620. HỎI: Tu theo pháp môn tham thoại đầu, bệnh tâm thần có hết được không?
- ØĐÁP: Bất cứ bệnh gì đều do nhân quả, sanh, lão, bệnh, tử, là do nhân của mình gieo, gieo nghiệp nhân phải trả nghiệp quả. Còn việc tham thiền là muốn đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn, giải thoát tất cả khổ. Hễ tất cả khổ giải thoát rồi, đâu còn bệnh tâm thần nữa! Nói theo ngài Lai Quả là trị bệnh sanh tử, bệnh sanh tử hết thì tất cả bệnh đều hết.
Bây giờ, bất kể có bệnh cũng tu, không bệnh cũng tu, có nghiệp chướng cũng tu, chẳng nghiệp chướng cũng tu. Nói đến nghiệp chướng, ở Thiền đường nước Mỹ, có một vị kỹ sư điện toán, học thức rất cao, đến hỏi tôi:
- Con nghiệp chướng nặng quá, Thầy có cách nào giúp con trừ nghiệp chướng không?
Tôi hỏi: Vậy nghiệp chướng của ông sanh khởi từ chỗ nào, ông có biết không?
Ông ấy suy nghĩ mãi không ra.
Tôi nói: Nói nghiệp chướng của ông, ông còn không biết, vậy chứng tỏ chẳng có nghiệp chướng. Ông biết thế nào là năng và sở chứ? Cũng như tôi thường thí dụ, tánh thấy là cái năng thấy, cảnh vật là sở thấy. Cũng thế, cái gọi “Nghiệp chướng” là cái sở biết, sở suy nghĩ của ông, còn cái tâm năng biết, năng suy nghĩ đó vốn là trong sạch, không có nghiệp chướng.
Cái sở thì chẳng phải tâm, nhưng vì tâm vô hình tướng, khó mà hiểu được. Tôi phải dùng hai chân để thí dụ:
Hai chân là năng đi, còn con đường có gai góc cức sình là sở đi của hai chân. Con đường đó đâu phải của ông? Nếu hai chân ông không dẫm lên thì đâu có dính mắc mà phải rửa cho sạch! Cức sình thúi cách mấy, dơ cách mấy, mặc kệ nó, đâu có dính dáng đến ông?
Tại ông ham đi, ham dẫm lên chỗ gai gốc cức sình, rồi than dơ than khổ. Chỉ cần ông đừng đi, hai chân vốn sạch sẽ. Tâm năng biết, năng suy nghĩ cũng vậy, đừng biết đến cái sở biết, sở suy nghĩ, thì tâm năng biết vốn thanh tịnh, chỉ cần không biết tới, không suy nghĩ thì đâu có vướng mắc? Đâu cần giữ cho sạch, quét cho sạch!
Nay tham thiền nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, mới không suy nghĩ.
621. HỎI: Thế nào là công đức, thế nào là phước đức? Tại sao công đức không có hết, mà phước đức lại có hạn trong Tam giới?
- ØĐÁP: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ giải thích: Công đức là tự tánh sẵn có, chẳng phải ở ngoài, chẳng do tạo tác. Đã sẵn có thì chẳng có sự bắt đầu, cũng là nghĩa vô sanh; vô sanh tức vô diệt, nên không hết được. Còn phước đức do tạo mới thành, có thành ắt có hoại. Phước đức có số lượng, hưởng dần sẽ hết, công đức không số lượng, nên không hết. Do đó, Chư Phật chư Tổ chỉ muốn chúng ta kiến tánh, thì công đức hưởng hoài không hết.
622. HỎI: Tại sao Sư phụ nói pháp Tham Tổ Sư Thiền như một sợi chỉ treo chuông ngàn cân?
- ØĐÁP: Sở dĩ tôi nói Thiền tông ngày nay như một sợi tóc treo chuông ngàn cân, có thể đứt bất cứ lúc nào. Vì năm 1992, khi tôi đi thăm Tổ đình của ngài Lai Quả, thì pháp tử của ngài là Hòa thượng Đức Lâm đang trụ trì chùa Cao Mân, lúc đó đã 79 tuổi. Theo tôi thì sau khi ngài Đức Lâm tịch, sẽ chẳng còn ai kế thừa.
Trước kia, chùa Kim Sơn, chùa Cao Mân đều là Thiền đường danh tiếng, thiền sư Lai Quả kiến tánh ở chùa Kim Sơn và Thiền sư Hư Vân kiến tánh ở chùa Cao Mân. Nay chỉ có chùa Cao Mân còn giữ đạo tràng Thiền tông, chùa Kim Sơn đã trở thành khu du lịch, trong thiền đường chỉ có hai cụ già tham thiền, kể như một đạo tràng Thiền tông danh tiếng khắp thế giới của Trung Quốc đã bị chấm dứt. Còn lại Chùa Cao Mân, như sợi tóc treo chuông ngàn cân, không biết sẽ bị đứt lúc nào.
Nay Tăng chúng ở chùa Cao Mân có khoảng chín mươi người, Ni chúng được mười chín người nhưng không ở ngay trong chùa. Khi tôi hỏi về công phu thì “Khi hỏi câu thoại đầu, nghi tình nổi lên, rồi sau đó biến mất”, tôi biết là do không có khán, tức không nhìn vào thoại đầu, và tôi bảo họ phải nhìn vào thoại đầu. Một số người thực hành theo hướng dẫn, nên nghi tình được kéo dài hơn, tập dần như thế mới giữ được nghi tình kéo dài, còn hỏi là để tăng cường nghi tình.
Theo ngài Nguyệt Khê, chỉ có nhìn, không hỏi. Tôi xem lịch sử Thiền tông từ bảy ngàn Tổ, vị nào cũng nói khán thoại đầu và tham thoại đầu, tức chiếu cố thoại đầu. Nhưng nay tôi thấy phần nhiều chỉ tham câu thoại chứ không phải tham thoại đầu; khán câu thoại mà chẳng phải khán thoại đầu, ấy là sai. Cho nên, tôi muốn hành giả tham thiền phải thực hành cho đúng, muốn cho nhiều người được kiến tánh để kế thừa Thiền tông này, khiến không bị chấm dứt.
623. HỎI: Pháp Thiền chúng ta đang tu tập, là vì cá nhân hay vì chúng sanh?
- ØĐÁP: Vì cá nhân mà cũng vì chúng sanh. Chánh pháp phải phá ngã chấp, cái ngã này là cá nhân, cũng ở trong chúng sanh, nên không phân biệt cá nhân hay chúng sanh.
624. HỎI: Một ngày nào đó giải thoát được phiền não trong thế giới này thì được nhân quả gì?
- ØĐÁP: Nhân quả là ở trong mở mắt chiêm bao, nếu từ mở mắt chiêm bao thức tỉnh, thì nhân quả đã chẳng dính dáng đến mình.
625. HỎI: Làm sao mới biết được sự tu tập này đến giai đoạn thành công?
- ØĐÁP: Việc đó phải hỏi cô; muốn đến đích thì tự cô phải đi. Phải xem quyết tâm của cô, đi mau thì mau đến, đi chậm thì chậm đến. Nếu không chịu đi, chỉ đứng một chỗ mà hỏi tôi chừng nào đến, tôi làm sao biết được?
626. HỎI: Nghi tình dùng tâm để tham hay dùng bộ não để tham?
- ØĐÁP: Phương tiện là dùng bộ não, dùng sự không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não. Đến sau cùng nghi tình bùng nổ, sự biết của bộ não tan rã và sạch hết, cái biết của Phật tánh hiện ra, gọi là kiến tánh thành Phật.
627. HỎI: Có một vị Phật tử do điều kiện sức khỏe yếu, có thể uống bia hoặc sữa không?
- ØĐÁP: Từ ngũ giới, mười giới, đến hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới, mặc dù cấm uống rượu, nhưng có khai, giá, trì, phạm. Thế nào gọi là khai? Trong giới luật có tánh giới và giá giới, những gì liên quan đến sát, đạo, dâm, vọng, là tánh giới, có nhân quả. Còn giá giới, giá là che chở, thì có thể khai, vì không hại đến chúng sanh khác nên không có nhân quả.
Ví như uống rượu, đáng lẽ không có lỗi, nhưng nếu uống say, có thể phạm bốn giới sát, đạo, dâm, vọng, nên Phật cấm uống rượu. Trường hợp có bệnh, thầy thuốc dùng rượu làm thuốc, phải công khai báo cáo vì lý do bệnh, nên phải uống rượu, thì không phạm giới, gọi là khai. Hoặc, loại rượu đó uống không say, cũng là khai; hoặc muốn uống nước lại lấy nhằm rượu, hoặc không cho đó là rượu, như xào thức ăn bỏ rượu vào, cũng không phạm.
628. HỎI: Tham thiền đến khi chết mà chưa kiến tánh, kiếp sau có tiếp tục không?
- ØĐÁP: Trong lịch sử Thiền tông, có ghi câu chuyện về ông Huỳnh Đình Kiên đời nhà Đường như sau:
Huỳnh Đình Kiên, pháp danh Sơn Cốc, làm quan đến chức Thượng Thư. Lúc ông 26 tuổi, giữ chức Huyện trưởng. Một hôm, sau khi ăn tiệc sinh nhật của mình, nghỉ trưa tại dinh phủ, nằm chiêm bao thấy một mình đi theo con đường nhỏ, gặp một cụ bà mời vào dùng cơm, ăn xong từ giã đi về.
Sau khi thức giấc, cảm thấy cảnh chiêm bao này sao giống như có thật, bèn nảy ý đi tìm. Một mình đi ra ngoài, quả nhiên tìm được con đường trong chiêm bao, đi đến một ngôi làng, gạp ngay cụ bà trong chiêm bao.
Ông hỏi: Hôm nay nhà cụ có làm lễ gì không?
Cụ nói: Có, hôm nay là đám giỗ lần thứ 26 của con gái tôi. Lúc sinh thời, con tôi chỉ lo tu, không lập gia đình, đến lúc lâm chung, tự biết giờ chết. Con tôi có một cái rương, tự nó khóa lại và cất giấu chìa khóa, nói rằng “Kiếp sau sẽ tự đến mở khóa”.
Ông Kiên nghe đến đây, thình lình nhớ lại chuyện xưa, hỏi:
- Chìa khóa cô ấy để ở đâu, cụ có biết không?
- Không.
Ông kiên nói: Tôi biết.
Bèn tự mình vào nhà lấy chìa khóa mở rương, trong đó đựng đầy văn chương, các bài thi đậu tú tài, thi đậu cử nhân của kiếp này, kiếp trước đã làm sẵn, rồi ông rước luôn cụ bà về phủ phụng dưỡng. Sau đó, theo Thiền sư Huỳnh Long tham thiền được kiến tánh.
Sự tích trên có ghi lại trong lịch sử Thiền tông và Chỉ Nguyệt Lục, kể cả trong cuốn Từ Hải của Từ điển Trung Quốc.
629. HỎI: Tịnh độ tông trì Kinh niệm chú, có công dụng như tham Thiền không?
- ØĐÁP: Ông đã hiểu lầm, trì chú thuộc Mật tông, chứ không thuộc về Tịnh độ. Tịnh độ thì niệm Phật, mà nếu niệm hiệu Phật A Di Đà là thuộc Tây phương Tịnh độ, niệm hiệu Phật Lưu Ly Quang Như lai là thuộc Dược sư Tịnh độ, (cũng gọi là Đông phương Tịnh độ), còn Đâu suất Tịnh độ niệm hiệu Phật Di Lặc, ba Tịnh độ này đều có người hoằng dương, phổ biến nhất là Tây Phương Tịnh độ, ngoài ra còn có vô lượng vô biên Tịnhđộ.
630. HỎI: Công án của một vị Tăng hỏi Tổ kiến tánh “Phật là gì?”, Tổ đáp: “Ba cân mè”. Con cho là ý của Tổ muốn chỉ đó là cái đang dùng của Sư phụ?
- ØĐÁP: Không phải. bây giờ cứ tham đi, không thể giải thích, không thể cho là. Hai chữ “Cho là” xài không được, ấy là kiến giải. Tham thiền là để chấm dứt tất cả suy nghĩ, tìm hiểu, ghi nhớ, tất cả hoạt động của bộ não, chẳng thể qua bộ não suy nghĩ, cho là bất cứ cái gì, cuối cùng cái không biết của bộ não cũng sạch luôn, Phật tánh mới có thể hiện ra khắp không gian, thời gian.
631. HỎI: Tại sao Duy Ma Cật nói tham, sân, si là giải thoát?
- ØĐÁP:Tham, sân, si sanh khởi từ chỗ nào? Nếu không biết tức không có, đâu cần đối trị? Tham, sân, si chỉ là sở biết của tâm, do tâm biết và suy nghĩ, cho là mình có tham, sân, si, nhưng tâm năng biết đó vốn là không. Tại tâm ham suy nghĩ, ham biết, lấy cái sở suy nghĩ cho là của mình. Thật ra đó chỉ ở ngoài tâm, đâu phải của mình! Thí dụ hai chân vốn không có cức sình, tại ham đi con đường đó nên bị dính mắc, rồi mới cho cức sình đó là của mình, cần phải rửa cho sạch! Chỉ cần hai chân không dẫm lên con đường đó là được rồi!
632. HỎI: Có tham cũng có nghi tình, không tham cũng có nghi tình, vậy lấy có tham hay không tham?
- ØĐÁP: Đã tự động có nghi tình, suốt ngày hai mươi bốn giờ không gián đoạn chưa? Bây giờ chưa phải hoàn toàn không biết, tức còn biết, lâu lâu xen lẫn giữa biết và không biết, ấy là thô tâm dụng, chẳng phải không hỏi mà tự động có nghi tình. Nếu không hỏi tiếp, dễ lọt vào vô ký không mà tự mình chẳng hay. Nay vẫn phải hỏi tiếp và nhìn, vừa hỏi vừa nhìn để tăng cường nghi tình.
633. HỎI: Xin Sư phụ giải đáp về cái biết của Lục Tổ: Cái biết đầu tiên khi ngài nghe câu Kinh Kim Cang; kế đó, Ngài không học hành mà làm được bài kệ, được Ngũ Tổ xác nhận đã đến Bảo sở; Thứ ba: khi ngài trả lời câu hỏi của Ngũ Tổ “Gạo đã trắng từ lâu, chỉ thiếu sàng thôi”; Thứ tư: Khi Ngũ Tổ gõ vào cối ba cái, ngài biết canh ba vào phòng Tổ để nhận y bát?
- ØĐÁP: Tôi không biết sự thắc mắc của ông ở đâu? Những việc kể trên chẳng phải bổn phận của hành giả tham thiền. Bổn phận hành giả tham thiền chỉ đề khởi câu thoại, vừa nhìn vừa hỏi vào thoại đầu, ngoài ra, những hành vi của chư Tổ đừng biết tới, sau này ngộ rồi sẽ tự hiểu. Bây giờ, ông cần giữ nghi tình cho miên mật, nếu cho là biết cái đó là sai, tốn thì giờ mà chẳng dính dáng đến sự kiến tánh của mình.
634. HỎI: Tại sao trong trí Bồ-đề mà chẳng thấy thanh tịnh?
- ØĐÁP: Bồ-đề là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa Đại giác. Phật tánh bất nhị, chẳng có thanh tịnh hay không thanh tịnh, nên Tâm Kinh nói: “Bất cấu bất tịnh”. Nay thấy thanh tịnh hay không thanh tịnh đều là do bệnh chấp thật, vì có thanh tịnh mới có không thanh tịnh; thanh tịnh vốn không, làm sao có cái “Không thanh tịnh”!
Thanh tịnh hay không, ấy là lời nói của thế gian, Bồ-đề chẳng thể dùng lời nói để diễn tả, “Trong trí Bồ-đề thấy không thanh tịnh” cũng thế, là do bệnh chấp vào một bên. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Do con mắt bệnh nên thấy hoa đốm trong hư không”, sự thật trong hư không đâu có hoa đốm!
635. HỎI: Trong cảnh giải thoát sao sanh ra ràng buộc?
- ØĐÁP: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói với Pháp sư Ấn Tông: “Chỉ nói kiến tánh, không nói đến Thiền định giải thoát”.
Vì theo ý Pháp sư Ấn Tông, giảng Kinh thuyết pháp, cần có thiền định mới đưa đến giải thoát. Tại sao Lục Tổ lại nói như thế?
Lục Tổ nói: “Phật pháp là pháp bất nhị, thiền định giải thoát là nhị pháp”.
Hỏi: Thế nào là pháp Bất nhị của Phật pháp?
Lục Tổ nói: Pháp sư giảng Kinh Niết-bàn, trong Kinh, Cao Quý Đức Vương Bồ-tát hỏi Phật:
- Phạm tội ngũ nghịch và nhất xiển đề có đoạn dứt thiện căn Phật tánh không?
Phật nói: Thiện và bất thiện là pháp tương đối, Phật tánh chẳng phải thiện hay bất thiện, nên chẳng thể đoạn dứt.
Tại sao? Loạn với định là tương đối, vì có tán loạn mới cần thiền định, nếu chẳng tán loạn, đâu cần thiền định? Cũng thế, đã không trói buộc, đâu cần giải thoát? Cho nên, Lục Tổ nói Pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối thượng thừa, khác hơn Giáo môn là vậy.
******
27/04/1993 – 03/05/1993
Chùa Từ Ân - Quận 11 - TP. Hồ Chí Minh.
636. HỎI: Hành giả tham Thiền rất mong có một nơi yên ổn để tu mà không xen lẫn Tịnh Độ. Nay có người muốn hiến mảnh đất nhỏ để tạm lập Thiền đường cho chúng về tu trong khi chờ đợi Sư phụ xây thiền đường, vậy có được không?
- ØĐÁP: Được thì được, nhưng nếu hành giả có ý nghĩ như thế thì không được. Sự tu phải ở trong hoàn cảnh khó khăn mà tu được mới mau kiến tánh, tu trong cảnh thuận lại khó hơn. Cho nên, người tu chỉ sợ cảnh thuận, không sợ cảnh nghịch; cảnh thuận tự mê lúc nào không hay, cảnh nghịch mới khuyến khích cho sự tu. Tục ngữ có câu: “Phú quí học đạo nan”, người giàu sang học đạo càng khó hơn.
Nay có nhiều nơi muốn hiến đất, hiến chùa cho tôi, tôi không chịu nhận, nhiều người lại muốn tự lập chùa tư của mình. Chánh pháp phải phá ngã chấp, điều kiện trước tiên của pháp môn Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ, nay nổi ý muốn cầu một chỗ yên ổn để không bị quấy nhiễu cũng chẳng dễ, vì nếu không phá được ngã chấp thì chỗ nào cũng khó, đã có sẵn ngã chấp như thế làm sao kiến tánh? Chớ nói là ở chỗ đông người, chỉ có hai người là đã có tranh chấp rồi. nếu là người chơn tu thì bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào cũng tu được.
637. HỎI: Đối với những nơi bận rộn thì nói không thể tu, tại sao đối với những nơi chẳng bận rộn cũng không thể tu? Ấy có phải chính mình lừa gạt mình không?
- ØĐÁP: Bây giờ hãy cùng nhau nghiên cứu chữ TU, tu là tu cái gì? Nếu nói theo tự tánh thì vô tu vô chứng. Tại sao? Tôi hỏi quý vị:
- Phật tánh có thể gián đoạn không?
- Không.
- Phật tánh có thể giảm bớt không?
- Không.
Khi tôi hỏi thì quý vị đều biết trả lời như thế, vậy đã sẵn sàng rồi, đâu phải do tu mới đầy đủ Phật tánh! Đã đầy đủ, không giảm bớt, gián đoạn, đang hiện hành đây, cho nên, đến cuối cùng mới biết chẳng phải do tu chứng. Vì thế, trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận nói “Vô thượng Bồ-đề là quy vô sở đắc”.
Nhưng cuộc sống hằng ngày của chúng ta lại nghịch với Phật tánh của mình, cho nên mới có ý niệm cần tìm một nơi vắng lặng để tu, ấy là cái vọng. Phật tánh bất cứ ở nơi nào cũng chẳng thêm bớt, tức yên ổn rồi, đâu phải do tu mới được như thế!
638. HỎI: Phật tánh không thêm bớt, nhưng chính trong lòng chúng con có tăng giảm thì sao?
- ØĐÁP: Đó là do mình ham suy nghĩ tìm hiểu, Phật tánh đâu cần suy nghĩ tìm hiểu? Những suy nghĩ tìm hiểu đó chẳng phải Phật tánh, trong Phật tánh chẳng có những thứ đó. Cũng như tôi thí dụ hai chân vốn không có cức sình, tại ham đi con đường cức sình nên bị dính mắc, rồi cho cức sình đó là của mình, cần phải rửa sạch! Chỉ cần hai chân không dẫm lên con đường đó là được rồi!
Cũng có người nói “Nếu không đi lên con đường đó, đâu còn đường để đi?”.
Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn là tám mươi bốn ngàn con đường, tại sao không chịu đi? Lại đổ thừa rằng: “Sao chẳng giúp cho tôi phương tiện để không dính mắc cức sình”. Tại ham đi mới bị dính mắc, chứ đâu có phương tiện gì!
Chơn tâm của mình luôn trong sạch, chẳng phiền não vọng tưởng, cũng chẳng có nghiệp chướng, do tâm suy nghĩ mới có phiền não nghiệp chướng. Chữ TU của con người là vì đi trên con đường có cức sình, nhưng chỗ có chỗ không, chẳng phải đầy khắp con đường, nên phải tránh chỗ có, đi chỗ sạch, rồi nói “Tránh cức sình là tu”, hoặc vừa đi vừa rửa, đi một đoạn rồi dừng lại rửa … Thôi thì bỏ con đường đó, đi con đường khác, khỏi cần rửa, khỏi cần tu, đâu cần đi một đoạn dừng lại rửa!
639. HỎI: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ do một niệm vô minh bất giác thành chúng sanh, vậy tu để làm gì?
- ØĐÁP: Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói “Vô lão tử diệc vô lão tử tận”, vốn chẳng già chết, do sự cảm giác sai lầm cho là có sanh tử, nên phải tu để giải thoát sanh tử, gọi là Niết-bàn. Thật ra, như Kinh Viên Giác nói “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”. Ngoài ra, Đức Phật còn dẫn chứng thêm với thí dụ quặng vàng:
- Trong quặng, vàng đã thành sẵn, chỉ là lẫn với đất cát tạp chất, nay luyện bỏ đất cát thì vàng thiệt hiện ra. Nếu trong quặng không có vàng sẵn thì dù luyện thế nào cũng đâu có?
Ấy là lời thí dụ phương tiện của Phật, Phật tánh không thể giảm bớt gián đoạn, thì bây giờ cũng đã sẵn, chỉ đừng nổi lên tâm này tâm kia như: Muốn tu thành Phật, muốn bỏ vọng tưởng, muốn trừ nghiệp chướng, chứng Bồ-đề … vì những thứ đó ở trong Thiền tông đều gọi là vọng tưởng.
Do vọng tưởng của sư đang suy nghĩ, nên mới có câu hỏi này. Chính câu hỏi đã là vọng, nếu tôi giải đáp theo sư thì câu trả lời cũng sai theo. Nay tham thiền cứ nhìn vào chỗ chưa nổi một niệm nào hết. Chính do tâm mình cứ nổi lên niệm này niệm kia, nên trong cuộc sống hằng ngày đều ở trong nhất niệm vô minh.
Ngài Nguyệt Khê giải thích thế nào là nhất niệm vô minh: Cho cái tách này là tách, cũng là nhất niệm vô minh; cho cái bình này là bình, cũng là nhất niệm vô minh; cho Phật tánh là Phật tánh, cũng là nhất niệm vô minh; cho chúng sanh là chúng sanh, cũng là nhất niệm vô minh … chẳng có niệm nào không nằm trong nhất niệm vô minh.
Khi chưa khởi một niệm nào, gọi là vô thỉ vô minh. Khi nào hết nhất niệm vô minh, chẳng còn một niệm nào là lọt vào vô thỉ vô minh, cũng gọi là thoại đầu, cũng gọi đầu sào trăm thước, phải từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước, tư tưởng không còn, mới là triệt để, mới được gọi là kiến tánh.
Phật nói “Phàm là lời nói đều không có nghĩa thật”, cho nên, câu trả lời của tôi cũng là nhất niệm vô minh, nay dẫu cho bỏ hết nhất niệm vô minh, cũng còn lọt vào vô thỉ vô minh.