phải bắt buộc tham công án hay thoại đầu, đưa vào sự bó buộc để phát nghi thì sự nghi đó yếu.
- Ví như Đạo Lâm Thiền sư có một thị giả tên Hội Thông, ở với Sư nhiều năm chẳng được khai thị, trong tâm rất bức bách, tự nghĩ : “Đến đây học đạo gần mười năm mà chẳng được khai thị điều gì, cứ một năm qua rồi một năm như thế làm sao kiến tánh được! “Nghi tình rất nặng, rồi đến xin từ giả Sư, rằng: ”Con xuất gia là muốn học đạo, đến đây mấy năm thầy chẳng dạy bảo thì làm sao con kiến tánh được? Nay con xin đi nơi khác để học”.
Sư nói: “Nếu nói về thiền thì ở đây thầy cũng có một ít.”
HỎI: “Là cái gì? Xin thầy khai thị.”
Sư nhổ một sợi lông trên tà áo dài đang mặc, đem thổi trước mặt Hội Thông, Thông liền ngộ. Vì lúc đó nghi tình đã chín mùi.
Ngài Sùng Tín ở dưới Long Đàm: Thầy của ngài là Đạo Ngộ Thiền sư. Ngài ở nơi Đạo Ngộ mấy năm chẳng được dạy bảo, trong tâm rất nghi, cũng muốn từ giã đi nơi khác, bạch với thầy:
- “Con ở đây nhiều năm nhưng không được thầy khai thị, nay con xin đi chỗ khác”.
Thầy bảo: “Sao nói không có khai thị? Con bới cơm thì thầy ăn, rót trà thì thầy uống!” Sùng Tín ngay đó kiến tánh. Ấy là do nghi tình sâu nặng từ mấy năm mà tự chẳng hay biết, nói bể ra là kiến tánh liền.
Ngài Lâm Tế ở dưới Tổ sư Huỳnh bá mấy năm, Lâm Tế không có hỏi pháp, làm việc gì đều đúng quy củ, đều tốt. Lúc ấy ngài Mục Châu làm Thủ tọa, thấy Lâm Tế là một pháp khí, một ngày kia hỏi Lâm Tế: “Đến đây bao lâu rồi?”- ĐÁP: “Ba năm”.
HỎI: “Đã đến hỏi pháp Hòa thượng chưa?”
ĐÁP: “Không hỏi”.
HỎI: “Tại sao không đi hỏi?”
ĐÁP: “Không biết hỏi gì.”
- “Sao không hỏi đại ý của Phật pháp là gì?”
Lâm Tế vâng lời, đến Trượng thất hỏi ngài Huỳnh Bá: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?”
Hỏi chưa dứt câu, liền bị Huỳnh Bá đánh đập đuổi ra mà chẳng hiểu tại sao đi hỏi pháp lại bị đuổi ra? Trong tâm phát khởi nghi tình nặng. Gặp lại Thủ tọa, Thủ tọa hỏi thăm, đáp: “Tôi hỏi chưa dứt câu đã bị đánh đập đuổi ra rồi.”
Thủ tọa nói: “Thế thì hãy đi hỏi một lần nữa!”
Lâm Tế nói: “Thôi thôi”.
Thủ tọa cứ giục đi hỏi một lần nữa, kỳ này chắc chắn là sẽ thay đổi. Do nể Thủ tọa nên Lâm Tế vâng lời đi hỏi thêm một lần, y như cũ, câu hỏi chưa dứt đã bị đánh đập đuổi ra, khiến nghi tình càng thêm nặng.
Ngài Thủ tọa lại cứ giục đi hỏi lần thứ ba, rằng: “Việc gì cũng phải ba lần mới xong”. Vì thường ngày vị Thủ tọa đối xử với Lâm Tế rất tốt, nên bất đắc dĩ đi hỏi lần thứ ba, vẫn bị đánh đập đuổi ra. Trong bụng Lâm Tế rất nghi, hỏi pháp là việc đúng đắn, chẳng hiểu tại sao bị thầy đuổi?! Bèn đến phòng của Thủ tọa từ giã xin đi nơi khác.
Thủ tọa nói: “Muốn đi cũng được, nhưng phải đến từ giã Hòa Thượng”.
Lâm Tế đến từ giã, Huỳnh Bá bảo đi đến Cao An Thang gặp Đại Ngu Thiền Sư. Khi gặp Đại Ngu, hỏi: “Từ đâu đến?”
ĐÁP: Từ Huỳnh Bá.
HỎI: “Ngài có dạy bảo không?
Lâm Tế kể ra ba lần hỏi pháp đều bị đánh đuổi mà chẳng hiểu tại sao; Đại Ngu nói: “Huỳnh bá đã vì người phát tâm đại Từ bi, thế mà ngươi còn nói có lỗi, lỗi ở chỗ nào?”
Lâm tế ngay đó đại ngộ, nói: “Hóa ra Phật pháp ở chỗ Huỳnh Bá không nhiều!”
Sau khi ngộ thấu tam quan, lập tức trở về nơi Huỳnh Bá, thuật lại những lời của Đại Ngu, Huỳnh Bá nói: “Sao Đại Ngu lắm chuyện thế! Sau này phải cho ăn đòn mới được.”
Lâm Tế nói: “Khỏi đợi sau này, phải đánh ngay bây giờ! “Liền đánh Huỳnh Bá hai bạt tai, Huỳnh Bá biết Lâm Tế đã ngộ triệt để, cười ha hả bỏ qua. Trước kia là thầy đánh trò, nay bị trò đánh lại.
12. HỎI: Việc “Truy cứu ba lớp” của Lai Quả Thiền sư như thế nào?
- Ø ĐÁP: Tham thoại đầu hỏi “Niệm Phật là ai?” chỉ là truy cứu một lớp mà thôi. Nếu còn hỏi thêm “Người đang tham câu niệm Phật là ai ấy là ai? Lại hỏi thêm “Người biết tham câu Niệm Phật là ai ấy là ai? Là ai? Ấy là truy cứu hai – ba lớp, làm cho thức tâm đi truy tìm thì không phải là tham Thiền, chỉ là hồ nghi. Chánh nghi chỉ cho tâm không hiểu chứ không cho tâm đi tìm, chỉ hỏi “Niệm Phật là ai?”, không hiểu không biết, chỉ truy cứu một lớp.
13. HỎI: Thế nào là khi kiến tánh thì hư không tan rã?
- Ø ĐÁP: Nói đến vấn đề này, phải biết ba thứ: Không gian, thời gian, số lượng là gì. Vũ trụ vạn vật, hiện tượng thế giới hễ kiến lập danh, phải dựa trên ba thứ này, nếu rút ra ba thứ trên thì vũ trụ vạn vật liền tiêu diệt. Nhưng ba thứ này là cái gì? Chẳng phải là gì cả, vì không có bản thể: Không gian vốn chẳng có bản thể, thời gian, số lượng cũng vậy. Ba thứ này chỉ là ba khái niệm ở trong vọng tâm của mình, chúng ta đều bị ba khái niệm trói buộc. Người kiến tánh đập bể hư không chính là đập bể khái niệm không gian, xóa bỏ được khái niệm không gian, nên nói “Hư không tan rã”, chẳng bị không gian trói buộc.
Trong Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc” tức đập bể thời gian, xóa bỏ khái niệm thời gian, chẳng bị thời gian trói buộc.
Tổ Sư nói: “Nhất niệm vạn niên, vạn niên nhất niệm” tức đập bể khái niệm về số lượng. “Pháp thân vô vi, bất đọa chư số” cũng là đập bể khái niệm về số lượng. Nếu ba khái niệm trên được xóa bỏ hết, tan rã hết thì được tự do tự tại, nên nói người kiến tánh đập bể hư không vậy.
14. HỎI: Sự thấy của Phật và sự thấy của chúng sanh khác nhau như thế nào?
- Ø ĐÁP: Trong Kinh Niết Bàn có nói đến vấn đề “Điên đảo tưởng” Ngài Ca-diếp hỏi Phật: “Tại sao bậc Thánh có điên đảo tưởng mà không có phiền não, phàm phu có điên đảo tưởng nhưng lại có phiền não?”
Phật bảo: “Sao nói bậc Thánh có điên đảo tưởng?”
Ca-diếp nói: “Bậc Thánh thấy con trâu cũng gọi là trâu, thấy con ngựa cũng gọi là ngựa, vậy chẳng phải điên đảo tưởng ư!”
Phật bảo: “Tưởng có hai thứ: Một là thế lưu bố tưởng, tức thế gian đã phổ biến lưu hành; hai là trước tưởng, tức tư tưởng chấp trước. Phàm phu ở trong thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, nên gọi là điên đảo tưởng. Bậc Thánh chỉ có thế lưu bố tưởng, không có trước tưởng; thế gian gọi con trâu thì bậc Thánh cũng gọi theo nhưng không chấp thật là con trâu. Không có tư tưởng chấp thật nên không có phiền não, chứ chẳng phải bậc Thánh có điên đảo tưởng”.
Nay chúng ta đối với không gian, thời gian, số lượng vốn chẳng có thật mà chấp cho là thật, ấy là điên đảo tưởng, sanh ra đủ thứ phiền não, bậc Thánh đã đập bể hết nên tự do tự tại, chẳng có phiền não.
15. HỎI: Sư phụ nói: “Quét trống được bao nhiêu thì sự dụng hiện ra được bấy nhiêu, quét đến cực điểm thì thành Phật, quét từ từ sự dụng hiện ra từ từ”, vậy có giống bên Giáo môn không?
- Ø ĐÁP: Giáo môn chia thành từng cấp bậc, có năm mươi bảy cấp. Sự QUÉT của Tổ Sư Thiền là cây chổi automatic, quét trống được bao nhiêu thì sự dụng hiện ra bấy nhiêu, nhưng không chia ra từng cấp. Ví dụ một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ấy là do con người đem thời gian chia thành hai mươi bốn tiếng chứ thời gian làm sao có hai mươi bốn tiếng! Hễ có một phút thời gian thì sống trong một phút, có hai phút là sống trong hai phút, mỗi phút thời gian đều có cái dụng nhưng chẳng thể chia ra từng cấp. Tổ Sư Thiền không chia theo cấp bậc, còn sự chứng của Giáo môn có chia theo từng cấp: Sơ địa có quả của Sơ địa v.v…
16. HỎI: Vấn đề HÔN TRẦM làm sao đối trị?
- Ø ĐÁP: Người tham Thiền ai cũng phải trải qua giai đoạn hôn trầm, bởi vì buồn ngủ là nằm trong ngũ dục. Tài, sắc, danh, thực là dục, nhưng ngủ tại sao lại thuộc về dục? Thật tế thì tài, sắc, danh, thực thuộc ngoài thân, dễ đối trị, còn buồn ngủ thuộc trong thân, rất khó trị, nên Cổ Đức gọi là “Ma” (thùy ma). Đến giai đoạn này rồi mình phải quyết tử, ráng thức, lấy nước lạnh rửa mặt cho thức giấc. Hễ còn buồn ngủ nữa phải đi kinh hành, đi kiếm việc gì làm, vừa làm vừa tham, chớ có bỏ qua thoại đầu.
17. HỎI: Xin Sư phụ nói qua VẤN ĐỀ BỐ TÁT
- Ø ĐÁP: Bố Tát là quy định của giới luật, nếu người xuất gia không Bố tát dễ vi phạm giới luật. Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, môn đồ hỏi Phật “Sau khi Phật nhập diệt, lấy gì làm thầy?” Phật trả lời là “Lấy giới luật làm thầy”. Cho nên, bất cứ tông phái nào cũng phải hành theo giới luật, chẳng được vi phạm.
Muốn giữ giới phải Bố tát, chẳng phải có năm – ba người mới Bố tát, một người cũng phải Bố tát. Hễ một người thì tự tụng tự nghe, năm người thì một người tụng bốn người nghe; ba người thì một người tụng hai người nghe, một trăm người cũng vậy.
* Bố tát theo luật xuất gia là rất cần, chẳng những tụng giới, trước khi tụng, vị Yết-Ma hỏi chúng ba lần: “Vị nào trong nữa tháng này có phạm giới thì phải tự mình đứng ra phát lồ sám hối”. Hỏi ba lần và không ai đứng ra tức cả chúng đều giữ giới trong sạch; phải giữ giới trong sạch rồi mới được tụng giới, nếu có người nào giữ giới không trong sạch thì không được tụng.
* Vị Yết-ma thường phải hỏi ba lần, tụng một lần, tức bốn lần. Do giới luật rất nhiều nên phải nữa tháng tụng một lần để nhắc nhở. Vào thời Phật thì thọ giới, trì giới luôn trong ngày Bố tát, ở Trung Quốc đời sau này, Đạo Tuyên Luật sư lập ra Luật tông, bất kể tông phái nào đều phải lấy giới luật làm căn bản, ai ai cũng phải giữ giới; người Tỳ-kheo phải tu mười năm mới được xa thầy, trong mười năm phải học hai bộ luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Còn Tỳ-kheo-ni phải học mười hai năm mới được xa thầy. Vì Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni gọi là “Nhơn thiên sư biểu”, là bậc thầy của Trời, người, là Tăng bảo. Nếu trong Tam Bảo có Phật bảo, Pháp bảo mà thiếu Tăng bảo thì làm sao giáo hóa chúng sanh? Phật pháp ắt phải bị tiêu diệt vậy. Muốn Tam Bảo thường trụ thế gian, chắc chắn phải giữ giới luật.
* Về Tổ Sư Thiền, ngài Bác Sơn Thiền sư là người kiến tánh dưới Tào Động Tông, làm Tổ của Thiền Tông và Luật Tông, Thiền với Luật đi song song chứ chẳng phải tu thiền mà bỏ luật. Thời gần đây thì có Hư Vân Thiền sư và Lai Quả Thiền sư, cũng là vị giữ giới rất nghiêm túc. Tổ Đức Sơn có cây “Đức Sơn Bảng” rất nổi tiếng, người đến hỏi pháp chưa mở miệng đã bị gậy đánh lên đầu. Ngài có tiếng là vị mắng Phật mắng Tổ, nhưng giữ giới thì chưa ai bằng. Sở dĩ có mắng Phật mắng Tổ là do người chấp vào Phật thì mắng Phật, chấp vào Tổ thì mắng Tổ để phá chấp chứ chẳng phải thật sự mắng Phật mắng Tổ. Nên nói bất cứ pháp môn nào đều phải lấy giới luật làm căn bản, không thể lìa bỏ. Hễ lấy giới luật làm căn bản thì tất nhiên chẳng nối pháp tòng lâm cũng có thể hưng thịnh.
* Có người nói giữ giới và trì giới có hai cấp: Cấp phổ thông là giữ giới luật, cấp thứ nhì là Thiền giới, cũng gọi là Định Cộng Giới. Sao gọi Thiền giới? Ví như tham Thiền, khởi lên nghi tình hai mươi bốn giờ chẳng gián đoạn, vọng tưởng nổi lên không được, không trì không phạm, gọi là Thiền giới. Nếu công phu chưa đến đó, còn một giây phút gián đoạn, chính giây phút đó có thể phạm giới, chẳng được gọi là trì giới. Thế thì làm sao nói “Khỏi Bố Tát”!
18. HỎI: Xin Sư Phụ giảng về CÁCH THỰC HÀNH THAM TỔ SƯ THIỀN.
- Ø ĐÁP: Trước nhất phải biết ngồi thiền chẳng phải tham thiền, tham thiền chẳng cần ngồi. Nhiều người lầm tưởng ngồi thiền tức tham thiền, kỳ thật chẳng phải; bất cứ lúc nào cũng phải tham: Đi đứng nằm ngồi, đang làm công việc tay chân, sử dụng bộ não, đang ăn cơm, đi cầu, ngủ mê cũng phải tham. Chư Tổ ở Ấn Độ trên hình ảnh có đủ thứ cách ngồi, không nhất định phải ngồi Kiết già.
* Nhưng phải tham như thế nào? Chữ THAM là nghi, nghi tức không hiểu. Một việc gì đã thấu hiểu rồi thì hết nghi; tâm suy nghĩ giải thích câu thoại đầu, cho ra một câu đáp án ấy là Hồ nghi, chẳng phải Chánh nghi. Chánh nghi là chỉ cho tâm nghi, không cho tâm đi tìm hiểu, không cho tâm đi giải thích đáp án. Chánh nghi mới là tham thiền, hồ nghi chẳng phải tham thiền.
* Tham Thiền rất chú trọng đến nghi, chỉ cần có nghi tình, ngoài ra không cần biết đến tất cả. Các pháp tu khác hay trừ vọng tưởng hoặc buông bỏ vọng tưởng, tham Tổ Sư Thiền không cho trừ vọng tưởng, không được đè nén vọng tưởng, không được buông bỏ vọng tưởng, vọng tưởng nổi lên bao nhiêu cũng mặc kệ, không biết tới. Vậy thì phải làm sao? Chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình thì chính nghi tình đó là cây chổi automatic để quét sạch tất cả, có vọng tưởng cũng quét, không có vọng tưởng cũng quét, khỏi cần tác ý.
* LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỞI LÊN NGHI TÌNH? Phải nhìn vào câu thoại đầu. Ngài Hư Vân nói: “Thoại đầu là cây gậy”, như người đi đường nhờ cây gậy để đi, tham thiền nhờ câu thoại đầu làm cây gậy để đi.
Tham thoại đầu cũng gọi là khán thoại đầu, thoại đầu thì rất nhiều, muôn muôn ngàn ngàn, ở đây chỉ đề ra năm câu thoại đầu, mỗi người tự chọn một câu khó hiểu nhất, cảm thấy không hiểu nỗi thì câu đó thích hợp cho mình tham. Năm câu thoại đầu gồm:
1/ KHI CHƯA CÓ TRỜI ĐẤT TA LÀ CÁI GÌ?
2/ TRƯỚC KHI CHA MẸ CHƯA SANH, MẶT MŨI BẢN LAI CỦA TA NHƯ THẾ NÀO?
3/ CHẲNG PHẢI TÂM, CHẲNG PHẢI PHẬT, CHẲNG PHẢI VẬT, LÀ CÁI GÌ?
4/ VẠN PHÁP QUY MỘT, MỘT QUY CHỖ NÀO?
5/ SANH TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU?
Năm câu thoại đầu chỉ được chọn một câu khó hiểu nhất, tham đến kiến tánh thành Phật mới thôi, không cho lựa hai câu, cũng không được đổi qua đổi lại, phải ôm chặt lấy một câu thoại đầu tham đến cùng. Hỏi thầm trong bụng: “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Có hỏi thì có đáp, không hiểu thì đáp không ra, thắc mắc không hiểu tức đã phát khởi nghi tình. Hỏi lần thứ nhất, đáp không ra, hỏi tiếp lần thứ hai, vẫn đáp không ra, hỏi tiếp lần thứ ba … cứ hỏi tiếp hoài, ngày đêm chẳng ngừng, gọi là miên mật. Tham thiền cần có sự miên mật, miên là kéo dài, mật là không có kẽ hở, liên tiếp không có kẽ hở, không cho gián đoạn, miên mật mãi mới thành khối.
* Tham thiền chú trọng đến cái không hiểu, việc thế gian muốn hiểu thì khó, không hiểu thì dễ, nên bà già 80 – 90 tuổi vẫn tham được; trẻ con 3 – 4 tuổi cũng tham được, chỉ cần một cái không hiểu là được.
* Tham thiền nghi tình nặng, không hiểu nhiều, có thể ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở, ấy thì nhức chừng nào tốt chừng nấy, mặc dù lúc đó cảm thấy rất khó chịu nhưng phải ráng, vì đó là tình hình tốt, phải có tâm quyết tử mới có thể kiến tánh, cứ dũng mãnh tiến tới, chớ có sợ. Vì tình trạng đó chỉ kéo dài từ năm – bảy ngày sẽ hết. Nhưng nếu khi ngồi thiền có tình trạng nhức đầu tức ngực khó thở thì không được, phải mau đứng dậy đi kinh hành hoặc kiếm việc khác làm.
* THAM THIỀN KHÔNG PHÂN BIỆT TƯ CÁCH: Theo Phật pháp thì từ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa cho đến Tối Thượng thừa, thuộc về Chánh pháp luôn phải phá ngã chấp; nếu không phá ngã chấp thì chẳng thể ra khỏi sanh tử luân hồi.
* Căn bản của người tham thiền là PHÁ NGÃ CHẤP, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ SỢ, phải luôn luôn nhớ lấy. Hễ có sở đắc là còn chấp ngã, có sở cầu là còn chấp ngã, có sở sợ là còn chấp ngã, nên phải luôn nhớ chín chữ: VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ SỢ để phá. Tâm Kinh nói: “Vô trí diệc vô đắc”, chẳng những Thiền tông, các pháp môn khác cũng vậy.
* Thông thường, người ta nói đến “Trì Kinh”, lầm tưởng tụng Kinh tức trì Kinh, ấy là sai lầm. Trì là phải hành trì, nếu chỉ có tụng niệm, ấy là tụng niệm chứ chẳng phải trì Kinh. Nay chúng ta tham thiền tức trì Kinh. Tham Thiền là cây chổi automatic để trì Kinh, tham thiền là đúng theo ý chỉ của Bát Nhã Tâm Kinh.
* Người thường cho rằng tham thiền phải thượng căn thượng trí mới có thể tham được, sự thật từ lịch đại Tổ Sư cho đến đời Mãn Thanh, đã có bảy ngàn Tổ, vị Tổ nào cũng nói: “Ai cũng có thể tham được”, bất cứ già trẻ, nam nữ, thông minh, dốt nát, khờ ngốc v.v… Trong Truyền Đăng Lục, nhiều người khờ ngốc vẫn được kiến tánh, thì tại sao mọi người cứ cho tham thiền là khó? Tại không chịu thực hành, không có tham thiền mà chỉ nghe những người ham tạo tội địa ngục, chẳng biết Tổ Sư Thiền là gì, cứ lấy ý mình đoán, hễ thấy người ta ngồi thiền tưởng là tham thiền, nói là dễ tẩu hỏa nhập ma, ấy là sai lầm.
* Những người không biết về thiền mà phê bình thiền, tạo tội địa ngục rất nặng. Theo ngài Lai Quả Thiền sư trong Ngữ Lục của ngài nói: “Nếu phỉ báng thiền mà tự chướng ngại không dám tham thiền, phải đọa địa ngục Vô-Gián (Địa ngục A-Tỳ) một đại kiếp; hễ phỉ báng thiền làm chướng ngại người khác không dám tham thiền thì phải đọa địa ngục Vô gián bốn đại kiếp, chứ chẳng phải nói chơi vậy”. Nhiều người không biết, lấy ý mình nói đại, thật đáng thương xót.
* Tại sao chỉ chướng ngại mình chứ chẳng phải chướng ngại người khác mà phải đọa địa ngục một đại kiếp? Theo Lai Quả Thiền sư nói, tất cả Phật quá khứ, Phật vị lai đều do tham thiền mà thành Phật; hễ một người kiến tánh thành Phật sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Nay do mình phỉ báng thiền, chẳng được thành Phật, khiến vô lượng vô biên chúng sanh không được giải thoát, ấy là lỗi tại mình, nên có tội nặng như thế. Cho nên, phỉ báng thiền tạo tội rất nặng; theo tội thế gian chỉ một đền một, ví như đã cắt cổ một trăm con gà, ăn thịt một trăm con gà ấy, bất quá làm con gà một trăm đời để người khác cắt cổ, ăn thịt rồi là hết. Còn phỉ báng Phật pháp thì tội gấp muôn triệu ngàn lần, trong địa ngục A-tỳ hết đại kiếp này đến đại kiếp khác, thậm chí thế giới này hoại rồi phải dời đến thế giới khác để chịu tội. Thế nên, hễ mình không biết thì chớ nên phỉ báng, nói là có hại.
19. HỎI: Thế nào là thiền Mặc Chiếu? Thiền Mặc Chiếu có ở trong năm tông phái thiền không? Nguồn gốc từ đâu?
- Ø ĐÁP: Tổ Sư Thiền có năm tông phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng, Vân Môn. Thời nay chỉ còn lại hai tông Lâm Tế và Tào Động, ngoài ra các phái kia nghe nói đã chẳng còn con cháu, chỉ trừ ở Hàn Quốc còn phái Pháp Nhãn Tông. Tất cả năm tông phái đều chẳng dùng Mặc chiếu. Tại sao? Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, quy tụ lại cách thực hành thành bốn đại loại: Tham thiền, Niệm Phật, Trì chú, Quán tưởng. Mặc chiếu thuộc loại quán tưởng bên Giáo môn, còn Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, khác với Giáo môn, nên không bao giờ dạy người tu theo thiền Mặc chiếu.
Ngài Đại Huệ Thiền sư đời nhà Tống rất danh tiếng, trong quyển Lá Thư Thiền của ngài có đoạn chỉ trích những người trưởng lão lúc đương thời chưa kiến tánh dạy người tu Mặc chiếu; Lá Thư Thiền là những thư từ dạy tham Thiền của ngài gửi các vị quan chức, Thừa tướng đương thời. Trong thư ngài nêu ra thiền Mặc chiếu chẳng phải Tổ Sư Thiền, chỉ trích những người tu theo thiền Mặc chiếu rằng “Bọn họ chẳng phải con người, vì làm cho người khác tưởng lầm, không thể tu theo Chánh pháp, trở ngại cho sự kiến tánh của người khác”.
Còn theo Giáo môn cũng có cách tu “Tịch chiếu”, nhưng điều đó không nằm trong pháp hoằng dương của tôi. Tôi chỉ hoằng dương Tổ Sư thiền và dạy người tham thoại đầu, không dạy người tham công án, vì công án phức tạp hơn thoại đầu. Những người trước đây tu theo thiền Mặc chiếu cũng đã có căn bản, nay chuyển qua tham Tổ Sư Thiền cũng sẽ được mau tiến bộ.