Đã niệm Phật phải cần giữ trọn đạo làm
người, nỗ lực bỏ việc ác, làm việc lành. Việc thiện nào mình làm được thì gắng
làm, không làm nổi cũng nên nuôi lòng mong mỏi, khuyên người khác làm, hoặc
thấy người khác làm thì sanh tâm tán đồng, hoan hỉ, khen ngợi. Như vậy tuy mình
không làm, song cũng chia được một phần phước báu. Trái lại, việc mình không
làm được, nhưng thấy người khác làm lại sanh tâm ganh ghét, khuấy phá, gièm
pha... Đó là tâm lượng của kẻ tiểu nhân.(Ấn Quang Đại Sư).
Như Ngọc,
Anh Năm vừa nhận được thư em, anh viết liền
cho em đây vì thư em đã mở ra mấy vấn đề khá hay. Hồng cũng đang chờ thư anh
nhưng anh ưu tiên cho em trước đó.
Đọc thư em, anh biết được em đã nghiên cứu
nhiều về Phật học. Đó là hữu duyên với Phật pháp. Anh cũng mới mò mẫn đây thôi
chứ không phải “đạo pháp cao” như em tưởng đâu! Anh cảm ơn em đã thường về thăm
cậu mợ. Thư anh viết cho cậu mợ gởi kèm theo cho em, là để gợi ý cho em bắt
chước làm theo, khuyên cô Sáu niệm Phật, để em trả chữ hiếu làm con, thế thôi.
Em Ngọc, Niệm Phật thành Phật là pháp môn bất khả tư nghì. Một người căn tánh
bình thường không dễ gì tin được đâu! Một người căn tánh cao mà thiện căn phước
đức không có cũng khó mà thể ngộ. Pháp của Phật để lại gần ba ngàn năm rồi mà
nay vẫn còn nhiều người nghi ngờ đúng hay sai! Chính vì thế, cơ hội giải thoát
của chúng sanh vẫn còn hiếm hoi, rất khó có được. Bây giờ anh trả lời mấy
chuyện trong thư của em, từng điểm một.
Đầu tiên anh mừng cho em có đứa cháu ngon,
sớm ngộ Phật pháp, xuất gia tu hành. Hãy cố gắng khuyên nhắc giữ vững tâm Bồ-đề
kiên cố bất thối để giải thoát. Còn chuyện “cúng dường con trai” chỉ là điều
nói cho vui thôi, ai nghĩ sao cũng được, đừng nên chấp vào sự mà bỏ mất cái lý
không hay. Trong thư em có viết: “Quý thầy dạy và khuyên niệm Phật để được vãng
sanh. Bao giờ Phật Di-Lặc ra đời mới được thọ ký thành Phật”. Câu này có hai
đoạn, “niêm Phật để được vãng sanh” anh nghe thường xuyên, kinh Phật nói nhiều
lắm, có kinh nhắc đến mấy chục lần. Còn đoạn sau: “Bao giờ Phật Di-Lặc ra đời
mới được thọ ký thành Phật” thì anh chưa nghe qua. Thầy nào đã nói với em như
vậy? Em hãy đến gặp thầy và hỏi thử câu này từ trong kinh nào, đoạn nào? Cố
gắng hỏi cho rõ, để anh tìm hiểu thêm. Nếu anh tìm không ra, anh cũng có thể
xin nhờ quý thầy ở đây lục giùm để cho minh bạch.
Em nên biết rằng, thà không nói một điều gì
về pháp Phật thì thôi, chứ đã nói pháp Phật thì phải lấy kinh Phật ra ấn chứng.
Nếu sơ ý đi sai pháp Phật, thay đổi kinh Phật, diễn tả kinh Phật theo ý riêng
của mình sẽ tạo tội lớn lắm. Cổ đức nói: “Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”.
Nói sai kinh Phật sẽ mang tội phỉ báng chánh pháp, làm rối lòng tin, đánh mất
phần giải thoát của chúng sanh, tội không phải nhỏ đâu! Cho nên, nói kinh không
nên bừa bãi, học Phật phải cẩn thận, nghe pháp phải cần tìm chỗ chánh pháp chứ
không được đụng đâu nghe đó mà mang hại! Nếu ai theo đúng kinh Phật thì tin,
người không theo kinh Phật thì không được tin, cẩn thận xét suy mới được. Đây
là anh Năm chân thành nhắc nhở em đó.
Em nên nhớ một điều, pháp vận của đức Phật
Thích-ca Mâu-ni có 12 ngàn năm. Chánh pháp một ngàn năm, tượng pháp một ngàn
năm, còn lại 10 ngàn năm là thời kỳ mạt pháp. Chúng ta đang sống vào một ngàn
năm thứ nhất của thời mạt pháp. Nghĩa là còn hơn chín ngàn năm nữa vẫn còn dưới
pháp vận cứu độ của đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Sau chín ngàn năm đó là
thời kỳ không còn pháp Phật, chúng sanh sẽ sống trong những cơ cảnh rất nguy
hiểm dưới tà thuyết ngoại đạo, cho đến khi Di-Lặc Bồ-tát từ cung trời Đâu Suất
nội viện xuống thế gian thị hiện thành Phật dưới cội cây Long Thọ, mở Long Hoa
Hải Hội, khai lại Phật pháp để độ chúng sanh. Thời gian này dài đến hơn nửa tỉ
năm nữa. Theo kinh Phật nói Đức Di-Lặc sẽ là vị Phật thứ năm của “Hiền-Kiếp” này,
được đức Phật Thích-ca Mâu-ni trao truyền chánh pháp làm Phật tại thế giới
Ta-bà. Như vậy thì làm gì có chuyện trong thời độ sanh của đức Phật Thích-ca mà
chúng sanh phải đợi cho đệ tử của Ngài đến thọ ký mới được thành Phật? Có lẽ từ
chỗ: được trao truyền chánh pháp, sơ ý đã hiểu thành: “thọ ký thành Phật”
chăng? Sửa một chữ trong kinh thì ý nghĩa trở thành hoàn toàn khác. Thật phải
cẩn thận mới được!
Em viết tiếp, “Nghe anh nói niệm Phật thành
Phật sao dễ quá. Thái Tử Tất Đạt Đa tu bao nhiêu ngàn kiếp...”. Thắc mắc này
rất hay! Chính đức Thích-ca Mâu-ni tu cả vô lượng kiếp nay mới thành Phật, dễ
gì ta tu một đời là thành Phật? Nghi vấn của em rất có nhiều người đồng ý! Thật
tế mà nói, muốn tu thành Phật phải trải qua nhiền đời nhiều kiếp chưa chắc đã thành.
Nhưng, cũng thực tế, tu một đời này thôi cũng thành Phật, đây cũng rất chính
xác, đây là sự thật! Như vậy tu thành Phật, nếu nói khó thì cũng khó không
tưởng tượng được. Nhưng ngược lại, nếu nói dễ thì cũng dễ lạ lùng, dễ như cất
lời niệm 10 câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” mà thôi! Anh sẽ cố gắng mổ xẻ tường
tận vấn đề này trong thư này cho em, hy vọng em có thể thể ngộ. Được vậy thật
là may mắn!
Trước hết nói thành Phật khó? Đúng đó! Khó
vô cùng! Đừng nói chi đến thành Phật mà cả đến phẩm vị Tu Đà Hoàn là bậc tu vô
lậu thấp nhứt, mới nhập lưu trong hàng Thánh quả Thinh Văn thôi, mà phải phá
cho hết 88 phẩm kiến hoăc phiền não mới đạt được. Nhiều người tu hành thật khổ
cực nhiều năm, mà có khi một vài phẩm cũng phá không nổi, chứ đừng nói chi đến
88 phẩm. Rất là khó! Trong thư em viết: “...nhiều vị, em thấy cả đời họ lo tu
hành. Nhưng đến ngày ra đi có vị cũng quằn quại trên giường, mê man không biết
gì cho đến lúc ra đi...”. Vì quá khó cho nên chính đức Bổn Sư Thích-ca cũng
trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành. Vì quá khó cho nên danh từ nhà Phật
thường phải dùng đến danh từ “A-tăng-kỳ kiếp” thời gian để nói sự tu học của
một người. Chính vì điểm này quá hiển nhiên đã làm cho con người đâm ra nghi
ngờ, thất vọng, đành chấp nhận đọa lạc triền miên trong nhiều kiếp số không về
với Phật được!
Trước khi đi thẳng vào câu trả lời chính, anh đưa ra một vài thí dụ cụ thể ở
thế gian cho em suy nghĩ trước đã. Hiểu Phật đừng nên gấp. Kiên nhẫn ta sẽ thâm
nhập sâu hơn, hiểu rõ ràng hơn để đường ta đi khỏi bị vấp ngã oan uổng!
Ví dụ, anh nói rằng, “muốn làm một chiếc
phản lực cơ, loài người phải nghiên cứu học hỏi qua hàng triệu năm”. Đúng
không? Đúng! Anh nói ngược lại, “ngày nay người ta làm một chiếc phản lực cơ
rất dễ dàng và nhanh chóng.” Đúng không? Đúng! Hai câu này có nghịch với nhau
không Ngọc?
Làm một chiếc phản lực cơ, loài người phải
trải qua bao nhiêu triệu năm rồi bây giờ mới có. Rõ ràng cách đây một ngàn năm
con người có mơ cũng không thấy được máy bay. Cách đây cỡ vài chục năm thì mới
bắt đầu thấy ló cái dạng của chiếc máy bay. Loài người đã học hỏi từng chút
từng chút từ thiên nhiên, từ động lực học. Họ rút kinh nghiệm từ cánh con chim,
từ chiếc pháo thăng thiên, từ hàng triệu cái kinh nghiệm như vậy, trải qua bao
nhiêu đời kiếp rồi, mới nẩy ra ý nghĩ chiếc máy bay. Anh em ông Wright(?) thử
nghiệm chiếc máy bay đầu tiên, nó cất cánh lên được mấy chục thước, đã trở
thành phát minh vĩ đại của nhân loại. Từng thế hệ, con người cải tiến dần cho
đến chiếc phản lực cơ ngày hôm nay. Như vậy, nếu muốn làm máy bay mà một người
tự lực tự cường đi mò từ những cái phát minh khởi thủy, nghiên cứu từ cái cánh
con chim, coi nó đậu xuống như thế nào để về bắt chước làm cái cánh giả trên
hai cánh tay mình để thử nghiệm, v.v... thì người đó có mơ trong vô lượng kiếp
cũng không mơ được chiếc máy bay chứ đừng nói chi thành tựu. Đúng không em?
Người khôn ngoan đâu làm như vậy! Họ chỉ cần đem cái kinh nghiệm, kiến thức,
cấu trúc, sơ đồ... đã có sẵn rồi bổ túc thêm, họ thành tựu chiếc máy bay còn
siêu việt hơn trước nữa là khác. Những sự thành tựu ngày hôm nay, đối với các
nhà bác học vĩ đại trước đây họ không áp dụng được, mặc dù chính họ là những
con người siêu việt, tiên phong trong ngành khoa học không gian.
Trở lại chuyện học Phật, đức Phật phải trải
qua từng A-tăng-kỳ kiếp tu hành, nghiên cứu, rút tỉa kinh nghiệm. Các Ngài lọc
lựa lần, thất bại có, thành công có, đau khổ có, sung sướng có. Các Ngài đã qua
những đoạn đường dài kinh khủng với vô vàn thương đau, vô tận nhẫn nhục, kiên
cố dũng mãnh mới đạt được quả vị giải thoát rốt ráo viên mãn. Vì quá khó cho
nên thế nhân khó mà có dịp chứng kiến được một chúng sanh thành Phật, khó tận
mắt thấy được một người vãng sanh Tây-phương. Thư em đã viết, “... nhiều vị...
cũng quằn quại trên giường mê man không biết gì hết cho đến lúc ra đi. Theo em
biết có vị nào biết trước ngày giờ ra đi đâu?”. Đây là chuyện hiển nhiên. Vậy
thì quả thực muốn viên thành Phật đạo đâu phải dễ! Chính vì cái suy nghĩ cạn
cợt này, mà con người tự đánh mất lòng tin giải thoát, họ thất vọng ở tương
lai, họ buông trôi huệ mạng, không cần đến luân hồi nhân quả. Họ lăn xả vào
việc đời để tạo nghiệp mà xa lánh đạo pháp của Phật. Ôi! Khổ đau càng thêm đau
khổ!
Như Ngọc, em đã đọc kinh Phật, đã đọc lịch
sử Thái tử Tất-Đạt-Đa, bây giờ nếu có giờ đọc lại thêm lần nữa đi. Ngài giáng
vương cung, bỏ ngôi vị thái tử, xuất gia tầm đạo giải thoát, sáu năm khổ hạnh
chốn rừng sâu. Ngài nhịn đói nhịn khát đến nỗi kiệt sức, ốm đến nỗi da bụng
dính sát vào xương sống, v.v... Nhưng khi đã ngộ đạo rồi, Ngài có khuyên đệ tử
phải tu như Ngài không? Có chỗ nào Ngài bắt buộc người Phật tử phải khổ hạnh
như Ngài không? Ngài có bảo chúng sanh phải nhịn đói, chỉ ăn mỗi ngày một hạt
mè như Ngài mới là đệ tử của Phật không? Ngài có bảo ta phải tu cho đủ vô lượng
kiếp nữa mới được thành Phật không? Ngài đâu có bắt chúng sanh phải làm giống
Ngài, phải không?
Tại sao vậy? Tại vì con đường Ngài đi quá
chông gai, quá khổ cực. Những sự khổ cực ấy chúng sanh ngày nay ai theo nổi, mà
có theo nổi cũng vô ích, vì sao? Vì Ngài đã thấy điều gì cần, điều gì không cần
rồi. Điều gì cần hay không cần Ngài nói trong kinh điển, tại mình nghiên cứu
không kỹ cho nên mới sơ ý hiểu lầm ý Phật. Nên nhớ Phật đâu muốn mình làm những
gì Phật làm, mà Phật chỉ muốn chúng sanh làm những gì Phật dạy. Mình là con
Phật mà không nghe lời Phật dạy, thật là bất hiếu quá!
Con đường chứng đạo của Ngài là con đường
khai phá, tự Ngài tìm ra chân lý. Bây giờ Ngài lấy chân lý ấy để độ chúng sanh.
Còn con đường chúng ta tu học Phật là đường hưởng thụ sự khai phá ấy để đắc
thành chánh quả, nghĩa là lấy kinh nghiệm của Ngài để tu, chứ tại sao lại đi
nghiên cứu, tự mò mẫm để chứng từng phẩm một mà phải trải qua từng A-tăng-kỳ
kiếp thời gian như Ngài? Như ví dụ ở phía trước, ngày nay ta muốn làm máy bay
thì hãy đem cái kinh nghiệm trước ra rồi chọn lọc, bổ sung, để hoàn thành chiếc
máy bay theo ý muốn, chứ đâu phải đi theo từng chặng, để khám phá từng đoạn như
trước nữa. Những nhà khoa học trước đây họ phát minh ra chiếc máy bay, còn
chúng ta bây giờ là hưởng lấy cái phát minh của họ để làm máy bay, ngồi trên
máy bay mà hưởng thụ cái tiện nghi này chứ. Rõ ràng hai việc khác nhau.
Như vậy nếu ta nghe lời Phật dạy, ta trung thành theo kinh Phật thuyết ra, một
lòng tin Phật, y giáo phụng hành, thì làm sao mà không đắc quả. Hãy mở kinh
Phật ra coi đi, tràng giang đại hải những lời khai thị như: một đời quyết định
thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chứng thành Vô Thượng Bồ-đề, vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc Quốc, đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề, v.v... từ chính
kim khẩu của đức Bổn Sư nói ra. Lời Phật là thật ngữ, chân ngữ, như ngữ, Ngài
nói thẳng thắn, chân thật, như thị như thị. Vì lòng từ bi, Ngài không muốn
chúng sanh phải trải qua vạn kiếp khổ đau, trầm luân đọa lạc trong sanh tử luân
hồi, cho nên Ngài đem tất cả kinh nghiệm thù thắng nhứt của mình truyền lại cho
chúng sanh, để sự tu hành của chúng sanh có kết quả viên mãn nhanh chóng, tiết
kiệm hàng vạn kiếp, khỏi phải phung phí thời gian một cách vô ích, để được
thoát nạn chính trong đời này. Thế mà ta không chịu làm theo, lại thích nếm mùi
băng mình vào luân hồi, lội dòng ngạ quỷ, ngu si trong cảnh súc sanh, chịu cực
hình trong địa ngục vô lượng kiếp rồi mới nghĩ tới chuyện giải thoát, nghĩa là
sao?!
Trong kinh Phật thuyết A-di-đà, đức Phật gọi
ông Xá Lợi Phất bảo, “Ông Xá Lợi Tử, một người có ít thiện căn, ít phước đức,
ít nhân duyên, không thể nào được sanh về thế giới đó được”. Nhưng ngay sau đó
Ngài nói tiếp, “Này ông Xá Lợi Phất, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào nghe
ta thuyết về A-di-đà Phật, mà cố nhớ trì giữ danh hiệu Ngài trong một ngày,
hoăc hai ngày,... đến bảy ngày, một lòng nhất tâm, thì người đó lúc lâm chung
Phật A-di-đà cùng chư Thánh Chúng sẽ hiện ra trước mặt, người đó lâm chung tâm
sẽ tỉnh táo, sáng suốt và chắc chắn được vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật
A-di-đà”.
Em hãy đọc thật kỹ đoạn kinh văn này mà suy
nghiệm. Trước thì Phật nói phải có đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, mới
được vãng sanh. Nhưng sau đó thì Phật lại nói, chỉ cần nhất tâm niệm Phật từ
một ngày đến bảy ngày là được vãng sanh. Hai câu này nghe qua thật là ngược
nhau, nhưng hiểu cho thấu đáo thì không có gì là nghịch chống cả. Một bên là
quá khứ, một bên thuộc về hiện tại. Thiện căn, phước đức, là cái quả thành tựu
từ cái nhân tu hành trong vô lượng kiếp trước. Chính nhờ cái thiện căn, phúc
đức ấy dễ tạo ra cái “duyên” gặp được Phật pháp trong đời này để thành Phật.
Niệm Phật bảy ngày nhất tâm bất loạn tất đắc
vãng sanh, là cái công phu tu hành thù thắng do từ TÍN-NGUYỆN-HÀNH đầy đủ của
người thiện nam thiện nữ. Sở dĩ được vậy không phải hoàn toàn là do công phu
của mình, mà vì đã được sự gia trì của 48 đại nguyện độ sanh của đức Phật
A-di-đà. Trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 6, nguyện 18 còn nói đơn giản hơn nữa,
chỉ cần chí thành niệm 10 câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” trước khi lâm chung cũng
được vãng sanh. Lời Phật đã nói rõ ràng như vậy, có ai dám cho rằng đức Phật
nói cho vui chơi không?
Một người có thiện căn và phước đức đầy đủ
thì khi nhân duyên đến là họ niệm Phật ngay, họ thành tựu liền, đường tu hành
trơn tru phẳng lặng. Đây gọi là “Dễ”, một đời vãng sanh bất thối thành Phật.
Người có duyên gặp pháp môn niệm Phật nhưng họ không tin, không chịu niệm Phật
là tại vì họ không có tu bồi phước đức từ trước, hoặc còn thiếu thiện căn.
Người có thiện căn nhiều (tu hành nhiều) nhưng thiếu phước đức, thì khi có
duyên họ sẽ tin sẽ niệm, nhưng thường bị kẻ xấu tới phá hoại, cản trở, nhiều
lúc cũng dang dở đường tu không được vãng sanh, họ có thể tạo thêm thiện căn
cho đời sau. Đây có thể gọi là “Khó”. Cái khó này nhiều lúc nó kéo huệ mạng của
họ trở lại trong sanh tử luân hồi tới “bá thiên vạn kiếp” về sau chứ không phải
tầm thường.
Như vậy, sự “dễ” thành tựu hôm nay chính là
nhờ cái nhân tu hành từ trước. Người nào đã có thiện căn phúc đức sẵn, khi gặp
được nhân duyên thì họ thành tựu liền lập tức. Trường hợp này xảy ra nhiều lắm,
tại mình không đủ phương tiện, không có duyên lành để chứng kiến thôi, chứ
không phải là chuyện kể quá đáng đâu. Em phải hiểu rằng, vì em chưa thấy, chứ
đâu phải là không có. Ví dụ, chuyện con chuột mới đêm qua ăn trộm trứng gà ngay
trong nhà mình mà mình cũng không hay, thì làm sao đòi thấy cho hết mọi chuyện
đó đây, phải không?
Hỏi rằng, nếu như người đã thiếu thiện căn,
phúc đức bây giờ họ quyết tâm niệm Phật cầu vãng sanh có được không? Đây là
trường hợp đặc biệt khó vì thường họ không tin. Tuy nhiên nếu sự thông minh
chợt phát, họ quyết tâm niệm Phật vẫn được vãng sanh như thường. Vì sao? Vì
công đức của câu Phật hiệu bất khả tư nghì. Ngài Đại Sư Ấn Quang dạy: “Niệm
Phật phương năng tiêu túc nghiệp. Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Nghĩa là
niệm Phật là có năng lực làm tiêu tất cả nghiệp chướng (túc nghiệp là nghiệp
chướng từ vô thỉ tới nay). Niệm Phật cho kiệt thành, chí thiết thì tự ta có thể
chuyển phàm thành Thánh, (tức là thành Phật). Còn Ngài Tịnh Không giảng rằng:
“Một câu nhất tâm niệm Phật có thể tiêu trừ 80 ức kiếp nghiệp chướng trọng
tội”. Như vậy nếu nhất tâm được để niệm Phật, chỉ cần vài ngày là tội chướng có
thể tiêu sạch. Một khi tội chướng tiêu tan thì phúc đức sinh ra, bồi đắp thiện
căn, phát sinh trí huệ, tự nhiên sẽ thấy được chơn tâm, khai mở Phật tánh. Chắc
chắn sẽ được vãng sanh Cực-lạc quốc. Ví dụ như trường hợp ông Châu Quảng Đại ở
Washington DC, ông niệm Phật chỉ có ba ngày đã được vãng sanh. Ông không phải
tu Phật, chỉ được duyên may giờ chót gặp người khuyên niệm Phật, ông tin theo
mà vẫn thành tựu. (Thư anh mới gởi cho cậu mợ có nói chuyện này, tìm đọc sẽ rõ
hơn).
Tóm lại, tu hành thành Phật cũng thật là khó
mà cũng thật là dễ. Khó là khó với người không tin Phật; dễ là dễ với người tin
Phật. Khó vì ỷ mình tài giỏi tự lực tu chứng; dễ vì biết nhờ lực gia trì của
Phật. Khó vì cứ muốn tự bơi qua biển nghiệp mênh mông; dễ vì biết đưa tay cho
đức Phật A-di-đà cứu độ. Khó vì không chịu cầu xin về Cực-lạc thế giới; dễ vì
một lòng một dạ nguyện sanh Tây-phương. Khó vì không chịu niệm Phật; dễ vì nhất
hướng chuyên niệm A-di-đà Phật. Khó vì tu không chọn kỹ pháp môn, cứ thấy kinh
Phật là nhào đại vào tu không biết kinh đó có hợp cơ hợp lý với mình không; dễ
vì biết nghe lời Phật dạy, Phật dạy rằng thời kỳ Chánh Pháp Giới Luật thành
tựu; thời kỳ Tượng Pháp Thiền Định thành tựu; thời kỳ Mạt Pháp Tịnh-độ thành
tựu. Khó là vì tu hành mà không xác định hướng đi rõ ràng, lơ mơ mờ mịt trong
sinh tử luân hồi; dễ vì xác định rõ ràng hướng đi, đó là: hãy về Tây-phương
Cực-lạc trước rồi tính sau. Khó thành Phật cho nên chúng sanh vô biên vẫn đâm
đầu vào ác đạo để chịu khổ; dễ thành Phật cho nên trong kinh Phật nói có “hằng
hà sa số Phật”. Kinh Vô lượng Thọ, phẩm 13 nói về số lượng người vãng sanh
Tây-phương nhiều đến mức độ không ai có thể đếm được số lượng, nếu đếm được thì
Pháp Tạng Tỳ Kheo thề không thành Phật. Nếu khó thì làm sao được vậy?!...
Như vậy, được vãng sanh hay không, dễ hay khó đều tùy theo cách hành trì, nhân
địa tu hành, chứ không phải xuất gia hay tại gia. Nếu đọc kinh Lăng Nghiêm em
sẽ rõ điều này, xuất gia mà không theo đúng pháp Phật, bị tội rất lớn, vì có
thể phá hoại Phật pháp, nhiễu loạn lòng chúng sanh. Trong thời mạt pháp này,
theo như trong kinh Phật nói, “Tà sư nói pháp như hằng hà sa”. Chính vì vậy mà
anh đã nhắc em từ đâu rằng, hễ ai nói đúng theo kinh Phật thì nghe, ai nói sai
với kinh Phật thì nhất định đừng nghe!
Đến đây chắc có lẽ anh đã trả lời được cái
nghi vấn của em là tại sao những vị nào đó cả đời tu hành mà vẫn bị mê man mờ
mịt ra đi rồi chứ? Và đây cũng là dịp cho em hiểu rằng, “Nhất thiết chúng sanh
giai hữu Phật tánh” thì ai cũng có thể “Giai thành Phật đạo”, chứ không thể
phân biệt được đâu.
Em Ngọc, Phật Pháp sâu rộng quá, một thư này
trả lời chưa trọn hết được ý. Anh khuyên em hãy một lòng chân thành niệm
“Nam-mô A-di-đà Phật”, đây là con đường thẳng tắp đến nước Phật. Khi vãng sanh
rồi thì không còn sanh tử nữa, nghĩa là chỉ còn một đời này thôi sẽ thành Phật,
cho nên mới gọi là một đời thành Phật. Vãng sanh về tới Tây-phương Cực-lạc thì
nhờ lực gia trì của Phật A-di-đà mà chúng ta sẽ được hồi phục được tự tánh,
khôi phục được cái năng lực vô biên sẵn có của mình. Nếu em được vãng sanh, thì
khi đó em sẽ có thần thông quảng đại, trong đó túc mạng thông, giúp em biết
được vô lượng kiếp về trước em sống như thế nào? Đã tu hành ra sao? Thiện căn
lớn hay nhỏ? v.v... Chứ bây giờ ở đây làm sao biết đến chuyện này được. Phải
không em?
Thôi ngừng, thư dài hãy quên nó đi, chỉ cần
nhớ niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” là đủ rồi.
Anh Năm
(Viết xong, Úc châu 18/6/2001)