160. HỎI: Xin thầy cho biết con người không sanh tử như thế nào?
- Ø ĐÁP: Muốn biết con người không sanh tử phải đề câu thoại đầu lên tham, rồi mới biết được. Bây giờ tôi nói cho ông biết, ông làm sao biết được? Ví như tôi đã ăn đường thì biết vị ngọt như thế nào, ông chưa từng ăn qua, dù tôi giải thích chữ “Ngọt” từ sáng đến chiều, ngày này qua tháng kia, năm này qua năm kia cũng chẳng thể hiểu. Nay chỉ cần cho ông nếm thử một miếng đường thì “Ồ”, hóa ra đường là như thế! Cho nên, chỉ có tự mình tham tự mình ngộ, nếu nói ra được là không cần tham rồi! Chỉ cần Phật Thích Ca nói cho chúng ta biết là được, đâu cần tu chi cho cực khổ! Nếu nói ra, cho biết được, ấy là tri giải, chẳng dính dáng đến sự sanh tử.
Pháp môn Tổ Sư Thiền này rất kỵ sự tri giải, nay không học tham thiền mà cầu tri giải, là nghịch ý của Tổ sư. Tri giải là của người khác, chẳng phải của mình, như ngài Trung Phong Thiền sư thí dụ “Con dấu”, Con dấu là gì? Là lời nói của Phật, của Tổ, do Phật tự ngộ, Tổ tự ngộ rồi nói ra. Nếu lượm những lời nói của Phật, của Tổ mà cho là của mình thì là giả mạo, vì đó chẳng phải của mình, của mình phải tự ngộ mới được.
161. HỎI: Cách thức trong khi dụng công tham thiền như thế nào?
- Ø ĐÁP: Lúc tán loạn phải nhắm mắt tham, hôn trầm phải mở mắt tham. Nếu không bị tán loạn và hôn trầm thì mắt hơi mở, không nhắm hẳn. Người tham thiền chẳng cần biết có nghi tình hay không, cứ hỏi tới hoài, nhưng hỏi từ từ, đừng nên hỏi gấp quá, không được để ý vọng tưởng, hơi thở, cảnh giới tốt xấu… tất cả đều không được để ý. Hễ hôn trầm quá thì lấy nước lạnh rửa mặt, hoặc kiếm công việc khác để làm, vừa làm việc vừa tham là tốt. Tổ sư là muốn chúng ta ở trong động hạ thủ công phu, chứ không muốn chúng ta tìm nơi vắng vẻ để tham. Ở trong động tập tham lâu nhập nhưng mau kiến tánh, còn ở nơi vắng lặng tập tham mau nhập nhưng lâu kiến tánh, ba trăm năm không được kiến tánh, muốn mau lại thành chậm, nhiều người sơ cơ cứ cho là ở trong động khó tập, mặc dù khó nhưng lâu ngày cũng có thể thâm nhập được.
162. HỎI: Sao tham thiền hay quên những việc ở ngoài?
- Ø ĐÁP: Có quên là tiến bộ, quên là quên việc ở ngoài, còn câu thoại đầu thì không quên. Việc ở ngoài quên nhiều chừng nào tốt chừng nấy, như ngài Lai Quả nói: “Sau cùng phải quên cả thế giới, quên đi thân tâm, mới đạt đến cảnh giới chơn tham”. “ Vô tham tức chơn tham”, vô tham tức không biết mình đang tham, quên cả việc đang tham thiền, nhưng nghi tình vẫn còn, lúc đó đã đến thoại đầu rồi, nên những gì thông minh lanh lợi xưa nay trở nên khờ ngốc, nhưng thực tế là tiến bộ.
Muốn đạt đến cảnh giới chơn tham, như Lai Quả Thiền sư nói: “Hễ người ta gọi tên tuổi của mình, vẫn biết trả lời được tức chưa phải chơn tham; người khác hỏi mà mình quên cả tên gọi, mới là chơn tham”.
163. HỎI: Khi tham thiền quên hết, gặp việc thì thế nào?
- Ø ĐÁP: Chẳng có sao cả, ví như ngài Hư Vân, hai ba tháng quên ăn cũng chẳng sao, lại sống đến 120 tuổi. Chỉ cần giữ được căn bản “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, thì sự dụng của Tự tánh mau được hiện ra, tự động chứ không cần phải lo sợ. Cái gì cũng phải quên, chỉ có thoại đầu là không được quên.
164. HỎI: Sao câu thoại đầu có lúc đề lên rõ ràng và có lúc không rõ ràng?
- Ø ĐÁP: Nếu không rõ ràng phải đề chậm một chút, từng chữ một, rõ ràng phân minh, hễ đề gấp quá thì không rõ ràng. Đối với một số người, tâm quá gấp bách, cứ muốn đề mau, dễ khiến thần kinh căng thẳng, ấy cũng không được, phải đề chậm lại, nếu quá căng thẳng phải đề cho thật chậm.
165. HỎI: Tại sao chúng sanh tạp dụng tâm?
- Ø ĐÁP: Hàng ngày chúng ta mặc áo ăn cơm là tạp dụng tâm, nhưng Tổ sư đã kiến tánh rồi thì mặc áo ăn cơm không tạp dụng tâm. Tại sao nói mặc áo ăn cơm là tạp dụng tâm? Có một công án: Một ông quan hỏi một vị Thiền sư đã kiến tánh:
- Ngài có tu hành không?”
ĐÁP: “Có chứ ”.
HỎI: “Tu bằng cách nào?”
- “Đói bụng thì ăn cơm, buồn ngủ thì đi ngủ”.
- “Vậy thì ai ai cũng tu hành rồi! Ai lại chẳng đói ăn mệt ngủ!”
- “Khác”.
- “Khác ở chỗ nào?”
- “Ta ăn cơm chỉ là ăn cơm, còn quý vị ăn cơm chẳng chịu ăn cơm, cứ so đo đủ thứ; ta ngủ chỉ là ngủ, còn quý vị chẳng chịu ngủ, trăm điều suy nghĩ”, ấy là tạp dụng tâm.
166. HỎI: Sao gọi “Câu thoại đầu của mình” và “Câu thoại đầu của người ta”?
- Ø ĐÁP: Ý nói niệm thoại đầu là câu thoại đầu của người ta; nếu chỉ ở trong bụng thầm niệm câu thoại đầu mà không có nghi tình, là câu thoại đầu của người ta. Còn câu thoại đầu của mình là hỏi, vừa hỏi vừa thắc mắc, không hiểu nổi, đáp không ra, hỏi tiếp mãi, ấy là câu thoại đầu của mình.
167. HỎI: Thế nào là chánh tín?
- Ø ĐÁP: Tin tự tâm là Phật gọi là chánh tín, tin ngoài tâm có phật là tà tín. Tham thiền phải tin tự tâm, nếu không tin tự tâm thì dụng công thế nào cũng không được kiến tánh. Vì kiến tánh là kiến cái tự tâm, kiến tự tánh Phật, nếu không tin tự tâm thì làm sao kiến? Chỉ tin pháp môn, dù thực hành bao nhiêu năm, cực khổ bấy nhiêu cũng không thể kiến tánh được, nên phải tin tự tâm.
168. HỎI: Thiền tông giảng Kinh có lọt vào kiến giải như Giáo môn không?
- Ø ĐÁP: Sự giảng Kinh của tôi khác hơn các Pháp sư giảng Kinh Giáo môn. Vì tôi giảng Kinh là muốn mọi người tăng trưởng lòng tin tự tâm, chứ không phải là giải thích giáo lý cho người ta biết thêm về giáo lý cao siêu. Lúc tôi giảng Kinh là quét giáo lý, dù giáo lý cao siêu hơn Phật cũng quét luôn, chỉ lấy tất cả tinh thần chú vào câu thoại đầu để được mau kiến tánh.
169. HỎI: Sự minh tâm kiến tánh của người tu và học thuyết khác nhau ở chỗ nào?
- Ø ĐÁP: Minh tâm tức kiến tánh, kiến tánh tức minh tâm. Bốn chữ “Minh tâm kiến tánh” với sự thật thân chứng còn cách xa lắm, vì minh tâm kiến tánh là lời nói văn tự, còn thật chứng của mình nói không được, ngôn ngữ tiếp xúc không được, tư tưởng suy lường cũng tiếp xúc không được. Nói “Minh tâm kiến tánh” là giả danh, chỉ là phương tiện đặt ra danh từ để hiểu phần nào thôi, thuộc về lý luận, chẳng phải là thật chứng. Thật chứng phải kinh nghiệm.
170. HỎI: Tham thiền có cần cố ý khởi nghi tình không?
- Ø ĐÁP: Bắt đầu tập tham phải cố ý khởi nghi tình, tập cho quen. Còn “Dụng công ít phí sức” của ngài Trung Phong nói, là phải lấy việc sanh tử làm thiết yếu; vì không chừng ngày mai là mình chết rồi, chết thì chẳng biết đi về đâu, nay còn mạnh khỏe, phải tranh thủ giải quyết cho xong. Cho nên lấy việc sanh tử làm sự thống thiết, lâu ngày trở nên ít phí sức, ban đầu phải từ lạ tập thành quen.
171. HỎI: Làm thế nào để tin tự tâm là Phật?
- Ø ĐÁP: Ấy là do chấp thật vào lời nói; lời nói chỉ là phương tiện tạm thời, dù là lời nói của Phật, nhưng hễ chấp thật là sai. Phải ở trong lời nói hiểu ý Phật. Đức Phật thường thí dụ rằng: “Lời nói chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, nếu hiểu theo ngón tay là sai lầm, phải nhờ ngón tay chỉ mà ngó thấy mặt trăng”. Ý của Phật muốn chúng ta nhờ vào ngón tay chỉ mà thấy được mặt trăng, chứ không phải muốn chúng ta hiểu về ngón tay.
172. HỎI: Khi nào chư Tổ dùng “Khẩu đầu thiền” để khiến người khai ngộ?
- Ø ĐÁP: Khẩu đầu Thiền là nói những người không có ngộ, chỉ mượn nước miếng của người khác để dạy người, nên gọi khẩu đầu thiền, chỉ là nói bằng miệng, với kinh nghiệm thực tế chẳng dính dáng gì. Sự ngộ là do người tham đến cảnh giới đó được ngộ, chứ chẳng phải là nhờ khẩu đầu thiền được ngộ. Đến khi công phu thành khối rồi, gặp nhân duyên gì cũng có thể được ngộ.
173. HỎI: Theo lẽ thường, Sa-di theo thầy học đạo 15 năm, khi thầy xét thấy vị Sa-di đó có giữ giới, có đạo hạnh, thì thầy mới dạy Thiền. Nếu theo lời Sư phụ dạy, có phải thi phần nào không?
- Ø ĐÁP: Thầy đó không phải là tôi. Tôi dạy pháp tham Tổ Sư Thiền, pháp thiền này ai cũng tu được, bà lão 80 – 90 tuổi cũng tham được, con nít 6 – 7 tuổi cũng tham được, chưa làm Sa-di cũng tham được, huống chi đã là Sa-di rồi! Còn vị thầy mà cô nói, thầy dạy thiền gì tôi không biết, cho nên không thể nói là đúng hay không đúng. Theo giới luật thì con nít 7 tuổi là có thể làm Sa-di, trong giới luật gọi là Khu-ô Sa-di, tức biết đuổi quạ là có thể làm Sa-di.
174. HỎI: Khi tham, câu thoại đầu bị lạc qua câu khác, có được không?
- Ø ĐÁP: Không được, phải trở về câu bổn tham, giữ câu bổn tham của mình, không được lạc qua câu khác.
175. HỎI: Thế nào là hữu tình, vô tình thuyết pháp?
- Ø ĐÁP: Hữu tình là do tâm tạo, vô tình cũng do tâm tạo. Nói “Vô tình thuyết pháp” là khi người dụng công tham đến nghi tình thành khối rồi, gặp vô tình nào cũng thuyết pháp cho mình ngộ được, chứ chẳng phải thật có vô tình thuyết pháp.
176. HỎI: Thế nào là thấy bản lai diện mục?
- Ø ĐÁP: Thấy bản lai diện mục tức kiến tánh. Ngộ có chứng ngộ và giải ngộ, kiến tánh là chứng ngộ, còn giải ngộ chẳng phải chứng ngộ, đối với sanh tử chẳng dính dáng gì cả.
177. HỎI: Làm sao phá bỏ năng tri và sở tri?
- Ø ĐÁP: Không cần phá bỏ. Tôi dạy mọi người không được buông bỏ vọng tưởng, không được đè nén vọng tưởng. Không được phá trừ, cũng không cần tác ý phá trừ, chỉ đề khởi câu thoại đầu tham tới mãi, nghi tình là cây chổi tự động quét sạch.
Về vấn đề năng tri và sở tri: Lục căn là dùng để tri, phải không? Nhưng trong Tâm Kinh nói “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý”, chữ VÔ là cây chổi để phá lục căn, vì cái tri do lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, ấy là vọng tri. Trong quyển 2 của Kinh Lăng Nghiêm, Phật thí dụ rằng do con mắt bệnh nên thấy hoa đốm trên không, thật ra trên không chẳng có hoa đốm! Cũng như thấy có núi sông đất đai, có quốc độ chúng sanh, có Phật, Bồ-tát v.v… tất cả đều do con mắt bệnh từ vô thỉ, do có biết mới thấy như thế.
Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri giác nãi chúng sanh”. Có tri giác tức thành chúng sanh. Chư Phật chẳng phải không có tri giác như gỗ đá, nhưng tri giác của Phật chẳng năng sở đối đãi, không có năng tri sở tri, năng giác sở giác, vì năng sở đối đãi là do tâm tạo, là vọng.
Trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói: “Dẫu cho diệt hết tất cả kiến,văn, giác, tri, trong giữ u nhàn, vẫn là bóng phân biệt của pháp trần”, huống là lấy cái tri của lục căn tiếp xúc lục trần! Có cái tri rõ ràng, cũng là cái vọng rõ ràng.
178. HỎI: Tham thiền có cần kiến giải không?
- Ø ĐÁP: Về Giáo môn là phải tìm hiểu giáo lý, nhưng giáo lý chỉ thuộc về lý luận, theo Giáo môn là tín, giải, hành, chứng, bất cứ pháp môn nào, trước tiên phải tin, giải là hiểu, hiểu được giáo lý rồi phải thực hành, có thực hành mới chứng theo từng cấp bậc. Còn Thiền môn cũng có tín, có giải, nhưng sau khi bắt đầu thực hành thì mọi sự hiểu biết, kiến giải phải cắt đứt, gọi là hành khởi giải tuyệt. Nên đã thực hành tham Thiền rồi còn đi tìm hiểu, ấy là hồ nghi chứ chẳng phải chánh nghi.
179. HỎI: Tu thiền một thời gian được phát huệ, sau đó lại trở nên khờ khạo, vậy có mâu thuẫn không?
- Ø ĐÁP: Đó không phải là mâu thuẫn, mà là tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người có khác, nên có sai biệt. Có người phát huệ được tiểu ngộ, tức trải qua nhiều giải ngộ, đó đối với những người ham tri giải có thể được, nhưng không phải cần thiết, vì có một số người sau khi phát huệ tiểu ngộ rồi, lại bị cái huệ đó chướng ngại, chẳng được tiến tới nữa. Đối với những người không cầu tri giải thì khỏi cần tiểu ngộ mà trực chứng đại ngộ, ấy là tốt hơn.
Thật ra việc phát huệ không phải có ích mà là có hại, bởi vì thường do được phát huệ rồi lại tăng thêm ngã chấp, Phật pháp phải phá ngã chấp, nếu không phá được ngã chấp lại còn tăng thêm là có hại. Nhưng vì lúc ban đầu chỉ có một mình tôi hoằng dương pháp Tổ Sư Thiền, do muốn tăng trưởng lòng tin cho mọi người, nên đưa ra sự thật về việc phát huệ của Phật tử cho người ta dễ tin, sau này lòng tin của mọi người vững rồi, thì tôi nói với Phật tử rằng sự phát huệ đó không cần thiết. Nếu như phát huệ mà không khởi chấp thì còn được, nhưng hễ chấp vào đó thì bị chướng ngại vô cùng.
Bên Giáo môn muốn phát huệ mà không được, còn Thiền môn đạt được phát huệ là phải quét, chẳng những giải ngộ phải quét, chứng ngộ cũng phải quét! Sau khi phá được Sơ quan xong không quét sạch là chẳng thể tiến đến Trùng quan; phá được Trùng quan mà không quét thì chẳng thể tiến đến Mạc hậu Lao quan. Do đó, chứng đại ngộ rồi cũng còn phải quét, chứ chẳng phải chỉ quét tiểu ngộ mà thôi.