260. HỎI: Trong Chứng Đạo Ca có câu “Sát na diệt khước A-tỳ nghiệp”, thế thì các Tổ sư như Tôn giả Sư Tử ở Ấn Độ, Nhị Tổ Huệ Khả, Tổ Nham Đầu và gần đây có ngài Hư Vân Thiền sư, các vị ấy đã kiến tánh sao lại còn bị gia hình?
- Ø ĐÁP: Trong Truyền Đăng Lục, có vị Tăng hỏi Tổ sư:
- “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không”, tại sao cac Tổ sư lại bị gia hình sau khi kiến tánh?
Tổ đáp: Đại đức còn chưa hiểu “Bổn lai không”.
HỎI: Thế nào là bổn lai không?
ĐÁP: Nghiệp chướng đó!
Lại hỏi: Thế nào là nghiệp chướng?
ĐÁP: Bổn lai không!
Nghiệp chướng vốn là không, chứ không phải là không có xảy ra hiện tượng đó. Cũng như việc chiêm bao vốn là không, chứ chẳng phải không có chiêm bao. Thấy việc chém đầu là việc trong chiêm bao, khi thức tỉnh rồi thì tìm ở đâu? Thức tỉnh rồi đầu vẫn còn nguyên vẹn.
261. HỎI: Trong Kinh tại sao hay nói bảy đời cha mẹ mà không phải tám đời, chín đời?
- Ø ĐÁP: Không những bên Phật Giáo, các tôn giáo khác cũng thường lấy số 7 làm ước số, ví như Thiên Chúa Giáo đặt cho một tuần lễ là 7 ngày, Phật giáo thì không nhất định là số 7, cũng như Tam giới, cửu địa, cửu huyền thất tổ v.v… Kỳ thật, chẳng những số lượng không đại diện cho cái gì, kể cả cái tên gọi của mình! Khi sinh ra, ai cũng được cha mẹ đặt cho cái tên, hễ người khác tán thán cái tên này thì vui mừng, hễ chê cười thì buồn rầu tức giận … thật ra, khi mình sinh ra đâu có tên, mà chấp cái tên đó là thật!
Cho nên Triệu Luận nói: “Tên không đúng với sự thật, sự thật cũng không đúng với cái tên”, 7 đời hoặc 7 ngày, 6 ngày đâu có dính dáng gì? Sự thật đâu phải do số lượng hoặc tên gọi, cái hiệu mà diễn tả được?
Ở trên tôi đã nói: “Lời nói của Đức Phật chỉ có thể nói ra cái “Không đúng” mà thôi, những cái “Đúng” đó nói không được, phải do mình tự ngộ”. Những người Giáo môn nghe tôi nói “Lời của Phật nói ra đều không đúng”, cho là tôi phỉ báng Phật pháp, phỉ báng Tam Bảo, nhưng sự thật là vậy, cái đúng phải tự ngộ. Chính Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm hữu ngôn thuyết, giai phi thật nghĩa”.
Vậy không đúng còn nói ra làm chi? Nói ra để chúng sanh biết những cái mà mình chấp là thật đó đều chẳng phải thật; tất cả sự hiểu biết của mình, tất cả tư tưởng, chủ trương của mình đều không phải thật, chớ có hướng vào chỗ đó nghiên cứu tìm cầu, phải hướng vào tự tánh tự ngộ. Cho nên Triệu Luận nói: “Nếu đuổi theo lời nói là chấp danh, ghi nhớ việc quá khứ là chấp tướng”, Thiền tông gọi là con chó đuổi theo cục xương.
262. HỎI: Tại sao Thiền sư Minh Bổn trong Trung Phong Pháp Ngữ nói là “Hãy cúng dường chính mình”?
- Ø ĐÁP: Phật pháp nói đến vấn đề cúng dường có hai mặt: Một là chơn, một là tục. Về phần Chơn thì phải cúng dường Tự tánh Phật của mình là tốt nhất, còn cúng dường Tam Bảo thuộc về phần tục, nhưng cũng là giúp cho cái chơn. Ví như hiện nay nếu không ai cúng dường Tam Bảo thì đâu còn chùa chiền để chúng ta tu hành, tham Thiền ngộ Tự tánh? Ai dạy? Nên phải nhờ đến Tam Bảo. Cho nên, nói Thường trụ Tam Bảo có hai thứ: Tượng Phật thay thế cho Phật Bảo, Kinh sách thay thế cho Pháp Bảo, Tu sĩ thay thế cho Tăng Bảo, nếu không nhờ thường trụ Tam Bảo, làm sao giác ngộ được Tự tánh Tam Bảo? Phật pháp nói “Bất thủ bất xả”, chẳng phải chỉ cần nơi thường trụ Tam Bảo mà bỏ tự tánh Tam Bảo, cũng chẳng phải chỉ cần nhận lấy Tự tánh Tam Bảo mà bỏ thường trụ Tam Bảo, vì hai thứ đều tương trợ lẫn nhau, chứ không được lấy cái này bỏ cái kia.
263. HỎI: Cúng dường như thế nào là đúng pháp?
- Ø ĐÁP: Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Phật nói: Cúng dường một trăm người ác không bằng cúng dường một người thiện; cúng dường một ngàn người thiện không bằng cúng dường một cư sĩ thọ ngũ giới; cúng dường mười ngàn cư sĩ thọ ngũ giới không bằng cúng dường một Sa-di; cúng dường một trăm ngàn Sa-di không bằng cúng dường một Tỳ-kheo; cúng dường một triệu Tỳ-kheo không bằng cúng dường một người đã chứng sơ quả Tu-đà-hoàn thừa Thanh-văn; cúng dường mười triệu Tu-đà-hoàn không bằng một Tư-đà-hàm … Cứ từng lớp từng lớp lên, đến cuối cùng, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật không bằng cúng dường một người vô tâm, vô tu vô chứng.
Tại sao cúng dường vô lượng vô biên chư Phật không bằng cúng dường một người vô tâm, vô tu vô chứng? Như tôi thường nói, lời của Phật là muốn tất cả chúng sanh đều thành Phật, muốn thành Phật thì mỗi mỗi phải ngộ tự tánh, tự tánh thì chẳng phải tu chẳng phải chứng. Mục đích của mình cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, cũng là vì muốn ngộ tự tánh, cho nên, cuối cùng là mỗi chúng sanh đều phải tự ngộ tự tánh, mới là cao nhất. Tất cả sự cúng dướng đều quy về tự tánh. Tự tánh thì chẳng có tác ý phân biệt, hễ khởi ý phân biệt tức chẳng thể quy về tự tánh vậy.
Cúng dường thế nào mới là đúng? Không được chấp nhất định chỗ đúng, cần nhất là tham câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra không được nổi niệm phân biệt để lựa cái nào cao nhất, chỉ là tùy duyên mà thôi.
Cũng có Kinh nói “Cúng dường một vị Phật cao nhất, không bằng cúng dường một người ăn xin”. Tại sao? Như thế có mâu thuẫn với Kinh Bốn Mươi Hai Chương không? Tất cả đều không có mâu thuẫn, hễ có chấp mới thành mâu thuẫn, không chấp thì không mâu thuẫn. Tất cả lời Phật. Lời Tổ đều là phá sự chấp thật, nếu chấp vào lời phá chấp của Phật thì không đúng rồi.
264. HỎI: Lúc tham Thiền hay bị ngoại cảnh lôi kéo, phải làm sao?
- Ø ĐÁP: Theo Lai Quả Thiền sư Thiền Thất Khai Thị Lục, bất cứ nghiêng về chỗ nào cũng không được; chẳng những không được thích chỗ vắng lặng mà tham, cũng không được lựa chỗ động mà khởi công phu, tịnh cũng chướng ngại không được, động cũng chướng ngại không được sự tham Thiền của mình, mới không bị ngoại cảnh lôi kéo. Nhiều người tham thiền đang trong lúc tham hay bị ngoại cảnh lôi đi, người thì quên cả sự tham, người thì theo cảnh đó mà tham, hoặc nghe theo tiếng động mà tham, đều là chướng ngại, phải cảnh nào cũng tham như thế, chỉ là đề câu thoại khởi lên nghi tình, ngoài ra không biết tới, mới có thể đạt đến công phu thành khối.
265. HỎI: Tự tánh là gì? Làm sao nắm chắc?
- Ø ĐÁP: Bây giờ nhiều người hiểu lầm hai chữ “TỰ TÁNH”: Do phương tiện nên nói mỗi chúng sanh đều có tự tánh, nhưng chẳng phải là tôi có cái tự tánh của tôi, ông có cái tự tánh của ông, người kia có cái tự tánh kia … Nếu thế thì chỉ là ngã chấp chứ chẳng phải tự tánh. Vì Tự tánh là giác ngộ, hễ giác ngộ là phá hết ngã chấp, đâu còn cái tự tánh của người này người kia? Nên Phật nói “Tất cả pháp đều chẳng có tự tánh”.
Tại sao trước nói “Chúng sanh đều có tự tánh”, bây giờ lại nói “Tất cả pháp đều không có tự tánh”? Ấy có mâu thuẫn không? Lại, nói “Tự tánh bất nhị” là thế nào?
Đã nói tự tánh bất nhị, nếu có một pháp nào có tự tánh tức thành nhị rồi! Nếu tôi có tự tánh thì tất nhiên ông cũng có tự tánh, ấy là nhị rồi! Bởi do mỗi pháp mỗi khác, vì tất cả pháp đều không có tự tánh, cho nên bất nhị.
266. HỎI: Vậy ngộ ngã chấp như thế nào?
- Ø ĐÁP: Ngã chấp là có người này người kia, tôi khác hơn ông, ông khác hơn tôi; tôi khá hơn ông, ông khá hơn tôi; kết quả của tôi chẳng phải kết quả của ông … Tự tánh là phải phá hết ngã chấp mới ngộ nhập được, phá hết ngã chấp thì không có tôi, không có ông để chấp thật, cũng chẳng có Phật để thành. Sở dĩ Phật pháp khác ngoại đạo là vì phá được ngã chấp, nên mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Do đó, người nào muốn tu Chánh pháp, đều phải lấy PHÁ NGÃ CHẤP làm căn bản.
267. HỎI: Câu chuyện Tổ Đức Sơn và ông Tăng người nước Hàn như thế nào?
- Ø ĐÁP: Ngài Đức Sơn nổi tiếng bởi cây bảng Đức Sơn, hễ ai hỏi pháp, chưa mở miệng là gậy đập xuống đầu. Ở thiền đường Trung Quốc, mỗi ngày có hai lần tảo tham, cả một, hai ngàn người, tất cả chúng đứng hai bên, ai muốn hỏi thì đứng ra chính giữa, đảnh lễ ba lạy rồi hỏi. Một hôm Tổ thăng tòa nói:
- Hôm nay tôi không trả lời, ai hỏi thì đánh ba mươi gậy!
Có một vị Tăng ra đảnh lễ, vừa đảnh lễ là Tổ hét: “Cho ba mươi gậy!”
Tăng nói: Con chưa mở miệng hỏi, sao lại đánh ba mươi gậy?
Tổ hỏi: Ông là người gì?
ĐÁP: Con là người nước Hàn.
Tổ nói: Ngay từ lúc ông chưa bước chân lên tàu đã đáng ba mươi gậy rồi, đâu cần đợi đến đây mới đáng ba mươi gậy!
Thủ đoạn của Tổ chỉ là muốn chúng ta cắt đứt sự tìm hiểu để ngộ được Tự tánh, cho nên bất đắc dĩ dạy tham công án, thoại đầu để khởi lên nghi tình, cắt đứt sự tìm hiểu.
268. HỎI: Thế nào là hồi hướng?
- Ø ĐÁP: Hai chữ HỒI HƯỚNG là phá ngã chấp. Thời nay nhiều người hiểu lầm, lấy hai chữ hồi hướng cho là “Lấy cái công đức của tôi, hồi hướng cho ông này ông kia …”, ấy là ngã chấp, mà chẳng biết trong Giáo môn có Thập Hồi Hướng, phá hết ngã chấp rồi lên Sơ địa.
Thế thì nghĩa Hồi hướng là gì? Là mặc dù những công đức bố thí cúng dường do tôi làm ra, nhưng không phải là của tôi, là của tất cả chúng sanh, trong đó bao gồm tôi. Cho nên phải phát đại nguyện, nguyện tất cả chúng sanh đều được vãng sanh, nếu có xót lại chúng sanh nào thì mình sẽ độ hết. Đã phát đại nguyện rồi, tất nhiên là không ăn thịt chúng sanh, không đánh đập, chửi mắng chúng sanh, và phải thực hành.
Nếu không thực hành theo nguyện đã phát, thì thành nguyện giả, chỉ có tội chứ đâu có công đức gì? Nếu thực hành đúng theo đại nguyện thì đến lúc lâm chung, chớ nói là niệm mười tiếng Phật hiệu được vãng sanh, chỉ cần niệm một tiếng Phật cũng được vãng sanh, bằng không thì dẫu cho niệm ngàn tiếng, làm sao có hiệu nghiệm ư!
269. HỎI: Tham Thiền tại sao chỉ chọn cách đi và ngồi trong tứ oai nghi?
- Ø ĐÁP: Trong Lịch sử Thiền tông, ngài Lục Tổ là vị danh tiếng nhất, trong Kinh Pháp Bảo Đàn Phẩm Tọa Thiền nói: “Tọa Thiền là tâm tọa chứ chẳng phải thân tọa; ngoài đối với các cảnh thiện ác tâm niệm chẳng khởi là tọa, trong tâm thấy tự tánh chẳng động là thiền”. Còn ở Thiền đường đi hương tọa hương là điều thân, tức là ngồi đến mỏi thì đi, đi đến mỏi thì ngồi. Cũng như ngài Lục Tổ nói: “Đạo do tâm ngộ bất tại tọa”, chúng ta tham Thiền là muốn ngộ đạo, ngộ đạo là ngộ nơi tâm, chứ chẳng phải do ngồi. Tổ còn nói: “Nếu nói là tọa hay là ngọa, ấy là hành tà đạo”. Trong tứ oai nghi, hễ nằm là dễ hôn trầm, đứng thì mỏi chân, nên chọn ngồi và đi để điều thân.
- Thời xưa chưa có đồng hồ, nên ở tòng lâm đốt lên một nén hương để ngồi, nén hương hết rồi đốt lên nén khác để đi, nên gọi là ngồi hương, đi hương; người tuần tra gọi là tuần hương, cây gậy gọi là hương bảng, rồi phóng hương, tịnh hương … tất cả đều gọi là “Hương”.
- Đi hương và tọa hương là hình thức bên ngoài để làm tiêu chuẩn thực hành công phu, bất cứ lúc nào cũng phải đề khởi câu thoại đầu để tham, chứ không phải là ngoài giờ đi hương tọa hương rồi thì có thể nói chuyện, không cần tham nữa, ấy là sai. Lúc đi hương tọa hương phải tham, lúc không đi hương tọa hương càng phải tham nhiều mới đúng, nếu có giờ phút nào không tham thì công phu không thành khối được. Ngài Lai Quả nói: “Lúc bệnh cần phải tham nhiều hơn lúc khỏe” là để tập cho công phu thuần thục.
270. HỎI: Có một bà lão bị đau rồi bà nói rằng “Ngày mai bà sẽ chết”, nhưng có một anh thanh niên lại nói với bà rằng: “Ngày mai bà không chết, nhưng sẽ chết sau ba hôm”. Anh đó nói là do anh tham thiền nên biết trước điều đó, vậy sự thấy của anh ta có đúng với đường lối tham thiền không?
- Ø ĐÁP: Theo Tổ Sư Thiền thì ấy là tà, Tham thiền cần kiến tánh, kiến tánh rồi tự nhiên sẽ được thần thông, chứ đừng sợ kiến tánh rồi không thần thông. Còn thần thông là nhánh lá, ngoại đạo tà ma vẫn có. Thiền tông có nhiều vị có thần thông nhưng không cho người khác hay biết, Chư Tổ vì độ chúng sanh, bất đắc dĩ hiện ra thần thông, sau đó liền thị tịch. Tại sao Chánh pháp không cho hiện thần thông? Vì Chánh pháp là phá ngã chấp, chỉ e rằng không kiến tánh, khi được giải thoát rồi tự nhiên có thần thông, thần thông là tự tánh sẵn có, chẳng phải do học được, hễ học được là tà ma ngoại đạo, chẳng phải sẵn có.
- Huỳnh Bá Thiền sư là thầy của ngài Lâm Tế, khi Thiền sư chưa kiến tánh, một hôm đi đường gặp một vị Tăng, cùng đi qua con sông, nước sông chảy siết, lại không có ghe thuyền, vị Tăng kia bèn lột chiếc nón để trên mặt sông, bước lên trên nón và rủ ngài Huỳnh Bá cùng đi, ngài chẳng những không chịu, còn quở rằng : “Hồi nảy nếu biết ông như thế, tôi đánh gãy chân ông”. Vị Tăng kia nghe rồi liền đảnh lễ giữa sông rằng : “Thật là bậc căn khí Đại thừa!”. Do vị Tăng ấy còn là Tiểu thừa, không biết giữ ý và thường gặp đâu cũng hiển hiện thần thông cho người biết. A-la-hán Tiểu thừa còn bị Phật quở là “Tiêu nha bại chủng”.
- Tổ sư Thiền không trọng về thần thông, nay có nhiều người đến học Tổ Sư Thiền, biết có thần thông là hại, muốn bỏ cũng bỏ không được, vẫn bị thần thông chướng ngại.
- Ví như Ẩn phong Thiền Sư, thấy hai bên binh lính giao tranh, ngài muốn ngăn chặn sự đổ máu, bèn thị hiện thần thông, dùng cây tích trượng hóa thành cây cầu ngăn giữa hai bên, rồi đi trên cây cầu, khiến hai bên binh sĩ bãi chiến, nhưng sau đó liền thị tịch.
Trước khi tịch, ngài hỏi hàng đệ tử rằng:
-“Người ta thường thị tịch theo kiểu ngồi và đứng, có ai tịch theo thế đang bước đi không?”
ĐÁP: Có.
HỎI: “Thế thì có ai tịch theo kiểu đầu chống xuống đất, chân chọi lên trời không?”
ĐÁP: Không.
Thiền sư liền thị tịch theo thế đó, mặc dù đầu chống xuống đất, quần áo vẫn xuôi theo thân thể mà không bị rũ xuống, đệ tử muốn di dời di thể đi thiêu cũng chẳng nhúc nhích. Thiền sư có một em gái là ni sư, bèn rầy la: “Khi xưa anh thích làm chuyện quái lạ, sao đến giờ tịch rồi vẫn còn làm chuyện quái lạ vậy! Nói xong dùng tay xô một cái mới ngã xuống.
Vì e sợ người đời mê hoặc về thần thông, cho nên, Tổ Sư hễ hiện thần thông ra là thị tịch. Phật pháp sở dĩ gọi là Chánh pháp, là do chẳng phá hoại thế gian pháp, mà Tổ Sư Thiền thì thế gian pháp là Phật pháp, tức xuất thế gian pháp, nên tất cả hành vi đều giữ đúng theo lẽ bình thường chứ không làm điều quái lạ hơn bình thường. Cũng như ngài Lục Tổ nói: “Phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn”, Kinh Pháp Hoa nói: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Tướng thế gian và xuất thế gian là bất nhị, vì tự tánh bất nhị nên tất cả đều bất nhị, tự tánh vô biên nên tất cả đều vô biên. Kinh Bát Nhã nói: “Bát-nhã vô biên nên tứ đại vô biên; Bát-nhã vô biên thì ngũ uẩn cũng vô biên, Bát-nhã vô biên nên tất cả pháp cũng vô biên”. Tại sao? Vì tất cả pháp đều do tâm tạo, pháp thế gian do tâm tạo, pháp xuất thế gian cũng là do tâm tạo, chỉ vì có cái chấp tâm nên thành khác, có tác ý nên thành khác, chẳng tác ý thì không khác vậy.
271.HỎI: Trong “Thiền Thất Khai Thị Lục” có đoạn dạy rằng: Công phu lúc còn sống không dùng được sau khi chết, vì thế lúc còn sống phải tích cực công phu. Công phu lúc còn sống không thẳng qua sau khi chết”, vậy xin Sư Phụ giảng rõ nghĩa này, để hành giả lớn tuổi như chúng con tự tu tự độ, không mong đợi lúc lâm chung nhờ người khác tụng Kinh hoặc tham thiền làm trợ lực.
- Ø ĐÁP: Tất cả pháp thế gian, xuất thế gian cũng chẳng ra ngoài nhân quả, có nhân ắt có quả, đã gieo nhân tự quả sẽ đến; nhân gieo mạnh quả đến nhanh, nhân yếu thì quả đến chậm. Bây giờ công phu lúc sống dùng đến chết, khi tắt thở là không dụng công phu được nữa, nhưng công phu trước đó đã dùng thì không mất. (Sư phụ giảng về 100 bước, đây lược qua).
272. HỎI: Khi ngồi tham, thấy đầu và thân phát ra ánh sáng, nhưng lúc đó nghi tình và thoại đầu vẫn còn, vậy có đúng không?
- Ø ĐÁP: Nếu nghi tình và thoại đầu vẫn còn thì được, nhưng về những cái biết vừa kể trên là không được, ấy là hư vọng giống như chiêm bao. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có đoạn giải thích về kiếp trược:
- Ví như hư không, con mắt chúng ta thấy biết hư không; hư không chẳng bản thể, trong Kinh nói là “Hữu không vô thể”, còn về cái kiến thì “Hữu kiến vô giác”, dù có thấy nhưng không có tri giác. Tri giác là do ý thức, nên mặc dù trước mắt thấy biết hư không, nhưng hư không ở đâu? Hư không chẳng có thực thể cho ta tiếp xúc được, mà sự thấy cũng chẳng thể tìm ra năng thấy (kiến tinh). Trước mắt thấy rõ ràng còn tìm không ra, chỉ không ra, nói chi việc trong chiêm bao ư! Cái gì do tìm hiểu biết được, do thiền định biết được, đều chẳng phải bản tri của tự tánh, chẳng những không thể giải thoát được, lại chướng ngại cho sự giải thoát, vì biết ấy là vọng, chẳng phải chánh biến tri của tự tánh. Bình đẳng tri của tự tánh chẳng có sự tri và bất tri, chẳng có thiếu sót.
- Trong Kinh Lăng Nghiêm, Nguyệt Quang Đồng tử tu thủy quán đến toàn thân đều biến thành nước, có chú tiểu của Ngài từ cửa sổ bên ngoài nhìn vào, thấy nước mênh mông tràn ngập cả phòng, bèn lấy cục đá liệng vào phòng. Khi Nguyệt Quang Đồng tử ra khỏi phòng, cảm thấy tức ngực mà không biết lý do, sau nghe chú tiểu kể lại, dặn dò rằng “Lần sau thấy nước đầy phòng, phải vào trong lấy cục đá ra”, rồi mới hết chứng đau. Tại sao? Mặc dù đã tu thành thủy quán, nhưng còn ngã chấp chưa dứt trừ, về sau thân cận nhiều vị Phật mới phá được ngã chấp, lúc đó mới quên cả thân. Còn Pháp thân thì cùng khắp Pháp giới, đâu chỉ hạn chế trong một phòng ư! Cho nên, những gì dùng ý thức tìm hiểu được, do thiền định biết được, bất cứ là cái gì, đều phải quét sạch; biết đen tối, biết thoại đầu cũng là biết. Cho nên Lai Quả Thiền Sư nói: “Vô tham mới là chơn tham”, lúc đó có nghi tình, là không biết mình đang tham, cũng như vô tham vậy. Do nghi tình làm cho tất cả biết đều sạch, luôn cả tham thiền cũng không biết, mới là chơn tham. Đạt đến chơn tham là kiến tánh. Nay còn biết là đen tối, biết đang tham thiền thì chưa phải chơn tham.
- Tham Thiền rất dễ, rất giản dị, nhưng muốn dứt bỏ sự tìm hiểu thì rất khó. Cho nên tôi thường nói “Một trăm người tham thiền, chín mươi người không đi đúng với đường lối Tổ Sư Thiền, vì ham tìm hiểu, chính sự tìm hiểu này khiến cho thành khó”.
273. HỎI: Tham thiền đề khởi câu thoại đầu, cứ nhìn vào chỗ hầm sâu đen tối đó, lâu ngày có trở thành ngu si không?
- Ø ĐÁP: Kinh Đại thừa liễu nghĩa có thí dụ về “Ngón tay và mặt trăng”, nếu không nhờ ngón tay chỉ thì chẳng thấy được mặt trăng. Nhưng hướng ngón tay chỉ đó có mặt trăng không? không, vì mặt trăng còn bị mây mù che khuất, tức còn bị ngũ trược phiền não che khuất, Tổ sư gọi là “Hầm sâu đen tối”, chính chỗ hầm sâu đen tối đó là chỗ ngón tay chỉ, cứ nhìn thẳng vào chỗ đó, một ngày nào thình lình gió thổi mây tan, mặt trăng hiện ra.
Nhưng nay nhiều người không chịu nhìn vào chỗ ngón tay chỉ, mà chỉ nhìn vào ngón tay thì làm sao thấy được mặt trăng! Ngón tay là gì? là dụ cho kinh điển, lời dạy của Phật trong Kinh điển. Nay nhiều người nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu lời của Phật, cho là phải nghiên cứu ngón tay, tìm hiểu ngón tay, chẳng biết đã bị chướng ngại bởi ngón tay, đã không đi đúng theo lời của Phật dạy. Kinh Viên Giác nói: “Những người này chẳng những không thấy được mặt trăng, cũng không biết ngón tay”. Vì cho ngón tay có mặt trăng trong đó vậy.
274. HỎI: Khi ngồi thiền cơ thể và đầu tự quay, và hiện ra hình ảnh của Đức Phật, như vậy có sao không?
- Ø ĐÁP: Sự quay đó do cơ thể tự vận động, những cảnh giới ấy đều chẳng sao cả, nhưng không được cho là tốt mà mừng rỡ hoặc kinh sợ, thấy cũng như không thấy, không cho đó là cảnh giới. Đắc lực cũng tham như vậy, không đắc lực cũng tham như vậy, cũng chẳng cho là đắc lực hay không. Nếu biết được cái đắc lực hay không đắc lực mà mống lên biệt niệm thì không đắc lực rồi.
- Đắc lực là công phu không gián đoạn, biết đó là vọng tưởng đã là vọng tưởng rồi; lại có ý niệm muốn trừ vọng tưởng, đè nén vọng tưởng, là càng thêm một lớp vọng. Tổ sư Thiền chẳng có sự tự cho như vậy là đúng, tự cho như vậy là không đúng, hoặc tự chẳng biết mình đúng hay không đúng, ấy đều lọt vào ý thức phân biệt. Phàm lọt vào ý thức phân biệt đều chẳng đúng với tông chỉ Tổ Sư Thiền, vì Tổ Sư Thiền chỉ cho nghi, ngoài ra không biết gì cả.
- Chỉ cần giữ cái không biết, đề lên nghi tình hỏi tới mãi, không màng vọng tưởng hay không vọng tưởng, tinh tấn hay không tinh tấn, tức ngoài câu thoại đầu ra, bất cứ biết cái gì đều là tâm trộm cắp.
275. HỎI: “Tham thiền không bí quyết, chỉ cần sanh tử thiết”, vậy thế nào là sanh tử thiết?
- Ø ĐÁP: Sanh tử chỉ sự sanh diệt của thân ngũ uẩn này. Có sanh tử ắt có luân hồi, ngày nay đang sống thì không biết đến ngày mai còn sống hay chết, nếu không thừa lúc còn khỏe mạnh, hạ thủ công phu giải quyết bệnh lớn sanh tử, mặc dù sanh tử trong chiêm bao chẳng thật, nhưng trong lúc còn đang chiêm bao, vẫn phải chịu khổ sanh tử ràng buộc, phải từ chiêm bao thức tỉnh, ra ngoài chiêm bao, tức kiến tánh thành Phật.
Đức Phật muốn chúng ta đều thức tỉnh trong chiêm bao, còn chúng sanh thì ham thích cảnh tượng giàu sang phú quí trong chiêm bao, dù bậc tu sĩ chẳng hy vọng được giàu sang, nhưng nhiều người cũng mong muốn được danh vọng địa vị, trong Phật pháp nói đến tam độc tham, sân, si, thứ nhất là tham: ham thích giàu sang cũng là tham, ham danh vọng cũng là tham, cho đến bậc Bồ-tát ham độ chúng sanh cũng là tham … nên Bát Nhã Tâm Kinh nói “Vô trí diệc vô đắc”, Kinh Kim Cang nói: “Độ hết tất cả chúng sanh, chẳng có một chúng sanh được diệt độ” tức vô sở đắc, chẳng cho mình là năng độ, chúng sanh là sở độ. Nếu không vẫn còn là tham, chẳng phải bậc Bồ-tát chơn chính.
Đối với việc sanh tử nếu chẳng thiết tha, chỉ là muốn cho công phu được miên mật tinh tấn, thì có thể sau một thời gian ngắn là công phu lui sụt, vì không có mục đích, chẳng phải giải quyết sanh tử, nên dễ buông bỏ công phu. Do đó, Tổ sư dạy phải thống thiết vì sanh tử, nếu không thì tham thiền vô ích.
Phải biết tại sao có sự sanh tử, làm cho chúng ta phải chịu cái khổ này? Trước mắt thấy người già có cái khổ của cảnh già, người bệnh có cái khổ của bệnh tật, người nào cũng tranh giành danh lợi, địa vị và sự sống trước mắt, ngày nào chết cũng không biết, chết thì người nào cũng sợ, nhưng sợ vẫn phải chết! Có sanh ắt có tử, tại sao lại có sanh tử? Tự mình phải giải quyết triệt để vấn đề này.
Kỳ thật, trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật giải thích rất kỷ: “Chơn tánh của ta, cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là Tự tánh, Chơn như, thật tướng, Pháp thân, Bản tâm, Bản kiến, Bản văn … đều chỉ về tự tánh không có sanh tử …” . Phật dùng bản kiến dụ cho mặt trăng thứ nhất, chẳng thể nói được, còn kiến tinh tức năng kiến, là mặt trăng thứ hai, có thể dùng lời nói diễn tả được. Lời nói diễn tả được mới có thể giảng cho người nghe, còn cái chẳng thể dùng lời nói diễn tả thì phải tự ngộ mới được. Ví như chiếc ghế này, mọi người đều nhìn thấy, ấy là do kiến tinh năng thấy, nhưng tôi hỏi quý vị, kiến tinh đó ở đâu? Hãy chỉ ra xem!
* BẢN KIẾN: Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A-nan thử chỉ kiến tinh ra xem, A-nan nói:
- Từ trên trời, dưới đất, cho đến núi sông đất đai … những gì có thể chỉ được đều là vật, chẳng phải kiến tinh.
Phật bảo: “Vậy tất cả đều là phi kiến, phải không?”
A-nan đáp: “Chẳng phải “.
Vì nếu cái ghế gọi là kiến tính thì chẳng thể gọi là ghế, mà nếu chiếc ghế chẳng phải kiến tinh thì làm sao lại thấy được nó? Cho nên, chỉ cũng không đúng, không chỉ cũng không đúng. Tại sao? Vì kiến tinh chẳng phải vật, làm sao chỉ ra được? Có người cho rằng kiến tinh là con mắt, nhưng trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã giải thích vấn đề này.
Phật bảo A-nan: “Ta có cánh tay nên thành nắm tay, người có con mắt mới thấy được nắm tay ta, hai việc này có giống nhau không?”
A-nan đáp: “Giống nhau”.
Phật bảo: “Không đúng. Tại sao? Ta có cánh tay mới làm thành nắm tay, nếu không có cánh tay thì nắm tay tiêu diệt. Còn ngươi đi hỏi người mù xem họ thấy gì? Họ sẽ trả lời rằng trước mắt thấy đen tối.”
A-nan nói: “Thấy đen tối sao gọi là thấy?”
Phật dẫn dụ thêm: “Một người có mắt sáng ở trong phòng tối, với người mù ở trong phòng tối, hai sự thấy đó có giống nhau không?”
ĐÁP: “Giống nhau”.
- “Vậy người không có mắt thình lình được con mắt, thấy cảnh vật trước mắt, phải gọi là “Mắt thấy” không?”
ĐÁP: Phải.
- “Người có mắt ở trong phòng tối, đốt lên đèn cầy, thấy các cảnh vật, có phải gọi là “Đèn thấy”không?”
A-nan trả lời không được.
Phật bảo: Cây đèn hiển hiện sắc tướng, sự thấy là con mắt, chẳng phải cây đèn; con mắt hiển hiện đồ vật, nhưng sự thấy là tâm, chẳng phải con mắt. Nếu nói thấy sáng gọi là thấy, thấy tối gọi là không thấy, ấy là sai. Vì lúc sáng thì không thấy tối, lúc tối thì không thấy sáng: Nếu nói “Không thấy” thì hai cái đều không thấy, do lúc sáng không thấy tối, lúc tối không thấy sáng; nếu nói “Thấy” thì hai cái đều là thấy, thấy sáng cũng là thấy, thấy tối cũng là thấy. Sáng và tối là tiền trần, có sanh diệt, còn bản kiến chẳng sanh diệt; là vật mới có sanh diệt, chẳng phải vật thì chẳng có sanh diệt. Chẳng sanh diệt thì chẳng thị phi, đúng sai, đắc thất … tất cả sanh diệt đều chẳng dính dáng đến nó. Nhưng vì có cái chấp tâm, chấp chỗ sanh diệt cho là thật, rồi mới quên bản kiến chẳng sanh diệt của mình. (Sư phụ dẫn chứng thêm về bảy chỗ gạn hỏi tâm của Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm, đây lượt qua).
* BẢN VĂN: Trong Kinh Lăng Nghiêm nói về bản văn như sau:
“Chúng sanh mê bản văn, tuần thanh cố lưu chuyển”. Bản nghe cũng như bản kiến, cũng là chỉ về Tự tánh. Tại sao nói mê lầm bản văn? Do có sự nghe và không nghe thì chẳng phải bản văn, vì nghe là sanh, không nghe là diệt, còn bản văn thì chẳng sanh diệt. Nói PHẢN VĂN là đã xoay trở về, thoát khỏi âm thanh động tịnh, không có sở nghe, chứ không phải là dùng lỗ tai để nghe cái bản văn, nếu vậy thì bản văn trở thành sở nghe rồi, có năng sở tương đối lại chẳng phải bất nhị của Tự tánh. Cho nên, nói bản kiến, bản văn … đều chẳng phải vật, dù đặt nhiều tên gọi, nhưng thể chỉ là một. Nói là “Thể” cũng chỉ là lời nói diễn tả, đã không phải vật thì làm sao có thể ư! Bản thể cùng khắp pháp giới, nên chẳng thể chỉ ra được.
Về sự thấy, trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói: “Tại sao gần thì thấy, xa lại chẳng thấy? Sự thấy chẳng lẽ có thể kéo dài hay rút ngắn lại? Ví như con mắt tiếp xúc với chiếc ghế thì thấy chiếc ghế, tiếp xúc với cái bàn thì thấy cái bàn, nhưng tiếp xúc với mặt mình còn thấy được mặt mình không? Có tự thấy được lông mày, lỗ mũi không? Gần còn chẳng thấy được, nói chi vật xa! Đã nói năng thấy chẳng phải vật, thì làm gì có gần và xa? Cho nên, tất cả những gì có thể chỉ ra, tìm ra được đều là vật cả, vật thì có sanh diệt, trước mắt đã chứng tỏ cái bản kiến bản văn của ta không sanh diệt, thì tại sao chúng ta cứ đuổi theo sự sanh diệt trong hiện tượng trước mắt mà sanh ra đủ thứ phiền não?
Do đó, chúng ta tham Thiền đừng có biết tới những hiện tượng thế giới trước mắt, vì đó là sanh diệt, là chiêm bao, phải tự thấy được bản kiến, bản văn của chính mình, mà điều này người khác chỉ không ra, Phật cũng chỉ không ra, vì nếu Phật có thể chỉ ra được, đã chỉ cho A-nan rồi.
Cho nên, Phật bảo A-nan: “Ta chẳng thấy được kiến tinh của ngươi, ngươi cũng chẳng thấy được kiến tinh của ta. Vì đó chẳng phải vật thì làm sao thấy? Đã chẳng phải vật thì chính là ngươi, tại sao ngươi còn hỏi ta, làm sao chỉ ra được!”
276. HỎI: Thế nào là tứ tướng?
- Ø ĐÁP: Tứ tướng trong Kinh Kim Cang là: Ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, Kinh Viên Giác gọi là thọ mạng tướng. Trong Kinh Viên Giác có hai loại tứ tướng: Mê thức tứ tướng của phàm phu, và mê trí tứ tướng của bậc Thánh. Trong Kinh giải thích về mê trí tứ tướng như sau: Tâm có chứng đắc là ngã tướng, ngộ được sự chứng đó chẳng phải ngã, nhưng đối với ngã tướng ấy có cái năng ngộ là nhơn tướng; tiến thêm một bước, biết năng chứng năng ngộ chẳng có ngã, chẳng có nhơn, trong tâm liễu tri chỗ ngã tướng nhơn tướng chẳng thể đến, gọi là chúng sanh tướng. Lại tiến thêm một bước, năng chứng sở chứng, năng ngộ sở ngộ, năng liễu sở liễu đều không, quy về tịch diệt, nhưng còn trụ nơi Niết-bàn, trụ nơi thời gian, nguồn gốc mạng căn chưa cắt đứt, gọi là chúng sanh tướng, Tào Động tông gọi là “Tôn quý đọa”, mặc dù tôn quý là cao nhất, đến Niết-bàn là cao nhất, tịch diệt hiện tiền là cao nhất rồi, tất cả năng sở đều diệt, tại sao vẫn còn đọa? Vì còn thọ mạng tướng. Phải lìa được mê trí tứ tướng mới đạt được quả Phật.
Tứ tướng dù bao gồm ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, nhưng đều thuộc về ngã, chỉ là ngã chấp đến chỗ vi tế, phải lìa hết mới có thể thật chứng quả Phật. Nhưng nay nhiều người tu theo ngã chấp, nên chẳng bao giờ được chứng quả Thanh Tịnh Giác của Kinh Viên Giác.
Do đó, Tổ Sư Thiền phải quét sạch tất cả mà chẳng khởi tâm quét, cuối cùng đến cả cái biết tham thiền cũng quét luôn, mặc dù vẫn có nghi tình, nếu còn biết mình đang tham thiền vẫn chưa phải chơn tham, phải như ngài Lai Quả nói “Vô tham tức chơn tham”; vô tham chẳng phải không có tham, là đang tham mà không biết là tham, cuối cùng mới cắt đứt mạng căn, kiến tánh triệt để.
277. HỎI: Bố thí thế nào không nắm lấy tướng?
- Ø ĐÁP: Điều thứ nhất trong Lục độ vạn hạnh của Đại thừa Bồ-tát là bố thí độ, điều thứ nhất của pháp tứ nhiếp là Bố thí nhiếp, Bố thí đó chẳng phải chỉ bố thí tiền của, luôn cả thân mạng, thân tâm, Phật pháp …
Theo tứ tướng của phàm phu, dù bố thí tiền của, nhưng không được cho là ta bố thí, chẳng cho có người lãnh thọ sự bố thí, cũng chẳng có đồ vật tiền của để cho mình thí, gọi là “Tam luân thể không”: tức năng thí, sở thí, vật thí đều bố thí hết, mới gọi là chơn bố thí. Nhưng đó chỉ đạt đến lìa tứ tướng của phàm phu, chưa đến mức lìa tứ tướng của thánh hiền. Nói “Bố thí triệt để” là phải quét sạch ngã chấp, tức lìa cả tứ tướng của phàm phu và thánh hiền.
Tiểu thừa phá được ngã chấp, tức lìa tứ tướng của phàm phu, còn Đại thừa phá được pháp chấp, tức lìa tứ tướng của thánh hiền. Bất cứ chấp cái gì đều do ngã chấp sanh khởi, ngã chấp đến chỗ vi tế tự mình không biết, gọi là thọ mạng tướng. Thiền tông mặc dù đã kiến tánh rồi còn đi gặp thiện tri thức, là vì sợ mình còn có sở đắc, nếu cho mình là kiến tánh thì vẫn còn ngã tướng. Nhiều người rất ham tu, rất khổ tâm tu hành, nhưng tu theo ngã chấp, đến Thiền định cao chừng nào ngã chấp to chừng nấy, vì không phá được ngã chấp, tham, sân, si chỉ tạm thời đè nén, nên rất nguy hiểm.
278. HỎI: Sau một thời gian tham thiền, con giảm bớt được phần nào về danh lợi thế gian, nhưng còn tâm trạng buồn và hay xúc động khi gặp phải cảnh khổ của người khác. Xin Sư phụ chỉ dạy thêm, làm sao quét sạch những tâm trạng đó?
- Ø ĐÁP: Trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền có đề cập đến chánh nghi và hồ nghi, hồ nghi là dùng tâm đi tìm hiểu, dù là tìm hiểu câu thoại đầu, chánh nghi là chỉ cho tâm nghi, không cho tâm đi tìm hiểu. Tìm hiểu câu thoại của mình tham còn không được, huống là tìm hiểu cái khác! Đối với ngoại cảnh thế gian, chẳng phải muốn lấy hay muốn bỏ, cũng như nói đến chữ “Quét”, nếu khởi tâm muốn quét cũng không đúng. Tất cả đều là tùy duyên, Giáo môn gọi là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, bất kể gặp cảnh gì cũng không tác ý, làm thì cứ làm; thương xót kẻ nghèo nàn bệnh tật, bố thí giúp đỡ, không biết đến sự giúp đỡ bố thí là ta, người nghèo khổ ấy đang lãnh thọ sự bố thí của ta, cũng chẳng biết tới mình đang làm việc bố thí, tất cả chỉ là tùy duyên.
279. HỎI: Trong lúc tham Thiền nghi tình nặng, câu thoại đầu trở thành ánh sáng đơm đớm hư không và một số cảnh giới khác, vậy có đúng không?
- Ø ĐÁP: Nhất thiết duy tâm tạo, tất cả cảnh giới đều xuất phát từ vọng tâm, thể xác này cũng do vọng tâm tạo mới có. Đối với một số hành giả trước kia đã tu theo pháp ngoại đạo, trong lúc công phu thỉnh thoảng lại thấy có người đến hoặc đánh hoặc khảo, ấy là do vọng tâm trong tiềm thức tạo ra đủ thứ cảnh giới. Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh vọng thấy luân hồi lưu chuyển, những kẻ Nhị thừa thì nhàm chán cảnh lưu chuyển, nên vọng thấy Niết-bàn”. Thấy Niết-bàn còn là vọng, huống là thấy các cảnh giới khác! (Sư phụ giảng về nhắm mắt chiêm bao & mở mắt chiêm bao, đây lược qua).
Một vị hành giả 80 tuổi kể lại cuộc đời đi tìm chơn lý:
… Trải qua một cuộc sống đầy bon chen, đến lúc 60 tuổi, khi bắt đầu xem Kinh và nghiên cứu chơn lý nhà Phật, trong lòng tôi thấy có một sự rung động, từ đó hết sức chí tâm đi tìm chơn lý. Tôi đã từng đi thăm viếng các ngôi chùa, Kinh kệ trải qua mấy năm, nhưng không được thỏa mãn, rồi đi vào khảo cứu Kinh Phật, tỉnh tâm ngồi thiền theo Yoga, vẫn chưa tìm được vị Thiền sư nào để nương tựa, nên phải dùng sách làm thầy.
Vẫn say mê trong việc tìm chơn lý, rồi một hôm tôi gặp được pháp tu của ông Lương Sĩ Hằng, và trụ theo pháp đó chín năm, dù được các cảnh giới hiện tiền, nhưng vẫn không được thỏa mãn, và cho đó là vọng thức. Sau đó tôi nhận thức rằng: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, hễ mê là chúng sanh, ngộ là Phật, con đường tu hành phải tự tu, cho đến một ngày kia không còn tâm giả dối, không còn man trá điên đảo, cảnh tượng địa ngục đối với người tham lam tội lỗi trở thành thiên đàng của người chơn tu. Xin hỏi Sư Phụ như thế đúng không?
- Nguyên vì tôi nghe nói có một Thiền thất, tôi đến gặp Sư phụ trong ngày mở thất nhưng hôm sau Sư phụ đã ngã bệnh và vắng đi trong một thời gian. Tôi có sưu tầm những tác phẩm của ngài về nhà đọc và bắt đầu tham thoại đầu, những ách tắc từ trước dần dần được phá tan. Đến hôm nay, Sư phụ mới mở thiền thất trở lại, và tôi đến gặp ngài, thỉnh giáo về sự thắc mắc trong tu tập của tôi, dù gặp nhiều gian nan, nhưng chơn lý rốt ráo đi đến thức tỉnh phải có cơ duyên gặp được mới có thể thành công.
Trước kia gặp Sư Phụ, lúc đầu bản ngã của tôi còn rất cao, tôi có chịu đảnh lễ Sư phụ đâu, nhưng hôm nay là tôi xin đảnh lễ Sư phụ, vì Chánh pháp đã mở mắt cho tôi, một ngày nào đó sẽ dẹp tan bản ngã.
Thưa Sư phụ, dù đang giao tiếp với bạn bè, hay đang thỉnh hỏi với ngài, câu thoại đầu tôi tham lúc nào cũng làm cho tôi muốn bể tung cái đầu, chẳng biết trạng thái này là tốt hay xấu? Lại, câu thoại đầu lúc nào cũng theo xác tôi, muốn bỏ cũng không được, nhưng trong giấc ngủ thì không có. Kính mong Sư phụ chỉ dạy về sự sai quấy trong quá trình tu học bao nhiêu năm của tôi.
Công phu của ông rất miên mật, nhưng về căn bản thì chưa đúng, vì còn chấp ngã, Chánh pháp là phải phá chấp thật. Điều thứ nhất nói về ông Lương Sĩ Hằng, nghe nói tu pháp xuất hồn để lên trời nghe Phật thuyết pháp, cho Phật là ở trên trời. Người đó chẳng biết Phật pháp, còn chưa đủ tư cách bằng tà ma, vì theo Kinh Lăng Nghiêm nói, tà ma còn biết thuyết pháp.
- Nói về Từ bi bác ái, nhiều người sai lầm cho Từ bi với bác ái bằng nhau, sự thật thì khác, là nghịch nhau. Tại sao? Vì bác ái là ngã chấp, ví như của cải vật chất thuộc về ta, vì ta tình thương bao la nên cho người này người kia. Từ bi của Phật lại khác, khi Từ bi hiện tiền thì ngã chấp đã sạch, chẳng còn năng sở; chẳng có ta Từ bi, chẳng có người nhận sự Từ bi của ta, nên nói “Vô duyên từ, đồng thể bi”.
- Nay nhiều người dù siêng năng tu tập, nhưng tu theo ngã chấp, nên tu cao chừng nào nguy hiểm chừng nấy. (Sư phụ giảng về nghĩa tứ cú, đây lượt qua).
- Tổ sư nói: “Có tâm chẳng thể cầu, vô tâm chẳng thể đắc, ngôn ngữ chẳng thể thông đạt, im lặng chẳng thể thấu suốt”, việc này cần phải tự ngộ, phải trong chiêm bao thức tỉnh mới được. Nay ông đừng suy nghĩ nhiều nữa, cũng đừng cho là cái này cái kia, vì hễ cho là “Đúng” thì lọt vào cú thứ nhất, cho là “Không đúng” thì lọt vào cú thứ nhì, cho là “Chẳng đúng chẳng không đúng” lọt vào cú thứ ba, cho là “Cũng đúng cũng không đúng” lọt vào cú thứ tư, đều không ra ngoài tứ cú. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật”, dù là lời nói của Phật, lời nói của Tổ cũng là lời nói, hễ đuổi theo và hướng vào lời của Phật để tìm hiểu hay ngộ nhập, ấy là con chó, ngộ nhập tự tánh mới là sư tử.