240. HỎI: Tham thoại đầu không cho sử dụng thần thông, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, lúc ngài Lục Tổ trải tọa cụ ra, rõ ràng là Ngài sử dụng phép thần thông, vậy có trái với tông chỉ của Thiền tông không?
- Ø ĐÁP: Nói ngài Lục Tổ là pháp thiền tham thoại đầu là không đúng, có người hỏi tôi: “Tại sao Kinh Pháp Bảo Đàn không có dạy người tham Thiền?” Tôi trả lời: “Nếu Lục Tổ dạy người tham Thiền thì Ngài đã không đủ tư cách làm Tổ rồi”. Bởi vì vào thời đại của ngài chỉ là dùng thủ đoạn để khiến người khởi lên nghi tình mà chẳng tự biết mình đang tham thiền, gọi là “Vô tham tức chơn tham”. Vô tham chẳng phải không có tham, là không biết mình đang tham.
Nói đến thần thông, chẳng những Lục Tổ, Phật Thích Ca trong các Kinh Đại thừa liễu nghĩa đều có hiện tánh thần thông, nhưng đó là vì hóa độ chúng sanh, muốn khiến chúng sanh tin rằng tự tánh của mọi người đầy đủ thần thông biến hóa, vô lượng vô biên, chẳng kém Phật chút nào. Ví như trước khi giảng Kinh Pháp Hoa, Phật thị hiện thần thông, phát ra ánh sáng chiếu khắp mọi thế giới … Phải biết, những thần thông đó mọi người sẵn đủ, không cần học, hễ có học là có sự thiếu sót vậy.
Thiền tông chỉ khi nào bất đắc dĩ mới hiện thần thông, các vị Tổ hễ hiện thần thông rồi thường là thị tịch liền, hễ đệ tử hiện thần thông thì bị thầy quở, nếu không nghe lời, vẫn tiếp tục hiện thần thông thì bị thầy đuổi. Lục Tổ trải tọa cụ hiện thần thông, vì cần có đạo tràng để hóa độ, lợi ích cho chúng sanh, chứ chẳng phải muốn khoe tài và có cái ngã chấp, tất cả đều chỉ là phương tiện của Phật, của Tổ, chớ nên chấp vào chỗ đó.
Chánh pháp cần sự giải thoát, tức từ trong chiêm bao thức tỉnh, chẳng phải để luyện tập thần thông khiến còn mê thêm, chướng ngại sự thức tỉnh.
241. HỎI: Phật Thích Ca thành đạo cách đây 2519 năm hay từ vô lượng kiếp? cái nào đúng?
- Ø ĐÁP: Có người hỏi “Phật Thích Ca thành Phật cách đây 2519 năm, tại sao trong Kinh Pháp Hoa lại nói là Phật đã thành đạo từ vô lượng kiếp?”, vậy cái nào đúng? Tôi trả lời: “Cả hai đều không đúng”. Tại sao? Vì theo sự thật, Kinh nói “Chúng sanh là Phật”, “Tự tánh vốn là Phật” thì không thể biến thành chúng sanh; nếu tự tánh vốn là chúng sanh thì tu cách nào cũng chẳng thể thành Phật. Vậy tự tánh chẳng phải chúng sanh, chẳng phải Phật thì làm sao có cái gọi là “Chúng sanh thành Phật?”. Sự thành Phật chỉ là phương tiện để giáo hóa chúng sanh thôi. Cho nên, nói “Thành Phật từ vô lượng kiếp” cũng được, nói “Thành Phật hai ngàn mấy năm” cũng được. Bởi vậy Phật mới nói là “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm tạo thì chẳng thật.
242. HỎI: Làm sao dứt được tập khí từ lâu đời?
- Ø ĐÁP: Tập khí đã quen từ vô thỉ đến bây giờ, nên rất khó bỏ. Ngài Lai Quả nói: “Vì tập khí vọng tưởng đã quen từ xưa đến nay, mà câu thoại đầu còn mới lạ, nên phải tập cho câu thoại đầu quen; thoại đầu quen được một ngày thì vọng tưởng lạ đi một ngày, thoại đầu quen được một năm thì vọng tưởng lạ đi một năm. Đến khi thoại đầu quen thuộc lắm rồi thì vọng tưởng sẽ nổi lên không được”.
Chớ nói là chưa kiến tánh, người đã kiến tánh, phá được Sơ quan rồi tập khí cũng chưa hết, phá được Trùng quan rồi tập khí vẫn còn, phải tới Lao quan mới sạch hết. Sạch hết là hết tập khí thế gian, còn tập khí xuất thế gian phải đến khi chứng quả Phật mới hết được. Nhưng đã kiến tánh rồi thì sự tu đã hết, như chiếc ghe gần vào bờ, bỏ chèo bỏ chống, tự nó đi vào. Chỉ cần mình được kiến tánh, sau khi kiến tánh, mặc dù còn tập khí, nhưng dần dần sẽ hết. Cho nên, sau khi ngộ rồi cần có phần bảo nhiệm để dứt tập khí.
243. HỎI: Thế nào là thân tại gia, tâm xuất gia và thân xuất gia, tâm tại gia?
- Ø ĐÁP: Tại gia và xuất gia có bốn thứ: Có người thì thân tại gia mà tâm xuất gia, có người thì thân xuất gia mà tâm tại gia, người thì thân tâm đều xuất gia, người thì thân tâm đều tại gia. Nếu như thân tại gia, tâm xuất gia là hơn người thân xuất gia mà tâm tại gia; hễ thân tâm đều xuất gia là tốt hơn, còn thân tâm đều tại gia thì không cần nói.
Kỳ thật, tu hành thì tại gia cũng tu được, xuất gia cũng tu được, không nhất định phải xuất gia mới là tu, nhất là pháp môn tham Thiền này, bất cứ lúc nào, nơi nào cũng tham được, đi đứng nằm ngồi, làm công việc bằng tay chân, trí óc, đang ăn cơm, ngủ nghỉ … chứ không cần ngồi một chỗ vắng lặng mà tu, tại gia xuất gia đều chẳng chướng ngại.
Nếu chấp rằng nhất thiết phải tại gia, hoặc nhất thiết phải xuất gia mới tu, ấy là chấp trước, chướng ngại. Có người nói “Tôi không chấp”, chẳng biết rằng nói như thế vẫn còn là chấp, nếu người không còn chấp thì chẳng có câu nói này.
244. HỎI: Tại sao Tôn Giả Sư Tử đã kiến tánh rồi còn phải trả nghiệp?
- Ø ĐÁP: Tôi đã nói: Việc ở trong nhắm mắt chiêm bao không có thật, cái thật là mình phải thức tỉnh; còn ở trong chiêm bao thì chỉ biết việc trong chiêm bao, chứ không biết việc của thức tỉnh. Tôn Giả mà người ta thấy ngài trả nghiệp, ấy là việc trong chiêm bao. Cũng như hỏi “Phật Thích Ca thành Phật từ vô lượng kiếp hay chỉ có hai ngàn năm”, đó là việc trong chiêm bao, Sư Tử Tôn giả cũng vậy, muốn cho người ta tin nhân quả, nên nói là trả nghiệp, sự thật thì người đã thức tỉnh rồi, làm sao còn trả nghiệp trong chiêm bao ư?
245. HỎI: Nghi tình của câu thoại đầu và cái nghi của tham, sân, si, mạn, có khác nhau không?
- Ø ĐÁP: Khác. Cái nghi của tham, sân, si, mạn chỉ khiến mê lại thêm mê, còn nghi tình là cái nhân của ngộ. Cái nghi của tham, sân, si, mạn là không tin, còn nghi tình là do tin mà sanh nghi, Khi đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình thì tất cả những tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến đều tự động quét sạch, chứ không cần khởi niệm muốn quét.
246. HỎI: Dùng câu “Thế nào là đại ý Phật pháp” của Tổ Lâm Tế để tham, có được không?
- Ø ĐÁP: Theo tôi biết thì không được, vì đó là công án của Lâm Tế, không phải là thoại đầu. Đối với đại ý của Phật pháp, Giáo môn không có tham thiền, chỉ cần học qua giáo lý, cũng biết đại ý của Phật pháp, biết rồi thì làm sao khởi lên nghi tình? Còn về thoại đầu, ví như câu “Trước khi chưa có trời đất ta là cái gì?”, câu này thì học làm sao hiểu được? Phải tham đến ngộ mới hiểu.
247. HỎI: Tham Thiền có vượt ra ngoài nhân quả không?
- Ø ĐÁP: Nhân nào quả nấy, nhân quả mỗi người mỗi khác, có thể sửa đổi nhân quả chứ không thể vượt ra ngoài nhân quả.
Làm sao sửa đổi nghiệp nhân? Ví như kiếp trước đã tạo cái nghiệp nhân chết đói, kiếp này phải trả quả. Lúc tạo nghiệp nhân khiến người ta chết đói, tâm lực chỉ có một độ, kiếp này chẳng có tu hành, tâm lực vẫn chỉ có một độ, thì nghiệp quả chết đói là định nghiệp, thế nào cũng phải trả. Bây giờ chuyên tâm tham thiền, khiến tâm lực lên hai độ, ba độ, năm độ, mười độ … thì nghiệp nhân lúc một độ được kéo lại sau, kiếp này khỏi bị chết đói nữa. Tại sao? Vì tất cả do tâm tạo, hễ nhân nào mạnh thì quả đến trước, nhân yếu quả kéo sau, ví như người thế gian thiếu nợ, thế lực của ai mạnh phải trả trước, thế lực yếu trả từ từ. Nếu tâm lực ngưng ở mười độ, không còn tham tiếp, khi nhân quả lúc mười độ trả hết, sẽ đến chín độ, rồi tám độ… dần dần đến một độ.
Nếu cứ tham mãi, tâm lực tăng dần từ mười độ, hai mươi độ, một trăm độ, một triệu độ … đến thành Phật, thì nhân quả lúc một độ không thể hiện hành, nhưng nghiệp nhân vẫn còn. Đến khi thành Phật rồi, tất nhiên độ hết tất cả chúng sanh, và dĩ nhiên chủ nợ được độ trước, lúc đó nghiệp nhân mới hết, chứ không có vượt ra ngoài nhân quả, bất quá là sửa lại trước hay sau thôi.
248. HỎI: Nhập thất ba năm tham Thiền được không?
- Ø ĐÁP: Tổ sư Thiền có câu “Bất phá Trùng quan bất bế quan”, sau khi phá Trùng quan rồi, chưa tới Mạt hậu Lao quan, còn phải qua sự bảo nhiệm, nhập thất là để bảo nhiệm sự ngộ của mình, chứ không phải là nhập thất để tu, để tinh tấn. Người Việt Nam gọi “Bế quan” là nhập thất, kỳ thật, nhập thất là có hại mà chẳng có lợi. Tại sao? Vì chúng ta tu là phải đối cảnh mà chẳng bị nhiễm, mới là tu; còn hễ nhập thất thì không có đối cảnh, tưởng là yên ổn, đến khi ra ngoài trở lại thì còn hơn hồi chưa nhập thất, nên không đúng với sự tu.
- Đây có một công án về sự tu nơi vắng lặng: Một ông tu sĩ dẫn theo một đứa bé tu ở trên núi, trải qua hai mươi năm, đứa bé đã trưởng thành, suốt ngày chỉ có hai thầy trò và các thú rừng. Một ngày kia, thầy dẫn trò xuống núi đi chợ, người trò cảm thấy thứ gì cũng lạ, hỏi thầy đủ thứ: cái này là cái gì? cái kia là cái gì?… đến khi gặp cô gái, bèn hỏi thầy:
- “Đây là cái gì?”
Thầy bảo: “Con chỉ biết con cọp trên núi, đây là con cọp chợ rất nguy hiểm, không được đến gần!”
Sau khi trở về núi, thầy hỏi trò:
- Trong chuyến đi chơi vừa rồi, con có thích thú không?
- Con chẳng ham thích gì ngoài con cọp chợ!
Câu chuyện trên chứng tỏ hễ đối cảnh thì tâm khởi, nên nói nhập thất là không tu được.
- Trong Thiền Thất Khai Thị Lục, ngài Lai Quả cũng kể qua câu chuyện “Lão bà đốt am”, do vị tu sĩ ấy chấp cái nhập thất, sau bị lão bà đốt cả am rồi mới ngộ, chứ sự ngộ không phải do nhập thất. Người đời nay cứ cho là tu nhập thất lâu chừng nào tốt chừng nấy, ấy là sai.
- Sẵn dịp, tôi nói luôn vấn đề “Mười bức chăn trâu”, người đời lầm tưởng là của Thiền tông, ấy là sai lầm. Hai chữ “Chăn trâu” ở Thiền tông nghĩa là bảo nhiệm, chứ không phải tu theo từng cấp bậc, vì thiền tông là không tu theo cấp bậc, cái đó có thể là của Giáo môn.
249. HỎI: Nếu không nhập thất ngồi tham, với cái tâm như người thế gian thì hằng ngày làm sao tu? Đến khi nào mới ngộ?
- Ø ĐÁP: Trong Đường lối Tham thiền cũng đã nêu ra; đời nay có hai việc bị ngộ nhận: Một là cho ngồi thiền là tham thiền, hai là phải tu ở chỗ vắng lặng. Thật tế thì ngồi chỉ để điều thân chứ không phải tham thiền cần ngồi. Như trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Thiền sư Trí Hoằng ngồi suốt hai mươi năm chẳng khởi một niệm; trước khi Mã Tổ gặp Tổ Hoài Nhượng cũng chấp ngồi mãi, tưởng là có thể thành Phật, thành Phật đâu phải do ngồi!
- Còn hễ chấp phải tu nơi vắng lặng, thì câu chuyện “Con cọp chợ” đủ để chứng minh. Lai Quả Thiền sư nói: “Chẳng thà ngủ ở nơi tòng lâm, hơn là một mình tu ở trên núi”, vì ngủ ở trong tòng lâm mặc dù chưa kiến tánh, nhưng không có nguy hiểm. Một mình tu trên núi dễ xảy ra nguy hiểm; có người tu đến phát điên, người thì đau tim ói máu, vì không có điều thân, nhất là không phá ngã chấp.
- Muốn kiến tánh thành Phật phải phá ngã chấp, chứ không cần tu chỗ vắng lặng. Lúc tu ở chỗ vắng lặng thấy tốt lắm, nhưng hễ bước ra ngoài, gặp cảnh tâm liền bấn loạn, thì sự tu đó cũng như không có tu vậy. Phải đối cảnh không bị nhiễm mới là tu. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại sao lấy “Liên Hoa” làm tên? Vì sanh nơi bùn lầy ô uế mà chẳng nhiễm, ấy mới là tốt, nếu sanh nơi đất trong sạch thì đâu còn gì để nói!
250. HỎI: Thế nào là biệt niệm? Khi nào mới hết biệt niệm? Có phương tiện nào không?
- Ø ĐÁP: Khi đề khởi câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài nghi tình ra, tất cả đều là biệt niệm, mặc dù niệm đó cao hơn Phật, hoặc muốn làm Phật sự lớn, độ hết tất cả chúng sanh; hoặc khởi niệm muốn tinh tấn, muốn thoại đầu miên mật, muốn trừ vọng tưởng … cũng là biệt niệm. Bất cứ niệm đó đúng hay không đúng, lợi ích hay không, đều là biệt niệm, chướng ngại sự tham thiền.
Chư Tổ Thiền tông không có phương tiện gì, không được dùng phương tiện để dứt biệt niệm. Có một công án như sau:
Một ni sư tham câu “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?” Tham nhiều năm mà chẳng thấy gì, câu thoại thì lạt lẽo, cứ theo thầy hỏi “Có phương tiện gì khác không?”
Hỏi mãi, thầy trả lời: “Có”.
Ni sư mừng rỡ, hỏi: “Xin thầy chỉ dạy cho!”
Thầy nói: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?” Ni sư liền ngộ.
251. HỎI: Thế nào là tham thiền tức trì Kinh? Tụng Kinh và trì Kinh khác nhau ở chỗ nào?
- Ø ĐÁP: Biên chép đọc tụng có thể nói là đang nghe Phật thuyết pháp, mình đọc tụng thì tự mình nghe tiếng mình, tức nghe Phật thuyết pháp. Do nghe Phật thuyết pháp mà được tín giải (tin và hiểu) là khai Phật tri kiến, do tín giải mà thọ trì là thị Phật tri kiến. Thọ trì là lãnh thọ và thực hành đúng như pháp, chứ không phải đọc tụng là trì Kinh, đọc tụng mà không thực hành thì làm sao gọi là trì Kinh?. Do chứng đắc mà thành Phật, gọi là nhập Phật tri kiến.
Nhưng Phật tri kiến là gì? Là chẳng lập tất cả tri kiến. Cho nên, Tiểu thừa dứt hết tất cả kiến hoặc nơi dục giới thì chứng quả Tu-đà-hoàn.
Người đời nay cứ tìm hiểu tri kiến, nên bị chướng ngại thêm.
252. HỎI: Sư phụ không thừa nhận là bậc Thiền sư, mà chỉ là một vị lão tham, nhưng sự giảng dạy của Ngài rõ ràng
đã vượt ra ngoài sự tham. Xin hỏi Ngài đã chứng quả hay chưa?
- Ø ĐÁP: Tôi đã công khai nói là tôi chưa chứng quả, và không có được cái gì cả. Vì điều thứ nhất trong Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiềnlà phải phá ngã chấp, là vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ; chẳng phải tôi có chứng đắc mà nói là không có chứng đắc, sự thật tôi chưa chứng đắc. Tôi cũng là bị sự hiểu biết chướng ngại, gọi là sở tri chướng. Tôi đã bị hại rồi, nên không dám hại người khác nữa!
Theo lời của ngài Lai Quả trong Thiền Thất Khai Thị Lục nói: “Quên là tiến bộ”, quên thế giới, quên thân tâm, cả tên họ của mình cũng quên, mới hy vọng kiến tánh được.
253. HỎI: Trong lúc đang tham thấy các cảnh giới an ổn, song làm mất câu thoại đầu, vậy có phải thiền bệnh không?
- Ø ĐÁP: Lúc cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh, không có nghi tình cũng không có vọng tưởng, ấy là lọt vào vô ký không. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu đang lúc cảnh giới an ổn, không có cái thân mà chẳng chấp thì là cảnh giới tốt, nếu cho là tốt, ấy tức là tà”. Người tham Thiền đến khi vọng tưởng bớt rồi, thấy đủ thứ cảnh giới hiện ra; chẳng những việc trong kiếp này, kể cả những kiếp trước cũng có thể hiện ra, nhưng đừng biết tới, chỉ đề câu thoại đầu tham tới mãi.
254. HỎI: Trong lúc tham, câu thoại bị gián đoạn lúc nào chẳng hay, hoặc tự khởi lên lúc nào cũng chẳng hay, vậy có sao không?
- Ø ĐÁP: Phải tham liên tục mới tốt, nếu như ngưng tham lúc nào chẳng hay, khi biết được phải liền đề khởi câu thoại tham trở lại, có người chỉ mới đề lên một câu, thấy có nghi tình thì ngưng đề, một lát sau mới đề thêm một câu nữa, như vậy là có sự gián đoạn, là do mình không liên tục đề câu thoại. Phải đề liên tục, miên mật cho thành thói quen thì không bị ngưng.
Có người không đề câu thoại vẫn có nghi tình, cho vậy là tốt, cũng không được. Nói “Thoại đầu” là phải khi đến thoại đầu, câu thoại tự mất, nếu chưa đến thoại đầu mà bỏ câu thoại, mặc dù có nghi tình, nhưng bị ngưng lúc nào chẳng hay, đến khi biết được đã bị gián đoạn một thời gian dài rồi. Cho nên, nếu chưa đến thoại đầu thì không được bỏ câu thoại, phải đề nguyên câu thoại đầu, khi nào câu thoại tự mất mới thôi.
255. HỎI: Có phải trong Thiền tông tự mình tìm kiếm tri kiến Phật?
- Ø ĐÁP: Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, khác hơn pháp quán của Giáo môn. Còn nói “Thiền tông phải tự tìm kiếm tri kiến Phật”, sự tìm kiếm ấy đã là bệnh rồi! Tổ Sư Thiền là không cho tìm hiểu, chẳng những không cho tìm hiểu cái khác, kễ cả tìm hiểu Tổ Sư Thiền, câu thoại đầu cũng không được, hiểu thiền hiểu đạo cũng không được. Tôi đã nói tham Thiền là chánh nghi, có tâm đi tìm hiểu là hồ nghi, còn nói “Tự đi tìm tri kiến Phật”, ấy là đại vọng ngữ, vì Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ, không cho cầu, cũng không cho có ý muốn chứng đắc, hoặc sợ rằng mình không chứng đắc, sợ ngộ rồi chẳng ai ấn chứng v.v… cũng không được.
256. HỎI: Hiện nay phát sinh nhiều loại thiền, đều nói là tu theo Phật pháp, vậy loại nào đúng loại nào sai? Mười tông phái ở Trung Quốc nay chỉ nghe có bốn tông, sáu tông kia còn tồn tại không?
- Ø ĐÁP: Mười tông phái ấy là: Đại Thừa tám tông, gồm: Thiền, Tịnh, Mật, Luật, Giáo môn 4 tông: Thiên thai, Hiền thủ, Tam luận, Duy Thức. Và Tiểu thừa hai tông: Thành Thật và Câu Xá, nhưng hai tông này chỉ có danh nghĩa mà chẳng có phần thực hành.
Nói tóm lại, Giáo môn là vừa tìm hiểu vừa thực hành, khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Còn Thiền tông chỉ chú trọng phần thực hành, là muốn chúng ta ở trong mở mắt chiêm bao thức tỉnh, thì khổ trong chiêm bao liền dứt. Chư Phật đều mong mọi chúng sanh thành Phật, nếu không thì như Trung Phong Pháp Ngữ nói: “Dẫu cho Phật Thích Ca đem hết tất cả kinh điển giáo lý nhét đầy bụng ông, cũng chẳng dính dáng đến vấn đề sanh tử”.
257. HỎI: Khi tỉnh giác rồi, cái thân vẫn còn, có phải gọi là Hữu dư Niết-bàn? Và sau khi chết gọi là Vô dư Niết-bàn?
- Ø ĐÁP: Còn cái thân cũng chẳng phải Hữu dư Niết-bàn; mất cái thân cũng chẳng phải Vô dư Niết-bàn. Nay chúng ta chưa thức tỉnh, từ thân này sang thân khác, mất thân người sang thân thú, đâu phải Niết-bàn! Niết-bàn là lìa khỏi sanh tử rồi mới gọi là Niết-bàn, nếu nói không có thân tức Niết-bàn thì tất cả cõi Vô Sắc đều là Niết-bàn sao? Vô Sắc Giới dù không có sắc thân, nhưng vẫn còn chấp A-lại-da thức là ta, còn là phàm phu, còn ở trong lục đạo luân hồi. Nếu không phá ngã chấp là còn phải ở trong luân hồi.
- Nói đến “Tỉnh giác”, ngoại đạo cũng có tỉnh giác, các giáo chủ Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, Bà-la-môn giáo v.v… đều có sự tỉnh giác. Ví như tọa thiền giác ngộ, tự cho mình đã giác được chơn lý tối cao, tự làm giáo chủ để sáng lập ra một giáo phái. Vì còn chấp ngã, không được giải thoát, nên Phật giáo gọi đó là ngoại đạo.
- A-la-hán phá được ngã chấp nên ra khỏi sanh tử luân hồi, nhưng sự giác ấy chưa thể bằng Phật, chưa đến Chánh Đẳng, phải bậc Bồ-tát mới đến Chánh Đẳng. Sự giác ngộ của Bồ-tát mặc dù bằng Phật, nhưng sức dụng kém hơn Phật nhiều, nên không được gọi là “Vô thượng”, đến khi chứng quả Phật rồi mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
- Nói tóm lại, tỉnh giác cũng có nhiều loại, không phá ngã chấp chỉ là tà giác, phá được ngã chấp mới gọi là Chánh giác.
258. HỎI: Về việc tìm Tổ ấn chứng như thế nào?
- Ø ĐÁP: Thời nay có nhiều người tự làm tài khôn, cho mình đã ngộ, hoặc cho sự giải ngộ là chứng ngộ, hoặc thấy cảnh giới này cảnh giới kia cũng cho là ngộ, hoặc do ham danh, chưa chứng mà nói đã ngộ, đi tuyên truyền khắp nơi, theo giới luật thuộc đại vọng ngữ. Nếu là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, phạm đại vọng ngữ là mất thân phận Tỳ-kheo, phải đến kiếp sau thọ giới Tỳ-kheo lại; mà đâu chỉ là mất rồi là xong, còn phải chịu tội địa ngục, nên sau khi ngộ phải có Thiện tri thức ấn chứng.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nếu nói nhất định phải có thiện tri thức ấn chứng cũng không đúng, là những người tăng thượng mạn mới cần thiện tri thức ấn chứng”. Nếu không phải người tăng thượng mạn, chỉ cần thực hành đúng theo VÔ SỞ ĐẮC4, không muốn người ta biết về sự ngộ của mình thì không ai ấn chứng cũng được.
259. HỎI: Có biện pháp nào giải quyết tình trạng cho giải ngộ là chứng ngộ?
- Ø ĐÁP: Những người cho giải ngộ là chứng ngộ là người tăng thượng mạn. Sự giải ngộ là của người khác; lấy lời của Phật của Tổ cho là giải ngộ của mình, chấp vào đó là vô phương cứu. Muốn cứu họ phải phá được cái chấp về giải ngộ của họ, phải tham câu thoại đầu khác, nếu không thì dù Phật Thích Ca cũng cứu chẳng được.