100. HỎI: Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có câu: “Tâm bình hà lao trì giới, hạnh trực hà dụng tham Thiền” như thế nào?
- Ø ĐÁP: Hai câu này nhiều người cũng lấy làm cớ để khỏi cần tu, ấy là sai. TÂM BÌNH, HẠNH TRỰC đâu phải người nào cũng làm được! Như ngài Hư Vân hỏi: “Tâm ông đã bình chưa? Gặp cô gái đẹp tâm ông có bị động không? Nếu Tâm ông còn động, chưa được bình thì không được nói câu này!”
Tâm bình khỏi cần trì giới: câu này là nói sau khi kiến tánh, tập khí đã dứt sạch rồi mới được. Chứ chẳng phải là “Tâm bình thường là đạo” mà người ta cho rằng cái tâm thế gian bình thường, chẳng làm ác là đạo, ấy là hiểu sai. “Bình thường tâm” là cái dụng automatic của Tự tánh Bát-nhã, không được lọt vào tương đối, hễ có dính mắc chút xíu cũng chẳng phải là bình thường tâm. Chúng ta đâu dễ đạt đến cảnh giới đó!
Theo hai câu này, chẳng những đã kiến tánh mà đã qua sự bảo nhiệm, là tập khí đã hết nên tâm mới được bình thường. Còn tâm bình thường chẳng làm ác ấy là tâm bình thường của thế gian, cũng như trí huệ của thế gian, nhà Phật cho là ngu si, còn tâm bình thường của thế gian đối với nhà Phật thì có thể là thô bạo.
- Đối với hai chữ HẠNH TRỰC, tâm được bình thì hạnh trực, bây giờ có gặp được một người nào là hạnh trực không? Chưa có. Chính tôi cũng hạnh chưa trực.
101. HỎI: Thế nào là tông chỉ của Tịnh độ?
- Ø ĐÁP: Tông chỉ của Tịnh độ là: TÍN, NGUYỆN, HÀNH
* TÍN: Có ba thứ tin:
1. Tin lời Phật Thích Ca chẳng dối gạt người.
2.Tin cõi Cực Lạc không già không bệnh, không chết, muốn gì được nấy.
3. Tin mình kiếp này sẽ được vãng sanh, chẳng cần đợi kiếp sau.
* NGUYỆN: Có hai thứ nguyện:
1. Tiểu nguyện: Hễ phát tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, chẳng được vãng sanh. Tại sao? Vì tiểu nguyện chỉ phát nguyện cho một mình được vãng sanh, nếu không trở lại đầu thai thì làm sao có quả báo? Bây giờ chẳng nói về kiếp trước, chỉ nói kiếp này: Từ nhỏ tới lớn có sát sanh không? Có giết chết con muỗi con kiến không? Có ăn thịt chúng sanh không? Theo nhân quả là một mạng phải đền một mạng, ăn một cục thịt trả một cục thịt, thế thì làm sao trả nợ mạng, nợ thịt? Nên phải phát đại nguyện.
2. Đại nguyện: Ví như mình hiện nay không có tiền mặt để trả nợ, ký phiếu hẹn đến kỳ sau. Sau này được sanh cõi Cực Lạc rồi, thành Phật trở về độ hết tất cả chúng sanh. Ngoài Phát nguyện như thế, còn phải thực hành.
* HÀNH: Cần nhất là phải hành theo đại nguyện của mình, nếu không thực hành là nguyện giả, cũng như người tu Tịnh Độ mà không ăn chay là nguyện giả. Tại sao? Vì đã phát nguyện độ chúng sanh, còn ăn thịt chúng sanh, chẳng phải nguyện giả ư? Như câu hồi hướng trong Kinh Di Đà:
“Thập phương tam thế Phật,
A Di Đà đệ nhất,
Phàm hữu chư phước thiện,
Chí tâm cùng hồi hướng”,
tức làm bất cứ việc phước thiện gì đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, trong đó có chủ nợ của mình. Bất cứ con người hay súc sinh; gặp con chó cũng phải phát tâm độ, mặc dù con chó không biết nghe mình nhưng cũng nói, gặp con mèo thì độ con mèo… thử hỏi hiện nay có ai làm như vậy không? Có người phát tâm tu Tịnh Độ đã hơn ba mươi năm, cũng có phát đại nguyện, nhưng hỏi về phần thực hành thì không có.
102. HỎI: Ban ngày nghe giảng pháp, tối nằm chiêm bao cũng nghe giảng pháp, vậy là đồng thời ý thức biến hiện hay độc đầu ý thức biến hiện?
- Ø ĐÁP: Tối ngủ nghe giảng là cái bóng, trong Phật học gọi là “Độc ảnh cảnh” và “Đới chất cảnh”. Ví như chúng ta ngồi cạnh người ngủ đang chiêm bao mà không nghe được tiếng nói của người trong chiêm bao, vì ấy chỉ là cái bóng của tiếng chứ chẳng phải thật sự có tiếng, nên gọi là độc ảnh cảnh. Như nay tôi nói, mọi người đều nghe được, ấy là có cái chất của tiếng, nên gọi đới-chất-cảnh. Kỳ thật, đới chất cảnh hay độc ảnh cảnh đều là duy tâm tạo, ban ngày hay ban đêm tham thiền, lúc thức lúc ngủ tham Thiền đều là một. Lại, nếu ở trong chiêm bao tham Thiền được ấy là tiến bộ. Nhắm mắt cũng là chiêm bao, mở mắt cũng là chiêm bao, ở trong Tự tánh vốn chẳng có hai, do phương tiện diễn đạt mới nói thành có hai.
103. HỎI: Tại sao Mặc chiếu lại là tà thiền?
- Ø ĐÁP: Vì Mặc chiếu là trụ tâm ở một nơi. Kinh Kim Cang nói: “Vô sở trụ”, Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Lấy vô trụ làm gốc”, Thiền tông đâu cho trụ tâm ở một nơi? Ấy là nghịch với ý của Tổ, hễ trụ tâm ở một nơi thì chẳng phải tà thiền là cái gì? Tại sao Phật với Tổ dạy chúng ta vô sở trụ? Ví như bàn tay của mình vốn hoạt bát vạn năng, làm gì cũng được, hễ có trụ ở nơi nào thì tánh hoạt bát của tay bị đánh mất, nên Phật và Tổ dạy mình phải quét, khôi phục lại tánh hoạt bát của tay. Vật chất là sự có, nay không chấp có mà lại trụ ở nơi không (nắm tay), cũng đánh mất sự hoạt bát vạn năng, nên cái KHÔNG cũng phải quét. Do đó phải lấy vô trụ làm gốc vậy.
104. HỎI: Chỗ ngộ của Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền cao thấp ra sao?
- Ø ĐÁP: Chỗ ngộ của Như lai Thiền có giai cấp, tất cả Giáo môn đều thuộc Như Lai Thiền, phải qua giai cấp. Giáo môn ở Trung Quốc có bốn Tông: Thiên Thai, Hiền Thủ, Duy Thức, Tam Luận. Thiền quán của Tông Thiên Thai là Chỉ Quán Thiền, Tông Hiền Thủ là Pháp Giới Quán Thiền, Tông Duy Thức là Tứ Tầm Tư Quán Thiền, Tông Tam Luận là Tách Không Quán Thiền. Thiền quán tưởng thì có giai cấp, như trong Kinh Lăng Nghiêm kể là có năm mươi bảy cấp là: Thập tín, Thập trụ, thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, Càn huệ địa và Tứ gia hạnh. Còn Tổ Sư Thiền thì chẳng có giai cấp; từ địa vị phàm phu trực chứng quả Phật, không cần trải qua giai cấp.
105. HỎI: Ý nghĩa của Quy y Tam Bảo như thế nào?
- Ø ĐÁP: Khi quy y Tam Bảo, Phật bảo chúng ta phải phát Tứ hoằng thệ nguyện:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Thông thường, người thế gian chẳng biết, cứ theo thói quen gọi “Phật”, tưởng là một vị thần linh, nói Phật sẽ gia hộ cho mình, bảo vệ mình, ấy là sai lầm. Phải biết tất cả chúng sanh đều có tư cách thành Phật, chữ PHẬT là giác ngộ, người nào giác ngộ thì người ấy có tư cách thành Phật. Phật là tánh của mình, là tâm của mình, nên nói “Ngoài tâm chẳng có Phật, ngoài tâm chẳng có pháp”. Thời nay nhiều người quy y Tam Bảo mấy mươi năm, còn chưa biết Tam Bảo là gì, chỉ biết rằng nhờ Phật sẽ phù hộ cho mình, mà chẳng biết Phật chỉ dạy mình cách tu, chính mình phải tự mình đạt đến, tự mình phù hộ cho mình. Nếu như Phật đại từ đại bi phù hộ cho chúng ta thì chúng ta khỏi cần tu hành rồi, Phật còn dạy chi cách tu hành!
Xưa kia có người hỏi Phật:
- “Ngài có phải Thượng đế chăng?”
ĐÁP: “Không phải”.
- “Ngài có phải một vị thần chăng?”
- “Không phải”.
- Ngài có phải là một đấng có oai quyền chăng?”
- “Không phải.”
- “Thế Ngài là ai?”
- “Ta là người giác ngộ (Phật Đà)”.
Phật là tiếng Ấn Độ, dịch là “Người giác ngộ”.
Tại sao phải giác ngộ? Nếu không giác ngộ thì chẳng thể giải thoát. Tại sao? Nói “Giải thoát” là phải đạt đến tự do tự tại, muốn tự tại thì phải làm chủ cho mình, muốn làm chủ cho mình phải biết mình là cái gì? Nay tất cả chúng sanh đều chẳng biết mình là cái gì, ở trong mịt mù đen tối, do mắt thấy tai nghe nên chỉ biết ở ngoài, còn mình là cái gì thì chẳng biết; chẳng biết sanh từ đâu đến, chết đi về đâu? Hễ không được tự do thì không muốn già vẫn phải già, không muốn chết vẫn phải chết, không muốn bệnh vẫn phải bệnh, sanh tử không được tự do. Nếu ngộ được chính mình tức là Phật, tự do tự tại, vĩnh viễn dứt hết tất cả khổ. Nếu còn một chút khổ chưa dứt cũng chẳng tự tại vậy.
Cho nên, Phật pháp rất tích cực, hễ giác ngộ đến cùng tột là vĩnh viễn đạt đến tự do tự tại, khổ chẳng bao giờ trở lại, chẳng phải kiếp này chẳng phải kiếp sau, chẳng phải mười kiếp, trăm kiếp, cho dù muôn triệu ngàn kiếp cũng không màng. Tại sao? Nói tự do tự tại là không bị thời gian, không gian, số lượng hạn chế, nếu muôn triệu ngàn kiếp sau khổ còn trở lại tức chẳng tự do tự tại.
106. HỎI: Có phải sau khi ngài Vĩnh Gia Huyền Giác ngộ đạo rồi, phải nhờ ngài Lục Tổ ấn chứng mới ra hoằng pháp?
- Ø ĐÁP: Đúng. Thời nay có nhiều người tự làm tài khôn, tưởng mình đã chứng ngộ triệt để, hoặc cho sự giải ngộ là chứng ngộ, thấy cảnh giới này cảnh giới kia cũng cho là ngộ, thấy thanh thanh tịnh tịnh cũng cho là ngộ, nên phải nhờ thiện tri thức ấn chứng. Nhưng trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Hễ nói nhất định phải nhờ thiện tri thức ấn chứng cũng không đúng, là những người tăng thượng mạn mới cần thiện tri thức ấn chứng, còn những người không phải là tăng thượng mạn, nếu thực hành đúng pháp vô sở đắc thì không cần ai ấn chứng cũng được”.
Như tôi thường thí dụ: Từ Chợ Lớn đến Sai Gòn là một trăm bước, chúng ta tham Thiền khởi nghi tình là đi, nếu đi được một bước còn chín mươi chín, đi được hai bước còn chín mươi tám, ba bước còn chín mươi bảy… có đi thì phải đến. Nên Lai Quả Thiền Sư trong Thiền Thất Khai Thị Lục nói: “Nếu công phu thành khối rồi không cần ngộ cũng được. “Vì khi công phu thành khối, chẳng giây phút gián đoạn thì chẳng có tướng, vô tướng thì Diêm La Vương chẳng thấy, không thể sai quỷ sứ đến bắt. Nhưng đã đến Sài gòn rồi, nói mình chưa đến cũng không được, và cũng không cần khoe với người khác rằng “Tôi đã đến Sài gòn rồi …”, ấy là những người tăng thượng mạn vậy.
107. HỎI: Tại sao nói “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”?
- Ø ĐÁP: Bất cứ pháp thế gian hay xuất thế gian đều có nhân quả, nhưng nhân quả là do tâm tạo; tâm khởi một niệm thiện thì có thiện quả, tâm khởi một niệm ác chiêu cảm ác quả, khởi niệm chẳng thiện chẳng ác thì tạo cái nhân vô ký, có nhân ắt có quả.
Người đời thường nói “Bồ-tát sợ nhân, phàm phu sợ quả”, Vì Bồ-tát không tạo nhân nên chẳng có quả, phàm phu tạo nhân rồi lại sợ quả nhưng cũng không tránh khỏi. Bồ-tát chẳng những không tạo ác nhân, thiện nhân cũng chẳng tạo. Chẳng phải là không làm thiện, nhưng làm thiện mà chẳng khởi tâm cho đó là thiện. Bởi tâm không tạo nên chẳng có thiện nhân; hễ có thiện nhân thì được thọ hưởng phước báo, nhưng Bồ-tát thì không màng. Nên Lục Tổ nói: “Chẳng nghỉ thiện chẳng nghỉ ác” là vậy.
Thế thì chúng ta muốn làm như thế có được không? Không được. Vậy phải làm sao? Nên Phật dạy chúng ta tám mươi bốn ngàn pháp môn để tu, tu theo pháp môn thì lúc đầu làm không được, nhưng làm mãi cũng sẽ được. Tám mươi bốn ngàn pháp môn quy nạp lại thành bốn đại loại: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì chú, Quán tưởng. Tham Thiền là chỉ Tổ Sư Thiền, Niệm Phật là theo pháp môn Tịnh Độ, Trì chú là Mật tông, Quán tưởng thuộc Giáo môn, như Tông Thiên thai, Hiền thủ v.v… mỗi tông đều có pháp quán tưởng riêng biệt, hễ thích hợp với tông phái nào thì tu đúng theo tông chỉ tông phái đó.
Tôi là chuyên hoằng Tổ Sư Thiền, chỉ biết dạy người tham Tổ Sư Thiền. Nếu biết ôm chặt câu thoại đầu mà tham, chẳng nghỉ đến việc khác, chỉ có nghi tình thì không tạo nhân, vì nghi tình chẳng biết gì cả, chẳng những niệm ác không khởi lên được, kể cả niệm thiện cũng chẳng khởi, đã không tạo nhân thì quả từ đâu đến? Cách tu hành trên chẳng phải do tôi đặt ra mà là do Tổ sư Thiền tông đặt ra, cũng có người hỏi tôi về vấn đề truyền thừa, xưa kia là Tổ Tổ tương truyền, tức trò đã kiến tánh thì thầy chứng minh cho, gọi là truyền tâm ấn. Sau này sự kiến tánh bị gián đoạn, nói chữ “Truyền” chỉ là truyền cách tham Thoại đầu, công án đúng theo Tổ sư dạy. Hễ người nào siêng năng thì được kiến tánh, người nào lôi thôi, làm biếng thì chẳng được kiến tánh; như đi mau thì mau đến, đi chậm thì chậm đến. Nếu đề khởi nghi tình ngày đêm không dứt thì nhân chẳng thể khởi lên, tất nhiên cũng chẳng có quả, chứ khỏi cần khởi niệm muốn quét nhân quả, tự nhiên nhân quả chẳng có. Do đó, có ba cách trì giới:
Cách thứ nhất: Bình thường cứ mỗi nửa tháng Bố tát tụng giới một lần.
Cách thứ nhì: Thiền Giới, tức nghi tình hai mươi bốn giờ không gián đoạn, không kẽ hở, niệm thiện niệm ác chẳng thể khởi lên, mặc dù không để ý trì giới cũng đã trì giới rồi, nên gọi là Thiền giới.
Cách thứ ba: Cao hơn, đã chứng quả rồi dĩ nhiên không trì không phạm.
Nay muốn không lọt vào nhân quả, hãy thực hành theo cách dạy của Tổ Sư.
108. HỎI: Nếu chẳng có một nhân lành nào thì làm sao Phật thọ ký?
- Ø ĐÁP: Ý ông muốn nói là thọ ký rồi mới tu hành, phải không? Nếu chúng sanh đòi hỏi phải thọ ký rồi mới tu hành thì làm sao còn ai tu hành? Vả lại, nói: “Thọ ký” chỉ là phương tiện của Phật, như ở trong Kinh Pháp Hoa, Đề Bà Đạt Đa là người luôn có ý đồ giết hại Phật mà Phật vẫn thọ ký! Thông thường thì con người sau khi chết mới xuống địa ngục, còn Đề Bà Đạt Đa là đang còn sống mà đọa địa ngục, ấy là tội nặng biết bao! Nhưng Đức Phật vẫn thọ ký sau này sẽ thành Phật.
Thử hỏi ông có tạo tội gì nặng hơn Đề Bà Đạt Đa không? Đề Bà Đạt Đa còn được thọ ký thì sao ông lại không được chứ? Tất nhiên là được rồi! Nhưng thời nay thì không còn Phật Thích Ca để thọ ký, vậy chẳng biết tìm Phật nào thọ ký đây!
109. HỎI: Ý của con là Sự thọ ký do hành trì các pháp Ba-la-mật của chư Phật từ vô lượng kiếp đến nay, công hành đầy đủ thành tựu mới được thọ ký?
- Ø ĐÁP: Sáu pháp Ba-la-mật là hạnh Bồ-tát, bậc Thanh-văn không hành theo pháp đó mà Phật vẫn thọ ký, như trong Kinh Pháp Hoa nói: “Những bậc Thanh-văn đều được thọ ký”, chứ chẳng phải hành theo sáu Ba-la-mật mới được thọ ký như ông vừa nói. Sự hiểu biết của ông còn cạn cợt, nhưng lại chấp vào sự hiểu biết đó.
110. HỎI: Ấy là bởi căn lành của mỗi người mỗi khác, nếu không thì làm sao tất cả căn lành đều đi đến chỗ Phật đã dạy? Nếu chẳng phải do căn lành vô lượng vô biên thì làm sao chỉ nhờ một công án mà thành Phật được?
- Ø ĐÁP: Nay chỉ nói về kiếp trước: Kiếp trước ông có căn lành gì nay ông có biết không? Tự mình còn chưa biết! Đừng nói kiếp trước, hãy nói đến kiếp này: Khi ông lên năm tuổi, ông có nhớ những gì từ một đến bốn tuổi không? Hãy nghe tôi kể qua một câu chuyện:
Vào thời Phật, có một ông tên Tô Đạt rất nghèo, đi xin ăn cũng có bữa được bữa không, nghe nói Đức Phật đến thành phố thuyết pháp, tự nghĩ: “Chắc là kiếp trước không có tu hành nên kiếp này mới phải chịu khổ như thế”, bèn đến nơi Phật cầu xin xuất gia. Khi đến Tịnh xá thì Phật đã đi khỏi, hàng đệ tử của Phật là bậc A-la-hán, thần thông của A-la-hán có thể biết được tám muôn kiếp trước và tám muôn kiếp sau, thấy ông Tô Đạt này từ tám muôn kiếp đến nay chưa hề gieo trồng thiện căn, Phật chẳng thể độ người không duyên, nên đuổi ông ấy ra về.
Dọc đường, Tô Đạt cảm thấy rất buồn, tự nghĩ:
“Hẳn là mình trong quá khứ kiếp không gieo trồng thiện căn, nên xin xuất gia cũng không được”, đi đến bức tường bèn nảy ý đâm đầu vào tường tự tử. Trong lúc sắp đập đầu vào tường, gặp Phật Thích Ca đi qua cản lại, hỏi rõ nguyên do rồi dẫn về tịnh xá cho xuống tóc xuất gia, tu chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán. Những đệ tử của Phật như ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên rất thắc mắc “Sao ông ấy tám muôn kiếp chưa hễ gieo trồng thiện căn vẫn được chứng quả? Thế thì Phật thường dạy rằng “Không thể độ người chẳng có nhân duyên” ấy là vọng ngữ ư?”
Một hôm hỏi Phật, Phật bảo: “Các ngươi chỉ biết được nhân duyên của tám muôn kiếp mà chẳng biết được những gì ngoài tám muôn kiếp. Người này đã gieo trồng thiện căn từ vô lượng kiếp trước; khi ấy gia đình cũng rất nghèo, làm nghề đốn củi. Một hôm lên núi đốn củi gặp cọp, hoảng sợ trèo lên cây, con cọp bèn dùng răng cạp cắn gốc cây, trong lúc kinh sợ, sực nhớ rằng người ta thường bảo hễ gặp nguy thì niệm câu: “Nam Mô Phật”, có thể tránh được tai nạn. Y bèn niệm theo, được một hồi lâu, ngó xuống đất con cọp biến mất lúc nào chẳng hay, mừng rỡ trèo xuống về nhà. Mặc dù trong lúc đó chỉ niệm Phật được một vài tiếng, thiện căn ít ỏi, nhưng trải qua nhiều kiếp, nay nhân duyên chín mùi rồi mới có thể gặp Phật xuất gia chứng quả.
Bậc A-la-hán đã chứng quả, đã xuất luân hồi còn chưa thể biết hết được, ông làm sao mà biết được ư? Vã lại, thời gian niệm Phật của ông chắc là nhiều hơn ông Tô Đạt rồi, thiện căn chắc sẽ sâu hơn, tại sao còn chẳng chịu tin mà đi hỏi người khác?
111. HỎI: Thế nào là ngũ căn, ngũ thức và bát thức?
- Ø ĐÁP: Ở trong Duy thức gồm có bát thức: Năm căn trước gọi là tiền ngũ thức, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là Mat na thức, thức thứ tám là A-lại-da thức, cũng gọi là Tạng thức. Nhưng tám cái thức chẳng phải có tám người, chỉ là tác dụng có tám. Lục thức trước người ta hiểu nhiều hơn, còn thức thứ bảy và tám thì ít người biết: Thức thứ bảy là cái thức ngày đêm chấp ngã, ngoài ra còn có tác dụng truyền tống, tức thức thứ sáu lãnh đạo năm thức trước làm mọi việc, tạo đủ thứ nghiệp nhân, rồi thức thứ bảy truyền vào tạng thức (thức thứ tám), khi chủng tử trong thức thứ tám đủ nhân duyên vận hành rồi, cũng sẽ do thức thứ bảy truyền cho thức thứ sáu để lãnh đạo năm thức kia thi hành.
Khi con người ngủ nghỉ rồi, năm thức trước ngưng hoạt động, còn thức thứ sáu từ vô thỉ đến nay ngày đêm hoạt động chẳng ngừng. Bởi năm thức trước là dưới sự lãnh đạo của thức thứ sáu, tạo thiện tạo ác đều do thức thứ sáu, nên Lai Quả Thiền sư nói: “Khi cây đèn dẹp bỏ rồi thì chẳng ai lãnh đạo hoạt động, không ngưng cũng tự ngưng”.
Trước kia tôi đã giảng về Tâm Kinh: “Vô lão tử diệc vô lão tử tận”, không có già không có chết; có già có chết tức có sanh tử, có luân hồi. Nếu thật có sanh tử luân hồi thì sanh tử luân hồi hết là tận, tức lão tử tận, trong Kinh nói chẳng thật có sanh tử luân hồi thì làm sao có sanh tử luân hồi để hết? Thế thì tại sao nay chúng ta thấy có sanh tử luân hồi, thấy có già có chết? Như nay tôi cũng già rồi, sau này cũng phải chết vậy! Tại sao nói không có sanh tử? - Sở dĩ thấy có sanh tử là do cảm giác sai lầm, do bệnh chấp thật của mình mới sanh ra. Cảm giác sai lầm này do thức thứ sáu ngày đêm hoạt động, tự nhiên phải thấy sanh tử luân hồi mãi.
Theo Giáo môn, khi ban đêm thức thứ sáu hoạt động một mình, Phật học gọi là “Độc đầu ý thức biến hiện cảnh chiêm bao”. Trong cảnh giới chiêm bao có người quen cũng có người lạ, tất cả thế giới chiêm bao, sơn hà đại địa, nhà lầu xe hơi, luôn cả cái thân đều do thức thứ sáu biến hiện, đều do vọng tâm này biến hiện, trong Kinh gọi là “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nay chúng ta không có ngủ, tiền ngũ thức hoạt động như thường, Phật học gọi là “Đồng thời ý thức biến hiện”, tức tiền ngũ thức và thức thứ sáu đồng thời biến hiện hiện tượng thế giới này.
Theo Thiền tông thì độc đầu ý thức biến hiện nhắm mắt chiêm bao, với đồng thời ý thức biến hiện mở mắt chiêm bao đều là chiêm bao, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, nhắm mắt chiêm bao là duy tâm tạo, mở mắt chiêm bao cũng là duy tâm tạo, chẳng có khác nhau, chỉ khác ở chỗ là do độc đầu ý thức hay do đồng thời ý thức biến hiện mà thôi.
Thiền tông và Giáo môn khác nhau ở chỗ: “Thiền tông không cần nghĩa giải mà cần sự kiến tánh, còn Giáo môn thì cần có nghĩa giải, về phần kiến tánh thì từ từ cũng được, ấy là sự khác biệt vậy.
112. HỎI: Qui củ của Thiền đường như thế nào?
- Ø ĐÁP: Trong “Thiền Thất Khai Thị Lục” của Lai Quả Thiền sư có kể về quy cũ của Thiền đường: Bình thường thì gõ bảng hai lần cho đi tiêu tiểu, ngoài ra đóng cửa suốt; khi muốn ra ngoài thì phải xin phép Duy Na, Duy Na đánh sáu hương bảng rồi cho mở cửa đi ra. Lúc đã thất thì không cho xin phép, kể cả bệnh và tiểu tiện cũng không được, chẳng thà đi trong quần, đi trong chiếu nệm thì được chứ mở cửa thì không được. Bình thường đã thất có người tuần hương, gặp người nói chuyện, cười giỡn hoặc quay đầu một cái là hương bảng đánh xuống liền, ấy là đối với người xuất gia. Vì người xuất gia thọ nhận sự cúng dường của thí chủ mười phương, có bổn phận tu thành Phật để độ chúng sanh, nên quy củ rất nghiêm khắc.
Nay Thiền đường ở đây không phải chính quy, người tham dự đa số là cư sĩ tại gia, nên quy củ có phần nới rộng, ra vào tự do. Qui củ của Lai Quả Thiền sư nói là không thể áp dụng và thực hành ở đây rồi, nhưng ít nhiều cũng không được nói chuyện trong Thiền đường, không được nói chuyện, cười giỡn khi ra ngoài vệ sinh. Thiền thất kỳ này, Hòa Thượng Trụ trì chính thức cho ra quy củ bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa, hễ ai phạm phải, dù không đánh hương bảng, nhưng sẽ không cho tham dự Thiền thất nữa.
Lai Quả Thiền Sư ví dụ Thiền đường như một bệnh viện lớn, mục đích của mọi người đến đây đều muốn giải thoát bệnh lớn sanh tử, mà bệnh sanh tử không trị thì không bao giờ khỏi được. Nếu ai nói mình không có bệnh đâu cần đến bệnh viện? cho nên hễ ai không có ý tu hành thì sẽ không đến.
113. HỎI: Kinh nói “Vạn pháp do nhân duyên sanh”, tất nhiên vũ trụ cũng do nhân duyên sanh, ắt có chỗ bắt đầu và đoạn diệt, có thỉ có chung. Nhưng tại sao Kinh lại nói “Vô thỉ vô chung”?
- Ø ĐÁP: Phật pháp nói “Tất cả duy tâm tạo”, hễ duy tâm tạo là có đối đãi, có nhân duyên. Phải biết phàm là nhân duyên, duy tâm tạo thì chẳng phải thật, nên trong Kinh Lăng nghiêm nói: “Phi nhân duyên, phi tự nhiên”. Theo lẽ thường tình của người thế gian, nếu chẳng phải nhân duyên thì phải là tự nhiên, chẳng phải tự nhiên thì phải là nhân duyên, nhưng sự thật thì hai cái đều không đúng, đều không đủ lý do. Cũng như tôi thường lấy “Con gà và trứng gà” làm thí dụ: Con gà và trứng gà đều là nhân duyên; con gà phải nhờ có trứng gà mới sanh ra, ấy là nhân duyên; trứng gà phải nhờ con gà mới được ấp ra, ấy cũng là nhân duyên, thế thì cái nào là nhân duyên ban đầu? Con gà hay trứng gà? Nếu không được thì phải là tự nhiên, tức tự nhiên có trứng gà, vậy có được không? Mọi người đều biết con gà phải do trứng gà ấp ra, trứng gà phải do con gà sanh ra. Nên Phật nói: “Phi nhân duyên, phi tự nhiên”, cả hai đều do chấp tâm của mình mà có, tức con gà cũng là duy tâm tạo, trứng gà cũng là duy tâm tạo. Tất cả vũ trụ vạn vật đều là duy tâm tạo, nếu có một pháp nào chẳng phải duy tâm tạo thì lời Phật là vọng ngữ!
Tâm tạo thì chẳng thật, nên tất cả Đại thừa liễu nghĩa đều phá chấp thật. Nếu nói là nhân duyên thì phải có sự bắt đầu, vì nhân duyên chẳng phải thật nên không có sự bắt đầu, gọi là “Vô thỉ”. Phải biết vũ trụ vạn vật kiến lập từ chỗ nào? Ví như muốn cất một căn nhà, trước tiên phải có sườn nhà, thế thì vũ trụ vạn vật lấy gì làm cái sườn? Là lấy “Không gian, thời gian, số lượng” ba thứ để làm khung sườn, hễ rút ra ba thứ trên thì vũ trụ vạn vật liền tiêu. Nhưng ba thứ này là gì? Không gian, thời gian, số lượng chỉ là ba khái niệm ở trong vọng tâm của mình, đều không có bản thể. Do ba khái niệm này kiến lập vũ trụ vạn vật, cũng chính ba khái niệm này là hư vô, không bản thể. Như tôi thường thí dụ, chúng ta đang ở trong mở mắt chiêm bao, hiện thực thế giới này vốn là hư vô, như ở trong thế giới của nhắm mắt chiêm bao. Vốn là hư vọng, nên nói là nhân duyên cũng không đúng, nói là tự nhiên cũng không đúng, cho nên Phật nói “Vô thỉ”, bởi thời gian không có bắt đầu thì tất cả đều không có bắt đầu. Nếu nói thời gian có bắt đầu thì trước khi sự bắt đầu của thời gian có thời gian không? Lý lẽ này chính các nhà khoa học cũng chẳng thể giải thích vậy.
114. HỎI: Trồng bí được bí, trồng đậu được đậu, đã gieo trồng thiện nhân thì sau này ắt được phước quả. Nhưng người tham Thiền chẳng gieo trồng phước nhân gì thì làm sao gặt được phước quả?
- Ø ĐÁP: Tại bệnh chấp thật của ông còn nặng nên có câu hỏi này. Như Kinh Pháp Hoa nói: “Như thị nhân như thị quả”, nhân hữu vi được quả hữu vi, phước báo thế gian thuộc về nhân quả hữu vi, còn tham Thiền không biết gì cả thuộc nhân vô vi, nhân vô vi ắt được quả vô vi. Quả vô vi là thành Phật, thần thông biến hóa, tự do tự tại, không bao giờ hưởng hết, chớ có sợ là không có phước báo!
Về phước báo của thế gian, sự giàu sang phú quí, hưởng rồi sẽ hết, biết đâu trong khi hưởng phước báo giàu sang ấy có thể tạo ác nghiệp nặng hơn, kiếp sau sẽ thọ nhận ác báo nhiều hơn. Nên có được phước quả đồng thời cũng tạo lên khổ quả, do đó phải biết tạo nhân vô vi mới là vững chắc.
115. HỎI: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” có đồng nghĩa với câu “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng” không?
- Ø ĐÁP: Cũng chẳng có khác, nghĩa là bất nhị. Lục Tổ nói: “Thuyết pháp không lìa Tự tánh”, tự tánh vốn bất nhị thì tất cả pháp đều bất nhị. Như ở trên nói: “Tất cả duy tâm tạo”, pháp vị nào cũng là duy tâm tạo, do tâm tạo nên sanh ra đủ thứ cảnh huyễn, nếu tâm không tạo thì tất cả vốn tịch diệt.
116. HỎI: Câu: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” trong tứ hoằng thệ nguyện có áp dụng trong Thiền môn không?
- Ø ĐÁP: Nay tôi áp dụng Tứ hoằng thệ nguyện trong Thiền với ông:
VÔ BIÊN CHÚNG SANH THỆ NGUYỆN ĐỘ: trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Chúng sanh” là chúng sanh của Tự tánh, chúng sanh của tâm: Tâm tham, sân, si, tâm độc ác, tâm này tâm kia… ấy là chúng sanh. Nay tham Thiền khởi nghi tình là cây chổi automatic quét sạch tất cả những thứ tâm tham, sân, si, độc ác v.v… ấy là vô biên chúng sanh đã được độ rồi!
VÔ BIÊN PHIỀN NÃO THỆ NGUYỆN ĐOẠN: Khi khởi lên nghi tình, tất cả phiền não đều tự động quét sạch, ấy chẳng phải là vô biên phiền não đã được đoạn?
VÔ LƯỢNG PHÁP MÔN THỆ NGUYỆN HỌC: Người đời hay lầm tưởng là phải học hết từng môn một, đã nói là “Vô lượng” thì làm sao học hết được! Phật với Tổ là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập, ví như từ Chợ Lớn đi Sài Gòn có biết bao con đường, đường Trần Hưng Đạo, Đường Nguyễn Trải, đường Hùng Vương v.v… nếu muốn đi hết tất cả các con đường thì đi đến chừng nào mới tới? Nên ý của Phật là muốn chúng ta lựa chọn một trong vô số pháp môn, như nay đã chọn pháp môn tham Thiền này là bao gồm tất cả rồi, ngày đêm tham thiền tức là ngày đêm niệm Phật, ngày đêm trì chú … chẳng còn sót một pháp môn nào, tham đến thành Phật thì là VÔ THƯỢNG PHẬT ĐẠO THỆ NGUYỆN THÀNH vậy. Cho nên, trong một pháp môn tham Thiền bao gồm cả Tứ hoằng thệ nguyện. Ở trong Giáo môn nói đến “Văn, tư, tu”, trong Thiền môn cũng bao gồm cả: Nay quý vị nghe tôi dạy tham Thiền ấy là Văn, tự mình bắt đầu tham là dùng ý thức để tham câu thoại đầu, ấy là Tư, có văn có tư tức là Tu.
117. HỎI: Vọng từ đâu sanh khởi?
- Ø ĐÁP: Câu hỏi này có trong Kinh Lăng Nghiêm, Phú-lâu-na hỏi Phật: “Vọng từ đâu sanh? Tại sao có vọng?” Phật bảo: “Đã gọi là vọng thì chẳng có nguyên do, nếu có nguyên do thì chẳng gọi là vọng”. Vấn đề này dùng lời nói chẳng bao giờ thấu hiểu được, bởi hễ có lời nói thì không lọt vào nhị biên cũng lọt vào trung đạo hoặc tứ cú, phải đợi cho đến kiến tánh thì mọi việc tất hiểu.
118. HỎI: Làm thế nào phân biệt tham thoại đầu và niệm Phật?
- Ø ĐÁP: Niệm Phật thuộc Tịnh Độ tông, Tham thoại đầu thuộc Thiền tông. Pháp Tịnh Độ là chấp thật, tham Thiền thì phá chấp thật, hai pháp trái ngược nhau. Tham Thiền cần có nghi tình, còn Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hành, cần có lòng tin. Phật là tùy thuận căn cơ của từng chúng sanh, muốn cứu giúp tất cả chúng sanh. Do tánh của chúng sanh quá chấp thật, nếu bảo bỏ chấp thì lại chẳng chịu, cho nên chấp vào Thập pháp giới thì chi bằng cho chấp Phật, đến khi được vãng sanh Cõi Tịnh Độ rồi, mới dần dần bỏ được sự chấp ấy, bởi hoàn cảnh tự nhiên khiến buông bỏ sự chấp thật và chuyển qua tham Thiền, sẽ được kiến tánh. Hễ còn chấp thật thì chẳng bao giờ kiến tánh được. Như Lai Quả Thiền sư nói: “Quá khứ chư Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật, chẳng vị nào không do tham Thiền mà kiến tánh”.
119. HỎI: Khi đề khởi câu thoại đầu, vẫn khởi niệm nhưng không phát khởi được nghi tình thì phải làm sao?
- Ø ĐÁP: Tôi nói là HỎI chứ không nói là niệm, đừng có niệm. Có hỏi phải có đáp, hỏi rồi đáp không ra, thắc mắc ấy chính là nghi tình. Nếu còn đề khởi nghi tình không được thì cứ hỏi tới hoài, mười ngày, hai mươi ngày, ba mươi ngày … có người hỏi đến hai tháng mới phát khởi được nghi tình. Một khi đã phát khởi nghi tình thì trong thời gian ngắn cũng phát được trí huệ, từ hạ căn chuyển thành thượng căn. Câu thoại đầu là câu hỏi, chính câu hỏi đó là nghi tình.