540. HỎI: Con đồng ý là ngôn ngữ có giới hạn, nhưng sự giác ngộ làm sao có sơ sót?
- Ø ĐÁP: Nay tôi kể một công án làm bằng chứng cụ thể:
Ngài Cao Phong - Nguyên Diệu Thiền sư đã phá được Trùng quan, thầy của ngài hỏi:
- Ban ngày ồn ào, làm chủ được không?
- Được.
- Ban đêm chiêm bao, làm chủ được không?
- Được.
- Lúc ngủ mê chẳng chiêm bao, chẳng suy nghĩ, chủ ở đâu?
Ngài trả lời không được. Thầy bảo:
- Từ nay về sau, chớ học thiền học đạo, cứ đói ăn mệt ngủ, khi thức giấc rồi phải tự hỏi “Nãy giờ ngủ mê chẳng chiêm bao, chủ ở đâu?”.
Như thế tham thêm 5 năm, một hôm đang ngủ, người đồng tham ngủ bên cạnh đánh rơi chiếc gối Lao quan. phát ra tiếng, khiến ngộ triệt để, mới đến Mạt hậu.
Trước kia do bị sự ngộ của Trùng quan chướng ngại, chẳng thể đến Lao quan, nay sự ngộ ấy tan rã, mới đến được Lao quan. Người đã triệt ngộ, do giữ sự ngộ còn không được, nay ông chưa ngộ, cứ muốn ôm cái ngộ đó, làm sao được? Kinh vốn chẳng đúng sai, do ông chấp thật, cho là Kinh phải đúng, nên mới thành sai, ấy là tâm của ông sai.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, có người hỏi Lục Tổ:
- Pháp của Huỳnh Mai người nào được?
ĐÁP: Người ngộ thì được.
Tổ có được không?
ĐÁP: Tôi chưa ngộ.
Nếu chấp thật, thì Lục Tổ nói đúng hay sai? Cho nên, đuổi theo lời nói là con chó đuổi theo cục xương. Hễ tôi trả lời theo câu hỏi của ông cũng là sai.
* Tòng lâm Trung Quốc là người nào đến ở cũng được, người ở lại Tòng lâm gọi là thường trú, mọi người như là người chủ trong chùa, bất cứ ở lại một ngày, mười ngày hay mười năm, tất cả quyền lợi và nghĩa vụ đều bằng nhau, đến khi nào đi khỏi mới thôi.
Trụ trì của chùa thường là người đã kiến tánh, do quan chức địa phương thỉnh về làm chức vị Trụ trì.
Có một vị Trụ trì đặt ra ba điều kiện, người nào hội đủ ba điều kiện mới được ở lại. Do ba điều kiện đó quá khắc khe, khó thực hành, nên chẳng ai được thông qua.
Một hôm, có một vị Tăng đến, đi gặp thẳng ngài Trụ trì, Trụ trì hỏi:
- Đã thông qua ba điều kiện chưa?
ĐÁP: Điều kiện gì chẳng cần biết, nay con chỉ muốn ở lại!
Ngài Trụ trì mừng rỡ, liền sắp xếp chỗ ở cho vị đó.
Tại sao? Vì bấy lâu nay cả ngàn người đến mà mọi người do chấp theo lời nói, nên chưa ai được vào.
541. HỎI: Giới Thanh-văn như Ngũ giới, mười giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo v.v… đều chỉ là tận hình thọ, vậy Bồ-tát giới thì sao?
- Ø ĐÁP: Bồ-tát giới thì khác, từ kiếp này qua kiếp khác, từ thân này đến thân Phật, mãi mãi không mất, cho đến chứng quả vẫn còn. Tại sao? Vì Bồ-tát giới là giới tâm địa, hễ tâm không mất thì giới không mất. Vì là giới tâm địa, nên mống tâm là phạm.
542. HỎI: Trong Trung Phong Pháp Ngữ có bài ca Liền Thôi (Tức Hưu Ca), chữ THÔI này là thôi cái gì? Có phải thôi cái vô thỉ vô minh?
- Ø ĐÁP: Tất cả lời của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời, bản thể Tự tánh gọi là bất nhị, lấy gì để thôi? Vô minh vốn chẳng có, làm sao có gì để thôi?
Tất cả đều do vô minh mới có sanh khởi; từ vô minh sanh nhất niệm vô minh, tức tác dụng bộ não, rồi chia thành muôn ngàn sai biệt. Người kiến tánh phá tan vô thỉ vô minh, tất cả đều không còn, tức bản tri hiện, gọi là kiến tánh thành Phât.
Nay do chúng sanh chấp thật có, nên nói là “Thôi”, nếu không còn chấp, lấy gì để thôi? Đó chỉ là phương tiện, nay khi thực hành, khởi lên nghi tình không hiểu không biết, đã là thôi rồi! Bát-nhã không qua sự tác ý, không qua sự tác ý là chẳng làm, chẳng làm mà làm, do sự dụng của Bát-nhã tự làm, có qua sự tác ý là vọng, là tác dụng của bộ não.
543. HỎI: Con nghe nói Tịnh độ niệm Phật một câu tiêu tám muôn ức kiếp tội, nay tham thiền thì sao? Được mau tiêu tội không?
- Ø ĐÁP: Chớ nói niệm một câu Phật hiệu tiêu được tám muôn ức kiếp tội, hễ niệm Phật một câu tiêu được một ngày tội cũng đủ rồi! Cứ suốt ngày tạo tội, chỉ cần niệm một câu Phật liền tiêu, vậy thì đâu có sợ tạo tội! Một kiếp biết bao lâu không? Hễ một câu niệm Phật tiêu được tám muôn ức kiếp tội, thì hiện nay tội đã không còn.
Niệm Phật hiệu rất dễ, đời người chỉ có một trăm năm, vậy cứ tạo tội mãi mà chẳng sao! Nếu được như thế, đâu cần làm thiện, cực khổ tu hành làm gì? Nên biết câu nói trên là sai, vì không có nhân quả, tức tạo ác nhân cũng được thiện quả? Việc không có nhân quả là phá hoại Phật pháp, không nên theo.
544. HỎI: Đại Thừa Khởi Tín Luận từ đời ngài Mã Minh đến nay, đã trải qua gần hai ngàn năm không đính chính, sao đến nay ngài Nguyệt Khê mới đính chính? trong khi các Phật học viện đều dùng luận này làm tài liệu giảng dạy ?
- Ø ĐÁP: Phật pháp gọi là tùy duyên, chư Tổ từ xưa nay đều là tùy duyên, kể cả việc hoằng pháp. Phật Thích Ca nói: “Không có duyên là không độ được”, duyên chưa đến, nói ra người ta chẳng tin cũng vô ích, duyên đã chín mùi, nên nói ra là người tin.
Pháp sư Nguyệt Khê chẳng những đề cập đến tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận, còn nói đến Chứng Đạo Ca: Ngài nói tác giả bài Chứng Đạo Ca chẳng phải là của Vĩnh Gia Đại sư, mà là của Thần Hội ... có dẫn chứng cụ thể trong cuốn Cội Nguồn Truyền Thừa.
(Sư phụ dẫn dụ về Chơn như duyên khởi, lượt qua)
545. HỎI: Tất cả cảnh giới đều chẳng thật, tại sao Kinh nói “Bát-nhã vô biên nên ngũ uẩn vô biên”?
- Ø ĐÁP: Nếu có thật phải có biên, làm sao vô biên? Vì chẳng thật nên nói là vô biên.
546. HỎI: Vì sao Kinh Kim Cang có hai phần giống nhau: Đức Phật đã thuyết ở phần trước, phần sau lại thuyết thêm một lần nữa? Ví dụ Phật thuyết: “Chẳng phải có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp”?
- Ø ĐÁP: Phật thuyết về bề mặt thì người ta chấp về bề trái, rồi Phật lại phải phá bề trái. Ví như Phật nói “Phá chấp thật”, mọi người không chấp cái thật, lại chấp cái giả cho là thật; Phật nói “Tất cả đều chẳng thật”, chúng ta lại đuổi theo câu nói đó, cho là thật có cái “Tất cả đều chẳng thật” ấy, nên phải thuyết hai lần: Lần trước phá chấp thật, lần sau phá cái chấp “Chẳng thật” đó.
547. HỎI: Có phải khi tham đến nghi tình thành khối mới thật sự chấm dứt cái biết?
- Ø ĐÁP: Đúng. Nghi tình thành khối là chơn nghi, mới thật sự chấm dứt được, còn bây giờ có lúc biết có lúc không biết, chưa phải thật chấm dứt. Nhưng phải tiến dần, giữ được nghi tình lâu thì sự biết giảm bớt, và cái không biết thêm dần.
548. HỎI: Ngài Tăng triệu nói “Huyền đạo ở nơi tuyệt xứ, nên không biết mà biết”. Không có xứ sở làm sao biết?
- Ø ĐÁP: Tuyệt xứ là nghĩa vô sở trụ, không có chỗ mới khắp không gian, đâu có thiếu sót!
549. HỎI: Thế nào là “Tham là chánh tri, Nghi là chánh hạnh” của Lai Quả Thiền sư?
- Ø ĐÁP: Chánh tri là không biết. Giữ được nghi tình là chánh tri, tức chánh hạnh. Vì không có chỗ biết, khắp không gian thời gian, nên gọi là chánh tri.
* Một vị Tăng trình công phu: Gần đây, công phu của con có những hiện tượng như là: làm việc thì làm, đi đứng nằm ngồi tựa như vô ký nhưng không phải vô ký. Có khoảng độ nửa giờ, con không biết mình là cái gì, rồi thấy tối hết cả bầu trời, rồi bù đầu bù óc, lỗ tai nghe một tiếng bừng, dường như bể tung cả đầu hoặc điếc cả lỗ tai. Trải qua ba, bốn ngày như thế … rồi con tự nói “Mặt mũi của ta không phải như thế này!” vậy nên như thế nào và không nên như thế nào?
ĐÁP: Ở trên đã nói, chánh tri chánh hạnh là nghi tình, những gì sư mới kể đó là biết hay không biết? Nếu không biết làm sao kể ra? Đó là cái biết chứ chẳng phải cái không biết của nghi tình.
Sách Nho nói: “Một ngày là ba năm, ba năm như một ngày”, ấy còn có biết về thời gian, Sư nói “Không biết”, thì làm sao biết rõ khoảng khắc đó là nửa tiếng? Đó là do không giữ được nghi tình, nếu thật sự không biết, thì luôn cả cái không biết cũng không biết …
Nay tôi kể một công án cho sư tăng trưởng lòng tin tự tâm:
* Ngài Đại Huệ là vị Tổ sư danh tiếng, dù đã kiến tánh, nhưng chưa ra hoằng pháp chính thức. lúc ngài còn làm Thủ tọa ở một Tòng lâm, vì ngài đã kiến tánh, nên được mọi người ghi lại tất cả lời nói thành ngữ lục. Trong đó có một vị Tăng, đang đọc Ngữ lục của ngài được giải ngộ, mừng rỡ tưởng đã chứng ngộ, bèn tìm đến ngài để xin ấn chứng, nói:
- Con xem Ngữ lục của ngài được ngộ, nay đến trình sự ngộ của con.
Đại Huệ nói: “Không phải, không phải, hãy đi đi!”
Tăng nói: Con chưa trình ra, sao nói không phải?
Đại Huệ nói: “Không phải, không phải”.
Tăng muốn nói hai ba lần mà ngài cứ đuổi đi. Vì hễ ngộ là lạnh nóng tự biết, sao lại phải trình? Sự ngộ đâu phải đuổi theo lời nói để trình? Hễ có trình tức chưa ngộ.
* Ví như sự ngộ của ngài Lâm Tế, (Sư phụ kể về công án Lâm Tế được ngộ, lượt qua) Sau khi ngộ, Lâm Tế đánh lại Huỳnh Bá, vậy mà Huỳnh Bá cười ha hả. Ấy là trình sự ngộ, đâu có kể?
* Về sự ngộ của Thiền sư Nam Tuyền: Thầy của ngài hỏi:
- Hôm nay nấu cơm đủ ăn không?
- Ngậm cái miệng chó lại!
Ấy là trình sự ngộ. Người đã ngộ đâu có vấn đáp gì, hễ còn kể ra là chưa đến ngộ, là lý chướng, là tác dụng của bộ não. Nay muốn đạt đến pháp yên ổn, phải chấm dứt tướng bệnh, cứ ôm tướng bệnh cho là đúng thì làm sao đạt đạo?
550. HỎI: Xin Sư phụ khai thị về ý chỉ những công án trên?
- Ø ĐÁP: Người đã ngộ là chứng pháp vô sanh, pháp đã vô sanh, lấy gì để nói? Làm sao có cái gọi là hợp lý? Ví như công án của Mã Tổ và Hoài Nhượng, hỏi: “Xe bò không đi, đánh xe phải hay đánh bò phải?” Theo lẽ thường của thế gian là phải đánh bò, nhưng nếu hiểu như thế không bao giờ ngộ. Hễ kể ra có lý tức chưa ngộ, còn chấp vào lời nói văn tự, kẹt nơi lý chướng. Những công án kể trên là sự chướng và lý chướng đã không còn.
551. HỎI: Xin Sư phụ chỉ cho cách buông bỏ?
- Ø ĐÁP: Bản thể tự tánh bất nhị, do A-la-hán chưa kiến tánh triệt để, chỉ ở nửa đường, nên ngài ca Diếp mới bảo phải buông bỏ. Chẳng những quả A-la-hán, chứng quả Phật vẫn còn phải buông bỏ, nếu cho “Ta đã chứng quả Phật” tức còn ngã chấp, trong Kinh gọi là chúng sanh tướng. Nếu còn trụ nơi Niết-bàn là Thọ giả tướng, còn giữ cảnh ngộ tức chưa cứu cánh.
Hành giả tham thiền đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, giữ được nghi tình là buông bỏ.
552. HỎI: Thế nào là “Con chó nhảy qua tường” và “Con chuột qua sừng trâu” trong Thiền Thất Khai Thị Lục?
- Ø ĐÁP: Thí dụ chỉ là phương tiện tạm thời, Tự tánh bất nhị, chẳng thí dụ nào có thể đến. Lời nói, văn tự, suy nghĩ còn chẳng thể đến, nói gì đến thí dụ? Chớ nói là thí dụ, dẫu cho tên gọi, như ngài Tăng Triệu nói “Tên chẳng đúng thật, thật chẳng đúng tên”, chấp thật thí dụ là kẹt nơi danh tướng, người tu hành phải lìa danh tướng, chớ bị kẹt vào danh tướng.
Lời nói của chư Phật chư Tổ chỉ để tăng cường lòng tin của mình để quyết tử tu, chứ không phải để chấp vào thí dụ.
553. HỎI: Làm sao biết là khai tiểu ngộ?
- Ø ĐÁP: Tiểu ngộ tức giải ngộ, cũng là cái biết của người mù, chướng ngại cho đại ngộ. Đại ngộ là chứng ngộ, tri giải đã tuyệt, chẳng còn kiến giải nào mới được chứng ngộ. Nói “Mạng căn” tức là sự ngộ, “Mạng căn chưa dứt” là còn giữ cái ngộ, chỉ là tiểu tử tiểu hoạt, dù đã ra khỏi sanh tử luân hồi, nhưng sự dụng chưa được đại cơ đại dụng, nên gọi thọ mạng tướng. Mạng căn dứt là đến Lao quan, khi nào sự ngộ ấy tan rã mới đến Lao quan.
Nay hành giả tham Thiền cần lo đi đến ngộ, đang tham thiền hiểu thiền hiểu đạo còn không cho, làm sao muốn biết đến sau khi ngộ? Chưa ngộ mà cứ muốn ôm cái ngộ trước, ấy là sự chướng ngại, không khi nào ngộ được.
554. HỎI: Chúng con đi dự đám tang, có thể mang theo chuông báo hiệu không?
- Ø ĐÁP: Hành giả tham Thiền không có nghi thức gì cả, nghi lễ lâm chung phải làm sao ư? Phật pháp chỉ cần giải thoát khổ sanh tử, hồi thời Phật đâu có những thứ này? Ấy do người đời sau bày đặt ra, là thuận theo thế tục, người ta làm theo nghi lễ phiền phức, nay mình cũng hành theo, vậy đâu có khác! Chính Phật Thích Ca ngăn ngừa những nghi lễ này, nhưng sau này con cháu còn làm quá hơn Bà-la-môn. Nay thấy Tông Tịnh độ có nghi lễ của Tịnh độ, lại muốn đặt ra nghi lễ của Thiền tông để thay thế, có khác gì thay sợi dây xích sắt bằng sợi dây xích vàng! Chi bằng cởi bỏ, có phải tự do không?
Ngài Lục Tổ nói: “Thiền định giải thoát là nhị, chẳng phải Phật pháp”, nay chúng ta tu pháp môn nào cũng vì muốn đạt đến giải thoát, nhưng tại sao Lục tổ nói giải thoát không phải Phật pháp? Do chấp thật có sự trói buộc, nên phải giải thoát. Vốn chẳng có trói buộc, đâu cần giải thoát! Như tôi thường thí dụ về căn nhà xoay, căn nhà vốn không có xoay, làm sao nói là ngưng xoay? Thiền tông tự ngộ vốn chẳng trói buộc, nên không có giải thoát.
555. HỎI: Việc đốt liều trên thân như thế nào?
- Ø ĐÁP: Ngày nay thọ giới Bồ-tát phải đốt liều trên đầu, nhưng việc này không có trong giới luật. Những Luật sư chính thức bên Luật tông, cũng như trong cuốn Giới Luật Học Cương Yếu nói: “Đó là những thói quen xấu do người đời sau bày đặt ra”. Trong Kinh Phật cũng có nói về vấn đề đốt liều, nhưng phải hiểu ý Phật, hãy xem kỹ lại Kinh Lăng Nghiêm về phần lược giải của tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn.
556. HỎI: Thế nào “Không trụ tướng bố thí”?
- Ø ĐÁP: Người bố thí thường cho ta là năng thí, có người nhận sự bố thí, trong đó có tài vật bố thí, ấy là trụ tướng bố thí. Hành giả tham thiền chỉ giữ nghi tình tham tới mãi, bố thí mà chẳng biết mình bố thí, chẳng có năng sở, tức không trụ tướng bố thí.
Nhưng, bố thí tài vật thân mạng, không bằng bố thí tri kiến: Nhiều người bảo họ bỏ thân mạng thì được, bỏ tri kiến thì không, dù bỏ thân mạng, bằng mọi cách cũng phải bảo vệ tri kiến, giữ lại tri kiến của mình, bằng mọi lý do chống cự lại người phá tri kiến của mình, vậy làm sao đến được tri kiến Phật?
Trung Quán Luận nói: “Diệt kiến yên ổn pháp”, phải dứt sạch tất cả tri kiến, mới có thể đến tri kiến Phật, được pháp yên ổn. Pháp yên ổn tức pháp Niết-bàn, hễ còn năng sở đối đãi thì không bao giờ đến được.
Kinh Duy Ma Cật nói: “Pháp chẳng thể kiến, văn, giác, tri, nếu hành theo kiến, văn, giác, tri, ấy là kiến, văn, giác, tri, chẳng phải cầu pháp”.
557. HỎI: Bố thí tất cả tri kiến có phải còn trụ nơi Hữu Dư Niết Bàn?
- Ø ĐÁP: Đã bố thí tất cả tri kiến, làm sao có tri kiến Niết-bàn? Nếu chấp có Niết-bàn thật để trụ, cũng là tri kiến vậy.
558. HỎI: Trong Triệu Luận nói: “Đại tượng vô hình, không thấy mà thấy”, là thấy thế nào?
- Ø ĐÁP: Cái thấy của bản thể khắp không gian thời gian, luôn luôn như thế, cái thấy của bộ não chẳng thể thấy. Có hình và vô hình là đối đãi, sự thấy của bản thể vốn chẳng dính dáng với có hình và vô hình, vì đã cùng khắp.
559. HỎI: Thế nào là “Tri chẳng có hai người, pháp chẳng có hai thứ”?
- Ø ĐÁP: Tri là biết, cái biết của bản thể là Chánh biến tri, khắp không gian thời gian, ở ngoài không gian chẳng có không gian, ở ngoài thời gian chẳng có thời gian. Chỉ có một cái tri, nay thêm vào cái tri chẳng cùng khắp của bộ não, thành hai cái tri, vậy thành có hai người sao? Thực tế chỉ là một cái tri, còn cái tri của bộ não là tướng bệnh, khi mạnh thì không. Nay tham thiền là chấm dứt tướng bệnh, cho tướng mạnh hiện ra.