Vấn đáp-Chia sẻ
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

360. HỎI: Có người cho là “Để tâm bình thường trong hiện tại, không chạy theo ngoại cảnh, cho niệm hiện tiền đó là chánh niệm”, đúng hay sai?

  • Ø ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Dẫu cho diệt hết tất cả kiến, văn, giác, tri, tâm giữ u nhàn, vẫn là bóng phân biệt của pháp trần”. Nói giữ niệm hiện tiền, chẳng phân biệt cái gì khác, làm sao được? Dẫu cho làm được cũng vô ích, cũng là bụi trần, là vọng, là bệnh đã thành từ vô thỉ. Cho nên, hành giả phải tham đến tự ngộ mới được, nếu không, như Kinh Viên Giác nói: “Chưa ra khỏi luân hồi mà biện Viên Giác, Viên giác ấy cũng là luân hồi”.

Như nay chưa thức tỉnh, dù ở trong chiêm bao được khai ngộ, vẫn còn là việc trong chiêm bao. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Không gian hiện nay là ở trong biển giác của mình, do mê vọng mới có hư không, có hư không mới lập ra thế giới, nhưng hư không chỉ là một bọt nước trong biển giác”, nếu bọt nước bể thì hư không cũng tiêu, ba cõi thế giới kiến lập ở đâu? Không gian đã chẳng còn thì làm sao có thời gian?

Nên Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, là phá sự chấp về thời gian.

Tất cả không gian, thời gian, số lượng đều do vọng tâm tạo ra, nên nói người kiến tánh đập bể hư không, hư không tan rã, do vọng đã hết, tự nhiên hư không cũng mất, ví như bệnh nhậm hết rồi thì hoa đốm trên không liền tiêu. Nếu còn thấy hoa đốm tức bệnh mắt vẫn còn. Người thế gian hay có những “Chủ trương” hoặc “Cho là”… những danh từ này đều là nguồn gốc của sanh tử luân hồi.

361. HỎI: Một số hành giả hay nói là công phu rất đắc lực, nghi tình nổi lên ùn ùn… vậy có phải đã đến thoại đầu?

  • Ø ĐÁP: Những người nói công phu đắc lực ra sao, sự thật là không có công phu. Vì còn ngã chấp, mặc dù có công phu, cũng là tu theo ngã chấp, cuối cùng không thành tà ma, cũng thành ngoại đạo. Người có công phu đắc lực, đâu có thời gian để nói cho người khác biết!

362. HỎI: Thế  nào là trên đầu một chữ Như?

  • Ø ĐÁP: Chữ NHƯ trong Phật pháp rất sâu rộng, siêu việt số lượng, hễ còn có số lượng thì chẳng phải là rộng. Nói vạn pháp đều như; bất động như như v.v… đều là siêu việt số lượng, lời nói văn tự chẳng thể diễn tả,  nên miễn cưỡng dùng chữ NHƯ để tỏ bày.

Chữ NHƯ là đúng như sự thật, nay tất cả sự hiểu biết của chúng ta đều không đúng với sự thật, là tướng bệnh. Tham thiền là quét sạch tướng bệnh, rồi tướng mạnh tự hiện, chữ như là diễn tả tướng mạnh.

363. HỎI: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Luân hồi sanh tử cũng do lục căn, giải thoát tự tại cũng do lục căn”, vậy tham thiền khởi nghi tình có thu nhiếp lục căn không? bằng cách nào?

  • Ø ĐÁP: Lục căn đối với lục trần, sanh ra lục thức, đều là tướng bệnh đã thành từ vô thỉ, do chúng sanh chấp thật, bởi lục căn mà bị luân hồi sanh tử. Nay muốn được giải thoát, được chứng Niết-bàn, phải đóng cửa lục căn lại, do nghi tình nhiếp cả lục căn, rồi kiến tánh giải thoát, cũng là do lục căn.

Tham thiền rất chú trọng nghi tình, tức nhìn chỗ đen tối không biết gì cả. Nếu không biết gì thì nhiếp cả lục căn, mắt thấy như không thấy, tai nghe như chẳng nghe, các căn khác cũng vậy, hễ có biết là chẳng nhiếp được.

364. HỎI: Thế nào là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”?

  • Ø ĐÁP: Đó là diễn tả tự tánh bất nhị. Thiền sư Vân Môn nói: “Nếu lúc đó tôi nghe được, đánh chết cho con chó ăn”, cũng là thể hiện nghĩa bất nhị, chứ chẳng phải phỉ báng Phật.

365. HỎI: Mục đích của hai thời công phu là gì?

  • Ø ĐÁP: Sở dĩ có hai thời công phu là để đối trị người làm biếng không chịu tu giải thoát. Hai thời công phu của Giáo môn phải có thiền quán, người đời nay không có thiền quán, chỉ tụng Kinh cho Phật nghe, vậy đâu phải tu? Như con chim bắt chước tiếng người, nói thì cứ nói, đâu có biết nghĩa câu nói! Chỉ lặp đi lặp lại thôi. Có tụng mà không tu thì làm sao giải thoát?

366. HỎI: Khi xưa con nghe giảng Kinh Pháp Hoa, đến phẩm Đa Bảo Tháp, theo sự hiểu biết của con, Đa Bảo Tháp là danh từ dụ cho tự tánh, do một niệm bất giác, chúng con xa lìa căn nhà tự tánh, nay muốn trở về, nên con hỏi vị thầy giảng: “Làm sao trở về Đa Bảo Tháp? Trên đường trở về, thế nào cũng gặp nhiều chướng ngại, con có phải cầm sẵn trong tay cây gươm trí huệ mới quay về được?”

Thầy ấy trả lời: “Phải có trí huệ mới quay về được.”

Con hỏi tiếp: Thế thì tự tánh của con ở nơi con hay ở nơi Đa Bảo Tháp? Nếu ở nơi con thì đâu cần quay về? Nếu ở nơi Đa Bảo Tháp thì trí huệ ở đâu mà con có?”

Vị thầy đó bảo con về tụng Pháp Hoa rồi sẽ biết, nhưng con tụng mãi vẫn thắc mắc hoài cho đến con gặp Sư phụ.

  • Ø ĐÁP: Tại chấp thật tự tánh là vật, thân này là vật, cho nên vị thầy giảng Kinh ấy học ra trường, biết giảng Kinh thuyết pháp nhưng nghịch với Kinh. Đã gọi là Tự tánh thì làm sao xa mình được? Tự tánh chẳng phải vật, khắp không gian thời gian, nên gọi là Như Lai, tức chẳng có khứ lai. Do đó, mình làm sao rời khỏi tự tánh?

Tự tánh ẩn trong vọng niệm của mình, như tướng mạnh ẩn nơi tướng bệnh, tướng bệnh hết tướng mạnh tự hiện, đâu phải là tướng mạnh rời khỏi tướng bệnh?

Ngài Lai Quả nói: “Dù có đi xa quê nhà mười ngàn dặm, chỉ cần quay đầu là đến nhà, đâu cần cất bước?” bởi vì đâu phải ở ngoài? Nói ở trong vẫn còn không đúng, vì trong ngoài là nhị.

Nay có nhiều người học xong các viện Phật học Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng, ra làm giảng sư, có địa vị cao, giảng Kinh thuyết pháp rất giỏi, nhưng không hiểu giáo lý, nghịch với giáo lý. Ngài Lục Tổ nói: “Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh, hễ lìa tánh thuyết pháp, gọi là tướng thuyết”. Có tướng mới có thể chỉ ra, tự tánh vốn chẳng hình tướng, làm sao chỉ ra xa gần?

367. HỎI: Thiền sư Trung Phong nói: “Phải lấy việc sanh tử làm mối nghi”, vậy việc nghi sanh tử và nghi thoại đầu là một hay là hai? Có phải chính vì mối nghi sanh tử nên phải tham câu thoại đầu?

  • Ø ĐÁP:  Nghi câu thoại đầu cũng là nghi về sanh tử, nên nói sanh tử là việc lớn. Tại sao? Việc thế gian nếu không có sanh tử thì tất cả đều chẳng có, vậy thì tại sao chúng ta ở trong sanh tử mà không biết đó là việc gì? Khi chưa có trời đất, ta là cái gì? Từ đâu ra? Trời đất còn chưa có, ta sanh từ đâu mà lại có tử? Tất cả mọi vấn đề đều liên quan đến sanh tử, là nguồn gốc của vạn pháp, nên nói là “Việc lớn”.

368. HỎI: Thế nào là chiếu soi tự tánh?

  • Ø ĐÁP: Nay tham câu thoại đầu khởi lên nghi tình là chiếu soi tự tánh.

369. HỎI: Tu mà không cầu thì tu để làm gì? Phải cầu giải thoát đến chỗ không chấp thật. Nhưng Sư phụ lại dạy là “vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ”, vậy là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Chẳng có thật mà chấp cho là thật, nên gọi là bệnh; mà bệnh cũng chẳng phải thật, gọi là bệnh giả. Do cần dùng lời nói thế gian để giải thuyết, cho nên Đức Phật dùng thuốc giả để trị bệnh giả, khi bệnh giả hết, thuốc giả cũng phải bỏ. Hễ chấp thật tức có sở trụ, ắt thành bệnh, đánh mất sự hoạt bát vạn năng của tự tánh. Vậy chín chữ “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” cũng là thuốc giả, đâu phải thuốc thật!

Do người thế gian ham cầu, nên nói “Vô sở cầu”; người thế gian ham đắc, nên nói “Vô sở đắc”; người thế gian hay sợ, nên nói “Vô sở sợ”. Nếu đã không cầu, không đắc, không sợ thì chín chữ này đã là thừa.

Kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!”, lại, như đi chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè. Chiếc bè chỉ là phương tiện tạm thời để qua sông, đến bờ rồi chiếc bè đâu còn tác dụng? hễ còn vác trên vai có phải chướng ngại không?

Tại có bệnh mới cần thuốc, bệnh đã hết giữ thuốc làm gì? Ấy là chấp thuốc thành bệnh. Nay nhiều người chỉ nghiên cứu Kinh Phật, chấp thật lời Kinh và hiểu theo sự chấp của mình, đem những thứ đó dạy chúng sanh tu theo ngã chấp, tưởng là tri kiến của mình cao, rồi tranh giành hơn thua với tông phái khác… như lời của Tổ Sư thí dụ là: “Con chó đuổi theo cục xương “.

Có một hạng người đã không hiểu Phật pháp, lại cho cục xương là của mình, lấy lời của Phật xen vào ý của mình đem dạy người, hạng người này còn tệ hơn, Tổ sư mắng là “Ăn phẩn của người khác”, còn không bằng con chó. Ấy đều là nghịch với ý Phật.

370. HỎI: Câu chuyện Tề Hoằng Công và thợ đẽo bánh xe như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tề Hoằng Công là vua nước Tề, thời xưa chưa phát minh cao su, bánh xe phải làm bằng gỗ, muốn cho bánh xe quay, công đẽo phải đúng mức, không chật quá cũng không được lỏng, hễ chật thì bánh xe chẳng quay được, hễ lỏng thì dễ sút ra rất nguy hiểm. Người thợ đẽo bánh xe của vua trong lúc làm đã cảm nhận ra rằng: muốn làm cho đúng mức thì tâm phải chuyên chú vào cánh tay, tay cầm cây búa đẽo vào gỗ, chẳng sơ hở chút nào.

Lúc Tề Hoằng Công ở nhà trên đọc sách, ông thợ ở nhà dưới đẽo bánh xe, thợ hỏi vua:

- Chúa công xem sách gì?

ĐÁP: Sách của bậc thánh hiền.

HỎI: Thánh hiền ở đâu?

ĐÁP: Thánh hiền đã qua đời.

Thợ nói: “Thánh hiền đã qua đời, vậy những thứ cặn bã đó có tác dụng gì?”

Tề Hoằng Công nổi giận: “Sao ngươi dám phỉ báng thánh hiền? Hãy nói thử xem, có lý thì được tha, vô lý sẽ bị chém đầu.”

Thợ nói: “Thần có một đứa con, cũng là thợ mộc danh tiếng, nay thần còn sống, muốn đem sự cảm nhận và tay nghề của thần truyền lại cho con, đích thân chỉ dạy còn truyền không được, huống là lời của Thánh hiền chỉ có lời nói, làm sao truyền lại? Chẳng phải cặn bã sao!”

Bánh xe, búa đẽo v.v… đều là việc trước mắt nơi thế gian còn truyền không được, huống là việc xuất thế gian vốn chẳng hình tướng, làm sao truyền? Cho nên, Phật Thích Ca muốn chúng sanh mỗi mỗi tự ngộ, chứ chẳng thể truyền. Thiền tông sở dĩ có sự truyền thừa, là khi trò kiến tánh rồi, thầy chỉ ấn chứng cho, gọi là truyền tâm ấn, tức lấy tâm truyền tâm.

371. HỎI: Vậy xem Kinh học Phật để làm gì?

  • Ø ĐÁP: Kinh là dạy người tu để ngộ được tự tánh mình, làm chủ cho chính mình, đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn giải thoát tất cả khổ. Nay có người học Phật học đến Cao đẳng, học đầy bụng rồi dạy cho người khác, tự cho mình đã thông suốt tất cả kinh điển, chẳng biết dù kinh điển đầy bụng, có giúp ích cho sự giải thoát đâu!

Cho nên, nói “Đào tạo Tăng tài”, nếu là Tăng tài thì phải dạy người tu giải thoát. Đa số Tăng tài hiện nay, xử dụng nơi thế gian thì chẳng xài được trong công thương kỹ nghệ, lại chẳng thể dạy người tu giải thoát, kinh điển chỉ là danh từ pháp số chứa đầy bụng, đem dạy cho học trò, rồi học trò cũng chứa đầy bụng để dạy lại cho học trò … rốt cuộc Tăng tài chỉ là để dạy học trò mà thôi, đâu có hiển bày được sự dụng hoạt bát vạn năng của chính mình?

372. HỎI: Tham thế nào để khỏi phỉ báng Phật pháp?

  • Ø ĐÁP: Thực hành đúng theo tông chỉ Tổ Sư Thiền, giữ chín chữ “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” là giữ được căn bản, ngoài ra không cho tâm đi tìm hiểu, chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình tham tới mãi.

373. HỎI: Đề Bà Đạt Đa có mật hạnh gì?

  • Ø ĐÁP: Bồ-tát độ chúng sanh có thuận độ và nghịch độ, nghịch độ là thị hiện tạo tội địa ngục, cảnh tỉnh chúng sanh chớ có làm ác. Ví như  Đề bà Đạt Đa, mặc dù ở trong địa ngục, cũng như ở cõi Tam thiền vậy.

374. HỎI: Tại sao ngài Lai Quả nói: “Một nén hương tiêu được đấu vàng”?

  • Ø ĐÁP: “Một nén hương” chỉ về sự tham thiền, xưa kia chưa có đồng hồ, ngồi thiền và kinh hành cứ đốt lên một nén hương, nén hương này ngồi thì nén hương khác đi. Hễ ngồi tu được một nén hương, thì nhân thành Phật đã gieo trồng. Người chơn tu dẫu cho ăn một đấu vàng cũng tiêu, nếu không tu hành, dù uống một giọt nước, ăn một hạt gạo của thí chủ cũng phải trả nợ.

375. HỎI: Đề câu thoại đầu khởi nghi tình không cầu không đắc, vậy có ảnh hưởng đến vong linh những người quá cố không?

  • Ø ĐÁP: Đã nói “Không cầu” thì làm sao mong cầu ảnh hưởng đến cha mẹ? Ấy là có cầu rồi! Nhân quả là người nào làm, người ấy chịu, ai ăn nấy no, người khác chẳng thể ăn giùm được.

Chớ nói cha mẹ đã qua đời, dù cha mẹ còn sống, mình có thể khuyên cha mẹ bỏ ác hướng thiện không? Có thể khuyên cha mẹ tu đến giải thoát không? Nhiều người còn phải chiều ý cha mẹ, chứ cha mẹ chẳng chịu sửa đổi theo. Còn sống đã như vậy, huống là đã chết?

Do đó, chẳng thể nói ảnh hưởng hay không, phải tin vào nhân quả, bổn phận người tham thiền phải đi đến kiến tánh, chứng quả rồi, đối với đại hiếu thì cha mẹ được ưu tiên. Nay khởi ý muốn dùng tham thiền để trực tiếp ảnh hưởng, ấy là vọng tưởng, là tâm trộm cắp. Tham thiền là đi đến kiến tánh, quét sạch tất cả vọng tưởng, hễ có ý đồ như thế là tự chướng ngại không được kiến tánh.

Dù cho thật sự ảnh hưởng đến cha mẹ để sửa đổi tâm, cũng không nên mống khởi niệm như thế, ấy là sai lầm, cũng như thấy người ta tụng Kinh cầu siêu, mình cũng tham thiền cầu siêu, vậy có khác gì? Phải tự mình kiến tánh triệt để thì cha mẹ mới mong ưu tiên được độ.

376. HỎI: Thế nào là mua bán Như Lai?

  • Ø ĐÁP: Không theo Kinh tu hành đã là nghịch với Kinh, tụng Kinh để được lợi dưỡng là tham cầu, là đem Kinh để mua bán, là mua bán Như Lai, chẳng có phước lại có tội, Phật nói là “Thật đáng thương xót”.

Những người như thế xưng là Tông Tịnh độ cũng chẳng đúng, tụng Kinh đâu phải Tịnh độ? Tịnh độ phải hành theo Tín, Nguyện, Hành, cho nên, chính ngài Ấn Quang pháp sư, Tổ thứ mười ba của Tông Tịnh độ, dạy người chuyên tu về Tín, Nguyện, Hành, không cho người tụng Kinh, xem Kinh thì chỉ hạn chế trong ba quyển: Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và Kinh Vô Lượng Thọ mà thôi. Nên người đời nay cho tụng Kinh là Tịnh độ, ấy là sai.

377. HỎI: Vậy thì chúng con phải làm gì khi  gia đình có người chết?

  • Ø ĐÁP: Do thói quen từ xưa nay, khi có người thân qua đời là phải làm đám hoặc tụng Kinh cầu siêu, ấy là sai lầm, nên tôi đã sửa đổi lại, thuyết pháp trước linh cữu. Đối với hành giả tham thiền thì lúc nào cũng phải tham, cha mẹ còn cũng tham, cha mẹ mất cũng phải tham, người đến dự lễ tang cũng phải tham.

Nếu thật muốn sửa đổi mà có thể làm chủ được, không nên mời thầy tụng đến nhà hay đến chùa làm đám tụng nữa, hễ lúc sống biết tu hành thì chết cứ đem đi thiêu hoặc chôn. Hễ muốn tổ chức lễ tang thì mời Thầy đến thuyết pháp trước linh cữu, nhờ người quá cố làm nhân  cho người sống được nghe pháp, nhưng phải thuyết đúng Chánh pháp. Đối với những người không biết Phật pháp thì chẳng cần nói gì, vì họ đã theo thói xưa, chẳng thể phá chấp được.

Đối với tu sĩ ở chùa, nhiều người nhờ đám tụng nuôi chúng, Kinh nói là “Mua bán Như Lai”, lại, Phật tử cúng dường Tam Bảo là vô điều kiện, mới được gọi là cúng dường, còn đem tiền của đến nhờ tụng Kinh, là mua bán Như Lai.

Nếu chơn thật tu hành, hễ có người đến thỉnh đi đám là từ chối không đi, và giải thích cho họ biết. Phật pháp là vậy, chứ không có lấy Kinh để trao đổi mua bán. Vì đã biết sai, phải sửa lại mê tín thành Chánh pháp, nếu không cắt dứt, cứ kéo dài mãi thì làm sao có thể tu giải thoát?

Ở Trung Quốc, có những vị gọi là “Ứng phó Tăng”, do không có tu hành, chỉ đi đám nhận sự lợi dưỡng, nên bị người đời khinh chê. Do đó có câu: “Chẳng thà chết đói ở giữa đường, chứ không làm Tăng ứng phó ở ngoài đời”.

378. HỎI: Nhiều người cho là nhờ có đám tụng làm nhân duyên, khiến mọi người biết đến chùa lạy Phật, đúng hay 
sai?

  • Ø ĐÁP: Muốn nhờ phải nhờ chánh nhân, hễ nhân không chánh, chỉ được tội, đâu được phước?

379. HỎI: Nếu không cho đọc Kinh sách, thì những bộ Kinh để làm gì?

  • Ø ĐÁP: Đức Phật là muốn chúng ta thực hành, như Giáo môn là Tín, Giải, Hành, Chứng, Thiền môn cũng vậy. Nhưng Thiền môn khi bắt đầu thực hành rồi là hành khởi giải tuyệt. Giáo môn gọi là Kinh giáo, Thiền môn gọi là giáo ngoại biệt truyền, hễ tu theo pháp môn nào, phải thực hành đúng theo tông chỉ pháp môn đó.

Tôi đâu có bảo bỏ Kinh? Tôi chỉ là không cho tìm hiểu, luôn cả thiền. Chính đang tham thiền mà không cho tìm hiểu thiền; đang tham câu thoại đầu mà không cho tìm hiểu câu thoại, chứ chẳng phải chỉ không cho đọc Kinh, tụng Kinh, tất cả đều không cho tìm hiểu. Tổ Sư Thiền là khi đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, trong đó đầy đủ giới, định, huệ, đầy đủ lục độ vạn hạnh, chẳng lấy chẳng bỏ, vì có lấy bỏ là tương đối.

Kinh nói: “Y Kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, lìa Kinh một chữ, đồng như ma thuyết”. Nay tôi thuyết pháp đều là y theo lời Phật dạy, chẳng lìa Kinh một chữ, còn Lời nói của cô còn chấp thật, là y Kinh giải nghĩa, làm oan cho Phật vậy.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch