Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
80. HỎI: Thế thì pháp quán chiếu của Giáo môn làm sao đạt đến thể tánh? - Ø ĐÁP: Giáo môn thì khác. Kinh Pháp Bảo Đàn là Thiền môn, Thiền môn thuộc giáo ngoại biệt truyền, khác với Giáo môn, phải có nghi mới được ngộ. Nay tham thiền tham đến chết chưa kiến tánh, ôm câu thoại đầu đến chết, kiếp sau cũng sẽ tiếp tục tham. Trong Truyền Đăng Lụccó kể về một bé gái mười lăm tuổi, là cháu của Thừa tướng Tô Công Tụng, cũng do kiếp trước có tu, nên tham Thiền đến mười lăm tuổi đã kiến tánh, nhưng chẳng hề nói ra cho ai biết, vì tưởng rằng ai ai cũng vậy. Sau khi phá được Sơ quan, cha mẹ cho Cô lấy chồng. Do thiện căn Bát-nhã đã được gieo trồng, sau cùng cũng được gặp Thiền sư cho xuất gia, pháp danh Diệu Tổng Thiền sư. Xưa kia ở Trung Quốc, chức vị Trụ trì ở Tòng lâm đều là những vị tu hành đã kiến tánh và Diệu Tổng Thiền sư được ông Tỉnh trưởng mời đến chùa làm Trụ trì. Ngài Đại Huệ Thiền sư, thầy của Sư Bà nói: “Sư Bà là người chẳng có tham thiền mà được ngộ”, nhưng kỳ thật là do tham Thiền mới được ngộ.
HỎI: Như thế bên Giáo môn dùng pháp quán chiếu thì chẳng được ngộ ư? ĐÁP: Lai Quả Thiền sư nói “Quán chiếu mặc dù có ngộ, nhưng không đến đỉnh núi Niết Bàn, chẳng triệt để”. Nên trong Truyền Đăng Lục nói: “Như lai Thiền khác hơn Tổ Sư Thiền”, Như Lai Thiền có giai cấp, chia thành năm mươi bảy cấp, Quán chiếu thuộc Như Lai Thiền chứ không phải Tổ Sư Thiền. 81. HỎI: Cái “Biết vọng” của ngài Khuê Phong như thế nào? - Ø ĐÁP: Ngài Khuê Phong là Tổ thứ năm của Tông Hiền Thủ, chẳng phải Tổ sư của Tổ Sư Thiền. Kinh Viên Giác nói “Nhất thiết chúng sanh giai chứng Viên giác”, ngài cho là dịch sai, chữ GIAI phải đổi thành chữ CỤ, ấy là lý lẽ bên Giáo môn, Thiền tông thì biết chữ Giai là đúng. Ý của Tổ khuê Phong là “Tất cả chúng sanh chưa chứng viên giác, chỉ là cụ túc viên giác mà thôi”, ấy là do còn chấp thật có chúng sanh, thật có viên giác. Bởi vì Bản tánh của mình đâu phải là chúng sanh? Bản tánh của mình đâu phải là Phật? Nay dùng trí huệ hiểu biết để suy diễn cũng có thể suy ra được: Nếu bản tánh của mình là Phật thì sao nay lại thành chúng sanh? Hễ thành chúng sanh được thì tu thành Phật cũng vô ích, sau này cũng có thể trở thành chúng sanh. Hễ bản tánh là chúng sanh thì dù cho tu hành thế nào cũng chẳng thể thành Phật được, vì bản tánh đã là chúng sanh rồi! Do Khuê Phong còn có chấp, nên chỉ có thể làm Tổ bên Giáo môn chứ chẳng thể làm Tổ bên Thiền môn.
82. HỎI: Thấy tâm tán loạn có thể niệm câu “Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát” được không? - Ø ĐÁP: Ở trong pháp môn Duy thức, tám thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều là tâm vương.
83. HỎI: Có người nói “Hết vọng tưởng tức kiến tánh”, nhưng Sư lại nói: “Hết vọng tưởng chưa phải kiến tánh”, mong Sư giảng lại chỗ này? - ØĐÁP: Nếu không phá ngã chấp, hết vọng tưởng được sanh Cõi Vô Tưởng, cao nhất là Cõi Phi tưởng Phi phi Tưởng. Đức Phật từng thọ ký cho ông Uất Đầu Lam Phất “Sau khi hưởng xong phước báo cõi Trời, sẽ bị đọa súc sinh làm con chồn bay”. Tu đến hết vọng tưởng, đừng nói là một đời chỉ có mấy mươi năm, cho dù là nữa đại kiếp không có vọng tưởng, vẫn còn bị đọa súc sinh! Cho nên, hễ không có nghi tình cũng không có vọng tưởng là lọt vào vô ký không, là Thiền bệnh. Tổ Sư Thiền gọi đó là “Ngâm nước chết”, hễ chấp vào đó thì vĩnh viễn chẳng được kiến tánh.
84. HỎI: Câu “Tiền niệm bất sanh tức tâm, hậu niệm bất diệt tức Phật” trong Kinh Pháp Bảo Đàn như thế nào? - Ø ĐÁP: Ở trên đã nói, nếu chấp vào lời nói là nói hoài chẳng hết; hễ chấp vào thời gian thì có trước có sau, có mê có ngộ, là tương đối. Tâm niệm của chúng ta mặc dù thấy giống nhau nhưng mỗi giây đều khác, cũng như cây tim đèn, ngọn đèn của một giây trước chẳng phải ngọn đèn của một giây sau, phải không?
Nay tham Thiền cần nghi tình miên mật, không để ý trước sau, không để ý mê ngộ, đến một ngày kia thình lình ngộ thì giây phút ấy, niệm ấy ngộ tức kiến tánh thành Phật. Khi chưa ngộ thì niệm niệm đều mê, nhưng lúc có nghi tình thì chẳng phải mê, mặc dù chưa kiến tánh. Như ngài Lai Quả Thiền sư nói “Nếu công phu được thành khối, hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng gián đoạn thì không kiến tánh cũng được”. Tại sao? Vì hễ có tướng thì Diêm La Vương thấy và có thể sai tiểu quỷ bắt được; nghi tình chẳng hình tướng, chẳng lọt vào chỗ nào cả, chẳng có tướng thì Diêm La Vương chẳng thể thấy, chẳng thể sai quỷ sứ đến bắt. Sự thật thì công phu đến chỗ đó muốn không kiến tánh cũng chẳng được. Đối với chúng sanh chấp mê phải nói ngộ, nên nói “Niệm trước là mê, niệm sau là ngộ”. Khi ngộ rồi mới biết chẳng có ngộ, vì trước có mê đâu mà nói là ngộ? Cho nên, hễ chấp vào lời nói là không hiểu ý của Tổ. Lời của Tổ, của Phật chỉ là phương tiện tạm thời, đối với căn cơ này thì thuyết pháp này, đối với căn cơ kia là thuyết pháp kia, thường thì pháp này với pháp kia mâu thuẫn nhau. Ý của Phật chẳng có mâu thuẫn, do người chấp có mâu thuẫn, thành ra nói pháp có mâu thuẫn. Nên nói bệnh của chúng sanh là bệnh giả, thuốc của Phật là thuốc giả, bệnh giả hết thuốc giả phải bỏ, nếu chấp thuốc ấy là thật thì sai lầm. 85. HỎI: Trong cuốn “Thiền Đạo Tu Tập” của ông Trương Trừng Cơ nói rằng Phái Tào Động là Mặc chiếu, phải không? - Ø ĐÁP: Trương Trừng Cơ là người tu theo Mật tông, chẳng có thực hành Tổ Sư Thiền, chỉ nghiên cứu sách Thiền mà tự cho Tào Động Tông là Mặc chiếu. Ông ấy cũng biết hễ có lý luận là nghịch với ý chỉ Tổ Sư Thiền, nhưng cũng bất giác lập ra lý luận đặc biệt về Tổ Sư Thiền, chia công án thành bốn loại, ấy là tại tác giả chẳng biết về Tổ Sư Thiền, chẳng thực hành Tổ Sư Thiền, tự lấy ý mình suy ra tưởng là đúng. Người tham Thiền chẳng thể căn cứ vào đó mà phải căn cứ Tổ Sư kiến tánh. Quyển “Lá Thư Thiền” của ngài Đại Huệ nói “Mặc chiếu là tà thiền”.
86. HỎI: Thế nào là năm Tông bảy Phái? - Ø ĐÁP: Thiền tông là một, tại sao lại chia thành năm tông bảy phái? Ấy là do thủ đoạn của Tổ Sư có khác biệt. Ví như bảy người có bảy món ăn đặc biệt, ông A là món canh chua, ông B thì món xào, ông C thì món hầm v.v.. mỗi người một món đặc biệt ngon, mặc dù món ăn đó sáu người khác vẫn làm được nhưng không ngon bằng. Người thích món canh chua phải đến chỗ ông A, người thích món xào đến ông B, hễ người thích món xào mà đến với ông A thì giới thiệu ngay đến ông B … Tuỳ theo căn cơ, sở thích của người tu nên chia thành năm tông bảy phái. Đến khi Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ra đời, thủ đoạn của Tổ sư chẳng xài ra được nữa.
87. HỎI: Chẳng có vọng tưởng cũng chẳng chấp không, có phải là ý của “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không? - Ø ĐÁP: ƯNG VÔ SỞ TRỤ là giữ cái hoạt bát vạn năng của Tự tánh, NHI SANH KỲ TÂM là dụng của tự tánh xài ra. Tôi thường lấy cánh tay để thí dụ: Sự dụng của tay hoạt bát vạn năng, lấy gì cũng được, hễ có sở trụ, chấp vào một vật gì thì đánh mất tánh hoạt bát vạn năng của tay, nên chư Phật chư Tổ dạy phải quét đi, khôi phục lại tánh hoạt bát vạn năng. Chấp vào một vật là CÓ, hay chấp vào cái KHÔNG, cũng là đánh mất sự hoạt bát vạn năng, nên cái không ấy cũng phải quét. Nếu chẳng có vọng tưởng cũng chẳng chấp không thì cái “Chẳng có vọng tưởng” ấy có biết không?
88. HỎI: Thế nào là “Nhập lưu vong sở”? - Ø ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm quyển sáu: “Từ văn tư tu, nhập Tam Ma Địa”. Lúc đầu ở trong cái nghe nhập lưu vong sở, hễ có cái năng nghe thì có sở nghe. Thế nào là nhập lưu? Không có sở nhập mới là nhập lưu. Nhĩ căn trong lục căn là nghe, nếu nghe ở bên ngoài là xuất lưu, chẳng nghe bên ngoài, trở vào bên trong gọi là nhập lưu. Nhập lưu thì sở nghe hết, gọi là vong sở, sở đã diệt thì tịch tịnh, chẳng còn tướng động tịnh.
89. HỎI: Thế nào là “Hàn lu trục khối, sư tử gião nhơn”? - Ø ĐÁP: Tổ Sư Thiền có một thí dụ về con chó và con sư tử: Một người liệng ra cục xương, con chó thông minh của nước Hàn đuổi theo cục xương mà cắn, còn con sư tử chẳng thèm để ý cục xương mà cắn ngay người ấy. Người ấy là gì? Là Tự tánh; cục xương là gì? Là lời nói của Phật, của Tổ. Hễ đuổi theo lời nói của Phật, Tổ để hiểu là con chó, hướng vào Tự tánh để ngộ là con sư tử. Đức Phật muốn chúng ta làm con sư tử chứ chẳng muốn chúng ta làm con chó, nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm hữu ngôn thuyết giai phi thật nghĩa”, lời nói của Phật cũng là ngôn thuyết vậy, làm sao căn cứ chỗ đó, chấp vào chỗ đó, nói là thật nghĩa!
Nên biết tất cả lời của Phật, của Tổ chỉ là phương tiện tạm thời để ngộ nhập Tự tánh của mình, như Kinh Pháp Hoa nói “Khai thị ngộ nhập”, chẳng phải ngộ nhập cái khai thị đó của Phật, mà là nhờ khai thị ngộ nhập Tự tánh. Nay hễ chấp lời thì nghịch ý, như tôi thường giảng về “Lìa tứ cú”: Chúng sanh chấp có thì Phật nói là không; chúng sanh chấp không thì Phật nói là có. Lúc Phật nói “Có”, ý của Phật chẳng phải có, lúc Phật nói “Không”, ý của Phật chẳng phải không, đã rõ ràng rồi. Nếu Phật nói “Có”, mình chấp cái có là chơn lý, lúc Phật nói “Không”, mình chấp cái không là chơn lý, là nghịch với ý của Phật. Phải hiểu ý của Phật, theo ý của Phật mà ngộ nhập tự tánh, hễ đuổi theo lời nói của Phật để hiểu là con chó, chẳng phải con sư tử. 90. HỎI: Có người giảng về câu “Phản văn văn tự tánh”, là khi lỗ tai mình chạy theo âm thanh thì liền cắt đứt dòng chạy theo mà trở về Tự tánh, vậy có đúng không? Không những là nhĩ căn, cho đến nhãn, tỷ, thiệt, thân, ý, lục căn chạy theo lục trần mà ngay đó trở về Tự tánh, ứng dụng như thế để trở về tự tánh, như Kinh Viên Giác dạy: “Tri huyễn tức lìa, chẳng cần phương tiện. Lìa huyễn tức giác, không có thứ lớp”, vậy có đúng không? - Ø ĐÁP: Như thế làm sao trở về? Làm sao không chạy theo? TRI HUYỄN TỨC LY, BẤT TÁC PHƯƠNG TIỆN: Bất tác phương tiện chẳng phải là không cần phương tiện, nhưng không tác ý; cũng như Tôi thường dạy tham Thiền là dùng phương tiện để đi, chẳng được tác ý buông bỏ vọng tưởng, chẳng được trừ vọng tưởng, chẳng được đè nén vọng tưởng. Chẳng những không được tác ý phá trừ vọng tưởng, cho đến hễ tác ý “Không phá trừ vọng tưởng” cũng không được. Hễ có tác ý là sai, chứ chẳng phải không cần phương tiện. Cần phương tiện mà không cho tác ý, nên nói là “Bất tác phương tiện”. Nếu có tác ý phương tiện thì tác ý ấy cũng là vọng, làm sao lìa được !
LY HUYỄN TỨC GIÁC, DIỆC VÔ TIỆM THỨ: Nay biết đó là huyễn, dùng phương tiện để lìa. Như chúng ta tham thiền dùng câu thoại làm phương tiện để lìa, nhưng không được khởi niệm là lìa, ấy mới được đến với cái Giác. Lìa huyễn tức giác, nhưng không có tiệm thứ mới lìa được cái huyễn. Từ biết được cái huyễn là bắt đầu khởi lên nghi tình là không có tiệm thứ, chẳng còn lìa hay không lìa, giác hay không giác, ấy mới được giác. Bởi vì nếu còn có năng sở, năng lìa sở lìa (huyễn), năng giác sở giác là có tương đối, có tiệm thứ, ấy là sai. Pháp vốn chẳng có đốn tiệm, chẳng tiệm thứ, do chấp tâm của người nên sanh ra tiệm thứ. Kinh là nói về pháp chứ không nói về người, nhưng cũng có người một hơi thấu tam quan, chẳng có tiệm thứ, vì người ấy chấp tâm ít. Chấp nhiều chừng nào thì tiệm thứ nhiều chừng nấy. 91. HỎI: Có một vị dạy người “Chú tâm vào một việc”, ví như khi mặc áo thì biết là áo, ăn cơm biết là cơm, trì chú biết là chú v.v… Theo phương pháp này có thể ứng dụng để tu hành và đi đến giác ngộ không? - Ø ĐÁP: Ấy cũng là một phương pháp của Giáo môn, nhưng không vào cửa Thiền được, chỉ có thể gieo cái nhân đến muôn ngàn kiếp sau, hoặc may có thể thành Phật, chứ chẳng thể tức thân thành Phật.
Thiền Giáo môn tiếng Ấn Độ là Thiền Na, dịch là Tịnh Lự. Theo người thường hễ Tịnh thì chẳng Lự, Lự thì chẳng Tịnh, còn Thiền thì Tịnh Lự đồng thời, lúc đang Tịnh cũng đang Lự. Phương pháp của ông nói là cứ đuổi theo vật chất hoài, hễ uống nước thì đuổi theo cái ly, cái nước, nằm thì đuổi theo cái mình và cái giường, mặc áo thì đuổi theo cái áo, cứ đuổi theo ngoại cảnh hoài, tâm làm sao tịnh được? Làm sao nhập Thiền Na được? Hôm qua tôi có giảng đến bốn câu kệ của ngài Lục Tổ: Thường ứng chư căn dụng, Mà chẳng khởi dụng tưởng. Phân biệt tất cả pháp, Chẳng khởi phân biệt tưởng. Nếu biết ta mặc áo là dụng tưởng, biết ta uống nước cũng là dụng tưởng rồi, làm sao nhập Thiền na được? 92. HỎI: Vậy có thể nhập Như Lai Thiền không? - Ø ĐÁP: Cũng không được, ấy là nằm trong câu thứ nhất của nghĩa ba câu, còn chấp thật hiện hữu, chưa biết ấy là vọng, là huyễn, chưa thể cho là tu hành. Nhưng vì hễ niệm được một câu chú hoặc một tiếng Phật cũng gieo trồng được thiện căn, muôn ngàn kiếp sau cũng được thành Phật. Tu hành là phải phá chấp: Trước phá nhân ngã chấp, sau phá pháp ngã chấp. Nay chẳng kể căn cơ nào, chẳng kể thích hợp hay không mà dạy người tu như thế rất có hại, khiến nhiều người uổng tu một đời.
Phật với Tổ đều dạy người phải chuyên tu một pháp môn, nhất môn thâm nhập. Bất cứ trong cuốn Kinh nào Đức Phật cũng nói “Kinh này đệ nhất”, ý là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập, chứ chẳng phải có Kinh nào hơn Kinh nào. Hễ ngày đêm đề câu thoại đầu hỏi tới hoài, ở trong câu thoại đầu đầy đủ tất cả pháp: Trì chú cũng ở trong đó, lễ Phật cũng ở trong đó, tụng Kinh cũng ở trong đó. Vì nghi tình đã là thực hành theo ý Phật, Phật là muốn chúng ta giải thoát, giải thoát cần phải giác ngộ, nên nói “phát Bồ-đề tâm” là cầu giác ngộ. Trì chú là cách tu của Mật tông, muốn tu phải theo đúng tông chỉ của Mật tông, nếu không theo đúng tông chỉ của pháp môn mà đem áp dụng qua áp dụng lại là lòng tin chưa đủ, chẳng thể thành tựu được. Nếu suốt ngày mặc áo cũng trì chú, uống nước cũng trì chú, và cho rằng “Phải trì chú để làm trợ duyên cho sự tu hành” ấy là sai lầm, bày đặt. Như người hay nói “Thiền Tịnh song tu”, cuối cùng Thiền cũng chẳng tin, Tịnh cũng chẳng tin, chẳng được thành tựu. 93. HỎI: Đời nhà Minh có ngài Liên Trì Đại sư sưu tập những Luật tiểu: Luật Tỳ Nì, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách, sau đó ngài Hoằng Tán có sớ giải bộ luật trên, vậy có lợi ích không? Có sai lầm không? - Ø ĐÁP: Các Luật sư bên Trung Quốc có phê bình rằng ngài Liên Trì không phải Luật sư, không có nghiên cứu sâu vào Luật, nên khi ngài nói về Luật, có chỗ còn trái với ý Phật. Phật chế luật là hoạt bát, Khai, giá, trì, phạm rất linh động; vì sự phá giới là tùy theo phong tục địa phương, tùy theo thời đại mà biến đổi. Như theo giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ở Ấn Độ, hễ làm ruộng là phạm giới, nhưng ở Trung Quốc làm ruộng là trì giới; vì theo phong tục ở Ấn Độ, tu sĩ không được làm ruộng, làm ruộng thì người đời chê bai, chướng ngại sự hoằng pháp nơi thế gian, nên Phật chế giới để che ngăn không cho người đời phê bình Tăng đoàn, ảnh hưởng đến sự hoằng hóa ...Và Luật có khác: Giới là để bảo vệ cá nhân, Luật là để bảo vệ Tăng đoàn, tức có Luật mới bảo vệ được Giới. Nay chúng ta không có Tăng đoàn nên giới chẳng được Luật bảo vệ: Người tu sĩ phạm giới Ba-la-di chẳng ai can thiệp, vẫn giữ chức vị Trụ trì trong chùa, vẫn được Phật tử lễ bái cúng dường, ấy là do không có Luật! Nếu có Tăng đoàn thì khác, hễ thọ giới rồi phải sống ở trong Tăng đoàn, giới được Luật Tăng đoàn bảo vệ, không ai dám phạm phải. Ví như ở Campuchia, hễ ai phạm giới Ba-la-di, bị tước áo Cà sa và giao cho Chính phủ trị tội, nên chẳng ai dám phạm.
Hiện nay, ở Việt nam cũng như ở Trung Quốc, ai cũng tự có ngôi chùa, tự là Trụ trì, phá giới Ba-la-di cũng chẳng ai can thiệp, vẫn là Trụ trì, vẫn thọ nhận sự lễ bái cúng dường của Phật tử, chỉ là sau này đọa địa ngục thôi! Nên chẳng có ai sợ. Do đó giới luật thời nay không có tác dụng. Người ta thường nói: “Thiền sư không chú trọng hình thức bề ngoài, trông bề ngoài thì dường như chẳng giữ gìn giới luật”. Kỳ thật Thiền sư rất chú trọng giới luật. Theo tiểu sử ngài Bác Sơn: Ngài là vị Tổ sư về Thiền, Luật song song, làm Tổ của Tông Tào Động, đồng thời làm Tổ cho Luật tông. Thời gần đây có ngài Lai Quả và ngài Hư Vân cũng vậy. Vì người đã ngộ Phật pháp rồi hễ thuyết ra là Kinh, hành vi là giới luật, tâm là Thiền, Tổ sư nào cũng thế. Ví như ngài Lục Tổ vốn là người dốt nát không biết chữ, nhưng nói ra cũng thành Kinh, hành vi cũng đúng theo giới luật. 94. HỎI: Đắc quả A-la-hán có phải kiến tánh không? Có phải đại tử đại hoạt không? - Ø ĐÁP: Đắc quả A-la-hán chưa phải kiến tánh, có thể nói là phá được Sơ quan. Theo Nguyệt Khê Pháp sư thì A La hán và ngoại đạo chưa phá căn bản vô minh, tức vô thỉ vô minh. Tồ Sư Thiền thì phá được vô thỉ vô minh mới là kiến tánh, tức là phá thức ấm. Vì phá được thức ấm tức đã lìa tâm, ý, thức, chẳng còn chấp pháp. A-la-hán còn chấp pháp của mình tu là thật, chấp quả của mình chứng là thật, nên bị Phật quở. Vì A-la-hán đã phá được nhơn ngã chấp, nên được ra khỏi phần đoạn sanh tử, nhưng còn biến dịch sanh tử chưa hết.
95. HỎI: Tham Thiền đến đầu sào trăm thước đã lìa ý thức chưa? - Ø ĐÁP: Chưa, còn phải tiến thêm một bước nữa mới rời khỏi ý thức. Ở trên đã nói, ngoại đạo và Tiểu thừa chỉ đến được đầu sào trăm thước, còn thiếu một bước là đến được nguồn gốc của ý thức, lúc đó thanh thanh tịnh tịnh, không có vọng tưởng, như Cõi Trời Vô Tưởng, đến chỗ đó đã hết đường đi, tưởng là cứu cánh, tưởng là chứng ngộ, cứ ngồi mãi chỗ đó. Nhưng đó mới chỉ là nguồn gốc của ý thức, chưa lìa ý thức, còn dính líu với ý thức thì căn bản vô minh chưa hết, nên Thiền tông nói là “Phải từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước mới lìa khỏi ý thức”. Giây phút lìa ý thức ấy là kiến tánh. Nếu người không có tham thiền thì chẳng thể nào lìa ý thức được, nếu muốn biết đó là huyễn mà lìa thì chẳng bao giờ lìa được.
96. HỎI: Có người dẫn lời của Tổ Sư nói: “Một niệm mê là chúng sanh, một niệm giác tức Phật”, lại, “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ e giác chậm”, cho rằng hễ vọng niệm khởi lên liền giác là Phật, giác liên tục là Phật, còn giác được một lúc thì làm Phật được một lúc, phải không? - Ø ĐÁP: Ấy cũng như Thiền Sư Minh Bổn ở Tịnh Xá Quan Âm, sau đổi tên thành Quang Tông Thiền sư. Trong tác phẩm “Giải thoát Học”, cho rằng không có vọng tưởng, cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh, lọt vào vô ký không; hễ lọt vào năm phút là phá Sơ quan, lọt vào một tiếng đồng hồ là kiến tánh triệt để! Lấy Thiền bệnh cho là kiến tánh, tự xưng là Thiền sư, tự nêu ra mười mấy chức danh, tự cho là kiến tánh. Nếu là người đã kiến tánh thì đâu phải như thế!
“Chẳng sợ niệm khởi, chỉ e giác chậm”: Thông thường thì Giác là biết, nếu khởi niệm ác mà giác chậm sẽ đi làm, tạo tội nặng. Theo giới Tiểu thừa (Thanh-văn) thì niệm khởi chưa phạm, thân đi làm mới phạm, hễ phạm là bị đọa, nếu kịp thời khởi giác thì ngăn chặn được không phạm, nên nói “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ e giác chậm”. Bên Giáo môn không được nghĩ ác, chứ không cấm nghĩ thiện, nhưng về Tổ Sư Thiền, chẳng những không cho suy nghĩ cái ác, thiện cũng chẳng cho. Lai Quả Thiền sư nói: “Giáo môn thì sanh tử là vọng phải bỏ, Niết-bàn là chơn phải lấy, Thiền môn thì sanh tử Niết-bàn đều phải quét”. Lời của Phật của Tổ chỉ là phương tiện tạm thời để tuỳ cơ thuyết pháp, nên có Kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. 97. HỎI: Thế thì chẳng thể dùng cái Giác để tu đến kiến tánh? - Ø ĐÁP: Không phải. Như ở trên nói, Quang Tông Thiền sư cũng là Thiền sư. Thiền sư Đời xưa có người kiến tánh có người chưa kiến tánh, cũng có khi tùy trường hợp tùy căn cơ mà nói. Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Kinh có liễu nghĩa có bất liễu nghĩa”, Kinh bất liễu nghĩa cũng do Phật thuyết. Nếu y theo đó mà căn cứ thì chẳng được, nên phải y Kinh liễu nghĩa chứ đừng y Kinh bất liễu nghĩa.
Dù có y Kinh liễu nghĩa cũng chẳng thể chấp thật, phải y cái ý của Phật chứ chẳng được y theo lời Phật, vì chấp lời là nghịch ý. Cho nên, trong Kinh Kim Cang, Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu: “Chẳng có Phật pháp gọi là A-nậu-đa-la Tam miệu Tam Bồ-đề”, “Chẳng có thật pháp Như Lai chứng được”. “Nếu ta chứng được thật pháp A-nậu-đa-la Tam miệu Tam Bồ-đề, thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký ta thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni”, là vì sợ chúng sanh chấp lời của Phật, hễ chấp lời là nghịch ý, vì lời nói là phải theo ngôn ngữ của thế gian (Thế lưu bố tưởng), nếu ở nơi thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, ấy là oan cho Phật, nên gọi “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Kinh Kim Cang rõ ràng là do Phật sở thuyết, nhưng trong Kinh Phật lại nói: “Nếu có người nói Ta có thuyết pháp ấy là phỉ báng Phật”, Lời của Phật còn chấp không được, huống là lời của Kinh Kim Cang! Nay những sách Thiền lưu hành ở ngoài đều là tự lấy ý mình để giải thích thoại đầu và công án, nghịch với ý của Tổ sư. Ý của Tổ là muốn chúng ta nghi, muốn chúng ta ngộ, vì khi nghe được lời của Tổ sư, hễ ngộ thì ngộ ngay lúc đó, nếu không thì phải phát nghi, nghi rồi sau đó mới được ngộ. Nên Tổ sư không cho chúng ta hiểu, hễ hiểu rồi là hết nghi. Hiện nay những vị tự xưng Thiền sư cứ giải thích công án khiến người hết nghi, lấp bít cửa ngộ của người tham Thiền. Theo Kinh Phật nói là người ấy có tội. 98. HỎI: Kính bạch Sư Phụ, ở trong nhà lửa thì làm sao lấy kiến giải phá kiến giải? - Ø ĐÁP: Trong Kinh Pháp Hoa có thí dụ nhà lửa, trẻ con ham chơi dụ cho chúng sanh; nhà đang bốc cháy nhưng trẻ con chẳng hay biết, chỉ một mực ham chơi, chẳng tin lời Phật bảo: “Nhà đang cháy, rất nguy hiểm, hãy mau chạy ra, có thể bị thiêu đốt! “Nên Phật phải dùng phương tiện để dụ dỗ rằng: “Ngoài cửa có đủ thứ xe, xe dê, xe nai, xe trâu, hãy ra đây cho mỗi người một chiếc. “Trẻ con nghe nói được đồ chơi đều mừng rỡ chạy ra, khi chạy ra rồi Phật cho mỗi người một chiếc xe lớn, ấy là Đại thừa. Lời Phật nói gạt ấy là phương tiện chứ chẳng phải vọng ngữ, nên chẳng có tam thừa nói thành tam thừa, chỉ để gạt chúng sanh ra khỏi nhà lửa thôi.
- Còn Kinh Pháp Bảo Đàn là Kinh của Tổ Sư Thiền, về bài kệ do Pháp Đạt làm, nhiều người hiểu sai nên dịch sai, đây là bài kệ phá cái nhà lửa đó. Pháp Đạt tụng Kinh Pháp Hoa trong chín-mười năm, được ba ngàn bộ, tưởng là công đức lớn lao, thật ra bị Pháp Hoa chuyển mà chẳng chuyển được Pháp Hoa, sau khi được ngài Lục Tổ khiến khai ngộ rồi, hoan hỉ tán thán rằng: Tụng Kinh ba ngàn bộ, Bị Tổ một lời tiêu Chưa thấu đạo xuất thế, Sao dứt lụy kiếp mê Dê, nai, trâu giả thiết, Ba đoạn thiện quét sạch. Ai ngờ trong nhà lửa, Vốn là Tự tánh Phật. Dịch: Kinh tụng ba ngàn bộ Bị Tào Khê một tiếng nói liền tiêu. Hễ chưa rõ được tông chỉ xuất thế gian thì làm sao ngưng được cuồng vọng từ ngàn kiếp! Kỳ thật, xe dê, xe nai, xe trâu đều là phương tiện tạm thời, bất đắc dĩ đặt ra, Sơ, trung hậu thiện dương: nhiều người dịch sai cho là “Sơ, trung hậu khéo hoằng dương”, kỳ thật đây là nghĩa ba câu: Sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đều quét sạch. Ai ngờ trong nhà lửa chẳng phải nhà lửa, vốn là pháp trung vương. Khỏi cần ra nhà lửa, trong nhà lửa là Phật, Tự tánh Phật ở trong đó! 99. HỎI: Xin Sư giảng lại câu “Sơ, trung, hậu thiện dương”. - Ø ĐÁP: Nguyên văn hai câu ấy là: “Dương, lộc, ngưu quyền thiết, sơ, trung, hậu thiện dương”, tức sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đều quét sạch. Theo ngài Bá Trượng nói: “Lúc đầu thì khuyên người ta làm thiện (chấp có cái thiện thật), câu thứ hai là “Thiện tức phi thiện”, đừng chấp cái thiện nữa, câu thứ ba là “Thị danh thiện”. Quét câu thứ nhất, câu thứ nhì và quét luôn cả câu thứ ba, tâm không chấp thật cũng quét luôn mới là hậu thiện; luôn cả hậu thiện cũng quét sạch, đến chỗ này mới lìa được tâm ý thức, mới được kiến tánh. Hễ còn “Hậu thiện” tức còn nằm trong ý thức, chưa lìa ý thức. Lìa được ý thức mới là ngộ, ngộ rồi mới biết ở trong nhà lửa vốn là Pháp vương, Tự tánh Phật vốn sẵn đủ, chẳng cần tìm kiếm bên ngoài.
|