Nếu không thống niệm vô thường, nghĩ ngợi
thâm sâu về đại sự, tư duy khổ nơi địa ngục mà phát tâm Bồ-đề, sửa đổi tâm
tánh, ngày đêm tinh cần để sớm cầu xuất ly. Cứ dần dà sống qua ngày, phóng túng
thân tâm, thì lúc đại nạn đến hối hận sao kịp!(Đại Sư Hám Sơn)
Em Đường – Thạnh,
Anh muốn lập lại lời nói của em một lần nữa:
“Đời này quá khổ, không biết bao nhiêu nỗi
khổ kể cho hết…”.
Thư trước anh giải bày cho em về sự khổ não,
chắc em đã nhận được và hiểu thêm chút ít về sự khổ của cuộc đời. Anh đem pháp
Tứ Diệu Đế để nói về khổ. Giờ đây chúng ta hãy xét lại coi, rốt cuộc khổ não từ
đâu mà có? Nó thật hay giả?
Phật dạy, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng
huyễn bào ảnh”, nghĩa là tất cả vạn sự vạn vật là tuồng như mộng như huyễn, hư
vọng, không thực. Pháp hữu vi là những gì có thể thấy được, sự khổ đau là một pháp
hữu vi, thì nó cũng phải hư vọng. Nói rõ hơn nữa, những sự khổ đau mà ta thường
xuyên chịu đựng có thể chỉ là chuyện huyễn hóa chứ không phải có thực! Vì sao
vậy? Vì tâm hồn ta đang khổ thì ta thấy khổ! Nếu cùng một hoàn cảnh như vậy
nhưng tâm hồn ta đang vui thì ta thấy vui. Sự vui hay buồn chỉ là sự phản chiếu
những gì đang có trong tâm mà thôi! Nói cách khác, khổ đau chỉ là sản phẩm do
tâm hồn ta tạo ra!
Muốn thoát khỏi khổ thì ta phải biết đối
diện với cảnh khổ để diệt khổ, chứ không thể tìm cách chạy trốn cảnh khổ. Anh
đã ví dụ rằng, khổ não giống như khối đá trên lưng, phải biết liệng nó xuống.
Tuy nhiên cái khối đá dù sao cũng là “hữu vi pháp”, tượng trưng cho “Sự Khổ”,
chứ chưa phải là “Tâm Khổ”. Sự khổ là cái khổ nặng về vật chất, dễ thấy, dù lúc
ấy tâm ta cũng có khổ nhưng vẫn còn diễn tả được. Còn cái “tâm khổ” thì thuộc
về cái “Lý” của sự khổ não, nó nằm sâu trong tâm, vô hình, vô tướng, không
thấy, khó phân bày được. Chính cái tâm khổ não này nó tạo nên cái hình tướng
khổ não bên ngoài. Con người muốn khỏi khổ thì không những đừng nên cố chấp vào
cái hình tướng hay hoàn cảnh khổ não bên ngoài, nhưng quan trọng hơn nữa, còn
phải biết xả bỏ nỗi khổ trong tâm.
Tâm là một danh từ tượng trưng, nó ở cái thể
trí tưởng, không có hình tướng. Khi biết ta còn đang suy nghĩ thì hiểu rằng ta
có cái tâm, nhưng khi muốn tìm cái tâm ở đâu, thì không có, không thấy. Tâm có
cái “chơn tâm”, có cái “vọng tâm”. Chơn tâm thì vắng lặng, viên tịch, thanh
tịnh, có thực. Vọng tâm thì loạn động, mê muội, vô thường. Đã vọng thì không
thực. Cho nên, vọng tâm là cái tâm không thực, hay gọi cho dễ hiểu là cái tâm
giả, nó xuất hiện khi tâm ta bị mất sự thanh tịnh hay bị loạn động. Tâm của
chúng ta bị loạn động không thanh tịnh, cho nên cái tâm “giả mạo” này thường
trực xuất hiện, nó điều khiển sinh hoạt của chúng ta, tạo ra phiền não trùng
trùng. Phiền não là những sản phẩm của cái tâm không thực, thì phiền não cũng
phải không thực. Cái gì thực có thì vĩnh thường không bị mất, còn cái gì không
thực có thì tan hoại, hư vọng. Phiền não, khổ đau là thứ không thực có cho nên
ta có thể bỏ nó được. Ví dụ, trong đầu của ta nẩy ra những ý nghĩ, thì cái đầu
là thực tượng trưng cho chơn tâm, còn ý nghĩ là giả tượng trưng cho vọng tâm.
Ta có thể bỏ cái ý nghĩ chứ không thể bỏ cái đầu được. Phật dạy, “Vạn pháp giai
không”, vì vạn pháp đều do ý thức tạo ra. Ý thức là vọng tâm, chính nó đã là
không, thì sản phẩm của nó lại càng là hư vọng! Nói tóm lại, khổ đau chỉ là
vọng tưởng, không thực, là kết quả của sự mê muội tạo ra mà thôi!
Nói như vậy, em có hiểu được không? Đạo lý
này hơi khó hiểu một chút, nhưng anh tin rằng một ngày nào đó em sẽ hiểu. Bây
giờ chưa hiểu cũng không nên gấp, cứ đọc vài lần thì tự nhiên cái lý sẽ dần dần
hiện ra! Để dễ thấy hơn, anh ví dụ, đối với cùng một người, nếu mình ghét thì
thấy cái gì của họ cũng xấu, ngược lại có người thương họ thì thấy cái gì của
họ cũng tốt. Như vậy, tốt hay xấu là do tâm! Người tham lam thì bị mất một đồng
bạc họ cảm thấy đau đớn như lấy dao cắt thịt, còn người vị tha thì họ cảm thấy
sung sướng khi làm chuyện bố thí giúp đỡ người. Như vậy, sung sướng hay khổ đau
cũng đều tùy tâm. Người hẹp hòi cố chấp, nếu thấy ai làm sai trái thì họ nổi
giận hay thù ghét, còn người có tâm hồn rộng lượng thấy vậy họ lại thương hại,
tìm cách an ủi, vỗ về, nâng đỡ. Ghét hay thương cũng là tùy tâm. Tất cả những
hiện tượng tốt xấu, thương ghét, thiện ác, hạnh phúc hay khổ đau… đều do tâm mà
ra!
Phật dạy, tất cả vạn sự đều từ tâm tưởng mà
sinh ra, thì đạo lý này có thể áp dụng rộng rãi cho vạn sự vạn vật, từ cá nhân,
gia đình, hoàn cảnh xã hội, quốc gia, thế giới, cho đến vũ trụ hư không. Một
người vợ ăn nói bất thông thì tạo cho người chồng có cơ duyên cộc cằn, lỗ mãng.
Ngược lại người chồng lỗ mãng thì tạo cơ duyên cho người vợ cau có, khó ưa. Một
nước có nhiều người hiểm ác thì xã hội loạn lạc, quốc gia suy vong. Nhiều quốc
gia loạn lạc thì thế giới khởi chiến tranh. Tâm hồn con người hiểm ác thì phong
không thuận, gió không hòa, động đất, bão lụt, hỏa hoạn, v.v… tai biến không
ngừng. Đó là sự ảnh hưởng tự nhiên! Tất cả những quả báo xấu này đầu tiên không
có, nhưng vì con người cứ mê muội, bướng bỉnh, thường làm những chuyện không
tốt, ngày này qua ngày khác, để hưởng lấy kết quả càng ngày càng xấu. Đến một
lúc nào đó sự xấu xa hiện hành thành nghiệp chướng thì phải khổ đau vậy!
Các em à, sinh ra trong cõi trần tục này thì
ai mà không đối diện với khổ não. Những cảnh khổ não này đều do chính mình sơ
suất tạo nên mà không hay. Cái khối đá trên lưng là do chính mình mang nó, nó
càng ngày càng lớn cũng do chính mình thêm vào! Nói cách khác, nghiệp chướng
đều do mình tạo ra, đó là hậu quả tất yếu của tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp
trước. Vọng tưởng là suy nghĩ không đúng, thuộc về “Vô Minh”; phân biệt là đối
xử không bình đẳng, thuộc về “Trần Sa”; chấp trước là cố chấp không hối lỗi,
thuộc về “Kiến Tư”. Vô Minh: thì tâm ám độn, ngu si; Trần Sa: thì ô nhiễm những
thứ trần cảnh hay bụi đời nhiều như cát sông Hằng; Kiến Tư: thì thấy sai, tình
cảm thiên lệch. Tất cả đều gây ra khổ, hoặc gọi là “Phiền Não!”. Như vậy, cái gốc
của phiền não là ở trong tâm, hoàn cảnh bên ngoài chỉ là cái ngọn mà thôi.
Trong tứ hoằng thệ nguyện, “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, đó là lời Phật
dạy để độ chúng sanh. Còn, “Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn”, đây cũng là lời
Phật dạy, nhưng để tự cứu lấy mình. Tự tánh phiền não là phiền não do tâm không
thanh tịnh mà có. Cho nên, muốn tiêu giảm nỗi khổ thì mỗi cá nhân chúng ta nên
biết hồi đầu phản tỉnh lại chính mình, phải ngừng lại đừng nên tiếp tục tạo khổ
nữa.
Các em nên biết rằng, trải qua vô lượng kiếp
rồi chúng ta thật sự sống trong vô minh, mê muội, tạo nên quá nhiều nghiệp
chướng. Đời quá khứ không làm thiện, hiện đời hưởng quả báo khổ đau. Nếu hiện
đời mà không chịu tu hành, thì tương lai sẽ còn khổ thê thảm hơn nữa! Đây là sự
thật. Bây giờ biết rồi thì chúng ta hãy biết giựt mình tỉnh ngộ, buông bỏ những
tật xấu, tập làm người hiền hòa, dễ thương, biết tha thứ cho nhau, bỏ lần những
thói câu mâu tranh chấp. Cố gắng phát huy những việc làm tốt, ý nghĩ tốt, lời
nói tốt, để thành người tốt. Đây gọi là tu hành, hoàn cảnh sống tự nhiên sẽ
được cải thiện, tâm hồn tự nhiên được an lạc.
Tu hành là chuyển nghiệp. Nghiệp có thân
nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ba nghiệp này đều lấy ý nghiệp làm chủ. Ý
nghiệp hay còn gọi là tâm nghiệp nó điều khiển mọi hành động. Cho nên, muốn
chuyển nghiệp ta phải chuyển từ cái tâm. Cái tâm của ta đã bị ý thức làm ô
nhiễm mới thành ra cái vọng tâm. Vọng tâm hay ý thức có ba thứ chất độc là
tham, sân, si. Chính những chất độc này nó tạo thành nghiệp chướng. Như vậy chuyển
nghiệp chính là phá trừ tham, sân, si đổi thành giới, định, huệ. Hiểu theo
nghĩa thực tế thì Giới: là ăn ở hiền hòa, thủ pháp quốc gia; Định: là đối xử
bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Huệ: tâm hồn an lạc, gia đình hạnh phúc, quốc
gia hòa bình, thịnh vượng. Nghĩa là, ta không còn khổ đau, không còn phiền não
nữa.
Tham: là tham muốn chiếm hữu. Tham bất cứ
cái gì cũng tham. Tham ngũ dục, tức là: tiền, sắc, danh, ăn, ngủ, là thích đi
theo ba đường ác. Tham lục trần, tức là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì
còn muốn lăn lộn trong sanh tử luân hồi. Những cái tham có vẻ thanh lịch, hoa
mỹ như: tham hiểu nhiều, biết rộng, nghiên cứu, triết học, v.v… nói chung là
những đam mê của thế gian, thấy thì hình như hay, nhưng đối với Phật pháp thì
đó là trần pháp trong lục trần, chưa chắc đã tốt! Vì sao vậy? Vì đó là thế trí
biện thông, là tham luyến cảnh vô thường. Nên nhớ, trí thức thế gian càng cao,
nó chỉ tốt nếu biết giác ngộ đạo lý xuất thế gian, biết lợi dụng trí thông minh
để thực hiện sự giải thoát. Nếu không, thì đây là cơ duyên thuận tiện cho vọng
tưởng, phân biệt, cố chấp… nổi lên càng mạnh, rất chướng ngại cho đường tu
hành. Nói cách khác, sự thông minh hiểu rộng chuyện thế gian nó dễ trở thành
một loại chướng ngại, gọi là “sở tri chướng”, ngăn cản tâm giác ngộ, chính vì
vậy mà người học cao ít khi chịu tu hành. Cho nên, hãy biết buông lòng tham
xuống cho tâm hồn thanh tịnh, cho tư tưởng thanh cao, cho tương lai xa lìa loài
ngạ quỉ. Buông xả, đừng tham chấp nữa, thì đường tu hành sẽ tinh tiến trơn tru.
Muốn phá được lòng tham thì chính yếu là phải biết bố thí, giúp người, đừng nên
quá tranh chấp chuyện đời, đừng nên keo kiệt hay so đo nhiều, để tương lai
tránh được sự nghèo đói triền miên vậy.
Sân: là giận dữ, là tập khí nhiều đời nhiều
kiếp lưu lại, là nhân chủng địa ngục đang hiện hành. Đừng bắt ai phải chìu
mình, đừng cống cao ngã mạn. Hãy tập nói những lời nhỏ nhẹ, biết tha thứ cho
nhau, hãy sống trong niềm hòa kính. Nên nhớ, tánh nóng nảy nó sẽ đốt cháy tan
tành công đức của mình. Người muốn tu hành mà không chủ tâm phá trừ sân giận,
thì cũng khó lòng thoát nạn! Buông xả, đừng cố chấp nữa, thì đường tu hành sẽ
tinh tiến trơn tru. Muốn phá sân giận thì phải tu nhẫn nhục, nên biết khiêm
nhường, lễ phép, gặp người lớn hay nhỏ đều nên chắp tay cung kính hỏi chào, nên
tập lắng nghe hay hơn là lý luận… Tập cho tánh tình hiền lành một chút mà tương
lai thoát khỏi địa ngục, không quí hơn sao?!…
Si: là ngu si, đây là cái dại khó trừ nhất
của chúng sanh! Vì ngu si nên giận, vì ngu si nên tham, vì ngu si nên không chịu
nhìn xa để tìm đường thoát nạn, cứ làm theo cái ý nghĩ nông cạn mà đành bị đọa
lạc. Trong ba chất độc đang hại cái tâm thì ngu si làm chủ tể, nó cứ mãi xui
khiến con người tiếp tục làm điều tệ hại. Ví dụ, mình có tánh hay sân giận,
đang tìm cách để bỏ, nhưng cái chất độc ngu si thỉnh thoảng nó lại xúi mình nổi
giận. Vì cái tính ngu si rất khó phá trừ cho nên đầu thai vào hàng súc sanh là
chuyện dễ gặp nhất của con người ngày nay. Muốn phá ngu si thì phải tu huệ.
Cách tu huệ tốt nhất, dễ nhất, an toàn nhất và vi diệu nhất trong thời mạt pháp
này là niệm Phật. Anh khuyên các em, bắt đầu từ hôm nay, hãy cố gắng niệm Phật,
niệm luôn luôn, trước bàn thờ thì niệm ra tiếng, chỗ đông người thì niệm thầm
trong tâm. Nên tập mỗi khi khởi sự làm bất cứ việc gì cũng nên niệm câu Phật
hiệu trước. Chính nhờ câu Phật hiệu nó nhắc nhở mình đừng làm sai, đừng nghĩ
sai, đừng nói sai. Niệm Phật là niệm Giác. Niệm A-di-đà Phật là niệm Vô Lượng
Giác. Vô lượng giác là giác ngộ lớn, đã giác ngộ lớn thì làm sao còn ngu si hay
sai lầm được nữa!…
Thôi bây giờ anh bắt đầu trả lời qua những
câu hỏi khác. Thư của em đưa ra rất nhiều vấn đề, căn bản có, ý nhị có. Anh sẽ
cố gắng giải quyết lần. Nên nhớ Phật pháp quá sâu rộng, nên em phải biết kiên
nhẫn, chầm chậm mà hiểu, đừng nên quá vội vã mà dễ đi đến chỗ lầm lạc. Anh
thường viết thư khuyên người niệm Phật, lời thư của anh hầu hết dựa theo pháp
của Ngài Tịnh Không, vị thượng thủ Tịnh Tông Học Hội Thế Giới. Cho nên em cũng
nên dành thì giờ nghe pháp của Ngài vậy.
Câu hỏi: Kinh có nhiều chỗ khó hiểu quá, em
muốn hiểu sâu để tu hành tốt, nhưng không có tài liệu tham cứu. Thật là chướng
ngại! Như vậy phải làm sao?
Anh rất thông cảm cho em về những cái khó
khăn này. Những nơi gần chùa chiền, gần tăng ni, nhiều kinh sách để học hỏi thì
đỡ, có nhiều nơi rất thiếu thì thật là khó! Chính ví cái khó này mà anh mới
thường viết thư, hầu giúp được chút gì hay chút đó cho người mới tu tập. Cái
khó của em rất bình thường chứ không có gì là lạ. Một người mới bắt đầu học
Phật thì ai cũng khó như vậy, không phải là chướng ngại lớn đâu!
Sự khó khăn của em liên quan đến việc đọc
tụng kinh điển của Phật nhưng chưa hiểu được, thành ra thấy có chướng ngại!
Thực tế, chướng ngại này không lớn, hay nói đúng hơn nữa, là không có chướng
ngại! Như trên anh đã nói, chướng ngại là do tâm mình làm chướng ngại chứ không
phải do kinh tạo ra chướng ngại! Hy vọng đọc xong thư này em sẽ được giải tỏa.
Tu hành khó, thì khó là vì không định nghĩa
được tu hành là gì? Mục đích ở đâu? Từ đó đưa đến những hành sự hạn hẹp, chơi
vơi, vô định, v.v… thành ra càng tu càng thấy khó. Hay nói rõ hơn, khởi đầu bị
mất cái nền tảng căn bản, mục tiêu thì mông lung, sau cùng không biết tu để làm
gì, đi đến đâu! Chứ thực ra, nếu tu có căn, hành có đường, về có đích, thì
không đến nỗi khó như em tưởng đâu.
Tu hành là gì? Là tu sửa lại những hành động
sai trái của mình. Thấy rằng trong quá khứ mình có phạm những lỗi lầm nào đó,
nay hồi đầu tỉnh ngộ, thì phải tìm cách bỏ lỗi đó và làm những việc tốt hơn.
Cho nên, tu hành chính là sửa lỗi, trong nhà Phật gọi là “Sám hối nghiệp
chướng”. Nói đơn giản hơn, là quyết tâm xa lìa lầm lỗi, xa lìa xấu ác, xa lìa
phàm tục, v.v… để tiến tới chỗ tốt đẹp, thánh thiện. Muốn đến được chỗ đại
thánh thiện thì phải đắc thành quả vị Phật. Như vậy, mục đích của tu hành là để
thành Phật. Thành Phật thì mới trọn vẹn đường tu. Muốn được thành Phật thì phải
làm sao? Phật dạy, “nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do tâm tạo ra. Nghĩa
là, niệm Phật thì thành Phật. Người muốn sau cùng được viên thành Phật quả thì
trong tâm đừng niệm cái gì khác, chỉ một lòng niệm Phật thì chắc chắn chỉ còn
có một con đường là thành Phật. Đây gọi là hành có đường, về có đích rõ rệt.
Còn thế nào thì gọi là hạn hẹp, chơi vơi, vô định? Là tu hành mà không muốn
liễu sanh thoát tử, còn muốn lăn lộn trong tam giới lục đạo. Ví dụ như: muốn
được giàu có, được tái sanh làm người, được thành ông tiên, được sinh lên trời,
v.v… Tâm đã muốn như vậy, thì nhiều lắm cũng chỉ vay được chút ít lợi lạc, để
rồi chịu mang nợ truyền kiếp mà thôi.
Tất cả những pháp tu hành này Phật gọi là
“Bất liễu giáo”, nghĩa là giáo nghĩa không toàn vẹn, dẫn dắt chúng sanh bỏ giữa
ngã ba đường, chới với, mông lung. Những cảnh giới của tiên, của trời, tuy
phước báu lớn hơn cảnh giới của người, nhưng tất cả sau cùng vẫn còn bị đọa
lạc. Hơn nữa, hưởng phước thường quên tu hành, không khéo còn bị đọa lạc rất
nặng. Cho nên, Phật nói, đó không phải là đường viên mãn giải thoát.
Mục đích là sự chứng đắc ở đỉnh cao tối
thượng, nhưng muốn đạt đến đảnh cao, nhất định ta phải xây dựng từ cái nền tảng
căn bản thật vững chắc. Không có nền tảng thì đường tu hành bềnh bồng như trong
mơ, lúc tỏ lúc mờ, lúc thực lúc hư, không biết đâu là đúng là sai, dễ rơi vào
trạng thái mông lung. Chính vì vậy mà càng tu càng khó, không thể thành đạt đạo
pháp.
Đọc tụng kinh Phật phải có đủ: Tín, Giải,
Hành, Chứng. Tín: là tín tâm thanh tịnh, không vọng động; Giải: là hiểu rõ
nghĩa lý, không hiểu sai kinh điển; Hành: là theo đúng kinh Phật để sống, áp
dụng đúng kinh Phật để đối vật, tiếp người; Chứng: là khi tín, giải, hành được
áp dụng đầy đủ. Đây là những bước thang để thăng tiến. Tuy nhiên, những điểm
này phải thực hiện có thứ lớp, nghĩa là phải đi từ tín, xong tín tới giải, xong
giải tới hành. Chứng đắc là chỗ viên mãn của người tu. Nhiều người sơ ý không
theo chu trình này, vì quá mong sớm chứng đắc, vội đảo lộn chu trình, sau cùng
thường rơi vào trạng huống lơ lửng, không biết mình đang ở vị trí nào. Nói cách
khác, tâm chưa thanh tịnh đã lo tìm hiểu thuật ngữ, nghiên cứu kinh điển, vô
tình dễ đưa đến chỗ giải sai kinh nghĩa. Nghĩa kinh đã hiểu sai thì đưa đến
thực hành sai. Từ đó, càng tu càng thấy khó, càng tu càng thấy lộn xộn, phiền
não trùng trùng, nhiều khi tự dẫn đến chỗ lầm lạc!
Đọc qua thư, anh thấy cái khó của em giống
như cái khó chung của nhiều người. Đó là, chưa đặt tiêu chuẩn trên nền tảng sửa
chữa lỗi lầm cho tâm hồn thanh tịnh, mà vội vã đặt tiêu chuẩn trên sự chứng
đắc(?). Những danh từ như: hiểu sâu, tu hành tốt, tham cứu tài liệu, đây toàn
là những giai đoạn tu học của những vị thượng căn, có công phu cao dày, đã trải
qua nhiều năm tinh chuyên tu tập mới làm được. Tham cứu để hiểu nghĩa lý kinh
điển, thuộc về “Giải”; Tu hành tốt là y theo lời kinh hành sự, thuộc về “Hành”.
Hiểu sâu là thâm nhập vào kinh tạng, thuộc về “Chứng”. Tất cả những cảnh giới
này không dễ gì thực hiện được đối với một người mới nhập môn học Phật.
Thực ra, ý nghĩ của em cũng không phải là
sai, mà đây là phương pháp tu tập của Giáo tông. Pháp môn tu học của Phật để
lại nhiều vô lượng vô số, nhưng cuối cùng cũng phải nhập vào ba cửa chính: một
là Giác môn; hai là Chánh môn; ba là Tịnh môn. “Giác Môn” tức là cách tu của
Tông môn thiền định, lấy tông chỉ “Trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến
tánh thành Phật”. Khi tâm sáng thấy tánh, thì tức khắc thành Phật. Đây là pháp
tự tu tự chứng, chỉ dành cho bậc thượng thượng căn mà thôi. “Chánh Môn” là pháp
tu của Giáo tông, lấy sự nghiên cứu kinh điển để liễu giải đến chỗ “chánh tri
chánh kiến” mà khai thông trí huệ, chứng đắc đến cảnh giới “Đại khai viên
giải”. Đây là con đường tu tập chỉ hợp từ bậc thượng trung căn trở lên. “Tịnh
Môn” là pháp môn Tịnh-độ, lấy căn bản là thanh tịnh nhân tâm, niệm Phật cầu
sanh Cực-lạc. Đây là pháp môn phổ cập cho tất cả căn cơ, trên từ Đẳng Giác
Bồ-tát, dưới đến chúng sanh trong địa ngục, đều được bình đẳng được độ thoát
trong đời.
Xét qua ba đường, thì Giác môn có nhanh,
nhưng không được viên mãn vì chỉ dành cho hàng thượng căn thượng trí, người
trung hạ căn khó thể mơ ngày thành đạt với pháp môn này! Giác môn hợp với “thời
kỳ thiền định” trong thời chánh pháp hoặc tiền tượng pháp hơn là mạt pháp!
Đường Chánh môn tức là chánh tri chánh kiến phát triển mạnh vào “thời kỳ đa
văn” của tượng pháp. Pháp tu hành này thấy thì vững, nhưng thời gian rất lâu.
Người không đủ nhẫn lực thì dễ bị thối chuyển, tiến tiến thối thối, khó lòng
vượt qua tam giới để liễu sanh thoát tử. Chỉ có Tịnh môn là dễ dàng nhứt, đây
chính là nhờ lực gia trì của đức A-di-đà Phật, cùng mười phương chư Phật. Thành
tựu của Tịnh môn rất cao, rất nhiều rất nhiều người, ở mọi giới không phân biệt
trình độ, giai cấp đã niệm Phật được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, một đời
viên mãn Phật quả. Đây thực sự là một điều bất khả tư nghì, không thể diễn tả
được. Trong thời mạt pháp này, căn cơ chúng sanh hầu hết đều là trung hoặc hạ
căn, thì ngoài pháp môn niệm Phật ra, khó tìm được pháp tu nào khác thích hợp
hơn. Phật dạy, “Thời mạt pháp chỉ có Tịnh-độ mới thành tựu”, ta phải biết vâng
lời Phật mà niệm Phật. Còn khoảng chín ngàn năm nữa thì tới thời diệt pháp.
Càng ngày tà giáo ngoại đạo càng lộng hành, chúng sanh càng ngày càng khó lòng
thoát khỏi ma chướng. Ngày nay ta gặp được pháp Niệm Phật là dịp quá may mắn để
giải quyết nợ sanh tử trong một đời mà không chịu tin theo, thì sau này làm sao
còn tìm đâu ra được lối thoát thân nữa? Nhìn thấy cảnh đau lòng này, nên chư
Phật chư Bồ-tát thường xuyên khuyên nhắc. Chúng ta hãy mau mau tỉnh ngộ, phải
niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ để kịp thời thoát ly sanh tử luân hồi, để thành
Phật, để tiếp sức với Phật cứu độ nhiều chúng sanh thoát khỏi ách nạn.
Đừng mê muội chạy theo vọng tưởng mà làm
điều sai lầm các em à. Hãy nghĩ cho thật kỹ, đến hàng Đẳng Giác Bồ-tát như các
đức Văn-Thù, Phổ-Hiền, Quán-Âm, Thế-Chí, Long-Thọ, Mã-Minh, v.v… toàn là bậc
thượng trí, thượng căn mà còn phải niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì xét coi chúng
ta là ai mà dám cao ngạo không chịu niệm Phật? Thời mạt pháp này không niệm
Phật mà mong thành Phật, có phải là đang nằm mơ không?!
Trở lại chuyện khó khăn về kinh điển, thì sự
thọ trì nên trải qua bốn chu trình: Tín, Giải, Hành, Chứng, theo thứ lớp mà
tiệm tiến. Phật dạy, đời mạt pháp “vạn ức người tu, khó tìm được một người
chứng đắc”. Đó là vì chướng ngại của thời này rất lớn. Các em cần phải cẩn thận
và nhẫn nại.
*) Tín: là tín tâm thanh tịnh. Đọc tụng kinh
Phật là một pháp tu, điểm căn bản nhứt là làm cho tâm được thanh tịnh, không
vọng động. Nói cách khác, điểm chủ yếu đầu tiên của tụng kinh là để định cái
tâm lại. Phàm tâm của ta rất động, ý của ta cứ nghĩ lung tung không bao giờ
ngừng, Phật gọi là “Tâm viên, ý mã”, (tâm lăng xăng như khỉ, ý chạy rông như
ngựa), đây là lời ví dụ cho tâm vọng tưởng, phân biệt, đố kỵ, ganh tị, hơn
thua, nóng giận, tham luyến, mê muội, vui buồn, thương ghét, của chúng sanh quá
nhiều quá nhiều. Khi tâm ý của ta còn bị như vậy thì không bao giờ có thể thấy
được chơn nghĩa của kinh điển, nghĩa là không hiểu, không giải, không hành theo
kinh Phật được. Còn việc chứng đắc thì còn quá xa vời! Cho nên, muốn nhập vào
kinh tạng của Phật, ta phải bắt đầu tu tập cho lắng đọng tâm tính lại trước.
Đây là nền tảng căn bản, không có tâm thanh tịnh thì không thể đạt các thứ
khác. Ví dụ, như muốn xây nhà lầu mà không lo xây nền cho chắc thì nhà lầu sẽ
sập vậy.
Đọc tụng kinh điển là pháp chủ yếu để tu tâm
thanh tịnh. Hãy đọc tụng kinh như cái máy, đừng để tâm ý thức xen vào, không
vội cầu hiểu nghĩa lý câu kinh. Nếu chưa thuộc thì hãy cố gắng nhiếp tâm đọc
từng chữ trong kinh, chữ này sang chữ khác, rành rẽ, rõ ràng, lần lượt in vào
tâm mình. Còn nếu đã thuộc thì tụng kinh như tụng chú vậy. Không ai hiểu ý
nghĩa thần chú, nhưng khi nhiếp tâm không loạn để đọc thì lời chú sẽ có linh
nghiệm, còn đọc chú mà tâm nghĩ ngợi lung tung thì chú sẽ mất linh nghiệm. Đọc
tụng kinh cũng vậy, phải cố gắng giữ tâm trí thật bình lặng, sáng sủa, đừng
nghĩ ngợi gì cả. Hãy tin tưởng rằng quang minh của Phật đang phóng ra từ kinh
điển của Phật để nhiếp thọ chúng ta. Phải hết lòng kính trọng kinh Phật. Nhìn
kinh Phật như nhìn thấy Phật, nghe một lời kinh như nghe được chính Phật đang
nói. Không được để kinh bừa bãi, không được cặp kinh vào nách, không được nằm ngửa
để đọc kinh, v.v… Mọi thời, mọi nơi, đều phải giữ lòng thành kính kinh Phật.
Thọ trì như vậy lâu dần tự nhiên tâm mình sẽ được thanh tịnh, sắc tướng sẽ
trang nghiêm, dung mạo sẽ hiền hòa… Nghĩa là công phu của mình đã bắt đầu khởi
tác dụng.
Anh nhắc lại, giai đoạn đầu của sự đọc tụng
kinh là chỉ cần đọc hoặc tụng, không cần hiểu, đừng để tâm suy nghĩ về nghĩa
kinh. Có thể có người không đồng ý cách này, vì cho rằng tụng kinh mà không
hiểu kinh thì tụng như con vẹt. Nhưng riêng chúng ta đã có chủ đích rõ rệt, đã
rõ nguyên tắc hành trì, thì hãy mạnh dạn chịu tiếng “tụng như con vẹt” đi để
cho tâm ta thanh tịnh. Đừng vội vã đi giảng giải kinh điển mà tâm dễ bị loạn
động, không tốt đâu. Nói vậy không có nghĩa là ta không cầu giải, nhưng chưa
tới giai đoạn để giải thì ta không cần cầu giải. Tu hành hãy biết nhẫn nại thì
mới thành công. Như Lai chơn thật nghĩa chỉ lộ xuất từ tâm thanh tịnh, muốn
luyện tâm thanh tịnh thì phải đọc tụng kinh Phật chứ không phải để tâm nghiên
cứu. HT Tịnh Không dạy rằng, người nào đi nghiên cứu kinh điển của Phật, dù cho
có nghiên cứu suốt đời thì nhiều lắm cũng chỉ hiểu được phần bì phu bên ngoài,
chứ không thể thâm nhập vào kinh tạng. Tệ hơn nữa, càng nghiên cứu có thể càng
sai, càng vọng tưởng, càng phiền não. Vì sao? Vì họ đã làm cho tâm hồn mất sự
thanh tịnh. Tâm đã mất thanh tịnh thì thành vọng tâm, những cái thấy cái biết
của vọng tâm đều là giả, không thực. Hay nói rõ hơn, vì ý thức cá nhân đã xen
vào ý kinh làm cho họ hiểu sai, giảng sai, đưa đến thực hành sai. Ngài nói, phương
pháp tu tập đã bị sai ngay từ lúc khởi đầu, thì kết quả làm sao thành công
được!?
Pháp Phật nói lên chân tướng của vũ trụ nhân
sinh, pháp này là từ trí huệ trong chơn tâm phát ra, chứ không phải từ sách vở
hay kinh điển ở ngoài vào. Phật thuyết ra từ trong chơn tâm, lời dạy của Phật
trở thành kinh điển, là phương tiện để hướng dẫn chúng sanh tìm lại chơn tâm mà
thành Phật. Phương tiện thì thiên hình vạn trạng, tùy cơ ứng biến. Mỗi người,
mỗi cảnh, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, phương tiện thực hành đều có chỗ khác
nhau. Ví dụ như muốn về nhà, nhưng có người đi xe hơi, có người xe đạp. Người
từ phương bắc đâu cần nghiên cứu đường về của người từ phương nam. Cho nên, nếu
vội vã đi nghiên cứu để giải nghĩa thuật ngữ trong kinh điển, sẽ dễ lạc vào chỗ
thiên chấp, lệch lạc, dễ hiểu sai chơn thật nghĩa của Như Lai.
Kinh điển xuất phát từ chơn tâm, thì hãy
dùng chơn tâm mà giải. Phật dạy: “Tín tâm thanh tịnh tất sanh thật tướng”, thật
tướng là chơn tâm. Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tự tánh là
chơn tâm. Chính cái chơn tâm của mình nó có đầy đủ tất cả, nó có khả năng
thuyết tất cả pháp. Chính vì thế mà Ngài Huệ Năng chưa từng đi học, không biết
chữ, không biết nghiên cứu, nhưng lời Ngài nói ra như kinh như pháp, tất cả các
kinh chỉ cần nhắc đến là Ngài thông liền. Tại sao vậy? Vì pháp đã có sẵn trong
tâm. Tâm có một phần thanh tịnh thì thấy được một phần Phật pháp, hai phần
thanh tịnh thì thấy được hai phần Phật pháp, mười phần thanh tịnh thì thấy được
mười phần Phật pháp. Chắc chắn như vậy.
Cụ thể lại, kinh Vô Lượng Thọ thì khá dài,
HT Tịnh Không dạy, nên chọn phẩm thứ sáu nói về 48 đại nguyện tụng buổi sáng,
buổi chiều tụng phẩm 32 đến 37, hoặc tùy duyên để tập tụng. Cứ việc tụng thuộc
lòng, cố gắng gạt bỏ mọi tạp niệm để nhiếp tâm vào lời kinh. Đọc tụng một thời
gian ta sẽ quen dần. Nên dùng cái mõ nhịp đều để tụng theo, càng ngày càng
nhanh. Ban đầu thì đọc loạn hết vì tâm còn loạn, nhưng càng đọc tụng thì càng
tốt dần. Đến khi nào tiếng mõ và lời kinh hòa đều với nhau, không loạn, thì tâm
đã bắt đầu được thanh tịnh. Đừng nản chí. Dù sao anh cũng tìm cách gởi bản dịch
và gởi luôn băng cassette về cho nghe để các em tụng theo. Đây là bước đầu tu
tâm thanh tịnh, để chuẩn bị bước thứ hai là “Giải”.
*) Giải: là hiểu nghĩa kinh Phật. Sự hiểu rõ
kinh điển này tự nhiên nó sẽ đến. Đây là sự thực. Nếu một người đọc hoài, năm
này sang năm khác mà không hiểu được là tại vì họ không chịu nghiêm chỉnh thực
hiện bước đầu tiên. Nghĩa là tụng kinh thì lười, ngày ngày cứ lo tra cứu. Thời
gian thì không có, chuyện đời thì bận bịu, thuật ngữ thì quá nhiều, tra được
vài chữ thì tâm trí mờ mịt. Chính vì thế mà càng ngày càng phiền não. Do đó
mong hiểu sớm thành ra bị lu mờ, rối loạn. Không tốt vậy!
Vì thế, muốn “Nguyện giải Như Lai chơn thật
nghĩa” thì hãy dồn hết tâm trí thực hiện bước đầu tiên: đọc tụng kinh điển.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói đến “Chánh nhân tịnh nghiệp” của tất cả
ba đời mười phương chư Phật, trong đó điều thứ 10 là “Đọc tụng đại thừa”. Kinh
Vô Lượng Thọ là kinh điển đại thừa. Phật dạy “đọc tụng” chứ không có dạy
“nghiên cứu”. Đọc 1000 lần thì có thể hiểu 1000 lần nhiều hơn đọc một lần. Cho
nên, em muốn “hiểu sâu” kinh điển không khó, nhưng chỉ khó là em có khả năng
chứa đựng cái sâu đó hay không mà thôi. Phật pháp thì thậm thâm vi diệu, sâu
rộng vô biên, nếu tâm của chúng ta còn quá cạn cợt thì không thể nào chứa đựng
được Phật pháp đâu. Đọc tụng cho thuộc lòng kinh điển chính là chuẩn bị để hiểu
sâu vậy.
*) Hành: là tu hành, y giáo phụng hành, Phật
dạy sao mình làm vậy. Nhưng hỏi rằng, tới giờ này vẫn chưa hiểu kinh thì làm
sao hành theo kinh? Trả lời: Đừng chấp “Lý” nữa mà lòng thêm điên đảo, hãy lấy
“Sự” mà tu thì mới mong được thiện lợi. Kinh thì mình chưa hiểu, nhưng lòng
thành kính thì không ai dạy mình được! Các cụ già hiền lành, không biết giảng
giải một nghĩa kinh, nhưng các cụ tu hành rất tốt, chính là nhờ lòng thành
kính. Tu hành phải lấy lòng chí thành chí kính để tu. Trước đây ta ngạo mạn,
nay không dám ngạo mạn nữa. Trước đây ta không lạy Phật, nay gặp hình tượng
Phật phải cung kính bái lạy. Trước đây ta không niệm Phật, nay phải bắt đầu
niệm Phật. Trước đây ta không biết ăn chay, nay tập một tháng ăn chay vài bữa.
Trước đây ta hay cãi cọ, nay bỏ cãi cọ đi. Đó là “Hành” hay gọi là “Tu Hành”
chứ có gì xa lạ đâu.
Lòng thành kính giúp cho ta tiêu nghiệp
chướng, khai trí huệ, liễu giải kinh Phật, sau cùng đắc đại thiện đại lợi là
giải thoát, thành Phật. Tại sao vậy? Vì Phật dạy, “Nhất thiết duy tâm tạo”, ta
một lòng thành kính chư Phật thì tâm-tâm tương thông, hạnh-hạnh tương đồng, nguyện-nguyện
tương ứng, ý Phật, hạnh Phật, nguyện Phật, lời Phật, tự nhiên sẽ chiếu rọi tâm
ta. Tâm kính Phật, thân lạy Phật, miệng niệm Phật, tam nghiệp thân khẩu ý đều
hướng về Phật thì ta sẽ thành Phật. Đây là đạo lý của Phật dạy.
*) Sau cùng là Chứng: đây là ước mơ của
người tu hành. Chứng gì đây? Thực sự thì anh chưa biết, vì anh chưa chứng! Anh
chỉ thường nhắn nhủ với các em rất nhiều lần rằng, phải hết lòng thành kính đối
với Phật, Phải tin Phật, phải niệm Phật, phải biết thiết tha nguyện vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc. Khi được vãng sanh về đó rồi thì sẽ thành Phật, chứng đắc những gì thì
tự nhiên khi đó chúng ta đều biết hết thảy. Còn ở đây cái thế giới ngũ trược,
ác thế, vô thường, ta có được gì đâu mà chứng!
A-di-đà Phật phát nguyện rằng, “Khi Ta thành
Phật, tất cả chúng sanh sanh về nước Ta, sẽ xa lìa phân biệt, sáu căn đều tịch
tịnh, nếu không quyết định thành bậc Chánh Giác, chứng Đại Niết Bàn, Ta quyết
thề không thành Phật”, (Nguyện 12). Một chúng sanh về tới Tây-phương mà không
thành Phật thì Phật thề không thành Phật. Như vậy muốn viên mãn đường tu thì
phải quyết tâm xả bỏ lỗi lầm, ăn hiền ở lành, quyết lòng ngày đêm niệm “A-di-đà
Phật”, nguyện sanh về Tây-phương. Vãng sanh về đó để chứng đắc đại giải thoát,
đại an lạc, đại tịch diệt… Nói chung là chứng đắc quả vị Phật.
A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Viết xong, Úc châu, 26/06/03)