Chết là một vọng tưởng. Thân hình, thể xác
không phải là Ta. Nhiều người cứ lấy thân xác này là Ta cho nên sanh ra lo sợ.
(Pháp Sư Tịnh-Không).
Kính cha má,
Tất cả vạn sự sự vật không có gì thoát khỏi
định luật nhân quả. Thiên cơ, định mệnh chỉ là một cách gọi khác của định luật
nhân-quả mà thôi. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, chính vì vậy mà An nó
tìm cách cho cha má có cơ hội bố thí làm phước để tạo thêm phước báu lót đường
tương lai cho cha má. Trong những ngày về thăm, An nó tâm sự với con rằng,
“...mình làm sao cho cha má an tâm không lo gì về tiền bạc, hơn nữa còn phải
coi nhẹ tiền bạc. Mỗi tháng tiêu dùng nếu thiếu mình bồi đắp cho đủ, nếu dư cha
má phải đem cho người ta hết, cho nhiều mình sẽ bù vào nhiều cho cha má, nếu
còn dư mình trừ số tiền đó trong phần cấp dưỡng tháng sau...”. Nghĩ tới lời này
mà con thương em nó, trong tất cả những người con của cha má không biết còn có
ai thành tâm, thành ý hiếu thảo lo lắng cho cha má như An nữa không?
“Bổ bất túc, tổn hữu dư”, (bù chỗ thiếu, lấy
phần dư) là đạo lý của Lão-học, là triết lý của dịch-học, không biết An nó học
sách Thánh-Hiền từ hồi nào mà nói lên được đạo lý này. Cha má bố thí nhiều,
mình nguyện cung ứng thêm cho cha má làm phước cứu giúp người. Cha má để dành
lại thì coi như tiêu dùng còn dư mình phải lấy lại phần đó. An đề nghị như vậy
là nó không muốn cha má tiếc tiền trong việc bố thí giúp người. Nghĩ tới ý
tưởng này con mới giựt mình vì con vẫn còn có nhiều sơ sót, một đề nghị đơn
giản như vậy mà chính con chưa nghĩ ra. Tư tưởng này người bình thường khó hiểu
tới, nhưng người thông hiểu được đạo mới thấy chí lý, cao siêu. Có được tư
tưởng thiện lương như vậy chứng tỏ được lòng hiếu thảo chân thực của một người
con. Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy, “Phật đạo dẫn cho đến cùng lý chỉ là tròn hiếu
đạo mà thôi”. Người có tâm chí hiếu tự nhiên cảm ứng đạo giao, Phật Trời phù
hộ, trí huệ phát sinh. Người sống mà thiếu hiếu hạnh thì như trong cửa Khổng
thường nói là “Thiên Địa bất dung”, “Quỷ Thần bất phục”, đã bị như vậy rồi thì
làm sao mà nên thân được.
“Bổ bất túc, tổn hữu dư”, là đạo sống trung
hòa. Bù chỗ thiếu để giảm phiền não, ngăn trừ cái độc “Sân”; Lấy phần dư để
phát tâm rộng rải, phá trừ cái độc “Tham”. Giảm giận dữ và tham lam là mở đường
của trí huệ, có trí huệ thì phá được si mê. Đoạn trừ được ba chất độc tham,
sân, si là phá được cái gốc của tam đồ lục đạo, mở đầu con đường để giải thoát.
Một đề nghị tuy đơn giản nhưng hàm chứa trong đó cả một đạo lý làm người thiện
lành. Cho nên, có trí huệ mới thấy giá trị, có hiếu thảo mới thấy chí lý, có
thấu triệt đạo lý mới thấy cao siêu.
Thưa cha má, thông thường con người cứ khư
khư bảo thủ, tằn tiện cất giữ tiền bạc để làm vốn liếng, tạo sự nghiệp. Việc
làm này đối với tuổi trẻ có thể cho là chuyện thường tình, nhưng nghĩ cho kỹ
cũng thấy buồn cười rồi. Còn đối với người già cả mà cất giữ tiền bạc thì thật
là chuyện tiếu lâm của kiếp nhân sinh! Vì sao vậy? Vì, thân người chờ đợi từng
ngày một để ra đi, thì còn ham chi nữa những thứ bất tịnh này cho ô nhiễm tâm
hồn? Người ta cứ nghĩ rằng không tằn tiện thì tiền sẽ hết, không thủ giữ thì
mai hậu làm sao sống. Thử hỏi người già rồi mà còn có mai hậu nữa sao? Khi nằm
xuống rồi có moi tiền để sống được không? Còn về chuyện phước báu trên đời, thì
thực tế mình thấy thường trái ngược lại, người càng bố thí càng giàu, người
càng rộng rãi càng có nhiều tiền, người ưa giúp tha nhân thì hoàn cảnh sống
càng ngày càng thoải mái hơn. Bên cạnh đó người càng keo kiệt càng cô đơn cùng
khổ, càng ngày càng nghèo xác xơ...!
Đó là định luật của nhân-quả, người đời
thường gọi là định-mệnh, tất cả đều đã an bài rồi. Thế thì sống trên đời cần gì
phải lo lắng nhiều, cần gì phải chạy mánh mung bất chánh để kiếm tiền, bon chen
thủ lợi, suốt đời quần quật để tranh giành làm chi những cái gì của chính mình
đã sẵn có trong định-mệnh. Người giàu là vì trong mạng họ có tiền, nghèo là vì
số họ bị nghèo. Danh vọng, quyền lợi, địa vị... mỗi thứ đều do cái nhân của
chính họ đã trồng từ trước, thì tại sao không chịu an tâm tu nhân để được hưởng
thêm quả mới, lại cứ lo tìm quả để gây thêm cái nhân xấu mới và rồi nhận lãnh
cái vận mệnh xấu trong tương lai?
Ngày về quê con có nghe kể một câu chuyện,
có người có tiền của rất nhiều, có đầy một lon hột xoàn, đầy một lon vàng, mà
suốt một thời gian qua không dám tiêu dùng, con cái phải khổ sở làm kiếm từng
đồng để sống, trong khi đó kim cương, hột xoàn, vàng, bạc lại âm thầm chôn giấu
ở sau vườn. Sau cùng, hai lon của cải không cánh mà bay mất. Của thì mất rồi,
còn người thì tiếc của đâm ra ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Cho nên, người già cả mà cất
giữ tiền bạc quả thật là cái họa vào thân. Câu chuyện này là một chứng minh
điển hình. Rõ ràng có tiền của chưa chắc là phước, ngược lại không biết sử dụng
nhiều khi trở thành họa, cái họa trong đời này có thấm thía gì đâu, cái đọa lạc
khổ đau vạn kiếp về sau mới là điều ghê sợ!
Cho nên con tha thiết khuyên cha má nên biết
buông tất cả những thứ đó xuống,thì mới có cơ hội vãng sanh về với Phật, còn
tham luyến cất giữ thì nó sẽ là cái gông, nó cùm chân mình lại trong bể khổ
luân-hồi. Ví dụ, người mất hết hai lon vàng hột xoàn bây giờ tiếc ngẩn tiếc
ngơ. Họa hay phước đây?! Người hiểu đạo thì biết đây chỉ là số mệnh, hễ mệnh có
nó ở, mệnh không nó đi, thì cần gì phải buồn. Thế nhưng, vì không hiểu đạo cho
nên việc này trở thành phiền não vô cùng, buồn rầu vô tận! Đó chính là nghiệp
chướng, là cái gông nó trói đầu mình lôi vào tam ác đạo chứ còn gì nữa.
Trong cái phước có cái họa, có phước mà
không biết làm phước thì cái phước nhanh chóng biến thành họa. Ví dụ như người
mất của nếu cứ tiếp tục buồn mãi, thì chẳng phải là tự mình muốn mai đây trở
thành con thằn lằn, hằng ngày ôm cột nhà, tiếc của mà tắc lưỡi suốt kiếp mới
đành hay sao!
Thưa cha má, người không có phước đức không
thể hưởng được phước báu, dù cho của tiền có đến tận tay. Người mà không lo làm
thiện thì dù bạc tỉ trong tay cũng sẽ trở thành tay trắng. Chính như con đây,
có thời tiền trong tay đếm không hết, nhưng rốt cuộc có lúc đói không có tiền
mua được ổ bánh mì. Tại sao vậy? Vì con không có phước đức cho nên không thể
hưởng phước lộc. Hiểu điều này rồi thì buồn làm chi khi tiền tài đã mất, có
buồn chăng là tự trách mình sao không chịu tu hành sớm mà thôi. Phật dạy, có
phước đừng nên tiêu hết phước. Phước tiêu thì họa đến, nếu không mất tiền thì
tai họa vào thân. Người đó nên hiểu rằng, lỡ có “Tổn-tài” thì được “Tiêu-tai”,
đây là điều may mắn quá rồi, không vui mà còn buồn nữa sao?!
Tiền bạc là “Thông-hóa”. Thông là lưu thông,
hóa là biến hóa. Có thông mới có hóa, không thông thì thành thối. Giống như
nước vậy, có chảy mới trong lành, không chảy thì ối đọng, trở thành nước độc.
Có tiền mà bo bo cất giữ thì tiền đó thành tiền chết, thứ tiền độc hại. Cái
tính chất của tiền là lưu thông để làm lợi cho mình, cho người, làm giàu xã
hội, phục vụ quốc gia. Mình không cho nó làm tròn nghĩa vụ của nó, lại âm thầm
cất kỹ là làm trái ngược đạo lý, đã tự gây nên nghiệp chướng. Nghiệp chướng
tăng trưởng chưa bị hiểm họa là may, còn nói chi hưởng phước. Phước đức hao mòn
đến một lúc nó hết sạch, thì tự nhiên tiền tích giữ nó cũng tự động tìm cách ra
đi.
Chính vì thế mà cất giữ tiền bạc là điều
không tốt mà lại còn làm tiêu hao âm đức của mình là vậy. Tuổi trẻ lưu giữ tiền
bạc nó ít gây nghiệp chướng hơn, vì chúng nó còn có dịp tung tiền ra để đầu tư,
lập cơ xưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người khác, nghĩa là đồng tiền được
“thông-hóa”. Còn già mà cất giữ tiền bạc lại chỉ là món nợ, nợ cho đời này, nợ
thêm đời sau, chứ không có chỗ giải quyết. Hơn nữa, giữ tiền thì tâm bị dính
vào tiền, rất nguy cho huệ mạng. Phật dạy, người không chịu buông bỏ ngũ dục
(tài, sắc, danh, thực, thùy) thì không tránh khỏi tam đồ ác đạo, chắc chắn hậu
lai không tốt!
Đời trước có bố thí tiền, đời này được giàu
có. Bố thí vui vẻ, thành thật thì tiền vào dễ dàng, tiêu xài thoải mái. Bố thí
mà so đo, tính toán thì có tiền nhưng phải làm lụng vất vả. Người đã có phước
đức thì dù vừa làm vừa chơi, tiền của vẫn vô như nước. Người thiếu phước đức
thì có cố gắng làm quần quật suốt đời, sau cùng vẫn thành trắng tay. Cho nên,
đạo hưởng phước báu chính là đạo tu nhân tích đức.
Vì vậy, tiền bạc vừa có đủ xoay xở thì nên
lo bắt đầu tích công lũy đức liền, có thế mới nên sự nghiệp. Người không chịu
tin định luật nhân-quả, cứ cưỡng cầu thâu đạt cái phước lợi chỉ là vọng tưởng,
có của thì mất của, buôn bán thì lỗ vốn, có được gia tài coi chừng nếu không bị
trộm thì cũng bệnh hoạn, không bệnh hoạn thì cũng gặp nhiều tai ương. Nghĩa là,
bằng mọi cách để nó tiêu hao sản nghiệp. Nói chung lại, rốt cuộc cũng hoàn
không mà thôi. Làm chết xác để hoàn trắng tay mà còn thêm họa vào thân, thì dại
gì cứ chạy theo con đường đoản hậu vậy?
Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thụ giả thị.
Dục tri lai thế quả
Kim sinh tác giả thị.
Muốn biết cái nhân đời trước, hãy nhìn vào
sự hưởng thụ trong đời này. Muốn biết cái quả sau này, hãy nhìn đời này ta đang
làm gì đây. Đây là đạo lý của Nhân-Quả, không thể nào sai chạy được. Nếu biết
rằng “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, một hớp nước, một miếng ăn cũng
không ra khỏi định mệnh trước, thì mình sẽ an nhiên tự tại, tư thái thoát phàm,
dù nghèo đến đâu ta vẫn sống an nhàn, thảnh thơi.
“Thu ăn măng trúc,
đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ
tắm ao”...
Tiên cảnh là đây chứ còn tìm đâu nữa, phải
không thưa cha má?
Nhân đã có, thì quả ắt có. Nhân trong đời
kiếp trước tạo ra quả trong đời này, thì quả báo này thuộc về hậu-báo. Con
người sinh ra trên đời là tự nhiên đã thọ lấy cái quả báo của đời trước, đây
gọi là định-mệnh. Nhân trong đời này tạo được quả cũng trong đời này, thì đây
là quả báo hiện tiền, hay gọi là hiện-báo. Hiện-báo có thể thay đổi vận mệnh,
thay đổi hoàn cảnh, đây gọi là “Tận Nhân-lực tri Thiên-mệnh”.
Như vậy, “định-mệnh” là nhân-quả, mà
“đổi-định-mệnh” cũng là nhân-qua. Người xuôi theo định mệnh thì sống trọn vẹn
trong cái quả báo của đời trước, người không xuôi theo định mệnh thì có thể tự
cải tạo được định mệnh của mình bằng sự giúp người, làm thiện.
Ví dụ, đời nhà Minh có người tên là
Hoàng-Khôn-Nghi ở tỉnh Giang-Tô, số ông khoa bảng không cao, không con, thọ
mạng chỉ tới 53 tuổi. Khi gặp Vân-Cốc Thiền-Sư bày cho cách làm thiện để cải
đổi vận mệnh. Ông Hoàng-Khôn-Nghi làm theo, ông phát nguyện làm hàng ngàn việc
thiện, cả gia đình đều ủng hộ làm thiện. Kết quả định mệnh của ông đã chuyển
hẳn, như được trường thọ, có khoa bảng, có quan nghiệp, con cái đầy đủ. Ông đổi
tên thành Liễu-Phàm và bốn bài khuyến thiện của ông là “Liễu-Phàm-Tứ-Huấn” lưu lại
đến ngày nay, trở thành sách gối đầu cho những ai muốn hiểu thấu về nhân-quả,
cải-tạo-vận-mệnh.
Như vậy định-mệnh có thể cải tạo được.
Định-mệnh chỉ là cách gọi khác của định luật nhân-quả mà thôi. Con người chỉ có
thể thay đổi định-mệnh trong đạo lý nhân-quả. Nói rõ hơn, con đường chân chánh
để thay đổi mệnh số là phải làm cái nhân tốt để có cái quả tốt, nhờ cái quả báo
tốt mà cải đổi hoàn cảnh sinh hoạt của con người. Chính vì lý do này mới có sự
khuyến khích tu hành để chuyển nghiệp, chứ không đổi được định-mệnh thì tu hành
làm gì?
Thưa cha má, người thực sự hiếu thảo mới có
những lời hiếu thảo. Người con hiếu thảo mà hiểu đạo nữa thì không những có lời
hiếu thảo, mà còn có thêm những hành động hiếu thảo thực sự chu toàn cái đại
hiếu. An nó đã hiểu được cái định luật của vũ-trụ nhân-sinh, nên mới đề nghị
khuyên cha má cố gắng phát tâm bố thí, tích cực giúp người để có nhân lành, tu
bồi âm đức để hưởng được quả báo an lành. Cụ thể, như hoàn cảnh của cha má ở
quê thì nên giúp người trong làng xóm, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít,
những chuyện này tụi con sẽ cố gắng ủng hộ cho cha má.
Trong tất cả các pháp bố-thí, thì
bố-thí-pháp như khuyên giải bà con tu hành, khuyên họ niệm Phật, giảng giải
pháp Phật, tạo duyên cho người ta niệm Phật là thù thắng nhứt. Hãy cố gắng mở
rộng tâm ra cầu mong tất cả mọi người đều niệm Phật để được vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc, thoát ly sanh-tử luân-hồi.
Cứ thành tâm làm thì tự nhiên Phật Trời sẽ
gia hộ. Nếu chân thành thương người, gắng sức giúp ích tha nhân thì nghiệp lành
sẽ lớn, nó bao phủ được nghiệp ác trong những đời kiếp trước, nhờ thế mà quả
báo tốt sẽ hiện tiền giúp cha má cải tạo được định mệnh trong đời này.
Thành thật bố thí giúp người thì phá trừ
được lòng tham, những thứ tiền tài, danh vọng, địa vị thế gian không còn có thể
cám dỗ mình nữa. Buông xả được thì tự tại như Thánh nhân, một Thánh nhân niệm
Phật thì tức khắc được về với Phật là lẽ đương nhiên. Nhiều người nhờ biết
buông xả mà niệm Phật họ được vãng sanh dễ dàng, còn người không chịu buông xả
thì dù có niệm Phật cũng khó mà được vãng sanh. Cho nên, phải nhìn cho thấu và
buông cho trót cha má ạ. Dòng chữ bên trái trên tượng Phật là, “Khán-Phá,
Phóng-Hạ, Tự-Tại, Tùy-Duyên, Niệm-Phật”. Khán-Phá là nhìn cho thấu sự thật của
vũ trụ nhân sinh, hiểu rõ nhân quả; Phóng-Hạ là buông cho trót thế tục phàm
tình, nhàm chán ngũ dục, lục trần, đoạn trừ tham sân si mạn, bố thí giúp người;
Tự-Tại là tự do thoát tục, thư thái thanh nhàn, an nhiên vui sống; Tùy-Duyên là
hòa trong hoàn cảnh sống nhưng không bị hoàn cảnh chuyển, không đắm nhiễm thế
tục thường tình, không thèm can dự vào chuyện thế gian; Niệm-Phật để chuyển
phàm thành Thánh, là giai đoạn chót viên thành Phật đạo. Đạo lý đang nằm trong
tay, giải thoát đang có ngay trước mắt. Rõ ràng định mệnh là do tự ta chọn lấy.
Bố-thí là giúp đỡ người nghèo khó, nâng đỡ
kẻ khốn cùng, giúp những nơi đáng giúp, chứ đừng cần đến cái tiếng khen tặng
làm chi cho giảm cái đức của mình. Người được nhiều người bao vây khen tặng đâu
thoải mái tự tại bằng kẻ nhàn cư. Người thường nhậu nhẹt say sưa, đem tiền lì
xì cho nhà hàng đâu có phước thiện bằng người mua giùm vài tấm vé số của các em
nhỏ lang thang ngoài đường.
Cho nên, phước-đức có âm-phước, có
dương-phước. Âm-phước có âm-đức, có thiện-báo; dương-phước là dương-đức có
ác-báo. Âm-phước là làm phước âm thầm không khoe khoang; dương-phước là làm
phước mà thích khoe cho thiên hạ biết. Âm-phước là lòng chân thành, lương
thiện. Dương-phước là lòng giả vọng, tham danh. Người âm thầm giúp đỡ người
nghèo khó không cầu mong trả ơn... đó chính là lòng thương người chân thật, tâm
tánh hiền hòa từ bi. Nhìn vào người đó tự nhiên thấy hiền lành, tướng hảo quang
minh, thâu nhiếp sự cảm mến của thiên hạ. Đây thuộc âm-đức, chắc chắn có quả
báo tốt hiện tiền, không cần cầu xin.
Ngược lại, người cứ làm một chút việc tốt
thì muốn cho người ta hay, người khác khen tặng, cần nhiều tiếng vỗ tay... đây
thì thiện lành ít, mà lòng cạnh tranh tham danh vọng thì nhiều, tiền bạc họ bỏ
ra có khi rất nhiều nhưng âm-đức không có, không những không có đức mà còn bị tổn
hại nữa là khác. Nhìn họ ta thấy nụ cười gượng gạo, tâm thái bất an... tất cả
những cái đó nó phá cái sắc tướng của họ, khó có thể dấu được ai. Đây gọi là
dương-phước. Dương-phước thì thiện quả đã mất mà ác báo lại hiện tiền, hậu quả
thường bị người đời xem thường, tương lai quả báo không tốt.
Có lần má muốn góp tiền để xây cái nhà
“Táng” hay may cái lá cờ... cho đám ma. Đóng góp vậy cũng được. Nhưng thực ra
không tốt bằng má âm thầm đi giúp người nghèo khó, cho họ chén cơm, manh áo, an
ủi lúc khổ, tặng họ chút tiền để mua thuốc lúc ốm đau, nhất là đi khuyên người
niệm Phật... Làm cái nhà Táng để cho đám ma linh đình chỉ là cái tập quán của
người Việt-Nam, trong đó nó ngụ ý đưa hồn về địa-phủ. Người tu hành hãy thành
tâm khuyên người khi còn đang sống hãy niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-phương
Cực-lạc để thành Phật thì hay hơn, công đức này lớn vô cùng vô tận, chứ khi
chết rồi làm đám tang linh đình để đưa về địa-phủ thì tốt lành gì đâu mà làm!
Sống trong làng xóm, mình cần hòa với mọi người, không trái nghịch với xã hội,
nhưng đường ta ta đi, chứ không đồng lòng theo họ. Đây gọi là Tùy-Duyên, tức là
“Hòa mà không Đồng” vậy má ạ.
Thưa cha má, đường đời đầy bạc bẽo phũ
phàng! Sự tu hành cũng nhiều chông gai cạm bẫy! Mình phải sáng suốt để tìm
đường thoát ly, thoát ly thế tục, thoát ly sanh-tử luân-hồi. Phật dạy, tu hành
cần phải phúc huệ song tu. Tu phúc mà không tu huệ thì bị nạn tam-thế-oán. Tu
huệ mà không tu phúc thì chướng ngại trùng trùng khó bề vượt qua. Tu phúc là
làm lành, lánh dữ, tu huệ là để thoát ly sanh-tử luân-hồi, viên thành đạo quả.
Ví dụ, như câu “Một lòng niệm Phật, ăn chay,
làm lành”, thì niệm Phật là tu huệ, ăn chay, làm lành là tu phúc, nghĩa là phúc
huệ song tu, rất tốt. Nhưng nếu ta cứ đi cầu ơn trên cho được bổ báo phước
lành, thì công đức bị mất hết, chỉ còn lại cái phước báu hữu lậu mà thôi. Tu
như vậy là một sự sơ suất đáng tiếc! Cũng như mình niệm: “Sau dầu đến chốn Diêm
đình, linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi”, không tốt lắm! Vì Diêm-đình
thuộc về Diêm-Ma-La giới, tức là địa-ngục. Niệm địa-ngục thì dễ lạc vào
địa-ngục, tới đó làm chi? Hãy niệm rằng: “Sau dầu mãn báo thân này, linh hồn
trong sạch nhẹ nhàng thảnh thơi”, thì hay hơn nhiều chứ!
Cho nên, tu hành nên rất cẩn thận mới được.
Phật dạy, “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”, tâm chánh là Phật, tâm tà là ma. Tà -
Chánh tại tâm chứ không phải do bên ngoài. Tôn giáo chưa hẳn đâu là tà, đâu là
chánh, chỉ có người sơ suất đã biến tôn giáo thành ra có tà, có chánh thì rất
là nhiều. Ví dụ, như ngay trong Phật giáo, Phật dạy tu hành phải đoạn trừ lòng
tham mà hầu hết người nào tới chùa cũng cầu xin phước báu, tiền tài, danh
lợi... cầu tăng trưởng lòng tham. Cầu như vậy là sai lời Phật dạy không tốt
chút nào cả!
Chuyện tu hành là vậy, chuyện thế sự nhân
sinh còn nặng hơn nữa! Con người ai cũng thích thành hiền nhân quân tử, nhưng
tư tưởng hành động lại thường đi ngược mà không hay, như ngay trong gia đình
mình vẫn còn nhiều người vướng mắc vào chữ danh. Chữ danh có nhiều hình tướng
lắm, có thực có hư, có thơm có thối, có thiện có ác, có chánh có tà... chứ đâu
phải có danh là tốt đâu. Ấy vậy, mà nhiều người quá chú ý vào chữ danh nên mới
bị nhiều phiền não. “Gẫm hay mà ngán ngao dường, có danh phải chịu trăm đường
đắng cay!”. Người trước đã than như vậy mà người nay không biết tỉnh ngộ mà cứ tìm
đường cay đắng mà theo.
Danh là quả báo của tài đức. Có tài thì có
danh dự, có đức thì có tiếng lành. Không tài không đức mà tìm cái danh thì
nhiều lắm cũng được cái hư danh, ác danh, tà danh... mà thôi chứ có hay ho gì
đâu. Người biết tu hành thì cái tiếng tốt danh thơm kia cũng không động tới tâm
họ, huống chi là cái danh vọng hão huyền. Trong lịch sử xưa nay có vị nào tham
danh mà được thành danh đâu?!...
Cái danh nó xác định nhân phẩm của con
người, nó đến một cách tự nhiên. Định luật nhân-quả xác định có tiền kiếp, có
hậu lai, thì chắc chắn đời này chết đi không phải là hết. Cái thân này chết đi
ta có cái thân khác để sống. Cái báo thân này tự nó đã là cái danh quả cho đời
trước rồi. Nếu làm lành, làm tốt, thì mỗi lần thay đổi ta lại có cái thân tốt hơn,
có hoàn cảnh sống tốt hơn, bây giờ là thân người sau này có thể là thân
Đế-Vương, thân Trời, thân Phật... Nếu làm xấu, làm ác, thì mỗi lần đổi ta mang
cái thân hình tồi tệ hơn, hoàn cảnh sống khổ cực hơn. Cái danh hiện tại nó xác
định cái nhân phẩm của mình trong quá khứ. Vậy thì, cứ làm thiện làm lành, lo
tu bồi tài đức thì dù có chạy trốn cái danh thơm nó cũng tìm tới, chứ đâu cần
phải khổ nhọc đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mua cái tiếng hão huyền hư vọng làm
chi?
Ở Việt-Nam, người tham danh thường lấy câu,
“vật chết để da, người ta chết để tiếng” làm châm ngôn sống. Họ cho đó là lý
tưởng của người trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất. “Không danh đành nát với
cỏ cây”. Nhưng thương hại thay! Họ thèm tấm da làm chi mà coi chừng đời sau
đành chịu thân mang lông, đầu đội sừng, đi bốn chân, suốt đời quần quật kéo cày
cho thiên hạ, rồi đến khi thân tàn ma dại thì họ trói chân mình lại, quật mình
ngã xuống, banh thây mình ra lấy thịt để ăn, rồi mới lóc tấm da đem đi thuộc để
làm đồ hữu dụng!...
Còn “Người chết để tiếng”, tiếng gì đây? Tục
ngữ có câu, “hữu xạ tự nhiên hương”, có mùi thơm thì tự nhiên có hương thơm.
Không có nhân thì chắc chắn không có quả. Không có làm thiện lành, thì chắc
chắn không có quả thiện lành. Người cứ lo chạy tìm tiếng thơm, thì giống như
trong kinh Lăng-Nghiêm, đức Phật ví “Như người lấy phân khô mà khắc thành hình
cây chiên đàn”. Chiên đàn là một loại cây đàn hương, tự nó tiết ra mùi hương
thanh thoát. Người không có cây chiên đàn mà chạy làm điều bậy bạ để tìm mùi
thơm của hương chiên đàn, có phải là dại lắm hay không?!
Làm thiện là lấy cái tâm thiện lành để làm
chứ không nên vì cái danh, hay vì để được khen mà làm. Người chân thành làm
thiện nên lo sợ mà tránh xa lời khen tặng, phải biết trốn tránh cái danh vọng
hão huyền để bảo tồn cái âm-đức của mình. Ham danh thuộc về dương-đức,
dương-đức thì giả-vọng, giả-vọng thì gặp ác-báo. Rất uổng cho cái phước báu
mình khổ công vun trồng sẽ tiêu sạch, vì thèm mua một ít lời khen trong chốc
lát. Nếu lý luận theo ngày nay, thì người vì tham cái danh nên bỏ tiền ra mua
được cái danh, có danh rồi thì sống trong sự giả dối, tâm tánh thiếu thành
thật, mà còn thường cống cao ngã mạn, khinh thị thiên hạ... Tất cả những hành
vi này cấy vào tâm điền biết bao nhiêu tật xấu. “Tướng tùy tâm sanh”, trong tâm
có tật xấu dấu sao cho được trước trực giác của mọi người. Có nhân chủng xấu
làm sao tránh được ác báo tương lai?
Thưa cha má, con nói đến chữ danh là thực
tâm muốn cầu mong cảnh tỉnh một vài người còn đang mập mờ theo đuổi. Ngày nào
cha má còn tại tiền thì con cháu phải biết nghe lời răn dạy cái đạo đức: Nhân,
Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của cha má. Cái đạo đức làm người phải hiểu có “Nhân” có
“Quả”, phải biết có “Xạ” thì mới có “Hương”. Muốn có cái “Tiếng-Thơm” phải có
cái “Tâm-Thơm” trước, không lo cái tâm thiện lành mà chạy tìm cái tiếng thiện
lành thì có khác gì người không có chiên-đàn mà cứ muốn ngửi mùi chiên-đàn đâu?
Con cái muốn có tiếng hiếu nghĩa thì phải lo
cho tròn chữ hiếu, âm thầm từng phút, từng giây nghĩ cách sao báo đáp cho trọn
ơn nghĩa sanh thành. Cụ thể, từng bữa đói no đã nấu giùm nồi cơm chưa? Từng
ngày nóng lạnh đã đắp cái mền, đã thông chút gió chưa? Trong lúc cha má xỉu té
có ai túc trực đỡ cha má dậy không? Đã có kế hoạch gì để phụng dưỡng chưa? Đã
nghĩ cách cứu huệ-mạng của cha mẹ cho đời kiếp tương lai chưa?... Đó mới thực
sự là “Hiếu dưỡng phụ mẫu” vậy.
Xin thành tâm khuyên anh chị em, con cháu
trong gia đình đừng ham chi cái danh giả tạo bên ngoài mà tổn cái đức bên
trong, không tốt chút nào cả! Trong lịch sử Trung-Quốc, người đại hiếu đại
thuận là vua Thuấn. Xuất thân của ông là đứa con mồ côi mẹ, bà mẹ ghẻ ác nghiệt
cùng người cha ngu muội suốt đời tìm cách hãm hại ông ta. Nhưng vì nghĩ đến
công ơn sanh thành mà ông quyết một lòng hiếu thuận. Sự hiếu thuận đã cảm động
đến đất trời, bay xa tới tai vua Nghiêu, được vua Nghiêu truyền cho ngôi báu.
Đây chính là “hữu xạ tự nhiên hương”. Thử hỏi, nếu từ đầu ông Thuấn cứ đi rao
khắp nơi, kêu nhiều người tới chứng kiến là mình có hiếu nghĩa, thì liệu cái
quả báo sẽ như thế nào?
Hãy nhìn coi, chung quanh chúng ta, cũng đâu
thiếu gì những cảnh vì tham chút danh mà cuộc đời lao đao lận đận, rồi cuối đời
âm thầm khóc trong tủi cực buồn đau! Tham danh mới bị đời xoay, thích danh mới
bị kẻ dày người chê. Rời bỏ danh vọng trở về cuộc đời hiếu hạnh chắc chắn phải
hay nhiều hơn chứ!
Hiếu đạo là căn bản đạo đức của con người.
Tất cả anh chị em, trong gia đình muốn báo hiếu với cha má thì phải nên tìm
hiểu cho tường tận cái hiếu của thế gian và cái hiếu của xuất thế gian. Trả chữ
hiếu thế gian là tiểu hiếu, tròn chữ hiếu xuất thế gian là đại hiếu. Hiếu xuất
thế gian là đại hiếu, vì nó đã bao hàm cả tiểu hiếu trong đó rồi, vì người hiểu
đạo rồi có bao giờ lại ganh tỵ, so đo từng đồng để phụng dưỡng cho cha mẹ đâu?
Người chỉ lo việc thế gian thì nhiều lắm cũng chỉ trả được tiểu hiếu của thế
gian, nếu tốt thì có thể đem về một số vật chất và một ít niềm vui nào đó,
trong khoảng thời gian hạn hữu khi cha mẹ tại tiền. Nếu lỡ sai lầm, coi chừng
vô tình trở thành tội phạm đày đọa song thân mình vào nơi hiểm ác! Cho nên hiếu
thảo cần phải hiểu đạo lý xuất thế nữa, thì sự báo hiếu sẽ được toàn vẹn cả vật
chất lẫn tinh thần, giải nghiệp được cho cha mẹ trong cả quá khứ, hiện tại, và
vị lai.
Thưa cha má, trước đây con từng nói, người
hiếu thảo nhưng thiếu trí tuệ thì rất dễ vô tình tạo ra những sự cố đau lòng,
vô ý trở thành oan-gia trái-chủ đối với người sanh thành và trở thành kẻ đại
nghịch bất hiếu, vì dìm đời kiếp sau của cha mẹ mình trong ngục tối mà mình
không hay! Hầu hết chuyện này hoàn toàn chỉ là sự vô tình đáng tiếc mà thôi.
Hậu quả, trách tội thì không trách được, vì chỉ là sự vô tâm không hay biết,
nhưng đau thương vẫn phải bị thương đau, nước mắt rơi vẫn phải rơi nước mắt!...
Xin cha má nhớ lấy những điểm này để có sự hành động thích đáng, có lời di chúc
rõ ràng, đề phòng oan gia trái chủ phá mình mất phần vãng sanh. Di chúc này
không hẳn là tiền bạc nhà cửa, mà chính là lời răn dạy cho con cái biết tu hành
hiểu đạo, biết hộ niệm vãng sanh, biết thành tâm tin Phật. Và nhất là, chính
cha má phải hạ quyết tâm dũng liệt niệm Phật cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc thế
giới. Cố gắng làm thêm việc thiện để hồi hướng công đức vãng sanh. Tâm chí
thành, chí kính sẽ được Phật lực gia trì, phá vỡ ách nạn cho cha với má an lành
thoát ly tam giới.
Riêng về anh chị em trong nhà chúng ta nên
ủng hộ chương trình của An. Đây là một đề nghị hợp tình, hợp lý, có nghĩa, có
khả năng thực hiện tốt nhứt. Con cái chúng mình đông như vậy chắc chắn dư sức
làm việc này, hãy tự giác kẻ công, người của góp sức phụng dưỡng cha má cho
thoải mái trong tuổi xế chiều này. Có thoải mái thì cha má mới yên tâm tu hành
và cuối cùng cha má hưởng được cái đại phúc báu của sự thiện chung. Được như
vậy, mình cứu cha má và chu toàn chữ đại hiếu làm người. Phụng dưỡng cha mẹ
nhất thiết phải tùy tâm, đừng nên so đo nhiều ít. Hãy tự lấy gương soi lấy tâm
hiếu của chính mình. Công đức vô lượng!
Thưa cha má, hãy buông xả để về với Phật.
Cha má nghĩ coi, ông bác ở Long-Khánh biết buông xả nên chỉ cần niệm Phật một
thời gian ngắn mà được vãng sanh. Còn ở đây con lo cho cha má đến như thế này
mà còn sơ ý để mất phần thì đáng tiếc biết chừng nào?
Nhất định phải hưởng cho được cái đại phước
báu vãng sanh. Buông xả, niệm Phật, hết báo thân này chắc chắn được về
Tây-phương Cực-lạc Thế giới.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu 18/10/02).