Phật dạy chúng sanh niệm Phật cầu về
Tây-phương là muốn giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình ngay trong đời này.
Nếu niệm Phật để cầu đời sau hưởng phước báu của cõi người hoặc cõi trời, thì
chẳng khác gì người lấy viên ngọc vô giá đổi lấy tán kẹo.(Ấn Quang Đại sư).
Kính cha má,
Thế giới trong tương lai có thể sẽ xảy ra
nhiều tai ương hiểm nạn kinh khủng lắm, cường độ có thể khó tưởng tượng chứ
không phải tầm thường! Muốn cứu vãn phần nào tình thế này không còn cách nào
khác hơn là khuyên người tu hành cho nhiều, nhờ đó mà xoay chuyển phần nào cái
khổ nạn xã hội. Nhưng cứu người không những chỉ thoát khỏi vài cái tại nạn
thiên nhiên, hoặc sống sót sau vài cuộc chiến tranh là đủ đâu. Vì nghiệp chướng
vẫn còn đó, làm sao con người tránh khỏi nghiệp báo? Giảm nạn thế gian là sự
ảnh hưởng tự nhiên của việc tu hành, còn cứu độ chúng sanh vượt qua được tam
giới để vãng sanh Tây-phương mới là điểm chính yếu.
Hôm Tết nói chuyện được với cha má và anh chị Ba, biết được tất cả đều có niệm
Phật làm con mừng lắm. Giác ngộ cuộc đời sớm chừng nào hay chừng đó, đừng để
quá trễ tràng thì không còn cứu kịp nữa đâu. Nhưng qua điện thoại, con lại phát
hiện một vấn đề khá quan trọng mà con không dám không nói. Đó là chuyện: có
người niệm Phật vãng sanh, có người niệm suốt cuộc đời cũng không được vãng
sanh. Tại sao? Mới đây có một Phật tử hỏi thầy Ngộ-Thông như vầy: “Thưa thầy,
con cũng quyết tâm niệm Phật và cầu vãng sanh, nhưng điều kiện để được vãng
sanh Tây-phương Cực-lạc là khi lâm chung phải được tỉnh táo và niệm cho được mười
câu Phật hiệu. Con thấy một trăm người chết người nào cũng mê man bất tỉnh hoặc
quằn quại đau đớn ra đi, thì làm sao niệm Phật được. Điều này làm cho con lo
lắng vô cùng và nhiều lúc thấy chán nản, vì làm sao biết mình sẽ được may mắn,
không bị mê man khi ra đi đây?”.
Để trả lời câu hỏi này, Thầy đã nghiêm khắc cảnh cáo, “Coi chừng cô niệm Phật
bể hầu bể họng, niệm suốt cuộc đời cũng không thể vãng sanh...”. Trong nhiều
lần khai thị, Hòa-Thượng Tịnh-Không cũng thường nhắc đến chuyện này rằng, có
người niệm Phật một thời gian rất ngắn mà được an nhiên vãng sanh về Tây-phương
bất thối thành Phật, có người niệm một ngày cả vạn câu, bể hầu bể họng, nhưng
cuối cùng vẫn chỉ là kết duyên với Phật mà thôi, nghĩa là đọa lạc vẫn hoàn đọa
lạc.
Tại sao vậy? Phần sau đây con xin nói rõ
chuyện này, mong cha má cẩn trọng lắng nghe. Anh chị em, bà con, hàng xóm nếu
ai muốn một đời này thành tựu Phật đạo cũng nên đọc cho kỹ lá thư này để thực
hành vậy.
Thành tâm niệm Phật mười câu trước lúc lâm
chung thì được Phật A-di-đà phóng quang tiếp dẫn. Đây là lời đại nguyện của
Phật A-di-đà, chắc chắn có thực. Đây là diện vãng sanh thấp nhứt, đới nghiệp
vãng sanh hạ phẩm, nhưng cũng thoát được tam giới lục đạo. Nghe nói như vậy
nhiều người lầm tưởng rằng sự việc này quá đơn giản cho nên lơ là thành ra hầu
hết bị rớt đài. Tại sao? Tại vì nghiệp chướng, tại vì oan gia trái chủ, tại vì
tâm điên đảo, tại vì mê man bất tỉnh, v.v... Có mười trường hợp lâm chung khó
thể vãng sanh, ví dụ như: tai nạn bạo tử; chết vì các nạn nước, lửa, trúng gió
á khẩu, cọp chụp, té cây; con cháu kêu khóc phá rầy, mê man bất tỉnh, oan gia
phá hoại, bị điên loạn, bị tật nguyền câm điếc... Người có niệm Phật nhưng cuối
đời bị vướng vào các thứ trên khó có thể vãng sanh. Có người may mắn sanh vào
thiện đạo như trở lại làm người, sanh vào cõi trời, có người vẫn phải đọa lạc
vào ác đạo như thường. Nói chung không thoát khỏi lục đạo.
Tại sao vậy? Vì những người này niệm Phật
không đúng theo tiêu chuẩn Tín-Nguyện-Hạnh. Niệm Phật không trung thành, không
tin tưởng thì không được sự gia trì, phá không nổi nghiệp chướng cho nên bị
nghiệp chướng lôi đi. Niệm Phật bấy giờ chỉ tạo thêm thiện duyên, làm nhẹ phần
nào nghiệp chướng thôi chứ chưa đủ để vãng sanh. Niệm thì thấy nhiều, nhưng chỉ
là miệng niệm chứ không phải tâm niệm, thành ra uy lực của câu Phật hiệu bị mất
hiệu lực.
Cái niệm lúc lâm chung quyết định đường tái
sanh cho đời kiếp phia sau. Lúc lâm chung chỉ cần nổi lên một ý niệm sân giận
bị lôi vào địa-ngục, một ý niệm tham lam bị rơi vào hàng ngạ-quỷ, một ý niệm si
mê biến thành súc-sanh. Còn những nghiệp khác, cả thiện lẫn ác sẽ vẫn còn đó
chờ gặp duyên khác để mình nhận quả báo. Vì thế, cái trạng thái lúc lâm chung
tối quan trọng. Nếu cha má quyết chí vãng sanh thì phải quyết chí giải trừ
những nạn đó, nhất là nạn mê man bất tỉnh, nạn oan gia trái chủ, nếu không thì
khó bề thành tựu! Nên nhớ cái hiểm nạn này nó đến một cách bất ngờ không báo
trước. Mình không biết các thế lực đó nó đến lúc nào, nó bất chợt hành động để
lôi mình trở về trong lục-đạo hoặc ba đường ác.
Làm sao giải trư? Thưa cha má, như đã nói,
phải thực hiện đúng ba điều kiện tiên quyết TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ.
TÍN là tin Phật pháp tuyệt đối, tin chắc
chắn mình được vãng sanh, tin chắc vào lời Phật dạy là đúng;
NGUYỆN là ngày ngày cầu nguyện được sanh về Tây-phương khi mãn báo thân;
HẠNH là ngày đêm niệm A-Di-Dà Phật.
Ba điều kiện này thiếu một thì phải bị rớt,
tu hành siêng cần tới đâu cũng bị rớt. Tín-Nguyện-Hạnh là ba chân của cái đảnh,
một chân yếu cái đảnh sẽ ngã. Người niệm Phật, khi niệm tuyệt đối : Không hoài
nghi, không xen tạp và không gián đoạn. Niệm Phật vô ý phạm phải một trong ba
điều cấm kỵ này không được vãng sanh, nhất là tạp niệm.
Khi nói chuyện với cha vô tình con thấy được
cha có tin nhưng tín tâm không đủ mạnh, tin không đủ tức là còn hoài nghi, còn
nghi thì sinh ra tạp niệm, có tạp niệm tức là không liên tục niệm Phật, thế thì
cha chỉ hưởng được một số phước-báu, thiện-căn, và đời này chỉ được kết duyên
với Phật A-di-đà mà thôi. Nghĩa là đời sau vẫn còn trôi lăn trong lục đạo luân
hồi, ngay ba đường ác cũng có thể lạc vào như thường. Những người niệm Phật mà
còn bị chết trong điều kiện mê man bất tỉnh, bị những tai nạn, bạo tử... thường
thường thuộc hạng nguời không làm trọn đủ Tín-Nguyện-Hạnh, trong đó hầu hết đều
do Tín tâm không đủ mà ra. Nên nhớ những tai nạn này không phải là do niệm
Phật, mà chính là không hưởng được sự gia trì của Phật A-di-đà, nghĩa là mình
bị chết theo định số của mình, mặc dù mình có niệm Phật.
Định số của mình do đâu mà có? Do nghiệp
chướng kết tập từ trong quá khứ tạo nên. Niệm Phật không đúng theo
Tín-Nguyện-Hạnh chỉ có thể làm nhẹ phần nghiệp-chướng quả-báo mà thôi. Có người
niệm Phật mà tiếp tục làm điều sai trái, tâm địa không thiện lương, có thể bị
tội nặng hơn nữa là khác. Còn người trung thành chí thiết niệm Phật, một lòng
cầu sanh Tây-phương, thì dù nghiệp chướng có nặng cũng dễ chuyển biến thành
nhẹ, hậu báo có kinh khủng cũng thành hiện báo nhẹ, rồi được đới nghiệp vãng
sanh. Tất cả những người tu hành trễ tràng như cha má, hầu hết là hưởng cái diện
đới nghiệp này. Tin như vậy thì báo thân này cha má viên mãn sở nguyện, nếu
không tin tưởng vững chắc, sẽ không đi tới đâu hết. Chính vì thế rất nhiều thư
rồi con đều nhắc nhở đến chữ TÍN. Mong cha má phát tâm tin tưởng vững mạnh mà
làm theo.
Người Phật tử hỏi một sự thật, tại sao Thầy
Ngộ-Thông nghiêm khắc cảnh cáo là “coi chừng Cô niệm Phật bể hầu bể họng cũng
không được phần vãng sanh” vậy? Xin thưa, vì còn nói như vậy đã tự xác nhận
niềm tin không trọn! Vì niềm tin không đủ, cho nên còn lo âu về cái chết mê man
như bao nhiêu người khác. Trong kinh Phật nói, người thành tâm niệm Phật luôn
luôn có hai mươi lăm vị Bồ-tát hộ pháp ngày đêm bảo vệ, có chư Phật hộ niệm.
Một người đã có hàng bảo hộ hùng hậu như vậy mà chưa chịu yên tâm sao?
Người khi chết tại sao mê man? Vì nghiệp
chướng phá hoại. Tại sao thè lưỡi trợn mắt? Vì oan gia, trái chủ nhào tới trả
thù, bóp cổ. Muốn biết oan gia, trái chủ bao nhiêu hãy đếm coi trong đời mình
giết bao nhiêu con gà, bao nhiêu con heo, bao nhiêu con cá... Đó là đời này, còn
vô lượng kiếp về trước nữa đã trả hết đâu? Chưa nói đến những người bị mình
giết hại trở thành oan hồn thù mình truyền kiếp? Tại sao khi lâm chung lại la
hét thất kinh? Vì bị ma quỷ chụp xé, v.v... Vì quá sợ hãi cho nên thân thể lạnh
tanh, cứng ngắc và mắt mở trao tráo. Những cảnh giới vô cùng kinh hãi diễn ra
trong giờ phút đó, thì thử hỏi làm sao có thể bình tĩnh được để niệm Phật được
đây.
Tu là tu sửa; hành là hành động. Tu hành là
ngày ngày tu sửa những hành động sai trái của mình. Cố gắng mở tâm lượng từ bi
hỷ xả. Cái nguyên tắc đầu tiên tu hành là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng
hành, tự tịnh kỳ ý”. Tất cả giáo nghĩa này bao gồm trong ba chữ
“TÍN-HẠNH-NGUYỆN” đầy đủ. Chư ác mạc tác là
không làm việc ác, lớn nhỏ đều không làm. Từ hồi giờ mình sơ ý đã tạo ác nghiệp
quá nhiều rồi. Sự thực là nghiệp chướng của mình quá lớn rồi. Tất cả những oán
thân, trái chủ đang chờ đợi từng ngày cái giây phút mình lâm chung để nó nhào
vào trả thù, có nhiều oan gia nó đeo theo mình mười đời, hai mươi đời thậm chí
còn lâu xa nữa để chờ cơ hội trả thù cho được cái hận hại mạng của nó. Ghê sợ
lắm!
Cho nên, bây giờ gần cuối đời rồi cha má hãy
mau mau quay đầu lại làm lành, làm thiện cho nhiều lên. Nói như vậy, không phải
con ám chỉ hồi giờ cha má không có làm lành, làm thiện đâu, nhưng cái thiện
lành hồi giờ mình làm chưa đủ để xóa tan nghiệp chướng. Trong Phật-Giáo có tiêu
chuẩn Thập thiện là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không hỗn
hào, không nói láo, không nói đâm thọc, không nói lời hách dịch, không tham,
không sân, không si. Có thể dựa theo tiêu chuẩn đó mà làm, khởi tâm động niệm
đều nên lấy mười điều đó mà đối chiếu, kinh Phật gọi là: “Trú dạ thường niệm
thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”.
Cố gắng mà làm lành, thành tâm để âm tích phước
đức, giảm trừ tối đa nghiệp chướng. Khi tuổi đời đã già, ngày mãn báo thân đã
gần kề, thì cha má hãy mau mau tìm đường thoát nạn. Muốn về được Tây-phương
Cực-lạc trong đời này thì phải dốc lòng làm thiện làm lành. Nghiệp lành
“Thiên-Nhơn” muốn cho trọn không phải chỉ có mười điều lành mà còn bao gồm cả:
1) Hiếu-dưỡng-phu-mẫu; 2) Phụng-sự-sư-trưởng; 3) Từ-tâm-bất-sát; 4)
Tu-thập-thiện-nghiệp. Trong bốn điều này mà mình làm được chín mươi phần trăm
thì chắc chắn được sinh về cõi người, cõi trời; làm cỡ bảy mươi phần trăm thì
may mắn được sinh lại làm người. Dưới mức đó không chắc được đâu. Cho nên làm
lành lánh dữ quan trọng vô cùng.
Thế nhưng tự xét coi, hồi giờ liệu mình làm
được năm mươi phần trăm tiêu chuẩn bốn điều trên chưa? Mười điều thiện mình có
làm tròn chưa? Theo đúng luật luân hồi nhân quả, làm sao mình khỏi lạc vào
đường ác đây! Thấy trước thì phải lo toan tự cứu cha má ạ, đừng để tới nơi rồi
có khóc cũng thành thừa mà thôi.
Niệm được câu Nam-mô A-di-đà Phật mà thành
tâm thì có thể cứu vãn vô số nghiệp báo. Vì thế từ trước đến giờ con chỉ tha
thiết khuyên cha má phát lòng niệm Phật cho thiện căn khơi dậy trước, rồi sau
đó tính sau. Trong điều kiện hiện thời của cha với má rất khó làm thiện vì hoàn
cảnh không dư giả mấy, tuy nhiên hãy mở rộng tâm bố thí càng lớn chừng nào càng
hay chừng đó. Phật dạy, hễ tu bố thí tài mình được giàu sang, bố thí Pháp mình
được thông minh trí tuệ, bố thí vô-úy thì được khỏe mạnh sống lâu. (Vô-Úy là an
ủi, khuyến khích, từ bi). Hồi giờ về việc ác thì mình không chủ trương làm
nhưng, như trong những thư trước con nêu ra, vì không để ý chúng ta đã tạo tác
ác nghiệp nhiều lắm. Vô tình hay cố ý chẳng cần biết, chỉ cần hậu quả tạo ra
đau khổ cho chúng sanh là ta bị rồi. Đã như vậy rồi, thì bây giờ cha má chỉ còn
có cách thành tâm sám hối tội lỗi và làm lành để chuộc tội lỗi là đúng nhất.
Chắc cha không đồng ý với con về chuyện này
mà hỏi rằng, “Hồi giờ cha má đã làm gì mà phải sám hối?”. Xin cha má đừng nên
nóng giận vội. Trong thập thiện có mục tham sân si, con nói sơ về SÂN thôi. Hồi
giờ mình tưởng sân giận là việc thường, chứ thực ra cái sân giận nó có ảnh
hưởng lớn lắm. Con biết tánh của cha nóng, ai nói điều gì trái ý thì cha nổi
giận liền. Thưa cha, cái sân giận không phải là lỗi mà là cái nghiệp nó kiết
tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Người ngoài thì ai nói đến mình làm chi, còn con
cái trong nhà thì không dám khuyên, chính vì thế mà cái nghiệp đó nó càng phát
triển để sau cùng nó hại mình.
Thưa cha, chính như con, qua lá thư con mới
dám ngồi đây viết để phân tích, để tìm phương cứu cha, chứ khi đối diện liệu
cha có để cho con nói hết một câu không? Thế thì làm sao phân bua với cha cho
được.
Giận là ngọn lửa đốt tiêu tất cả âm đức một
đời tích tụ, chứ không phải tầm thường. Sân giận chính nó không phải là cái
tội, mà lại là kẻ thù giết chết công đức, là thủ phạm làm nên tội lỗi, nghĩa là
chủ của tội lỗi. Nếu nó là cái tội, thì nó chỉ trách nhiệm trong phạm vi lỗi
lầm của nó mà thôi, còn các công đức khác nó không động tới, đàng này nó lại đi
đốt phá cái âm đức tích tụ cả cuộc đời của một người thì thật là kinh khủng!
Cho nên, khi lâm chung chỉ cần phát một sự nóng giận thì ngay lập tức chiêu cảm
vào đường địa-ngục. Con còn nhớ, vào ngày ông nội mất, có ông thầy muốn xưng
niệm hồng danh hai trăm vị Phật để cầu siêu cho ông, cha nổi nóng buông lời bất
kính về chuyện đó. Hồi đó con chưa hiểu Phật pháp, nay đã hiểu con giựt mình sợ
hãi cho cha mà nhiều lúc toát mồ hôi hột!
Thưa cha, bất kính với Phật thuộc về tội phỉ
báng pháp Phật, sẽ bị địa ngục A-Tỳ, thuộc về Vô-Gián. Đây là kinh Phật nói.
Trong tất cả tội ác, có hai loại tội lớn nhất mà Địa-Tạng-Vương Bồ-tát không
cứu được, tất cả chư Phật không cứu được. Đó là: một là ngũ nghịch thập ác, hai
là phỉ báng pháp Phật. Nếu người nào chỉ vướng có một trong hai loại này thì
chỉ có Phật A-di-đà mới cứu được mà thôi, còn bị vướng cả hai thì chính Phật
A-di-đà cũng không cứu được nữa. Cha đã bị vướng vào loại thứ hai cũng tại vì
tâm sân giận. Đây là một tội rất kinh khủng!
Tuy nhiên, trường hợp của cha còn cứu được
vì cha gây họa trong lúc cha chưa hiểu Phật pháp, chưa rõ luật nhân quả. Với
cái tội này, con xin nói thẳng, chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám lời Đại
Nguyện của Ngài mới cứu được cha, ngoài ra không ai cứu được cả. Tin hay không
tùy cha quyết định. Nếu như sau thư này mà cha không nghe theo con, không quyết
tâm một lòng sám hối, chí thành niệm Phật cầu về Tây-phương thì xin đành tự cha
lo liệu lấy. Con đã nói hết lời và vô phương giúp đỡ.
Thưa cha, vì con muốn cứu cha chứ không phải
chọc cho cha giận. Trong hàng loạt thư trước con chỉ nhắc nhở niệm Phật để tạo
thiện căn, gây tín tâm cho cha má, cho anh chị em trước, rồi sau đó con mới tìm
thế gỡ lần nghiệp chướng. Bây giờ, bước thêm bước nữa là Sám-Hối và Tạo-Phước.
Sám-Hối là phải nhận biết và ăn năn về tội lỗi. Tạo-Phước là lấy công chuộc
tội, có như vậy tội mới diệt, phước mới sanh. Người có thiện căn tu hành mà
thiếu phước báu thì chướng ngại trùng trùng, nó tìm cách ngăn trở mình, trong
đó khơi mồi lửa giận là dễ nhứt. Vì chỉ cần lừa dịp chọc cho lửa giận phát lên
là xong. Thưa cha, đây là lời nói thành thực, không ngoa.
Thưa cha má, đây là sự thực. Giả sử, như
tuổi già này mà không có người hiểu đạo khuyên tu, thì xin hỏi rằng, cha má có
thấy được những chỗ sơ suất này không? Cha má hãy nhìn chung quanh coi, có ai
đã thoát nạn được chưa? Bây giờ họ đang ở đâu? Nếu hiểu thấu suốt luân-hồi,
nhân-quả thì phải giựt mình, lo sợ mà lo sám hối liền đi!...
Sám-hối và làm phước thiện, hãy lấy tâm
thành mà làm. Cha má thành tâm giúp người, thành tâm thương người thì dù mình
cho người một vài đồng vẫn có phước đức lớn. Mở tâm lượng rộng ra thương yêu
sanh vật, thành tâm khuyên người tu hành, cố gắng hướng dẫn, chỉ đường cho
người ta niệm Phật, cầu mong cho nhiều người được vãng sanh... đó là những công
đức do tâm lượng. Chính cái tâm chí thành nó chuyển nghiệp cho cha má.
Quyết tâm về Tây-phương thì làm lành đừng
bao giờ cầu xin hưởng phước, một khi mở lời cầu lợi lạc, cầu phước báu cho mình
thì bao nhiêu công đức tu hành sẽ hết sạch. Muốn được về Tây-phương hãy thành
tâm đem tất cả công đức của mình hồi hướng về Tây-phương, hồi hướng cho chúng
sanh, cho oan gia, trái chủ, thành tâm cầu cho họ hưởng phước báu của mình, để
cho ngày ra đi của mình được an lành tự tại. Đó là cách “khất nợ để thoát
thân”. Đó gọi là “Tự Tịnh kỳ ý”.
“Không làm ác” là tu cho mình, tránh gây
thêm nợ, “Làm lành” là tu cho người, trả lần những nợ nần mình đã vay. “Tự tịnh
kỳ ý” là gởi tất cả công đức về Tây-phương, gởi công đức cho oan gia trái chủ
để họ khỏi trả thù mình và thành tâm ngày ngày “nguyện sanh về Tây-phương
Cực-lạc” để thoát khỏi lục đạo luân hồi, đi vào cảnh giới Tây-phương của Phật,
viên mãn đạo quả.
Cho nên, tu thiện-nghiệp không giải thoát
được, tu Tịnh nghiệp mới giải thoát. Tu tịnh-nghiệp là tu thiện-nghiệp nhưng
không cầu hưởng phước, mà gởi tất cả phước cho chúng sanh, cho oan gia và gởi
về Tây-phương để trang nghiêm Tịnh-độ. Như vậy tu Tịnh-nghiệp giống hệt như tu
làm lành lánh dữ, nhưng khác ở cái tâm không cầu hưởng phước. Hầu hết rất nhiều
người, nhiều nơi trên thế gian này đều chạy theo con đường hưởng phước lợi hữu
lậu, cầu cho được bổ báo phước lành. Thương thay, mới thấy thì tốt, nhưng chung
cuộc bị luật “Tam-thế-oán”, rất nguy hiểm về sau. Người hưởng phước càng lớn,
càng khó tu, càng tạo nghiệp lớn, thì càng đọa lạc nặng. Đây là điều mà ít ai
có thể nhìn ra, chỉ có Phật có đầy đủ trí huệ mới vạch trần cái bẫy cho chúng
sanh biết để tránh đường hiểm nạn đó cha má ạ.
Tóm lại cách tu Tịnh-Nghiệp là: Sáng nguyện
cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc khi mãn báo thân này. Rồi cả ngày phải giữ câu
Phật hiệu luôn luôn trong tâm, không được niệm cái gì khác xen tạp vào. Chiều
phải đem tất cả công đức hồi hướng về Tây-phương để vãng sanh và hồi hướng cho
oan gia, trái chủ để họ hưởng được phước báu. Cái Sư tu hành căn bản là vậy.
Như vậy, muốn thành Phật bắt buộc phải
tín-nguyện-hạnh đầy đủ, chứ không thể tự mình cứ nghĩ sao làm vậy. Trong
tín-nguyện-hạnh này chỉ làm sai một ly có thể uổng công tu hành. Đọa lạc vẫn
phải bị đọa lạc.
Cha thường nói phải có căn lành nhiều đời
mới thành tựu chứ đâu có chuyện thành Phật khơi khơi? Đúng đó, nhưng cha má cứ
ngồi đây mà lý luận, thì cuộc đời luống qua trong oan uổng! Đúng là đúng trên
lý thuyết suông chứ không đúng lắm trong cái tâm tu hành đâu. Vì niềm tin chưa
đủ, vì hồi giờ ít nghe pháp Phật, cho nên chưa khai thông cái bế tắc này. Chứ
xin hỏi, thực ra cái căn lành trong vô lượng kiếp trước của mình là gì? Mình có
thấy được không? Không thấy, thì sao dám nói mình ít căn lành? Không biết, thì
tại sao dám nói trong vô lượng kiếp rồi mình không tu? Không thấy, không biết
làm sao lại nỡ bi quan, yếm thế, tự mình khinh bạc cái thiện căn trong quá khứ
của mình như vậy?
Trong khi đó, chư vị Tổ-Sư khẳng định rằng,
người nào đời này nghe được tiếng Phật hiệu thôi cũng chứng tỏ thiện căn của họ
rất lớn rồi, huống chi là người đã phát tâm niệm Phật. Cha má đã niệm Phật rồi
mà còn hồ nghi cái thiện căn của mình, để chấp nhận tiếp tục trôi lăn trong lục
đạo luân hồi thì thật là tiếc vậy! Cha má có biết đâu, chính cái tâm chân thành
niệm Phật nó tạo ra thiện căn, nó nẩy ra công đức vô cùng to lớn.
Cho nên, muốn biết căn lành của mình lớn nhỏ
hãy coi lòng tín tâm của mình. Có tin thì đã có thiện căn, tin ít thì thiện căn
ít. Thiện căn ít mà quyết chí niệm Phật thì chẳng mấy chốc căn lành được trưởng
dưỡng vô bờ vô bến. Nên nhớ một câu chí thành niệm Phật có thể giải trừ tám
mươi ức kiếp nghiệp chướng. Hay nói cách khác một câu chí thành niệm Phật thành
tựu được một công đức thiện căn sánh bằng tám mươi ức kiếp làm lành. Có gì
thành tựu lớn hơn, thưa cha má?
Cha má thường phân vân giữa tôn giáo. Tu
hành theo pháp môn hay đạo giáo nào tùy duyên, con không dám nói đến. Nhưng
phận làm con vì muốn cứu cha má để trả chữ hiếu con phải nói thẳng. Lá thư này
tới tay là con nhập vào khóa tu học, không còn thời gian nói nữa. Thời gian dài
sau này tự cha má lo liệu lấy. Trong những năm đóng cửa học Phật là con chỉ học
một câu A-di-đà Phật, khi học xong đi giúp người cũng chỉ là câu Phật hiệu. Chỉ
một câu Phật hiệu người ta học suốt đời chưa chắc đã thông thì sao mình dám
khinh thường. Ngài Tịnh Không thuyết kinh giảng đạo hơn bốn mươi năm nay cũng
xoay quanh câu A-di-đà Phật mà vẫn còn tiếp tục giảng, thì cha má phải hiểu chỗ
vi diệu của nó.
Tu đạo nào cũng tu, nhưng khi già rồi, cần
phải trực tỉnh giác ngộ đường tu để thoát thân. Sinh tử sự đại, sao dám lơ là!
Tất cả những người tu hành khi ngộ đạo đều trạch pháp cả. Trạch pháp là gì? Là
sự chuyên tu một hướng để giải thoát trước cái đã. Tất cả hầu như đều quay về
với câu Nam-mô A-di-đà Phật hết.
Cái điều con muốn nói thêm với cha má là cái
năng lực của pháp môn niệm Phật và cái lý đạo cần phải tỏ ngộ trong pháp tu
hành. Ngay trong đạo Phật, mỗi chùa có mỗi cách tu khác nhau, có chùa thờ Phật
Thích-ca Mâu-ni, có chùa thờ Quán-Thế-Âm Bồ-tát, có chùa thờ Di-Lặc Bồ-tát, có
chùa thờ Phật A-di-đà, v.v... Tất cả đều là đạo Phật, không có gì chống trái.
Tuy nhiên, một khi liễu ngộ đạo rồi thì ai cũng phải buông xả tất cả để quay về
với một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” để cầu vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Khi đã
ngộ đạo rồi, họ không còn niệm bất cứ một danh hiệu Phật nào khác, chỉ còn danh
hiệu A-di-đà Phật mà thôi, để họ cầu xin được giải thoát, chứng đạo. Còn người
chưa liễu ngộ Phật pháp, họ vẫn tiếp tục đi lang thang, họ khó có cơ hội thoát
thân hơn. Cho nên, xin cha má dù sao cũng nên hiểu thấu lý đạo này.
Khi buông xả tất cả chỉ còn danh hiệu
A-Di-Dà Phật thôi có bị cái tội phân biệt không? Có thất lễ với chư Phật khác
không? Thưa không. Người hiểu đạo, hiểu rõ kinh Phật thì rõ ràng đây là y giáo
phụng hành, làm đúng lời Phật dạy. Vì sao như vậy? Sự thật, muốn được tất cả
chư Phật hộ niệm thì phải niệm tất cả chư Phật, Phật nào cũng phải niệm cả.
Nhưng xin hỏi, hồi giờ cha niệm bao nhiêu vị Phật rồi? Hai mươi, ba mươi, bốn
mươi... danh hiệu Phật. Đủ chưa? Chưa đủ đâu!
Trong nhà Phật, có kinh Vạn-Phật, nghĩa là
niệm mười ngàn danh hiệu Phật, nhưng cũng không đủ, vì niệm mười ngàn Phật, thì
còn vị mười ngàn lẻ một sao không niệm tới? Có nơi tăng lên mười lăm ngàn danh
hiệu Phật, thì danh hiệu mười lăm ngàn lẻ một làm sao đây? Chư Phật trên mười
phương có tới vô lượng vô biên, có hằng hà sa số Phật thì làm sao niệm cho hết.
Nhưng có cách, muốn niệm cho đủ toàn bộ danh
hiệu Phật trong mười phương pháp giới, thì ta phải niệm A-di-đà Phật, vì
A-di-đà Phật là danh hiệu chung của chư Phật mười phương. Vì vậy, chính đức
Phật Thích-ca Mâu-ni bảo chúng sanh hãy niệm A-di-đà Phật, vì đây là danh hiệu
của tất cả ba đời mười phương chư Phật, ba đời mười phương chư Bồ-tát, chư
Thanh-Văn, A-La-Hán, (kinh Niệm Phật Ba-La-Mật). Tất cả chư Phật mười phương
đều đồng thanh lấy Phật hiệu này mà độ chúng sanh. Chính vì thế, câu A-di-đà
Phật mới có cái thần lực tối thượng, mới có thể cứu một người từ địa vị phàm
phu tục tử thẳng lên đến ngôi bất thối ở cõi Tây-phương. Đừng nên sơ ý mà mất
phần giải thoát. Oan uổng lắm cha má ạ!
Tu hành ta không nên phân biệt đạo giáo,
nhưng phải hiểu cho rõ lý đạo của mỗi cảnh chứng đắc để tu. Tu hành mà không
hiểu lý đạo giải thoát là sự vô trách nhiệm đối với pháp thân huệ mạng của
mình, chứ không phải là vấn đề kỳ thị.
Tất cả đạo giáo đều tốt. Đúng! Nhưng chỗ
liễu giáo bắt buộc phải thấy. Có đạo liễu giáo, có đạo bất liễu giáo. Ví dụ như
đi học, trung học so với tiểu học thì trung học là liễu giáo, tiểu học là bất
liễu giáo; trung học so với đại học thì đại học là liễu giáo mà trung học trở thành
bất liễu giáo. Tu hành theo liễu giáo thì đường thành tựu viên mãn hơn. Con xin
đưa ra ví dụ: Có người suốt đời thờ Quán-Thế-Âm Bồ-tát, suốt đời niệm Nam-mô
cứu khổ cứu nạn Quan-Thế-Âm Bồ-tát. Tu như vậy rất tốt, nhưng so với niệm
A-di-đà Phật, thì niệm Quán-Thế-Âm trở thành bất liễu giáo. Tại sao? Vì
Quán-Thế-Âm Bồ-tát là vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương, trong Tây-phương
tam Thánh thì Ngài đứng bên trái đức A-di-đà Phật, Ngài lập hạnh tầm thinh cứu
khổ cứu nạn. Những người đi sông đi biển, gặp cơn hoạn nạn, sinh đẻ khó khăn,
v.v... thành tâm cầu nguyện Ngài thì tức tốc được tai qua nạn khỏi. Còn khơi
khơi không có hiểm nạn gì cả mà cứ réo gọi tên Ngài để nhờ Ngài cứu, cứu gì
đây?! Như vậy ngay lúc lâm chung kêu cầu Ngài làm sao Ngài cứu mình thoát chết
được. Mạng số của mình đã mãn thì mình phải chịu mãn, Bồ-tát đâu có thể cải đổi
mạng sống của mình.
Muốn về cho tới Tây-phương Cực-lạc mà ngay
phút lâm chung niệm “Nam-mô Bổn-Sư Thích-ca Mâu-ni Phật” cũng đâu có được. Vì
sao? Vì chính đức Phật Thích-ca dặn dò rất kỹ là phải niệm “Nam-mô A-di-đà
Phật” mới được về Tây-phương, mình không nghe Ngài lại đi niệm Ngài. Rõ ràng,
tự mình đi sai đường để mất phần thoát nạn một cách đáng tiếc!
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là Giáo chủ thị
hiện thành Phật ở cõi Ta-bà, Ngài lập đạo để dẫn dắt chúng sanh về cõi
Tây-phương của Phật A-di-đà bằng câu Phật hiệu A-di-đà Phật, mình không hiểu rõ
đạo lý này, lại đi niệm Nam-mô Bổn-Sư Thích-ca Mâu-ni Phật trong lúc lâm chung,
để chấp nhận trở lại cõi Ta-bà ngũ trược ác thế này mà tiếp tục chịu khổ. Điều
này có oan không?
Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Thích-ca Mâu-ni Phật là
những vị đã qua khỏi lục đạo, qua khỏi tam giới, qua khỏi thập đạo giới rồi, là
hàng chư Phật rồi mà mình niệm Ngài không đúng trường hợp còn bị mất quyền lợi,
huống chi là mình niệm những vị Tiên ở trong lục-đạo luân-hồi. Những vị Thần
Tiên vẫn còn ở trong tam giới, (Dục-giới thiên, Sắc-giới thiên, và Vô-Sắc-giới
thiên), so với loài người thì thần thông của họ cao hơn, có phước báu hơn,
nhưng chính họ vượt ra khỏi tam giới không được, thì làm sao họ cứu mình ra
khỏi tam giới đây?
Thưa cha, thưa má, xin tìm hiểu giáo nghĩa
đạo lý cho kỹ để thấy đường thoát nạn... Tu hành thoát nạn, đầu tiên là cầu
chứng đắc cho chính mình, thứ đến là mới có đủ năng lực cứu độ chúng sanh, chứ
đâu phải giải thoát là bội bạc đạo giáo của mình đâu. Mình đang học tiểu học,
nhưng tâm cầu tiến mình sẽ học tới bác sĩ, tiến sĩ, ngày về quê gặp lại thầy
cũ, thì họ vẫn là thầy của mình chứ có gì là chống trái!
Thưa cha má, con đã thấy được con đường tu
hành chân chánh, con đã hiểu được cái đạo lý giải thoát trong một đời. Người
đầu tiên con cố gắng hết sức để cứu giúp là cha với má. Nhưng nếu không tin thì
con đành chịu thua, tùy theo căn phần của cha với má chứ con không còn cách nào
khác. Sau thư này, con sẽ giảm bớt thư từ để lo tu niệm.
Lời của con đã chân thành, đã tận đáy tâm,
sự giải thích đã quá cặn kẽ, nếu còn không tin nữa thì thôi, tùy nghiệp của cha
má. Xin nhớ cho, những lời thư của con không phải bắt nguồn từ sự bồng bột của
tuổi trẻ nữa đâu. Thôi, xin cha má suy nghĩ thật kỹ.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong, Úc châu 21/2/2002).