Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Kính cha má,

Niệm Phật được mười điều lợi ích, trong đó cái lợi sau cùng là được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thế giới, một đời này thôi ta thoát khỏi sinh-tử luân-hồi. Đây là cái lợi ích chung cuộc. Không có cái lợi ích này thì tất cả những lợi ích kia chỉ là mộng-huyễn, vì có thu lợi nhiều đến mấy đi nữa nhưng rồi cũng chết, gắng gượng sống thêm một vài năm bệnh hoạn trong cái xã hội đầy sầu não, sau cùng chính thần-thức của mình bị đọa lạc, thì có gì đâu mà lợi?!... “Chuyển thân thọ thân, cải hình dị đạo”. Khó đoán được tương lai.

Hãy giác-ngộ cha má ơi! Cố gắng tu hành nhắm thẳng tới sự giải thoát viên mãn, đừng nên bám víu vào những điều lợi vụn vặt mà tự hại ngàn đời. Bây giờ, trí-huệ đang trói trong cái nhục thân phàm tục cho nên mình không thấy, chứ một khi đã thấy rồi thì sự việc này quan hệ lớn lắm. Bị đọa lạc kinh khủng lắm! Không thể lơ là bừa bãi được đâu. Nhiều lá thư rồi con nhắc đến chuyện này, mong cha má thức ngộ, làm gương cho gia đình, bà con cô bác, cùng tỉnh cơn mê, cùng nhìn ra sự thật, cố gắng tu hành tránh hiểm nạn.

Về quê, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng con thấy cũng khá nhiều điều, có dịp con lần lượt nói ra cho mọi người nghe. Tu hành coi vậy chứ có nhiều nẻo lắt léo, chú ý lắm may ra mới thấy vấn đề! Hòa-Thượng Tịnh-Không ít khi nói thẳng tên, sửa thẳng việc, nhưng một khi Ngài thấy cái sai lầm của người nào thì trong những buổi thăng tòa giảng kinh Ngài nói ra sự việc đó. Có nhiều lúc Ngài nghiêm sắc mặt chỉ thẳng vào máy thâu hình mà nói, “...Tôi nói đây là cho chính quý vị nghe, quý vị lại tưởng tôi nói đến người bên cạnh chứ không phải nói mình, cho nên tự mình cho là ngon lắm, đắc đạo rồi, thành ra không chịu tự sửa. Học Phật phải tự xét chính mình, đừng nhìn cái lỗi của thiên hạ thì quý vị mới mong có ngày khai ngộ...”.

Ngài nhìn thẳng vào máy là nhìn đến mình. Ngài chỉ thẳng vào máy là chỉ tới mình. Chính lúc đó, ai biết hồi tâm thì lo tự sửa lấy. Con học theo pháp của Ngài, trước lo sửa chữa và sau nói chuyện với mọi người. Mỗi lần viết thư, nếu không phải là em út ruột thịt, con không bao giờ dám lên mặt dạy đời đâu. Tuy nhiên, vì là người học Phật, phát tâm muốn giúp đỡ chúng sanh, cứu nạn cho người, lúc nào con cũng thầm mong những người thân thuộc, tất cả người nào đã đọc được thư con đều để tâm đến để được thoát nạn.

Đời mạt pháp này nghiệp chướng chúng sanh quá nặng nhưng lại hơi giống với nhau. Phật nói tất cả đều do ba cái độc tham, sân, si, mà ra cả. Người không tham thì sân giận, không sân giận thì lại bị ngu si. Vì ngu si cho nên cống cao ngã mạn. Điều này thấp kém lắm, vì người khôn ngoan không cống cao ngã mạn, người học cao hiểu rộng bao giờ lại ngạo nghễ với đời? Cho nên cha má cũng nên truyền bá những tư tưởng đạo đức này cho con cháu biết. Lỗi lầm của chúng sanh ngày nay không xa vấn đề này đâu! Hãy tự xét cái sơ suất của mình để ngày ngày sửa đổi, đó là tu hành vậy!...

Niệm Phật, pháp môn tối vi diệu, nhưng vì chúng sanh có cái bệnh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... lớn quá nên không được lợi ích. Có người, vì nghiệp chướng quá nặng nên không chịu nghe theo. Có người, có lòng tin nhưng lại tham đắc đạo nhanh, niệm một vài câu Phật hiệu thì đã vội cầu chứng đắc thành ra thất bại. Có người tự mãn vì quá khôn, kiến thức tốt, tự vạch lấy những cách tu trì riêng mà rước lấy bi thảm.... Chính vì vậy vẫn còn quá nhiều chúng sanh nối đuôi nhau chờ vào chỗ hiểm nạn. Ví dụ cụ thể nhất, trong lần về quê thăm này con phát hiện một số người niệm Phật thèm muốn được Phật xuất hiện, thấy được Bồ-tát hiện ra đêm đêm để an ủi, vỗ về. Có người còn nói với con, “...trước đây mỗi lần tụng kinh Phổ-Môn, tôi đều thấy Bồ-tát ứng hiện, độ rày tôi bận quá không tụng nữa cho nên không thấy nữa. Tiếc quá!...”.
Thưa cha má, tất cả những hiện tượng này thường là không tốt lắm! Hôm nay con nói thêm về điểm này để mong cảnh tỉnh thêm nhiều người hầu tránh những trở ngại thuộc về ma chướng về sau. Cha má đến tuổi cuối đời mới may mắn gặp được Phật đạo, thì chắc chắn công phu không thể cao dày được, tất cả đều phải nhờ vào Phật lực gia trì mới mong thoát hiểm. Muốn tránh được ma chướng, thì niệm Phật là hay nhứt, vì tất cả các pháp môn đều tự lực tu trì chứng đắc, chỉ có thành tâm niệm Phật mới được chư Thiên gia hộ, hai mươi lăm vị Bồ-tát bảo vệ, ác quỷ dạ-xoa, la-sát... không thể đến gần, mới tránh khỏi ma nghiệp. Sau cùng, được Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sanh, vĩnh viễn xuất ly tam giới, nhập vào cảnh giới của chư Bồ-tát, Phật. Tất cả mọi phép tu dù hay tới đâu mà không siêu việt tam giới, thì chắc chắn vẫn còn bị đọa lạc, nhiều lúc càng tu nhiều càng bị nặng vì hậu quả của “Tam-thế-oán”.

Thế thì tại sao niệm Phật mà có thể vẫn bị phá hoại? Vấn đề cần hiểu rõ ràng không nên lầm lẫn. Niệm Phật, thì được Phật Bồ-tát bảo vệ để cuối đời người đó vãng sanh. Nói như vậy không có nghĩa là cứ niệm Phật chơi chơi là được Phật tiếp dẫn đâu. Niệm Phật, là để mình được giải thoát chứ không phải niệm cho chư Phật. Nhiều người cứ nghĩ tu là tu cho chùa được đông người, tu cho vị Sư khỏi buồn... tu hành giống như kiểu đi bầu cử cho chùa được nhiều phiếu. Có lẽ vì vậy, thành ra mới niệm một vài câu là bắt đầu yêu cầu lung tung, như cầu gia đạo yên vui, thăng quan phát tài, đòi hỏi chùa phải làm thứ này thứ nọ... Cầu mong như vậy, nghĩ kỹ coi, là tu-hành hay tham-lam? Từ bi, hỷ xả hay tự tư ích kỷ?... Hễ đang học Phật thì Phật gia trì, còn đang tham lam ích kỷ thì ngoại lực gia trì. Cầu Phật có Phật, cầu Ma có Ma. Đạo lý là như vậy!

Phật - Ma, Ma - Phật ở tại tâm. Cha thường dạy, tâm chánh là Phật, tâm tà là Ma. Như vậy Phật là đâu? Phật là tâm. Ma là đâu? Ma cũng là tâm. Tâm là đâu? Tâm là ta đây chứ còn đâu nữa. Như vậy rõ ràng chính ta vừa là Phật, vừa là Ma. Giác thành Phật, mê thành Ma. Phật dạy, bất cứ lúc nào ta biết quay đầu thì thành Phật liền, đạo lý chính là ở chỗ này.

Ma có bốn loại ma: nội-ma, ngoại-ma, ngũ-ấm-ma, tử-ma. Con ma của chính ta là nội-ma hay là phiền-não-ma, ngoại cảnh là thiên-ma hay ngoại-ma, thân-thể-vô-thường là ngũ-ấm-ma, cái làm cho ta chết là tử-ma. Chúng ta đang mê nên đang sống trong sự kiểm soát của ma lực. Hễ nội-ma của ta mở cửa thì ngoại-ma nhập vào. Nếu ta ngoan ngoãn chấp nhận hiện tượng này, không phản ứng thì tạm yên, vì sau cùng ta đều phải tuân phục sự dẫn độ đến chỗ sai lầm.

Người ta thường cho rằng “sống làm người, chết làm ma”. Đó là tự họ muốn vậy, vì thế đám chết mới gọi là đám ma. Bây giờ biết tu hành thì ta có thể đổi lại là “sống làm người, vãng sanh thành Phật”, thì khi mãn báo thân này ta làm tiệc vãng sanh, kêu người ta tới hộ-niệm cho ta vãng sanh.

Bình thường con người vô tình hay cố ý đều làm những việc sai lầm, thường cứ cầu xin về những nẻo hiểm ác mà họ không hay. Ví dụ, như vì tình nghĩa vợ chồng quá thâm trọng, “...xây mồ bên cạnh nguyện xuống âm phủ gặp nhau...”. Có lần bác Ba Th. nói với con: “... Bác có chết thì bác xuống địa ngục một mình, bây giờ nhà bác bác ở, nhất thiết không đi đâu hết...”.
Thật là dễ sợ! Dựng tóc gáy! Nghĩ cho kỹ, nhà đó đâu phải là nhà của bác. Đó chỉ là cái thứ vô-thường dựng lên cho cái thân vô-thường tạm trú. Một vài năm nữa rồi vô-thường cũng trả về cho vô-thường, bác có ở lại giữ được đâu? Tại sao chúng ta không nhận ra thực giả mà tìm đường thoát nạn vậy? Ở trên đời này, con cái dù có bất hiếu tới đâu, nhiều lắm cũng chỉ nói một vài câu sai lầm mà ta đã chịu không nổi, lại thề xuống địa ngục cho thỏa giận.

Đơn giản như vậy sao! Ở đó, họ đâu có thèm nói nặng nhẹ, họ túm cổ ta liệng vào chảo dầu mà chiên, trói cổ vào trụ đồng mà đốt, cột đầu trên giường sắt mà nướng, cho hàng trăm đao ngàn kiếm phanh thây ta ra thành muôn mảnh... chứ đâu có hiền!

Địa-ngục có nhiều tầng cấp, có Vô-Gián địa ngục, A-Tỳ địa ngục, Căn-Bản địa ngục, Du-Tăng địa ngục, Biên-Địa địa ngục... một ngày ở đó, nhẹ nhứt cũng dài bằng hai ngàn bảy trăm năm trên thế gian. Trong kinh Phật nói, dưới địa ngục một ngày chúng sanh bị thọ hình chết đi sống lại cả ngàn, vạn lần. Tính ra, nếu tội nhẹ thì chết một ngàn lần trong ngày, một ngày dài hai ngàn bảy trăm năm, như vậy cứ hai hoặc ba năm bị hành hạ chết đi sống lại một lần. Nếu nặng thì bị hành hạ chết một vạn lần, nghĩa là cứ hai hoặc ba tháng thì bị cực hình đến chết một lần. Đâu phải tầm thường, mà cứ muốn xuống địa-ngục sống cho yên! Xin Cha má hãy sớm tới thăm bác và giúp cho bác Ba hiểu mà bỏ đi lời thề này. Khuyên bác tuổi già hãy mau mau biết buông xả, về ở với con cháu cho anh Hai Lý lo liệu phụng dưỡng, và chính bác phải gấp rút niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương mới mong thoát nạn được, còn không thì thê thảm lắm đó!

Trở lại chuyện tại sao người tu bị phá hoại? Trước đây con thường ví như người đang gia nhập đảng cướp, hễ tiếp tục tùng phục chúng thì tạm yên để làm ác, nếu tìm cách thoát thân thì coi chừng bị chúng ám hại. Nên nhớ, yên là yên tạm bợ rồi chờ ngày bị quốc gia chế tài chứ đâu phải yên lành luôn đâu. Quốc gia tượng trưng cho Phật, đảng cướp tượng trưng cho ngoại lực. Quốc gia vẫn hằng bảo vệ chúng ta, tại vì chúng ta tự theo kẻ cướp thì đành chịu pháp luật chế tài chứ làm sao được phước huệ của quốc gia. Sự lý là vậy. Phật đang ngày đêm cứu độ chúng sanh, chúng sanh không chịu nghe, lại làm điều sai lạc để sau cùng bị dẫn độ vào đường khổ nạn. Đây là tại ta tự nguyện chứ đâu phải tại Phật.

Cho nên, Tổ sư mới có câu, “Vô Thiền vô Tịnh-độ, thiết sàng tinh đồng trụ”, (người không tu Thiền mà cũng không tu Tịnh thì hãy chờ mà vào địa-ngục để nhận chịu hình phạt “giường-sắt” và “trụ-đồng” thiêu đốt). Người giác ngộ biết vậy, chi bằng tìm cách thoát nạn trước có hay hơn không? Những tiên triệu khổ nạn này thường có thể dễ thấy nhứt, là lúc báo thân sắp mãn. Ví dụ, như có người điên cuồng, mê muội, ngu si... (theo cảnh giới của súc-sanh); có người loạn óc, hung hiểm, đố kỵ, lúc chết bị khủng bố hãi hùng... (cảnh giới địa-ngục); có người tham lam, bỏn xẻn, gian xảo, lường lọc... (cảnh giới ngạ-quỷ); có người mê mê tỉnh tỉnh, như đang sống với một thế giới vô hình nào đó, (cảnh giới ma-quái), v.v... Người không hiểu đạo cứ tự nhiên coi sự việc bình thường, người hiểu đạo họ thấy suốt luôn cả sự thể tương lai, hiểu được cảnh tượng thê lương sau đó, cho nên mới lo toan tu hành thoát nạn.

Khi tìm cách thoát ly thì đôi lúc có thể bị tà lực tới phá hoại để tìm cách kéo chân mình lại. Chính vì không hiểu chuyện này mà có người cho rằng tu hành mới bị trở ngại, còn không tu thì yên thân, nên thà đừng tu thì sướng hơn! Đây là lý luận không đúng. Nhìn con mèo đang say sưa liếm mỡ trên lưỡi dao mà cảm thấy rợn người, cha má ạ!...

Trở lại vấn đề niệm Phật. Trước đây con thường nói phải thành tâm chí kính niệm Phật, biết buông xả thế tình thì tự nhiên thành công. Hôm nay con nói rõ hơn, dễ hiểu hơn:

1) Là thành thật niệm Phật: Niệm Phật là niệm cho mình vãng sanh, chứ không phải niệm cho người khác biết mình có tu hành. Tốt nhứt là cha má hãy âm thầm niệm Phật và âm thầm cầu nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc hàng ngày, thoát ly khỏi thế giới Ta-bà này, còn người khác có khen hay chê không cần thiết. Trần tục này quá khổ, quá điên loạn, là thế giới ngũ trược ác thế. Hãy chán bỏ nó đi mà thành tâm nguyện về với Phật cha má ơi, còn nếu chần chừ thì không còn cơ hội để thử lại nữa đâu. Người ngoài, con cháu, làng xóm... nên thành tâm khuyên họ tu hành, ai nghe theo thì tốt, không theo thì tùy theo duyên của họ. Riêng cha má cứ một lòng ngày đêm niệm Phật, ngày ngày lập lại lời nguyện vãng sanh. Nhứt thiết không được bỏ một ngày nào hết.

2) Là thực thà, hiền lành, giúp đời: Niệm Phật đã quyết một đường vãng sanh, thì xin cha má cố gắng mà làm phước làm lành nhiều hơn nữa. Tình thực mà nói, ông bà mình có danh vọng, có phước báu, ruộng “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi!” nhưng sau cùng cũng trụi lủi, không giữ được cho hậu thế qua một thế hệ, không giúp được đàn con cháu khỏi tha phương cầu thực... Người có phước mà biết làm phước, thì dù cho thế sự có xoay vần tới đâu phước lộc của họ cũng tự tìm cách chuyển đến cho họ dùng. Ví dụ, như ruộng vườn nó chuyển thành tiền bạc, danh phong chuyển thành phúc lộc cho con cháu đỗ đạt thăng quan... còn nếu không chuyển được thì đó là do đức mỏng. Đây là lời nói thành thực. Con dựa theo kinh Phật mà nói, muốn nêu lên để cảnh tỉnh mọi người. Chúng ta hãy mau mau sớm quay đầu tỉnh giấc “hoàng lương” mới mong tạo được phước đức.

Đời nhà Tống, có ông Phạm-Xuân-Yểm trọn đời lấy tâm từ thiện giúp đời. Lúc nghèo không đủ ăn ông cũng nhịn phần ăn của mình để giúp người khó hơn. Quả báo này đưa ông đến hàng tể-tướng. Làm tể-tướng nhưng ông vẫn giữ phận thanh bần, để dành tiền giúp đỡ dân lành. Con cháu của ông tuân theo giáo huấn này mà sống. Kết quả, gia tộc ông ta trải qua hàng ngàn năm, đến nay con cháu vẫn đời đời sung túc, quan lộc, phước đức hưởng không hết.

Phật dạy, phải tu cái nhân mới có cái quả. Nhân thiện quả thiện, nhân ác quả ác. Hôm nay mình muốn được quả thiện lành mà không chịu tu nhân thiện lành, thì chắc chắn không bao giờ được. Người tham làm giàu mà không thiện lành thì dầu có bạc tỉ đi nữa nó cũng tìm mọi cách để tan biến như bọt nước vậy! Có phước, giàu có thì thấy tốt trước mắt nhưng coi chừng bị nạn “Tam-thế-oán”. Nghĩa là khi có phước báu, danh vị, tiền bạc cứ lo tận hưởng, tạo nghiệp, không chịu tu hành tiếp, thành thử cái phước tiêu tán nhanh chóng. Chính vì vậy, họ khó bề thoát nạn, con cháu cũng lận đận long đong. Biết như vậy, tuổi già rồi, cúi mong cha má hãy mạnh dạn quay đầu, dũng mãnh làm phước thật nhiều để lót đường cho sự vãng sanh. Được vãng sanh Tây-phương là đại phúc đức, đại thiện căn, không những cho chính cha má mà còn cho Cửu-Huyền Thất-Tổ quá khứ, cho con cháu ở vị lai.

Muốn được vậy, già rồi thì sự nghiệp thế gian phải tức khắc xa lìa. Tiền bạc, danh lợi, nhơn nghĩa, thị phi... phải biết tức khắc chán chê. Em Hai Phú giúp đỡ cha má thường ngày thì hãy giúp cho em chút ít. Trong làng xóm có ai quá khổ thì mình tằn tiện chút tiền đem cho... Con xin bảo đảm với cha má, cha má cứ đi bố-thí đi, nếu có nghèo đói con xin nhận chịu tất cả cho. Nếu con không đủ lo thì anh chị em, con cháu thấy cha má có tâm từ bi như vậy, chắc chắn không ai nỡ vô tâm bất hiếu được đâu. Phật dạy bố-thí tài được giàu có, cụ thể cứ việc thành thật thương người trong làng, trong xóm, tìm cách giúp đỡ cho người khổ, cha má sẽ tức khắc thấy ngay kết quả.

Quyết lòng làm thiện, thiện căn sẽ vượt trội, phước thiện sẽ chuyển đổi hoàn cảnh trước mắt liền lập tức. Xin tin tưởng chắc chắn như vậy! Đừng nên so đo với lòng ích kỷ của những người giàu sụ, cái đó vô-thường như huyễn mộng, phiêu phỏng như số phận bóng nước dưới cơn mưa chứ không có gì đâu. Xin cha má nghe lời con, làm đi để thoát nạn.

4) Là dứt khoát xả bỏ ơn nghĩa, nợ đời. Nếu cha má không biết lo sợ cái cảnh hãi hùng của địa-ngục, cảnh đói khát của ngạ-quỷ, cảnh ngu si của hàng súc-sanh và những cảnh giới tăm tối khác mà tìm đường thoát nạn, thì không ai có thể cứu cha má được nữa rồi. Con xin nói thẳng, vì con người tình chấp quá thâm trọng, chưa liễu giải được chân tướng của vũ-trụ nhân-sinh, cho nên cứ nằng nặc bám lấy những cái tầm thường giả tạo của trần tục để sau cùng đành gia nhập ác thú khổ nạn!

Con xin hỏi rằng, có ai dám vì một vài tiếng khen tạm bợ để một vài năm nữa tự chấp nhận đi vào cảnh thương đau vạn kiếp không? Cha má có dám hứa là vào trong đó bị đau không thèm than khóc, bị khổ không thèm mong thoát nạn không? Như trong địa-ngục có cảnh đao kiếm phanh thây, nếu một người tham tiền cứ thích lường gạt, gian lận, không sợ địa-ngục thì hãy chỉ cảnh địa-ngục cho họ thấy. Cảnh địa-ngục ở đâu?... Bị chém một dao cho một triệu, chém nhát thứ hai cho hai triệu, chém nhát thứ ba cho bốn triệu... mỗi lần chém gấp đôi tiền lên. Tiếp tục chém mãi thôi. Như vậy, chỉ trong một ngày họ trở thành người giàu nhứt thế giới. Dám không? Nếu không dám thì hỏi rằng, cảnh địa-ngục còn ghê rợn hơn nữa tại sao không sợ?!
Con xin nhắc lại, một ngày trong cảnh địa-ngục dài bằng hai ngàn bảy trăm năm trên thế gian. Lịch sử dựng nước của Việt-Nam ta có bốn ngàn năm, một người bị rơi vào địa ngục từ đời Hồng-Bàng đến nay thọ cực hình chưa mãn hai ngày ở đó. Cha má và anh chị em có dám tham những thứ: tài, sắc, danh vọng, hân hoan nhận vài tiếng vỗ tay cho nở mày nở mặt một vài phút, rồi chịu hàng trăm đao, ngàn kiếm phanh thây vạn kiếp dưới địa-ngục chăng?

Rất nhiều nơi không hiểu được thực tướng của cảnh giới nên cứ nói đại, sống bừa, thác bãi... tự dựng nên những danh từ như là: thiên-cơ, định-mệnh, tử-vi, mạng-số,.. chứ thật ra những ý nghĩa này đã được Phật giải bày tường tận chi tiết, rõ ràng, trong định luật nhân-quả. “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai” chính là định-mệnh, thiên cơ, mạng số... đó. Vì không hiểu thấu đạo lý đành phải nói đại là “bất-khả-lậu” đó thôi! Chứ thật ra tất cả những cái đó đều do chính ta tạo tác ra rồi chính ta thọ lãnh cả. Đó chỉ là định luật của nhân-quả. Ví dụ, như cha má đời kiếp trước chắc chắn có tu hành, có phước thiện nên đời này mới có người hướng dẫn đường vãng sanh.

Vãng sanh là con đường đại thiện, đại phước, nếu cha má chịu hưởng phước này thì cha má hoàn thành được tâm nguyện của vô lượng kiếp nay, còn cha má từ chối thì tự cha má tiếp tục rước lấy đau thương! Những đời kiếp sau nếu còn làm được con người, có may mắn lắm thì chẳng qua cũng gặp được người tới giảng vài câu Phật pháp rồi đi, tu hành được hay không tùy theo cha má định. Còn không may thì vĩnh viễn không bao giờ gặp lại đạo giải thoát nữa đâu.
Phật dạy, có ba hạng người niệm Phật không thể vãng sanh:

1) Là người còn tham đắm phước-báu nhân-thiên;

2) Là người học rộng, hiểu (chuyện thế gian) nhiều;

3) Là người phân-biệt chấp-trước.

Phước-báu nhân-thiên là tham ngũ-dục, lục-trần. Ngũ-dục là: tài, sắc, danh, thực, thùy; lục-trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người có kiến thức rộng thuộc về pháp trần, gọi là sở-tri-chướng. Phân-biệt chấp-trước là người ganh tị cố chấp. Những người này, nếu không bỏ, dù có niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Phật dạy rõ ràng minh bạch, càng nghiên cứu kinh điển của Phật, ta càng giật mình tỉnh ngộ. Tất cả bí mật của nhân-sinh vũ-trụ đã được Phật khai bày chi tiết từ ba ngàn năm về trước mà ta không hay biết gì cả, cứ lầm lũi dắt nhau đi vào hầm lửa, tự thiêu đốt chính mình. Đáng thương thay!

Trở lại với sự sơ suất khi niệm Phật. Vì không hiểu cái tác dụng vi diệu của câu Phật hiệu, cho nên nhiều người móng tâm cầu xin đủ thứ để sau cùng không được gì cả. Trong mấy thư trước con đề cập đến chuyện thấy Phật, dùng câu Phật hiệu để phục vụ cho các pháp luyện khí, mở luân-xa, luyện thần-thông... Tất cả những việc làm này không tốt đâu. Xin cha má, anh chị, em đừng làm. Trong đó, chuyện mơ thấy Phật, Bồ-tát hiện thân rất phổ biến. Hầu hết người có thiện tâm tu hành nhưng không hiểu lý đạo thường dễ lầm lạc chuyện này. Chính con cũng phập phồng lo ngại cho cha má, vì nóng lòng cầu cảm ứng mà dễ bị rơi vào. Hôm nay con nói thêm về cảnh giới này cho rõ hơn. Xin cha má và anh chị em cố gắng hiểu thấu.

Thứ nhứt: Như đoạn trên và những thư trước con nói là ma-chướng, oan-gia trái-chủ phá hoại để lôi mình trở lại với chúng để bị đọa lạc. Nghĩa là, bảo mình đừng niệm Phật nữa và sống bình thường như trước giờ để chúng có dịp trả thù, đòi nợ. Cách phá của chúng là lợi dụng lúc ta chưa có công phu tốt, dựa theo sự dao động của tâm mà thừa cơ đột nhập để làm thân tâm ta bất an. Muốn tránh được chuyện này thì ta đừng mong cầu là được. Cứ một lòng thực thà, hiền lành niệm Phật, tin chắc chắn vào câu Phật hiệu, tin chắc vào sự bảo vệ của Bồ-tát, biết chắc rằng Phật A-di-đà gia trì cho mình để vãng sanh. Đừng mong cầu những thứ vị kỷ bất chính như tiền tài, danh vọng, dâm tà... Cũng đừng cầu thấy Phật, Tiên, Thánh... tất cả đều để tự nhiên. Một điều cần nhớ là trong nhiều đời nhiều kiếp rồi chắc chắn mình đã tạo nghiệp sát rất nhiều, người đi lính thì giết người hại mạng, còn không cũng giết hại chúng sanh để ăn. Cho nên ai cũng có nhiều oan gia trái chủ, có oan hồn rình rập báo thù. Vì thế, ta phải hằng ngày đem công đức tu hành hồi hướng cho họ, nguyện tu thành Phật về cứu độ họ. Có vậy ta mới an ổn tu hành.

Học Phật phải tuyệt đối tin lời Phật dạy, đừng hiếu kỳ. Vì ta chưa thông đạo lý nên cứ thấy hay hay lạ lạ thì nhào vô làm thử, vô tình rất dễ bị mê loạn, khó tự chủ về sau. Nếu để ý một chút ta thấy ngay rằng, hầu hết chỉ là những pháp tu lo thu đạt phước hữu lậu. Những lý pháp nửa vời này, gọi là “bất liễu giáo pháp”, thả lửng giữa đường mà ta không chịu chú ý. Chư Phật và chư Tổ sư dạy, nếu chúng sanh không chịu phân biệt chánh tà, cãi lời Phật dạy, chạy theo sự hão huyền thì bị đọa lạc, mất huệ-mạng. Vạn lần xin thức tỉnh.

Thứ hai: Trên thực tế, pháp niệm Phật dễ thành đạt đạo nghiệp, vãng sanh bất thối thành Phật. Nhiều người niệm Phật trong đời họ đã thấy Phật hiện thân an ủi hay thọ ký. Rất nhiều người biết trước ngày giờ ra đi, có nhiều người xin hẹn ngày ra đi cho thuận lợi việc sắp xếp hậu sự. Điều này là thực. Có hai vấn đề:

1) Là người thực sự chân thành niệm Phật. Thư này con gọi là người hiền lành niệm Phật, thực thà cầu sanh Cực-lạc, biết buông xả vạn chuyện thế gian. Chính vì sự thành tâm này mà họ đã đạt công phu thành thục, ngày đêm tiếng Phật hiệu không gián đoạn trong tâm, họ đã được cảm ứng đạo giao. Phật đã chính thức xuất hiện thọ ký. Bà cụ Triệu-Vinh-Phương là một ví dụ, bốn năm niệm Phật thì tự tại vãng sanh, hai lần thấy Phật xuất hiện thọ ký. Có nhiều vị thấy ba lần trong đời và họ được cho biết ngày nào, vào giờ nào Phật đến tiếp dẫn. Đây là thực, không phải giả.

2) Là người chưa có công phu niệm Phật tốt, tâm còn lao chao đủ thứ, lòng còn tham luyến thế gian, tham - sân - si còn đầy đủ... mà thường xuyên thấy Phật, thì đây là giả, không phải thực! Nên chấm dứt ngay, đó chỉ là vọng tưởng tạo nên mà thôi, không nên kéo dài thêm nữa vì càng lâu càng khó gỡ!

Hỏi rằng, làm sao phân biệt được giả-thật? Phật nào cũng giống như nhau, làm sao cả quyết?

Đúng vậy, khó lắm! Nhưng khó với người không tu hành, chứ còn người thành thực tu hành thì thấy rõ ràng thật hay giả. Tiêu chuẩn chính là công phu thành thục. Người tu hành chưa thành thục nhìn vào biết liền. Người lão thật niệm Phật, biết buông xả, muốn vãng sanh Tây-phương, dù họ chưa được nhất-tâm-bất-loạn, cũng thể hiện ra sắc tướng sự thanh-tịnh trong tâm. Một người được Phật thọ ký chắc chắn tiêu chuẩn tối thiểu là tâm đã có một mức thanh-tịnh nào đó. Một khi đã được Phật thọ ký, tự họ đã khai mở nhiều trí-huệ. Người biết tu hành thoáng nhìn là biết ngay, khỏi cần hỏi. Chính đây là tiêu chuẩn phân biệt phải trái.

Tuy nhiên, một khi tâm chưa thanh-tịnh, hễ nhắc thêm một chuyện thì tâm lại móng cầu thêm một chuyện làm cho khó giữ được thanh-tịnh hơn! Cho nên, chư Tổ dạy rằng có thấy được Phật thì tốt, mà không thấy được Phật thì còn tốt hơn nữa. Vì sao? Vì chắc ăn hơn! Nếu tâm đã thanh-tịnh thì đâu cần Phật đến an ủi, còn nếu tâm chưa thanh-tịnh thì không thể thấy Phật, chính thế mới biết công phu của mình vẫn còn quá kém mà ráng tinh tấn tu hành thêm lên, ráng niệm Phật, ráng buông xả nhiều hơn. Tổ Ấn-Quang dạy, luôn luôn phải nghĩ rằng công phu của mình còn kém thì mới thành đạt được, là lý do này.

Như vậy, thấy Phật giả hay thực tùy theo trường hợp. Tất cả anh chị em hoặc cha má mỗi khi thấy chuyện gì xảy ra nên cho con biết để góp ý kiến cho vững tâm. Hãy cho con biết liền, con có thể cố vấn được. Đừng âm thầm đắm vào đó mà nhiều khi mang họa!

Để rõ thêm vấn đề thấy Phật xuất hiện, chúng ta cũng nên hiểu thêm về pháp giới một chút. Phật có rất nhiều thân chứ không phải chỉ có một thân, quy tụ lại thành ba thân cho dễ nhớ, đó là Pháp-Thân Phật, Báo-Thân Phật và Ứng-Hóa-Thân Phật. Phật Tỳ-Lô-Giá-Na là Pháp-Thân Phật; Phật Lư-Xá-Na là Báo-Thân Phật, cảnh giới này quá cao không dám bàn tới hôm nay. Còn Ứng-Hóa-Thân Phật thì liên quan trực tiếp đến chuyện này. Đức Thích-ca Mâu-ni Phật là Ứng-Hóa-Thân của Phật. Có hai phần: Ứng-Thân và Hóa-Thân. Cõi Ta-bà này hiện giờ là quốc độ giáo hóa của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, rộng đến tam thiên đại thiên thế giới, (một thế giới là một giải ngân hà, một giải ngân hà có hàng tỷ cái thái-dương-hệ). Một đại thiên thế giới có hàng tỉ dãy Ngân-hà, đó là khu giáo hóa của đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Ở mỗi nơi Ngài thị hiện một Ứng-Thân chính (hay còn gọi là Liệt-Ứng-Thân) để cứu độ chúng sanh. Tại quả đất này Ứng-Thân của Ngài là Thái-Tử Tất-Đạt-Đa ở xứ Ấn-Độ. Như vậy đức Phật Thích-ca Mâu-ni không phải là Thái-tử Tất-Đạt-Đa, mà Thái-Tử chỉ là một Ứng-Thân của Phật thị hiện trên quả địa cầu này để khai đạo cứu độ chúng sanh mà thôi. Ứng-Thân này tùy thuận theo thân thể của chúng sanh tại nơi đó.

Còn Hóa-Thân Phật là sao? Ta thường nghe nói Phật có thiên bá ức Hóa-Thân. (Nghĩa là: 1.000 x 100 x 100.000 = 10.000.000.000 (10 tỉ Hóa-Thân)). Đó là con số tượng trưng chứ thật ra Phật có vô lượng vô số Hóa-Thân. (Mỗi người chúng ta khi vãng sanh về Tây-phương cũng có được thiên bá ức hóa-thân như Phật vậy). Hóa-Thân này Ngài ứng hiện khắp nơi tùy theo nhu cầu để cứu độ chúng sanh, có lúc thì hiện nguyên hình theo ý dục của chúng sanh. Ví dụ, cha má quán tượng Phật màu vàng kim thì Phật tiếp độ với Hóa-Thân Phật màu vàng kim giống như tượng thờ. Người thích tượng Phật màu trắng thì Hóa-Thân có màu trắng. Chính vì vậy mà ta nên thờ một tượng, niệm một câu Phật hiệu mà thôi, không nên thờ nhiều hình tượng để tránh khỏi bị tạp niệm hoặc bị phân tâm lúc lâm chung mà có thể dẫn tới mất phần vãng sanh.

Phật cũng thường âm thầm thị hiện xuống thế gian thành những vị cao tăng thuyết pháp độ sanh, thành Bồ-tát tại gia giúp đời hành đạo... Đây gọi là Hóa-Thân của Phật, Bồ-tát. Nên nhớ một điều, quý Ngài tái lai xuống trần, thì tuyệt đối không bao giờ thố lộ danh tánh. Hóa-Phật nhiều lúc cũng ứng hiện trong mộng, trong hào quang, giữa không trung trong một khoảnh khắc rồi biến... Ví dụ, như năm 1998 lúc bốn giờ sáng, cụ Triệu-Vinh-Phương ra giữa sân tự nhiên thấy trên hư không hào quang sáng rỡ, đức Phật A-di-đà hiện thân thọ ký. Mấy năm trước đây ở Mỹ, khi người ta làm lễ khánh thành tượng đài đức Quán-Thế-Âm, ngay lúc làm lễ tự nhiên trên không trung trong vắt xuất hiện hào quang chiếu xuống cả tiếng đồng hồ, lại xuất hiện tiếp một đám mây giống y hệt như tượng đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát ngồi giữa không trung. Những cảnh này người ta đều đã chụp và quay hình lại được. Tất cả hiện tượng này đều là Hóa-Thân. Cho nên, một người niệm Phật đắc lực, tâm thanh-tịnh, thấy được Phật thì đây chính là thấy Hóa-Thân của Phật vậy.

Thưa cha má, trong nhiều đời nhiều kiếp cha má có tu hành tích công lũy đức, quả báo kết lại trong đời này cha má mới hưởng được cái phước duyên đại thiện, là cuối đời cha má đã gặp được những người con có hiếu quyết lòng lo lắng cứu độ vãng sanh. Con thành tâm khuyên cha má hãy hạ quyết tâm niệm Phật, quyết chí cầu vãng sanh Tây-phương để về với Phật, hãy hoan hỷ đón nhận ân huệ của đức Phật A-di-đà và chư Phật mười phương đã ban riêng cho cha má. Quyết đi, thì chắc chắn đi được. Không đi, chắc chắn khó thoát sự đọa lạc. Tất cả đều tùy theo sự quyết định của chính cha má.

Niệm Phật thành Phật. Cha má niệm Phật thì nhân này là nhân Phật, chắc chắn sẽ thành Phật quả trong tương lai.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Australia ngày 11/9/02).