500. HỎI: Cứ tham thoại đầu suốt ngày đêm, có bận rộn không?
- Ø ĐÁP: Việc bận rộn của thế gian là có tâm biết, mới thành bận rộn, còn pháp xuất thế gian này dùng tâm không biết, đã không biết thì làm sao biết bận rộn? Hễ có biết là nghịch với ý chỉ Tổ Sư Thiền. Việc thế gian do có tâm biết, làm mãi phải mỏi mệt; còn không biết là không thấy bận rộn, không thấy mệt mỏi, cho nên nói thuốc thoại đầu là rất hay.
501. HỎI: Tại sao câu trả lời của các vị Thiền sư thường chẳng có ý nghĩa?
- Ø ĐÁP: Các vị Thiền sư thường hỏi Nam trả lời Bắc, là muốn chấm dứt sự tìm hiểu của người hỏi, muốn bặt tri kiến của người hỏi, nên trả lời không nghĩa lý. Do người hỏi thường mắc phải lý chướng, nên có đúng lý hay không đúng lý, ấy là nhị, Phật tánh bất nhị, chẳng đối đãi, nên chẳng có hợp lý hay không hợp lý.
Ví như Bát Nhã Tâm Kinh nói “Vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, … vô trí diệc vô đắc”, là dùng chữ VÔ để chấm dứt tri kiến của người thế gian, tức phá lục căn, cho đến những tri kiến xuất thế gian như A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát … Tất cả tri kiến đều dứt sạch mới được gọi là tri kiến Phật.
Như ngài Tăng Triệu nói “Bát-nhã vô tri”, luôn cả vô tri cũng tan rã, tri với vô tri đều hết, tức tác dụng của bộ não chấm dứt, bệnh mù hết rồi, cái biết của Chơn như Phật tánh mới hiện ra, khắp không gian thời gian.
502. HỎI: Tại sao Pháp sư Nguyệt Khê nói tác giả của Đại Thừa Khởi Tín Luận chẳng phải là ngài Mã Minh?
- Ø ĐÁP: Ngài Mã Minh là Tổ thứ 12 phái Thiền tông Ấn Độ, là vị Tổ đã kiến tánh triệt để, được người đời lập ra để làm tiêu biểu, cái biết của bản thể tự nhiên đúng như thực tế. Thật tế bất nhị, đâu có sai biệt? Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận nói “Chơn như duyên khởi”, Chơn như tức Phật tánh, duyên khởi là vô minh, vì có sanh diệt, là nhị. Nếu người đã kiến tánh mà nói như thế tức chưa kiến tánh, nên Pháp sư Nguyệt Khê nói đây là tác phẩm của ngoại đạo, còn ngã chấp, mới có cái thuyết “Chơn như duyên khởi”, rồi gắn tên của Tổ Mã Minh.
503. HỎI: Vậy tại sao trong Triệu Luận, ngài Tăng Triệu lại dẫn chứng Đại Thừa Khởi Tín Luận?
- Ø ĐÁP: Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có cái không đúng, ví như nói “Chơn như duyên khởi”, nhưng cũng có phần lấy lời Phật thì đúng.
504. HỎI: Có phải thực hiện được vô ngã là ngộ đạo?
- Ø ĐÁP: Không phải. Ngã với vô ngã là nhị, nếu còn biết vô ngã tức thừa nhận có ngã, do diệt cái ngã rồi nói vô ngã. Cho nên, vô ngã chưa phải thành Phật. Như A-la-hán, đã diệt được nhơn ngã chấp, nhưng chưa phải thành Phật, chỉ là ở giữa đường.
505. HỎI: Xin Sư phụ khai thị một phương tiện thẳng tắt, để có niềm tin tuyệt đối tiếp tục tu tập khi Sư phụ đi vắng?
- Ø ĐÁP: Nói có đi có đến là không tin tự tâm. Tại sao? Vì tự tâm cùng khắp không gian thì làm sao có đi có đến? Cho nên, đi và không đi là nhị, còn tự tâm cùng khắp là bất nhị. Về thời gian thì chẳng có sanh diệt, hễ có tâm sanh khởi rồi quên là diệt, là không cùng khắp, vậy câu hỏi của ông là do chấp tâm để hỏi, là sai, nếu tôi trả lời theo cũng vậy.
Chỉ sợ chính mình không tin tự tâm, chớ có sợ tôi đi hay không đi. Cũng như Lục Tổ lúc gần tịch, nói với môn đồ rằng: “Nếu không quyết tử tu hành, dù suốt ngày ở trước mặt cũng là vô ích. Nếu là chơn tu, dù xa tôi ngàn dặm, cũng như ở trước mặt vậy”.
Được tu đến kiến tánh hay không, là do tự mình quyết định, chẳng phải do người khác. Cho nên, tín ngưỡng của Phật giáo khác hơn tất cả tôn giáo, là phải tin tự tâm chứ chẳng phải ỷ lại người khác. Còn tôi đi hay ở, việc đó không quan trọng.
506. HỎI: Trước tu Tịnh Độ, nay chuyển qua tham Tổ Sư Thiền được không?
- Ø ĐÁP: Mục đích tu Tịnh Độ hay tham Tổ Sư Thiền đều là để giác ngộ thành Phật, giải quyết tất cả khổ. Chỉ là Pháp Tịnh Độ thuộc pháp thiền gián tiếp, Tổ Sư Thiền là pháp thiền trực tiếp. Đức Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ có Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp, ngoài ra đều là pháp gián tiếp. lại, tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng, chẳng những không được thành tựu, có thể trở thành ngoại đạo.
Pháp môn Tịnh Độ là do Pháp sư Huệ Viễn đời nhà Tấn Trung Quốc dựa theo Kinh Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ sáng lập, chứ chẳng phải do Phật Thích Ca sáng lập hay từ Ấn Độ truyền qua. Trong đó có bảy vị Tổ là tu theo Tổ Sư Thiền kiến tánh rồi, tùy theo nhân duyên giúp cho Tịnh Độ hoằng pháp. Đến Tổ thứ 13 là Pháp sư Ấn Quang, sau đó mấy mươi năm nay chưa có Tổ thứ 14.
Còn Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca truyền cho ngài Ma-ha Ca-diếp, rồi do Tổ sư từng đời truyền xuống, đến đời tôi, mỗi đời đều có sự truyền thừa rõ ràng.
Đối với Lịch sử Thiền tông ở Việt Nam tôi chưa được rõ, nghe nói Tổ Sư Thiền ở Việt Nam là truyền từ Thiền sư Vô Ngôn Thông hay ngài Liễu Quán. Từ nhà Lê đến nay đã thất truyền gần hai trăm năm, có Tổ sư từ Trung Quốc qua Việt Nam dạy về pháp môn Tổ Sư Thiền, sau đó cũng thất truyền.
Còn Tổ sư Tịnh Độ của Việt nam thì không nghe nói, cũng không biết do vị Tổ nào sáng lập, đa số do tự mình xem sách, nhiều người tự lấy ý mình tu, cho tụng Kinh niệm Phật là tu Tịnh Độ. Còn hỏi về tông chỉ của Tịnh Độ thì nói là; Tụng Kinh, niệm Phật, ăn chay, phát nguyện…
Sự thật, tông chỉ của Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hành.
507. HỎI: Vậy Có tông chỉ của Tịnh Độ không?
- Ø ĐÁP: Theo Phật pháp, nguồn gốc của Bản thể là Phật tánh, Đức Phật gọi là Chơn như Phật tánh. Bản thể của Phật tánh không dính líu với có không. Có Không là nguồn gốc của 62 kiến chấp, phàm có đối đãi là nhị biên, là biên kiến, thuộc một trong năm thứ ác kiến. Hễ chấp thật Có và Không đều lọt vào biên kiến, nên Phật dạy phải lìa tứ cú, tuyệt bách phi, nếu chấp thật sự có và không, đã nghịch với bản thể tự tánh, dẫu cho siêng năng tu tập, cũng chẳng thể thành tựu.
508. HỎI: Thiền tông và Tịnh độ một thể, phải không?
- Ø ĐÁP: Nói thì đúng, nhưng sự hiểu không đúng. Cách thực hành giữa Tổ Sư Thiền và Tịnh Độ có khác, nhưng mục đích không khác, chỉ là pháp thiền trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Tức Tổ Sư Thiền có thể kiến tánh lúc còn sống, không cần đợi sau chết mới vãng sanh.
Tịnh Độ dù được vãng sanh, vẫn chưa được kiến tánh. Tại sao? Vì tất cả pháp đều không ngoài nhân quả. Nhân vô vi mới được quả vô vi, nhân hữu vi chỉ được quả hữu vi. Do cách tu của Tịnh độ chỉ gieo được nhân hữu vi, bản thể Tự tánh không đối đãi, chẳng thuộc có không, nên khi thực hành theo đường lối, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi.
Tịnh độ cuối cùng cũng thành Phật, nhưng còn xa, vì là pháp gián tiếp. Người được sanh cõi Tịnh độ mới bắt đầu tu, nếu sanh nơi biên địa, là chưa được vào cõi Tịnh độ, sanh nơi hạ phẩm phải ở trong hoa sen mười hai đại kiếp mới được ra; Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp gồm hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp là mười sáu triệu năm. Quý vị thử nghĩ xem là bao lâu?
Còn tu pháp Tổ Sư Thiền, có thể ngay trong kiếp này được kiến tánh, như Long nữ trong Kinh Pháp Hoa tám tuổi thành Phật. Cho nên, pháp trực tiếp với pháp gián tiếp có khác, nhưng khi thành Phật là không khác.
Như trên đã nói, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi, người tu Tịnh độ sau khi sanh cõi Tịnh độ, lòng tin vững chắc rồi, bỏ được chấp tâm, mới chuyển từ niệm Phật qua tham thiền, từ nghi đến ngộ. Nghi tình là nhân vô vi, mới được sự ngộ là quả. Tại sao nói nghi tình là nhân vô vi? vì nghi tình là tâm không biết, chẳng dính mắc gì cả. Hễ có dính mắc là hữu vi.
509. HỎI: Trong Kinh Duy Ma Cật, lúc ngài Duy Ma Cật bệnh, tại sao hàng đệ tử của Phật không ai dám đi thăm
bệnh?
- Ø ĐÁP: Ấy là muốn tỏ bày: Bệnh của chúng sanh hay chấp thật, chấp có Phật, chấp không Phật … bất cứ chấp vào cái gì đều là bệnh, nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, hễ chấp “Thật có Phật tánh” cũng là bệnh, chấp “Không Phật tánh” cũng là bệnh, có chấp tức thành bệnh. Do đó Phật Thích Ca vừa thuyết liền phá, chỉ vì sợ chúng sanh chấp thật vào đó, khiến chẳng được giải thoát.
Trong Kinh Duy Ma Cật, mọi người khó hiểu nhất là về đoạn “Tu Bồ Đề không xứng đáng đi thăm bệnh”:
Tu Bồ Đề đến nhà Duy Ma Cật khất thực, ngài lấy bát đựng đầy cơm, nói với Tu Bồ Đề:
- Này Tu Bồ Đề, đối với sự ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng sự ăn cũng bình đẳng. Khất thực như thế mới được lấy ăn.
Lại nói: “Nếu Tu Bồ Đề chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, ngoại đạo là thầy của ông, vì họ xuất gia bị đọa, ông cũng đọa theo, mới được lấy ăn”.
Chỗ này, nhiều người chú giải Kinh muốn đem những đoạn văn phi lý trên giải thành có lý, đều đã hiểu sai lầm. Kỳ thật, đoạn này là do Tu Bồ Đề và Duy Ma Cật hợp tác để diễn tả lại nghĩa “Văn tự tánh không”.
Tu Bồ Đề chẳng phải không biết, nhưng muốn thị hiện việc sợ hãi bỏ chạy, để ngài Duy Ma Cật diễn tả về “Văn tự tánh không”, nên ngài nói:
- Này Tu Bồ Đề, cứ lấy bát đi đừng sợ. Ý ông thế nào? Nếu đem việc này hỏi người huyễn hóa của Như Lai làm ra, người ấy có sợ chăng?
Đáp: Không ạ.
- Tất cả các pháp, tướng như huyễn hóa, tất cả ngôn thuyết đều chẳng lìa tướng huyễn hóa…
Nhiều người giảng Kinh Duy Ma Cật đến chỗ này đều miễn cưỡng dùng lời giải hợp lý để giải thích sự bất hợp lý, ấy là sai, là chấp thật vào văn tự lời nói. Nay phần nhiều học Phật đều chấp thật vào lời nói kinh điển, nên ở đoạn này, Duy Ma Cật chuyên phá vào những chấp thật như thế, nói “Tánh văn tự tự lìa văn tự, tất cả các tướng đều như thế.”
* Về đoạn “Pháp môn Bất nhị”: ngài Duy Ma cật im lặng, Bồ-tát Văn Thù tán thán là “Chẳng có lời nói văn tự mới là chơn nhập pháp môn bất nhị”. Nhưng hễ chấp vào sự im lặng của ngài là chơn nhập pháp môn bất nhị cũng là sai. Tại sao? Trong tứ cú: cú thứ nhất là ngôn ngữ, cú thứ nhì là im lặng, cú thứ ba: cũng ngôn ngữ cũng im lặng; cú thứ tư: chẳng ngôn ngữ chẳng im lặng. Hễ chấp vào im lặng tức lọt vào cú thứ nhì, cho nên, chúng ta tu Phật pháp, xem Kinh phải hiểu ý Phật, chớ hiểu theo lời nói là sai. Ý Phật chẳng ở nơi lời nói, lời nói chỉ là công cụ phá chấp mà thôi.
510. HỎI: Con trùng đứt làm hai thì tánh nó ra sao?
- Ø ĐÁP: Bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu thể ở khúc này hay khúc kia? Nếu có ở khúc này hay khúc kia là không cùng khắp, chẳng phải bản thể tự tánh.
511. HỎI: Tham thiền vô ngôn thuyết, lấy gì để dạy người?
- Ø ĐÁP: “Vô ngôn thuyết” là bản thể, cách thực hành chẳng phải là bản thể, là để đi đến bản thể. Ở trên đã nói, im lặng vẫn còn không được, như Kinh Kim Cang nói: “Do vô vi mà có sự sai biệt của các bậc Thánh hiền”. Vô vi làm sao có sai biệt? Thế nào là sai biệt? Tại chưa đến chỗ vô vi, đang trên đường đi, nên có đủ thứ sai biệt. Sai biệt thế nào? Giáo môn từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, cho đến Đẳng giác. Đến Diệu giác là chỗ vô vi rồi, đâu còn sai biệt? Chỗ đó là chỗ vô ngôn thuyết.
Ví như từ Chợ Lớn đến Sài gòn, nếu cứ một mực tiến thẳng là mau đến nơi, hễ ngó qua ngó lại những quang cảnh hai bên đường, nào là rạp hát, nào là điểm vui chơi … vậy làm sao vô ngôn? Nên phải một mực thẳng tiến, chẳng bị cảnh giới quyến rũ. Có đi thẳng cũng phải đi đúng hướng, nếu không thì lệch ra ngoại ô chứ chẳng thể đến Sài Gòn.
Do đó, cách đi phải dùng ngôn thuyết, nói Thiền tông “Bất lập văn tự”, bất lập văn tự chẳng phải phế bỏ văn tự, nên có mười hai bộ Kinh của Phật, chứ Đức Phật có phế bỏ văn tự đâu! Chỉ là đừng bị văn tự chướng ngại, đừng dính mắc vào văn tự thôi.
Cách thực hành phương pháp tham Thiền rất dễ, rất giản dị, nhưng lòng tin tự tâm rất khó, đáng lẽ Thiền môn chẳng cần dùng Kinh giáo, nhưng vì tôi muốn tăng trưởng lòng tin tự tâm cho hành giả tham Thiền, nên có dịch thêm Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác, Kinh Duy Ma Cật, Yếu chỉ Hoa Nghiêm, Yếu chỉ Pháp Hoa …
512. HỎI: Trước khi tắt thở, chúng con phải làm gì?
- Ø ĐÁP: Tôi thường nói, chẳng có phương tiện gì khác, chỉ có “Thuốc thoại đầu” là duy nhất, vì thuốc này đưa mình đến kiến tánh, kiến tánh rồi còn gì không giải quyết?
Nói đến vấn đề này, chẳng những già trẻ, lớn bé đều có thể chết thình lình, đã biết sanh tử vốn là không có, do vọng tâm chấp thật mới thành, đâu cần sợ sanh tử nữa? Chỉ giải quyết việc sanh tử thôi. Muốn giải quyết việc sanh tử, chỉ nhờ câu thoại đầu, nói đi nói lại muôn ngàn lần, cũng chỉ là câu thoại đầu.
513. HỎI: Khi liệm có cần mang y theo không?
- Ø ĐÁP: Nếu nói về Tự tánh thì sanh tử vốn chẳng có, làm sao có y? Người thọ giới rồi là có y, nhưng đối với giới Thanh-văn, từ ngũ giới, mười giới, sa di giới, cho đến Tỳ-kheo 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới, chỉ là tận hình thọ, tức thọ suốt một đời, hình hoại là hết, tự nhiên xả giới, vậy đem theo y làm gì?
514. HỎI: Đến một ngày nào, niệm chẳng còn sanh diệt, đó là cảnh giới như thế nào?
- Ø ĐÁP: Đó là cảnh giới vô thỉ vô minh.
515. HỎI: Thế nào là sự thấy của người trí và kẻ ngu?
- Ø ĐÁP: Diệt sanh diệt rồi, cho là không sanh diệt, đó là cảnh giới vô thỉ vô minh, ngoại đạo chấp đó là cứu cánh. Người thế gian diệt chỗ sanh diệt rồi, cho cái “Không sanh diệt” là xuất thế gian, chẳng biết hai cái đều là thế gian, chưa phải xuất thế gian.Thật ra, trong Phật tánh vốn chẳng có cái “Sanh diệt” để cho mình diệt, nếu có sanh diệt để diệt là còn nằm trong tương đối.
Nay đã biết sự sanh diệt là pháp thế gian, vốn là không, tại sao còn muốn phân biệt, muốn biết để làm gì? Vì biết là tai họa, là tướng bệnh, khiến tướng mạnh chẳng thể hiện ra.
516. HỎI: Vậy thế nào là pháp xuất thế gian?
- Ø ĐÁP: Điều đó phải tự ngộ mới biết, nay hễ có nói được đều là pháp thế gian, đều là tương đối. Chẳng những là lời của tôi, dù là lời của Phật cũng vậy.
517. HỎI: Pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối Thượng Thừa, nhưng nếu hành giả tham thiền có ý cho pháp của mình tu là cao hơn thì không đúng, phải không?
- Ø ĐÁP: Tác dụng của bộ não là tướng bệnh, tham thiền dùng cái không biết chấm dứt tất cả tướng bệnh, để tướng mạnh được hiện ra.
518. HỎI: Ý nghĩa xuất gia như thế nào?
- Ø ĐÁP: Nếu muốn chơn tu giải thoát, thì Lục Tổ nói: “Xuất gia hay tại gia đều chẳng khác”. Xuất gia hay tại gia là tùy theo hoàn cảnh cá nhân, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhân duyên khác nhau, xuất gia hay không là tùy duyên, chứ không phải có sự nhất định, chẳng cần để tâm nhiều khiến chướng ngại.
Còn nói đến công đức lợi ích, thì theo Kinh Duy Ma Cật, xuất gia chẳng nói về công đức về lợi ích. Trong Truyền Đăng Lục, từ ông vua, Thừa tướng, Quận trưởng, Tỉnh trưởng, đến tay bưng vai gánh, bán rau ngoài phố … người gì cũng có thể kiến tánh, kiến tánh rồi cũng chẳng bỏ nghề: Vua vẫn làm Vua, Thừa tướng vẫn là Thừa tướng, đâu cần xuất gia mới tu được?
519. HỎI: Trong các Kinh Đại thừa liễu nghĩa, đều có một vị đại diện đương cơ để hỏi Phật. Riêng trong Kinh Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia, lại dám phê bình các vị đại Thánh Tăng về khuyết điểm này, khuyết điểm kia v.v… Vậy ngài là ai? Chắc chắn là chẳng phải tâm phàm phu chúng con có thể biết được?
- Ø ĐÁP: Duy Ma Cật là một vị cổ Phật, thị hiện Bồ-tát trụ pháp bất khả tư nghì, hơn các bậc Bồ-tát thượng thủ của Phật Thích Ca, đầy đủ tất cả phương tiện trí huệ để dẫn dắt chúng sanh vào đạo Bồ-tát chơn thật. Nếu là cư sĩ phàm phu, đâu có trí huệ năng lực và phương tiện như thế! Hễ cư sĩ phàm phu bắt chước là tạo tội nặng, thuộc tội phỉ báng, làm sao so sánh được!
Phàm tất cả kinh điển thuộc về Giáo môn, là pháp thiền gián tiếp, phải qua văn tự, lời nói, từ cạn vào sâu. Ví như phẩm Pháp môn bất nhị, Duy Ma Cật dùng lời nói quét lời nói, sau cùng dùng im lặng quét lời nói, và quét cả sự im lặng.
Còn Tổ Sư Thiền chẳng có cấp bậc, chẳng qua suy nghĩ lời nói, đi thẳng đến cứu cánh.