120. HỎI: Có một bài kệ của Tuệ Trung Thượng sĩ, có người dịch rằng:
“Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Được tội chẳng được phước,
Muốn biết chẳng tội phước,
Đừng trì giới nhẫn nhục”,
Sư thấy thế nào?
- Ø ĐÁP: Nguyên văn bài kệ là:
“Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phúc.
Dục tri vô tội phúc,
Phi trì giới nhẫn nhục”.
Câu thứ hai “Chiêu tội bất chiêu phúc” không thể dịch là “Được tội chẳng được phước”, vì chữ CHIÊU là chiêu cảm, như thiện nhân chiêu cảm thiện quả, tức vui; ác nhân chiêu cảm ác quả, tức khổ. Nhưng ở trong Phật pháp thì thường là thiện nhân chiêu ác quả, ác nhân lại chiêu thiện quả. Tại sao? Ví như bậc tu sĩ chúng ta, chịu sự cúng dường của mười phương, nếu làm những việc bố thí từ thiện, không lấy Phật giáo làm trung tâm mà lấy tự kỷ làm trung tâm, thì những việc từ thiện ấy chỉ làm cho địa vị danh dự của mình được nổi bật, để cho mình được cúng dường nhiều thêm, thì việc ấy là thiện nhân chiêu ác quả. Kinh Lăng Nghiêm nói là “Hư tiêu tín thí”, thuộc tội địa ngục. Còn “Ác nhân chiêu thiện quả” thì chỉ ở trong Thiền tông các Tổ Sư mới thấu, người thế gian chẳng thể hiểu được, hễ bắt chước làm theo thì tội rất nặng. Ví như Thiền sư đã kiến tánh muốn độ chúng sanh, dùng sát sanh để làm Phật sự, như ngài Nam Tuyền chém mèo, Quy Tông chém rắn … nếu người không có cảnh giới đó mà học theo thì tạo tội rất nặng.
- Còn câu thứ tư “Phi trì giới nhẫn nhục” nếu dịch thành “Đừng trì giới nhẫn nhục” thì hại người biết bao! chữ PHI là không phải, tội với phước là đối đãi, là nhị. Ý nói muốn biết không tội phước, đạt đến chỗ không tội phước, đạt đến chỗ bất nhị ấy chẳng phải do trì giới nhẫn nhục mà được. Nhưng hễ người nào có ý không trì giới nhẫn nhục thì người ấy không thể đạt được. Phật giáo là lấy sự trì giới làm căn bản, lúc Phật tại thế là y Phật làm bổn sư, sau khi Phật nhập Niết-bàn thì phải y theo Giới luật làm bổn sư, Giới là thay thế cho Phật vậy.
121. HỎI: Xin Sư phụ kể qua vấn đề dịch Kinh như thế
nào?
- Ø ĐÁP: Ở Trung Quốc, vấn đề dịch Kinh từ chữ Phạn sang chữ Hán, dịch tràng trên ba trăm đến năm trăm người, người chủ dịch thường là người kiến tánh, thấu suốt Phật pháp, còn người dịch phụ phải qua sự ấn định của Chủ dịch. Ở Việt Nam thường do một người dịch, cũng tùy theo ý của người dịch, người dịch thường tự chẳng có tu chứng, hễ không có tu chứng thì không thể hiểu nổi ý của Phật, của Tổ, vì ý Phật, ý Tổ chẳng phải là sự suy nghĩ thông minh của thế gian có thể hiểu được.
Lai Quả Thiền sư nói: “Thông minh của thế gian chẳng phải là trí huệ của Phật pháp”, Tổ sư gọi là “Thế trí biện thông”. Lại, theo Phật giáo, xem những người thế trí biện thông, bậc tri thức khoa học là hạ căn, vì họ chấp thật những kiến thức khoa học của mình chẳng chịu buông, còn người đầu óc đơn giản, nơi Phật pháp lại cho là thượng căn, tu hành dễ đắc đạo hơn. Nên Phật pháp là nghịch với pháp thế gian.
Trong Niên Phổ của ngài Hư Vân có kể đến câu chuyện “Bá Trượng và con chồn”; chỉ vì đáp sai một chữ phải đọa làm con chồn năm trăm kiếp, nên Phật pháp chẳng phải là muốn nói thế nào cũng được, ấy chẳng phải chuyện chơi. Đối với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, tội đại vọng ngữ là tội Ba-la-di, là tội cao nhất, bằng như tội tử hình của thế gian. Hễ Tỳ-kheo phạm coi như Tỳ-kheo ấy đã chết, Tỳ-kheo-ni cũng vậy, muốn khôi phục lại chức danh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, phải đợi đến kiếp sau mới được. Như Bá Trượng Thiền sư nói: “Nếu pháp sư chỉ giảng được nghĩa hai câu thì pháp sư ấy phải đọa địa ngục; nếu pháp sư giảng thấu ba câu mà người nghe hiểu sai lầm thì lỗi tại người nghe, người nghe đọa địa ngục chứ không quan hệ đến pháp sư, vì pháp sư đã giảng hết ý rồi.
122. HỎI: Thầy giảng những cái đó còn nằm trong ngũ ấm hay đã ra ngoài ngũ ấm?
- Ø ĐÁP: Không có nằm trong ngũ ấm, cũng chẳng ở ngoài ngũ ấm. Tôi thường nói hai chữ “BẤT NHỊ”, hễ có trong có ngoài là nhị, chính cái ngũ ấm chẳng phải là thật, làm sao có trong có ngoài ?
123. HỎI: Cái biết mà mình không khởi niệm, không tác ý phân biệt để biết, đó có phải là tri tịch không?
- Ø ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm nói rõ “Tri giác nãi chúng sanh”, đã lập tri rồi, mặc dù cái tri ấy không rõ ràng, nhưng cũng là tri. Nếu không khởi ý để biết thì làm sao biết đó không rõ ràng? Biết là “Không rõ ràng” đã là biết rồi! “Tri tri” là căn bản vô minh, từ nguồn gốc ấy sinh ra sở tri. Dù yên lặng chẳng có vọng tưởng gì, nhưng năng sở đã rõ ràng, thì chẳng phải cái tri của Tự tánh. Đợi đến biết cái “Mờ mờ không rõ ràng ấy” thì trở thành bụi bậm, là sở tri rồi.
Tại sao nói “Cái tri của Tự tánh”? Đáng lẽ không có cái tên gọi là TRI, ấy chỉ là thế lưu bố tưởng, thế gian đã gọi là tri thì phải gọi cái tri đó thế gian mới hiểu, nếu không thì gọi bằng cái gì? làm sao diễn đạt? Nên mới có phân biệt thế lưu bố tưởng và trước tưởng. Do đó, nói chữ “TRI” đã là có sự chấp thật; chấp cái năng tri là thật, là căn bản vô minh vậy.
124. HỎI: Cái “Tri” ấy đã là bất đắc dĩ mà nói, nói cái trạng thái đó là “Biết” cũng không được ư?
- Ø ĐÁP: Trong Thiền Thất Khai Thị Lục đề cập khi tham thiền đến trạng thái đó là “Vô tâm không cho hữu tâm biết”. Ví như có người hỏi ông tên gì, nếu còn trả lời được tức còn biết, chưa phải là vô tâm. Ví như nói “Tri” và “Vô tri”, VÔ TRI tức chẳng còn biết gì, nếu còn biết là vô tri ấy là tri. Nếu thật vô tri, ai biết vô tri? “Cảm thấy” cũng là biết.
125. HỎI: Vì sao không được tiếp tục ngồi khi trên thân khó chịu?
- Ø ĐÁP: Theo kinh nghiệm của tôi, khi kinh hành chớ nên vừa đi vừa vận động thì máu lưu thông, không sanh ra bệnh. Cũng như ngồi thiền, ngồi lâu thành bệnh, nhiều người chấp vào cái ngồi nên sanh ra bệnh. Lúc nghi tình nặng, ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở, nếu có vận động, thì máu lưu thông đều, vẫn tiếp tục kinh hành được, hễ ngồi thì không có sự lưu thông về máu nên dễ sanh bệnh, đôi khi bị chết giấc mà chẳng ai hay biết, nên tôi thường khuyên mọi người không nên chấp ngồi là vậy.
126. HỎI: Thế nào là nghi tình phát khởi được và nghi tình phát chẳng khởi?
- Ø ĐÁP: Trong Tham thiền Cảnh Ngữ của ngài Bác Sơn nói rõ “Nghi tình phát chẳng khởi” là chỉ cái chơn nghi, nay chúng ta đều chưa đến chỗ chơn nghi, cũng gọi là nghi tình phát chẳng khởi. Sở dĩ nay ta gọi là “Nghi tình” ấy chỉ là tập tham để đến chơn nghi phát khởi nghi tình. Phát được chơn nghi cũng tương ưng với Pháp thân rồi. Trong Niên Phổ của ngài Hư Vân nói: “Khi chơn nghi phát khởi, ấy là sự thình lình đột phát”, chơn nghi phát lên là nghi tình gần thành khối vậy.
Nay chúng ta tham thiền thì chưa có ai phát được chơn nghi, nên gọi là “Nghi tình phát chẳng khởi” chứ không phải không có nghi tình. Chúng ta tham thiền đến chỗ thuần thục thì thình lình phát lên chơn nghi, tương ưng với cái lý pháp thân như trong Tham Thiền Cảnh Ngữ nói, thì biết đó là chơn nghi.
127. HỎI: Khi ngủ mê làm sao biết có tham thiền?
- Ø ĐÁP: Nay có những người đang ngủ mê mà biết mình tham thiền, ấy là những người không biết mình đang ngủ, nhưng người khác thì thấy họ đang ngủ mê. Chính người ấy có nghi tình và lúc sáng thức dậy vẫn đầy đủ tinh thần, ban ngày làm việc như thường, chẳng thấy mệt mỏi.
128. HỎI: Phát khởi chơn nghi đã phá được Sơ quan chưa?
- Ø ĐÁP: Phát khởi chơn nghi tương đương với nghi tình thành khối, chưa đến kiến tánh, chưa phá được Sơ quan, nhưng rất hy vọng được phá Sơ quan.
129. HỎI: Chúng ta đang sống trong vọng thức thì làm sao y trí bất y thức?
- Ø ĐÁP: “Y trí bất y thức” là tiêu chuẩn và mục đích của mình, nhưng chúng ta đang suốt ngày sống trong thức tâm phân biệt, hiện nay đang tu ấy là thức, tham thiền đến một ngày nào đó kiến tánh rồi mới không còn phân biệt, mới chuyển thức thành trí được, tức sự automatic của trí bát nhã đã hiện ra.
130. HỎI: Ý nghĩa của Quy y Tam Bảo như thế nào?
- Ø ĐÁP: Có người hỏi “Quy y Thiền tông” và “Quy y Tịnh Độ” như thế nào? Tôi giải thích rằng Quy y là Quy y Tam Bảo, còn Thiền tông và Tịnh độ chỉ là pháp môn chứ không phải quy y.
Quy y Tam Bảo có hai: Một là thường trụ Tam Bảo, hai là Tự tánh Tam Bảo. Nay chúng ta quy y là Thường trụ Tam Bảo: Tượng Phật đại diện cho Phật Bảo, Kinh Phật đại diện cho Pháp Bảo và Tăng Ni xuất gia đại diện cho Tăng Bảo, nhờ Tăng Bảo giáo hóa để ngộ nhập Tự Tánh Tam Bảo tức giải thoát, biết được mình là gì, tự làm chủ cho mình, đạt đến tự do tự tại. Mục đích để quy y Thường trụ Tam Bảo là vậy, chứ chẳng phải như một số người nghĩ rằng “Quy y để có giấy chứng minh, sau khi chết để trong hòm làm giấy thông hành ở Âm phủ, ấy là sai lầm.
Chữ PHẬT là “Người Giác ngộ”, gồm hai nghĩa Tự giác và giác tha, giác hạnh viên mãn, hễ ai giác ngộ tức Phật. Tự ngộ rồi phải độ cho chúng sanh, tự mình và chúng sanh đều được tự do tự tại, tức giác hạnh viên mãn. Nếu chỉ tự giác mà chẳng giác tha thì giác hạnh chẳng thể viên mãn.
Chữ PHÁP là chỉ phương pháp để đạt đến tự do tự tại, nay cách tham Thiền là Pháp Bảo để đưa chúng ta đến chỗ tự do tự tại.
Chữ TĂNG tại sao gọi là Bảo? Vì nếu có Phật có pháp mà chẳng có Tăng để từng đời truyền dạy thì Phật pháp cũng phải tiêu diệt. Nên ở trong Tam Bảo, Tăng Bảo là quan trọng nhất, có Tăng Bảo mới giữ được Phật Bảo và Pháp Bảo.
131. HỎI: Thiền sư Nham Đầu là một vị đã kiến tánh, sao còn bị bọn cướp giết? Nếu nói là túc nghiệp phải trả, thì trong Chứng Đạo Ca, ngài Vĩnh Gia Đại sư nói: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không”, “Vị liễu ưng tu hoàn túc trái”. Lại, trong Kinh Kim Cang có câu: “Người nào thọ trì đọc tụng Kinh Kim Cang mà bị người khinh miệt thì tội nghiệp đời trước của người ấy đáng lẽ phải đọa tam ác đạo, do đời nay bị người khinh miệt nên tội chướng được tiêu, và đắc Chánh đẳng Chánh giác”. Ấy thì giải thích thế nào về cái chết của Thiền Sư Nham Đầu cho hợp lý?
- Ø ĐÁP: Phật pháp luôn luôn không rời khỏi nhân quả, có nhân ắt có qua: Thế gian có nhân quả, xuất thế gian cũng có nhân quả. Nhưng nhân quả là duy tâm tạo, chẳng thể chấp thật. Chúng sanh thì chấp đó là thật, Phật vì muốn độ chúng sanh nên phải tùy thuận chúng sanh để độ. Cũng như Đức Phât đã kể về câu chuyện “Vua Lưu Ly giết chết cả tộc Thích Ca”:
“Vì đời trước chủng tộc Thích Ca sống trong một làng đánh cá, tiền thân Vua Lưu Ly là con cá lớn, binh sĩ là cá con trong một ao lớn, dân làng ấy xả hết nước ao và bắt con cá lớn và các cá con để ăn, duy chỉ có một đứa bé không bắt không ăn mà chỉ gõ ba cái vào đầu cá lớn. Đến đời Phật Thích Ca thành Phật rồi, vẫn phải bị nhức đầu ba hôm”.
Đó là muốn thể hiện vấn đề nhân quả không thể tránh, nhưng ấy là đối với sơ cơ. Tôi có xem qua một quyển: Trụ Sứ Thập Hạnh, trong đó đức Phật bảo: “Nói ta bị nhức đầu ấy chỉ là phương tiện mà thôi, thực tế thì ta có bị nhức đầu đâu!”
Cho nên, chính hai câu: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái” trong Chứng đạo Ca, có một người tham Thiền hỏi Tổ kiến tánh:
– “Thế nào là nghiệp chướng?”
ĐÁP: “Bổn lai không.”
HỎI: “Thế nào là Bổn lai không?”
ĐÁP: “Nghiệp chướng”.
Nghiệp chướng vốn chẳng thật, bổn lai vốn không, thì theo nhân duyên nào cũng là nhân quả. Tổ độ chúng sanh cũng có phương tiện độ và nghiệp độ, như Phât Thích Ca ở quyển Kinh này thì nói “Ta bị nhức đầu”, ở quyển Kinh khác thì nói “Ta có bị nhức đầu đâu! “Đã thành Phật rồi, cơ thể còn không có, làm sao có nhức đầu ư? Ai nhức? Ấy chỉ là phương tiện để độ chúng sanh mà thôi.
132. HỎI: Có người chẳng có quy y Tam Bảo, chỉ ở nhà xem qua Kinh Phật hoặc nghe được câu thoại đầu mà ở nhà tự tu, vậy có kiến tánh hoặc ngộ đạo không?
- Ø ĐÁP: Giả sử người ấy chẳng biết có sự quy y mà chỉ tự nghe được câu thoại đầu để tu thì có thể ngộ, nhưng nếu người ấy đã biết được sự quy y, có người khuyên bảo giới thiệu quy y mà tự có ý không quy y Tam Bảo thì người ấy sẽ không ngộ được. Tại sao? Vì người ấy còn có chấp, hễ chấp thật thì chẳng thể ngộ được.
133. HỎI: Nếu như người ấy do quá nghèo mà không có phương tiện quy y?
- Ø ĐÁP: Quy y Phật pháp rất bình đẳng, chẳng có sự phân biệt giàu nghèo, đến chùa quy y không hạn chế giàu nghèo, có tiền hay không có tiền vẫn quy y được.
134. HỎI: Con phát nguyện trong 49 ngày phải kiến tánh, như thế đúng không?
- Ø ĐÁP: Tôi đã nói là phải VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ SỢ, tự nhiên mong cầu trong 49 ngày phải kiến tánh, ấy là cái tâm bức bách, quá gấp thành bệnh. Gặp trường hợp này phải biết cách đối trị: Câu thoại đầu đề cho thật chậm để cho điều hòa lại, như “Niệm....Phật... là... ai?”. Nên nhớ rằng hễ có sở cầu là không được. Vã lại, trong Thiền tông có thể trải qua mấy lần tiểu ngộ, thình lình được ngộ cái gì chớ có vui mừng quá, e sẽ thành bệnh. Ngộ được cũng phải quét, hễ có ngộ được một cái gì đó thành có sở đắc, nên phải quét.
135. HỎI: Khi nghi tình thành khối sẽ như thế nào và làm sao đập bể?
- Ø ĐÁP: Lai Quả Thiền sư thí dụ “Khối này lớn lắm, siêu việt số lượng, bao hàm hư không, nếu như lấy cây đập nó một cái, thì cây đó cũng ở trong khối; lấy chân đá một cái cũng ở trong khối, bất cứ làm cách nào cũng ở trong khối”. Lúc đã thành khối rồi thì nghi tình 24 giờ chẳng giây phút gián đoạn mới được gọi là thành khối, nếu có một giây phút gián đoạn cũng không được gọi là “Thành khối”, chính giây phút gián đoạn ấy khiến sanh tử nổi lên, khiến vọng tưởng từ đó nổi lên, khiến Diêm La Vương thấy được, tiểu quỷ bắt được.
Lúc nghi tình thành khối thì câu thoại tự mất, chỉ còn nghi tình, khi ấy muốn tự ý buông bỏ nghi tình, buông bỏ chẳng được; cố ý muốn nổi lên một vọng tưởng nào cũng chẳng được, cảnh giới ấy gọi là “Nghi tình thành khối”, là đứng trước đầu sào trăm thước, hễ tiến lên một bước, lìa khỏi ý thức là ngộ, chẳng đại ngộ cũng tiểu ngộ, phá được Sơ quan.
Cái tiểu ngộ mà tôi thường nói ấy chỉ là giải ngộ, chẳng phải chứng ngộ, chưa phá được Sơ quan. Vì giải ngộ còn nằm trong ý thức, chưa lìa ý thức, còn đại ngộ là đã lìa ý thức rồi.
136. HỎI: Trong năm câu hỏi để tham Thiền, nếu như tự tìm ra giải đáp cho câu hỏi có được không?
- Ø ĐÁP: Ấy là lấy tâm đi tìm hiểu, lọt vào hồ nghi chứ chẳng phải chánh nghi. Tham Thiền chỉ cho chánh nghi, không cho lọt vào hồ nghi. Lại, lấy tâm đi tìm là “Ta”; phân biệt chẳng phải là “Ta”, là tứ đại giả hợp … cũng là giải thích thêm để tìm ra câu đáp án, đều là hồ nghi, chẳng phải tham Thiền.
137. HỎI: Tướng của nghi tình thế nào? Muốn phá vỡ nghi tình bằng cách nào?
- Ø ĐÁP: Không được nổi ý phá nghi tình, nếu khởi ý muốn phá nghi tình ấy là hồ nghi, chẳng phải chánh nghi, là dùng ý thức đi tìm hiểu, vĩnh viễn phá không được. Chúng ta cứ tham mãi, tham liên tục và miên mật, đến nghi tình thành khối rồi, gặp nhân duyên thuần thục sẽ tự phá. Như quá khứ chư Tổ, có vị bị đập một cái được phá, có vị thình lình thấy con khỉ leo cây cũng được phá v.v… Ấy là thình lình tự phá chứ chẳng phải khởi tâm tìm cách muốn phá. Nếu đến được chỗ đầu sào trăm thước rồi, đó là cửa vô minh, chưa có phá được, chưa có qua được, ngoại đạo đến chỗ này, thấy phía trước thanh thanh tịnh tịnh, chẳng còn đường đi, tưởng là cứu cánh, cho là đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng sự thật thì chưa, cũng còn dính líu ý thức. Đến đây nếu buông nghi tình xuống, không tiếp tục nữa, vẫn còn nằm trong ý thức, là nguồn gốc của ý thức. Như Cõi trời Phi tưởng Phi phi tưởng, mặc dù vọng tưởng không nổi lên trong nữa đại kiếp, nhưng sau đó vọng tưởng vẫn nổi lên.
138. HỎI: Trong lúc tham Thiền, giữa tình trạng không phải thức cũng không phải ngủ, thường thấy những cảnh giới khác nhau, vậy có phải là nghiệp không?
- Ø ĐÁP: Ấy gọi là cảnh giới. Cảnh giới tốt cũng không vui thích, cảnh giới xấu cũng không để ý, chỉ cần giữ cái không biết, chỉ biết có câu thoại đầu, có nghi tình, ngoài ra đều không biết tới. Cho dù Phật Thích Ca đến xoa đầu thọ ký cũng phải quét luôn, nhưng cũng không được nổi ý quét, có nghi tình thì tự động quét, chỉ là không để ý, không biết tới. Vọng tưởng nổi lên bao nhiêu đều mặc kệ, chẳng những có vọng tưởng không biết tới, kể cả không có vọng tưởng cũng không biết tới, không cần đối trị, chính câu thoại đầu đối trị tất cả.
139. HỎI: Sư phụ dạy “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, nhưng Phật tử đa số là mong cầu giải thoát, vậy có phải là sở cầu không?
- Ø ĐÁP: Khi bắt đầu tham Thiền nhưng chưa thực hành thì khởi ý cầu giải thoát, đã thực hành tham Thiền là đi trên con đường giải thoát rồi, không được cầu giải thoát nữa, có cầu là vọng. Cầu ngộ cũng là vọng, cầu thành Phật thì cái vọng ấy càng lớn nữa! Đã đi tất sẽ đến, đâu cần cầu! Ví như chúng ta đang ở Chợ lớn, xin cha mẹ cho đi Sài gòn, nếu cha mẹ chưa cho thì phải cầu xin, cha mẹ đã cho rồi thì cứ đi, dọc đường mà nói “Ta cầu đi Sài gòn”, ấy có phải là vọng không?