Em Đường – Thạnh,
Hiểu về cảnh giới giúp cho ta có cái nhìn
tổng quát về vũ trụ nhân sinh, khỏi mập mờ chạy theo những chốn hiểm nạn, thấy
được rõ ràng đường đi cho tương lai.
(*) Đi về đâu? Nên đi về những cảnh
giới thiện. Hãy tránh xa những cảnh giới ác. Cảnh giới nào là thiện? Đối với
địa ngục thì cảnh ngạ quỉ là thiện, đối với ngạ quỉ thì cảnh súc sanh là thiện,
đối với súc sanh thì cảnh giới người là thiện. Chúng ta đang ở trong một cảnh
giới thiện là người, nhưng cái thiện của cảnh giới người chỉ so sánh được đối
với loài súc sanh, loài ngã quỉ, với các loài chúng sanh đã bị rơi vào địa ngục
mà thôi, chứ không thể so bì được với các cảnh giới cao hơn! Do đó, tu hành mà
không thể vượt lên khỏi cảnh người thì khó trốn thoát khổ nạn. Đã là người, lại
tu hành để thành người, thì cuộc đời này có tu mà không có tiến, sự chuyển hóa
đành phải giậm chân tại chỗ! Vạn sự vạn vật luôn luôn tiến hóa. Cảnh giới của
vũ trụ nhân sinh chuyển biến không ngừng. Thì trong dòng nhân sinh này con
người phải biết lèo lái con thuyền huệ mạng của mình tiến về cội nguồn hạnh
phúc. Nếu đứng lại là lùi, dòng nghiệp lực sẽ lôi ta tới tận cùng của sự thảm
hại! Tu mà không tiến thật là oan uổng vậy!
Đường-Thạnh em, đã trải qua bao nhiêu nỗi
khổ, khổ đến nỗi các em không thể diễn tả thành lời, thì nay đọc được những lời
thư này, có lẽ các em dễ dàng chấp nhận? Sự phát hiện này giúp ích nhiều cho
các em trong việc xây dựng nhân sinh quan mới, cái nhìn mới cho tương lai. Biết
được cảnh giới một cách tổng quát sẽ có lợi cho các em để quyết định cái hướng
tu hành. Tất cả hãy dồn vào việc tu sửa để chắc chắn mình phải về được các nẻo
thiện, xa lìa các đường ác.
(*) Cảnh giới thiện hay ác là như thế nào? Thiện hay ác đều đặt
trên tiêu chuẩn tương ứng để phân minh. Tiêu chuẩn cao cảnh giới thiện cao,
tiêu chuẩn thấp cảnh giới thiện thấp. Tiêu chuẩn thấp thì tuy là làm thiện
nhưng kết cuộc vẫn còn mang nhiều quả ác. Làm thiện mà hưởng ác, sau cùng chịu
nạn là sự việc thường tình của thế gian chỉ vì tiêu chuẩn thiện ác đã đặt quá
thấp. Các em hãy xét qua những ví dụ sau đây:
(*) Người là một cảnh giới thiện! Đúng. Nhìn xuống các
loài súc vật thì thấy con người cao cả, cho nên mới có câu nói: “Con người là
loài chí linh của vạn vật”, từ đó mới nẩy nở ra nhưng tư tưởng tự tôn, đưa con
người lên cao nhất. Trong thuyết Tam-tài: Thiên-Nhân-Địa, thì vị trí con người
đã đặt ngang hàng với trời đất. Còn hơn thế nữa, con người còn là trung tâm,
đứng giữa làm trọng tài cho trời với đất: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm
dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí”, (Người là cái đức của
trời đất, chỗ giao kết của âm dương, nơi hội tụ của quỉ thần, là khí tốt của
ngũ hành vạn vật). Chính vì thế mới nẩy sinh ra những chủ trương tu hành mong
được tái sanh làm người hưởng phước(?), để kết cuộc phải chịu đọa lạc một cách
đắng cay! Nhiều nơi còn cho rằng con vật sinh ra là để nuôi sống con người. Cái
lý luận “Vật dưỡng nhơn” cho phép họ tự nhiên giết sanh vật để ăn uống, tiệc
tùng, say sưa không một chút áy náy xót thương! Tội lỗi! Nếu hiểu được nhân
duyên quả báo, thì quan niệm này làm sao có thể chấp nhận được!
Thực tế, cảnh giới người là mức thiện tối
thiểu, là bờ mé của Tam đồ, chỉ khá hơn đối với ba đường ác đạo mà thôi, chứ
làm gì tới chuyện cao ngang hàng với trời đất! Vũ trụ pháp giới mông huân, có
thể gom thành thập pháp giới, chúng sanh trong mỗi pháp giới đều có tánh linh,
hay gọi là chơn tâm, Phật tánh. Phật tánh bình đẳng, vạn vật đều có tánh bảo
thủ sanh mạng thích sống sợ chết, thì làm gì có chuyện một sanh vật này sinh ra
để hiến thân cho một sanh vật khác? Chỉ vì thèm ăn thịt lẫn nhau mà chúng sanh
đánh mất tâm từ bi, đoạn mất chủng tử Phật của chính mình!
Người là một cảnh giới thiện! Không sai! Vì
đa phần con người có chút lý trí, thông minh hơn con vật. Nhưng đối với chư
quỉ-thần thì người còn thấp thỏm, còn đầy dẫy xấu ác, còn nằm trong tầm tay chế
ngự của quỉ-thần. Là cảnh giới vô thường sống để chờ ngày đọa lạc, thì có gì
đâu mà cao! Biết vậy thì cầu xin về lại cảnh người làm chi để phải chịu đọa
lạc, chờ ngày thọ đại nạn! Trong rất nhiều thư trước anh thường nhắc đến việc
này rồi, chắc các em đã hiểu. Hôm nay các em đã biết được cảnh giới thì thấy
được vị trí con người trong vũ trụ, xác định được hướng cầu tiến. Vậy thì, các
em cũng nên phát tâm cứu độ người, khuyên người tiến lên, đừng xúi người lùi
lại.
(*) Cứu bằng cách nào? Đầu tiên hãy cố gắng
tự cứu mình trước, sau đó phát nguyện cứu cha mẹ để trả tròn chữ hiếu. Nếu phát
tâm chân thành thì chư Phật, chư Bồ-tát, chư Long Thiên Hộ Pháp gia trì, công
đức của các em tự nhiên lan rộng, nghĩa là các em cứu được nhiều người.
(*) Tự cứu mình là chính mình phải biết tu sửa lỗi lầm, nâng cao cảnh
giới mình lên. Ví dụ: nếu có tính tình nóng giận, thì giận dữ là cảnh giới địa
ngục. Nếu tiếp tục sống thường xuyên với sự sân giận thì không trước cũng sau
phải vào địa ngục. Địa ngục là cảnh giới tệ hại nhứt trong thập pháp giới!
Người khôn ngoan phải tự tìm cách xa lánh, nghĩa là bắt đầu từ hôm nay phải
biết sợ hãi sự nóng giận. Từ cảnh giới địa ngục muốn nâng lên đến cảnh giới
cao, thì tu hành cụ thể nhất là phải tập bỏ cho được cái tâm sân giận. Ghi ngay
một hàng chữ: “Sân giận là địa ngục” rồi ngày ngày nhìn nó để tự răn đe mình,
hãy tự lập ra kỷ luật để đối trị. Ví dụ, lỡ có điều gì không vừa ý thì: phải
ngậm miệng lại, bỏ đi ra chỗ khác, uống một ly nước lạnh, hãy nghĩ rằng điều đó
chưa chắc họ đã sai nên ta không được phản kháng, v.v… Nếu lỡ phát nóng giận
thì sau đó phải quì trước bàn thờ xin sám hối. Nghiêm khắc với chính mình, như
vậy một thời gian thì có thể phá được sân giận. Anh thường nói, tu hành phải
bắt đầu hạ thủ từ chỗ nguy kịch nhất mới có thể kịp thời cứu huệ mạng của mình.
Cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nếu không phá được thì dù có niệm Phật
cho vỡ hầu đi nữa cũng khó thoát nạn!
Trong kinh Phật dạy rằng, được thân người
khó lắm! Tỉ lệ con người chết được tái sanh làm người hiếm hoi ví như đất trong
lòng bàn tay, còn bị đọa lạc vào các đường ác thì nhiều như đất trong đại địa.
Tại sao lại bi thảm như vậy? Vì con người càng ngày càng ít tu hành, mà lại ưa
làm điều xấu ác, nói điều xấu ác, nghĩ điều xấu ác, để trở thành người xấu.
Người xấu thì tạo nhân xấu, nhân xấu để hưởng quả xấu ở các cõi: địa ngục, ngạ
quỉ, súc sanh. Vì thế, tu chỉ để được làm người thì tương lai rủi nhiều hơn
may! Một khi lỡ sa vào ác đạo rồi thì khó có ngày thoát ra được.
Sở dĩ khó thoát là vì: một là, ngu si như
loài súc vật, chấp vào đó không ra được. Hai là, thọ mạng quá dài, như ở địa
ngục và ngã quỉ chẳng hạn, muốn chết cho hết báo thân để thoát mà chết không
được.
Nên nhớ, nếu là cảnh sống an vui, tốt đẹp
thì thọ mạng càng dài càng tốt. Ngược lại, cảnh giới xấu xa tồi tệ thì mạng
sống càng dài càng thêm khổ đau. Ví dụ như trong thư trước anh có nói đến địa
ngục “Quang Tựu Cư”, một ngày ở đó dài bằng ba ngàn bảy trăm năm mươi năm ở
nhân gian, (3.750 năm), tuổi thọ một vạn tuổi. Như vậy muốn thoát được nạn thì
ít ra phải chịu nạn mười ba ngàn năm trăm tỉ năm mới mãn. (Con số 13.500 tỉ năm
là con số tượng trưng trong kinh nói, chứ nếu tính bằng phép nhân thì có thể
lên tới trên 16 ngàn tỉ). Các em hãy tưởng tượng thử, thời gian này dài lâu đến
cỡ nào! Giả sử như từ ngày Phật còn tại thế, một người ngỗ nghịch phỉ báng pháp
Phật, phải bị đọa xuống địa ngục. Từ đó tới nay đã qua ba ngàn năm rồi, trên
nhân gian đã thay đổi qua không biết bao nhiêu thời đại, không biết bao nhiêu
biến chuyển, không biết bao nhiêu tiến trình, thì trong suốt thời gian dài lâu như
vậy người đó mới chịu nạn ở địa ngục chưa mãn một ngày! Còn bao lâu nữa mới
thoát khỏi địa ngục? Anh làm thử bài toán cho các em thấy: 13.500.000.000.000
năm – 3.000 năm = 13.499.999.997.000 năm, (đọc là: 13 ngàn 500 tỉ năm, trừ đi 3
ngàn năm, còn lại 13 ngàn 499 tỉ 999 triệu 997 ngàn năm) nữa mới có thể thoát.
Suốt thời gian này người bị đọa địa ngục phải tiếp tục chịu cực hình. Hãy nghĩ
thử coi, sự thống khổ nói sao nên lời! Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói người
làm ác thì: “tự nhập tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, lũy kiếp
nan xuất, thống bất khả ngôn”. Những sự khổ này quá lớn! Quá kinh khủng! Đây là
một sự thật, không ngoa!
Người nào quá bướng bỉnh, quá ngông cuồng,
ưa buông lời phỉ báng Phật pháp, muốn thách thức cảnh địa ngục, hãy xem lại
thời gian này cho thật kỹ, liệu rằng mình có khả năng chịu đựng được sự thống
khổ đó hay không? Nếu được, thì cứ tiếp tục làm điều sai trái để chờ ngày xuống
đó mặc sức mà thử! Còn nếu sợ, thì phải gấp rút sám hối tội lỗi, làm lành lánh
ác, tránh nói thị phi, đừng ganh ghét đố kỵ. Phải ngày đêm niệm Phật, thành tâm
tu hành, tích công tồn đức để tiêu trừ nghiệp chướng… Có như vậy thì mới mong
được cơ thoát nạn. Muốn tu hành nhất định phải nhớ những điều này!
(*) Cứu cha mẹ bằng cách nào? Cứu người hãy tận
lực, nhưng tùy duyên. “Tận lực” là phát tâm nguyện tận tình cứu độ cha mẹ được
vãng sanh. “Tùy duyên” là cha mẹ có muốn được vãng sanh hay không, hoặc thích
đi theo đường đọa lạc thì hoàn toàn tùy theo duyên phần của người, chứ chúng ta
không có cách nào chịu trách nhiệm chuyện này được.
Vấn đề đặt ra cho chính mình là có thành tâm
làm việc này hay không? Nếu không chân thành thì bất hiếu, bất nghĩa! Nếu chúng
ta đã tận lực làm, tận tâm lo liệu, nhưng cha mẹ không chịu theo, cứ bám lấy
trần tục để chịu khổ nạn thì ta cũng đành chịu thua. Cho nên, phận làm con có
đạo nghĩa, có hiếu thảo, thì cứ tận tâm tận sức cứu độ song thân trước đã, đừng
đặt lên vấn đề làm chướng ngại việc trả hiếu. Một người làm không xuể thì vận
động anh chị em để cùng làm, hãy nỗ lực mà làm. Việc làm vì đại hiếu, hợp với
đạo, hợp với đại nguyện của Phật thì lo gì không có sự gia trì.
Cụ thể là các em cần tổ chức niệm Phật chung
với cha má. Điều này rất quan trọng, cần phải thực hiện. Người tu hành, miệng
nói niệm Phật, nhưng thực tế thì thích đi dạo xóm, đánh cờ tướng, bàn chuyện
thế sự, nói chuyện thị phi, lo chuyện danh vọng hão huyền, còn công phu niệm
Phật chỉ dành lại trong những lúc tùy hứng hay rãnh rỗi, thì thành thực mà nói,
rất khó được vãng sanh. Tại sao vậy? Vì tâm không chuyên nhứt, lòng không thiết
tha thoát ly sanh tử luân hồi, chí hướng vãng sanh không mạnh, thành ra còn lưu
luyến ham thích sự đời. Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm thích ở đâu,
tương lai sẽ về đó. Ta mất phần vãng sanh, tương lai bị đọa lạc là do chính
mình muốn vậy, chứ không phải vãng sanh khó!
Cho nên, thực tập niệm Phật, tổ chức những
buổi niệm Phật thường kỳ chung với nhau rất cần thiết, rất quan trọng. Hãy nên
làm chuyện này để nó trở thành một thứ tập quán quen thuộc và thích thú đối với
mọi người. Nhờ thế chúng ta vừa có công phu huân tập, vừa có công đức giải
nghiệp, vừa củng cố ý chí vãng sanh, vừa thực hành sự hộ niệm an toàn cho nhau
khi lâm chung. Nếu thực hiện được điều này, thì anh nghĩ rằng, mọi người lần
lượt đều được giải thoát, trong tương lai không lo sợ gì nữa. May mắn biết
chừng nào! Thiện căn lớn biết chừng nào! Phước đức lớn có gì sánh bằng! Rõ ràng
đường vãng sanh thành đạo đang ở ngay trước mắt của mọi người, chỉ cần biết hỗ
trợ thì thành công.
Quyết tâm tu hành, quyết lòng cứu độ song
thân, thì phải tha thiết, thành tâm lấy lòng hiếu thảo mà làm, chứ không thể
miệng thì nói hiếu mà tâm thì chạy theo thói đời, tính toán, thị phi.
Vừa rồi anh có nhận một tin, có người phát biểu rằng: “Ở An Thái người ta tu
nhiều thì tổ chức niệm Phật dễ, còn ở Đông Lâm ít ai tu hành mà mình tổ chức
niệm Phật thì thiên hạ sẽ cười thối đầu”. Các em nghĩ sao về câu nói này? Có
tình, có nghĩa, có hiếu đạo không? Sự khen chê của thiên hạ không lợi cho mình
một đồng cắc mà ta còn coi quí hơn cái sanh mạng của cha mẹ, thì phải chăng
lòng thương kính của mình đối với cha mẹ chưa đáng đến một đồng xu. Sự hiếu
hạnh gì mà tệ dữ vậy! Cái tình người gì mà tệ dữ vậy! Cái tấm lòng của người
con sao mà tệ dữ vậy!
Cái đầu mình có bị thối là tại vì không chịu
tắm gội cho sạch sẽ mới thối, chứ cớ chi lại đổ thừa cho thiên hạ cười chê! Tâm
mình hàng xóm chưa biết ra sao, mà mình lại ôm giữ lấy những tư tưởng sai lầm,
những kiến chấp hẹp hòi, những danh vọng hão huyền, những ý nghĩ ích kỷ, những
tình cảm nông cạn… toàn là những chuyện thị phi tầm thường của nhân thế, mà lại
đi xem nhẹ tình thương cha mẹ, lẩn tránh việc trả hiếu đối với đấng sanh thành,
thì hãy tự hỏi thử mình thuộc hạng người nào đây? Tốt hay xấu?
Đúng ra, người con hiếu hạnh, muốn cứu độ
cha mẹ mà lỡ bị hàng xóm mê muội chê cười, làm khó khăn, thì ta phải ráng chịu
khó vượt qua trở ngại, cắn răng chịu đựng sự hiểu lầm để quyết cứu độ cho được
người thương yêu của mình mới phải chứ. Giả sử, sự chê cười của hàng xóm có sức
mạnh đến nỗi phải còng đầu mình ra bêu trước thiên hạ, thì vì chữ đại hiếu ta
phải hy sinh, chịu quì lạy hàng xóm tha thứ cho ta. Hơn nữa còn phải tận sức
giảng giải đạo lý, mời gọi họ nên quay đầu về với chánh giác, đồng thuận với
mình để cùng giúp mình hoàn thành công đức cứu độ. Đó mới hiếu, đó mới là đại
nghĩa, đó mới là người trượng phu đáng khen chứ! Nói vậy là đến chỗ tàn tệ, chứ
làm gì xảy ra chuyện này. Trong những ngày về thăm quê, anh tổ chức niệm Phật
liên tục, có thấy ai cười chê anh đâu.
Vì một ý nghĩ sai lầm mà trở thành mê muội!
Đã mê muội vô lượng kiếp rồi, nay đã khám phá ra sự mê muội, lại còn tiếp tục
chạy theo mê muội mà có được mùi thơm à. Thơm gì đây?!!! Xin tất cả anh chị em
lắng lòng suy nghĩ kỹ. Đối với đấng sanh thành, trong đời này ta chỉ có được
một dịp trả đại hiếu mà thôi. Xin đừng sơ ý mà làm kẻ đại nghịch bất hiếu.
Cái nhân phẩm con người cao hay thấp ở chỗ
có chánh tâm thành ý làm điều phước thiện hay không. Làm thiện mà chánh tâm thì
việc nhỏ công đức vẫn lớn. Làm thiện với thành ý thì việc lớn công đức sẽ lớn
bao trùm pháp giới. Đem công đức này hồi hướng Tịnh-độ thì làm sao mà không
vãng sanh. Một người được vãng sanh thoát ly sanh tử hay không chính ở chỗ
chánh tâm thành ý này. Còn người làm thiện mà tà tâm, tà ý thì việc thiện dù có
lớn, có ồn ào tới đâu rốt cuộc vẫn bị quả báo xấu. Tại sao vậy? Phật dạy, “Nhất
thiết duy tâm tạo”, nhân tâm đã tà vạy, thì quả báo làm sao tốt được! Chính
những điều tà vạy này nó nhuộm đen cái tâm mình, nó tàn hại cái sắc tướng mình,
nghĩa là chính mình làm hư mình đó chứ sao lại đổ lỗi cho hàng xóm! Sống trong
sạch, hiền lương, có nghĩa, có tình, có hiếu, hết lòng trả đại hiếu với song
thân, thì thiên hạ sẽ khen không hết lời, làm gì lại có chuyện phải bị “cười
thối đầu”?
Ở những nơi có nhiều người tu hành, là do
thiện căn phước đức ở đó. Gặp hoàn cảnh thuận lợi mà quyết tâm tu hành, có hiếu
hạnh thì đã quí. Những nơi không có người tu mà mình biết tu, hoàn cảnh không
thuận lợi mà mình quyết tâm cứu độ song thân, thì công đức lại càng lớn, việc
làm lại càng quí hóa, hiếu nghĩa lại đáng kính phục hơn. Cái nhân phẩm con
người cao hay thấp chính là ở chỗ này, chứ tại sao chỉ vì một chút ái ngại viễn
vong mà đành lòng phụ ân cha mẹ?!
Cho nên, các em hãy nghe lời anh, phải lấy
chữ hiếu thảo làm trọng, phải cùng nhau nỗ lực cứu độ cha mẹ vãng sanh, đừng sơ
ý mà ân hận suốt đời, mà chịu tội bất hiếu ngàn kiếp khó gỡ! Thà rằng mình
không biết thì thôi. Chứ nay đã biết đạo, nếu thấy người sanh thành của mình có
thể bị nạn, ta có cách cứu mà không chịu cứu, thì cái tâm này quá hẹp hòi, vô
đạo! Tội lỗi này biết ngày nào mới trả cho hết đây?
Mình cứu cha mẹ thì ngày mình lâm chung sẽ
có người cứu mình. Mình không chịu tận tâm cứu cha mẹ, thì ngày lâm chung của
mình sẽ không có ai tới cứu mình. Nhân quả tương xứng, bất hiếu phải đền trả
bằng sự bất hiếu, vô nghĩa phải đền trả bằng sự bất nghĩa. Bây giờ chưa thấy,
nhưng đến lúc đối diện với sự thật hãi hùng rồi, có ân hận cũng đành thừa, có
khóc than thì cũng vô ích mà thôi!
Cha mẹ mình sống có cái căn bản về đạo đức
đó là cái nền tảng để được cứu độ, nhưng theo anh thấy rằng, sự hỗ trợ của con
cái rất là quan trọng, không thể thiếu. Cha mẹ mình có niệm Phật, có nguyện
vãng sanh, nhưng nhìn cho kỹ thì đường tu vẫn còn có sự lệch tâm. Sự lệch lạc
này anh nói rất nhiều rồi, nhưng chắc chắn chưa ai quyết lòng điều chỉnh. Anh
đang tận lực cảnh tỉnh, nhưng một mình anh không đủ sức chuyển xoay tình thế.
Anh tha thiết kêu gọi tất cả anh chị em, hãy ý thức điều này. Hãy thấy rằng, sự
thiện chung của cha mẹ là điều rất quan trọng, rất quí hóa. Ngược lại, nếu
không cứu được thì rất là tội nghiệp cho cha mẹ, đau đớn không biết chừng nào
đối với người sanh thành ra mình.
Vậy thì, hãy họp lại để lo, hãy gắng sức hổ
trợ, phải biết hy sinh chút ít tiền bạc và thời giờ để chu toàn chữ hiếu. Nhân
duyên quả báo tơ hào không sai. Người hiếu nghĩa chắc chắn nhận quả báo tốt
lành, chư Phật, chư Bồ-tát, Long Thiên bát bộ sẽ gia trì cho mình. Làm việc
hiếu nghĩa đừng lo sợ thiệt thòi. Cho nên, nhắn nhủ toàn thể anh chị em phải
sớm chu toàn lo chữ hiếu vậy.
(*) Chu
toàn bằng cách nào? Hãy đọc lại những lời thư của anh, tất cả mọi thư của anh dù gởi
cho bất cứ ai cũng chỉ có một mục đích “Khuyên người niệm Phật”. Từ bất cứ mọi
cảnh giới, mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện đều có thể niệm Phật được. Anh Năm
trả lời bất cứ mọi câu hỏi, giải quyết tất cả những khó khăn cũng chỉ dùng một
câu A-di-đà Phật. Mọi chi tiết cụ thể, những gì cần phải làm, thì anh đã nói
rất rõ và nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mỗi thư đều mỗi nhắc, mỗi thư đều kèm
theo sự thành ý tha thiết kêu gọi. Anh không thể liệt kê ra đây nữa, vì không
cách nào một lá thư mà anh viết dài như một quyển sách được. Nên nhớ cứu cha mẹ
không phải là trách nhiệm của riêng anh. Anh chỉ biết đường đi, anh khuyên mọi
người cùng làm để việc cứu độ cha má được thành tựu viên mãn.
Mỗi lần viết một thư, thì có An, Hồng và một
số người khác cũng tự sao thêm ra để gởi khắp nơi. Viết cho em nhưng nhờ vậy mà
tất cả anh chị em đều có. Nếu em muốn, chính em cũng có thể sao ra gởi cho
những người em quen để giúp cho họ một hướng tu hành. Đây là lời khuyên chân
thành cho tất cả những người làm con cùng lo báo đáp chữ hiếu. Ai thành tâm làm
thì trả được đại hiếu, ai không chịu làm thì tùy nghiệp thọ quả báo. Người mà
miệng thì nói tu, tướng mạo thì quân tử còn tâm lại láo lếu, thì anh phải nói
thẳng rằng: “nhân duyên quả báo tơ hào không sai”. Nhân bất hiếu phải nhận quả
bất hiếu, chắc chắn không thể trốn chạy!
Anh nhắc lại, một người muốn vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì phải niệm A-di-đà
Phật và ngày ngày nguyện vãng sanh về đó. Tất cả đều do Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ.
Nếu “Tín” chỉ có chút ít, “Nguyện” thì không vững, “Niệm Phật” thì không nhứt
tâm, như vậy không tiêu được nghiệp, không tương ứng với đại nguyện của Phật,
lúc lâm chung dễ bị nghiệp chướng phá hoại. Nghiệp chướng ở đâu? Trong vô lượng
kiếp đến nay mình có quá nhiều tham-sân-si, giết hại sanh mệnh vô số, thì
nghiệp ác thực sự đã quá lớn rồi, oan gia trái chủ đã quá nhiều rồi. Oan nghiệp
này quyết định không bao giờ tha thứ mình đâu. Nhiều người niệm Phật mà sau
cùng không được vãng sanh chỉ vì: Tin không mạnh, nguyện không vững, niệm Phật
không chuyên mà bị mất phần giải thoát một cách oan uổng!
Người niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-phương
thành Phật thì sự “Nhứt tâm” quan trọng lắm. Nhứt tâm là chuyên lòng tin Phật,
chuyên lòng thờ Phật, chuyên lòng niệm A-di-đà Phật, chuyên lòng nguyện về
Tây-phương để viên thành quả vị Bồ-đề. Người niệm Phật không chuyên lòng, sẽ
dẫn đến chỗ tạp niệm, tạp tu, tu lòng vòng để chờ ngày theo nghiệp thọ báo.
Vì chưa hiểu pháp giới, nhiều người thờ Phật
còn thờ Quỉ, Thần, Tiên, Ma, để cầu phước, cầu làm ăn phát tài, cúng sao giải
hạn, v.v… Đây là sự tạp tu, đại tối kỵ cho đường vãng sanh, đại bất hạnh cho
người muốn giải thoát. Vì sao? Vì còn tham đắm thế gian thì không thể thoát ly
thế gian, Thần-Tiên chắc chắn không thể cứu mình ra khỏi tam giới. Xin hãy thức
tỉnh sớm.
(*) Vì sao con người cứ muốn tu lòng vòng
chứ không muốn giải thoát? Vì không nhìn thấu nên không buông xả được. Không
nhìn thấu những gì? Không nhìn thấu suốt cảnh giới trong vũ trụ nhân sinh,
không thấu suốt cảnh giới đọa lạc của tam đồ, không thấu suốt cảnh khổ đau của
lục đạo, không thấu được cái vô thường của kiếp người này, không thấu suốt cảnh
an vui, Cực-lạc, sung sướng, thần thông quảng đại của pháp giới chư Thánh, chư
Bồ-tát, chư Phật, thành ra không buông xả trần tục. Không buông xả thì chắc
chắn không thể thoát thân.
Như vậy, điều cụ thể đầu tiên để cứu cha mẹ là các em phải cố gắng tối đa
khuyên người buông xả. Buông xả gì? Buông bỏ câu chấp, tranh đua, danh vọng,
khen chê, thị phi, v.v… đây là nhân chủng của cảnh giới trong tam đồ khổ. Người
già cả thì đừng nên thèm lưu luyến bất cứ một thứ gì trên đời này nữa, ngay cả
thân mạng, con cháu, nhà cửa, vì đây là nhân chủng của cảnh giới lục đạo. Hãy
dành tất cả tâm ý để niệm Phật cầu về Tây-phương, vì đây là tạo cái nhân chủng
đại thiện đại lành của pháp giới Phật, Bồ-tát. Nhân nào quả đấy, nhân quả tương
ưng. Người nào khuyên cha mẹ làm như vậy, là hành động thương yêu đáng quí
nhất, và trọn vẹn nhất. Vãng sanh được về Tây-phương Cực-lạc là đại phước đức
của chính mình và là nguồn cứu độ cho cả dòng tộc, cho tất cả chúng sanh.
(*) Vạn pháp duy tâm. Nếu phút lâm chung
tâm còn dính vào chỗ nào thì chắc chắn sẽ bị kẹt vào chỗ đó. Chính cái tâm
nguyện của ta sẽ dẫn thần thức của ta tới cảnh giới tương ứng, trong Phật pháp
gọi là “Dẫn nghiệp”. Ví dụ:
(*) Khi đau bệnh mà cầu Trời khẩn Phật cho
hết bệnh thì nếu chết sẽ không được vãng sanh. Cái tâm còn tham tiếc
cái thân giả hợp thì phải theo cái thân giả hợp để chịu sanh tử vô thường. Tất
cả chư vị Cổ đức, Tổ sư đều luôn luôn dặn dò rằng, lúc lâm chung phải biết xả
bỏ vạn duyên, một lòng cầu nguyện vãng sanh, nhất tâm niệm Phật chờ Phật
A-di-đà tới tiếp dẫn, thì mới được vãng sanh. Cầu vãng sanh không phải là chết,
mà đây là tâm buông xả thế tục, biết tha thiết cầu mong được sớm về với Phật để
thành Phật cứu độ chúng sanh. Cái tâm nguyện này tương ứng với sở hoài của
Phật, nên sẽ được Phật lực gia trì. Nếu báo thân chưa mãn, thì nghiệp chướng tự
nhiên tiêu trừ, bệnh trạng sẽ được bình phục, chứ không phải cầu hết bệnh là
mình sẽ hết bệnh.
Điều này anh đã thực hiện để cứu cha vào
tháng 6/2002. Cha bệnh nặng, anh về thiết đàn niệm Phật, quyết lòng cầu cho cha
vãng sanh về Tây-phương. Niệm Phật chưa hết tới ngày thứ hai là cha đã tỉnh dậy,
ngày thứ ba hầu như đã khỏe hẳn. Đây là một sự chứng minh cụ thể và rõ ràng
rằng: “Pháp Phật Vi Diệu”, không thể coi thường được!
Bệnh nặng mà chạy cầu trời, cúng miễu, xin
Phật cho được lành bệnh, đây là do tâm còn tham luyến thế gian vô thường quá
nặng, thì làm sao có thể siêu thoát! Bệnh là do nghiệp báo, ngay lúc cầu khấn
cho hết bệnh là đang tạo thêm nghiệp “tham chấp thân mệnh”. Nghiệp cộng thêm
nghiệp, thì làm sao hết bệnh được? Cho nên, bệnh nặng mà cầu cho hết bệnh thì
bệnh càng thêm nặng, nếu gặp lúc mệnh số đã dứt thì chắc chắn phải chịu đọa
lạc, chắc chắn bị mất phần vãng sanh. Nên nhớ điều này.
(*) Còn luyến nhớ con cháu thì không được
vãng sanh. Tại sao vậy? Vì tâm tình lưu luyến thế gian thì phải trở lại trong
luân hồi sanh tử của thế gian. Trở lại bằng cách nào? Nếu nghiệp nhẹ một chút,
may mắn một chút thì đầu thai lại thành vợ hoặc chồng để được thương yêu bảo vệ
cho đứa cháu. Nếu nghiệp nặng, đầu óc không tỉnh táo thì dễ đầu thai thành súc
vật để phục vụ cho con cháu. Ngày về quê, anh nhìn thấy con chó mực phục vụ mấy
đứa cháu con của em Thứ mà anh Năm liên tưởng tới sự ngu si này. Đau khổ lắm!
Biết một cảnh giới, mở nhiều điều khôn, cần phải giác ngộ, cần cảnh tỉnh cho
nhau nhé.
Có nhiều người cho rằng, làm người mà không
lo cho con cháu thì bất nghĩa! Lý luận này nghe qua thì đúng, mà nghĩ thật kỹ
thì sai. Người già tuổi đẵ gần đất xa trời, không lo tu hành niệm Phật cầu
thoát ly sanh tử, cầu thành Phật để cứu độ chúng sanh. Trong khi tâm hồn ngày
ngày cứ trói vào thế tục thường tình, đã không lo liệu được cho ai, mà còn làm
cho con cái khổ tâm vì cái chấp mê muội của tuổi già. Bên cạnh đó việc vô
thường tấn tốc, việc huệ mạng đời đời kiếp kiếp thì lại xem nhẹ! Một khi bị đọa
lạc rồi thì liệu có giúp ích được gì cho con cháu không?
(*) Còn cất giữ tiền của thì không được vãng sanh. Tâm còn tham lam tiền
của thì lúc lâm chung chắc chắn sẽ nghĩ về tiền của, tâm bị trối vào đó thì dễ
dàng chiêu cảm vào đường ngã quỉ để chịu đói khát, hoặc thành súc vật như chó,
chuột, dán, v.v… để lén vào nhà thăm của cải. Trước đây anh đã nói rất nhiều về
chuyện này. Ai tin làm theo thì may mắn cho họ, không tin thì đành phải chịu
vạn kiếp khổ đau. Đó là vì thiếu sáng suốt, lòng tham vài đồng tiền không buông
xả được mà đành chịu làm súc sanh vậy!
Ví dụ còn nhiều lắm, hãy biết khôn ngoan hồi
đầu niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tịnh-độ. Muốn được vãng sanh, thì phải biết
xa lìa tự tư ích kỷ, biết tập buông bỏ dần những chuyện của thế gian xuống. Đến
khi tuổi già, gần ngày lâm chung thì tất cả vạn duyên đều xả bỏ hết. Nếu muốn
tham thì chỉ tham muốn một điều duy nhất, là niệm Phật để được về cõi Cực-lạc
với Phật A-di-đà. Đó gọi là “Nhất Tâm”. Tâm của người đã chuyên nhất niệm Phật
cầu về Tây-phương, thì thời gian còn lại tại thế gian này sẽ vô cùng có ý
nghĩa, tư tưởng sẽ thanh cao thánh thiện, tinh thần sẽ vui vẻ lạc quan, tâm hồn
sẽ an nhiên tự tại. Ngày ngày, giờ giờ, phút phút đều niệm Phật liên tục, thì
lúc lâm chung sẽ tỉnh táo bình tĩnh chờ Phật A-di-đà tới tiếp dẫn. Còn nếu niệm
Phật không liên tục, tin tưởng không vững, nguyện vãng sanh không thiết tha,
thì lúc lâm chung dù có được hộ niệm đi nữa, coi chừng oan gia trái chủ hoặc ma
quái vẫn có thể giả ra hình dạng giống Phật Bồ-tát, giả người thân tới dẫn. Sơ
ý đi theo họ thì bị nạn. Điều này không phải là đơn giản! Phải nhớ kỹ. Cho nên,
người niệm Phật, khi lâm chung cần phải tỉnh táo để niệm Phật, và chỉ được đi
theo A-di-đà Phật. Ngoài ra, tuyệt đối không đi theo một vị nào khác cả.
(*) Làm sao được tỉnh táo? Phải buông xả, không
sợ chết, thèm vãng sanh. Buông xả thì đừng tiếc nuối, đừng tham luyến đời nữa.
Tiếc tiền thì không dám bố thí, không bố thí thì không có phước, không có phước
thì lâm chung mê man bất tỉnh, mê man bất tỉnh chính là dạng người thiếu phước.
Không sợ chết thì mới dám cầu vãng sanh, đi lúc nào cũng được, chẳng lo chẳng
sợ, tâm hồn thoải mái vui vẻ, tâm nguyện đều hợp với đại nguyện của Phật
A-di-đà. Thèm vãng sanh thì phải buông xả thế đời, không tham luyến vào bất cứ
thứ gì ngoài việc vãng sanh. Chính vì thế mà được vãng sanh về với Phật.
(*) Làm sao nhận chân thật giả để khỏi bị
gạt? Không
được niệm xen tạp, không được thờ xen tạp, không được nguyện xen tạp.
Phải nhất tâm niệm Phật để được Phật lực gia trì. Nếu có thấy những
hiện tượng gì khác, thì đừng nhìn tới họ, cứ việc nhất tâm niệm Phật thì được
Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, ma quái không dám đến gần. Phải vững mạnh tin tưởng
vào Đức A-di-đà Phật, thì cuối cùng sẽ vãng sanh dễ dàng vậy.
Buông xả! Buông xả! Phải buông xả! Vãng sanh
được hay không chính có chịu buông xả vạn duyên để niệm Phật hay không. Đây là
yếu tố tối hậu, người già cả không thể chần chờ. Niệm Phật mà không chịu buông
xả thì chắc chắn rất khó có thể vãng sanh, khó vô cùng! Cái khó này là vì chính
mình tự cam đành chịu đọa lạc, chứ không phải điều kiện của Phật khó. Vãng
sanh được thì cứu được huệ mạng của mình một đời thành Phật, hưởng tận vui
sướng, ngoài ra còn cứu được cửu huyền thất tổ thoát nạn tam đồ. Không
vãng sanh được thì tự mình chịu thống khổ vạn kiếp, cái chết của mình thật là
vô ích, không được lợi lộc gì cho ai cả. Xin nhớ cho.
Hiểu được đạo lý này rồi, thì em phải vận
động tất cả anh chị em ra sức hỗ trợ cho cha mẹ an tâm về mặt vật chất, và thưa
với cha mẹ điều này: thành tâm niệm Phật, cầu xin vãng sanh thì ai ai cũng đều
được vãng sanh, nhưng phải nhớ rõ ràng là: không được cầu phước báu nhân thiên;
không được phân biệt, câu chấp, ganh tỵ; không được chạy theo tà tri tà kiến.
Cầu phước báu thế gian là “Tham ác”. Tức là:
thờ lạy quỉ thần để xin phước báu, tham lam tiền bạc, tham luyến thế gian, lưu
luyến nhà cửa, lưu luyến con cháu, tham sống sợ chết….
Phân biệt, câu chấp, ganh tỵ là “Sân ác”.
Tức là: đố kỵ, nóng giận, ích kỷ, cố chấp, hẹp hòi, ganh ghét. Đây là chủng tử
của địa ngục, rất xấu! Nhất định phải bỏ.
Tà tri, tà kiến thuộc về “Si ác”. Tức là:
không phân biệt chánh tà, vọng tưởng, cống cao, ngã mạn, chạy theo pháp trần,
thế trí biện thông, ưa lý luận viễn vong…
Bị vướng vào những thứ này mà không chịu lìa
bỏ thì chắc chắn không thể vãng sanh, nghĩa là phải bị kẹt lại trong sanh tử
luân hồi để bị đọa lạc.
Đường à, một đời anh Năm lưu lạc khắp nơi,
trải qua nhiều cảnh, 50 tuổi đầu mới may mắn thấy được đạo lý. So với nhiều
người, thì sự thấy của anh đã quá trễ. Khi đã biết được sự giải thoát, anh tận
tâm tận lực khuyên nhắc, nhưng nhiều người vẫn còn quá bướng bỉnh hoặc say mê
chạy theo thói tục thường tình mà quên mất cảnh giới hãi hùng trong tương lai.
Nếu các em đã biết hồi đầu tỉnh ngộ, thì việc đầu tiên cần nên làm là hãy lo
báo đại hiếu. Cụ thể là tìm cách đọc những lời thư này cho cha mẹ nghe, cho mọi
người nghe, cho chính các em hiểu mà làm theo chánh pháp. Anh biết rằng, muốn
cứu được một người không phải dễ! Nhưng dù khó tới đâu, chúng ta vẫn cứ phát
tâm làm, cứ thành tâm khuyên giải, quyết lòng cứu độ, còn việc được hay không
thì để tùy duyên phần của mỗi người.
Tổ Ấn Quang dạy rằng, phát tâm khuyên người
niệm Phật, rồi đem công đức này hồi hướng về Tây-phương để cầu vãng sanh thì
mình sẽ được vãng sanh. Như vậy, phát tâm cứu người là để bảo đảm đường vãng
sanh cho chính mình. Cho nên, anh khuyên các em cũng nên mạnh dạn phát tâm
“khuyên người niệm Phật”, bố thí giúp người, đem tất cả những công đức này hồi
hướng vãng sanh. Khuyên người niệm Phật thì đã có lời khuyên cho chính mình rồi
vậy.
Thôi, chuyện pháp giới còn dài lắm, hôm nay
nói cảnh giới người, thư sau qua cảnh giới khác. Đã biết hồi tâm tu hành thì
chính em nên bắt đầu hạ thủ tu tập đi.
Nên nhớ, tu là tu sửa lỗi lầm để được đại
thiện, đại giác, thành Phật. Phật dạy tất cả đều do tâm tạo. Tâm chấp ở đâu,
mình sẽ đi về đó. Vậy thì, cứ cầu xin về Tây-phương Cực-lạc thì mình sẽ về
Tây-phương, cứ chấp trì niệm danh hiệu “A-di-đà Phật” thì mình sẽ thành Phật
như Phật A-di-đà. Niệm Phật cầu sanh Tây-phương là con đường ngắn nhất để thành
Phật vậy.
A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Úc châu, 29/09/03).
Niệm Phật, tụng kinh, xem kinh và nói chuyện
là bốn chuyện chắc chắn bạn làm hàng ngày. Tốt nhất là ít nói chuyện, thời gian
tụng kinh và xem kinh không nhiều hơn thời gian niệm Phật là tốt nhất. Niệm
Phật vẫn là chủ chốt.(Hòa Thượng Thích Quảng Khâm).
Tam tâm bất khả đắc
Vạn pháp nhân duyên
sanh