Đạo hữu Diệu Nhàn!
Nhận được thư Diệu Nhàn, không có thời giờ
viết thư trả lời, Diệu Âm đành phải gởi mấy băng giảng kinh của HT Tịnh Không
cho đạo hữu coi trước, kèm theo đó có cuộn “Tự tại vãng sanh”, quay lại cụ Ngụy
Quốc Hưng vãng sanh vào tháng 2/2003. Đạo hữu cố gắng dành thời giờ coi qua. Cuộc
vãng sanh này bất khả tư nghì! Diệu Nhàn nên cố gắng sang thêm để cúng dường
nhiều người cùng xem. Xây dựng lòng tin Phật pháp cho họ, giúp nhiều người phát
tâm niệm Phật, công đức này lớn lắm đó.
Tự tại vãng sanh, danh từ tuy đơn sơ, nhưng
trên đời người nào thực hiện được chuyện này thì hưởng được một phước báu vô
cùng vô tận, cái phước thành tựu đạo Bồ-đề, cái phước được làm Phật, cái phước
mà một chúng sanh có thể phải tu vô lượng kiếp mới có được, chứ không phải tầm
thường!
Xem cuộn “Tự tại vãng sanh”, mới thấy Phật
pháp nhiệm mầu! Trước đây có cuộn “Hoa khai kiến Phật”, ta đã thấy sự vi diệu
của câu Phật hiệu, nay xem thêm “Tự tại vãng sanh” lại thấy càng vi diệu hơn. Năm
2001, tôi đi qua Honolulu,
có biết qua một cuộn phim khác quay lại cuộc vãng sanh của một cư sĩ trẻ vãng
sanh cũng thật là vi diệu. Nhưng vì thời gian lưu lại quá ít, không kịp xem bản
lưu, chứ nếu được thì chúng ta có thêm những chứng cứ vô giá về sự vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc. Người con Phật chúng ta phải khẳng định rằng lời Phật nói
đúng sự thật, có nhiều sự chứng minh cụ thể, chứ không phải là những loại
“quyền thuyết” đâu.
Thông thường chúng ta biết rằng, muốn có ngày chứng quả vị Phật một chúng sanh
phải tu trải qua vô lượng kiếp thời gian chứ không phải đơn giản. Quá khó, quá
khó! Nhưng trong kinh “A-di-đà”, Phật dạy chỉ cần bảy ngày niệm Phật nhất tâm
là thành tựu đạo quả.
Nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo, tự tại
vãng sanh thì gọi là “Chánh niệm vãng sanh”. Trong kinh “Vô lượng thọ” Phật lại
nói chỉ cần 10 câu Phật hiệu trước lúc lâm chung cũng được vãng sanh. Đây là
trường hợp hạ phẩm, tương tự như trong Quán Kinh nói, người trong đời có làm ác
nghiệp, lúc lâm chung bị cuồng loạn, nhưng may mắn gặp được thiện trí thức nhắc
nhở, tin tưởng phát nguyện vãng sanh, niệm Phật một tiếng hoặc mười tiếng mà
được vãng sanh, gọi là “Cuồng loạn vãng sanh”. “Vô ký vãng sanh” là người đã
phát tín tâm quy y, niệm Phật, đến lúc lâm chung tuy tâm thần suy nhược không
thể niệm Phật được, gọi là “vô ký”, (không thiện không ác). Nhưng nhờ công đức
niệm Phật trước đây, cũng được vãng sanh. Còn “Ý niệm vãng sanh” là người có
niệm Phật, lúc lâm chung vì sức quá yếu không thể niệm ra tiếng, nhưng niệm
Phật thầm trong tâm cũng được vãng sanh. Tất cả bốn chủng loại vãng sanh đều
vượt qua tam giới lục đạo, vãng sanh về cõi Tây-phương, một đời bất thối thành
Phật. Sự việc này quả thật là kỳ diệu!
Như vậy, nếu nói lâu thì vô lượng kiếp cũng
chưa chắc sẽ thành Phật! Nhưng nếu muốn mau thì một đời này sẽ được hoa khai
kiến Phật ngộ Vô-Sanh. Lâu hay mau tùy theo cái tâm mình có muốn về với Phật
hay không, chứ không ở đâu xa cả! Muốn mau thành Phật thì trong tâm phải có
Phật, nên nương vào Phật, nên tu theo con đường nhị lực, phải biết cái năng lực
hộ niệm bất khả tư nghì của chư Phật mười phương. Sự gia trì của 48 lời đại
nguyện của A-di-đà Phật thực sự dư sức đưa một chúng sanh phàm phu thoát vòng
sanh tử. Còn nói về thời gian là nói đến pháp hữu vi. Pháp hữu vi thì như mộng
huyễn! Vạn pháp giai không, thì thời gian xét cho cùng cũng vẫn là không, không
dài không ngắn, không lâu không mau! Dài vô lượng kiếp hay ngắn như một niệm
vẫn do tâm mà ra!
Thành Phật là thành chính cái tâm của mình,
trở về được với chân tâm tự tánh thì thành Phật, xa lìa chơn tâm tự tánh thì
chưa được thành Phật. Cho nên, nói là chứng đắc chứ thực ra là “Vô đắc”, hay
“Liễu vô khả đắc”. Hay nói cách khác, là đắc được những gì chính mình đã có,
trong thiền tông gọi là “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Minh tâm
kiến tánh là trở về được với chính cái “Bản lai diện mục” của mình chứ không
phải ở ngoài. Nói cách khác, đây chính là lý “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ”
vậy.
Phật dạy, “Tâm tịnh quốc độ tịnh”. Cõi quốc
độ thanh tịnh chính là do cái tâm thanh tịnh của ta biến hiện ra. Tuy nhiên hãy
cẩn thận! “Tâm tịnh quốc độ tịnh” là lý, đừng vội chấp vào lý mà cho rằng đây
là cõi Tịnh-độ. “Phật tức tâm, tâm tức Phật” thì Phật ở ngay trong tâm, chứ
không ở ngoài. Tuy nhiên, chưa minh tâm thì chưa thành Phật đâu! Chính vì chấp
vào cái lý mà có người chủ trương không niệm Phật, không cầu sanh Tịnh-độ. Điều
này nếu đúng thì chỉ đúng khi ta đã thành Phật rồi. Nhưng không thể đúng khi
chúng ta còn có kiến tư, trần sa, vô minh phiền não dày đặc! Quyết chí tự tu,
tự chứng, tự thành Phật ngay tại quả đất này là một điều đáng khâm phục, thích
hợp với chư vị đại Bồ-tát tái lai, bậc thượng căn thượng trí mới có thể nói và
hành được cảnh giới này. Đối với đại đa số chúng sanh hạ căn thấp trí thì không
thể được. Chúng ta hãy xác nhận rõ căn cơ của mình, phải tu cho đúng căn, hợp
cơ, hợp thời để đắc thiện lợi. Đã sanh vào thời mạt pháp thì nghiệp chướng của
chúng ta nặng lắm, nếu không biết nhờ vào Phật lực gia trì, cứ mãi chạy theo
những lý luận huyền diệu, thì khó có ngày thành tựu vậy!
Cho nên, Phật dạy tâm tịnh thì quốc độ tịnh,
lý này chắc chắn đúng. Nhưng Phật vẫn khuyên nhắc chúng sanh cầu sanh
Tây-phương Cực-lạc quốc, thì niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ cũng chắc chắn đúng. Tại
sao vậy? Vì quốc độ tịnh thì tâm mới tịnh. Tâm thanh tịnh là nhân, quốc độ tịnh
là quả; ngược lại, quốc độ tịnh là nhân, tâm thanh tịnh là quả. Nhân-Quả,
Quả-Nhân tương trợ tương thành. Đây mới thực là viên mãn thanh tịnh. Nếu nhân
quả không tương ứng thì sự việc không thành sự thật!
Ta hãy thử quán xét, quả địa cầu này hiện có
hơn 6 tỉ người liệu có được tới 10 triệu người tu hành chưa? Trong 10 triệu
người đó có lọc lựa được 10 ngàn người thành tâm tu hành không? Trong 10 ngàn
người này liệu có tìm được 100 người đạt đến tâm thanh tịnh chăng? Cụ Huỳnh
Niệm Tổ, vị Kim Cang Thượng Sư Mật-tông, đệ tử của cụ Hạ Liên Cư nói, toàn cõi
Trung Quốc tìm đâu ra tới 10 người có tâm thanh tịnh! Với dân số trên một tỉ
người mà chưa có tới 10 người tu hành đạt được tâm thanh tịnh, thì tỉ lệ cứ
trên 100 triệu người tham sân si thì may ra mới có một người tu được tâm thanh
tịnh. Vậy thì, hãy lại lấy câu “Tâm tịnh quốc độ tịnh” mà chiếu, thì biết ngay
thế giới này sẽ an định hay loạn động, là Tịnh-độ hay uế độ!
Phật dạy, thế giới Ta-bà là uế độ. Rõ ràng
môi trường, hoàn cảnh và nhân tâm đều không thanh tịnh. Chúng sanh bị dìm mãi
trong phiền não khó thể vượt thoát được để minh tâm kiến tánh. Trong vô minh
gây nên nghiệp vô minh, nghiệp chướng của chúng sanh càng ngày càng lớn. Con
người xấu tạo nên hoàn cảnh xấu, hoàn cảnh xấu tạo ra con người xấu, cõi độ
thực sự bị dìm mãi trong uế ác. Nay đã rơi vào thời mạt pháp thì càng ngày càng
xấu, còn cơ hội nào nữa cho chúng sanh có thể thực hiện minh tâm kiến tánh?! Chính
vì thế mà chúng ta phải cầu về Tây-phương Tịnh-độ, nhờ môi trường thù thắng của
cõi Phật và lực gia trì của Phật A-di-đà làm tăng thiện duyên cho ta thành
Phật. Đây chính là cơ hội cho một chúng sanh đầy nghiệp chướng có thể phá được
vô minh để minh tâm kiến tánh vậy.
Ngài Thiện Đạo đại sư, vị tổ thứ hai của
Tịnh-độ tông Trung Hoa nói rằng, tất cả đều do duyên bất đồng. Duyên này chính
là cơ hội được vãng sanh Tịnh-độ. Người học Phật nếu thật sự muốn thành tựu
phải tin lời Phật, phải niệm Phật, phải tha thiết nguyện vãng sanh. Ngày ngày
phải thành tâm phát lồ sám hối nghiệp chướng, phải rơi nước mắt ăn năn về những
tội lỗi của mình. Sáng trưa chiều tối phải lạy Phật cho nhiều để trút đổ nghiệp
chướng xuống. Đừng sân giận, đừng tham lam, đừng nhìn lỗi thiên hạ, đừng đố kỵ
người khác nữa, đừng xa lìa Phật pháp, hãy quyết lòng niệm Phật cầu xin Phật
tiếp độ vãng sanh. Đây là cơ duyên thành đạo. Cơ duyên này Phật A-di-đà đã hiến
tặng cho chúng sanh một cách bình đẳng, ai tiếp nhận thì được, ai từ chối thì
mất phần. Ngài Thiện Đạo nói duyên bất đồng, chỉ vì chúng sanh tiếp nhận với
tâm thái khác nhau mà thôi.
Vậy thì, nếu cơ duyên này đã đến tay, xin
đạo hữu đừng hững hờ để nó trôi qua, rồi chờ đợi trong một tương lai xa vời nào
đó mới hy vọng gặp lại, để rồi lại nghiền ngẫm, lại nghiên cứu, lại bàn ra tán
vào. Bàn riết! Bàn hết kiếp này đến kiếp khác, bàn đến vô lượng kiếp rồi mà bây
giờ còn muốn tiếp tục bàn. Càng bàn tâm càng loạn! Loạn tâm rồi thì chịu khổ
thêm vô lượng kiếp nữa chứ có hay ho gì! Nên nhớ rằng, hết báo thân này lỡ rơi
vào tam ác đạo thì phải chịu khổ hàng triệu triệu năm chưa chắc đã được thoát
thân. Trong khi đó, qua khỏi 9 ngàn năm nữa thì tới thời diệt pháp, lúc đó đâu
còn cơ hội nữa để cho một chúng sanh ngu muội như chúng ta ngóc đầu lên! Vậy
thì nếu là người hiểu đạo, sao còn ngồi đó làm thơ nuôi dệt vọng tưởng!?…
Thời mạt pháp tâm người loạn động, niềm tin Phật pháp yếu ớt, chính vì thế mà
chúng sanh tự làm mất rất nhiều cơ hội vãng sanh. Có nhiều cụ tu rất lâu, rất
thuần thành, rất chuyên cần, hàng tuần đều đến chùa lạy Phật, tụng kinh, niệm
Phật, nhưng các cụ cũng không dám nguyện vãng sanh. Hỏi tại sao vậy? Những câu
trả lời mà chúng ta thường gặp là: Tôi già rồi, không đủ khả năng; Tôi không đủ
thiện căn; Tôi không có phước báu; Muốn vãng sanh về Tây-phương phải tu đến vô
lượng kiếp mới được chứ đâu dễ gì một đời mà được, v.v… Ngoài ra, cũng có người
không cần ngại ngùng nói rằng: Tây-phương là nói vậy thôi chứ ai biết có thật
hay không mà mong cầu!
Vạn pháp duy tâm! Tâm đã hồ nghi thì đường
giải thoát tự nhiên bị bế tắc. Do đây mà chư Phật muốn cứu độ chúng sanh đâu
phải dễ dàng! Nghe Diệu Nhàn tâm sự, tôi cảm thông sâu xa về chuyện này.
Cứu người khó lắm! Cái khó thứ nhất là chúng
sanh không tin Phật, họ tự đóng tất cả các hướng giải thoát, và tự nguyện đi
theo con đường đọa lạc. Cái khó thứ hai là nhiều người đã học Phật nhưng không
chịu nghe lời Phật dạy. Điều này, có thể vô tình hay cố ý, dẫn đến cái khó thứ
ba: người học Phật thường dẫn dắt người khác đi theo con đường “Bất liễu giáo”.
Từ đó, sự giải thoát trở thành vô phương! Chúng ta cứ nghĩ xem, một chúng sanh
cứ mãi bơi lòng vòng trong biển khổ thì làm sao tránh khỏi bị chìm trong biển
khổ?!
*) Cái khó thứ nhất là người không tin Phật.
Trong thời đại mạt pháp chuyện này rất phổ biến! Phật cứu người cũng phải tùy
duyên, thì chúng ta không đủ khả năng để chuyển hóa họ đâu. Hãy thành tâm cầu
nguyện cho chúng sanh một ngày nào đó may mắn gặp được duyên lành, phát lòng
tin tưởng vào Phật pháp để được cứu độ. Buồn hơn nữa, đôi khi chính những người
trong gia đình chúng ta cũng thuộc vào diện này. Đây là chuyện thường tình chứ
không có gì là đặc biệt!
Gặp nhau ở đời này là duyên nợ tiền kiếp,
trả hết cái nợ này rồi thì đường ai nấy đi. Mỗi người đến thế gian này đều tùy
theo nghiệp duyên, thì khi mãn báo thân cũng phải tùy theo nghiệp duyên mà thọ
báo, trong trăm vạn phần, chưa chắc đã có một phần tái ngộ. Người tu hành muốn
được giải thoát thì hãy phát nguyện vãng sanh Tây-phương. Ai nguyện về đó thì
sẽ gặp nhau cùng nhau thành Phật, ai không nguyện thì họ đành phải đi đường
riêng của họ. Chúng ta đã liễu ngộ đường thoát ly tam giới thì phải quyết tâm
bảo vệ sự vãng sanh, phải tranh thủ niệm câu Phật hiệu, phải trân quý từng phút
thời gian, phải tiết kiệm từng đoạn đường đời đi qua, đừng phung phí huệ mạng
trong sáu nẻo luân hồi, đừng sơ ý hẹn nhau gặp lại kiếp lai sinh. Nên nhớ, nuôi
một lời nguyện lệch ra khỏi Tây-phương Cực-lạc là dẫn độ đến tam đồ lục đạo,
chắc chắn không được vãng sanh. Thời mạt pháp rồi, một đời nguy kịch hơn một
đời, tương lai phải đối diện với hiểm nguy trùng trùng, đường thoát nạn chắc
chắn sẽ mù mù mịt mịt!
Nhưng dù sao chúng ta cũng phải luôn luôn giữ tâm nguyện cứu độ chúng sanh. Phật
dạy “Vô duyên đại từ”, nghĩa là vì lòng từ bi, Phật cứu độ chúng sanh không cần
điều kiện. Chúng ta tu hành theo Phật thì cũng phải có tâm nguyện này. Đây
thuộc về phần Phát Tâm Bồ-đề. Hơn nữa, nếu là người nhà với nhau thì đã có
duyên, nên càng phải cứu. Tuy nhiên, người không tin Phật, thì lời nói thường
trở thành vô dụng! Cách tốt nhất để cứu độ nhau là chính mình phải tự tinh tấn
tu hành, rồi ngày ngày đem công đức hồi hướng cho nhau. Cứ thành tâm thiện ý
làm như vậy thì công đức của mình dần dần giác ngộ được người chung quanh. Cứu
độ chúng sanh, cứu độ người thân, tự cứu cho chính mình, tất cả đều nằm gọn
trong câu “Nam mô A-di-đà Phật”. Cho nên, tu cho chính mình là tu cho tất cả,
gọi là: “ Nhất tu nhất thiết tu” là vậy.
*) Cái khó thứ hai là không y giáo phụng
hành, đây cũng không phải dễ giải quyết, vì thời này đã mạt pháp rồi, lời chánh
pháp của Phật rất khó được nghe. Bên cạnh thì sự cám dỗ quá lớn của vật chất,
của triết lý thế gian, cám dỗ bởi những hào nhoáng đang phát triển của khoa học
kỹ thuật, v.v… Nếu chúng ta suy xét cho cùng, thì tất cả những thứ này cũng chỉ
là vọng tưởng, là vô thường, sau cùng chỉ là “Không” chứ có được gì đâu! Thế
nhưng, sự cám dỗ này vẫn có một sức mạnh đáng kể, dễ dàng xoay lệch hướng tâm
linh của người học Phật khi chưa được chánh định! Vì chưa được “Chánh Định”,
cho nên mới cảm nhiễm “Tà Định”, hoặc chạy theo “Bất Định”, vô hình chung chúng
sanh càng ngày càng lún sâu vào chỗ mông lung “Bất liễu”! Tà định là không niệm
Phật; Bất định là tâm không có chủ định, đụng đâu tu đó, nói đơn giản hơn là
tạp tu; Chánh định chính là niệm A-di-đà Phật, quy hướng về Tây-phương Cực-lạc
để một đời thành Phật. Trong kinh Vô lượng thọ Phật nói rõ chuyện này. Cho nên
tu hành mà không thông lý, thì đường tu thường bị nhiều chướng ngại!
Nguyễn Thái Học nói: “Đường đi khó, không
khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!”. Câu nói của
một nhà đấu tranh chánh trị nhưng chứa đầy tư tưởng Phật học. Đời mạt pháp này
vạn ức người tu khó tìm được người thoát ly tam giới, một trong những chướng
ngại là vì do lòng e ngại. Vì ngại ngùng mà không đi, vì e dè mà không cầu, vì
cái nghĩ quá hạn hẹp mà đành tiếp tục chịu vạn kiếp trầm luân!
Mới vừa rồi Diệu Âm tiếp xúc được chị Phật
tử, chị nói, chị có người mẹ cũng tu hành niệm Phật rất chuyên cần, rất thành
khẩn, nhưng nguyện vãng sanh thì không nguyện. Hỏi tại sao vậy? Chị nói, “Phải
có nhiều thiện căn phúc đức trong nhiều đời nhiều kiếp rồi mới được vãng sanh
thành Phật, chứ làm gì có chuyện một đời niệm Phật mà được vãng sanh!”.
Ở nhiều nơi, chúng ta cũng thường gặp không
ít người có ý nghĩ này. Nhiều người có tâm hồn hiền lương, khá từ bi, tâm
nguyện khá khiêm nhường, họ cứ cầu mong đời sau được tái sanh làm người ngoan
đạo, gặp được minh sư, tiếp tục tu hành, chứ không dám “làm cao!” cầu đến
chuyện viên thành Phật đạo!…
Thương hại cho chúng sanh là chỗ này, mà
đáng trách cho chúng sanh cũng chính ở chỗ này! Thương vì quá hiền từ đến nỗi
mê muội! Trách vì đã mang thân đi học Phật mà không chịu y giáo phụng hành! Thương
vì chúng sanh bị quá nhiều sự cám dỗ làm chướng ngại! Trách vì nhiều người học
Phật tự mình không chịu nhìn thấu đạo lý, cứ thích dắt dẫn nhau theo con đường
sanh tử luân hồi! Thương vì còn quá nhiều chúng sanh chưa có duyên gặp Phật
pháp! Trách là trách cho những người đã gặp được Phật pháp mà không chịu giác
ngộ, không chịu liệng bỏ cái suy nghĩ sai lầm của mình!…
Trong Tứ Y Pháp, Phật dạy: Y pháp bất y
nhân, y ý bất y ngữ, y liễu pháp bất y bất liễu pháp, y trí bất y thức. Phật
dạy vậy, nhưng trong đời này ít có người y theo “Tứ y pháp” để tu hành, mà lại
thích chạy theo nửa phần sa đọa! Oan uổng lắm vậy!
1) “Y pháp, bất y nhân” là theo chánh pháp
của Phật để tu chứ không phải theo người giảng pháp. Nên nhớ người giảng pháp
dù cho hay tới đâu, nghe êm tai tới đâu thì họ vẫn chưa phải là Phật. Do đó, có
thể người giảng pháp giảng sai. Hoặc giả, có người giảng nói rất hay mà chính
họ thì thực hiện không được, thậm chí còn làm sai với chánh pháp nữa là khác. Điều
này xảy ra rất thường, đã ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của đại chúng. Y
pháp bất y nhân để giải cái vấn nạn này.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói thời mạt
pháp “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Vậy thì, người nói được làm được
thì đây là mẫu mực cho ta. Còn gặp trường hợp người nói được mà làm không được,
hoặc nói sai làm sai thì đó là chuyện của họ, riêng mình hãy y cứ theo pháp
Phật tu hành, đừng nên bám theo cá nhân hoặc chê trách hay chống đối người diễn
nói mà coi chừng chính ta bị lạc vào con đường “Tà định”. Với 84 ngàn pháp môn,
thì niệm Phật là pháp tối viên mãn! Phật dạy đời mạt pháp niệm Phật mới được
thành tựu, thì ta nhất định chuyên niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh-độ là được.
2) “Y ý, bất y ngữ”, trọng ý không trọng
lời. Kinh pháp của Phật là phương tiện cứu độ chúng sanh, tùy thời, tùy chỗ,
tùy cơ mà ứng thuyết. Đôi khi Phật nói một việc nhưng lại dùng nhiều danh tự
khác nhau. Chúng ta không thể chấp vào thuật ngữ mà giảng giải được. Mới vừa
rồi, ở đây có Phật tử nghe lời pháp của HT Tịnh Không giảng về “Luận vãng sanh”
của Thiên Thân Bồ-tát, Ngài nói có câu: “Kinh Phật thật tế là vô nghĩa…!”.
Trong nhiều giảng ký khác, Ngài nói mỗi chữ
mỗi câu trong kinh Phật bao hàm “vô lượng nghĩa”, còn ở đây Ngài lại nói là “vô
nghĩa”, làm cho anh thật sự đầy nghi hoặc(!). Anh đến hỏi tôi tại sao lại lạ
lùng vậy?! Sau một vài phút bàn luận, anh ta cảm thấy vô cùng hoan hỉ, biết
thêm một lý đạo mới, đó là: “Y ý, bất y ngữ”.
Kinh Phật có “Vô lượng nghĩa” hay “Vô nghĩa”
đều do cảnh giới của người nghe. Phật giảng kinh là vô định thuyết, tùy cơ ứng
thuyết, tùy bệnh cho thuốc. Mỗi bệnh mỗi thuốc, thuốc này chỉ có nghĩa đối với
bệnh này. Đem vị thuốc này mà trị bệnh kia, thì thuốc sẽ “vô nghĩa”! Hơn nữa,
Phật nói pháp cho chúng sanh nghe, chứ Phật không nói pháp cho Phật nghe. Chúng
sanh hành theo pháp để thành Phật, một khi đã thành Phật rồi thì đâu còn pháp
gì để theo nữa! Nói rõ hơn, chơn tâm đã được khai mở thì pháp từ tâm hiển xuất,
chứ đâu có pháp ở ngoài. Lục Tổ nói, “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Vãng
sanh luận là của Bồ-tát Thiên Thân, nói “Kinh Phật vô nghĩa” là nói ở cảnh giới
của Đại Bồ-tát minh tâm kiến tánh. Chúng ta là phàm phu, có tư cách gì mà dám
chấp nê!
Nói cụ thể hơn, “Y ý bất y ngữ” còn có nghĩa
chớ nên coi thường những lời nói mộc mạc, đừng quá ái mộ vào những cách diễn
thuyết hay ho. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, hãy trọng
cái thực tâm tu hành, đừng trọng cái hào nhoáng thế tục.
Cụ Ngụy Quốc Hưng vãng sanh vào ngày
5/2/2003, cuộc vãng sanh vô cùng tự tại, an nhiên. Cái giá trị của Cụ là sự
thành tựu “tự tại vãng sanh” chứ không phải là nói hay. Xem đoạn phim quay lại
cuộc vãng sanh, chúng ta thấy rõ ràng Cụ đi theo Phật chứ không phải là chết. Cụ
ở hay đi đều tự nhiên, thoải mái. Cụ chỉ là một người thợ mộc hiền lành, chất
phác, hoàn toàn không có dáng dấp của người kiểu cách. “Y ý, bất y ngữ” là quý
cái lòng thành của Cụ, quý cái tâm hiền từ của Cụ, quý ở chỗ thật thà, ngay
thẳng. Còn lời nói của Cụ thì đơn sơ, quê mùa, chứ không có văn vẻ, trôi chảy,
đâu có những lời triết lý bóng bẩy, chải chuốt, cao xa! Thế mà, sự thành tựu
của Cụ mấy ai trong đời này sánh được?
3) “Y liễu pháp, bất y bất liễu pháp”, điều
này quan trọng lắm! Tu hành mà không phản tỉnh, thì coi chừng công phu tu hành
khổ cực rốt cuộc chỉ hưởng được chút ít duyên lành, chứ không thể siêu vượt tam
giới. Đạo Phật là đạo giải thoát, giúp chúng sanh chuyển phàm thành Thánh,
thoát khổ được vui. Nếu tu mà không quyết lòng thoát ly sanh tử luân hồi, thì
khổ vẫn hoàn về khổ!
“Liễu pháp” là giáo pháp chân thực viên mãn.
“Bất liễu pháp” là phương tiện pháp, chưa được trọn vẹn. Phật 49 năm thuyết
kinh giảng đạo, vì căn tánh chúng sanh bất đồng cho nên Phật thường dùng phương
tiện để từng bước dẫn dắt chúng sanh đi lên, nhưng cứu cánh cuối cùng vẫn là
viên thành Phật quả. Kinh pháp thuyết giảng về chân nghĩa cứu cánh hiển liễu,
có thể viên mãn thành tựu Phật quả, gọi là “Liễu-nghĩa hay Liễu-pháp”. Kinh
điển nói chưa trọn, chưa hết, chưa đi đến cứu cánh viên mãn Bồ-đề, thì gọi là
“Bất-liễu-nghĩa hay Bất-liễu-pháp”. Vì căn cơ của một số tầng lớp chúng sanh
còn quá chấp trước, khó thể nhất thời tiến xa hơn, cho nên Phật đành phải dùng
thuyết phương tiện để dẫn dắt chúng sanh tiến dần vào đạo giải thoát.
“Y liễu pháp, bất y bất liễu pháp” là lời Phật dạy trong kinh điển đại thừa,
khuyên chúng sanh nên y cứ theo kinh liễu nghĩa để chân thật thành tựu, đừng
nên y theo kinh bất liễu nghĩa, mà đường tu hành bị gian nan trắc trở, phải
trải qua thời gian vô lượng kiếp. Kinh liễu nghĩa, nói rõ hơn nữa, là kinh dạy
thành Phật. Kinh bất liễu nghĩa là các loại kinh sách dạy về phước báu nhân
thiên, chứng đắc các quả vị khác chưa phải là Phật quả. Y theo kinh liễu nghĩa
thì một chúng sanh có thể một đời thành Phật, gọi là “Nhất sanh thành Phật”.
Cũng cần chú ý, đừng lầm lẫn rằng “một đời
thành Phật” là sống vài mươi năm trên trần thế, rồi chết đi là thành Phật, mà
“một đời thành Phật” chính là trường hợp của Cụ Ngụy Quốc Hưng. Đời này Cụ niệm
Phật, được vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ. Vãng sanh là sống mà đi. Ví dụ điển
hình, Cụ nói: “Hai phút nữa tôi đi”, rồi từ tạ đại chúng, ngồi xuống ghế, liệng
cái xác thịt lại để theo Phật. Rõ ràng là Cụ đi vãng sanh chứ không phải chết. Về
tới Tây-phương thì viên mãn tam bất thối chuyển, thọ mạng của Cụ sẽ vô cùng vô
tận, Cực-lạc an vui, thần thông tự tại, đạo lực có thể sánh ngang với thất địa
Bồ-tát trở lên, chờ đến ngày thành Phật trong khoảng từ 3 kiếp cho đến 12 kiếp.
Đây là Phật dạy trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Thời gian này so với vô lượng
kiếp của các pháp tu khác thì quá nhanh. Tất cả công đức này đều do đức A-di-đà
Phật gia trì cho Cụ vậy.
Trở lại vấn đề “Bất liễu giáo”. Có người tu
hành rất đắc lực, nhưng lại mặc cảm rằng mình không đủ thiện căn phước đức để
vãng sanh, họ từ chối không chịu nguyện sanh Tây-phương Cực-lạc. Đây là việc
khá đáng tiếc! Như câu chuyện của chị đạo hữu phía trên. Người mẹ già của chị
rất thành tín, rất hiền lành, thường xuyên tham dự thọ bát quan trai, với
nguyện vọng rất khiêm nhường là cầu cho tâm hồn thanh tịnh, căn lành tăng
trưởng, đời sau gặp lại Phật pháp, gặp sư phụ tốt để tiếp tục tu hành. Tôi
khuyên chị nên hướng dẫn người mẹ niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ.
Chị trả lời: Tôi nghĩ rằng, tuổi xế chiều mẹ
tôi về chùa tu hành là tốt rồi, còn chuyện vãng sanh là do thiện căn tu hành
nhiều đời nhiều kiếp mới được, chứ đâu dễ gì mẹ tôi có phần…
Tôi hỏi lại: Chị biết rõ tiền kiếp của mẹ
chị à?
Chị trả lời: Tôi tài gì mà biết được!….
Một người hoàn toàn không hề biết tiền kiếp
của mẹ mình, mà lại dám khẳng định rằng mẹ mình không đủ phần vãng sanh! Người
mẹ cũng an phận thủ thường, đồng ý với người con, cho rằng mình chưa đủ thiện
căn phước đức để thoát ly tam giới. Nhưng thực tế, theo chị kể, thì thấy công
phu tu hành của bà cụ rất tốt, dụng công chuyên cần thật đáng khen, ngày ngày
đều có niệm Phật. Niềm thành kính Tam-Bảo vượt xa những người bình thường. Ấy
thế mà vẫn tự cho mình chưa đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà đành lòng
không nguyện vãng sanh!
Tổ Ấn Quang dạy rằng, người không cầu sanh Tịnh-độ, dù cho có niệm Phật đến chỗ
gió thổi không qua, mưa rơi không lọt thì cũng chỉ là pháp tự lực tu chứng. Nếu
nghiệp chưa sạch, tình chưa không thì vẫn phải tiếp tục chịu sanh tử luân hồi. Tổ
Ngẫu Ích dạy, được vãng sanh Tây-phương là nhờ tín và nguyện, phẩm vị cao hay
thấp là nhờ niệm Phật sâu hay cạn. Cho nên, tha thiết nguyện sanh Tây-phương là
tối ư quan trọng!
Thực sự những ý nghĩ này rất phổ thông, có
rất nhiều người vướng phải cái mặc cảm tự ti này. Con đường thành đạo của họ
chính họ tự đoạn mất mà không hay! Biết vậy, nhưng làm sao chúng ta đi đả thông
tư tưởng của cùng khắp chúng sanh đây!
Để thức tỉnh người đạo hữu đó, tôi đem
chuyện ông Châu Quảng Đại, mà trong giảng pháp của Ngài Tịnh không thường nhắc
đến, tóm tắt kể cho chị nghe. Ông Châu Quảng Đại một người ở Washington (Mỹ),
suốt đời không biết gì về Phật pháp, không tin Phật. Đến cuối đời mắc phải bệnh
ung thư không còn chữa được, sắp chết. Vì quá sợ chết cho nên mới sai người nhà
chạy khắp nơi cầu cứu. May mắn cho ông ta, gặp được những người đồng tu niệm
Phật phân tích cho ông ta biết rằng, cái mạng của ông không còn cứu được nữa
đâu, chi bằng hãy buông xả đi, quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc.
Ông nghe theo, quyết lòng niệm Phật và mời đồng tu về hộ niệm. Niệm Phật chỉ
trong ba ngày đã được Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn, an nhiên vãng sanh. (Ông
Châu Quảng Đại vãng sanh trong khoảng những thập niên cuối của thế kỷ 20).
Sau khi kể xong, tôi hỏi chị: Hãy so sánh
thử, giữa mẹ chị với ông Châu Quảng Đại ai là người có thiện căn, phước đức,
nhân duyên nhiều hơn?
Chị nói: Ông Châu Quảng Đại nhiều hơn.
Tôi nói: Không! Chính mẹ chị có nhiều hơn.
Tại sao vậy? Tôi giải thích, vì mẹ của chị
có tin Phật, có niệm Phật, có đi chùa lạy Phật, trong khi ông Châu Quảng Đại
thì suốt đời không biết gì về Phật pháp cả. Tin Phật là có thiện căn, niệm Phật
lạy Phật là có phước đức, đi chùa là đã gặp nhân duyên. Đây đâu phải là chuyện
tầm thường! Một người đã có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, thì trong
kinh A-di-đà Phật nói được vãng sanh, tại sao chị lại nghĩ rằng mẹ chị không đủ
phần vãng sanh?
Chị lại nói: Nhưng mẹ tôi đâu có tha thiết
đến chuyện vãng sanh!
Tôi nói: Suốt trong nhiều năm qua, mẹ chị
rất thành khẩn tu hành, nhưng không biết đến việc thoát ly tam giới, không tha
thiết đến chuyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc để thành tựu đạo Bồ-đề. Đây không
phải là do mẹ chị thiếu tiêu chuẩn, hay không thích, nhưng chính là vì mẹ chị
không có được sự hướng dẫn rõ ràng đường đi!…
Thực vậy! Nếu chúng ta đi rảo một vòng tìm
hiểu người học Phật khắp nơi thì mới phát hiện ra một vấn đề thiếu sót quan
trọng. Đó là, có rất nhiều người tu hành lâu năm mà không biết niệm Phật, chưa
hề thật lòng phát một lời nguyện vãng sanh Tây-phương. Hầu hết các cụ già thật
thà chất phác, dạy sao nghe vậy. Suốt thời gian tu hành lâu năm các cụ rất
ngoan đạo, thành kính lạy Phật, ăn ở hiền lành, một lòng giữ giới hạnh, nhưng
chỉ biết an phận thủ thường, làm lành lánh ác, cầu siêu, cầu an, cúng dường,
làm phước, gây quỹ, v.v… nhìn thấy quý cụ làm việc rất siêng năng, ai cũng tán
thán, khen ngợi. Chính vì vậy mà các cụ cứ yên tâm cho rằng mình tu hành tốt! Nhưng
thật ra, xét cho kỹ, đó chỉ là con đường nặng về tu phước, thiếu phần tu huệ. Nói
cách khác, hành theo “Bất liễu giáo”, khó thể giải thoát được!
“Liễu pháp” là chánh pháp, “bất liễu pháp”
không được kể là chánh pháp. Để phân biệt tà chánh, HT Tịnh Không có giảng đến
4 tiêu chuẩn: một là, tương ứng lợi ích; hai là, tương ứng lời Phật dạy; ba là,
không tương ứng phiền não; bốn là, không tương ứng sanh tử.
“Tương ứng lợi ích” mới là chánh pháp. Lợi
ích chân thực này chính là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thành tựu viên mãn đạo
Bồ-đề. Dù cho học pháp môn nào thì ý niệm thoát ly sanh tử phải minh bạch rõ
ràng, tâm tâm nguyện nguyện không rời vấn đề này mới thuộc về liễu nghĩa pháp. Trong
kinh A-di-đà, đức Phật phải nhắc đến 4 lần chuyện cầu nguyện vãng sanh
Tây-phương. Học Phật ai mà không đọc kinh này? Thế thì tại sao có người tu khá
lâu nhưng chưa hề chú ý đến lời nguyện vãng sanh! Đây là một sự sơ ý quá lớn! Dù
vô tình hay cố ý, tâm không tương ứng với lợi ích chân thực, thì không đúng lắm
với chánh pháp của Phật!
“Tương ứng lời Phật dạy” là chánh pháp. Y giáo
phụng hành là pháp cúng dường đầu tiên đối với chư Phật. Học Phật phải theo lời
Phật. Kinh Đại-Tập Phật dạy, thời kỳ chánh pháp gìn giữ Giới Luật có thể thành
tựu, thời tượng pháp Thiền Định có thể thành tựu, thời kỳ mạt pháp Tịnh-độ mới
thành tựu. Người học Phật phải cẩn thận theo đúng lời Phật mà tu hành thì mới
mong thành tựu cho chính mình, mới cứu được chúng sanh thoát vòng tam giới. Chúng
ta không nên làm ngược lại lời Phật dạy mà đường tu đi đến chỗ mông lung!.
“Không tương ứng phiền não” thì tâm mới
thanh tịnh. Tham sân si là phiền não. Tu hành là phải lánh xa tất cả nguồn căn
dẫn đến tham lam, sân giận, ngu si mới là chánh pháp. Đi chùa chỉ để cầu tài,
hái lộc, cầu phước… thoát sao khỏi chữ “THAM”! Không để cho tâm thanh tịnh, lại
đi chống báng, đố kỵ, nói xấu lẫn nhau thì tránh sao cho khỏi chữ “SÂN”. Có
câu: “Thường kiến tự kỷ quá, bất thuyết tha nhân phi…”, (Luôn luôn thấy cái lỗi
của mình, đừng nói đến cái lỗi của người khác…). Người mà thấy ai làm điều gì
cũng chê bai, còn mình thì thích tự khoe khoang, thích nói hay lý luận giỏi,
cống cao ngã mạn… tất cả đều nằm trong chữ “SI”. Tương ứng với phiền não dễ
lắm! Phải cố gắng tự xét cho nhiều mới được!
“Không tương ứng với sanh tử” mới là chánh
pháp. Sanh tử là lục đạo luân hồi. Tu học Phật mà không cầu thoát ly tam giới,
không cầu chứng đạo Bồ-đề, lại đi cầu thành Tiên, thành Thần, cầu tái sanh làm
người, cầu giàu có… nói chung là cầu phước báu nhân thiên, đây không phải là
liễu pháp của Phật. Người học Phật không tìm đường vượt thoát luân hồi, không
cầu sanh Tịnh-độ, lại đi cầu những cảnh giới trong lục đạo, thì theo như Tổ Ấn
Quang nói: “Chẳng khác gì người đem viên ngọc như ý đổi lấy tán kẹo”. Đây thật
là điều đáng tiếc!
5) “Y trí, bất y thức”, trí là lý trí, thức
là tình thức. Đem tám thức biến thành bốn trí mới hoàn thành đạo nghiệp. Tám
thức gồm có năm thức của thân là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ba thức của tâm
là: ý thức, chấp thức (Mạt-na), tạng thức (A-lại-da). Đem năm thức đầu chuyển
thành “Thành sở tác trí”; ý thức chuyển thành “Diệu quan sát trí”; mạt-na thức
hay gọi là thức phân biệt chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”; A-lại-da thức
chuyển thành “Đại viên cảnh trí”.
Lý đạo này cao quá! Nói thì phải nói cho
biết vậy, chứ phàm phu chúng ta dễ gì thực hiện được chuyện này! Thôi thì,
tốt nhất là thực tâm tu hành, cố gắng xử sự theo lý trí cho hợp lẽ đạo để có
đường giải thoát, đừng nên dùng tình cảm mà dễ bị mê lầm!
“Bất cát ái bất ly Ta-bà”, tình cảm là sợi
dây trói ta mãi trong lục đạo. Đời sống cư sĩ thì chúng ta phải hòa chung với
người, nhưng trong tâm cũng nên tập buông xả, đó là “cát ái”. Có như vậy lúc
lâm chung tâm mới thoát cái nạn lưu luyến con cái, lưu luyến vợ chồng. Cái thân
cũng là đồ giả, cũng đừng luyến tiếc nó quá. Muốn thành Phật thì quyết lòng cầu
nguyện vãng sanh vậy.
Chúc Diệu Nhàn thấy rõ đường đi, con đường “Niệm Phật thành Phật”.
A-di-đà Phật,
Diệu Âm
(Viết xong, Úc châu, ngày 28/04/04).
Như Lai sở dĩ hưng
xuất thế
Duy thuyết Di Đà bổn
nguyện hải
Người hiện nay vừa
thấy được một chút gì lạ thì vội cho mình là hay lắm, liền nói với người này,
người nọ là tôi đã thấy Phật, tôi đã được cảm ứng, và… và… Quý vị đâu ngờ rằng,
một khi đem việc này khoe khoang ra, thì tâm thanh tịnh của quý vị đã hoàn toàn
bị phá hỏng hết. Phải nên nhớ rằng: cho dù là “Định Trung Kiến” (tức là trong
lúc định tâm niệm Phật mà thấy), hoặc thấy trong giấc mơ, cũng không nên giữ
trong tâm. Bởi vì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.
(PS Tịnh Không)