440. HỎI: Những điểm nào sai ở Đại Thừa Khởi Tín Luận?
- Ø ĐÁP: Đại Thừa Khởi Tín Luận, người đời cho là tác phẩm của Bồ-tát Mã Minh, Tổ thứ 12 của Thiền tông, nhưng sự thật tác giả là ngoại đạo. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có phần đúng có phần không, ví dụ: nói “Chơn như duyên khởi”, Chơn như là bản thể của Tự tánh, là bất nhị, không có duyên khởi, chẳng thể huân tập được, nếu có khởi thì phải có diệt, có sanh diệt tức có luân hồi. Cho nên, nói “Chơn như duyên khởi” là không đúng, vô minh là vô minh, chơn như là chơn như. Còn những chỗ giống như lời của Phật thì đúng. Nhưng bây giờ hễ chấp vào lời của Phật lại thành không đúng rồi! Vốn là đúng, do tâm chấp của mình thành sai, lọt vào tà tông kiến giải.
Cũng như Kinh liễu nghĩa là đúng, nhưng hễ chấp thật vào Kinh liễu nghĩa đó, cho là chơn lý nhất định, thành không đúng rồi.
441. HỎI: Nay con tham Thiền, đối với bất cứ việc gì con đều mặc kệ, đúng sai?
- Ø ĐÁP: Trong Kinh Viên Giác có chỉ ra bốn thứ bệnh: Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt. Bệnh mặc kệ tức bệnh Nhậm, hễ chấp vào mặc kệ cũng là bệnh. Dù là lời của Phật, nếu chấp vào tức thành bệnh, ví như Kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, nhưng nếu chấp thật vào Kinh đó tức thành bất liễu nghĩa, nên Đức Phật vừa nói liền phá, vì sợ chúng sanh chấp vào lời nói.
442. HỎI: Xin Sư phụ khai thị giúp cho dứt tập khí, được không?
- Ø ĐÁP: Dù là Phật Thích Ca cũng chẳng thể giúp cho người ta dứt tập khí, Phật chỉ dạy cách tu để tự tu, tự chứng, tự dứt, chứ không thể giúp cho dứt được. Vì chưa tin tự tâm, ngã chấp còn kiên cố. Nay phương tiện duy nhất chỉ là đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, giữ cái không biết, nếu tất cả biết đều chấm dứt thì làm sao còn biết tới tập khí?
443. HỎI: Người kiến tánh còn có sở sợ không?
- Ø ĐÁP: Nay chưa kiến tánh, phải lo cho đi đến kiến tánh, hễ kiến tánh rồi tự biết. Người Sơ địa không biết đến Nhị địa, đến Nhị địa thì biết được Sơ địa, nhưng không biết về Tam địa … nay mình cách Sơ địa còn xa lắm, đã muốn chấm dứt tất cả biết, còn hỏi vậy để làm gì?
444. HỎI: Thế nào là “Tánh thật vô minh tức Phật tánh” trong Chứng Đạo Ca?
- Ø ĐÁP: Tự tánh bất nhị, Phật tánh nếu khác với vô minh tức nhị, vô minh cũng chẳng thật có vô minh, Phật tánh cũng chẳng thật có Phật tánh. Đã nói Kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, nếu chấp có Phật tánh thật cũng là bệnh chấp, chấp vô minh là thật cũng vậy. Vô minh chẳng thật, Phật tánh cũng chẳng thật, ấy là nghĩa vô sanh, cũng là nghĩa vô thỉ.
445. HỎI: Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuộc tiệm giáo, sao nói là đốn?
- Ø ĐÁP: Kinh giáo của Phật thuyết đốn tiệm đều có, quyển nào cũng vậy, thường thì ở phần trước là đốn, phần sau là tiệm, phần trước độ người thượng căn, phần sau độ trung hạ căn, Kinh Viên Giác cũng thế.
446. HỎI: Tham thiền phải chấm dứt sự biết, vậy cái biết nào vô ích thì chấm dứt, còn cái biết để củng cố niềm tin, có cần phải chấm dứt không?
- Ø ĐÁP: Biết tốt, biết không tốt đều là tướng bệnh, biết mình chứng quả vẫn còn là ngã tướng vi tế, biết có Phật, biết Từ bi … chẳng phải cái biết của tướng mạnh, đều chấm dứt.
Kinh nói: “Một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết được, tâm chúng sanh ở tất cả thế giới nổi lên một niệm cũng biết được”. Cái biết của bản thể khắp không gian thời gian, chẳng có chỗ thiếu xót, nên gọi là Như Lai. Nay không cần chấm dứt, chỉ giữ cái tâm không biết thì quên tất cả biết, thân tâm, thế giới đều quên rồi, cái biết và không biết dựa vào đâu?
Biết cũng do tâm, không biết cũng do tâm, tâm đã quên thì sự biết và không biết chẳng có chỗ dựa, lúc đó bản thể tự tánh tự hiện, đã đến nơi muốn không kiến tánh cũng chẳng được, hễ gặp nhân duyên nào cũng có thể kiến tánh.
447. HỎI: Lời của Sư phụ là nói với người đã ngộ, đã quên năng sở thì được, còn người chưa ngộ thế nào?
- Ø ĐÁP: Nay nói với người chưa ngộ, là thực hành theo đường lối tham Thiền, chứ không phải nói đến sự ngộ, sự ngộ chỉ tự biết, chỉ có Phật nói với Phật thôi. Cái quên của trí Bát-nhã không cần tác ý, khác với cái quên lãng của thế gian, hễ tác ý là tướng bệnh, chẳng thể biết được cái biết của tự tánh, phải kiến tánh rồi tự biết.
448. HỎI: Sư phụ nói kiến tánh rồi có thể sống với tự tánh? Tại sao Giáo môn lại nói đốn ngộ rồi phải tiệm tu?
- Ø ĐÁP: Đốn giáo khác với tiệm giáo, Giáo môn có đốn tiệm, Thiền môn cũng có đốn tiệm, mặc dù nói đốn ngộ, cũng do tiệm tu mới thành. Tôi thường lấy ví dụ như từ Chợ lớn đến Sài gòn một trăm bước, nếu kiếp trước đi được một bước thì kiếp này phải đi chín mươi chín bước; nếu kiếp trước đã đi năm mươi bước thì kiếp này đi thêm năm mươi bước nữa; kiếp trước đã đi chín mươi chín bước rồi, kiếp này một bước đến nơi.
Pháp chẳng có đốn tiệm, do người thành có đốn tiệm, do người có căn cơ lớn hoặc nhỏ: tâm chấp nhẹ là đốn, tâm chấp nặng là tiệm. Vì thấy người chỉ đi một bước đến nơi cho là đốn, kỳ thật kiếp trước đã tiệm tu. Cho nên, Tổ Sư Thiền không kể người lão tham hay sơ học, sơ học mà kiếp trước đã đi chín mươi chín bước, kiếp này một bước đến nơi; lão tham có thể kiếp trước chưa đi bước nào, nên kiếp này dù tu lâu mà không bằng sơ học là vậy.
449. HỎI: Tất cả lời nói của Phật đều là văn tự, vậy thế nào là bất lập văn tự?
- Ø ĐÁP: Nói “Bất lập văn tự” là không cho chấp thật văn tự, chứ chẳng phải phế bỏ văn tự, nếu phế bỏ văn tự, ấy là sai lầm. Không có văn tự thì làm sao hoằng dương giáo pháp? Nhưng không được chấp thật vào đó.
Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự”, nói “Bất lập văn tự”, hai chữ BẤT LẬP đã là văn tự rồi! lời nói cũng là tướng văn tự. Lời nói, văn tự, tư tưởng, ba danh từ dù khác, kỳ thật chỉ là một: Văn tự là lời nói không tiếng, lời nói là văn tự vô hình, còn tư tưởng là lời nói không tiếng và văn tự vô hình. Do có tư tưởng mới nói ra thành lời, viết ra thành văn tự. Nhưng ba thứ này khác hẳn với Chơn như Phật tánh, chẳng dính dáng với Phật tánh, chẳng thể tiếp xúc với Phật tánh, chỉ là gián tiếp dạy cho mọi người đường lối thực hành để đi đến Phật tánh thôi. Còn tham thoại đầu là trực tiếp, nên gọi Tối Thượng Thừa, bất lập văn tự.
450. HỎI: Quan điểm lập trường của người tham thiền như thế nào?
- Ø ĐÁP: Chẳng có quan điểm lập trường gì cả. Đã dùng cái tâm không biết để chấm dứt tất cả biết, biết quan điểm lập trường cũng là biết. Còn nếu muốn nói quan điểm lập trường: Một là tin tự tâm sẵn đủ năng lực bằng như chư Phật, hai là dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết.
451. HỎI: Sư phụ dạy phải nhìn thẳng vào hầm sâu đen tối, đến một ngày kia được kiến tánh. Nhưng tại sao phải tham như thế? đề làm gì?
- Ø ĐÁP: Để làm chủ cho mình, để đạt đến tự do tự tại, chẳng còn lệ thuộc vào ai, kể cả Phật.
452. HỎI: Tu hành là để đi đến chỗ thanh tịnh, cần gì phải tham thoại đầu?
- Ø ĐÁP: Thanh tịnh đó là vô thỉ vô minh, là nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Mặc dù thanh thanh tịnh tịnh, nhưng bị kích thích rồi là nổi lên nhất niệm vô minh, nên phải phá tan luôn sự thanh tịnh đó.
453. HỎI: Làm sao vượt qua được tình thức?
- Ø ĐÁP: Muốn vượt qua tình thức, phải phá tan vô thỉ vô minh: Thấy, nghe, hiểu, biết là tác dụng của bộ não, chẳng phải cái biết của Phật tánh. Nay mượn câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chỗ mịt mù đen tối đó chính là vô thỉ vô minh, cứ nhìn thẳng vào chỗ đó, lâu ngày phá tan được vô thỉ vô minh, lúc đó gọi là kiến tánh thành Phật, tất cả việc đều giải quyết xong.
454. HỎI: Tại sao Đức Phật thuyết pháp công khai mà Tổ lại Giáo ngoại biệt truyền?
- Ø ĐÁP: Nói Giáo ngoại biệt truyền là để phân biệt không phải là Giáo môn, khác với Giáo môn. Tại sao? Vì Đức Phật thuyết pháp Giáo môn là bất đắc dĩ, do người ta không tin nổi pháp trực tiếp, nên phải thuyết pháp gián tiếp. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Vì hạ căn nên phải nói xa, vì thượng căn nên nói là gần”. Do đó, Giáo môn nói thành Phật phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, còn Thiền môn kiến tánh chỉ một sát-na.
455. HỎI: Tại sao Đức Phật đưa lên cành hoa, ngài Ma-ha Ca-diếp được ngộ?
- Ø ĐÁP: Pháp gián tiếp phải học, phải tìm hiểu, rồi theo sự hiểu tiến tu dần theo thứ lớp, chứng theo thứ lớp như Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, v.v… Còn pháp trực tiếp không cần ngôn ngữ văn tự, không qua bộ óc suy nghĩ, cho nên khi Phật Thích Ca đưa lên cành hoa, ngài Ca-diếp ngộ được, ấy là chỉ thị pháp trực tiếp.
Pháp sư Nguyệt Khê nói trong “Cội nguồn Truyền Thừa” rằng Đức Phật không những chỉ có sự niêm hoa thị chúng, ngoài ra còn có những trường hợp chỉ thị pháp trực tiếp như sau:
* Ban đầu Phật lấy ra hạt châu Ma-ni tùy sắc, hạt châu này nơi thế gian được xem là một bảo vật: Hạt châu không màu sắc, nhưng người nào cũng nhìn thấy có màu sắc khác nhau, ví như mặc áo đen thấy hạt châu màu đen, mặc áo đỏ thấy hạt châu màu đỏ … nên gọi hạt châu tùy sắc.
Phật hỏi Ngũ phương Thiên vương: “Hạt châu màu gì?”
Ngũ phương Thiên vương đều tùy theo sở thấy của mình nói màu sắc khác nhau. Sau đó Phật đem giấu hạt châu rồi đưa bàn tay ra hỏi:
- Hạt châu màu gì?
Ngũ phương Thiên vương đáp: Trong tay Phật đâu có hạt châu mà hỏi là màu gì?
Phật bảo: “Các ngươi sao điên đảo quá! Ta đem hạt châu thế gian thì nói đủ thứ màu, nay ta chỉ thị hạt châu chơn thật thì lại không biết!”
Năm vị liền ngộ.
* Lại, có một ngoại đạo hỏi Phật:
- Không hỏi có lời, không hỏi chẳng lời?
Đức Phật im lặng giây lâu, ngoại đạo nói:
- Thế Tôn thật đại từ, khai phá đám mây ám muội cho con, khiến con ngộ nhập. Đảnh lễ lui ra.
Thị giả A-nan hỏi: Ngoại đạo được gì mà lại cám ơn Ngài?
Phật bảo: “Cũng như con tuấn mã nơi thế gian, thấy bóng roi liền phóng đi, không cần đánh”
Ấy cũng là một phương pháp trực tiếp chỉ thị. Tất cả cách trực chỉ của các vị Tổ đời sau ở Trung Quốc đều như thế, chẳng qua sự suy nghĩ và lời nói văn tự. Bây giờ hành giả tham thiền cũng vậy, không cho tác ý suy nghĩ tìm hiểu, chỉ khởi lên nghi tình, giữ cái không biết tham tới mãi.
456. HỎI: Phật tánh là một, nhưng tại sao sự kiến tánh của chư Tổ lại khác nhau?
- Ø ĐÁP: Sự ngộ giống nhau, nhưng do tập khí, tâm chấp có sâu cạn, nên trong sự ngộ có khác nhau; tâm chấp nhiều thì ngộ cạn, vì chưa ngộ triệt để nên có khác, nhưng khi ngộ đến cuối cùng thì không khác. Kinh Kim Cang nói: “Vì có pháp vô vi nên có sự sai biệt của thánh hiền”, nếu đến chỗ vô vi thì chẳng sai biệt vậy.
457. HỎI: Thế nào gọi là Chánh Biến Tri? Thế nào là không có chỗ búng?
- Ø ĐÁP: Cái biết của Tự tánh gọi Chánh Biến Tri, khắp không gian thời gian, chẳng thể gọi là biết, chẳng thể gọi là không biết. Nói “Khắp không gian thời gian” quý vị có thể khó hiểu, nay lấy thân này làm thí dụ: Bây giờ búng tay tay biết, búng đầu đầu biết, nếu cái biết khắp cơ thể thì chỗ búng không có, nếu có chỗ búng tức không cùng khắp cơ thể.
Có chỗ búng cũng không cùng khắp cơ thể, chẳng chỗ búng cũng không cùng khắp cơ thể, tại sao? Vì sự biết của cùng khắp cơ thể ấy chẳng thể nói là có chỗ hay chẳng có chỗ, nên chẳng có chỗ biết, cũng chẳng có chỗ không biết, do đã cùng khắp vậy. Chỗ búng dụ cho chỗ biết, không có chỗ biết chẳng phải là không biết.
458. HỎI: Làm sao phân biệt Diệu tâm biến hiện và Chơn tâm duyên khởi?
- Ø ĐÁP: Diệu tâm chẳng biến hiện, Chơn như cũng chẳng duyên khởi. Diệu tâm, Chơn như đều là biệt danh của Tự tánh, Phật tánh bình đẳng bất nhị, chẳng sanh chẳng diệt; chẳng sanh thì không có biến hiện, không có duyên khởi. Nay nói biến hiện duyên khởi là từ vô thỉ vô minh, cũng gọi là đầu sào trăm thước.
Biến hiện trong Duy thức có hai thứ: Độc đầu ý thức biến hiện nhắm mắt chiêm bao, và đồng thời ý thức biến hiện mở mắt chiêm bao. Kiến, văn, giác, tri đều do tác dụng của bộ não, trong Kinh gọi là nhất niệm vô minh. Nhất niệm vô minh sanh khởi từ vô thỉ vô minh, cũng gọi là căn bản vô minh.
Căn bản vô minh không dính dáng với Diệu tâm, không dính dáng với Chơn như Phật tánh. Chơn như Phật tánh xưa nay vốn như thế, chẳng thay đổi sanh diệt. Còn biến hiện có sanh diệt luân hồi, từ vô minh bất tri bất giác hiện ra nhất niệm vô minh, tức kiến, văn, giác, tri, có tri có giác, do kiến, văn, giác, tri biến hiện nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao, tất cả những biến hiện này đều do tác dụng của bộ não.
Nay thấy có buồn vui phiền não, đều là bị lục căn lừa gạt, nên Tâm Kinh dùng chữ VÔ để chấm dứt sự chấp thật.
Phàm tất cả tương đối có không, Phật gọi là biên kiến, đều ở trong luân hồi, người chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt tánh Viên giác, thì tánh đó cũng là luân hồi, cho nên nói “Diệu tâm biến hiện” và “Chơn như duyên khởi” đều là không có.
459. HỎI: Chư Phật chư Tổ ra đời độ chúng sanh có dùng vô thỉ vô minh không?
- Ø ĐÁP: Như Kinh Kim Cang nói: “Độ hết tất cả chúng sanh, thật chẳng có một chúng sanh được độ”, nếu có chúng sanh để độ là còn chúng sanh tướng. Vì chúng sanh có sự chấp đó, nên Phật nói “Độ chúng sanh” để phá chấp. Nếu chúng sanh chẳng chấp thật thì Phật cũng không; chúng sanh là mê, Phật là ngộ, có mê mới có ngộ, đã hết mê thì ngộ cũng không, nên nói ngộ rồi đồng như chưa ngộ. Nếu còn tướng ngộ tức còn mê, trong Kinh gọi là thọ mạng tướng, còn nằm trong tương đối.