Nếu không thống niệm vô thường, nghĩ ngợi
thâm sâu về đại sự, tư duy khổ nơi địa ngục mà phát tâm Bồ-đề, sửa đổi tâm tánh,
ngày đêm tinh cần để sớm cầu xuất ly. Cứ dần dà sống qua ngày, phóng túng thân
tâm, thì lúc đại nạn đến hối hận sao kịp! (Đại Sư Hám Sơn).
Anh gửi cho Hải, anh gửi cho Thứ,
Anh viết gởi cho cả hai em, anh thương hai
em nhiều lắm. Có điều đáng tiếc là hình như hai em không chịu đọc kỹ thư anh.
Mỗi lần viết thư cho các em, anh Năm nắn nót từng chữ, trân trọng từng câu, cẩn
thận từng ý, mà các em không chịu tiếp thu cẩn thận. Đời này khổ lắm! Cuộc đời
chúng ta sống qua mấy chục năm, một năm 365 ngày, một ngày 24 giờ cho các em
chịu khổ, vậy mà các em còn chịu được, trong khi đọc thư của anh chỉ mất 30
phút, 30 phút có thể giúp các em khỏi khổ, thế mà các em lại lười biếng. Thấy
vậy mà anh vừa thương, vừa trách! Có khi nào các em tự hỏi rằng, vì đâu mà chúng
ta lại khổ? Vì cái gì mà chúng ta chịu khổ? Tại vì sao mà chúng ta phải suốt
đời bận bịu trong khổ đau? Bận bịu đến nỗi không có được một vài phút yên tĩnh
để bàn luận chuyện thoát khổ, và bây giờ phải đối diện với khổ đau mà rơi nước
mắt! Các em có lần nào giựt mình tự hỏi tại sao như vậy không? Cái khổ của cuộc
đời này lớn lắm đó! Không khéo lo toan nó còn khổ hơn nữa. Vì sao vậy? Vì những
cái khổ nạn này lại do chính mình tạo ra mà mình không biết. Vì không biết nên
cứ tiếp tục lăn xả vào việc tạo khổ. Khổ lại thêm khổ đó các em ạ!
Nhiều người thấy đời khổ quá, đòi bỏ nhà đi
tu cho hết khổ. Các em nghĩ vậy có đúng không? Xuất gia đi tu là đại hạnh đặc
biệt của người muốn nối truyền chánh pháp của Phật, chứ đừng nghĩ chạy vào chùa
để trốn đời nghen em! Đời là khổ thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng có khổ! Các em
nên nhớ, khổ hay sướng đều do cái tâm, giải thoát hay không cũng đều do cái
tâm. Mang cái tâm khổ não mà chạy thì chạy đến chỗ nào cũng khổ mà thôi! Khổ
não chỉ hết khi con người biết giác ngộ, biết ngừng tay đừng tạo thêm khổ nữa.
Cái khổ mà bây giờ chúng ta còn diễn tả được thì đâu có gì là khổ lắm. Có những
cảnh khổ không thấy, không diễn tả được, không hình dung ra được, nhưng đến khi
đối đầu với nó rồi thì ôi thôi, rùng rợn! Khi ấy mới thực là khổ đó các em ạ.
Khổ có nhiều dạng khổ. Có người sống trong
cảnh khổ nhưng không nhận ra khổ, cứ tiếp tục tạo nghiệp, làm cho nghiệp chướng
chất chồng, đưa đến khổ càng thêm khổ. Đây là dạng người phải khổ. Có người
trải qua những cảnh khổ, họ giựt mình tỉnh ngộ, nhờ thế mà biết quay đầu làm
lành lánh dữ, trau dồi đức hạnh, tích công lũy đức, lo việc tu hành, mà thoát
ly được khổ hải. Đó là dạng người từ mê đến giác ngo. Song song đó, cũng có
người khi thấy đời này quá khổ, cũng biết quay đầu, có tâm tu hành muốn thoát
khổ. Nhưng lạ lùng, lúc chưa tu thì còn sáng suốt một chút, khi tu rồi thì càng
hồ đồ, càng tu càng rối loạn. Tu riết đến cảnh tan gia bại sản luôn. Rõ ràng
không những thoát được khổ mà lại bị khổ thêm. Đây là dạng người từ mê đến mê
muội hơn!
Các em ạ, “cuộc đời như áng mây trôi, khi
tan khi hợp đổi xoay không cùng!”. Khi hợp thì thành mây, khi tan thì tan biến
vào hư không. Mây tan thì tan vào hư không, còn khi cuộc đời chúng ta tan vỡ
thì sao đây? Chúng ta có tan vỡ theo chăng? Chúng ta có bị đau khổ nhiều hơn
chăng? Cuộc đời của anh cũng đã từng trải qua những cảnh quá khổ, chứ có sướng
gì đâu. Nhưng anh đã biết quay đầu rồi, đã biết từ trong những cái mê muội của
mình mà quay về với giác ngộ. Vì thấy nhiều người cứ mãi lăn lộn trong khổ hải,
cho nên anh mới thành tâm khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, vì biết rằng
chỉ có Phật mới có khả năng cứu độ chúng ta liễu sanh thoát tử, vĩnh ly khổ
nạn. Có nhiều người đồng ý, họ tu hành khá tốt. Có người không thèm nghe, họ
chấp nhận một thực trạng khổ não, lấy khổ làm trò vui. Thôi, thì họ đành phải
chịu khổ vậy! Bên cạnh đó, cũng có người muốn thoát khổ nhưng lại thiếu cẩn
thận, mới thấy được một bước đã vội nhảy hai ba bước. Nghe không kỹ nên thực
hành phải sơ sót. Ôi, cũng đành chịu khổ mà thôi!
Các em nên nhớ kỹ rằng, đời này không ai
muốn khổ, nhưng khổ vẫn đến. Chúng ta không muốn thấy khổ, nhưng chúng ta vẫn
thường xuyên chứng kiến cảnh khổ. Đây chính là vì chưa giác ngộ cái nguyên nhân
của khổ não. Phật dạy, tham sân si là nguyên nhân của đau khổ. Vậy thì phải
biết bỏ dần tham sân si đi để tiêu trừ khổ não. Trong ba cái độc tố đó, thì
“Si” nó làm chủ tể, nó xui khiến chúng ta tiếp tục tạo khổ, thành ra chúng ta
cứ lăn lộn mãi trong khổ đau. Như vậy sự khổ não là do tâm ý thức của chính
chúng ta tạo nên. Khổ của anh do anh tạo, khổ của em do em tạo, khổ của người
nào là do chính người đó tạo ra. Khi đã tạo ra sự khổ rồi, thì khổ não ấy nó cứ
đeo chặt theo ta, càng chạy trốn chừng nào càng khổ chừng đó! Anh thường ví sự
khổ não giống như một khối đá đang mang trên lưng, người chạy trốn khổ não là
người muốn mang khối đá mà chạy, càng chạy trốn càng đau khổ, càng chạy trốn
càng sớm bị ngã quị. Lầm lỗi là nghiệp chướng, khổ não là nghiệp báo. Muốn hết
khổ thì chỉ còn có cách là phải biết ngừng tay lại, đừng tạo lầm lỗi nữa. Không
tạo lỗi lầm thì không có nghiệp chướng, không có nghiệp chướng thì không có
nghiệp báo, không có nghiệp báo thì không khổ. Đây là điều tự nhiên, là định
luật nhân-quả, là chân lý của vũ trụ nhân sinh và cũng là cái tri thức đúng
nhất về những hiện tượng khổ - vui.
Thế nhưng, một khi đã trầm mình trong khổ
hải rồi thì không dễ gì được sáng suốt để giải quyết vấn đề! Chúng ta muốn
ngừng, nhưng tâm hồn đã bị khổ não nó làm cho rối loạn hay điên đảo lên, đưa
đến những hành động thật là mê muội! Chính vì thế mà chúng ta dễ tạo thêm lầm
lỗi, làm cho khổ não càng lớn hơn! Vậy thì, khi bị vây hãm trong cảnh khổ,
chúng ta cần phải bình tĩnh, nên biết lắng nghe người khuyên bảo, hơn là tự
quyết định. Giải quyết một vấn đề để nó được sáng sủa hơn, gọi là thành công;
còn giải quyết mà tạo cho tương lai càng u tối, gọi là thất bại. Không có hạnh
phúc dành cho sự thất bại đâu!
Ở trên anh đưa ra ba dạng người, một là
người thích tạo nghiệp để chịu khổ, hai là người từ mê đến giác; ba là người từ
mê đến mê. Các em nghĩ thử mình đang thuộc loại nào?
*) Thứ nhứt là người chỉ thích kho, thích
bướng bỉnh đi vào đời bằng những ý nghĩ nông cạn, chứ không thích tu sửa lỗi
lầm, để rồi khổ càng thêm khổ. Nếu các em thuộc vào loại này, thì nghiệp chướng
của các em đã khá nặng rồi đó. Trước đây, khi chưa biết học Phật, anh tỏ ra coi
thường những người tu hành, nay anh đã biết tu thì lại thấy thương hại cho
người không chịu tu hành và âm thầm tìm cách cứu giúp họ. Các em nên nhớ rằng,
người nào cũng có Phật tánh, dù bây giờ họ chưa giác ngộ, nhưng một khi giác
rồi thì họ có thể giác ngộ hơn mình. Vậy thì đừng bao giờ có tâm khinh thường
người chưa tu! Giác ngộ thì hết khổ. Anh thương các em, anh không muốn các em
khổ, cho nên anh thành tâm khuyên các em nên sớm hồi đầu tỉnh ngộ.
Cuộc đời này không có gì là ngẫu nhiên cả,
tất cả vạn sự đều có nguyên nhân của nó. Đầu hè nhà em mọc lên một bụi cỏ dại,
thì bụi cỏ đó không phải là tự nhiên sinh ra, mà chắc chắn phải có hột cỏ hoặc
mầm cỏ đã chôn lấp sẵn ở đó, và nay đã mọc lên bụi cỏ. Có nhân thì có quả, các
em nên cố gắng tạo nhân tốt để có quả tốt, nhờ vậy mà hưởng được cuộc sống tốt
đẹp. Có vui tươi thì được người vui tươi, cáu kỉnh thì người xa lánh. Tội ác và
hình phạt luôn luôn đi sát bên nhau như hình với bóng. Những quả báo khổ não
trong đời này là hình phạt từ những lầm lỗi do chính mình gây ra từ trước.
Hãy phát tâm làm tốt, nghĩ tốt, nói tốt, để
thành người tốt thì sẽ được quả báo tốt đẹp. Cố gắng đừng vướng vào việc xấu,
nói xấu, nghĩ xấu, người xấu, thì tự nhiên cuộc sống sẽ không xấu. Những điều
tốt đầu tiên hãy nên thực hiện ngay cho gia đình. Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con
cái, là đối tượng cho chúng ta thực hiện điều tốt. Hãy làm cụ thể, đừng lý
thuyết. Ví dụ, vợ gặp chồng phải vui vẻ, cơm nước đàng hoàng, phải biết tha thứ
lỗi lầm, đừng giận hờn, buồn thảm, ủ sụ, v.v... Chồng đối với vợ phải biết cảm
ơn, nên quân tử, rộng rải, lịch sự, nhẹ nhàng, v.v... Nói chung, hãy làm người
tốt với nhau để có hạnh phúc. Như vậy, tu hay không tu vẫn có chỗ gặp nhau,
chính là sự cư xử khéo léo để xây dựng cuộc đời thành công, hạnh phúc. Nếu các
em là người có tâm hồn thiện lành, thì hạnh phúc cuộc đời sẽ đến như một phần
thưởng tự nhiên.
*) Thứ hai là người đi từ mê đến giác. Trên
đời này đầu tiên ai mà không mê, có người nào sanh ra là giác ngộ liền đâu? Có
đứa bé nào mới sinh ra mà thành Thánh nhân liền? Vậy thì đi từ mê đến giác là
đạo lý tự nhiên. Từ cảnh khổ, giác ngộ để được sướng; từ cảnh tan gia bại sản,
giác ngộ để được hạnh phúc; từ cảnh buồn thảm, giác ngộ để được an vui. Sung
sướng, hạnh phúc, an vui... nó thể hiện từ bây giờ cho đến về sau. Giá trị của
cuộc đời là sự quyết tâm thực hiện sự tốt đẹp ở hiện tại và cho tương lai. Lấy
những thất bại trong quá khứ làm kinh nghiệm sống, lấy khổ đau trong quá khứ làm
năng lực để vươn lên, lấy những lỗi lầm trong quá khứ làm kiến thức căn bản,
lấy lời khuyên của thiện tri thức làm thầy để nương theo...
Người giác ngộ là người quyết tâm tự sửa chữa lỗi lầm để trở thành thiện mỹ.
Người chân chánh tu hành phải lo tự tu sửa lỗi lầm của mình trước, đừng vội
trách cái xấu của người, dù đó là vợ-chồng, anh-em, hay người xa lạ. Thường
thấy lỗi của mình, đừng nói lỗi của người. Người khác làm sai, ta không làm
sai. Người nào cứ thích chỉ trích, phê phán, nói lỗi của người khác là kẻ xấu,
là người bất thiện! Hãy luôn luôn giữ tâm mình trong câu Phật hiệu, đừng nói
lời sai, đừng làm việc sai. Đây là những lời dạy của Cổ đức, là đạo lý tu hành
chân chánh của người đại giác, đại thiện. Bồ-tát Phổ Hiền dạy, kính lễ tất cả
chúng sanh như kính lễ Phật, người xấu ta vẫn phải kính trọng, nhưng không
khen; người tốt không những kính trọng mà còn khen tặng và tán thán. Tâm lượng
của Ngài quảng đại bao la như thái hư, bao trùm pháp giới.
Phật dạy, “Tất cả đều do tâm tạo”, tâm tốt thấy ai cũng đều tốt, tâm xấu thấy
ai cũng đều xấu! Thấy tốt thì vui vẻ, hòa nhã, lịch thiệp... Người có tâm hồn
tốt mới cảm hóa người bên cạnh, biến người xấu thành tốt, làm cho gia đình vui
vẻ, làng xóm hiếu hòa, quốc gia thịnh trị. Thấy xấu thì bực mình, cộc cằn,
khinh mạn... Người có tâm hồn xấu thấy cái gì cũng xấu, tâm họ sẽ làm hư hại
gia đình, làm ô nhiễm môi trường, gây lộn xộn xã hội, rối loạn quốc gia. Cho
nên, một người thực sự tu hành thì có ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển biến
hoàn cảnh, cải thiện môi sinh, giáo dục lòng người. Đây chính là sự nhiếp hóa
tự nhiên của một người tốt, dù cho không khoe ra thì mọi người cũng thấy, không
nói mọi người cũng cảm thán công đức, không tự xưng là thiện tri thức nhưng ai
ai cũng muốn noi gương. Đó là người thực sự đã giác ngộ từ sự mê muội vậy. Các
em tự xét coi, có được như vậy không? Nếu được, thì hay biết bao.
*) Thứ ba là người từ mê đến mê. Dạng thứ nhứt bên trên thì thích tạo khổ,
không tu hành, dạng này thì có khác, là biết tu nhưng tu mà không chuyển đổi được
gì cả. Ngược lại, quá khứ xấu bây giờ xấu hơn, trước đây sai bây giờ sai hơn,
trước đây khổ bây giờ khổ hơn. Người thường tự xưng là tu hành, nhưng tu càng
ngày càng phiền não, càng tu càng u tối, càng tu càng hàm hồ. Từ cảnh khổ ít,
tu hành cho khổ đến rơi lệ; từ sự nghiệp đề huề, tu cho đến sập nhà bại sản; từ
cảnh gia đình yên ấm, tu hành cho đến vợ chồng ly tan. Đây đúng thực là người
từ mê đến đại mê!
Trước đây có lần anh nói, tôn giáo chưa hẳn
đâu là tà đâu là chánh, mà có tà có chánh hầu hết đều do chính con người đã tu
hành một cách sai lạc! Hiện nay trên thế giới có những tôn giáo chủ trương giết
người, giết càng nhiều càng tốt. Thực tế, đây không phải là chủ trương của tôn
giáo đó, mà do những con người xấu ác đã lợi dụng tôn giáo đến chỗ tệ hại! Đạo
Phật là một chánh đạo, cứu độ chúng sanh thoát ly đau khổ, nhưng người học
Phật, nếu không cẩn thận, cũng có thể biến Phật giáo thành một thứ tà đạo, càng
tu càng sai, càng tu càng khổ, làm mất lòng tin của đại chúng. Đây là sự thật,
chính là hành động của người tu từ mê đến mê, càng tu càng mê. Anh đưa ra đây
một khía cạnh để làm ví dụ, như người tu hành không chịu lo giữ tâm thanh tịnh
mà cứ tham được sớm chứng đắc, có thể dễ dẫn tới chỗ mê lầm khá lớn. Phật dạy
tham sân si là ba thứ chất độc cần phải phá trừ, người vừa mới khởi sự tu hành
đã sớm tìm cách phát triển lòng tham. Đã tham thì tham gì cũng là tham, tham
chứng đắc sớm cũng là tham! Vì si nên mới tham chứng đắc sớm. Đã tham thì mê
muội, tham không được thành ra sân giận, đã sân giận thì mất khôn. Kết quả đưa
đến tham sân si mạnh hơn lúc trước khi tu.
Hôm nay anh lấy tiêu chuẩn “Tam Phúc” của
Phật đưa ra để đối chiếu cho các em thấy. Muốn biết mình tu có tốt hay không,
có chứng đắc được nhiều không, có đáng được tự hào hay không, thì hãy dựa vào
đó để tự đánh giá công phu tu tập của mình!
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy bà
Hoàng Hậu Vi-Đề-Hy rằng, muốn vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế Giới thì phải tu
ba cái phúc, đó là phúc báu Nhân-Thiên, phúc báu Nhị-Thừa, phúc báu Đại-Thừa.
Phúc báu Nhân-Thiên, gồm có: 1) Hiếu dưỡng
phụ mẫu 2) Phụng sự sư trưởng, 3) Từ tâm bất sát, 4) Tu thập thiện nghiệp. Tu
tốt bốn điều này có thể tái sanh làm người, hoặc sanh lên những cảnh trời.
Phúc báu Nhị-Thừa gồm có: 5) Thọ trì tam
qui, 6) Cụ túc chúng giới, 7) Bất phạm uy nghi. Tu tới phúc này có thể thoát
vòng sanh tử, chứng đắc quả A-la-hán.
Phúc báu Đại-Thừa gồm có: 8) Phát Bồ-đề Tâm,
9) Thâm tín nhân quả, 10) Đọc tụng đại thừa, 11) Khuyến tấn hành giả. Tu tới
phúc này có thể trở thành Bồ-tát, Phật.
Ba phúc 11 điều là “Chánh nhân tịnh nghiệp”
của ba đời mười phương chư Phật, nghĩa là tất cả chư Phật ở trên khắp mười
phương, trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều phải tu ba thứ phúc báu này để
thành Phật. Như vậy, một chúng sanh muốn niệm Phật được vãng sanh thành Phật
thì cũng phải tu ba phúc gồm có 11 điều này mới có thể thành Phật. Các em là
người có tu hành, thì hãy xét kỹ lại coi mình đã tu qua được bao nhiêu điều
trong ba cái phúc này? Nói ba phúc thì nhiều quá, hãy nhìn đến cái phúc nhỏ
nhứt, là phúc báu nhân-thiên thôi, liệu đã làm được chưa?! Nếu có thì tốt, nếu
chưa thì hãy chỉnh trang lại tư tưởng để tu tập.
Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ
tâm không sát sanh, tu mười điều thiện, là cái nền tảng căn bản nhứt của người
tu hành. Một người tu hành muốn đạt đến một cảnh giới thiện, hoặc chứng đắc tới
bất cứ một cảnh giới Thánh nào, điều trước tiên là phải xây dựng trên cái nền
tảng của phước báu nhân thiên. Nếu không có căn bản của nhân thiên, thì không
phải là người thiện lành, không phải là người thiện thì không được tái sanh làm
người. Người là cảnh giới thấp nhứt trong ba đường thiện mà không đạt được thì
làm sao còn mơ đến chuyện vãng sanh Tây-phương thành Phật!
Một là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, hiểu theo
nghĩa gần gũi nhứt là hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ. Điều này khó lắm chứ
không phải đơn giản, đừng thấy rằng mới nuôi cơm cha mẹ vài ba bữa là đủ. Không
đâu!
Hiếu thuộc về “Lý”; Dưỡng thuộc về “Sự”. Lý
hiếu dưỡng là tinh thần hiếu kính; Sự hiếu dưỡng thuộc về vật chất cung dưỡng.
Hiếu thuộc về xuất thế pháp, Dưỡng thuộc về thế pháp. Về xuất thế gian là con
cái phải lo về huệ mạng của cha mẹ, lo về hậu báo của đời sau. Người làm con
hiếu hạnh thì phải có tâm cứu độ cha mẹ thoát khỏi khổ nạn. Việc này nếu các em
đã từng nghĩ qua, đã có hành động cụ thể để cứu độ cha mẹ, thì các em là người
hiếu. Nếu chưa làm hoặc không chịu làm thì các em là người bất hiếu!
Trọn hiếu xuất thế gian là hạnh đại hiếu của
con người. Đại hiếu này đầu tiên là làm sao cho cha mẹ tránh khỏi đọa lạc ba
đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Muốn vậy, con cái phải giúp cho cha mẹ
bỏ ba cái độc tham sân si. Tham lam bị đọa ngạ quỉ, sân giận bị đọa địa ngục,
ngu si bị đọa súc sanh. Muốn thoát khỏi cảnh này, thì tổng quát, con cái cần
tạo môi trường sống an lành, thanh tịnh, trang nghiêm cho cha mẹ. Nếu kình cãi
nhau làm cho cha mẹ giận: Bất hiếu! Vợ chồng ly dị làm cho cha mẹ khổ: Bất
hiếu! Tạo cơ duyên cho cha mẹ mang nghiệp: Bất hiếu! Năm 2002 anh về tổ chức
niệm Phật, hộ niệm cho cha có người không chịu tham gia, đó chính là những
người con đại bất hiếu! Con cái mà xem nồi cám heo lớn hơn huệ mạng của cha mẹ,
coi tự ái của mình trọng hơn ơn nghĩa sanh thành, coi cuộc cờ tướng có giá trị
hơn cảnh chết sống của người cha đang bệnh thập tử nhứt sanh. Đó là những hành
động không tình, thiếu nghĩa, bất hiếu! Còn hàng trăm ví dụ khác, kể sao cho
hết cái lỗi bất hiếu của người làm con!!!
Giúp cha mẹ thoát khỏi địa ngục, ngạ quỉ,
súc sanh là đại hiếu, còn cứu độ cha mẹ vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là đại
hiếu của đại hiếu. Muốn làm được việc này, con cái phải thường xuyên tổ chức
niệm Phật cho cha mẹ, tập sự hộ niệm khi lâm chung, giảng giải đạo giải thoát
cho cha mẹ hiểu. Hiện tại, nếu mình chưa đủ khả năng thuyết giảng, thì băng
pháp, thư của anh, video, cassette, v.v... có thể giúp cho các em hoàn thành
việc này. Dễ dàng như vậy thôi, nhưng liệu các em có làm được chưa? Có vận động
anh chị em cùng nhau trả hiếu chưa? Nếu có, là đại hiếu; nếu không, là đại bất
hiếu. Nếu còn coi con heo nái trong chuồng lớn hơn sự sống chết của cha mẹ, còn
chạy theo cái lợi lộc vô thường giả tạm của thế gian mà không chịu gấp rút
chuẩn bị đến chuyện: một vài tháng nữa, một vài tuần nữa, có thể cha mẹ mình ra
đi, ta vĩnh viễn mất người cha, vĩnh viễn mất người mẹ... thì quả thực chúng ta
là những con người đại bất hiếu, đại bất nghĩa! Đã vướng vào tội đại bất hiếu
thì còn nói chi đến nhân nghĩa, tu hành cho thêm tội vậy!
Lo tròn đại hiếu này là chuẩn bị cứu độ vãng
sanh, phải làm liền, không thể đợi. Làm liền những gì? Phải niệm Phật chung với
cha mẹ, phải ngày ngày tự niệm Phật mà đem công đức hồi hướng cho cha mẹ, phải
thành tâm cầu nguyện Phật, Bồ-tát gia trì cho song thân. Phải làm cụ thể mới
gọi là người tu hành. Hiếu thảo với cha mẹ không có mức để trả lương! Không
công thì của, không của thì tâm hạnh phải kính thương, bảo vệ... chứ cứ nói
khơi khơi thì có ích gì, trong khi chính mình không dám chịu lỗ một đồng cắc để
cứu cha, không dám chịu mất một chút mồ hôi để cứu mẹ, mặc xác cho người sanh
thành tương lai rơi vào đường nào thì rơi, còn mình thì ngày đêm lo kiếm tiền
để chờ ngày làm ngạ quỉ, lo tranh tụng hơn thua để giành phần xuống địa ngục,
lo nhậu nhẹt để thành loài bàng sanh trong tương lai, v.v... Nên nhớ, nếu hiểu
đạo lý thì công đức cứu độ song thân lớn vô lượng, cái thua lỗ trước mắt này chính
là phước báu vô tận trong tương lai, quí giá vô biên cho chính mình sau này đó.
Hiểu theo Phật pháp, thì cha mẹ của chúng ta
không những chỉ có cha mẹ hiện đời, mà còn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, quá
khứ, hiện tại, vị lai. Phật dạy, “Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ hoặc người
thân trong quá khứ và là chư Phật trong vị lai”. Lý này cao lắm, diệu lắm!
Không dễ gì một vài trang giấy mà nói cho hết sự cao diệu của lý hiếu đạo đâu.
Hiếu với cha mẹ theo cái nhìn của Phật thì thật sự là quảng đại bao la. Hiếu được
hiểu cho đúng nghĩa thì nó rộng đến vô cùng, vô tận, vô biên. Hiếu với cha mẹ
là hiếu với chư Phật, hiếu với chư Phật thì phải hiếu thuận tất cả chúng sanh,
hiếu thuận tất cả chúng sanh là thực hiện tâm hạnh của chư Phật. Chữ hiếu đã
thực sự bao hàm tất cả mọi hành động, mọi phương diện, mọi khía cạnh sống.
Cho nên, muốn tận hiếu với cha mẹ phải có
“Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, tâm hồn phải mở lớn như hư không, quảng
đại bao trùm khắp pháp giới thì chúng ta mới có thể làm tròn chữ hiếu. HT Tịnh
Không nói, “Phật giáo suy cho cùng chỉ là tận hiếu đạo”. Như vậy, hiếu đạo sâu
rộng vô biên, vô bờ mé. Nếu tâm hồn của ta quá nông cạn, quá hẹp hòi, thì bao
giờ mới trọn được chữ hiếu, bao giờ mới trọn đường tu? Hiếu thuận chúng sanh
là: hòa, thuận, thương, cứu giúp chúng sanh một cách bình đẳng. Như vậy, ghét
người là bất hiếu, khinh người là bất hiếu, làm người buồn là bất hiếu, xua
đuổi người là bất hiếu, hãm hại người là bất hiếu, không giúp đỡ người là bất
hiếu, v.v... Đối xử với người ngoài mà sơ suất đã bị lỗi bất hiếu, thì huống
chi là vợ chồng kình cãi, anh em bất hòa, gia đình không thuận?! Rõ ràng, có
hiểu đạo lý mới trọn đường hiếu thảo, không giác ngộ đạo lý thì bao giờ mới
xứng đáng làm người! Cho nên, tu hành cần phải giác ngộ, phải cẩn thận. Đừng
nên tự mãn, kiêu mạn mà đi đến chỗ sai lạc, không tốt!
Hiếu thì nặng về tinh thần, còn Dưỡng thì
nặng về vật chất. Dưỡng là phụng dưỡng, nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Chuyên lo
phụng dưỡng cha mẹ, thì ta trả được tiểu hiếu làm người. Tuy nói là “Tiểu”
nhưng nó là nền tảng của “Đại”. Con cái biết làm cho cha mẹ thảnh thơi, không
lo chuyện tiền bạc, không lo miếng cơm manh áo, không lo ơn nghĩa thị phi,
v.v... thì cha mẹ mới an tâm tu hành, thì đường giải thoát mới được dễ dàng.
Chính vì vậy mà con cái cần phải dành thì giờ về gặp cha mẹ, thăm hỏi, mua thức
ăn, nấu cơm, quét dọn, v.v... đó là dưỡng. Phụng dưỡng cha mẹ hãy trọng về sự
an tâm, đừng nên chạy theo chiều tham luyến. An tâm là khuyên cha mẹ có tinh
thần buông xả. Buông xả: thế tục, ân nghĩa, thị phi, tiền bạc, con cháu... tất
cả đừng để cha mẹ phải bận tâm lo tới, đó gọi là an tâm. Tham luyến là sao?
“Tham” là tham lam, “luyến” là luyến ái. Tham lam tiền bạc, cất giữ tiền bạc,
tham danh, tham vị, tham lời khen tặng vu vơ, tham tiếng tâng bốc hão huyền,
v.v... Càng tham chuyện thế gian thì tâm hồn càng ô trọc, càng mất sự thanh
cao, càng bị đọa lạc, càng gần đường ngạ quỉ.
Thế thì, làm con đừng bắt cha mẹ phải giữ tiền cho mình, đừng bàn tính chuyện
buôn bán lỗ lãi, đừng than thở nghèo đói, đừng mua tặng những món quà đắt tiền
cho cha mẹ, v.v... có như vậy mới tách ly chữ tham ra khỏi tâm hồn của người
già cả. Còn “Luyến” thì thường kèm theo chữ “thương” hoặc “nhớ”. Thương nhớ con
cháu, quyến luyến cái nhà, quyến luyến mảnh vườn, lo lắng về gia tài, v.v...
nếu người già mà còn có cái tâm niệm này thì khó bề thoát nạn. Cho nên, người
già cả tự mình nên biết sớm buông mấy thứ bất tịnh đó xuống, tiền bạc đừng nên
âm thầm cất giữ, tài sản nên phân chia sớm, để được tự tại giải thoát. Hãy nhớ
rằng khi ta chết, thì tiền tài sản vật chẳng hơn gì đống rác, không những thế,
nó còn tệ hơn đống rác, vì rác nó không làm ta tham luyến, còn tiền tài thì nó
thích trói tâm ta lại và kéo ta theo loài ngạ quỉ để chịu đói khát ngàn đời.
Còn con cái, thì phải tạo sự an tâm cho cha mẹ, cắt tất cả những yếu tố tham
luyến, khuyên cha mẹ tịnh tâm niệm Phật cầu sanh Tây-phương là tốt nhứt. Anh
nhớ lại, bà nội mình trước những tháng ngày ra đi, chiều chiều bà ngồi trước
cửa, thương nhớ những người con đi xa mà bà thường rơi nước mắt. Bây giờ nghĩ
lại, mới thấy quá tội nghiệp cho nội. “Tội” là do những người con gây ra,
“Nghiệp” thì một mình bà phải chịu. Biết vậy, thì chúng ta đừng bao giờ gây nên
cảnh “Tội Nghiệp” cho cha mẹ. Nhất định phải nhớ.
Hai là, “Phụng sự Sư Trưởng”, là phụng dưỡng và tôn kính các bậc thầy trưởng
thượng. Đạo Phật là đạo hiếu thân, tôn sư. Xã hội ngày nay vấn đề tôn kính thầy
không còn nữa, đây chính là sự thoái hóa của con người trong thời mạt pháp!
Ngày nay, dù thực tế ta không phụng sự được sư trưởng đi nữa, nhưng trong tâm
cũng phải là người hiếu thuận, biết kính trên nhường dưới, lễ phép với người
lớn, tôn trọng người nhỏ. Tâm hạnh tốt thì sắc tướng sẽ tốt, đó gọi là “Pháp hỉ
sung mãn” vậy.
Ba là, “Từ tâm bất sát”. Có tâm từ bi không
sát hại sanh vật. Nghiệp sát tạo ra oán thân trái chủ, quả báo rất xấu. Trong
vòng sanh tử luân hồi, chúng sanh hữu tình các loài có thể là cha mẹ, ông bà
hoặc người thân của mình trong nhiều tiền kiếp. Vì vậy, sát hại chúng sanh có
thể thành sát hại cha mẹ, ông bà quá khứ của mình, đó là tội bất hiếu! Người
sát hại nhiều sanh vật thì hiện báo cảm đến thân thể yếu đuối, bệnh hoạn, giảm
thọ, chết yểu. Sinh báo là sau khi chết dễ đọa lạc vào đường địa ngục để chịu
tội. Hậu báo là những đời kiếp sau lại phải sinh vào đường bàng sanh để trả nợ.
Phật dạy từ bi thương chúng sanh, thì ta nên tập ăn chay. Nếu ăn chay không
được thì nên mua những thứ thịt cá đã làm sẵn về để ăn, cố gắng tránh tự tay
mình sát hại sanh vật. Nghĩa là, tìm mọi cách để giảm bớt nghiệp sát thì mới
tốt được.
Bốn là, “Tu thập thiện nghiệp”. Mười điều
thiện là: 1)không sát sanh; 2)không trộm cướp; 3)không tà hạnh; 4)không nói
láo; 5)không nói thêu dệt; 6)không nói lời ác độc; 7)không nói đâm thọc (hai
chiều); 8)không tham lam; 9)không sân giận; 10)không ngu si. Nghiệp của thân có
ba điều, nghiệp của miệng có bốn điều, nghiệp của ý có ba điều. Khẩu nghiệp
nhiều nhứt, người ưa nói chuyện nên suy nghĩ cho kỹ!
Tu phúc báu nhân thiên để được tái sanh làm
người hoặc sanh lên các cõi trời. Theo lời chư vị Tổ-sư Đại-đức thì người nào
thực hiện đến 90% thì được sanh thiên, trên 70% được tái sanh làm người, trên
50% thì còn tùy thuộc vào duyên lành. Dưới 50% khó thể sanh lại làm người. Dựa
theo tiêu chuẩn này mà xét, thì con người đời nay sau khi chết được tái sanh lại
làm người quá ít, vì hầu hết không ai tu mười điều thiện được đến 30%. Thật là
một đại họa cho nhân loại mà không ai hay! Người niệm Phật, tích cực tu phúc
báu nhân thiên, nhưng không cầu hưởng phước, đem công đức hồi hướng Tây-phương,
cầu sanh Tịnh-độ, thì sẽ được sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư độ, thuộc về hạ phẩm
vãng sanh. Như vậy, muốn sanh về Tây-phương Cực-lạc, dù là đới nghiệp vãng sanh
ở phẩm hạ hạ, thì mức tối thiểu phải là người hiền lành, có hiếu, có thuận, có
thiện, có bố thí, rồi niệm Phật cầu sanh mới được vãng sanh. Còn người niệm
Phật mà tâm hạnh phân biệt, cố chấp, ích kỷ, tham lam, bất thiện, v.v... thì dù
có niệm Phật cho long hầu bể họng cũng không thể vãng sanh được!
Phúc báu nhân thiên là nền tảng căn bản nhứt
của sự tu thiện, là nền tảng của tất cả mọi phúc báu. Nói cách khác, muốn tái
sanh làm người, sanh lên trời thì phải tu thiện, muốn thành Thánh A-la-hán cũng
phải tu thiện, muốn cầu sanh Cực-lạc thành Bồ-tát hay thành Phật thì bắt buộc
càng phải tu thiện. Bên trên, anh chỉ mới nói tổng quát đến phúc báu nhân
thiên, là tiêu chuẩn thấp nhứt, căn bản nhứt mà thôi, nhưng các em phải tự xét
coi mình đã làm được chưa? Nếu làm được thì xứng đáng là người tu hành, còn
chưa làm được thì đừng vội vỗ ngực xưng danh! Đừng vội cho mình là chứng đắc
nữa nhé!
Người tham chứng đắc là một dạng rất phổ
biến trong đời này. Trong vô lượng kiếp nay sống trong mê muội, tạo nghiệp
chướng trùng trùng, nay mới nghe được chân lý của Phật, nhờ thiện căn từ kiếp
nào đó xuất hiện kịp lúc giúp cho ta chợt tỉnh ngộ mà phát tâm tu hành, niệm
Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nhưng khổ nỗi, nghiệp chướng đã tạo thì lớn như núi Tu
Di, còn niệm Phật mới được một chút công đức chưa bằng hòn đá trong lòng bàn
tay, thế mà đã vội cho ta chứng đắc rồi, vội đi khoe khoang rằng ta đã tu hành
tinh tấn, đã cảm ứng được Phật, Bồ-tát ứng hiện rồi. Dù rằng sự cảm ứng đạo
giao là có thực, nhưng chỉ thực với bậc chân tu, còn đối với người thô thiển
tham chứng đắc thì đây chỉ là sự giả vọng. Đã giả vọng thì đây chính là ách nạn
cho người tu hành! Vì sao vậy? Vì thấy được Phật thì thích quá, tâm tham đắm
vào, mất thanh tịnh, mất chánh niệm, vọng tưởng nổi lên, tâm cao ngạo phát
triển, đây là dịp tốt để cho oan gia trái chủ lùa ta vào cái bẩy để thanh toán
mối thù xưa! Trước đây anh đã từng phân tích chuyện này rồi. Hôm nay sẵn dịp
nói về sự khổ, anh nói rõ thêm, nếu xét rằng các em có liên quan đến chuyện này
thì hãy mau mau thức tỉnh nhé.
Trước tiên, các em hãy đọc kỹ lời khai thị
của các vị tổ sau đây. Tổ Ấn Quang nói:
- “Khi chưa được nhất tâm tuyệt đối không
nên mong khởi niệm thấy Phật. Khi được nhất tâm rồi, tâm cùng Phật hợp nhau,
tâm cùng đạo hòa nhau, thì muốn thấy sẽ được thấy, chẳng thấy cũng không ngại.
Còn như gấp muốn thấy Phật lâu ngày cố kết nơi lòng khiến thành bệnh nặng của
người tu hành. Bấy giờ oan gia nhiều đời nương nơi vọng tưởng thô tháo này,
hiện làm thân Phật để trả oán đời trước. Rồi vì tâm không chánh, nên không thấy
rằng đó toàn là khí phần của ma, nên vừa thấy thì liền sanh hoan hỉ. Từ đó ma
nhập vào tâm phủ khiến mang bệnh mà phát cuồng,...”.
Ở đây, Ngài Ấn Quang nói đến “Nhất tâm” mới
có thể thấy Phật, không nhất tâm đừng mong thấy Phật. Nhất tâm là sao? Là tâm
chuyên nhất một niệm, không xen tạp một ý niệm nào khác. Niệm Phật thì trong
tâm chỉ có Phật, không còn một ý nghĩ nào khác xen vào. Hỏi thử chúng ta có
được như vậy chưa? Anh nói thẳng thắn rằng, chắc chắn chưa. Vì sao? Vì còn
tham, còn sân, còn si, còn buồn, còn vui, còn khóc, còn khổ, còn ghét, còn
thương, còn kình lộn, còn kiện cáo, v.v... và v.v... thì làm sao gọi là nhất
tâm!
Trong một khai thị, HT Tịnh Không cũng nói:
- “Ngài Viễn Công, tức là Huệ Viễn đại sư,
trong truyện ký mà chúng ta đã thấy đó, một đời của Ngài đã ba lần nhìn thấy
cảnh giới Tây-phương Cực-lạc trong lúc niệm Phật, cảnh tượng mà Ngài nhìn thấy
hoàn toàn giống như trong kinh nói...
Trong truyện An Sĩ Cao đại sư có dịch lại và
nói: “Cảnh giới của thế giới Cực-lạc mà Ngài Viễn Công nhìn thấy hoàn toàn có
thật trong kinh Vô Lượng Thọ”, thật là một điều hi hữu, đáng quí vô cùng. Viễn
Công ba lần nhìn thấy nhưng chưa bao giờ kể lại với bất cứ một ai, dù trong lúc
cộng tu với đại chúng Ngài cũng không nói. Mãi đến khi lâm chung Ngài mới nói
với mọi người: “Cảnh giới Cực-lạc đã hiện ra, đức Phật A-di-đà đang tới tiếp
dẫn tôi, cảnh tượng này trong thời gian qua tôi đã thấy tất cả ba lần”.
Quí vị xem, đây mới là người thật sự tu
hành. Đối với họ “thấy như không thấy”, vì tâm của họ đã định. Không giống như
người hiện nay, vừa thấy được một chút gì lạ, vội cho rằng mình hay lắm, liền
nói với người này người nọ rằng tôi đã thấy Phật, tôi đã được cảm ứng, v.v...
và v.v... Quí vị đâu ngờ rằng, một khi đem việc này khoe khoang nói ra, thì tâm
thanh tịnh của quí vị đã bị hoàn toàn phá hỏng hết. Phải luôn luôn ghi nhớ, cho
dù “Định trung kiến” (tức là niệm Phật tâm đã được định mà nhìn thấy) hoặc thấy
trong giấc mơ cũng không nên giữ nó trong lòng, bởi vì “Phàm sở hữu tướng, giai
thị hư vọng”. (Tạm dịch: phàm đã có sắc tướng đều là giả).
Những cảnh giới tốt đẹp mà ta nhìn thấy, bất
luận là cảnh giới Phật hay cảnh giới nào khác, nếu ta ưa thích, đem nói cho mọi
người nghe, đều không phải là cảnh giới tốt. Vì sao? Vì quí vị không có công
phu, không có định lực.
Thường giữ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng,
giữ tâm chân thành mới là điều quan trọng, mới là điều kiện đầy đủ tất yếu cho
việc cầu sanh Tây-phương Tịnh-độ...”.
Như vậy thì thấy Phật, thấy Bồ-tát tốt hay
xấu? Rất nhiều lần anh có nói đến chuyện này rồi. Hôm nay anh nhắc nhở các em
một lần nữa rằng, những vọng tưởng sai lầm, những tham đắc vụng về, những mơ
mộng cẩu thả, đều không có kết quả tốt đâu! Hãy cẩn thận làm theo lời dạy của
Ngài Tịnh Không: “Thường giữ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành”. Và
đọc lại thêm nhiều lần cho thuộc lòng lời khai thị của Tổ-sư Ấn Quang mới được.
Hỏi rằng, nhưng tôi đã lỡ thấy rồi thì làm
sao? Thấy Phật không có tốt, không có xấu. Xấu hay tốt là do tâm của ta có tham
đắm vào đó hay không mà thôi. Tham đắm thì chắc chắn xấu! Không tham đắm thì
thấy có khác gì không! Nghĩa là sao? Là phải giữ cho tâm bình thản không cầu không
mong. Dù thấy được những ứng hiện lạ thì ta vẫn phải giữ tâm thật thanh tịnh,
đừng mừng, đừng sợ, đừng tham, đừng thích, v.v... cứ một lòng niệm Phật, nhờ
Phật gia trì, đừng mơ cầu gì khác thì tự nhiên được giải tỏa. Các em chỉ cần
nhớ, trong vô lượng kiếp đến nay, ta giết hại nhiều chúng sanh, oán thù này còn
nặng lắm. Cho nên, tu hành muốn được suôn sẻ thì hằng ngày phải nhớ thành tâm
hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ để trả đền oán cừu, giải nợ oan khiên.
Ngoài ra, còn nên chân thành khuyên tất cả chúng sanh, oan gia trái chủ, nên
phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Đã gặp được trong đời, dù dưới hình thức
nào cũng là duyên, hãy thành tâm cứu độ, chứ đừng nên cống cao ngã mạn, tưởng
mình sắp thành Phật, coi chừng họa đến khó trừ!
Phật đại từ đại bi thương chúng sanh, đại hỉ
đại xả cứu muôn loài. Chúng ta là người tu hành thì cũng phải từ bi hỉ xả,
thương người, giúp đời mới xứng đáng là con Phật. “Từ” là thương người, “Đại
từ” là thương bình đẳng, vô điều kiện. Tốt thì thương kính, xấu thì thương hại.
Tốt thì tán thán, khen tặng; xấu thì cảm hóa, khuyên can. “Bi” là đồng cảm nỗi
khổ của chúng sanh. “Đại bi” là đại cảm nỗi khổ của chúng sanh, thấy chúng sanh
khổ như chính mình khổ. Đó là tâm hạnh đại từ bi của Phật, Bồ-tát. Nếu các em
là người tu hành, thì nên tự hỏi đã làm được chuyện này chưa?
Anh thường nhắc nhở rằng, không dễ gì tìm ra
được một gia đình mà vợ chồng trên dưới đồng một lòng, chung một hướng. Rất
nhiều gia đình gặp phải cảnh ngộ trái ngang, người này tu người kia chống. Đó
là hiện tượng hết sức bình thường chứ không phải là đặc biệt. Nằm trong cảnh
ngộ đó, người biết tu thì có hòa, người không biết tu thì có loạn. Cái loạn
này, xét cho cùng, thường do ở người tu lầm lạc gây nên nhiều hơn là người
không tu. Tại sao vậy? Vì đã tu mà thiếu từ bi hỉ xả, còn ganh ghét, cố chấp,
hẹp hòi. Người chống đối Phật pháp, không chịu tu, là tại vì nghiệp chướng của
họ đang cản ngăn làm cho họ mất phần giải thoát. Nhìn thấy một người đi theo
đường đọa lạc mà không thương hại, lại còn để tâm thù ghét, xua đuổi, muốn kiện
họ ra tòa, thì đây có phải là tâm hạnh của người tu hành chân chính không?!
Đại hỉ đại xả cứu muôn loài. “Đại hỉ” là đại
thanh tịnh, vui vẻ; “Đại xả” là đại bố thí, cứu độ cứu giúp chúng sanh. Đây là
tâm nguyện của chư Phật. Phật dạy thương người chứ không được ghét, dù cho
người đó có làm sai. Thương người không có nghĩa là tán thán hay làm theo họ,
mà chính là ta phải có lòng khoan dung, nhân hậu, biết tha thứ và tận tâm cứu
giúp những người còn kém thiện căn, phước đức, mong cho họ có được cơ duyên
tỉnh ngộ. “Hồi Hướng Công Đức” là việc làm thấp nhứt của người tu hành. Nếu
mình không đủ khả năng cứu độ, thì ít ra cũng phải có cái tâm cứu độ, hãy tự
mình ráng tu hành cho có công đức rồi lấy cái tâm chân thành thương yêu, bảo
hộ, nguyện đem công đức này hồi hướng cho những người xấu ác, còn mê muội, còn
lầm lạc, để cầu cho nghiệp chướng của họ được tiêu trừ. Khi nghiệp chướng tiêu
trừ thì tự họ sẽ được cơ duyên học Phật. Xét lại coi, các em đã chân thành làm
vậy chưa? Tất cả đều do tâm tạo, hòa hay bất hòa đều do tâm gây nên. Hồi hướng
công đức là một việc quá nhỏ, không tốn một đồng xu, không phí mất một hạt gạo
mà mình còn không chịu làm, thì làm sao dám gọi là tương ứng với tâm Phật. Tâm
hẹp hòi, ích kỷ thì đang xa lìa tâm Phật. Đã xa lìa tâm Phật thì cơ duyên nào
mà cảm ứng được với Phật!
Một người phạm tội ác, bị tử hình. Chứng
kiến cảnh trạng tội nhân bị dẫn ra pháp trường để hành quyết chúng ta còn phải
xót thương thay, huống chi là ta thấy người bị đọa vào địa ngục! Tử hình là “Tử
khổ” của thế gian, một phát đạn xuyên qua tim, hồn lìa khỏi xác, thế là hết(?).
So với cảnh đọa địa ngục, ở đó tội nhân phải bị hành hình chết đi sống lại hàng
ngàn, vạn lần trong một ngày, thì cái chết ở trần thế này có thấm thía gì đâu!
Vậy thì, một người lỗ mãng đạp đổ bàn thờ
Phật, nói những lời bất kính với Phật, đây là tội phỉ báng Phật, chắc chắn bị
đọa địa ngục Vô-Gián không có ngày thoát ly. Biết họ phải bị nạn thì ta phải
thương hại chứ sao lại ghét. Hơn thế nữa, nếu người lầm lạc ấy lại là người
trong nhà, là vợ, là chồng, là anh em, bà con, thì ta lại càng quyết tâm cứu độ
mới phải đạo chứ. Xa lìa chẳng qua là điều bất đắc dĩ của thời còn mê muội, chứ
đâu phải là tâm hạnh người đã biết tu hành!
Phật từ bi thương chúng sanh, thì ta cũng phải từ bi thương mọi người. Người
càng lỗi Phật càng thương, người càng bị đọa lạc thì quí Ngài càng dốc tâm cứu
độ, thì mình cũng phải theo tâm nguyện của Phật mà dốc lòng cứu độ. Cứu độ bằng
cách nào? Tự mình phải hiền lành, vui tươi, rộng rãi, tùy cơ ứng biến, nhất là
đừng tạo cơ duyên cho người chống đối có dịp phạm tội. Ví dụ, mình niệm Phật họ
chế giễu thì mình niệm thầm trong tâm, mình lập bàn thờ họ đạp đổ thì mình đừng
lập, mình khuyên tu hành mà họ chửi thì đừng khuyên, v.v... rồi ngày ngày âm
thầm niệm Phật, đem công đức hồi hướng cho người đó, cầu Phật gia trì cứu độ
họ, may ra họ hồi tâm sám hối tội lỗi. Được như vậy thì may ra họ mới thoát
khỏi địa ngục. Nghĩa là, ta đã cứu độ được một người. Công đức này thật vô
lượng! Nên nhớ, Phật tại lòng, thuận duyên thì thờ phụng trang nghiêm; không
thuận duyên thì lúc giữ con, nấu cơm, bửa củi, thái rau, làm việc... vẫn niệm
Phật tu hành được như thường.
Cho nên, các em phải có tâm chân thành cứu
người mới được. Cứu được hay không thì còn tùy theo duyên nghiệp của mỗi người,
chứ chính ta không thể nảy lên một ý niệm ác. Phật tại tâm, thì hãy tạo tâm
Phật ngay trong tâm ta. Nhất định đừng nên chạy theo phàm tục như: ai thương ta
ta thương lại, ai ghét ta ta ghét lại, ai cản trở ta ta kiện ra tòa, v.v... Đối
xử như vậy thì có gì khác nhau giữa có tu và không tu?
Tu hành chân chính cần phải biết khiêm
nhường. Thiếu tính khiêm nhường thì cống cao ngã mạn, hoặc dễ sinh ra vọng
tưởng. Đã như vậy thì mất thanh tịnh. Một là, như HT Tịnh Không nói, khi tâm
thanh tịnh đã bị phá hỏng, thì tất cả mọi cảnh giới có được đều là giả! Hai là,
như Ngài Ấn Quang dạy, tâm niệm Phật chưa chuyên nhất mà gấp cầu cảm thông thì
đây là một chướng ngại lớn nhất của người tu hành. Chướng ngại chỗ nào? Ví dụ,
nếu đúng là Phật, Bồ-tát xuất hiện gia trì thì lẽ ra mọi chuyện phải êm xuôi.
Chứ tại sao, nhiều người thường thấy này thấy nọ thì tâm hồn lại dễ bị điên
đảo, cuộc sống xáo trộn, vợ chồng bất hòa, v.v...???!!!
Tỉnh ngộ! Các em cần phải giựt mình tỉnh ngộ
mà hồi đầu. Phải đọc thư cho kỹ để tự phản tỉnh. Anh rất thương các em, anh
luôn luôn mong muốn các em thoát ly khổ não, sống hạnh phúc, nhưng dù sao anh
cũng chỉ giúp ý, chỉ đường cho các em theo, chứ anh không thể tỉnh ngộ hay đi
thế cho các em được. Mỗi thư anh đều mỗi nhắc, các em nên biết chú ý lắng nghe
để hiểu thấu vấn đề. Đừng tự mãn làm theo ý riêng của mình, mà tự gánh lấy hậu
quả không tốt. Anh nhắc lại, tu hành mà còn cạnh tranh, ganh tỵ, cố chấp, phân
biệt, cống cao, tự đắc, thiếu tâm từ bi hỉ xả, thì dù có niệm Phật suốt đời cũng
không thể vãng sanh.
Cho nên, phải làm thiện lành: hiếu thảo với
cha mẹ, tôn kính người trưởng thượng, kiêng cữ việc sát sanh, thực hành mười
điều thiện, gìn giữ nhân phẩm, làm tròn bổn phận trong gia đình, thương yêu cứu
giúp lẫn nhau, đừng phát khởi những ý niệm tà vạy. Dù cho sức mình có hạn không
thể làm được trọn vẹn, nhưng tâm hồn cũng phải tương hợp theo hạnh nguyện của
Phật. Đem công đức này hồi hướng về Tây-phương, rồi thành tâm niệm Phật, cầu
sanh Tịnh-độ, thì chắc chắn các em được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc quốc, một
đời thoát khỏi trầm luân, bất thối thành Phật.
A-di-đà Phật.
Anh Năm.
(Viết xong, Brisbane
10/7/03).