Người niệm Phật nên khuyên cha mẹ, anh em,
vợ chồng, con cái hoặc bà con, bạn bè cùng niệm Phật. Chúng ta đã tìm được con
đường giải thoát thì nỡ nào để cho người thân bị chìm đắm trong bể khổ sông mê.
(Ấn Quang Đại Sư).
Chị Huệ Sanh,
Nghĩ đi nghĩ lại tôi là người được khá nhiều
may mắn, trong đó quen được chị là cái may mắn khá vui và khá nhiều kỷ niệm đẹp
của cái duyên học Phật. Tôi đang nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại xuyên
quốc gia dài cả tiếng đồng hồ mà cứ đòi nói thêm, lại còn dặn dò “hãy viết thư
cho tôi thật dài, càng dài càng tốt...” nữa chứ. Có người thì nói thư dài quá,
còn chị thì đòi dài hơn. Đúng là vạn pháp do tâm! Chị Huệ Sanh ạ, mục đích của
những lời thư này là khuyên người niệm Phật, dù viết dài hay ngắn cũng chỉ xoay
quanh câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật”. Tôi thành tâm cầu mong người người đều sớm
thức tỉnh đường tu, phát tâm niệm Phật. Câu Phật hiệu thực sự bất khả tư nghì,
cứu chúng sanh một đời vĩnh ly ác khổ, ở đây tôi có bằng chứng về sự vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc một cách rõ rệt, tôi muốn rồi đây chính Huệ Sanh sẽ kể cho
tôi nghe chứ không cần tới tôi nữa. Bây giờ, thấy rõ đường đi rồi thì Huệ Sanh
phải quyết tâm trì niệm “A-di-đà Phật”, cứ như vậy thì chỉ cần đọc một câu là
có thể sẽ thấy toàn thư. Cố gắng khuyến tấn quý đạo hữu trong nhóm ở Paris cùng niệm Phật. Khi
đã gặp được pháp môn này thì nhất định phải biết giữ chặt cơ hội này để vãng
sanh, đừng sơ ý mà mất phần thành đạo uổng lắm. Niệm Phật phải niệm thật thành
tâm, niệm liên tục, đi đứng nằm ngồi trong tâm đều niệm Phật, thì thử hỏi bao
nhiêu trang giấy mới chứa cho hết những câu Phật hiệu đây? Một ngày nào đó, cả
bầu trời Paris sẽ tràn ngập công đức niệm Phật của Huệ Sanh, lấy công đức đó
hồi hướng cho chúng sanh, cho thế giới hòa bình, cho người dân tiêu tai miễn
nạn, và cũng đừng quên hồi hướng công đức trang nghiêm Tịnh-độ. Công đức thật sự
vô lượng! Kính lời thăm tất cả quý chư Tăng Ni, quý đạo hữu ở Paris. Những thứ Huệ Sanh yêu cầu tôi đang
tìm cách giải quyết, lâu mau tùy duyên. Thành tâm cầu chúc tất cả đều tinh tấn
niệm phật.
Huệ Sanh kể chuyện ở Pháp hay lắm, thì tôi
cũng xin nói chuyện về bên Pháp vậy. Có một lần ở Tùng Lâm Linh Sơn, tôi nghe
được lời pháp của thầy Trí Tu, thầy giảng rằng, giữa biển nghiệp mênh mông này,
có người cứ trồi lên hụp xuống; có người thì cứ bơi lòng vòng; có người sinh ra
họ bơi thẳng một đường qua bờ bên kia, bờ giải thoát...
Thầy giảng rất vui, nghe được lời pháp của
thầy ai cũng thấy hoan hỉ, người nào cũng nở được nụ cười. Lời pháp của thầy
đơn giản, dễ hiểu, những ví dụ thầy đưa ra hôm đó ăn sâu vào tâm của tôi.
Cảnh thứ nhứt: Trong biển nghiệp mênh mông
có người cứ trồi lên hụp xuống.
Ai vậy? Biết đâu nhiều khi là chính ta, thân
nhân, bà con, bạn bè của chúng ta là thuộc loại người đó? Trồi lên mặt nước,
nhào lộn một cái, đủ để hớp một hơi không khí là chìm trở lại vào lòng đại
dương, nghĩa là lại chết ngộp trong cảnh giới khổ nạn!
Nhiều người không chịu tu hành, không tin
nhân quả luân hồi, không chấp nhận kiếp quá khứ, vị lai. Theo họ, quá khứ đã
qua không bao giờ trở lại, tương lai chưa đến thì lo làm chi, hiện tại là tất
cả. Họ lo tìm cách tận hưởng phước báu, khoái lạc, tiện nghi, cho hiện tại là
đủ! Cái quá khứ đối với họ chỉ đơn giản là ngày hôm qua, tháng trước, năm
ngoái; còn tương lai là ngày mai, bữa mốt, khi tuổi về già, hoặc cẩn thận hơn,
là những thứ của cải tài sản sau khi chết. Những thứ đó, có người cũng khéo léo
chuẩn bị phân chia sòng phẳng rồi, còn chi đâu nữa mà lo?! Sự dễ thương của
những người này là tính tình đơn giản, thẳng thắn, thực tế trong đời. Họ nghĩ
rằng chết là hết, khỏi cần lo. Nhưng có một sự sơ ý đáng tiếc và tai hại cho họ
là chết rồi không hết. Đã không hết thì chắc chắn sẽ có vấn đề khá lớn, họ làm
sao giải quyết đây? Ví dụ như có người nói bừa, ngoài đời cũng sống, vào tù
cũng sống, họ dễ dàng làm điều phạm pháp thành ra bị vào tù. Khi vào đó rồi thì
dở sống dở chết, có ân hận cũng chỉ tạo thêm tiếng khóc cho sự vụng tính của
mình chứ có giải quyết được gì hơn!
Nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Những
người chưa có duyên để gặp Phật pháp, họ không biết rằng quá khứ dù đã qua,
nhưng chính nó là cái nhân đã sinh ra cái quả báo của hiện tại này, và tương
lai dù chưa tới nhưng nó đang từng ngày thành hình bởi chính những hành động và
tư tưởng của ngày hôm nay. Đời này họ đang hưởng đầy đủ sự an lạc chính là nhờ
trong quá khứ họ đã khổ công tu hành mới được. Thế nhưng khi đã hưởng được
phước báu rồi thì tự mãn nguyện với sự hưởng thụ. Họ cảm thấy cái thế giới này
có đủ hạnh phúc, an lành, cho nên không cần nghĩ gì tới tương lai. Nói rõ hơn,
biết đâu những vị đang có quyền uy, địa vị, giàu sang tột bực trong đời này là
những vị “sa-môn” đáng kính ở những đời trước vì một lý do nào đó bị lọt lại
trong luân hồi. Thế nhưng vừa hưởng được phước báu thì họ đã vội sớm xa lìa đạo
đức. Có ngờ đâu, chính lúc sung sướng nhất thì mối họa hại cũng lớn nhứt đang
âm thầm phát sinh. Phật dạy, phước báu thông ba đời, nạn tam thế oán đến, đời
sau họ chịu sao nổi!
Đó là nói về một số ít người có phước báu,
hưởng được sự giàu sang, địa vị, quyền thế. Còn thế gian này có cả hàng tỷ
người đang trong sự khổ sở, nghèo nàn, đói khát thì sao đây? Những người này
chưa chắc là dở, chưa hẳn là kém thông minh hay thiếu lanh lợi. Thế mà họ cố
hết sức vùng vẫy để vươn lên nhưng lên không được, thành ra phải đành chịu số
mệnh hẩm hiu! Đây chính là vì quả báo đang hiện hành buộc họ phải trả nợ thì
đành phải trả cho xong, chứ còn cách nào khác hơn!
Một người khi trải qua một cuộc đầu thai
cách ấm, thì tất cả ký ức đã bị xóa sạch, cho nên họ quên rằng trước đây không
lâu chính họ có thể trải qua những cực hình ghê rợn, những nỗi đau đớn kinh
khủng! Ở đó, họ phải vừa tranh đấu vừa chịu đựng sự thống khổ vô biên mới có
được ngày thoát nạn làm người hôm nay. Thế nhưng, vừa mới thoát nạn thì họ lại
bình thản tiếp tục tạo thêm nhân ác mới để chuẩn bị tiếp nhận cái quả báo khổ
hải mới, tái diễn cảnh khổ đau trở lại. Thầy Trí Tu nói, bị chết ngộp dưới đáy
đại dương, ráng vùng vẫy trồi lên vừa đủ hớp một hơi không khí, lại lo chìm
xuống trở lại.
Một khi hiểu được Phật pháp, thì ta mới thấu
hiểu được câu “đời là bể khổ”. Cái khổ này hầu hết không ai thấy. Vì chính
không thấy cho nên con người vẫn thản nhiên đùa giỡn với cảnh trồi lên lặn
xuống, chứ không tìm cơ thoát nạn. Đây thật sự là cảnh đáng thương! Người biết
tu hành, biết tìm đường thoát nạn thì cũng nên phát lòng từ bi cứu độ họ, tìm
cách giúp họ thấy được cái khổ này. Cảnh khổ xảy ra hàng ngày, hàng giờ, thì sự
cứu khổ không thể chờ đợi. Mình không giỏi về Phật pháp nhưng có thể lấy lòng
chân thành ra khuyên. Huệ Sanh và quý đạo hữu nên cố gắng làm điều này, đơn
giản chứ không khó, nếu có duyên gặp nhau ta khuyên nhau tu hành, quen biết mà
ở xa ta viết thư khuyên họ niệm Phật. Cố gắng giúp cho một người vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc thì công đức này lớn bằng suốt đời mình tu hành chứ không
phải thường. Những người hồi giờ chưa biết gì về Phật pháp, đang bấp bênh trong
cảnh trồi lên hụp xuống thì nên nhấn mạnh về định luật nhân quả là tốt nhứt! Ở
hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Trồng gì được đó. Dễ hiểu!
Cảnh thứ hai: Có người thì cứ bơi lòng vòng.
Những người có nhìn thấy được hiểm họa chết
chìm nên cố gắng bơi, chắc chắn đỡ hơn người không biết bơi. Nhưng tốt hơn nữa
phải biết nhắm thẳng đến bờ thì mới khỏi chết. Tu hành cũng vậy, phải chọn
phương cách nào có khả năng giúp mình thực sự giải thoát mới viên mãn đường tu.
Pháp môn tu hành vô lượng vô biên, cảnh giới cũng vô lượng vô biên, nhưng con
người muốn về tới đích không thể đi theo vô lượng vô biên đường đi được, vì đi
như vậy là đi lòng vòng, sau cùng phải bị kiệt sức, đành phải xuôi tay!
Có nhiều người suy nghĩ quá đơn giản rằng:
cứ làm lành không làm ác là đủ. Ý nghĩ này đang tạo ra con đường tu hành khá
lòng vòng, khó có cơ hội thoát nạn. Vì sao vậy? Vì làm lành làm thiện là chuyện
phải làm của người tu hành để giảm thiểu nghiệp chướng, giúp cho việc giải
thoát được dễ dàng, chứ không phải tu hành là chỉ để làm thiện. Vì thực sự đâu
là lành? Đâu là ác? Mức nào là đủ? Nếu chưa có tiêu chuẩn rõ rệt, thì coi chừng
đang làm lành mà vô tình có thể gây ra nợ ác, đang thấy đủ nhưng bị thiếu trầm
trọng mà không hay! Ví dụ như đi thi thì phải làm bài để được đậu, chứ không
phải đi thi là chỉ để làm bài. Làm bài phải làm đúng, phải nộp bài và nộp kịp
giờ, đủ ba điều kiện này thì mới được đậu. Nhiều người chưa rõ ràng chuyện này
cho nên đã lấy phương tiện làm cứu cánh, thành ra bị thất bại oan uổng! Tu hành
để cầu danh văn lợi dưỡng, thì càng tệ hại hơn nữa, vì được một lợi trước mắt,
nhưng không khéo mất cả huệ mạng ngàn đời. Nổi được một giây phút ngắn ngủi,
nhưng khi chìm rồi thì biết bao giờ mới nổi lên lại được đây? Người khôn ngoan,
có thông minh, áp dụng chút ít khoa học kỹ thuật, họ có thể hưởng được thoải
mái trên một chiếc thuyền tốt. Nhưng nếu không tìm đường thoát nạn, cứ mãi thả
trôi lòng vòng trong vũng nước mà an hưởng những cảnh an lạc tạm thời, thì cũng
có ngày phải chìm xuống đáy tại vùng nước đó mà thôi chứ có hơn gì đâu!
Thế gian này có vô lượng pháp môn tu tập,
pháp môn nào cũng có cảnh giới cứu độ riêng, cao hay thấp, rộng hay hẹp đều có
căn cơ riêng. Người có căn cơ thấp đi sử dụng pháp môn dành cho bậc thượng căn
đại trí sẽ có kết quả lỡ làng, ngược lại người căn cơ cao mà hoàn cảnh không
thuận cũng đành kết liễu cuộc đời một cách oan uổng. Ví dụ, một người bơi dở mà
muốn bơi nhanh như lực sĩ bơi lội thì làm sao được. Ngược lại, một lực sĩ bơi
lội tài ba nhưng gặp bão lớn sóng to cũng đành phải thua cuộc! Đời mạt pháp này
tu hành khó lắm, nhiều lúc chính ta không lượng định nổi khả năng thực sự của
chính mình, từ đó “tự ti” hoặc “tự tôn” đều có thể xảy ra làm chướng ngại cho
đường thoát nạn. Tự ti là những người thiếu lòng tin giải thoát, họ không tin
rằng một đời này mình có thể vãng sanh thành Phật. Tự tôn thì lại tự cho mình
tài cao trí rộng, tự so sánh mình ngang hàng với bậc thượng căn thượng trí,
thích khoe cái thế trí biện thông, thường dựng lên những triết lý sống siêu
thực, v.v... đây là những người khá thông minh, có lý tưởng cao, nhưng đôi khi
vì quá mơ mộng, vô tình tự ru ngủ cuộc đời trong những cảnh giới an lạc tạm bợ
mà quên mất con đường niệm Phật vãng sanh về với Phật. Phật nói đây là cái nạn
thế trí biện thông làm mất vãng sanh. Họ mất phần giải thoát chỉ vì họ quá
thông minh mà bị thông minh gạt vậy!
Lại có những chuyện cũng khá phổ biến, đó là
thích hiếu kỳ, thích thần thông, ham chứng đắc nhanh. Như trong lần đầu tiên
ghé thăm Paris, ngay tại đạo tràng Tùng Lâm, ngày nọ có một chị tới tu, nhưng lại
vận động mọi người hãy thực hành một phương pháp thiền đặc biệt. Chị đó nói,
“... đây là pháp Phật, nhưng rất dễ nhập vào định, có được thần thông rõ ràng,
dễ dàng chứng đắc những cảnh giới cao mà các pháp tu hành khác không thể nào
sánh bằng...”. Vị sư phụ đề xướng phương pháp tu này là một người tu đạo
(tiên), không xa lạ lắm với người VN. Theo chị nói, thầy này tài lắm, có nhiều
phép thuật cao, giảng đạo rất hay. Chị nói và nhiều người đang lắng nghe có vẻ
thích thú, lúc đó tôi cũng có mặt và tôi hỏi chị vài câu:
- Chị nghĩ đó là pháp Phật?
- Đúng, chắc chắn là pháp của Phật.
- Nếu là pháp Phật thì vị thầy đó phải trì
tụng kinh Phật. Thầy đó thường trì tụng kinh nào?
- Thầy không tụng kinh nào hết.
- Không tụng kinh Phật sao gọi là pháp Phật?
- Kinh giáo đều ở trong lời pháp của thầy
(?!).
Đây là chuyện có thực tại Tùng Lâm Linh Sơn
kỳ kiết hạ 1999. Chị Huệ Sanh nghĩ sao về chuyện này?
Ở tại Úc, mới vừa rồi có một người tự nguyện
quy y với một đạo giáo nào đó, vì nghe nói là vào đạo thì công việc làm ăn sẽ
phát triển rất nhanh. Chị ta quy y rồi một thời gian ngắn bỗng nhiên bị trở
ngại, như thường có trạng thái bất an, hay gặp những ma ảnh bay thoáng qua làm
giựt mình, hoảng hốt và quên hết những gì đang làm. Có người tới hỏi tôi, làm
sao cứu chị ấy!?... Tôi nói, tôi chỉ biết niệm Phật chứ đâu có biết chữa bệnh
tà. Người nào cột gút thì người đó phải tự mở gút, đã lầm lỡ bước vào rồi, thì
hãy thức tỉnh nhanh chân bước ra, chứ cứ tiếp tục tham đắm những miếng mồi phù
du, ở mãi trong đó thì ai cứu cho nổi!...
Một chuyện khác, tôi có quen biết một người,
lần nào gặp nhau anh ta cũng khuyên tôi nên thực hành một pháp thiền tối
thượng, vừa đơn giản, vừa chữa được bá bệnh, lại vừa được chứng đắc nhanh. Anh
ta xác định đây là pháp Phật. Đại khái, anh ta chỉ tôi rằng: nằm thẳng thoải
mái, hai gót chạm nhau, mười đầu ngón tay chạm nhau, v.v... đầu óc phải để
trống rỗng không nghĩ gì cả, hít thở đều hòa, thì tự nhiên Phật tánh của mình
sẽ hòa nhập vào đại vũ trụ, thần trí sẽ thăng thượng lên cảnh giới cao cả. Khi đã
chứng đắc rồi thì tự nhiên sẽ có người tới dẫn dắt mình đi về với Phật. Tôi
hỏi:
- Đây là ứng dụng kinh nào của Phật vậy?
- Kinh Kim Cang Bát Nhã. Vạn pháp giai
không, có cầu nguyện là vọng, phải để tâm vô cầu, vắng lặng, thì nó sẽ hòa nhập
vào hư không pháp giới, tự nhiên được minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.
- Trong Kinh Kim Cang có chỗ nào Phật dạy
cách hành trì như vậy không?
- Ơ!... Ơ!... Pháp Phật có tới tám vạn bốn
ngàn pháp môn, thì pháp nào không là pháp Phật?!...
Có lẽ anh ta cũng đắc được chút ít gì đó(?!), cho nên rất tin tưởng vào cách tu
luyện. Tôi cho anh ta biết là tôi đang niệm Phật, anh ta lại sốt sắng hơn,
- Niệm Phật rất tốt, lúc nằm thay vì buông
thả thì có thể niệm Phật càng tốt!...
Biết rằng không thể một vài câu nói đơn giản
mà giải bày hơn thiệt với anh ta, cho nên tôi chỉ mỉm cười và chân thành cảm ơn
lòng tốt của anh.
Một chúng sanh muốn được độ thoát phải có
thiện căn, phúc báu lớn và phải có cơ duyên tốt. Tùy duyên mới tiêu được tụ
nghiệp, vì biết rằng chính mình tu hành chưa đủ công đức, thành ra sự gợi ý của
mình chưa được người đó chú ý đến. Muốn giúp người nhưng giúp không được, cưỡng
cầu đâu thể thành công!
Nói rằng “Phải giữ tâm vắng lặng thì nó sẽ
nhập vào hư không pháp giới...”, nói nghe quá dễ, nhưng thực tế có dễ như vậy
không? Ta nên biết rằng, một người tâm hồn đã thanh tịnh thì tự nhiên sẽ định,
trí huệ sẽ tự khai mở, còn một tâm hồn đầy vọng động mà cố làm vẻ vắng lặng, lơ
lơ lửng lửng thì có khác gì nằm ngủ mà mở toang cửa, để cho chúng ma tự do xâm
nhập trộm lấy hết công đức và bắt cóc mình dẫn vào con đường sai lạc!
Chị Huệ Sanh ạ, trên đời này có rất nhiều
pháp môn xa lạ, chúng ta là những người con Phật nhưng tâm chưa được định, tuệ
chưa được khai, ta chưa thể phân biệt trắng đen, thì chớ nên hiếu kỳ, cứ một
lòng y theo kinh Phật tu hành là tốt nhất. Như anh bạn trên đây là một điển
hình, cách hành trì của anh ta có lẽ là một trong những pháp luyện thần, luyện
khí, chữa bệnh của Đạo gia(?) mà anh cứ lầm tưởng là pháp Phật. Những chuyện
khá phổ biến trong thời này. Rất nhiều trường hợp giới Đạo gia ứng dụng kinh
Phật để hỗ trợ các pháp tu luyện của họ, vì thế nhiều người sơ ý cứ cho đó là
pháp Phật. Đây là một điều lầm lẫn, nếu sơ ý chạy theo tu luyện có thể làm cho
ta mất phần vãng sanh! Đọc kinh luận, chư Phật, chư Tổ thường dặn dò chúng đệ
tử phải “Y giáo phụng hành”, nếu đơn giản thì quý Ngài nhắc đi nhắc lại lời này
làm chi?
Đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện thành Phật ở thế gian thuyết kinh giảng đạo 49
năm, để lại 84 ngàn pháp môn. Hồi giờ chúng ta thường nghe đến con số này,
nhưng chưa từng thấy sách vở nào liệt kê đầy đủ. Trong khi đó, nhìn quanh thì
sự tu hành khắp nơi đâu có nhiều lắm, nếu đem so sánh với số lượng 84 ngàn thì
còn quá xa. Chính vì vậy nên nhiều người nghĩ rằng, tất cả những pháp tu hành xuất
hiện trên thế gian này không thể ra ngoài pháp Phật, cho nên tu pháp nào cũng
được.
Sự sai lầm chính là vì họ quên rằng, tất cả
vạn sự vạn vật đều cùng lúc mang nhiều bộ mặt. Đơn giản hơn, ta có thể nói vũ
trụ này có vô lượng vô biên pháp, mỗi pháp đều có bề mặt và bề trái. Bề mặt là
chánh, bề trái là tà, sự đối đãi này luôn luôn xuất hiện song song như hình với
bóng. Ví dụ, có sáng thì có tối, có xấu thì có tốt, có trắng thì có đen, v.v...
Trong kinh Kim Cang có những câu Phật dạy như “phi thiện phi ác”, vì lý do hai
thực thể chỉ là hai bộ mặt thật và giả của một vấn đề. Nói không thiện không ác
là để phá chấp, vì có chấp thì liền bị thiên lệch, nhưng thiện ác thì phải rõ
ràng phân minh. Ví dụ, đối với một kẻ cướp của giết người, thì ta không được
ghét họ vì phải “vô chấp”, vì phải “năng cứu nhất thiết chúng sanh”, nếu ghét
họ làm sao cứu được họ? Nhưng ta không được làm như họ vì “thiện ác phân minh”,
vì “bất năng hành tà đạo”. Còn hiểu “phi thiện phi ác” là không có điều thiện,
không có điều ác, thì thành ra hồ đồ, vô minh, là không có trí huệ vậy.
Người con Phật gọi pháp Phật là chánh pháp,
thì đừng bao giờ quên rằng còn có nhiều tà pháp đang bao quanh. Ví dụ, Phật dạy
pháp “Bố Thí”, thì có những loại “Bố Thí” thuộc về pháp Phật, nhưng cũng có
những “Bố Thí” không phải là pháp Phật. Bố thí vì lòng từ bi là chánh pháp của
Phật, chứ bố thí để được tiếng khen, vì tham danh, vì tìm uy tín, v.v... thì
đâu phải là chánh pháp; Niệm Phật để thành Phật là chánh, còn niệm Phật để
luyện khí, luyện thần, luyện phép thần thông, luyện nhân điện, khai điển lực,
v.v... đâu có phải là pháp Phật. Phật không dạy làm như vậy, chư Tổ cấm Phật tử
làm những điều này vì đó là lối tu lòng vòng, đọa lạc, khổ hải!... Những thứ
này đều thuộc về phước báu nhân-thiên, nếu tâm đã tham đắm vào đó thì khó thể
vãng sanh. Cho nên muốn biết được chánh hay tà, phải cần đến “Trí-Huệ”. Trí huệ
chưa khai mở tức là còn vô minh, thì tất cả những sự thấy biết của chúng ta
đang bị chi phối bởi ý thức mê vọng của thế gian, nghĩa là nhiều khi thấy đúng
nhưng lại sai, thấy chánh nhưng lại tà, thấy như pháp Phật nhưng hoàn toàn
không phải pháp Phật. Đây là điều chúng ta cần chú ý.
Cũng có những việc lý luận thì rất hợp lý
nhưng không hợp với thực tế, điều này cũng không phải là thiện pháp đâu. Ví dụ,
tại Úc có loại nhện lưng đỏ rất độc có thể cắn chết người. Có một lần, ở giữa
ngôi đạo tràng, một Phật tử hỏi rằng, ta có nên giết nó hay không? Một vị trả
lời liền, khỏi cần suy nghĩ:
- Giết một con vật ác độc để cứu hàng ngàn
người thì sao lại không nên!...
- Liền có một vị khác cắt ngang câu trả lời
và nói:
- Giới Phật cấm sát sanh, chứ Phật đâu có
dạy giết con vật ác.
Hai câu trả lời từ hai vị đều có cái lý của
nó, nhưng câu nào thuộc về chánh Pháp đây? Muốn phân định, hãy nhìn vào thực tế
để phán xét. Con nhện lưng đốm đỏ, nhỏ bằng hạt bắp, được kể là loại khá độc
tại Úc, cắn có thể làm chết người, nếu cắn một ngàn người thì là một tai họa
khủng khiếp, cho nên giết nó để cứu hàng ngàn người thì điều đáng làm. Thấy con
nhện đang tấn công làm chết người thì ta phải giết nhện để cứu người là điều
đáng cho phép. Phật dạy, giữ giới có: khai, già, trì, phạm. Vì một điều kiện
đặc biệt nào đó giới luật có thể được áp dụng uyển chuyển, gọi là “Khai”; “Già”
là cấm ngặt, không được làm; đứng trước một việc không biết giải quyết làm sao
thì lấy giới Phật làm chuẩn gọi là “Trì”; “Phạm” là vi phạm. Giết con nhện là
“Phạm”, nhưng vì để cứu người cho nên đã được “Khai”.
Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử nước Úc
trải qua hơn 200 năm nay chưa từng nghe có người bị nhện độc cắn chết. Qua mấy
trăm năm, hàng triệu người đang sống thung dung, nhiều lắm cũng chỉ có một vài
người bị chúng cắn bị thương thôi. Tai nạn này so ra còn nhỏ hơn chuyện trượt
té trầy tay thì có đáng gì đâu? Vậy mà nói rằng giết nó để trừ hại cho hàng
ngàn người thì oan cho chúng nó quá. Loài nhện này thân có chứa độc nhưng lại
rất hiền, suốt đời chúng giấu kỹ mình trong những lỗ hang kín đáo, xây mảnh
lưới lớn bằng khu chén để chờ bắt những con mồi nhỏ xíu sống qua ngày. Nếu có
vật gì đụng tới thì chúng co quắp người sợ hãi, chỉ cắn khi bị ép vào thế phải
liều mạng thoát thân, chứ chúng có tấn công ai đâu. Vị Sư nói,
- Đó là nghiệp báo của nó, để tự nó giải
quyết, chúng ta không được phép giết hại chúng sanh!
Đứng trên mặt nhân quả báo ứng thì vì đời kiếp trước chất chứa nhiều tâm ác,
tạo nhiều nghiệp ác, chiêu cảm đến đời này chúng phải chịu mang thân nhện chứa
đầy chất độc. Một chúng sanh bị đọa lạc, ta phải thương hại mới đúng, chứ sao
lại đi giết hại. Thân thể chúng độc nhưng tâm chúng hiền, nếu giết chúng thì ta
gây nghiệp oán, chúng có thể đầu thai thành con vật vừa độc vừa ác. Oan oan
tương báo, tương lai sẽ thành cái họa lớn hơn. Cho nên việc tốt - xấu, chánh -
tà... phải cần cẩn thận phân biện mới được.
Thiện-Ác là hai mặt của một vấn đề. Làm
thiện là chánh pháp nhưng ghét ác không phải là chánh pháp đâu. Có một lần,
những người giảng đạo nào đó tới khuyên chúng tôi vào đạo họ. Họ nói:
- Đạo chúng tôi chỉ có người thiện lương,
không chấp nhận người ác. Rồi đây Thượng Đế của chúng tôi sẽ giết hết những kẻ
ác chỉ để lại người thiện mà thôi!...
Giết hết kẻ ác chỉ còn lại người thiện! Kẻ
giết kẻ ác đang làm những điều còn ác hơn kẻ ác, thì ai là người thiện đây?
Phật dạy làm người tốt chứ không phải dạy giết người xấu, làm điều tốt chứ
không phải ghét điều xấu, nói điều tốt chứ không phải chửi điều xấu... Vì giết,
ghét, chửi, v.v... không phải là việc làm của người tu hành. Lấy oán báo oán
oán ấy chất chồng, làm sao thế gian có ngày tốt đẹp?
Từ một vài ví dụ nhỏ làm điển hình, ta cũng
thấy có rất nhiều pháp môn không phải là chánh pháp của Phật, thì dù số lượng
pháp môn của Phật để lại có nhiều cho mấy đi nữa thì cũng có vô lượng phương
pháp khác hoàn toàn xa lìa Phật pháp. Cách đây ba ngàn năm, khi đức Thích-ca
Mâu-ni thị hiện thành Phật tại Ấn Độ để khai mở Phật pháp cứu độ chúng sanh,
thì riêng tại xứ đó đã có tới 96 giáo phái ngoại đạo, mỗi giáo phái đều có
những pháp tu hành riêng, có thiện, có ác. Có nhiều chỗ chứng đắc không phải là
thấp, nhưng cao nhất cũng chỉ nhắm tới những cảnh trời để hưởng phước, chứ chưa
có một đạo nào giúp con người viên mãn giải thoát. Phật xuất hiện để cứu chúng
sanh giải quyết vấn đề này. Đó là vấn đề sanh tử luân hồi, viên thành quả vị
giải thoát. Như vậy, trên thế gian này có rất nhiều đạo giáo, rất nhiều pháp
môn tu hành, nhiếp thọ chúng sanh theo con đường riêng, và pháp Phật là chánh
pháp do chính Phật thuyết ra để cứu độ chúng sanh thành Phật. Cho nên nói rằng
“pháp nào cũng là pháp Phật ” không đúng lắm đâu!
Tại sao lại có quá nhiều pháp môn? Vì tâm
bệnh của chúng sanh quá nhiều, vô lượng pháp môn để đối trị với vô lượng phiền
não trong tâm. Nói theo lý chủ động hơn, sở dĩ có vô lượng pháp môn là vì tâm
thức của chúng sanh quá phức tạp. Phật dạy, “Duy tâm sở hiện, duy thức sở
biến”, chân tâm sở hiện thì chỉ có một, nhưng ý thức chen vào thì khuấy động
lên như hỏa mù. Duy tâm sở hiện là lý tánh, duy thức sở biến là sắc tướng. Từ
cái pháp tánh đã chuyển thành hình tướng, có tốt có xấu, có trắng có đen, có
thị có phi, v.v... một khi đã biến thì biến ra thiên hình vạn tượng, vô lượng
vô biên hình thái làm sao có thể đong lường. Phật dạy “nhất thiết duy tâm tạo”,
lục tổ Huệ Năng nói, “Tự tánh năng sanh vạn pháp”, đều là đạo lý của “Nhất
thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp đều từ trong chơn tâm, tự tánh
phát lồ ra, thì muốn thấy pháp phải vào tâm để thấy, chứ đâu thể tìm cầu bên
ngoài.
Cho nên, muốn biết pháp Phật thì phải khai
tự tánh trước. Làm sao khai tự tánh? Phật dạy, “Trụ Chánh Định Tụ quyết định
chứng ư A nậu đa la tam miệu tam Bồ-đề”. “Chánh Định Tụ” là câu Nam-mô A-di-đà
Phật. A nậu đa la tam miệu tam Bồ-đề là Phật. Nghĩa là, Niệm Nam-mô A-di-đà
Phật để thành Phật. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy rằng, đóng hết sáu căn lại, tịnh
niệm tương tục câu A-di-đà Phật thì tâm tự khai mở. Tự tánh khai mở là thành
Phật, tự thấy tất cả pháp Phật. Nếu tâm không định, cứ buông thả mông lung thì
ý thức chen vào tạo nên có tà có chánh. Pháp từ thức biến, mỗi một trạng thái
của tâm thức tạo ra một pháp môn, trùng trùng điệp điệp. Tất cả là do tâm ý
thức tạo nên, chính cái tâm của chúng sanh sở hiện ra mà tạo nên vô lượng vô
biên pháp môn có tà có chánh vậy.
Pháp chánh, hệ quả là giải thoát; pháp tà,
hệ quả là đọa lạc. Chúng ta là những người chưa khai được tự tánh, thì khi gặp
một pháp môn lạ ta cần phải cẩn thận xem xét để phân biệt chánh hay tà. Làm sao
có thể phân biệt? Phật dạy, chỉ khi nào đắc được Thánh quả A la hán chúng ta
mới có chánh tri chánh kiến, nếu chưa đắc Thánh quả thì cái thấy biết của mình
vẫn có thể bị sai lầm. Tiêu chuẩn Thánh quả A la hán dễ nhận nhất là thiên nhĩ
thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông, thần túc thông. Ví dụ, thần túc thông
thì đi xuyên qua tường không chướng ngại, cứ thử nghiệm thì biết liền? Như vậy,
người con Phật chân chánh không thể nhắm mắt đưa chân, không được tự ý vạch ra
phương thức tu hành theo sở thích của mình mà dễ bị lầm lạc!
Học Phật ta phải nhớ hai vấn đề:
Một là, “Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật
oan”, là để nhắc nhở chúng ta trì tụng kinh điển, chọn lựa môn tu tập... phải
hợp cơ, hợp lý, hợp thời, để đắc đại lợi viên mãn đạo quả. Tu hành không phải
pháp nào cũng tu, kinh nào cũng trì, sách nào cũng học. Tu như vậy gọi là tạp
loạn, vô định hướng, bơi lòng vòng. Pháp Phật là “pháp dược” cứu độ chúng sanh,
nhưng phải tùy bệnh tùy căn, không thể cứ thấy thuốc của một vị y vương thì toa
nào cũng thỉnh về uống là được! Phật gọi đây là “Bất Định Tụ”, khó thể có ngày
thành tựu. Tu pháp Phật mà bị thất bại không phải là oan cho Phật sao!
Hai là, “Ly kinh nhất tự, tức đồng ma
thuyết”. Câu này rất quan trọng, cả lý đạo lẫn sự tu, nhất là SỰ TU. Ly xa kinh
điển một chữ để tu hành thì đã đồng nghĩa với tà ma rồi, thì chúng ta không thể
nào bừa bãi được! Phương thuốc cứu độ tất cả chúng sanh trong thời mạt pháp của
Phật chính là pháp môn Tịnh-độ. Phật dạy, “Nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật
nguyện sanh bỉ quốc” để thành Phật. Người con Phật phải “Y giáo phụng hành”,
không được “ly kinh nhất tự”, thì mới mong ngày thoát ly sanh tử luân hồi, vãng
sanh bất thối thành Phật, sớm có ngày cứu độ chúng sanh. Người nào cứ dựa theo
cái trí thông minh của mình mà đem pháp Phật thêm vào bớt ra, nghĩ sao làm vậy,
bướng bỉnh tự chạy theo những con đường lạ thì chắc chắn bị lạc theo lối tà!
Hơn nữa, đời mạt pháp này mà không niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì dễ lạc vào
trạng thái “Tà Định Tụ”, không còn hy vọng vượt thoát luân hồi, khó thể tránh
khỏi hiểm nạn.
Chị Huệ Sanh cùng quý đạo hữu thân mến, trên
đường tu tập chúng ta thường gặp những ý kiến dị biệt, nếu ý chí không vững, lý
đạo chưa thông, ta dễ bị lung lạc. Thời này đã mạt pháp rồi, hay nhứt là ta
phải bám chặt vào lời Phật dạy. Phật dạy “Nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật”
thì ta một lòng niệm Phật. Phật dạy “Nguyện sanh Tây-phương Cực-lạc quốc” thì
ta nguyện vãng sanh Tịnh-độ. Phật dạy “Đây là con đường viên mãn nhứt để cứu độ
chúng sanh” thì ta một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu để thành đạo trước rồi
tất cả mọi sự sẽ tính sau.
Thế thì, trong biển khổ sanh tử luân hồi này
ta phải biết bơi thẳng một hướng, rẽ nước cắt sóng mà đi, đừng bơi lòng vòng
nữa mà tội nghiệp cho Huệ mạng của mình. Một lòng chuyên niệm A-di-đà Phật, một
hướng nguyện sanh Tây-phương Cực-lạc, nếu niềm tin vững vàng, quyết đi như vậy,
Phật nói một đời này thôi ta thấy Phật, thành Phật. Tu hành một đời thành đạo
không khỏe hơn chạy lòng vòng sao? (Đây là cảnh thứ ba chưa bàn kịp, chờ ý kiến
của quý đạo hữu. Xin hẹn với chị ở thư sau).
Ngưỡng cầu A-di-đà Phật gia trì cho Huệ Sanh
và tất cả chư đạo hữu pháp hỉ sung mãn. Nguyện hết báo thân này tất cả đều được
vãng sanh Tịnh-độ, viên mãn Phật quả.
Diệu Âm kính thư.
(Viết xong, Úc châu, ngày 28/3/03).
Nếu muốn học về Giải,
thì tất cả pháp từ phàm phu cho tới Phật địa đều nên học. Như muốn học về Hạnh,
thì phải lựa một pháp hợp lý hợp cơ, gắng sức tinh chuyên mới mau được thật
ích. Chẳng thế, thì dù cho có trải qua nhiều kiếp cũng khó thoát ly. (Thiện Đạo
Đại Sư).