Thời mạt pháp muôn ức người tu hành, khó có
một người nào được chứng đắc, chỉ nuơng vào pháp niệm Phật mà thoát khỏi luân
hồi.(Lời Phật).
Kính cha má thương,
Việc tu hành của cha má là quan trọng nhất.
Hơn nữa hãy đưa thư của con cho anh chị Hai, anh chị Ba, anh chị Bốn, bà con,
cô bác coi, nhiều khi họ phát tâm tu hành thì cha má được phước lắm đó. Phàm hễ
có đi thì mới tới, có thấy mới biết. Con có cơ duyên đi đây đi đó, gặp nhiều
duyên tốt về Phật pháp cho nên con trực thấy được con đường giải thoát mới vội
vã cho cha má biết hầu khuyên cha má ngay tức thời hạ thủ công phu NIỆM PHẬT
kẻo trễ mất uổng lắm! Hằng ngày, con đều đọc kinh niệm Phật, đi chùa. Ngoài giờ
đi làm, con ngày ngày lo đọc giảng ký của Hòa Thượng Tịnh Không, một vị pháp sư
vĩ đại trên thế giới chuyên tu về pháp môn Tịnh-độ. Giảng ký của Ngài dài hàng
ngàn ngàn trang giấy, được dịch từ tiếng Tàu sang tiếng Việt. Người ta dịch
xong con lo chỉnh văn lại cho đúng câu đúng nghĩa. Vô tình con học được Phật
pháp vi diệu.
Hòa Thượng Tịnh Không là một cao tăng đức
độ, nổi tiếng đến nỗi các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại đức khác phải cúi đầu
đảnh lễ Ngài. Khắp nơi trên thế giới cung thỉnh Ngài, và Ngài đi vòng quanh thế
giới thuyết pháp độ sanh. Mỗi lần Ngài giảng kinh, tăng chúng và Phật tử tề tựu
nghe pháp trên cả ngàn người. Cách đây khoảng một tháng, tại Mã-Lai, mười sáu
ngàn người tề tựu lại để nghe Ngài giảng kinh. Người nghe theo Ngài tu hành
vãng sanh nhiều lắm.
Hòa Thượng Tịnh Không phát đại nguyện giảng
kinh, thuyết pháp tường tận cho tất cả chúng sanh trong pháp giới nghe và hướng
dẫn vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Trong hơn bốn mươi năm qua, ngày nào Ngài
cũng thuyết pháp hơn hai tiếng đồng hồ, ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm,
không nghỉ một ngày nào cả. Năm nay, Ngài vừa tăng thời gian lên hai tiếng rưỡi
hoặc ba-bốn tiếng một ngày. Ngài cỡ tuổi cha, mà giọng nói khỏe, mắt không cần
đeo kiếng, giảng không cần soạn bài. Hàng ngày, hàng triệu người khắp nơi trên
thế giới dùng mạng lưới thông tin điện toán (Internet) để trực tiếp nghe Ngài
dạy pháp. Cha thử nghĩ, nếu là người bình thường thì dễ gì có năng lực vĩ đại
như vậy. Có nhiều ngày, do nhu cầu, Ngài giảng đạo suốt tám tiếng đồng hồ,
không mệt, không khan cổ. Phật tử khắp nơi quy y đông đến nỗi không đếm được
nữa.
“Một lòng Niệm Phật, ăn chay, làm lành”,
kinh Đại Đạo Cao-Đài nói như vậy. Nhưng rất ít người hiểu được cái nào là quan
trọng, cái nào là thứ yếu, tu hành riết thành ra mê tín dị đoan, cầu xin đủ thứ
để suốt cuộc đời tu hành rồi không biết mình sẽ được gì? Sẽ đi về đâu? Có được
cứu rỗi không? Có tránh khỏi được tam đồ ác đạo không?...
Thưa cha má, cái khổ của người Việt-Nam là
suốt năm tháng quanh quẩn bên miếng ruộng, khoảnh vườn, cày sâu, cuốc bẩm...
với cảnh đầu tắt mặt tối như vậy còn tinh thần nào để nghĩ đến tu hành! Mà có
tu hành thì lấy ai giảng giải đường tu cho mình. Kinh điển thì thậm thâm vi
diệu, pháp môn thì vô lượng vô biên, hoàn cảnh thì khó khăn, làm sao có cơ
duyên nghe được chánh pháp, nghe được đạo giải thoát? Cho nên có nhiều người
muốn tu mà tu không được, không biết làm sao tu! Từ đó mới dễ bị lạc đường.
Phàm hễ mình thân với ai thì nợ với người đó, nợ với họ thì phải theo họ để trả
nợ. Thành ra thân cận với Phật thì theo Phật để thành Phật, không thân cận với
Phật thì làm sao được về với Phật mà viên mãn đạo quả, cho nên đành phải trôi
lăn mãi trong lục đạo luân hồi hàng ngàn, hàng vạn kiếp!...
Trong thơ nghe nói cha má cũng thường niệm
Phật, như vậy con yên tâm phần nào. Nhưng niệm Phật phải hiểu cái Lý Đạo, cái
Sự Đạo mới được cha má ạ. Niệm Phật, như cha nói "niệm Phật nào cũng
được", Phật nào cũng như nhau, thì cũng đúng. Nhưng xem lại kinh điển,
nghe quý pháp sư giảng, hiểu được pháp, thì câu nói này có chỗ đúng, cũng có
chỗ không đúng lắm! Ví dụ, như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có bốn nguyện gọi là Tứ
Hoằng Thệ Nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Trong đó, lời nguyện thứ nhất thề độ tận
chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, nhưng phương pháp của Ngài là khuyên
chúng sanh phải niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Chính vì thế mà tất cả Tăng Ni,
Phật tử khi gặp nhau lúc nào họ cũng chắp tay "A-di-đà Phật". Trong
kinh A-di-đà nói rất rõ, nếu chí thành niệm Phật, chỉ cần một tiếng cũng có thể
vượt qua tam giới. Nhưng phải nhứt tâm mới được. Cái này đâu phải dễ! Nhưng khi
tu hành, ngày ngày thành tâm niệm Phật thì ta có thể đi đến chỗ nhứt tâm đó.
Trong nhà Phật thường có kệ rằng: “Nhứt cú Di Đà Vô biệt niệm, bất lao đàng chỉ
đáo Tây-phương”, chỉ cần niệm một câu Nam-mô A-di-đà Phật mà nhứt tâm, thì tới
thẳng Tây-phương Cực-lạc dễ dàng là như vậy.
Trong những pháp tu hành, có pháp niệm
Lương-Hoàng Sám, để sám hối nghiệp chướng, sám hối tội lỗi của mình. Đây là
pháp có từ thời vua Lương-Võ-Đế đời nhà Đường. Niệm Lương-Hoàng Sám thì niệm
nhiều vị Phật, có lúc niệm cả ngàn vị Phật để mong cầu tiêu bớt nghiệp chướng
của ta. Nhưng đây cũng chỉ là pháp làm nhẹ bớt tội chướng mà thôi chứ không
phải pháp đắc quả vị, không phải pháp giải thoát huệ mạng. Nghĩa là, khi thân
này mất đi, thần thức vẫn phải theo nghiệp báo thọ sanh, chưa biết đâu sẽ đi về
cả, chưa cứu được linh hồn của ta!?...
Tu Niệm Phật là tu trì danh niệm A-di-đà Phật, vì chính đức Phật A-di-đà phát
ra bốn mươi tám lời đại nguyện để cứu độ tất cả chúng sanh, nhất là trong thời
mạt pháp này, vãng sanh về thế giới Tây-phương. Khi vãng sanh về đó rồi, ta
vĩnh viễn không còn rơi vào tam ác đạo nữa, không còn sanh tử luân hồi, không
còn thối tâm nữa, gọi là bất thối chuyển. Không bao giờ bị tuột xuống, thì chắc
chắn chỉ còn một đường là thẳng tới quả vị Phật thôi. Rất nhiều người vì phát
lòng tin vững chắc, họ đã vãng sanh thật sự, họ báo trước ngày nào họ đi, họ
biết rõ đi về với Phật.
Ôi! Phước báu của họ sao mà lớn quá! Trong
khi nhìn lại trong dòng họ mình chưa ai chắc chắn thoát được cả. Chết thì đau
đớn trong khủng bố, trong lúc thần thức hôn mê. Theo kinh điển nói, mạng chung
như vậy khó có thể siêu thoát được!
Thưa cha má, cha má bình tâm nghĩ kỹ thử
coi, tuổi đời đã cao, con người sanh-lão-bệnh-tử ai tránh được đâu? Tuổi trẻ
còn non dại, còn háo thắng, không thèm tin Trời-Phật, không thèm nghe đến
chuyện huệ mạng gì cả thì còn tha thứ được, chúng còn có thời gian để hối lỗi,
chứ còn như cha má đã tới tuổi bát tuần rồi mà còn chần chờ, chưa nghĩ đến con
đường giải thoát thì đợi đến bao giờ đây?
Thưa thực với cha má, con thầm nghĩ cha má
thực sự có cái thiện căn phúc đức lớn lắm, nên đến tuổi xế chiều gặp được người
khuyên giải tu hành. Theo kinh điển nói, người có phúc đức về cuối đời tự nhiên
có dịp gặp được thiện tri thức khuyên tu. Chỉ cần có thiện căn một chút họ
thoát khỏi luân hồi liền. Còn Thiện tri thức là ai? Người nào khuyên cha má tu
hành là thiện tri thức. Cha má tin con đi, niệm Phật được vãng sanh đó. Con đọc
kinh sách, xem giảng ký, nghe thuyết pháp hàng tuần, có nhiều khi hàng ngày,
hiện tượng vãng sanh... từng lời, từng ý, từng câu kinh, từng sự việc làm con
hiểu thấu rồi. Bây giờ từng phần, từng phần, lần lượt con nói lại cho cha má
nghe. Nếu có gì không đồng ý hoặc có thắc mắc cứ việc hỏi để con từng lá thư
giải thích thêm. Con tin chắc một ngày rất gần cha má sẽ đột nhiên ngộ đạo, ngộ
rồi thì đắc đạo. Lúc đó, con đã hoàn thành tâm nguyện cứu độ song thân, trả
tròn chữ hiếu.
Tại sao được đắc đạo dễ dàng như vậy? Vì
được Phật gia trì. Mục đích tu hành là khỏi sa vào tam ác đạo (địa ngục, ngã
quỷ, súc sanh) đó là thấp. Cao hơn chút nữa là thoát khỏi lục đạo luân hồi để
tiến vào hàng Thánh trong cửu pháp giới. Nếu tu hành dựa theo từng bực, từng
bực mà đi thì một chúng sanh phải trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp (một A tăng
kỳ = 1 với... 47 số 0) mới mong đạt được. Ví dụ, từ hàng Sơ Tín Bồ-tát muốn lên
Sơ Địa Bồ-tát cũng tu hành cả A tăng kỳ kiếp rồi. Nghĩa là, đã là Bồ-tát mà còn
vậy, đừng nói chi từ phàm phu mà muốn nhập vào hàng Thánh A-la-hán!
Vì thư đã dài cho nên con không thể giải
thích thêm được. Cha má cứ hiểu rằng, nếu tu hành mong cho được thành người
hiền, được người hiền rồi tu thêm chút nữa để thành ông thầy tu... khi trở
thành thầy tu đâu có nghĩa là đắc đạo! Vậy thì bao giờ mới giải thoát? Nghĩ lại
thời gian mà phát sợ!
Một điểm nữa cần phải chú ý là ma oán phá
hoại. Đời mạt pháp này ma chướng nhiều lắm. Cách đây hai mươi năm, chưa có
nhiều đạo lạ, mới mười năm trở lại đây nhiều đạo lạ xuất hiện. Mười năm, hai
mươi năm nữa lại có nhiều đạo lạ xuất hiện tiếp. Mỗi đạo đều tự xưng là Phật,
là Thánh cả. Nhưng thực tế là gì? Có ai dám xác nhận chăng? Mỗi thứ sẽ có hàng
triệu người đi theo. Nếu mình không quyết tâm về Tây-phương với Phật thì dễ gì
mình thoát khỏi ảnh hưởng đó. Khi đã rơi vào đó rồi thì ai có thể cứu mình được
đây?
Tất cả sự thực này trong kinh Phật đều nói
rõ ràng. Chư Phật trong mười phương đều đồng thanh dùng pháp môn Niệm Phật do
Phật A-di-đà đề xướng làm pháp môn chính để cứu độ chúng sanh. Pháp môn này hễ
ai tín, thọ, phụng, hành thì được cứu chứ không đòi hỏi khả năng, trình độ,
đẳng cấp gì cả. Có như vậy mới mong cứu độ rộng khắp, chứ không thì vô lượng
chúng sanh cứ tiếp tục sa vào ác đạo, cứu sao cho hết. Mà sa vào rồi làm sao
cứu ra được? Pháp môn này là gì? Làm sao chỉ cần trước giờ phút lâm chung, người
đó thành tâm niệm được mười câu Phật hiệu thì được Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về
Tây-phương. Bắt đầu từ đó, họ không còn là phàm phu nữa, họ đã trở thành bậc
bất thối, vĩnh viễn thoát ly luân hồi, nhập vào cảnh giới của Phật, rồi chắc
chắn sẽ thành Phật.
Pháp môn này thù thắng vì được chư Phật mười
phương hộ niệm. Được một vị thần hộ trì mình buôn bán đã quá tốt rồi huống chi
một vị Phật. Một vị Phật hộ trì là cả một chuyện phước báu vô lượng, huống chi
chư Phật mười phương. Vì thế, năng lực vô cùng to lớn, không cách nào tưởng
tượng được!
Ở bên Singapore, có người bị tội tử hình,
ba ngày trước khi bị xử tử, may mắn được người nhà (thiện tri thức) khuyên niệm
Phật cầu sanh Tây-phương. Đường cùng không thể chọn lựa, thành tâm ăn năn hối
lỗi, niệm Phật suốt ba ngày, một lòng cầu về Tây-phương. Khi đưa lên vòng dây
thắt cổ, người đó tươi cười, mềm mại, chết mà thất khứu không ra một giọt máu.
Chết xong thân thể vẫn cứ mềm mại luôn, trong khi người tử tội bên cạnh sợ hãi,
la hét, khi thắt cổ máu me tùm lum, lưỡi thè cả tấc..
Thưa cha má, cái lý của nó con hiểu, chẳng
biết cha má có tin hay không mà thôi. Tại sao người có tội vẫn được cứu? Tại
sao chỉ tu có ba ngày mà đắc vãng sanh? Tại sao dễ dàng như trò giỡn vậy? Tại
sao lại khó tin quá vậy? Tại sao có người tu cả đời vẫn không được vãng sanh?
Tại sao có người tu hành hết kiếp này sang kiếp khác vẫn không trốn thoát được
sáu nẻo luân hồi, trong khi đó, một tên tử tội thành tâm niệm Phật ba ngày đã
thoát khỏi tam giới? Thật vi diệu quá! Ai có thiện căn phúc đức lớn mới tin
được, mới thấy được con đường giải thoát tối ư vi diệu này. Mong cha má mau mau
nắm lấy cơ hội này, chứ khi đã sút khỏi tầm tay rồi biết bao giờ mới gặp
lại!...
Nó là một bài toán khó giải đối với người
chưa có lòng tin, còn có lòng tin thì có thể hiểu. Nếu cha má tin thì có thể
cảm nhận được. Nếu tin mà chưa hiểu tại sao thì con sẽ giải Thích-cặn kẽ cho
cha má sau. Còn nếu không tin thì dù có giải thích cha má cũng tìm cách chống
cãi thì giải thích làm chi. Hơn nữa, nếu con sơ ý, để cho cha má mắc tội hủy
báng chánh pháp thì lớn chuyện vô cùng!
Niệm Phật để thành Phật, đó là sự thật! Niệm
Phật cần nhất là phải nhớ rõ ba điều: TÍN-NGUYỆN-HẠNH.
Tín, thì tin cho vững chắc, không hoài nghi. Nếu cha má thật sự tin thì cho con
hay, con sẽ viết thư giảng rõ cho cha má hiểu sâu hơn để phát lòng tin vững
chắc, từ đó mới khởi tu được. Còn tin không vững, còn hồ nghi, tin nửa vời thì
con không dám nói đâu.
Nguyện là gì? Một lòng cầu nguyện được vãng
sanh về Tây-phương Cực-lạc khi mãn báo thân này. Sáng nào cũng nguyện. Khi đau
thì nguyện, khỏe cũng nguyện, một hướng nguyện sinh Tây-phương Cực-lạc. Nhất
định không nguyện về cõi nào khác cả, ngay cả cõi Trời, cõi Thần (A-Tu-la),
hoặc trở lại cõi người. Không nguyện trở thành người hiền, trở thành thầy tu, trở
thành bậc vua quan quyền tước gì cả. Nên nhớ thật rõ rằng là lời thề nguyện nó
có mãnh lực rất lớn, đừng nên nóng giận rồi buông lời thề ẩu mà mang họa về
sau.
Có Tín, có Nguyện thì có phần vãng sanh. Nếu
tin chút chút, thử tin để dò xét thì vô phương được cứu. Có tin mà không cầu
nguyện, hoặc nguyện sai đường thì sai một ly đi một dặm đó cha má ạ.
Hạnh là gì? Là trì danh hiệu A-di-đà Phật mà
niệm, sáng, chiều, đi, đứng, nằm, ngồi, đang cuốc đất, đang đi đường... lúc nào
cũng giữ một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” trong tâm. Có thể niệm “A-di-đà Phật”
cũng được vì dễ nhiếp tâm hơn. Có niệm như vậy thì tự nhiên phiền não, khổ đau,
sầu muộn, tất cả đều tự tiêu tan hết.
Người niệm Phật không bao giờ sợ chết, sợ
ma, sợ khổ, sợ nghèo... Khi niệm thành thục rồi thì tự nhiên thông hiểu đạo lý,
thông suốt căn cơ, biết rõ lý nhân quả, biết được sắc thân giả hợp này là gì.
Lúc đó ta an nhiên tự tại trước sự sống chết, nhiều người còn hẹn được ngày giờ
ra đi, vui vẻ ra đi. Họ bỏ thân xác mà đi chứ không phải chết. Họ còn sống
nhưng họ bỏ cái thân như bỏ cái áo cũ để về với Phật, mặc cho con cháu muốn
khóc than, cúng kiếng gì đối với cái thân đó thì tự ý mà làm.
Đó hoàn toàn là sự thực, xin cha má tin chắc
vào lời con để quyết tâm tu tập. Nhất định cuộc đời này cha má thành tựu đạo
giải thoát, thành Phật!
Nam-mô A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc Châu, 21/10/00)