640. HỎI: Vậy theo Sư phụ, muốn bỏ là phải dứt niệm?
- ØĐÁP: Vốn đã sẵn sàng, khỏi cần bỏ, do Sư muốn bỏ cái này lấy cái kia, nên tôi bảo bỏ, nếu không muốn lấy thì đâu cần bỏ!
641. HỎI: Sư phụ nói dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết, vậy sao Sư phụ biết nhiều thế? cái biết của Sư phụ là cái biết của bộ não hay cái biết của Phật tánh?
- ØĐÁP: Cái biết của tôi là muốn chấm dứt cái biết của ông, chứ chẳng phải có chỗ sanh khởi. Chẳng có chỗ sanh khởi mới gọi là vô thỉ, cũng là nghĩa vô sanh. Thật ra, bất cứ cái gì, luôn cả Phật tánh đều chẳng thể có cái lý sanh khởi, tức không có lý bắt đầu, nên Phật nói vô thỉ.
Theo người đời, nếu đem những việc không mà nói thành có, ấy là nói dối, nói bậy; phải không? Vậy nếu có sự bắt đầu thì phải từ chỗ không biến thành có; nếu bắt đầu từ chỗ có thì chỗ có đó đã là bắt đầu rồi! Nếu từ chỗ không mà sanh ra có, thì hiện nay chúng ta đâu cần tu! Vì từ không có Phật có thể sanh ra Phật, vậy đâu cần tu! Chính không có sự sanh khởi, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, vì không có cái lý sanh khởi, nên Phật nói vô thỉ.
642. HỎI: Có một vị hành giả tánh hay quên, cứ đề câu thoại đầu lên rồi quên mất, vậy có thể niệm một câu thoại lần một hạt chuỗi được không?
- ØĐÁP: Không được. Nếu lần chuỗi quen rồi, sau này không có xâu chuỗi là không tham được. Vả lại, lúc làm công việc không có xâu chuỗi thì không tham sao! Lúc đầu chưa quen thoại đầu, có thể nhìn vào tờ giấy, cứ niệm cho quen rồi mới tham.
643. HỎI: Con tin pháp môn tham Thiền 100%, nhưng sao con không thể tin tự tâm?
- ØĐÁP: Vậy cô tin lời Phật không? Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tin không?
644. HỎI: Lúc trước thì con tin, sao bây giờ con không tin nổi!
- ØĐÁP: Vậy làm sao nói là tin lời Phật? Làm sao gọi là tin pháp môn? Vì pháp môn là do Phật truyền, và người không tin lời Phật là Nhất-xiển-đề! Bất cứ pháp môn nào, thế gian hay xuất thế gian, ngay từ ban đầu phải có chữ TIN đi trước, nếu không tin làm sao thành tựu được? Nay nếu cô đã không tin lời Phật thì chẳng những phải bỏ pháp môn này, mà luôn cả đạo Phật cô cũng phải bỏ, chẳng thể tiếp tục mặc áo tu sĩ nữa.
645. HỎI: Bạch Sư phụ, vậy có cách nào không?
- ØĐÁP: Chỉ có cách lột áo Cà-sa ra, không theo đạo Phật nữa. Ngoài ra chẳng còn cách khác.
646. HỎI: Con ở trong chùa Tịnh độ, mặc dù theo pháp môn Tổ sư Thiền, nhưng ở chùa phải theo chúng tụng Kinh, bái sám, đi đám, vì việc này cũng cần cho Tu sĩ. Cho nên, sự tham của con không được liên tục, những lúc con đang công phu, lại xen lẫn những câu Kinh kệ nổi lên, khiến công phu chẳng đắc lực, vậy có cách nào không?
- ØĐÁP: Sư nói tụng Kinh, bái sám, đi đám là việc cần cho Tu sĩ, ấy là sai. Đó chỉ do người đời sau bày đặt ra, thời Phật đâu có! Sở dĩ công phu chưa được, là vì công việc hằng ngày đã quen, còn câu thoại đầu thì mới lạ, nên cứ bị xen lẫn. Nên ngài Lai Quả nói phải tập dần, hễ thoại đầu quen được một ngày, thì cái kia sẽ lạ đi một ngày.
Nay thí dụ bằng con số: Những cái kia là số một triệu, thoại đầu chỉ là số một; thoại đầu quen dần thì cái kia phải bớt, khi thoại đầu lên đến một triệu thì cái kia sẽ hết.
647. HỎI: Xin Sư phụ chỉ cách cho con tin tự tâm triệt để?
- ØĐÁP: Nay tôi hỏi cô: Có Phật tánh không?
- Dạ có.
- Phật tánh có gián đoạn không?
- Dạ không.
- Phật tánh có thêm bớt không?
- Dạ không.
ĐÁP: Nếu Phật tánh không gián đoạn thêm bớt, thì Phật tánh của cô, thần thông trí huệ đầy đủ bằng Phật Thích Ca, đang hiện hành, chỉ là cô ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết, còn của Phật thì khắp không gian, thời gian, chẳng chỗ nào không biết, chẳng lúc nào không biết. Chỉ xê xích như vậy thôi.
648. HỎI: Nhưng tại sao có lúc công phu của con rất tiến bộ, có lúc lại thối lui?
- ØĐÁP: Thế nào gọi là tiến bộ, thế nào gọi là thối lui?
649. HỎI: Lúc con mới bắt đầu tập tham, đề câu thoại đầu lên; lại có một lúc công phu đề mãi không lên, bị thối lui hoài.
- ØĐÁP: Ngài Lai Quả trong Thiền Thất Khai Thị Lục nói, công phu của Ngài đôi khi đề lên không nổi trong vòng một hai ngày, nhưng đề không lên cũng phải đề, chẳng có nghi tình cũng phải đọc, vì nghi tình là dấu hỏi, đọc mãi thì nghi tình sẽ có trở lại, ấy cũng chẳng phải là lui sụt.
650. HỎI: Cuộc sống hằng ngày là sống trong vọng tưởng, vậy tham thiền có phải vọng tưởng không?
- ØĐÁP: Tại sao cô nói cuộc sống hằng ngày là sống trong vọng tưởng? Mới vừa nói Phật tánh đang hiện hành, thì Phật tánh đâu phải vọng tưởng? Vọng tưởng của cô xuất phát từ chỗ nào?
- Từ ý thức phân biệt.
- Ý thức phân biệt xuất phát từ chỗ nào?
- Không biết.
Đáp: Nếu không biết thì tại sao biết hằng ngày sống trong vọng tưởng? Nếu không biết tức không vọng tưởng. Vọng tưởng của cô chỉ là sở biết, sở suy nghĩ của tâm cô; sở là ở ngoài tâm, chẳng phải của cô, còn tâm của cô, tức năng suy nghĩ, năng biết đó, mới là của cô, chẳng có vọng tưởng.
Nói cuộc sống hằng ngày là sống trong tâm thì được, nói sống trong vọng tưởng là không thể được, nhưng vì tâm chẳng hình tướng số lượng, nên chẳng thể tự thấy biết. (Sư phụ dẫn dụ về hai chân dính cức sình, lược qua).
651. HỎI: Ngày thường chúng con ở chùa vẫn tu, đến kỳ Thiền thất, chúng con cứ vẫn tu tại chùa hay đến dự Thiền thất? Dự Thiền thất có tốt hơn không?
- ØĐÁP: Dĩ nhiên là dự thiền thất tốt hơn, đông người khích lệ lẫn nhau, lười biếng không được, cũng như Tu sĩ sống trong chúng tốt hơn một mình ở cốc riêng. Việc tu là việc của mình, mọi người đến dự là vì sự sanh tử của mình, chứ chẳng phải vì Thiền thất.
Chữ tu là sửa đổi hành vi của mình. Như tôi vừa nói, đường gai gốc cức sình không nên đi, pháp môn dạy của Phật là những con đường trong sạch nên đi.
652. HỎI: Thế nào là Nghĩa Khẩn - chánh - miên mật – dung hoát của ngài Bác Sơn?
- ØĐÁP: Khẩn là thống thiết vì sanh tử, Chánh là đúng với tông chỉ “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” của Thiền tông, Miên mật là vừa nhìn vừa hỏi câu thoại đầu, chẳng có gián đoạn, chẳng kẽ hở cho phiền não nổi lên; Dung là dung thông, Hoát là trống rỗng, là chỗ thoại đầu chẳng một niệm sanh khởi. Hễ nổi lên một niệm, bất cứ biết cái gì; dù là biết Phật, biết Bồ-tát vẫn là không dung hoát, nổi lên một niệm “Không biết” cũng là không dung hoát.
653. HỎI: Thế nào là “Thế giới rộng một trượng thì gương xưa rộng một trượng; gương xưa rộng một trượng thì lò lửa rộng một trượng”?
- ØĐÁP: Ấy là nghĩa tất cả đều bằng nhau, cũng là nghĩa bất nhị. Hễ một chơn thì tất cả đều chơn; một giả thì tất cả đều giả, nhưng không có chơn cũng không có giả.
654. HỎI: Có người nói “Bát-nhã vô tri” là chẳng sanh tâm phân biệt, kể cả việc thiện việc ác, kể cả dùng những thức ăn dơ bẩn mà chẳng thấy ghê tởm, phải không?
- ØĐÁP: Nói như thế đã là phân biệt rồi! Hễ nổi lên một niệm đã là chẳng phải, huống là nhiều niệm! Tham thiền nói “Nhìn” là nhìn chỗ một niệm chưa sanh khởi, nói “Tham” cũng là tham chỗ một niệm chưa sanh khởi. Bây giờ lại nổi niệm cho là làm việc thiện việc ác, ăn đủ thứ dơ bẩn … Thiền tông nói: “Ăn gậy của Diêm La Vương thì có phần của ông!”.
655. HỎI: Vị đó còn dẫn chứng những việc làm của Hòa thượng Tế Điên, cho làm như thế là giải thoát tự tại?
- ØĐÁP: Có dẫn chứng đều là sai. Như Phật nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”, “Ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, “Vô pháp khả thuyết mới gọi là thuyết pháp”…, những lời trên sao ông đó không dẫn chứng?
Nay bất cứ dẫn chứng cách nào đều là niệm, đều có sanh khởi, Phật nói vô thỉ, cũng là nghĩa vô sanh. Nếu có sanh khởi tức có bắt đầu, nhưng bất cứ dùng nghĩa lý cao siêu nào cũng chẳng thể thành lập lý bắt đầu, nên nói vô sanh.
Trước kia tôi có giảng cuốn Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải, Tịch là phủ định, là quét sạch, phàm có nghĩa giải đều không đúng. Do người đời dẫn chứng cuốn Tín Tâm Minh để luận đàm, nghịch với ý chỉ Tín Tâm Minh, tức phỉ báng Tổ Tăng Xán, nên ngài Trung Phong mới viết bài Tịch Nghĩa Giải. Vì con người ham nghĩa giải, nên ở Nhật có cuốn Thiền Học Đại Thành, chỉ trích ra các đoạn nghĩa giải, còn phần tịch nghĩa giải thì không in ra, ấy là nghịch với ý của Tổ vậy.
Ví dụ: Câu đầu tiên của bài Tín Tâm Minh là: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”.
Nghĩa giải rằng: Chí đạo là tự tánh, tức đạo cùng tột của Phật tánh. Muốn đạt đến đạo cùng tột của Phật tánh chẳng phải là khó, chỉ do lựa chọn nên mới thành khó. Trên đây là giải thích theo mặt chữ.
Bốn câu kệ kết thúc của ngài Trung Phong:
Chí đạo chớ nên chê lựa chọn,
Chớ cho lựa chọn đọa phàm tình.
Cần phải đâm mù mắt mẹ đẻ,
Ban ngày đốt đèn đọc bài Minh.
Đâu có gì để cho giải thích suy nghĩ! Nay tôi đang dịch cuốn Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải, sau này xuất bản, để cho quý vị thấy được bản lai diện mục của Tín Tâm Minh.
656. HỎI: Tham Thiền Cảnh Ngữ nói: “Khi nghi tình phát khởi, tương ưng với lý Pháp thân”, tại sao lại phải cắt đứt mạng căn?
- ØĐÁP: Tham Thiền Cảnh Ngữ nói: “Phát chơn nghi” tức đến được thoại đầu, mới là phát chơn nghi, chưa đến thoại đầu là chưa phát được nghi tình. Sự thật, nếu công phu đến thoại đầu thì câu thoại tự mất. Còn nói đến Pháp thân thì người nào cũng đầy đủ Pháp thân, đâu có mất, đâu có ngưng? Vì con người ham dùng tâm suy nghĩ so đo, cho là phải như vậy và chẳng phải như vậy, tức tự làm ra dây trói buộc mình. Cho nên, phải nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh khởi. (Sư phụ giảng về cuộc sống trong nhất niệm vô minh, xem câu 639.)
657. HỎI: Giáo môn nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức biến hiện”, còn Thiền tông nói: “Tức tâm tức Phật”, hai nghĩa này có giống nhau không?
- ØĐÁP: Không khác. Có người hỏi Mã Tổ, Tổ trước thì đáp “Tức tâm tức Phật”, sau thì nói “Phi tâm phi Phật”, rồi một vị Tăng hỏi: “Sao trước nói tức tâm tức Phật, sau nói phi tâm phi Phật?” Mã Tổ trả lời: “Vì muốn gạt cho con nít nín khóc”.
Bây giờ nói muôn pháp duy tâm hay muôn pháp duy thức cũng vậy.
Trong Phật tánh của mình tất cả đều sẵn sàng mà không có mấy thứ này, do con người bày ra những thứ này mới che khuất Phật tánh, gọi là “Ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết”. Vì đã dùng cái biết của nhất niệm vô minh, thì làm sao hiển bày cái biết của Phật tánh!
658. HỎI: Khi con nhìn vào chỗ không biết, thì rõ ràng là “Bổn lai vô nhất vật”, chẳng có vọng tưởng, cũng chẳng có vọng niệm, phải không?
- ØĐÁP:Không phải. Bất cứ thấy cái gì đều không phải. “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ là để phá bài kệ của Thần Tú, chứ bổn lai vốn chẳng phải vô nhất vật, cũng chẳng phải hữu nhất vật. Hữu vô là tương đối, cái bổn lai chẳng phải tương đối; đã có một niệm thấy “Bổn lai vô nhất vật” là niệm đã biết rồi, chứ chẳng phải là không biết.
659. HỎI: Hàng xuất gia chúng con cứ mỗi năm nhập Hạ thì được một tuổi Hạ, vậy tuổi Hạ này ai chứng minh cho chúng con?
- ØĐÁP: Đâu cần ai chứng minh, vào kiết Hạ đã là chứng minh rồi! Sở dĩ nhập Hạ là vì trong mùa Hạ có nhiều côn trùng ở trên đường, nếu chúng ta đi, dễ đạp nhằm chúng khiến sát sanh. Lại nữa, mùa Hạ ở Ấn Độ quá nóng bức, bất tiện cho việc đi khất thực. Do nhiều nguyên nhân, nên Đức Phật cho ba tháng hạ cấm túc, ấy là thích ứng ở Ấn Độ, nhưng vì Phật đã cho thực hiện như thế, đã ghi vào giới luật thì nơi khác cũng thực hiện theo.