Làm thế nào bạn có thể áp dụng việc tu
tập trong đời sống bận rộn hằng ngày? Ðây là một trong những câu hỏi mà
phóng viên tờ Mandala đã phỏng vấn bác sĩ Alan Molloy, một thành viên
lâu năm của Viện Phật học Tara ở tiểu bang Melbourne, Úc, một người đã
chứng kiến sự phát triển của đạo Phật tại quốc gia này từ cuối thập
niên bảy mươi đến nay. Trong bài nói chuyện này, ông chia sẻ với độc
giả những kinh nghiệm tu học của mình trong đời sống hằng ngày.
Bác
sĩ Alan Molloy đang làm việc toàn thời gian ở một bệnh viện ung thư lớn
nhất tại tiểu bang Melbourne, Úc và khoa Lão ở một viện dưỡng lão. Gần
đây, ông còn là giảng viên thỉnh giảng về môn "Tôn giáo Tỷ giáo" ở các
đại học Australia.
Công việc vẫn không ngừng khi bác sĩ Alan
về nhà. Nhà ở đây là Viện Phật học Tara (VPH Tara), nơi ông đã cư trú
chín năm qua với một nhóm ba mươi lăm thành viên khác. Ở VPH Tara, Alan
là một trong những giáo viên Phật học đứng lớp hằng tuần. Ông cũng phụ
trách giảng dạy giáo lý ở nhiều trung tâm khác. Và như một học trò,
Alan đang theo học lớp Phật học cao cấp hằng tuần do TT Geshe Doga và
HT Tsong Khapa hướng dẫn. Năm rồi, Alan đã thành lập và điều hành một
cơ sở in ấn tài liệu cho viện. Năm nay, Alan là một thành viên trong
ban tổ chức chuyến viếng thăm Úc của đức Ðạt Lai Lạt Ma vào tháng 9 tới.
Lần
đầu tiên, BS Alan tiếp xúc với Phật giáo vào năm 1975. Lúc đó, ông thấy
tờ áp-phích quảng cáo dán ở Ðại học Melbourne về một buổi diễn thuyết
của một Tăng sĩ Tây Tạng. Ông đã đến nghe và liền xin theo học giáo lý
tại một ngôi nhà nhỏ ở ngoại vi Melbourne, đó là tiền thân của VPH Tara
bây giờ. Năm 1979 trong kỳ nghỉ phép, Alan cùng với ba người bạn sang
thăm Nepal và kết thúc chuyến đi này bằng một lễ quy y. Alan trở thành
một tín đồ Phật giáo và phát nguyện giữ gìn năm giới.
Trở lại
Melbourne, ông tiếp tục học giáo lý với TT Dawo. Năm 1985 TT Dawo
thuyên chuyển về Ấn Ðộ và TT Geshe Doga thay thế. Nói về vị Thầy này,
Alan cho biết: "TT Doga là giáo sư thuộc phái Hoàng Mạo, xuất thân từ
Phật học viện Sera, có công đào tạo nhiều thế hệ Tăng sĩ Tây Tạng. Ngài
rất thông hiểu tập tục và ngôn ngữ của người Tây phương. - Sera, Ngài
là thầy của chúng tôi, chúng tôi thực sự rất may mắn". Năm 1985, BS
Alan đi Thụy Sĩ dự khóa tu Mật tông Kalachakra do đức Ðạt Lai Lạt Ma
làm đàn chủ và sau đó theo hầu TT Zopa Rinpoche trong một chuyến đi
hoằng pháp thế giới. Tiếp đó, Alan làm việc năm tháng trong một bệnh
viện nhi đồng ở Dharamsala, Ấn Ðộ. Sau đó, Alan đi Anh quốc để tu
nghiệp về một khóa học đặc biệt.
Hoàn tất khóa tu nghiệp ở
Luân Ðôn, Alan trở lại Melbourne và đi làm ở bệnh viện. Sau đó ông được
cử làm trưởng ban điều hành công trình xây dựng VPH Tara. Ông bắt đầu
tìm kiếm, vận động và mua một miếng đất để xây dựng VPH Tara. Vì lúc
ấy, Tara quá nhỏ không thể làm nơi sinh hoạt cho số lượng Phật tử đang
gia tăng.
Lúc đầu công việc gần như bế tắc, vì không có nơi
thích hợp và không đủ kinh phí. Nhưng cuối cùng BS Alan cũng tìm và mua
được một nơi đàng hoàng, đó là một dinh thự được xây dựng từ cuối thế
kỷ thứ 19 trên một mẫu đất nằm ở ngoại ô Melbourne. BS Alan nhớ lại
việc mua lúc đó: "Mua được VPH Tara, theo tôi, đó là một bước nhảy vọt
phi thường ngoài khả năng của chúng tôi. Viện đã cung cấp cho chúng tôi
thêm sức mạnh trong công tác truyền bá PG vào thế giới phương Tây. Lúc
đó chúng tôi không có một đại thí chủ nào ủng hộ. Nhưng với tấm lòng
thành, nỗ lực và kết hợp của hàng ngàn Phật tử, họ đã làm việc đều đặn,
cặm cụi trong nhiều năm để đóng góp kinh phí cho Tara. Chính tính cần
cù và đều đặn này của Phật tử đã giúp cho VPH Tara thành công".
Thật
vậy, trong khoảng mười năm qua, VPH Tara ở Úc là một trong những trung
tâm PG lớn nhất thuộc PG Tây Tạng ở phương Tây. Chương trình học giáo
lý hàng tuần vẫn diễn ra đều đặn gồm tối thứ hai giới thiệu các lớp,
tối thứ ba môn triết học PG, tối thứ tư thảo luận những gì đã học, cuối
tuần là thời gian để tụng niệm và thiền định. Tuần lễ đông nhất có đến
trên 300 Phật tử về dự.
VPH Tara cũng điều hành các khóa học
thiền cho người bệnh kinh niên và các khóa học cho những người tình
nguyện giúp đỡ người lớn tuổi và người bệnh. Viện cũng ủng hộ cho các
tổ chức cộng đồng địa phương và điều hành một ngân quỹ từ thiện. Ðặc
biệt, VPH Tara đã cung cấp nhiều giảng viên Phật học để làm công tác
giảng dạy cho nhiều cộng đồng ở Úc.
Về công tác chuyên môn ở
bệnh viện, BS Alan đối diện với cái chết hằng tuần, thậm chí hằng ngày.
Theo kinh nghiệm ông cho rằng người già trong xã hội phương Tây luôn
đối diện, cô đơn và sợ hãi trước cơn vô thường của bệnh tật và chết
chóc. Ðó là một nhu cầu rất lớn cho các trung tâm ở thành phố như Tara
phải cung cấp và hướng dẫn họ về đời sống tâm linh. BS Alan nói "Tuổi
già là cái mất mát kéo theo những mất mát khác như sức khỏe, tính năng
động, nhục dục, cha mẹ, vợ con, tài sản... Cái chết, vô thường và
nghiệp lực là cái đáng sợ hãi của tuổi già. Ðiều quan trọng là người ta
có được giải thích tại sao họ chết và cái gì xảy ra sau khi chết?".
"Cái
chết thường đi kèm sau cái bệnh, có nghĩa là chúng ta không thể tu tập
được. Vì thế rất quan trọng để nghĩ rằng hiện tại chúng ta đang khỏe
mạnh, ta đang có cơ hội để tu tập, chuẩn bị con đường tâm linh cho
mình. Tôi có được cái may mắn là trong nghề nghiệp chuyên môn tôi nhận
ra điều này trong mọi lúc và tôi không ngừng được nhắc nhở về điều đó.
Chính nó đã tạo cho tôi có một sức mạnh để tu tập. Người Tây phương cần
được hiểu về cái chết và giáo lý vô thường để họ có thể vượt qua khổ
đau trong giai đoạn cuối của cuộc đời".
Hiện nay, BS Alan đang
chờ đợi sự tái sinh của vị thầy bổn sư của ông, đó là HT Geshe Dhargyey
vừa viên tịch vào năm rồi ở Tân Tây Lan. Năm nay, BS Alan bận rộn cho
công tác chuẩn bị chuyến viếng thăm và truyền pháp của Ðức Ðạt Lai Lạt
Ma ở Úc (từ 16/9 đến 1/10/1996). Ông cũng là người tổ chức hai chuyến
viếng thăm trước đây (năm 1982 và 1992) của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Ðặc
biệt, năm 1992 BS Alan muốn cho mọi người tận mắt thấy Ðức Ngài, nên
ông đã tổ chức buổi diễn thuyết tại Trung tâm quần vợt quốc gia, có
trên 20.000 người về dự trong dịp đó.
Phật giáo là một tôn
giáo phát triển nhanh nhất ở Úc. Với hàng trăm ngàn tín đồ của 18 triệu
dân. Phật giáo Tây Tạng có mặt ở Úc từ giữa những năm bảy mươi của thế
kỷ này và đến nay đã có mười ba Trung tâm PG của người Tây Tạng ở Úc.
BS Alan rất hồ hởi và nói về chuyến viếng thăm lần này của Ðức Ðạt Lai
Lạt Ma: "Lần này chắc sẽ vui lắm. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 rất thương
mến và quan tâm đến Phật tử ở Úc châu. Lần này Ngài trở lại Australia
giống như ghé thăm một người bạn cũ. Nhiều người sẽ đến nghe Ngài giảng
và cuộc sống của họ sẽ thay đổi".
(Tổng hợp theo các tạp chí Mandala và Tricycle từ năm 1995 đến 1997)