Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào, đủ
lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, suốt
cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiên tiền chiêu cảm
được y báo và chánh báo của Phật A-di-đà ở cõi Cực-lạc. Lúc lâm chung cố giữ
sao cho được mười niệm nối tiếp nhau thì lập tức được vào Phổ Đẳng Tam Muội của
Đức Phật A-di-đà và được tiếp dẫn về Tây-phương Tịnh-độ.(Lời Phật – Kinh Niệm
Phật Ba La Mật).
Em Ngọc,
Trong một hoàn cảnh khó khăn bận bịu mà em
cùng quý bác và anh chị em đã cố gắng tạo được một “Niệm Phật Đường” nhỏ và mỗi
ngày gặp nhau tinh tấn niệm Phật thật là quý hóa. Hãy quyết tâm tin tưởng vào
lời Phật dạy, niệm Phật cầu sanh về Tây-phương. Trong đời này chúng ta gặp nhau
rồi cùng nhau niệm Phật chính là một duyên lành, anh nhớ từng khuôn mặt dễ
thương của tất cả quý bác và anh chị em ở An Thái, nhưng tên thì có người còn
nhớ, có người chưa biết. Nếu có dịp chụp chung một bô hình rồi ghi hết tên gởi
sang Úc thì hay quá. Hãy cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, khuyến tấn tu hành, Ngọc
thấy có gì cần anh giúp đỡ thì cho anh biết. Nguyện cầu A-di-đà Phật gia trì
cứu độ tất cả được vãng sanh Tịnh-độ, một báo thân này viên thành Phật đạo.
Anh không bao giờ quên em cùng quý bác, quý
anh chị em ở An Thái đã lặn lội xa xăm vào niệm Phật với anh. Anh Năm rất sung
sướng và cảm động khi nghe em nói rằng tất cả quý bác sẵn sàng vào hộ niệm cho
cha má anh khi cần. Anh rất tán thán ý kiến này, đây là tâm lượng Bồ-tát. Người
tu hành chân chánh là vậy đó, khi đã biết được con đường giải thoát thì nên
thành tâm phát nguyện cứu giúp người khác, bằng cách khuyên người niệm Phật,
quyết tâm hộ niệm cho nhau, mong cho từng người được vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc. Hãy chân thành để làm thì tự nhiên có sự cảm ứng. Cứu người không ngại
khó khăn, không cần trả ơn, nghe được một người vãng sanh ta mừng như chính ta
được vãng sanh vậy. Theo lời yêu cầu của em, anh Năm sẽ nói rõ hơn về sự hộ
niệm, hơn nữa hôm nay anh nhấn mạnh những gì cần nên làm, những gì không nên
làm khi hộ niệm cho một người lâm chung. Có một số thư anh đã nói rồi, cũng nên
cần đọc lại. Thôi anh đi vào vấn đề chính.
1) Tại sao phải hộ niệm?
Khi một người lâm chung, họ sẽ bỏ cái báo
thân này và đi vào cảnh giới khác. Thông thường người ta gọi là chết. Tuy nhiên
danh từ “chết” là chỉ cho cái nhục thân đã đến kỳ mãn hạn, bản chất của cái
thân này là tứ đại kết lại thì bây giờ đã đến lúc nó phải tan rã để trở về với
đất, nước, lửa, gió. Nhưng còn chính người đang sử dụng cái thân đó không chết,
đến lúc đó họ sẽ không còn lệ thuộc vào cái thân nữa và chuyển qua một cảnh
giới “tạm thời” khác gọi là thân trung ấm, để chờ ngày tái sanh (hay đọa lạc!).
Tuy nói vậy, nhưng nếu một người trải qua đầy đủ những bước trên, như từ mất
thân, đến trung ấm, đến tái sanh, thì nói rằng họ “chết”cũng có thể đúng, vì
khi trải qua một cuộc chuyển đổi như vậy họ sẽ đau đớn cả thể chất lẫn tinh
thần, sau đó họ hoàn toàn trở thành con người khác, sẽ quên hết những gì trong
quá khứ, hoặc nếu bị đọa lạc thì khó có thể trở lại làm người.
Tuy nhiên nếu trong đời người đó biết cách
tu hành, biết chọn đúng hướng chuyển thân thì khi báo thân mãn là cơ hội tốt
cho họ thực hiện lý tưởng giải thoát, không còn bị tù hãm trong cái thân èo uột
khổ sở này nữa, họ sẽ sống trong một cảnh giới tốt đẹp hơn. Trong đó,
Tây-phương Cực-lạc Thế Giới của đức Phật A-di-đà là cảnh giới tốt đẹp nhất mà
trên tất cả mười phương chư Phật không có chỗ nào sánh bằng. Một chúng sanh
trong mười phương cõi Phật muốn sanh về đó thì phải phát lòng tin tưởng, phải
niệm A-di-đà Phật, phải nguyện vãng sanh. Nếu ba thứ tư lương này được thực
hiện đầy đủ, thì khi lâm chung chỉ cần cất lời niệm 10 câu Phật hiệu, hoặc như
HT Tịnh Không nói, một niệm cũng được vãng sanh. Điều kiện để vãng sanh quá dễ
dàng! Tuy nhiên, chỉ dễ dàng đối với người biết niệm Phật với tín hạnh nguyện
đầy đủ và được hộ niệm lúc lâm chung. Người có chân thành niệm Phật, nhưng công
phu còn yếu, chưa phá nổi nghiệp chướng, chưa đủ an toàn tự lực vãng sanh, nếu
không được hộ niệm họ có thể vẫn bị khá nhiều trở lực làm chướng ngại sự vãng
sanh.
Thông thường ta chỉ nghe nói đến cầu an hoặc
cầu siêu chứ ít nghe nhắc đến “Hộ Niệm”. Cầu an là độ người sống, cầu siêu là
độ người chết. Độ người sống là cầu cho người sống được thọ mạng tăng trưởng,
tật bệnh tiêu trừ, tiêu tai giải nạn. Khi một người bị bệnh thường là dịp để
thiết đàn cầu an, có lẽ đây là cơ hội tốt để kết duyên lành Phật pháp cho họ,
còn kết quả cầu an có tốt hay không phải tùy thuộc nhiều vào người đó có thực
tâm làm theo lời Phật dạy hay không. Phật dạy tu hành để chuyển nghiệp, nghiệp
đang xấu thì phải tạo nghiệp tốt để chuyển đổi hoàn cảnh, nếu được cái tâm như
vậy thì cầu an là sự trợ duyên rất tốt. Còn không chịu tạo nghiệp tốt mà muốn
chuyển nghiệp thì có khác gì nói rằng không ăn cũng no, không uống cũng hết
khát!
Còn cầu siêu là độ cho người chết, giúp cho
thần thức nhẹ tội phần nào hay phần đó trong cảnh giới trung ấm và cũng là một
hình thức gieo duyên Phật pháp cho họ, mong cho tương lai thần thức sớm thức
tỉnh quy y Tam Bảo, cải tâm tu hành để may ra được siêu sanh giải thoát. Nghĩa
là có được giải nạn hay không chính yếu là tự họ phải biết quay đầu hay không.
Chứ một khi tội đã thành hình, thần thức đang bị quay cuồng trong cơn gió
nghiệp thì làm sao cứu được! Như vậy cầu an và cầu siêu nặng về gieo duyên Phật
pháp, có tác dụng dài lâu về tương lai, may hay rủi còn tùy thuộc nhiều vào
thiện căn, phước đức và nhân duyên của họ.
Còn “hộ niệm” thì trực tiếp cứu độ một người
vãng sanh thẳng về Tây-phương Cực-lạc một đời giải thoát sanh tử luân hồi bất
thối thành Phật, bằng chính sự thức tỉnh kịp thời của người đó và nhờ sự bảo hộ
an toàn của những người hộ niệm. Niệm Phật, có tín hạnh nguyện đầy đủ, cộng với
có hộ niệm thì sự vãng sanh có xác suất rất cao. Kinh Phật nói rằng, “đời mạt
pháp vạn ức người tu khó có được một người chứng đắc”, là tại vì không có người
chịu quyết tâm tu hành theo con đường giải thoát của Phật dạy, mà cứ thích tu
lòng vòng, thích cầu đám, chứ không thích hộ niệm để có một niệm giác ngộ vãng
sanh ngay thời điểm lâm chung. Chính vì thế mà phải cần đến sự hộ niệm.
2) Thế thì tại sao rất ít người chú ý tới sự
hộ niệm?
Một là, thấy bệnh thì dễ, chết rồi tới thăm
cũng dễ, nhưng biết lúc nào chết không phải dễ. Hai là, cầu nguyện cho tật bệnh
tiêu trừ, cho tiêu tai giải nạn thì ai cũng thích, nhưng cầu cho được “vãng
sanh” thì không ai thích, lý do có lẽ là vì ít có người hiểu rõ được sự vãng
sanh, hoặc cứ nghĩ rằng vãng sanh là chết. Đời này ai lại đi cầu chết! Chỉ vì
“chết” không thể tránh khỏi, nên khi bị “chết” rồi mới cảm thấy tiếc thương! Vì
thương tiếc nên mới nghĩ rằng người thân “có lẽ may ra” còn sống ở đâu đó, thôi
thì thử đi cầu siêu. Cầu được hay không cũng chỉ qua vài lần thì tất cả đều đi
vào quên lãng!
Thế đời là vậy đó! Tham sống, sợ chết. Sự
sống không cần tham cũng sống, ấy thế mà ai cũng tham. Cái chết không có thực
mà cứ lo chạy trốn cho nên bị chết mãi. Suốt kiếp cứ lo sợ chết thành ra nó cứ
bám sát theo, không thoát ly được. Phải chăng, thực sự con người đang sống
trong vọng tưởng, thích giữ cái vô thường giả tạm để sống, còn sự thật thì bỏ
quên để mãi mãi rơi vào trạng huống khổ đau!
Cầu an là cầu cho sự sống tốt đẹp, tránh né
sự chết. Cầu siêu cầu trong sự chết, mong cho có sự sống trở lại. Tất cả dù có
vi diệu cũng chỉ là gieo thêm duyên Phật pháp trong đời, cho vô lượng kiếp về
sau chứ không thể giải quyết chuyện một đời này thoát ly sanh tử! Phật dạy
rằng, một chúng sanh thực sự không có sự chết, chỉ có sự sống đời đời trải qua
thời gian dài vô cùng vô tận, có sướng có khổ trong vô lượng vô biên cảnh giới.
Sự chết chỉ là một cảnh khổ đau trong nhiều cảnh khổ mà chúng sanh vì mê muội
cho nên phải chịu mà thôi. Con người cứ chấp vào cái vô thường cho là thực
thành ra cứ tiếp tục sanh rồi tử, tử rồi sanh, sanh sanh tử tử khổ đau bất tận!
Nếu đã hiểu thấu được lý đạo này, ta có thể chấm dứt cảnh đoạn trường tang
thương của nhân thế. Nhờ vào đâu? Niệm Phật vãng sanh Cực-lạc Liên Bang, ở đó
thọ mạng vô lượng, báo thân này không bao giờ bị mãn, cho nên không còn chứng kiến
được cảnh sanh tử tang thương nữa.
Niệm Phật tự vãng sanh chưa đủ chắc chắn.
Niệm Phật và được hộ niệm thì mới chắc chắn vãng sanh. Đáng tiếc con người
không chịu nghe lời Phật dạy, không chịu nguyện vãng sanh. Tệ hơn nữa, cứ nghĩ
vãng sanh là chết thành ra sợ không dám mời ai tới hộ niệm cho mình, con cháu
không dám tổ chức hộ niệm cho người thân. Sự hộ niệm đã bị bỏ quên, thành ra
chúng sanh đành chịu thiệt thòi không có phần giải thoát vậy!
3) Hộ niệm là gì?
Như trên ta đã biết rằng con người thực của
chúng ta trải qua từ vô thỉ đến vô chung bằng sự mất thân thọ thân, chuyển đổi
hình thể qua nhiều môi trường khác nhau, có sướng hơn hoặc khổ hơn, tốt hơn
hoặc xấu hơn... chứ không phải chỉ mấy mươi năm ở đời này. Một lần chuyển đổi
như vậy là xong một “phần đoạn sanh tư”, hay nói dễ hiểu là một đời. Hầu hết
những cảnh sống này đều do nghiệp lực dẫn dắt để trả cái nghiệp báo đã từng kết
tập trong quá khứ. Tuy thế, có một điều ta cần phải nhớ, là cái ý niệm cuối
cùng lúc lâm chung rất quan trọng, nó có khả năng quyết định cảnh giới đời sau.
Nghĩa là, ngay lúc lâm chung nếu nẩy sinh một ý niệm thiện có thể sanh về thiện
đạo, một ý niệm ác sanh về ác đạo, niệm một câu A-di-đà Phật sẽ được sanh về
Tây-phương Cực-lạc bất thối thành Phật. Chính vì một niệm lúc lâm chung có tầm
quan trọng quyết định, cho nên người học Phật nhứt định phải làm sao thực hiện
cho được cái ý niệm vãng sanh Tịnh-độ để được viên mãn giải thoát, viên thành
Phật đạo. Ý niệm này lúc bình thường thì ai niệm cũng được, nhưng đến thời điểm
lâm chung thì không phải dễ. Lúc đó thân thể đau nhức, đầu óc quay cuồng, sức
lực kiệt tận, gia sự rối ren, oan gia phá hoại, ma quái dụ hoặc, nghiệp báo tấn
công, v.v... trăm ngàn thứ ồ ạt tấn công sẽ tạo nên một sự khủng bố rất lớn,
làm người ra đi phải điên loạn không còn tự chủ được. Cho nên, dù là người có
niệm Phật, nhưng nếu công phu chưa đủ để xóa tiêu nghiệp chướng, tâm chưa được
thanh tịnh thì phút lâm chung vẫn có thể bị trở ngại, chưa đủ an toàn để vãng
sanh. Sở dĩ bị vậy là vì: một là do thế lực tà ác hung hiểm bên ngoài tấn công,
hai là thể lực bên trong quá yếu, thần thức mê mệt. Chính vì thế, người muốn
vãng sanh Tịnh-độ thì ngày đêm phải niệm Phật và phải chuẩn bị sẵn sự hộ niệm
cho mình. Được như vậy, lúc đó sẽ vững tâm, an nhiên, tự tại, bảo đảm an toàn
vãng sanh.
Hộ niệm giảm thiểu sự rủi ro, tăng thêm sự
an toàn cho việc vãng sanh. “Hộ” là bảo hộ, hộ trợ, là hành động của người còn
khỏe quyết tâm bảo vệ người ra đi, ngăn chận những thứ tà ác bên ngoài tấn công
vào làm hại; “Niệm” là ức niệm, tưởng niệm, là làm cho tâm thần người ra đi
không bị mê mờ, không bị lầm lạc, tỉnh táo đi theo con đường mình chọn, nói cho
rõ ràng hơn, “Niệm” chính là trì niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Nói chung, “Hộ
Niệm”hay “Trợ Niệm” là nghĩa hiệp cứu trợ người lâm chung thoát khỏi những cảnh
giới hung hiểm để vãng sanh về cảnh giới tốt đẹp theo ý muốn. Người học Phật
thì ước nguyện cao cả là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, bất thối thành Phật,
viên thành đạo nghiệp, thì ngay thời điểm này tất cả mọi hành động, tâm tưởng,
hình ảnh, v.v... đều phải quy tụ về đó, không được xen tạp bất cứ một điều gì
lệch ra khỏi Tây-phương Cực-lạc Y Báo Chánh Báo Trang Nghiêm. Y Báo là cõi
Tây-phương Tịnh-độ, Chánh Báo là đức Phật A-di-đà, người lập ra Cực-lạc quốc
độ. Như vậy, hộ niệm (hay còn gọi là trợ niệm) là tất cả mọi người chí thành
khẩn thiết, hướng tâm về đức Phật A-di-đà cầu nguyện Ngài đại từ đại bi phóng
quang tiếp độ người sắp lâm chung. Phương pháp duy nhất cần phải làm là tất cả
mọi người đều thành tâm niệm “A-di-đà Phật” để cho từng giây từng khắc người ra
đi nghe được danh hiệu “A-di-đà Phật”, niệm được danh hiệu “A-di-đà Phật”, và
nhớ quốc độ của Phật A-di-đà để cầu xin vãng sanh về đó.
4) Khi nào thì bắt đầu hộ niệm?
Trước giờ lâm chung, ngay lúc lâm chung, và
sau khi lâm chung ít ra tám tiếng đồng hồ cần phải được liên tục hộ niệm, không
bị gián đoạn, nhất là thời điểm lâm chung. Một điều khó là làm sao biết được
giờ phút lâm chung để sẵn sàng hộ niệm? Nếu một người có công phu niệm Phật đã
đến cảnh giới “nhất tâm bất loạn”, họ biết được ngày giờ ra đi, thì chuyện này
trở thành quá đơn giản. Trường hợp này có hộ niệm hay không không mấy quan
trọng, lý thú hơn nữa là nhiều khi họ rất tự tại vãng sanh, làm tiệc vãng sanh,
mời bà con tới vui tiệc rồi an vui từ tạ ra đi. Còn người có công phu thấp hơn
một bực gọi là “niệm Phật thành thục”, “niệm Phật thành phiến”, “lão thật niệm
Phật”, dù chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng nghiệp chướng đã nhẹ, thần trí
tỉnh táo, đôi lúc họ cũng biết được gần chính xác thời gian ra đi, hoặc có thể
có những tiên triệu hay linh cảm giúp họ có thể tiên đoán. Những trường hợp này
cũng tương đối đơn giản. Riêng những người công phu niệm Phật còn yếu, nghiệp
chướng còn nhiều, họ khó có thể biết trước được giờ phút lâm chung, thì đòi hỏi
người hộ niệm phải chịu khó cẩn thận tổ chức hộ niệm càng sớm càng tốt. Ví dụ,
như chuyện vãng sanh của bác Dư Thị Ky vào tháng 12/2002 vừa qua làm điển hình,
bác không biết ngày nào ra đi, nhưng được cái may mắn là nhờ bác sĩ ở bệnh viện
báo trước tình hình của bệnh trạng. Giả sử khi đó gia đình không hiểu Phật
pháp, không có người niệm Phật, không ai biết hộ niệm, cứ ngày ngày quây quần
than thở, buồn rầu, lo chạy lăng xăng để chữa cầu may... thì hậu quả chắc chắn
sẽ rối rắm vô cùng, sầu khổ vô biên, sẽ buồn thảm như bao đám tang bình thường
khác! Vì dù rằng bác đó là một người hiền, nhưng thực tế thì công phu tu tập
không nhiều, thời gian niệm Phật quá ít, thì tự mình khó chống chọi nổi với
những thế lực hung hiểm bên ngoài để được chắc chắn an toàn thoát nạn. Thế nhưng,
vì gia đình đã tổ chức hộ niệm kịp thời, giúp cho bác an nhiên vãng sanh trong
đường tơ kẽ tóc. Thật là may mắn, thật là một đại phước báu trên đời, không có
gì sánh được!
Hộ niệm là một buổi công phu tu tập mà công
đức so ra còn lớn hơn một buổi tu hành bình thường, vì ngoài công đức niệm Phật
còn có công đức cứu độ chúng sanh. Các cụ già cả thì báo thân còn lại này mong
manh như hạt sương mai, cảnh sống hụp lặn trong lục đạo luân hồi quá khổ đau,
nếu hiểu thấu sự sanh tử quá khổ đau thì quý cụ nên lập nguyện vãng sanh về với
Phật càng sớm càng tốt để giải tỏa kiếp nạn khổ hải cuộc đời, chứ tham luyến
làm chi nữa cái thân vô thường đã đến ngày tận kiệt này mà coi chừng khó thoát
khỏi ách nạn. Niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ thì cần phải tỉnh táo lúc lâm chung.
Muốn cho tinh thần được tỉnh táo thì điểm đầu tiên là không được sợ chết. Hãy
thường xuyên tự nhắc với chính mình rằng, chúng ta không chết mà chỉ biến đổi
hình thức sống qua những cảnh giới khác mà thôi, cho nên còn sợ chết là chưa
hiểu đạo, còn sợ chết thì chắc chắn sẽ bị khủng bố, bị hãi hùng, thì làm sao
tới lúc đó có thể tỉnh táo để vãng sanh! Người liễu ngộ Phật pháp không những
không sợ chết, mà tích cực hơn còn mong cầu được vãng sanh càng sớm càng tốt.
Nếu có được tinh thần này thì lúc lâm chung rất dễ được tỉnh táo.
Nghe tới đây, chắc có lẽ nhiều người nghĩ
rằng, một người đang sống mà nằm chờ chết thì tinh thần bi quan yếm thế quá!
Nghĩ như vậy cũng có cái lý của nó! Tuy nhiên, danh từ “nằm chờ chết” hoặc “bi
quan yếm thế” là của thiên hạ, đó là quyền tự do suy tư của họ, còn chúng ta là
người niệm Phật, có tín hạnh nguyện đầy đủ, đã thông suốt đạo lý của Phật thì
nhất định phải có lập trường vững chắc của mình. Thiên hạ thường rất sợ chết
nên kiêng cữ nói “chết”, sợ hãi sự “chết”, trốn tránh cảnh “chết”. Họ cẩn thận
quá đến nỗi vừa nghe đến tiếng “chết” thì bắt đầu bị hãi hùng, bị khủng bố! Đây
là một trong những lý do chính yếu làm cho tâm hồn bị kinh hãi, rối loạn, điên
đảo... khi lâm chung. Sợ chết đâu có tránh khỏi chết, chỉ tạo thêm sự khổ đau
cho cuộc sống vốn đã đầy tràn đau khổ, tự đày đọa mình phải khổ trong lúc đang
sống, khổ khi lâm chung, khổ sau khi lâm chung, và đày đọa khổ luôn những đời
kiếp tương lai. Nghĩ mà thương cho họ!...
Biết tu hành, hiểu đạo, chúng ta không thèm
tham sống, cũng không thèm sợ chết. Không thèm tham sống đâu phải là bi quan
chán đời, mà thực sự là để luôn luôn được an vui, tự tại trong mọi cảnh sống,
mọi chuyện đã có định mệnh, hãy tùy duyên theo định mệnh mà sống. Định mệnh là
gì? Là định luật nhân quả. Hãy làm việc tốt, là người tốt, nghĩ chuyện tốt, nói
lời tốt, thì tự nhiên định mệnh sẽ tốt, ta cần chi phải cưỡng cầu chạy tìm kết
quả tốt cho khổ tâm!?
Không thèm sợ chết thì cái thân nghiệp báo này muốn vãng lúc nào cứ để nó vãng
đi, ngày đó ta có niềm vui thoát nợ trần lao, chứ còn chính ta có bao giờ chết
đâu mà sợ. Vì chính ta không chết cho nên mới sớm tìm đường thoát nạn, đường
niệm Phật vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, vĩnh viễn xa lìa cái cảnh sanh tử biệt
ly khổ não. Như vậy mới là vui, chứ dại gì cứ ôm đầu lo sợ chết để chờ ngày bị
đem đi chôn. Một người mất báo thân mà không sợ, lại còn vui sướng, thì thử hỏi
còn có cái mất nào khác có thể làm cho ta lo sợ hay buồn đau? Tâm hồn an lạc,
tinh thần thanh tịnh, cuộc sống tự tại, tư tưởng thoát phàm... Chẳng lẽ đây là
trạng thái bi quan yếm thế sao?
5) Hộ niệm như thế nào?
Hộ niệm, bình thường là một buổi niệm Phật.
Trong làng xóm, trong nhóm cộng tu, nhất là các cụ già khi ngã bệnh thì nên mời
những người biết niệm Phật tới hộ niệm cho họ. Thực hiện được điều này rất hay,
nếu trong nhóm đồng tu của chúng ta đồng tâm nhứt trí làm như vậy thì có thể
tin tưởng rằng, ai ai cũng có cơ hội vãng sanh. Tổ chức hộ niệm thường xuyên
cho người bệnh sẽ có nhiều sự lợi ích bất khả tư nghì.
Một là, củng cố lòng tin Phật pháp, tăng
cường công phu tu tập, trưởng dưỡng công đức cho nhau;
Hai là, giải trừ ách nạn cho bệnh nhân vì niệm Phật là pháp đại sám hối, nghiệp
chướng được tiêu trừ, tạo được niềm vui và nguồn an ủi cho gia đình bệnh nhân;
Ba là, tập làm quen với không khí cộng tu
tại tư gia, thực tập thuần thục sự hộ niệm;
Bốn là, kịp thời cứu độ người bệnh vãng
sanh, không sợ bị sơ hở. Cứu được một người vãng sanh công đức lớn không thể kể
xiết!
Như vậy, hộ niệm cho một người bệnh bình
thường (nghĩa là chưa phải lâm chung) thì quá đơn giản. Thay vì chúng ta tới
niệm Phật đường hay tới chùa để niệm Phật, thì bây giờ hãy cùng nhau tới thẳng
nhà người bệnh để niệm Phật, thế thôi. Những nghi thức niệm Phật cộng tu bình
thường như nguyện vãng sanh, hồi hướng công đức, đều phải có. Đặc biệt khi hồi
hướng công đức nên thêm phần hồi hướng cho bệnh nhân. Mỗi ngày có thể niệm Phật
một, hai hay ba thời... tùy theo điều kiện. Bệnh càng nặng càng tăng thêm thời
niệm Phật.
Nhưng một khi người bệnh đã quá yếu, nghĩa
là có thể phải lâm chung, thì sự hộ niệm không thể chia thành thời khóa nữa, mà
phải niệm Phật liên tục 24 giờ không được ngưng nghỉ cho đến lúc vãng sanh và
phải tiếp tục như vậy cho đến ít ra cũng sau tám giờ mới được chấm dứt. Cụ thể
ta có thể chia ra ba giai đoạn hộ niệm như sau:
*) Những lúc trước lâm chung: Hãy chia phiên
nhau hộ niệm liên tục không gián đoạn. Lúc nào cũng phải có vài người ở sát bên
cạnh bệnh nhân để hộ niệm. Không nên đông quá, từ 2 đến 4 người là đủ, vì phải
cần dưỡng sức để chuẩn bị cho lúc lâm chung và lo liệu nhiều chuyện khác. Chia
phiên nên thực hiện so le, ví dụ một nửa thay phiên vào giờ lẻ: 1,3,5... giờ,
nửa khác thay phiên lúc 2,4,6... giờ để lúc nào bên cạnh người bệnh cũng có
người cũ và người mới, như vậy mới tránh tình trạng cả nhóm buồn ngủ vào lúc
cuối phiên mà buông lơi câu Phật hiệu có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Nên
nhớ, đôi khi chỉ vì một chút sơ ý này mà uổng công hộ niệm và tội nghiệp cho
người ra đi!... Hộ niệm những lúc này không cần những nghi thức bình thường,
tất cả đều chỉ niệm Phật mà thôi.
*) Ngay thời điểm lâm chung: Tối quan trọng,
tất cả mọi nỗ lực hộ niệm phải dồn vào thời điểm này. Khi thấy tình trạng lâm
chung sắp tới, thì mọi người nên tề tựu lại để cùng nhau niệm Phật. Phải niệm
thật đều, tốt nhất cần một cái khánh để giữ nhịp chung, không được niệm tự do.
Niệm tự do, kẻ nhanh người chậm, sẽ làm loạn tâm người đi, nhất định cố gắng
phải tự điều chỉnh âm điệu và tốc độ cho đều, vì tâm nguyện cứu người cần nhắc
nhở nhau không nên tự ái. Để tránh tình trạng lộn xộn khi vãng sanh, gia đình
nên tin tưởng người hộ niệm, trước đó nên giao trọn vẹn việc hộ niệm cho một
người có kinh nghiệm hoặc có uy tín điều khiển sự hộ niệm. Người giữ phần chủ
lễ hộ niệm phải sáng suốt lo liệu mọi thứ, như: tinh thần người hộ niệm, ngăn cản
người ngoài vào thăm, nhắc nhở không được khóc, chuẩn bị những tờ cáo thị dán
ngoài cửa để tránh sự vô tình hay bất cẩn gây trở ngại cho sự vãng sanh, v.v...
Khi lâm chung có thể có những hiện tượng lạ xảy ra như hương thơm, ánh sáng,
chim tụ lại, hoa nở, người lâm chung tỉnh táo mỉm cười, thần sắc tươi nhuận,
v.v... thì người hộ niệm đừng ngạc nhiên hay hiếu kỳ, đừng nên lên tiếng làm
ồn, hãy chân thành nhiếp tâm niệm Phật để cho sự vãng sanh được viên mãn tốt
đẹp. Tất cả mọi sự thắc mắc hãy để sau đó mới bàn tới.
*) Sau khi lâm chung: Phải tiếp tục hộ niệm
ít nhất tám tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian này không được đụng chạm đến
thân thể, không được sửa lại tư thế nằm. Nên nhẹ nhàng đắp mền cho ấm thân,
(tịnh tông học hội thì họ đắp mền “Quang Minh”), không nên đắp trùm qua khỏi
đầu, không được kêu tên người đi. Nói chung, tất cả mọi người chỉ thành tâm
niệm Phật, tâm tâm đều cầu nguyện A-di-đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh. Sau tám
tiếng đồng hồ, tất cả mọi chuyện đã ổn định thì không còn ngại gì nữa.
Có người lo ngại rằng, nếu không sửa chữa tư
thế nằm của người ra đi thì sau vài tiếng đồng hồ thân thể sẽ cứng làm sao tẩn
liệm? Xin trả lời thẳng thắn rằng, vì tâm hộ niệm không thành, vì người đi
không tin tưởng, vì gia đình thích tham đắm những danh vọng quá tầm thường cho
nên không quyết lòng bảo hộ vãng sanh hoặc không giữ thanh tịnh cho người ra
đi, mới xảy ra tình trạng như vậy. Nếu người đi quyết chí vãng sanh, người còn
sống quyết lòng nhứt tâm hộ niệm thì chắc người đi được vãng sanh thoát nạn, lúc
đó nhiều sự linh hiển huyền diệu xảy ra bất khả tư nghì, không để cho chúng ta
phải lo nhiều như vậy đâu! Trong lịch sử hộ niệm vãng sanh đã từng có những
trường hợp hộ niệm mười mấy ngày liền mà thân xác người vãng sanh vẫn còn tươi
nhuận, vẫn còn mềm mại, còn ở đây nhu cầu của chúng ta chỉ cần 8 tiếng đồng hồ
có bao lâu mà lo lắng!
Thương người thân thì phải thương cho trọn
vẹn, sống cũng thương, chết rồi cũng thương mới được. Chứ khi sống thì nói
thương yêu, còn người thân vừa mới nằm xuống chưa kịp ra đi mà mình đã bỏ chạy
rồi, sợ điều này, sợ điều nọ, thế thì nói thương làm chi cho buồn cảnh thế thái
nhân tình vậy! Khi còn sống thì người thân của mình là cái thân cho nên ta mới
lo cho cái thân đó, chứ khi đã chết rồi thì người thân đâu còn ở trong cái xác
thân đó nữa, thì lý do gì ta cứ mãi lo cho cái thân? Cứu người phải lấy châm
ngôn “còn nước còn tát” quyết lòng bảo vệ cho tới kỳ cùng rồi sự thể ra sao
tính sau. Sửa chữa một xác thân chỉ cần một chiếc khăn thấm nước nóng đắp lên
chỗ khớp xương một lát là đủ để sửa rồi, không có khó khăn. Nếu giả sử có khó
khăn đi nữa, thì ta cũng phải tận hết bổn phận cứu người trước thì mới khỏi bị
ân hận! Những người chỉ lo chú trọng đến cái xác phàm, dù có chôn cất kỹ cho
mấy đi nữa, chỉ sau một vài ngày nó cũng thối rữa chắc chắn không còn ai dám
tới gần, thì tại sao ta lại cứ quan trọng cái thứ cát bụi đang trở thành cát
bụi mà lại quên cái huệ mạng vạn kiếp của người thân!?
6) Niệm Phật sáu chữ hay bốn chữ?
Niệm sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật” hoặc niệm
bốn chữ “A-di-đà Phật” đều được. Niệm sáu chữ nặng về sự “cung kính, quy mạng”,
niệm bốn chữ thiên về lý “Tự Tánh Di Đà”. Niệm sáu chữ nặng về lòng thành kính
ngưỡng nguyện đức A-di-đà phóng quang nhiếp thọ, niệm bốn chữ ngoài sự cầu Phật
gia trì còn thêm phần nhiếp tâm vào “Tự Tánh Di Đà” của mình để nội ngoại tương
hợp dễ cảm ứng đạo giao. Hộ niệm bốn chữ còn có cái lợi thế là nhiều người dễ
niệm đều và người lâm chung dễ nhớ hơn. Tuy nhiên cũng nên tùy theo ý muốn và
thói quen của người lâm chung, riêng Tịnh Tông Học Hội trên thế giới thì Ngài
Tịnh Không chủ trương niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”, hằng ngày tất cả tứ chúng
đồng tu khắp nơi đều niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”. Những người quyết lòng tu tập
hầu hết ai cũng được vãng sanh.
Để hiểu thêm về công năng của sáu chữ và bốn
chữ, trong thời nhà Minh bên Trung Hoa có người hỏi Ngài Liên Trì Đại Sư, vị
Tổ-sư thứ 8 của Tịnh-độ Tông, Ngài nói Ngài dạy người khác niệm sáu chữ “Nam-mô
A-di-đà Phật”, còn riêng Ngài thì niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”. Lại hỏi, tại sao
vậy? Ngài nói, người ta thì ưa khách sáo còn Ngài thì không! Đây chính là nói
lên hai lý: một là sự “cung kính, quy mạng...” có “năng” có “sở”; hai là lý “Tự
tánh Di-đà, Duy tâm Tịnh-độ” không còn có “năng” có “sở” nữa. (Lý đạo này cao
lắm, có dịp sẽ nói rõ hơn).
Nhưng dài hay ngắn gì cũng nên chọn lựa hoặc
là bốn chữ hoặc là sáu chữ, chứ không nên dài hơn hoặc ngắn hơn. Ví dụ, một vài
nơi người ta thích niệm Phật rất dài hoặc ngược lại niệm rất ngắn. Niệm dài hơn
như niệm, “Nam-mô Tây-phương Cực-lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư
A-di-đà Phật”. Niệm như vậy tỏ ra rất thành kính, có cả Chánh Báo và Y Báo
trang nghiêm và công đức tiếp dẫn của đức A-di-đà. “Chánh Báo” là Phật A-di-đà,
“Y Báo” là Tây-phương Cực-lạc, “Công Đức” là sự tiếp dẫn vãng sanh. Tuy nhiên,
lời niệm này quá dài, 20 chữ, người bình thường đôi khi cũng quên, thì một
người đang lâm chung không đủ sức để niệm và cũng không thể nhớ để niệm, cho
nên không nên áp dụng để hộ niệm hoặc công phu hằng ngày. Hơn nữa danh hiệu
A-di-đà Phật có vô lượng công năng, vô lượng công đức chứ không phải chỉ có
công đức tiếp dẫn. vì thế không nên quá thành kính mà niệm quá dài, rất khó
nhiếp tâm làm cho khó bề vãng sanh vậy.
Ngược lại, có nơi chỉ niệm “Nam-mô Phật”
hoặc đơn giản hơn chỉ vỏn vẹn “Mô Phật” mà thôi. Niệm “Nam-mô Phật” nghĩa là
kính lễ tất cả chư Phật, niệm chung tất cả chư Phật trên mười phương thế giới,
chứ không nhiếp tâm vào vị Phật nào. Khi hộ niệm hoặc thường ngày niệm như vậy
thì chính ta sau cùng không biết quốc độ nào để vãng sanh. Danh hiệu A-di-đà
Phật là danh hiệu niệm chung của chư Phật mười phương, vì tất cả chư Phật đều
niệm A-di-đà Phật, nhưng A-di-đà Phật còn là danh hiệu của vị Chánh báo
Tây-phương Cực-lạc. Cho nên niệm “Nam-mô Phật” là niệm chung chư Phật không có
hướng về nhất định, nghĩa là có tất cả mà không có một. Còn niệm A-di-đà Phật
là vừa niệm tất cả chư Phật, vừa niệm một Phật, cho nên xác định rõ rệt nơi
chốn vãng sanh. Nên nhớ tất cả mười phương chư Phật quốc độ dù có nơi rất thù
thắng nhưng vẫn không so sánh bằng Tây-phương Cực-lạc, nhiều quốc độ vẫn còn là
uế độ, còn khiếm khuyết, còn tam đồ lục đạo. Ví dụ như Ta-bà thế giới là quốc
độ của đức Thích-ca Mâu-ni là một uế độ, ngũ trược ác thế, chỉ riêng Tây-phương
Cực-lạc Thế Giới là Tịnh-độ, tuyệt đối an vui tốt đẹp.
Đơn giản hơn nữa, có người niệm Phật chỉ còn
có hai chữ, “Mô Phật”. Cách niệm này không biết đã phát xuất từ đâu? Chúng ta
là con Phật, niệm Phật cần phải chân thành, không nên niệm tắt mà thành ra bất
kính vậy.
7) Hộ niệm có cần khai thị không?
Điều tốt nhất là được khai thị càng sớm càng
tốt chứ đừng đợi đến lúc sắp sửa chết mới tìm người khai thị, vì lúc đó trăm sự
rộn ràng, thân thể đau nhức, tâm thần mỏi mệt làm cho người ra đi nhiều khi
không còn đủ bình tĩnh để nghe hiểu được lời khai thị. Khai thị bình thường là
những thời pháp giảng giải về Phật pháp. “Khai” là khai mở tri kiến Phật; “Thị”
là chỉ cho thấy tri kiến Phật. Phật pháp như một kho tàng quý báu, “Khai” là mở
cửa kho tàng và “Thị” là chỉ cho chúng ta biết kho quý ấy. Thời gian một lần
khai thị bình thường ít ra cũng một tiếng đồng hồ mới có thể giảng rõ lý đạo và
trả lời những thắc mắc của đại chúng. Cách khai thị này rất cần thiết, nhưng
chỉ hợp với người còn đang khỏe mạnh chứ không hợp lắm với người sắp sửa lâm
chung. Cho nên, tốt nhứt là chúng ta nên thường xuyên nghe pháp, nghe khai thị,
nhờ vậy mới dễ giác ngộ và thâm nhập vào Phật pháp, đừng nên đợi đến lúc quá
gấp gáp mới mời người đến khai thị.
Đặc biệt những người chưa học Phật hoặc mới
bước chân vào cửa Phật, họ chưa hiểu nhiều về Phật pháp, thì khai thị rất cần
thiết. Cần thiết ở đây không phải chỉ nói đến lúc lâm chung, mà điều quan trọng
hơn là được thường xuyên nghe pháp Phật, nghe “khai thị” càng nhiều càng tốt,
càng sớm càng hay, trong đó công đức niệm Phật và sự vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc Thế Giới là tối quan trọng cần phải được nhắc nhở thường xuyên cho họ
hiểu thấu. Ví dụ như tháng sáu năm ngoái anh Năm về tổ chức niệm Phật cho cậu
Hai. Từ trước tới giờ cha má anh chưa biết pháp Phật là gì, cho nên trong một
thời gian ngắn ở quê, anh phải khai thị liên tục sáng và chiều. Nhờ vậy, sau
mấy tuần khuyên nhủ cha má anh đã hiểu nhiều lý đạo và cố gắng ngày đêm niệm
Phật. Thực sự mà nói, nếu không nhờ sự khai thị đó thì cha má anh đến nay chưa
chắc đã thành tâm niệm Phật. Khi lâm chung, nếu như chính người ra đi không
chịu niệm Phật, dù cho có rất nhiều người tới hộ niệm đi nữa, thì kết quả cũng
chỉ là kết duyên cho họ trong vô lượng kiếp sau này thôi. Nghĩa là, nói rõ hơn,
trước mắt đọa lạc vẫn đành chịu đọa lạc, sau đó thì còn tùy duyên?!...
Đối với những người đã tu hành lâu năm, đã
thường xuyên nghe pháp, nghe khai thị, đã biết niệm Phật, đã thường xuyên
nguyện vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ, thì không nên phải lập đàn giảng pháp dài
dòng nữa. Ví dụ, như mấy ngày trước khi lâm chung của bác Dư Thị Ky, có người
tới giảng về Phật pháp, bác nói, “chuyện này tôi biết rồi, hãy niệm Phật đi”.
Đây là một quyết định rất sáng suốt. Giả sử, nếu người đó không chịu niệm Phật
mà cứ nói về Phật pháp bên tai, thì tâm hồn của bác có thể bị loạn không niệm
Phật được, đưa đến hậu quả có thể bị mất phần vãng sanh.
Tuy nhiên, sự nhắc nhở cho người lâm chung
giữ chánh niệm để vãng sanh thì rất cần thiết. Theo HT Tịnh Không, thì “khai
thị” trong những lúc lâm chung có nghĩa là đặt một người thân thương nhất, hoặc
một thiện hữu tri thức bên cạnh để điều chỉnh kịp thời cho người ra đi trong
những trường hợp đặc biệt bị sai lạc. Khai thị ở đây có nghĩa là đánh thức,
nhắc nhở, khuyên bảo, tránh cho người lâm chung lạc vào những cảnh giới nguy
hiểm. Ví dụ như: thấy bệnh nhân có hiện tượng bị hoảng hốt, khủng bố... ta củng
cố tinh thần cho họ. Thấy bệnh nhân bị nóng lạnh, khó chịu, bị nhức mỏi... thì
kịp thời giúp đỡ để họ thoải mái mà niệm Phật. Bệnh nhân mê muội thấy những
cảnh giới lạ như thấy cha mẹ, ông bà, Tiên, Phật(?) nào khác tới rủ rê thì ta
kịp thời nhắc nhở họ không được chạy theo vì đó chắc chắn là giả mạo, v.v...
Tóm lại, phải kịp thời nhắc bệnh nhân hãy buông xả tất cả vạn duyên, một lòng
chuyên niệm Phật, một hướng nguyện về Tây-phương, chỉ được đi theo Phật A-di-đà
mà thôi, còn tất cả những hiện tượng khác thì dặn dò họ tuyệt đối không để tâm
tới. Hướng dẫn cần ngắn gọn, chỉ đủ để kéo tâm họ trở về câu Phật hiệu, đó gọi
là “khai thị”. Ngoài những trường hợp ấy ra, ta không nên mở lời khai thị này
nọ dài dòng vì dễ làm loạn tâm người ra đi mà mất phần vãng sanh của họ. Ngài
nhấn mạnh, hộ niệm phải hết sức đơn giản, chỉ nên niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”,
rõ ràng từng chữ, để cho người ra đi nhiếp tâm vào đó vãng sanh, không được xen
tạp bất cứ một hình thức nào khác, bất cứ một ý tưởng nào khác.
Khai thị lúc lâm chung không nên nhắc thêm
những điều mà bình thời người đó chưa biết làm. Ví dụ, có lần có người giảng về
đề tài liên quan đến sự niệm Phật và lúc lâm chung, đã nói đại ý rằng, “...khi
biết chắc phải lâm chung, thì nên khuyên người đó hãy phát đại tâm, đem những
gì còn sót lại cuối cùng trong đời bố thí lần chót cho chúng sanh...”. Vị đó
nói, “ Sự bố thí này rất quan trọng, đã thể hiện tâm từ bi cao cả, tạo được
công đức rất lớn, dễ có cảm ứng đạo giao...”. Chính anh vô tình đã nghe qua
được cuộn băng này và liền đem nó quay đi quay lại đoạn khai thị này cho một vị
Sư và các vị đồng tu khác cùng nghe. Tất cả các vị lần lượt giật mình và đều
nói rằng:
- Lúc lâm chung làm sao người đó biết được
cái gì là vật cuối cùng để bố thí? Khuyên như vậy khiến cho họ phải suy nghĩ,
bị loạn tâm, ngay lúc đó ma quái và oan gia trái chủ tấn công vào, làm sao cứu
được? Thì làm sao có thể vãng sanh?
Thực ra lời khuyên này không phải là không
quan trọng, nhưng đạo lý chính ở chỗ phải tùy người, chứ không thể gặp ai cũng
khuyên như vậy được. Một người biết tu hành, có tâm từ bi, thường hay bố thí
giúp người, v.v... thì lời khuyên này rất tốt, nhắc nhở họ làm được việc đại
thiện cuối cùng. Còn như người chưa quen làm chuyện này thì không nên khai thị
như vậy vì có thể làm cho họ bực mình mà loạn. Một khi tâm hồn đã bị loạn thì
khó có thể được vãng sanh. Cho nên, đúng ra cuộn băng đó nên nói rằng, ví dụ,
- Lúc bình thường ta nên khuyên người phải
biết buông xả, sẵn sàng bố thí càng nhiều càng tốt, ngay cả những thứ mình rất
quý, nếu được, cũng bố thí luôn. Được như vậy thì lúc lâm chung sẽ không còn gì
vướng mắc nữa, người đó sẽ dễ được tự tại vãng sanh. Còn khi lâm chung thì
ngoài câu “A-di-đà Phật”, không được gợi thêm một ý nghĩ nào khác để tránh loạn
tâm, lạc đường, v.v...
Nói “nếu được” mới bố thí, là để ngừa trường
hợp người ra đi không phát tâm được, ví dụ như bị quên, không biết cái gì là
quý nhất trong đời, không nhớ được cái gì đáng giá còn lại, v.v... Nếu một
người không đủ khả năng mà ta nhắc tới thì vô tình trói tâm họ vào đó, làm sao
gỡ ra? Vậy thì, lúc gần tới lâm chung ta không nên nhắc đến bất cứ một chuyện
gì khác ngoài việc niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, để tâm của họ khỏi bị vướng mắc,
khỏi bị lạc đường, mà nhiếp tâm được vào câu Phật hiệu. Không những thế, ta còn
phải tìm cách gỡ giùm cho họ thoát khỏi những sự chấp mắc khác (nếu có) để họ
an tâm niệm Phật, được như thế mới dễ vãng sanh.
8) Khi lâm chung có cần tụng kinh không?
Hộ niệm là chính, không nên tụng kinh. Tụng
kinh là để tu hành hiểu đạo, cầu an, cầu siêu. Cầu an thì tụng trong những lúc
còn sống bình thường hay lúc đau bệnh. Cầu siêu là tụng sau khi đã chết, chứ
không thể tụng kinh ngay lúc đang lâm chung. Có một lần, một đồng tu kể lại
rằng khi hộ niệm cho một người lâm chung có người quyết định tụng kinh Địa
Tạng, vì họ nghĩ rằng để giải nghiệp cho bệnh nhân dễ vãng sanh, cho nên đưa
đến tình trạng là phòng dưới thì đang hộ niệm, phòng trên thì tụng kinh Địa
Tạng. Chuyện này được hỏi đến HT Tịnh Không, Ngài nghiêm khắc nhắc lại rằng,
lúc lâm chung chỉ được niệm Phật và chỉ nên niệm đơn giản bốn chữ A-di-đà Phật,
ngoài ra không được làm điều gì khác. Tụng kinh mục đích là để cho bệnh nhân
tụng theo, hiểu nghĩa kinh để thực hiện theo lời Phật dạy. Lúc lâm chung làm
sao người bệnh có thể nghe được lời kinh để tụng theo? Tụng kinh Địa Tạng, theo
Ngài nói, nếu biết rằng người đó không được vãng sanh, thì khoảng một tuần lễ
sau mới tụng để giải bớt nghiệp chướng cho họ và cũng để gieo duyên Phật pháp
cho thần thức người đó. Còn đang lúc hấp hối hay lâm chung thì thần trí rối
bời, tâm thần đau nhức, oan gia trái chủ trùng trùng tấn công, v.v... làm sao
thần thức họ bình tĩnh để tụng kinh. Ngay trong phút tối nguy kịch, chỉ cần một
tích tắc tâm bị loạn là có thể bị rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Nếu chúng ta đã coi được cuộn phim quay cụ
Triệu Vinh Phương vãng sanh, từ đầu tới cuối chỉ thấy người thân niệm Phật hộ
niệm, không thấy có tụng kinh. Cụ Phương 94 tuổi, 4 năm niệm Phật, đến năm 1999
an nhiên vãng sanh trong quang minh của Phật, hỏa táng có đạo hào quang ngũ sắc
phóng thẳng lên không trung, lưu lại xá lợi, đặc biệt một ống xương biến thành
tượng Phật, một đốt xương khác biến thành đài sen, trong đài sen đã nằm sẵn một
hạt xá lợi xanh biếc, v.v... Sự hiển ứng này quá rõ ràng. Hãy mau thức tỉnh
đường tu, quyết tâm hộ niệm để cứu người, cứu ta.
9) Hộ niệm có cần lập bàn thờ không?
Có lập được bàn thờ thì rất tốt. Lập bàn thờ
thì chỉ để tượng Phật A-di-đà, hoặc hình Tây-phương Tam Thánh. Nếu có hai hình
Phật A-di-đà, thì bàn thờ nên đặt trên đầu giường bệnh nhân, còn một hình Phật
khác thì cầm hoặc treo cách nào cho bệnh nhân thấy được hình Phật. Trường hợp
chỉ có một hình Phật thì đặt bàn thờ tại vị trí nào mà bệnh nhân phải thấy được
hình Phật. Nói chung, nguyên tắc chính là bệnh nhân thấy được hình Phật, còn vị
trí thì uyển chuyển.
Hình thức bàn thờ nên đơn giản, không nên quá rườm rà. Tượng Phật, đèn, hương,
nước lạnh trong sạch là đủ, thậm chí nhiều khi gấp quá chỉ cần một hình Phật
cũng đủ rồi. Hẳn nhiên có thêm hoa, quả, thì càng tốt, nhưng không cần quá hình
thức mà gây bận bịu cho người nhà. Có nhiều nơi không có tượng Phật, không lập
được bàn thờ thì cũng không sao, điểm chính yếu là phải tụ tập những người hộ
niệm để niệm Phật liền, nhất định đừng kéo dài thời gian. Nên nhớ rằng, người
đang lâm chung đang cần sự hộ niệm, đang chờ từng sát-na lời niệm “A-di-đà
Phật” của chúng ta. Vãng sanh được hay không chủ yếu là sự thành tâm niệm Phật
của người đi và người hộ niệm là được, còn bàn thờ nếu có sẽ tăng phần trang
nghiêm, hỗ trợ tốt cho sự hộ niệm.
giường người bệnh
(đầu) (chân)
(bàn thờ)
(hình Phật)
(Nếu được, nên thiết lập hộ niệm theo đồ
hình này. Cần có thêm hình Phật A-di-đà để trước mặt bệnh nhân. Nếu chỉ có một
hình Phật thì lập bàn thờ hoặc treo hình Phật ở vị trí nào mà bệnh nhân nhìn
thấy được).
Thôi tạm ngưng, thư sau viết tiếp. (Nhớ đọc
thêm mấy thư trước đây nữa nhé). Hãy củng cố lòng tin vững chắc, ngày ngày tinh
tấn niệm Phật, quyết chí cầu sanh Tây-phương, cộng với được hộ niệm lúc lâm
chung, thì một đời này thôi chúng ta đều viên thành Phật đạo. Cầu nguyện Như
Ngọc cùng tất cả chư vị Phật tử hết báo thân này đều được mãn nguyện siêu thăng
miền Liên Bang Tịnh-độ.
Nam-mô A-di-đà Phật.
(Viết xong, Úc châu, 27/4/03).