40. HỎI: Sao Sư phụ nói không có nhân quả?
- Ø ĐÁP: Ông vừa bảo tôi nói “Không có nhân quả” ấy là sai, tôi nói “Không có nhân duyên”, là do trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Phi nhân duyên, phi tự nhiên” chứ chẳng phải không có nhân quả. Nói “Không có nhân quả”, chấp vào một bên là tà kiến, là tội địa ngục, thuộc tà kiến trong năm thứ ác kiến. Nếu pháp sư nào chỉ giảng được nghĩa hai câu thì pháp sư đó phải đọa địa ngục; hễ pháp sư giảng thấu nghĩa ba câu mà người nghe hiểu lầm, thì người nghe có lỗi chứ chẳng phải lỗi tại pháp sư. Trong cuốn Niên Phổ của ngài Hư Vân Thiền sư, có trường hợp chỉ trả lời sai một chữ, phải đọa làm con chồn năm trăm kiếp, chẳng phải chuyện chơi. Tôi đã từng nói là không được chấp thật, nếu chấp CÓ là thật có bệnh còn nhẹ, hễ chấp cái KHÔNG cho là thật không, thì bệnh rất khó trị.
41. HỎI: Thế nào là một câu đủ ba câu của ngài Vân Môn? Thế nào là Tam huyền Tam yếu? Thế nào là Ngũ vị quân thần của Tổ Động Sơn?
- Ø ĐÁP: Tất cả đều là thủ đoạn của Tổ sư: Trước đời nhà Tống Trung quốc chẳng có tham công án và thoại đầu, mà chỉ có nghi tình, nghi tình đó do thủ đoạn của Tổ khiến người tham tự mình phát khởi nghi tình mà chẳng biết là đang tham thiền mãnh liệt, nên sức tham rất mạnh, đến khi chín mùi rồi, chỉ điểm một cái liền thấu tam quan.
Thủ đoạn của Tổ là muốn người tham tự khởi nghi tình nặng mà chẳng biết mình đang tham, càng không hiểu chừng nào càng tốt chừng nấy, vì không hiểu tức đại nghi, đại nghi sẽ được đại ngộ. Ý của Tổ sư muốn cho người phát nghi, rất kỵ người ham giải. Sau này Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ra đời, khiến mọi người biết hết thủ đoạn của Tổ nên phát huy chẳng được, bất đắc dĩ dạy người tham công án, thoại đầu. Người thời nay do ham tri giải, ham tìm hiểu, Tổ Sư gọi là con chó. Nhiều người tự làm tài khôn, đem ý mình giải thích ra, khiến người chẳng thể khởi nghi, mặc dù giải không đúng, nhưng hễ có đáp án thì chẳng thể nghi; những sách thiền đời nay đều như thế, khiến người ham coi sách thiền chẳng thể phát nghi được.
Không nghi thì không ngộ, vì nghi là nhân, ngộ là quả, không có nhân thì không có quả, nên bất nghi bất ngộ; nhân nhỏ quả nhỏ nên tiểu nghi tiểu ngộ; nhân lớn quả lớn nên đại nghi đại ngộ. Không hiểu nhiều là đại nghi, nay đem thủ đoạn của Tổ sư giải thích ra, lấp bít cửa ngộ của người tham Thiền. Tôi thường nói “Hễ chấp lời thì nghịch ý”, chẳng những đối với pháp môn tham Thiền, pháp môn khác cũng vậy.
- Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, quy nạp lại thành bốn đại loại: Tham Thiền, niệm Phật, trì chú, quán tưởng. Nay nhiều người trì chú tưởng là công hiệu ở trong câu chú, ấy là sai. Nhất thiết duy tâm tạo, công hiệu ở trong tâm mình chứ chẳng phải ở trong câu chú. Nếu công hiệu ở trong câu chú thì người nào niệm cũng có công hiệu, đâu thể người này niệm có công hiệu mà người kia niệm lại chẳng có? Vậy chứng tỏ công hiệu ở trong tâm của người niệm, người nào tâm lực mạnh niệm mới có công hiệu, tâm lực yếu thì không.
- Tâm lực mạnh hay yếu là do tâm thanh tịnh, hễ tâm suy nghĩ lung tung, vọng tưởng nhiều thì tâm lực yếu, làm sao có công hiệu! Niệm Phật cũng vậy, công hiệu chẳng ở tại câu hồng danh của Phật. Tham Thiền cũng thế, công hiệu chẳng ở tại câu thoại đầu mà ở trong tâm mình. Người tham Thiền chỉ là mượn câu thoại khởi lên nghi tình, nghi tình ấy là cây chổi automatic quét sạch tâm, tâm sạch ắt thanh tịnh, phát huy sức dụng, hiệu lực sẽ sanh ra, tự tánh hiện ra sự dụng automatic.
- Đối với ba câu hỏi trên, tôi chỉ trả lời chung là thủ đoạn của Tổ sư, nếu hướng theo chỗ này giải thích tìm hiểu ấy là con chó chứ chẳng phải con sư tử. Về những lời của Phật, của Tổ, ý muốn chúng ta ngộ nhập tự tánh, làm con sư tử, chẳng phải làm con chó để giải thích Tam huyền, tam yếu như thế nào, và e rằng người giải thích bị Tổ mắng là con chó vậy.
42. HỎI: Xin Sư phụ kể về công án được ngộ của ngài Tuyết Phong?
- Ø ĐÁP: Khi mới gặp nhau, Tuyết Phong hỏi Đức Sơn: “Tất cả chư Phật ngộ được ấy, con có phần không?” Đức Sơn lấy cây gậy đánh vào đầu, bảo: “Nói gì?” Tuyết Phong liền ngộ, phá được Sơ quan. Sau này ở Ngao Sơn nhờ Nham Đầu Thiền sư ngộ triệt để, phá Mạt hậu Lao quan.
43. HỎI: Khi tham đến đầu sào trăm thước như thế nào?
- Ø ĐÁP: Tôi lấy cây bút để thí dụ: Bây giờ tham thoại đầu đề khởi nghi tình là bắt đầu từ thoại vĩ đến thoại đầu, đang đi nữa đường, chẳng phải ở thoại vĩ, cũng chưa đến thoại đầu. Một ngày kia đi đến thoại đầu, cũng là đầu sào trăm thước, thì câu thoại tự mất, chỉ còn nghi tình, gọi là nghi tình thành khối, tức một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng giây phút gián đoạn; muốn buông xuống nghi tình buông chẳng được, muốn nỗi vọng tưởng cũng nỗi lên chẳng được. Chỗ này là nguồn gốc ý thức, đến chỗ này rồi chẳng còn đường đi, ngó về phía trước thanh thanh tịnh tịnh, nhưng chưa lìa ý thức. Ngoại đạo tiểu thừa tu đến chỗ này thì ngưng, vì hết đường đi, chẳng còn chỗ để đi. Nên Lai Quả Thiền sư nói là “Phải tiến thêm một bước”; Tổ sư nói “Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa”, lọt vào hư không, lìa ý thức là ngộ.
Theo Lai Quả Thiền sư thì lọt vào hư không phải té xuống, té xuống phải chết; chết còn chưa đủ, phải té cho tan nát, “Tuyệt hậu tái tô”, chết đi sống lại, cũng gọi là đại tử đại hoạt, lúc đó mới kiến tánh triệt để. Tại sao phải té cho tan nát? Tan nát là tan nát cái ý thức phân biệt. Hễ chết mà chỉ là tiểu tử thì chẳng được, vẫn còn ý thức, nên phải té cho tan nát, thức phân biệt mới hết, gọi là đại tử đại hoạt.
44. HỎI: Đến chỗ đó thoại đầu cũng hết, vọng tưởng cũng hết, nhưng vì Lai Quả Thiền sư nói là người công phu đến chỗ này rồi còn phải lôi cái ổ đem ra đập tan Mạt-na thức và A-lại-da thức?
- Ø ĐÁP: Mạt-na thức là ngày đêm luôn chấp ngã, đã rời khỏi cái thức rồi không còn chấp ngã nữa, nhưng còn tập khí, mặc dù còn nhưng sẽ hết. Tổ sư nói ví như ghe đã gần bờ rồi, khỏi cần chèo, khỏi cần chống, buông chèo buông chống rồi tự nhiên vào bến.
Chữ TÉ ở đây là chỉ tập khí; tập khí thế gian và xuất thế gian. Bồ-tát Thập Địa kiến tánh, tập khí thế gian đã hết, nhưng tập khí xuất thế gian vẫn còn chút ít. Phàm phu kiến tánh thì sự kiến tánh bằng với Bồ-tát Thập Địa, nhưng tập khí thế gian vẫn còn nhiều, vì bị tập khí chướng ngại, nên sự dụng chẳng thể bằng, nhưng sẽ hết dần, như ghe gần bờ, chẳng cần chèo chống, tự nhiên sẽ vào bến.
Việc dứt tập khí đó Thiền tông gọi là “Bảo nhiệm”, nên Tổ sư nói “Bất phá Trùng quan bất bế quan”. Bế quan tức nhập thất, nhập thất là để bảo nhiệm chứ chẳng phải để tu cho kiến tánh. Nay nhiều người lầm tưởng nhập thất để tu, sai lầm như thế rất nguy hiểm, đi lầm đường cũng chẳng hay, nên Thiền tông nói “Bất phá Trùng quan bất bế quan” là vậy.
45. HỎI: Công án và thoại đầu khác nhau như thế nào?
- Ø ĐÁP: Công án là có chuyện tích, phức tạp hơn. Ví như công án tham chữ VÔ của Ngài Triệu Châu:
Có Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?
ĐÁP: Có.
Vị khác hỏi: Con chó có Phật tánh không?
ĐÁP: Không.
Tại sao Triệu Châu nói “Không”? Thứ nhất: cùng là một câu hỏi, người này hỏi đáp có, người kia hỏi đáp không, rất mâu thuẫn; Thứ hai: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, con chó cũng là chúng sanh, sao lại không có Phật tánh? Ý của Triệu Châu sao lộn xộn thế? Lúc thì trả lời có, lúc thì trả lời không. Lại không trả lời đúng theo Giáo môn là chúng sanh đều có Phật tánh? Ngài có trả lời sai không? Nếu chẳng sai thì ý của Ngài ở chỗ nào? Thắc mắc không biết …
Công án có sự tích dài như thế, phức tạp khó tham, dễ dẫn người tham lọt vào hồ nghi, dùng tâm đi tìm hiểu. Còn thoại đầu chẳng có chuyện tích nào cả, chỉ là một câu hỏi, tự mình hỏi mình, hễ không hiểu thì đáp không ra, thắc mắc tức là tham vậy. Rất đơn giản, dễ tham, chỉ có một câu, dễ phát khởi chánh nghi. Chánh nghi chỉ cho tâm nghi, không cho tâm đi tìm. Sự tiến bộ của tham thoại đầu chẳng kém hơn công án, nên tôi chỉ dạy người tham thoại đầu mà không dạy người tham công án là vậy.
46. HỎI: Tham thiền và Thiền có khác nhau không?
- Ø ĐÁP: Chữ THIỀN là tiếng Ấn Độ, gọi là Thiền Na, gồm phàm phu thiền, Đại thừa thiền v.v… đủ thứ thiền mênh mông. Nói THAM THIỀN là tham Tổ Sư Thiền, thuộc giáo ngoại biệt truyền, chỉ có một thôi, ngoài ra chẳng còn cái khác.
Tất cả thiền Giáo môn đều có giáo lý, có thiền quán, Tổ Sư Thiền thì tất cả giáo lý đều quét sạch, chỉ là tham công án hoặc thoại đầu để khởi lên nghi tình. Tổ Sư Thiền ở ngoài giáo lý nhưng lại chẳng phải không đúng với giáo lý; khỏi cần giáo lý nhưng lại lấy Kinh giáo ấn chứng cũng được; quét sạch tất cả giáo lý nhưng đến lúc ngộ rồi lại thuyết giáo lý, như Phật Thích Ca ngộ rồi, nói ra đều là giáo lý (Kinh), nên Tổ Sư Thiền khác hơn tất cả thiền.
47. HỎI: Thế nào là nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao?
- Ø ĐÁP: Phật pháp nói “Nhất thiết duy tâm tạo”, nhắm mắt chiêm bao là ban đêm ngủ, trong chiêm bao, ý thức của mình tạo ra cái thân chiêm bao, tiếp xúc người trong chiêm bao, có người quen kẻ lạ, tiếp xúc thế giới chiêm bao, núi sông đất đai, nhà cửa cây cối … Trong chiêm bao chẳng cần cái thân tiếp xúc cũng biết nóng lạnh, biết ngon dở, biết khổ vui. Tất cả đều do một mình thức thứ sáu biến hiện, còn năm thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân đang nghỉ ngơi, trong trạng thái ngưng hoạt động, nên gọi “Độc đầu ý thức biến hiện nhắm mắt chiêm bao”.
Còn mở mắt chiêm bao là do đồng thời Ý thức biến hiện. Sao gọi Đồng thời ý thức? Tiền ngũ thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân hoạt động như thường, mắt thấy cảnh vật là do nhãn thức và ý thức đồng thời khởi lên; nhĩ thức nghe được tiếng, nhưng chưa thể phân biệt là tiếng gì: Tiếng chim hay tiếng người, nam hay nữ, già hay trẻ lớn nhỏ … phải có ý thức mới phân biệt rõ ràng. Ngược lại, nếu chỉ có ý thức mà không có nhĩ thức thì chẳng thể nghe, nên gọi “đồng thời ý thức biến hiện”.
Độc đầu ý thức là do tâm tạo, đồng thời ý thức cũng là do tâm tạo, nên Phật pháp nói “Ngủ” là nhắm mắt chiêm bao, “Thức” là mở mắt chiêm bao, cũng là ở trong chiêm bao.
48. HỎI: Thế nào là độc-ảnh-cảnh và đới-chất-cảnh?
- Ø ĐÁP: Đó là danh từ Phật học: Độc-ảnh-cảnh là chỉ nghe theo cái bóng có tiếng, chẳng có thật chất, chẳng phát lên tiếng. Ví như người đang ngủ nói chuyện với người trong chiêm bao, mặc dù người thức ngồi ở bên cạnh nhưng không thể nghe được tiếng nói giữa họ, gọi là độc ảnh cảnh.
Đới-chất-cảnh: Đới nghĩa là kèm theo, kèm theo cái chất của tiếng: Như nay tôi thuyết pháp thì tiếng thuyết pháp của tôi mọi người đều nghe được, gọi là đới-chất-cảnh.
Thật ra, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh đều là do tâm tạo, hễ ở trong chiêm bao tham thiền với ban ngày tham thiền đều giống nhau. Vã lại, trong chiêm bao tham thiền được thì công phu đã tiến bộ. Nhắm mắt chiêm bao là chiêm bao, mở mắt chiêm bao cũng là chiêm bao, tự tánh vốn chẳng có hai, vì muốn diễn đạt cho người hiểu nên nói thành hai.
Thiền tông rất thích hợp với mọi tầng lớp xã hội, vì những Phật tử tham thiền bất cứ làm kỹ nghệ gì, trong lúc làm việc, vừa làm vừa tham, năng suất sản xuất đều tăng gấp bội. Tôi thường dạy người tham Thiền phải đem việc tham thiền đặt ở hàng đầu, có người nói: “Trong lu gạo của con chẳng còn hạt gạo thì tham thiền sao được!” Thật ra, việc tham thiền đâu có chướng ngại việc kiếm cơm? Ai làm nghề gì cứ y theo nghề cũ, chẳng những không chướng ngại việc kiếm cơm, còn giúp tăng thêm thu nhập nữa!
Ví như có vài chục Phật tử vừa tham thiền vừa may, sản phẩm mau hơn bình thường gấp bội, thậm chí còn hơn! Chẳng những mau, lại còn đề cao chất lượng. Có một Phật tử làm nghề vô mực bút bi, trước kia chưa tham thiền, từ sáng đến chiều chỉ vô được 40 cây bút, sau khi tham thiền rồi, sản phẩm chẳng những tăng lên, lại cây bút nào cũng viết được tốt, ra mực đều đặn, không như lúc trước, có cây thì viết được, có cây thì không. Bất cứ làm công việc gì, bằng tay chân hay trí óc cũng thế.
Có một cô tên Hằng Thiền, làm nghề cắt may, bắt đầu tham thiền từ năm 1979. Một hôm cô vừa tham vừa cắt, bất giác quên để ý đến việc cắt may, đến lúc sực nhớ thì áo đã cắt xong, tự nghĩ “Nãy giờ lo tham không để ý đến ni tấc, lần này chắc phải đền cho người khách rồi!” Không ngờ kiểm tra lại thì không cắt lộn, áo may xong lại được khách khen là vừa ý. Từ đó về sau cứ yên tâm vừa tham vừa cắt mà không bị sai, người em hỏi cô ấy cắt bao nhiêu tấc bao nhiêu phân thì trả lời là không biết! Chợt nghe rất vô lý, nhưng thực tế là vậy.
Tại sao không để ý mà lại không sai? Tôi thường nói: “Dụng của tự tánh automatic, chẳng cần qua sự tác ý của bộ não, hễ suy nghĩ là chậm trễ rồi”. Nên tôi nói: “Người tham thiền bất cứ làm việc gì đều tham được”, nghi tình quen thuộc rồi sẽ có sự dụng automatic, chẳng cần tác ý, kể cả công việc tính toán sổ sách; bình thường hễ sơ ý là dễ tính sai, nhưng khi tham thiền khởi dụng automatic không bị nhầm lẫn, điều này đã được chứng tỏ bởi nhiều Phật tử.
Lại, các Tổ sư dạy rằng tham Thiền chẳng cần phải tập ngồi thiền để tập tham, mà là vừa làm việc vừa tập tham. Mặc dù nếu tập tham bằng cách ngồi sẽ nhanh hơn, vừa làm vừa tham sẽ chậm hơn. Ví như tập ngồi để tham thì một tháng có thể quen được, vừa làm vừa tham phải tốn một năm mới có thể quen. Người vừa làm vừa tham tốn một năm để quen, nhưng có thể ba năm kiến tánh; mà người tập ngồi trong một tháng đã quen lại phải tốn ba trăm năm, có khi không được kiến tánh! Lúc đầu thì nhanh nhưng về sau lại chậm, ban đầu thấy chậm nhưng thật sự lại nhanh. Nên Tổ sư muốn mình ở nơi động tập tham mà quen chứ không nên ở nơi tịnh mà hạ thủ công phu; tu là phải lúc đang làm việc mà tu chứ không phải ngồi không mà tu. Nay nhiều người thích nhập thất để tu, kỳ thật Thiền tông là không cho nhập thất, phải đợi sau khi ngộ rồi bảo nhiệm mới cho nhập thất, nên Thiền tông có câu “Bất phá Trùng quan bất bế quan”.
49. HỎI: Khi dự Thiền thất, phải tuân thủ quy củ của Thiền đường như thế nào?
- Ø ĐÁP: Thiền thất là nơi cho người thực tập tu hành, Quy củ Thiền đường ở Trung Quốc rất nghiêm khắc, nay ở đây tuy phương tiện nhưng cũng phải có quy củ, để tránh ảnh hưởng đến ngưòi khác.
- Ở Thiền đường, lúc đi hương hoặc tọa hương không được nói chuyện, cười giỡn; nếu nói chuyện hoặc cười giỡn, chẳng những chướng ngại mình, còn chướng ngại đến người khác.
- Khi ra ngoài đại tiểu tiện không được đứng ở ngoài hành lang đàm tiếu, đi xong liền trở vào Thiền đường.
- Không cho con nít đi theo, trừ khi đứa bé ấy biết tham thiền.
- Ở Thiền đường Trung Quốc có người tuần hương, hễ phạm quy cũ là hương bảng đánh xuống liền. Ở đây dù không đánh hương bảng, nhưng hễ phạm quy củ là không cho dự Thiền thất.
50. HỎI: Tham thoại đầu làm sao biết là mình tinh tấn?
- Ø ĐÁP: Muốn biết tinh tấn rất dễ: Tham Thiền cần sự miên mật, kéo dài và không kẽ hở. Đề lên câu thoại đầu hỏi lần thứ nhất, không hiểu; hỏi tiếp lần thứ hai, vẫn không hiểu, hỏi tiếp lần thứ ba … Cứ hỏi mãi, liên tiếp chẳng ngừng, chẳng có kẽ hở, ngày đêm hai mươi bốn giờ chẳng gián đoạn.
Nay bắt đầu tập tham, hai mươi bốn tiếng gián đoạn hết hai mươi ba tiếng, dần dần tiến bộ còn lại hai mươi hai tiếng, rồi tiến bộ thêm còn hai mươi mốt tiếng … Hễ gián đoạn giảm nhiều là tiến bộ nhanh, chứ chẳng phải có thấy hoa, thấy ánh sáng, thấy có Phật Thích Ca đến sờ đầu thọ ký v.v… ấy chẳng phải là tiến bộ, phải quét sạch.
Tinh tấn là nghi tình bớt đi sự gián đoạn, Ví như Lai Quả Thiền sư nói: “Nếu công phu của mình hai mươi bốn giờ chẳng gián đoạn tức công phu thành khối, cũng là đến chỗ đầu sào trăm thước; chỗ này là nguồn gốc của ý thức, tiến thêm một bước nữa là rời khỏi ý thức, là kiến tánh. Đến được chỗ này rồi không cần ngộ cũng được.”
Tại sao? Khi chúng ta chưa tham Thiền, suốt ngày vọng tưởng, có vọng tưởng thì có tướng, ví như nghĩ đến Chợ Bến Thành thì hiện lên tướng của Chợ Bến Thành, nghĩ đến thành phố Hà Nội hiện lên tướng của thành phố Hà Nội … Có tướng thì Diêm La Vương thấy được, có thể sai tiểu quỷ đến bắt; nghi tình chẳng có hình tướng, chẳng hình tướng thì Diêm La Vương chẳng thể thấy, cũng chẳng thể sai tiểu quỷ đến bắt được. Hễ Diêm La Vương thấy tức có sanh tử, Diêm La Vương chẳng thấy thì sanh tử không còn. Khi nghi tình thành khối, mặc dù chưa kiến tánh, nhưng cũng đối phó với Diêm La Vương được rồi, nên nói không ngộ cũng được.
Nhưng nếu công phu đến đó rồi muốn không kiến tánh cũng chẳng được, ví như đã đến Sài Gòn muốn không tới cũng chẳng được. Công phu đến đó rồi tự nhiên sẽ được ngộ.
51. HỎI: Thiền thoại đầu bắt đầu từ đâu?
- Ø ĐÁP: Tổ Sư Thiền từ đời Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma-ha Ca-diếp làm Sơ Tổ, ngài A-nan là Nhị Tổ, từng đời truyền xuống đến Tổ thứ hai mươi tám là ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền vào Trung Quốc, sau đó chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Qui Ngưỡng, Vân Môn. Nói năm phái kỳ thât chỉ là một, do thủ đoạn của các Tổ sư khác nhau, khiến người tham Thiền phát khởi nghi tình mà chẳng tự biết là mình đang tham. Ngài Lai Quả Thiền sư trong cuốn Thiền Thất Khai Thị Lục nói “Vô tham tức chơn tham”, không biết mình đang tham Thiền thì dồn hết bao nhiêu tâm sức đến chỗ nghi, nên sức dụng rất mạnh, khi cơ duyên chín mùi, hễ điểm một cái là ngộ triệt để, thấu suốt tam quan.
Thủ đoạn của mỗi tông phái khác nhau, ví như năm người làm năm món ăn khác nhau, mỗi mỗi tự có đặc sắc, mặc dù món đó bốn người kia vẫn biết làm nhưng không ngon bằng. Người tham Thiền cảm thấy thích hợp với thủ đoạn của tông phái nào thì đến ngay Tổ Sư tông phái đó để khiến cho mau kiến tánh. Dù thủ đoạn của năm phái khác nhau nhưng sự ngộ chẳng khác.
- Ví như ngài Đạo Lâm Thiền sư có một thị giả tên là Biện Trung, ba năm chẳng được dạy bảo tham Thiền gì cả, trong tâm rất nghi mà chẳng tự biết, cứ thắc mắc “tại sao thầy mình chẳng chịu dạy bảo học đạo, chỉ bắt mình suốt ngày làm việc, bới cơm, xách nước, quét dọn …” Như thế trải qua ba năm, nhân duyên đã chín mùi, một hôm từ giã Sư rằng: “Con xuất gia là vì học đạo, nhưng đến đây đã ba năm mà chẳng được thầy dạy bảo gì, nay con xin đi chỗ khác.”
Sư hỏi: Đi chỗ khác làm gì?
ĐÁP: Học Phật pháp.
Sư nói: Phật pháp thì ở đây cũng có chút ít.
HỎI: Là cái gì?
Đạo Lâm Thiền sư nhổ một sợi lông trên tà áo thổi trước mặt thị giả, khiến y liền ngộ. Ấy cũng là thủ đoạn của Tổ Sư, chẳng cần nói năng dạy bảo, làm cho hành giả tự sinh nghi, thời tiết chín mùi là ngộ.
- Thiền Sư Từ Minh ở Long Vân hai năm, hễ mỗi lần hỏi pháp là bị thầy chửi mắng thậm tệ còn hơn người thế gian, tự phát khởi nghi tình nặng mà chẳng hay biết. Một hôm đi hỏi pháp lại bị thầy mắng và dùng cây muốn đánh, Sư nói: “Thầy làm như thế đâu phải là người dạy tham Thiền!”
Thầy nghe rồi càng giận, Sư tính mở miệng muốn cãi, thầy lấy tay bịt miệng Sư lại, Sư liền ngộ. Ấy cũng là thủ đoạn của Tổ Sư.
- Như Tổ sư Lâm Tế hỏi pháp ba lần bị đánh đuổi ba lần, ấy cũng là thủ đoạn của Tổ Sư vậy.
- Trước đời nhà Tống, ở Trung Quốc chẳng có sự tham công án thoại đầu, sau đời nhà Tống, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ra đời, ghi chép tất cả thủ đoạn của Tổ sư, khiến người tham Thiền biết hết các thủ đoạn đó nên chẳng phát được nghi tình, bất đắc dĩ dạy tham thoại đầu công án, do sức nghi yếu nên người kiến tánh cũng ít, muốn đến được chỗ “Vô tham tức chơn tham”, phải tốn hết biết bao nhiêu công sức và thời gian.
52. HỎI: Thiền Mặc Chiếu có phải thuộc Tông Tào Động không?
- Ø ĐÁP: Ai nói Thiền Mặc Chiếu thuộc Tông Tào Động là người ấy phải đọa địa ngục. Mặc chiếu là tà thiền, Tông Tào Động là chánh tông, chẳng thể là Mặc chiếu. Trong cuốn Lá Thư Thiền của ngài Đại Huệ chỉ trích về Mặc chiếu tà thiền, có thể xem cuốn sách đó để hiểu biết Mặc chiếu tà thiền là như thế nào. Hiện nay loại Nhất Cấp Thiền chẳng có phần thực hành, chỉ xem qua Truyền Đăng Lục rồi lấy ý mình thay cho ý của Tổ Sư. Mặc chiếu là trụ tâm ở một nơi, Kinh Kim Cang nói “Ưng vô sở trụ”, Kinh Pháp Bảo Đàn nói “Lấy vô trụ làm gốc”, Thiền tông đâu thể để tâm trụ ở nơi nào! Ấy là nghịch với ý của Tổ, nên nói là tà thiền.
Tại sao Phật với Tổ dạy mình phải VÔ SỞ TRỤ? Tôi dùng cánh tay để thí dụ: Tay mình vốn hoạt bát vạn năng, lấy gì cũng được, nay hễ trụ ở một nơi chẳng chịu buông, như tay nắm chặt cây viết thì đánh mất tánh hoạt bát vạn năng của tay, nên Tổ Sư dạy là phải quét, quét rồi mới khôi phục lại tánh hoạt bát vạn năng. Cây viết là vật có, nay không trụ nơi có mà trụ ở nơi không, thì tánh hoạt bát vạn năng ấy cũng bị đánh mất, cũng phải quét rồi mới khôi phục lại sự hoạt bát vạn năng của Tự Tánh, cho nên phải vô sở trụ, lấy vô trụ làm gốc.
53. HỎI: Làm thế nào để phân biệt Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền?
- Ø ĐÁP: Như Lai Thiền có đẳng cấp, Tổ Sư Thiền thì chẳng có đẳng cấp, chẳng cần trải qua đẳng cấp, từ địa vị phàm phu thẳng đến quả Phật. Nay tất cả Giáo môn đều thực dụng Như Lai Thiền. Giáo môn ở Trung Quốc chia làm bốn Tông: Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Duy Thức. Thiền quán của Tông Thiên Thai là Chỉ Quán Thiền, Tông Hiền Thủ là Pháp Giới Quán Thiền, Tông Tam Luận là Tách Không Quán thiền, Tông Duy Thức là Tứ Tầm Tư Quán Thiền. Thiền quán của quán tưởng chia ra từng cấp bậc, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói có năm mươi bảy cấp, có nơi là năm mươi lăm cấp, thường là: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, Càn Huệ Địa và Tứ Gia Hạnh. Còn Tổ Sư Thiền thì không có đẳng cấp, địa vị phàm phu hễ ngộ triệt để là Phật.
54. HỎI: Tại sao không có nhân quả là Tà kiến?
- Ø ĐÁP: Không có nhân quả, không thừa nhận nhân quả là tà kiến. Còn biên kiến là chấp vào một bên. Tất cả vũ trụ vạn vật, hễ nói ra được, dùng tâm suy nghĩ ra được đều có đối đãi. Ví như CÓ và KHÔNG: Chấp có là thật, ấy là biên kiến, chấp không là thật cũng là biên kiến; chấp CHƠN là thật, là biên kiến, chấp VỌNG là thật cũng là biên kiến. Bất cứ chấp vào một bên nào đều là biên kiến.
Giới cấm thủ cũng là một thứ ác kiến: Ví như ở Ấn Độ là cấm ăn thịt heo, nếu có người thách thức hễ dám ăn thịt heo là cao nhất; tức là cho dám làm một thứ giới cấm nào cao nhất gọi là giới-cấm-thủ.
55. HỎI: Có được cái dụng của Tự tánh có phải là kiến tánh không?
- Ø ĐÁP: Có được cái dụng của Tự tánh chưa phải kiến tánh. Nay cũng có nhiều Phật tử khi nghi tình nặng cũng có thể phát huy được sự dụng của Tự tánh, ví như trường hợp của Trương Quốc Anh, hoặc nhiều người đi xe máy đang tham thiền, chẳng để ý đến xe cộ bên cạnh mà vẫn an toàn, không bị xe đụng phải, ấy cũng có thể nói là sức dụng của Tự tánh. Có người đang tham thiền tính toán sổ sách không bị sai, ấy cũng là sức dụng của Tự tánh. Cái dụng automatic của Tự tánh không qua bộ óc, hễ qua óc là có suy nghĩ thì chẳng phải là cái dụng automatic của Tự tánh rồi.
Nhưng hiện ra sức dụng của Tự tánh chưa phải kiến tánh, chỉ có thể nói là nghi tình nặng, đạt đến đại nghi thôi. Sự kiến tánh là ngộ được mình là cái gì rồi, làm chủ được mình, thoát khỏi sanh tử luân hồi và cắt đứt quan hệ với Diêm La Vương.
56. HỎI: Thầy nói không được lấy vọng đè nén vọng, thế thì biết được đó là vọng mà mình không theo nó, có được không?
- Ø ĐÁP: Không được. Không được biết vọng, chẳng những có vọng tưởng không biết được, nếu đã biết được vọng là không phải rồi, đừng có biết đến nó. Hãy mặc kệ nó: Vọng tưởng nổi lên bao nhiêu không biết tới; chẳng những có vọng tưởng không biết tới, không có vọng tưởng cũng đừng biết tới. Biết cũng không được, hễ biết là kẹt.
57. HỎI: TRI VỌNG có phải là chánh niệm không?
- Ø ĐÁP: TRI tức là VỌNG. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái tri ấy là căn bản vô minh; “Tri giác nãi chúng sanh”, chẳng những tri là vọng, bốn bài kệ của ngài Vĩnh Gia Thiền sư “Nhược dĩ tri tri tịch, thử phi vô duyên tri”, tịch là tịnh, tịnh thì chẳng có vọng rồi, nhưng vẫn còn là vọng, chẳng phải là vô duyên tri của Tự tánh. Sự tri của Tự tánh chẳng nhờ nhân duyên, không có đối đãi, nay có cái tri để tri tịch, tri là năng tri, tịch là sở tri, có năng sở tức là vọng, ấy là đã cao hơn vấn đề tri vọng. Vì tri vọng chưa phải tịch, tịch là hết vọng nhưng vẫn còn năng sở, như người dùng tay cầm cây như ý, chẳng phải là tay không có cây như ý. Tay cầm cây như ý rồi thì lấy cái khác không được, chướng ngại sự dụng của Tự tánh, nên phải quét. Tri tịch còn phải quét, nói gì tri vọng!
- Bài kệ thứ hai: “Nhược dĩ tự tri tri, diệc phi vô duyên tri”, tức tự biết mình có cái tâm tri ở trong. Động tịnh là ngoại cảnh, nay không tri ngoài mà tự biết mình có cái tri, tức cái năng tri ở bài kệ thứ nhất trở thành sở tri ở bài kệ thứ hai, mặc dù chẳng đối với ngoại cảnh động hay tịnh, nhưng cái “Tự biết có cái tri” đó cũng là sở tri, nên vẫn chẳng phải vô duyên tri không có đối đãi của Tự tánh. Ví như tay chẳng cầm cây như ý (ngoại vật) mà tự nắm thành quyền, chứ chẳng phải tay không có nắm lại, như thế vẫn chướng ngại sự dụng hoạt bát vạn năng của Tự tánh, không thể sử dụng được. Nên ông nói “Tri vọng là chánh niệm” ấy là sai.
Trên đây nói đến ba thứ: Tự tri, tri tịch và tri vọng. Tự tri là căn bản của vô minh, trong Kinh Lăng Nghiêm: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”. Bây giờ tôi dẫn dụ lời Phật để giải thích thêm:
TRI KIẾN LẬP TRI; hai chữ TRI KIẾN, Phật gọi là thế lưu bố tưởng; lưu là lưu hành, bố là phổ biến. Trong Kinh Niết Bàn, ngài Ca-diếp hỏi Phật: “Tại sao bậc Thánh có điên đảo tưởng mà chẳng có phiền não?”
Phật bảo: “Sao nói bậc Thánh có điên đảo tưởng?”
Ca-diếp nói: “Bậc Thánh thấy con trâu vẫn gọi là trâu, thấy con ngựa cũng gọi là ngựa, ấy chẳng phải là điên đảo tưởng ư!”
Phật bảo: “Tưởng có hai thứ: Một là thế lưu bố tưởng, tức thế gian đã lưu hành phổ biến, hai là trước tưởng. Phàm phu ở nơi thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, nên mới gọi là điên đảo tưởng, bậc Thánh chỉ có thế lưu bố tưởng, không có trước tưởng nên chẳng sanh điên đảo tưởng”.
Hai chữ “Tri kiến” là thế lưu bố tưởng, nhưng hễ lập TRI tức là trước tưởng. Lập tri cũng là tự tri, là căn bản vô minh, từ căn bản ấy mới sanh ra tri tịch, mặc dù cái tri ấy chưa phải là vọng, là yên tịnh, tức cái vọng vi tế. Cho nên, cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng trong nữa đại kiếp không có vọng tưởng, tức tịch tịnh được nữa đại kiếp. Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp có mười sáu triệu năm. Nửa đại kiếp tức có bốn mươi tiểu kiếp. Hãy tính thử thời gian đó là bao nhiêu triệu năm? Biết cái tịch tịnh ấy trong một thời gian dài như thế vẫn chưa được ra khỏi luân hồi, huống là tri vọng! Tự tri vẫn còn không được, nói gì tri vọng! Nên biết tri vọng là không đúng.
- Trong Pháp Bảo Đàn Kinh nói về vấn đề “Chánh niệm” rằng “Vô niệm niệm tức chánh”, vô niệm mới là chánh niệm. Lại, ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm hai chữ VÔ NIỆM thành niệm đoạn diệt, nên giải thích thêm: “Hễ niệm đoạn diệt tức là chết, phải đầu thai đổi lấy thân khác”, nên vô niệm chẳng phải là niệm đoạn diệt. Ngài lại giải thích: “Lục thức ra cửa lục căn, ở ngoài lục trần, chẳng nhiễm chẳng trước ấy mới là vô niệm” chứ chẳng phải đoạn diệt, đoạn diệt tức là chết. Chẳng sanh ra trước tưởng mới là vô niệm, hễ sanh ra trước tưởng tức có niệm; chẳng sanh ra trước tưởng chứ chẳng phải không có thế lưu bố tưởng. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn không cho giữ “Niệm chánh”, tà chánh đều phải quét, bởi chánh với tà là tương đối. Ở Thiền tông là không cho giữ bất cứ cái gì, luôn cả chánh niệm cũng phải quét.
58. HỎI: TRI HUYỄN TỨC LY như thế nào?
- Ø ĐÁP: Câu sau của “Tri huyễn tức ly” là “Bất tác phương tiện”, tức không cho làm phương tiện. Nay lấy câu “Tri huyễn tức ly” làm phương tiện để buông bỏ vọng là sai, là không được. Tiếp theo đó là câu “Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ”. Nay muốn lấy cái tri để trừ bỏ vọng, thì ấy có phải là phương tiện không? Hễ là phương tiện thì chẳng được vậy, là vi phạm lời của Phật, của Kinh rồi! Nên Kinh Viên Giác ở đoạn sau có hai mươi lăm thứ thiền quán, chỉ là tu thiền quán, chẳng biết về vọng tưởng mới có thể lìa được, nếu muốn lìa vọng tưởng là không được. Chẳng những cái tri là vọng, vô tri cũng là vọng. Trong Pháp Bảo đàn Kinh, ngài Lục Tổ mắng Thần Hội rằng: “Dẫu cho sau này ra hoằng pháp cũng chỉ là bọn tri giải”, nên vấn đề tri giải ở bên Thiền tông rất kỵ, phải quét sạch.
- Trong quyển hai của Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng giải thích rất rõ về hai chữ “Kiến Kiến”. Vấn đề này nhiều người cũng giảng sai: Có người cho chữ KIẾN trước là năng, KIẾN sau là sở, nhưng sự thật thì “Kiến kiến” là kiến tánh, là cái kiến không có bệnh, nay nếu dùng cái tri kiến có bệnh để thảo luận vấn đề này thì hết kiếp này qua kiếp khác cũng không giải được.
- Tri kiến của chúng sanh là cái bệnh từ vô thỉ đến nay, do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, cho nên nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập”. Hai chữ KIẾN KIẾN là tự tánh tự hiện, là kiến tánh, chứ chẳng phải có người dùng cái năng kiến để kiến cái sở kiến.
- Kinh Kim Cang nói:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất đắc kiến Như Lai”.
Chữ TÀ ấy chẳng phải nói ngoại đạo tà ma, mà là không đúng với Chánh pháp, nên gọi là tà. Do có chánh nên có tà, chánh còn phải quét, nói chi đến tà! Như ở lập trường của Tổ Sư Thiền thì pháp nào chẳng đúng theo tông chỉ của Tổ Sư Thiền thì gọi là tà. Cũng như nói đến hai chữ “Ngoại đạo” vốn chẳng phải có ý khinh khi, vì đối với bổn đạo mà nói, nếu không thuộc phạm vi của bổn đạo gọi là ngoại đạo, cũng như chẳng phải bổn quốc thì gọi là ngoại quốc. Chư Phật rất sợ chúng sanh chấp vào văn tự lời nói, hễ chấp lời thì nghịch ý.
59. HỎI: Tại sao ngài Lục Tổ dạy người dùng ba mươi sáu pháp đối khi có người hỏi pháp?
- Ø ĐÁP: Ấy là thủ đoạn của Phật của Tổ để phá chấp chúng sanh, bởi vì “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm tạo vốn chẳng có thật, do bệnh của chúng sanh ham chấp thật nên hễ chấp vào cái đen thì Tổ nói là trắng; hễ chấp vào cái trắng thì Tổ nói là đen. Nhưng lúc Tổ nói “Trắng”, ý của Tổ chẳng phải là trắng; lúc Tổ nói “Đen”, ý của Tổ chẳng phải là đen, chỉ là phá cái chấp của chúng sanh, trị bệnh chấp thật của chúng sanh mà thôi. Do bệnh của chúng sanh là bệnh giả, nên thuốc của Tổ cũng là thuốc giả, nếu chấp vào lời Tổ là sai lầm.