420. HỎI: Hành giả tham thiền, nếu có người đến hỏi về pháp tu, phải trả lời ra sao?
- Ø ĐÁP: Cái nào biết mới trả lời, không biết chớ tự làm tài khôn, trả lời sai là bị đọa. “Cuồng vọng thuyết pháp” là một trong bốn tội địa ngục. Lục tổ nói:
“Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh”, nếu thuyết pháp không lọt vào năng sở, không lọt vào tứ cú là đúng, hễ lọt vào năng sở đối đãi tứ cú là sai. Muốn phân biệt tà chánh, thì chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh. Trong Yếu Chỉ Pháp Hoa, tôi cũng có phụ chú về phần làm thế nào đúng với ý Phật.
421. HỎI: Cúng cô hồn có phải là của Phật giáo không?
- Ø ĐÁP: Phật giáo chỉ nói thần thức chứ không nói là linh hồn, cúng cô hồn thuộc ngoại đạo, thần giáo. Cũng như đốt giấy vàng bạc, nhà lầu xe hơi … đâu phải là của Phật giáo, mà hiện nay người đời ngộ nhận cho đó là Phật giáo, kể cả có người tu sĩ cũng dạy người ta làm như thế, các chùa cũng thể hiện rõ sự mê tín đó, khiến người đời cho Phật giáo là đạo mê tín, không còn lời để biện bạch.
Chánh pháp là “Chuyển thức thành trí”, thức thì hay phân biệt, có năng sở tốt xấu, chuyển thành trí tức không phân biệt, không tốt xấu, diệu dụng vô lượng vô biên.
422. HỎI: Trong Triệu Luận về phần “Niết Bàn vô danh”, con hiểu được về Hữu dư Niết-bàn và vô dư Niết-bàn, còn thế nào là Tự tánh Niết-bàn và Vô trụ Niết-bàn?
- Ø ĐÁP: Ngài Hám Sơn giảng theo Giáo môn, Tự tánh Niết-bàn và Vô trụ Niết-bàn cũng là biệt danh của tự tánh. Bản thể tự tánh vô hình tướng, chẳng thể dùng lục căn tiếp xúc, chẳng thể dùng suy nghĩ đo lường, nhưng sự dụng thì vô lượng vô biên, nên tùy dụng lập tên. Tự tánh không sanh diệt, nên đặt tên Niết-bàn, tức tự tánh Niết-bàn. Vì sự dụng của Niết-bàn vô lượng vô biên, nên gọi là Vô trụ Niết-bàn.
Niết-bàn là tiếng Ấn Độ, dịch là viên tịch, Niết-bàn không phải là chết, người thời nay gọi sự chết của người tu sĩ là “Viên tịch” ấy là sai.
423. HỎI: Tại sao Đức Phật nói “Nếu người nữ theo pháp của ta thì Chánh pháp mau hoại”?
- Ø ĐÁP: Giáo môn chia ra ba thời kỳ: Thời Phật Thích Ca là Chánh pháp, nói Chánh pháp một trăm năm, rồi tượng pháp một ngàn năm, và mạt pháp mười ngàn năm, sau đó Phật pháp của Phật Thích Ca sẽ tiêu diệt nơi thế gian, không còn ai biết Phật pháp, kể cả sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Giáo môn chấp thật, nên có Chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Lại, muốn tu thành Phật, phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ Kiếp. Còn Thiền môn là phá chấp thật, ngài Bác Sơn nói: “Mạt pháp chuyển thành Chánh pháp, hạ căn chuyển thành thượng căn”, thành Phật chỉ trong sát-na, không cần trải qua ba đại A-tăng-kỳ Kiếp. Ấy là nói theo bản tâm của tự tánh. Tất cả đều là do người, do tâm người tạo; Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả do tâm tạo”, pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều không ở ngoài tâm.
Phật Thích Ca vì muốn độ chúng sanh, nên tùy theo căn cơ thuyết pháp, như ở Kinh Pháp Hoa, nói “Người nữ có năm thứ chướng, không được thành Phật”; lại, cũng trong Kinh Pháp Hoa, Long nữ tám tuổi thành Phật, thành Phật trước mắt cho mọi người biết. Do đó chấp thật là không được.
- Ngoài ra, còn một lý do khác mà Đức Phật không cho người nữ xuất gia, là vì tâm sinh lý của người nữ có chướng ngại, nên bắt buộc phải theo pháp Bát Kỉnh, nhưng pháp Bát Kỉnh truyền đến ngày nay, hầu như không có thực hành.
Đức Phật chế ra giới luật, người thường cho đó là trọng nam khinh nữ, vì nam có thể xuất gia bảy lần, nữ chỉ cho một lần; Giới luật Tỳ-kheo chỉ có hai trăm năm mươi giới, Tỳ-kheo ni phải ba trăm bốn mươi tám giới!
Sự thật không phải vậy, Phật là dùng tâm bình đẳng chế ra giới luật không bình đẳng. Tại sao? Vì muốn bù trừ điều khuyết về tâm sinh lý của người nữ để nam nữ được bình đẳng. Nếu không dùng tâm chấp thật thì tất cả đều bất nhị, cũng là vô sanh, cũng là vô trụ, cũng là vô thỉ.
Mặc dù Phật chế ra giới luật như thế, nói người nữ có năm thứ chướng như thế, hễ chấp thì thành chướng, chẳng chấp tức không chướng. Sở dĩ có chướng là do tự tâm chấp thật, nếu không thì chẳng chướng ngại. Ở trong Lịch sử Thiền tông, người nữ kiến tánh rất nhiều, như ở trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền, tôi dẫn chứng trường hợp ba bé gái được kiến tánh: Long nữ 8 tuổi, một bé gái họ Trịnh 13 tuổi và một bé gái họ Tô 15 tuổi.
Theo pháp Bát Kỉnh, chỉ có Tỳ-kheo ni đảnh lễ Tỳ-kheo, chứ không bao giờ Tỳ-kheo đảnh lễ Tỳ-kheo ni, nhưng khi Tỳ-kheo ni kiến tánh ra hoằng pháp, Tỳ-kheo đến tham học phải đảnh lễ Tỳ-kheo ni, vì đã kiến tánh là bằng nhau, không còn tâm chấp.
424. HỎI: Trong cuốn Trung Phong Pháp Ngữ có nói đến bốn điều dễ vào bốn điều khó là thế nào?
1/ Tin chính mình là Phật, chẳng cần cầu thầy khác, nếu muốn cúng dường Phật, chỉ cúng dường chính mình, là điều dễ thứ nhất.
2/ Vô vi là Phật, chẳng cần xem Kinh, lễ Phật, hành đạo, tọa thiền, đói ăn mệt ngủ, tùy duyên nhậm vận, là điều dễ thứ hai.
3/ Chẳng cần hủy bỏ hình thể, xa lìa quyến thuộc, núi rừng chợ búa, nơi nào cũng tự tại, là điều dễ thứ ba.
4/ Vô cầu là Phật, chẳng cần lập công bồi đức, siêng tu khổ hạnh, hai thứ trang nghiêm phước huệ đều không dính dáng, là điều dễ thứ tư.
* Bốn điều khó là: Tin được là điều khó thứ nhất, niệm được là điều khó thứ hai, ngộ được là điều khó thứ ba, tu được là điều khó thứ tư.
Tự tánh bất nhị, không có dễ hay khó, hễ chấp thật là khó, chẳng chấp thật là dễ, khó dễ là do tâm mình chấp thật hay không. Kỳ thật, bốn điều dễ là để phá chấp của bốn điều khó, và ngược lại, bốn điều khó là để phá chấp thật bốn điều dễ. nếu đối với tất cả đều vô sở trụ, chẳng chấp vào bất cứ chỗ nào, tức tự tánh bất nhị, cũng là vô thỉ vô sanh.
Nhiều người tưởng là chứng ngộ rồi sẽ có cái gì đặc biệt, kỳ thật là sẵn sàng, trước mắt đều không khác. Ví như người đã chứng ngộ hỏi người mới ngộ đó “Ngộ được cái gì?”, đáp: “Tóc vẫn đen, răng vẫn trắng”, đâu có gì đặc biệt?
425. HỎI: Có phải Đức Phật có hai người con là La Hầu La và Bồ-tát Thiện Tinh?
- Ø ĐÁP: Nếu nói theo thực tế là tất cả chúng sanh đều là con của Phật, chứ chẳng phải chỉ có một hay hai người. Lại, tất cả chúng sanh đều thay phiên nhau làm cha mẹ, thay phiên nhau làm con, chư Phật cũng vậy. Từ vô số kiếp trước, Phật Thích Ca cũng từng là con của mình, vì thay phiên nhau tùy nghiệp xoay chuyển.
Ví như có nhiều người hỏi: Theo Kinh Pháp Hoa, Phật thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp, còn theo Phật lịch thì Đức Phật mới thành Phật được 2530 năm, vậy cái nào đúng? Tôi nói: “Cả hai đều không đúng, mà cả hai đều đúng”. Lời Phật dạy “Tất cả pháp đều vô thỉ”, làm sao có trước có sau? Vô thỉ tức vô sanh, đã vô sanh thì làm gì có vô lượng kiếp trước sanh ra Phật Thích Ca, hoặc sanh từ mấy ngàn năm trước? Nếu chưa ngộ thì tất cả hiện tượng trước mắt đều mâu thuẫn, vì từ ý thức phân biệt sanh ra là bệnh, là sai.
Vì vậy, về ngày sanh của Phật Thích Ca, trong Kinh Tứ A Hàm nói đến rất nhiều, không có thống nhất. Sở dĩ nói là Phật lịch 2530 năm, là do kỳ họp của Phật giáo Thế giới tại thủ đô của Campuchia, mọi người đi đến thống nhất là ngày sanh của Phật cách đây 2530 năm. Còn nói đến Tam thân Phật tức Pháp thân, hóa thân, báo thân, thì trong lúc Phật Thích Ca thị hiện thành Phật ở Cõi Ta Bà, đồng thời cũng thuyết pháp giáo hóa ở vô số cõi, tức thiên bá ức hóa thân.
Đây là sự dụng của tự tánh vô lượng vô biên, chính ngài Lục Tổ nói trong Kinh Pháp Bảo Đàn: “Mọi chúng sanh đều đầy đủ tam thân Phật”. Nay tham thiền là phải tin tự tâm cũng sẵn đủ tam thân Phật. Cho nên người chứng quả ngộ pháp vô sanh, tất cả pháp đều không có bắt đầu, không có sanh khởi. Kinh Pháp Hoa nói: “Thường tự tịch diệt tướng” là vậy. Nếu chưa đi đến, chưa chứng ngộ, cứ ở trong chiêm bao so sánh suy lường đủ thứ, làm sao giải quyết? Có giải quyết cũng như không, vì là việc không có thật, chỉ uổng công thôi. Nên phải chấm dứt mọi tìm hiểu biết và ghi nhớ biết.
426. HỎI: Nhân duyên gì Tổ sư lập ra tam quan?
- Ø ĐÁP: Vì căn cơ trình độ của người có cao thấp, có người không cần tam quan, hễ ngộ triệt để thấu tam quan, có người thấu một quan rồi thấu luôn hai quan sau …, mỗi người mỗi khác, như ngài Lâm Tế là một hơi thấu tam quan, Phật Thích Ca cũng vậy.
427. HỎI: Vậy người thấu được một quan hoặc hai quan rồi, còn kẹt nơi sanh tử luân hồi không?
- Ø ĐÁP: Nếu thấu được Sơ quan là ra khỏi phần đoạn sanh tử, nhưng còn biến dịch sanh tử, vì chưa đến cứu cánh, cần phải tiến lên nữa.
428. HỎI: Người phá Sơ quan rồi còn tạo nghiệp không?
- Ø ĐÁP: Nghiệp có nghiệp đen và nghiệp trắng. Phá Sơ quan là ra khỏi sanh tử luân hồi, không tạo nghiệp đen nữa, chỉ tạo nghiệp trắng, và tiếp tục tiến tu đến kiến tánh thành Phật, khi kiến tánh rồi là nghiệp trắng nghiệp đen đều không.
429. HỎI: Chúng sanh tạo nghiệp gì đọa vào Cõi A-tu-la?
- Ø ĐÁP: Hay sân hận, nên phải đọa vào cõi A-tu-la. Phước báo A-tu-la bằng với Cõi Trời, nhưng do tánh sân hận nên không thể tu giải thoát như người, vì A tu la không tin Phật pháp, lại phỉ báng Phật pháp, nên tạo tội thêm.
430. HỎI: Thế nào là vật bất thiên?
- Ø ĐÁP: Vật bất thiên là nghĩa bất nhị, vô thỉ vô sanh, là biệt danh của tự tánh. Bất thiên nghĩa là không biến đổi, cũng là “Các pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng” của Kinh Pháp Hoa.
431. HỎI: Tham thiền khởi nghi tình rồi không bao lâu sẽ phát huệ, phải không?
- Ø ĐÁP: Tôi không nói như vậy, phát huệ là tùy theo người, chẳng phải người nào cũng vậy. Cần sự kiến tánh chứ không cần phát huệ, vì huệ đó là của mình sẵn đủ, không kém hơn Phật, khỏi cần phát. Theo thực tế là không phát còn tốt hơn, nhiều người chấp vào huệ đó, bị huệ chướng ngại. Người không phát huệ, thẳng đến kiến tánh thì huệ đó dùng ra là Bát-nhã, không cần tác ý, sự dụng khắp không gian thời gian, không bị hạn chế.
432. HỎI: Người ở phương xa, không có thầy bên cạnh, có thể hành theo pháp Tổ Sư Thiền không?
- Ø ĐÁP: Lão tham có thể hướng dẫn sơ tham, chứ không nhất định phải có thầy. Nếu không ai hướng dẫn, phải tin tự tâm 100%, tức tin tự mình sẵn đủ diệu dụng thần thông trí huệ bằng Phật, mới có thể hành theo chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Hễ thực hành đúng chín chữ trên thì không dễ lọt vào tà ma ngoại đạo, không đi lầm đường.
- Nghi tình là không hiểu không biết, dùng tâm không biết chấm dứt tất cả tìm hiểu biết, ghi nhớ biết, tùy duyên biết, nên Lai Quả Thiền sư nói: “Lúc nghi tình khởi lên rồi, ngồi không biết mình ngồi, đi không biết mình đi, ngày đêm 24 giờ liên tiếp mãi không gián đoạn, đến khi nghi tình bùng nổ thì tất cả đều biết”. Cái biết đó là bản thể của tâm, bản thể của tự tánh, lúc ấy, dụng cũng là nó, thể cũng là nó, dùng tâm năng biết hiện nay chẳng thể biết tới, nên gọi Chánh Biến Tri.
433. HỎI: Muốn sám hối tụng Kinh để tiêu nghiệp rồi mới tham thiền được không?
- Ø ĐÁP: Nghiệp là do tâm tạo, tâm đã tạo nhân thì quả sẽ đến, như tạo ác nhân được khổ báo, tạo thiện nhân được phước báo. Nay muốn sám hối phải dùng tâm, bài kệ sám hối rằng:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm nếu diệt rồi tội cũng tiêu.
Tâm diệt tội tiêu thảy đều không,
Ấy mới gọi là chơn sám hối.
Đó cũng là vô tướng sám hối của ngài Lục Tổ. Tham thiền đến cuối cùng quên luôn cả tâm, luôn cả tham thiền còn không biết, làm sao biết đến các khổ? Hễ tâm diệt tội dựa vào đâu? Đó mới gọi là chơn sám hối. Còn tụng Kinh, sám hối theo tướng chưa phải là chơn sám hối.
434. HỎI: Tại sao Kinh Pháp Hoa nói “Phỉ báng Như lai tội còn nhẹ, phỉ báng Kinh Pháp Hoa tội nặng hơn”?
- Ø ĐÁP: Kinh Pháp Hoa là pháp đưa đến sự giải thoát, đáng lẽ Phật với pháp chẳng phải là hai, vì muốn dùng phương tiện để mọi người kính trọng pháp, nên nói như thế. Dù nói Phật, Pháp, Tăng là ba, sự thật là bất nhị, tự tánh mình sẵn có. Nay Phật tử quy y Thường trụ Tam Bảo, nhờ sự giáo hóa của thường trụ Tam Bảo ngộ nhập Tự tánh Tam Bảo, ngộ nhập rồi là bất nhị.
435. HỎI: Công phu trong lúc sống thũng thẳng qua, sau khi chết như thế nào?
- Ø ĐÁP: Đức Phật nói: “Bồ-tát cách ấm si mê”, ấm là ngũ ấm, thân này do nghiệp kiếp trước mà thành, nay không nhờ thân này để tu, sau khi chết lại thọ thân ngũ ấm khác. Bồ-tát đã chứng quả phần nào, chết rồi đổi ngũ ấm khác sẽ quên, nhưng không quên hẳn, nhân đã gieo ắt còn, nhưng vì cách ấm rồi như si, đợi khi nhân duyên chín mùi, gặp thiện tri thức nhắc lại liền nhớ, tiếp tục tu đến kiến tánh.
Thân chúng sanh cũng vậy, hễ đủ lòng tin thì trong kiếp này tu đến giải thoát, khỏi cần đợi qua kiếp sau, làm khổ sanh tử kéo dài thêm.
436. HỎI: Ngày đưa cô Diệu Thuật đi hỏa táng, Sư phụ có nói bốn câu kệ:
“Diệu Thuật Ưu bà di,
Tham thiền cần phải nghi,
Phải nhờ câu thoại đầu,
Đi đến chánh Biến Tri”.
Bốn câu kệ này có ngụ ý gì? Xin Sư phụ Từ bi giải thuyết.
- Ø ĐÁP: Hôm nay là ngày 49 sau cái chết của Ưu Bà Di Diệu Thuật. Tôi đã thường nói “Tham thiền cần phải nghi”, phải chú trọng nghi tình, dùng sự không hiểu không biết chấm dứt tất cả biết. Hễ biết Phật là bị Phật chướng ngại, biết Tổ là bị Tổ chướng ngại, biết Bồ-tát bị Bồ-tát chướng ngại, cho đến biết Từ bi bị Từ bi chướng ngại … chẳng phải là không cho làm việc Từ bi, nhưng không có biết là mình đang Từ bi, chẳng có ta là năng, người thọ nhận là sở. Cho nên, ngài Lâm Tế nói: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp A La hán giết A-la-hán”, giết cái gì? Giết cái biết, cái bệnh của mình.
437. HỎI: Thế nào là mắt huệ sáng, lý tánh thông, chí kiên cố?
- Ø ĐÁP: Mắt huệ sáng phân biệt được tà chánh, lý tánh thông tất cả là bất nhị, chí kiên cố thì quyết tử tu hành cho đến kiến tánh. Nếu đủ ba điều kiện này thì thế nào cũng sẽ được giác ngộ giải thoát, kiến tánh thành Phật. Nay chúng ta mắt huệ chưa sáng, không phân biệt được cái nào tà, cái nào chánh, nên có người theo ngoại đạo tà ma cũng cho là chánh. Bây giờ tôi phân biệt giùm cho: Hễ chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh. Nói phá chấp thật ở đây chẳng phải là không chấp vào có lại chấp vào không, chấp chơn chấp giả cũng vậy.
438. HỎI: Thế nào là Kinh liễu nghĩa và Kinh bất liễu nghĩa?
- Ø ĐÁP: Kinh bất liễu nghĩa còn chấp thật, nằm trong tương đối, Kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, ra ngoài tương đối, tức vô sở trụ, lấy vô trụ làm gốc.
439. HỎI: Tiểu nghi tiểu ngộ còn phải tham tiếp không?
- Ø ĐÁP: Ông cho thế nào là tiểu nghi, thế nào là đại nghi? Lời của chư Phật chư Tổ chỉ là phương tiện để phá chấp, chứ chẳng phải có nghĩa thật. Tôi thường nói là “Dùng tâm không biết để chấm dứt tất cả biết”, nay biết tiểu nghi cũng là biết, biết đại nghi cũng là biết, phải chấm dứt luôn, cuối cùng chỉ còn cái tâm không biết, nhìn bề ngoài như người khờ ngốc, nhưng lúc đó gần kiến tánh, vậy đâu cần phân biệt tiểu nghi đại nghi làm gì?