Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Làm lợi cho mình một cách chân chính là làm lợi cho người. Chư vị có thể làm lợi cho chúng sanh càng nhiều thì tư lợi của chính quí vị càng lớn. (Pháp Sư Tịnh-Không).

Cha má kính thương,

Thời gian như tên bắn, mạng người vô thường biết còn mất lúc nào mà chờ, mà đợi. Khi con đã quyết định nghỉ làm thì con không còn tiền bạc nữa, con chỉ đủ để ăn hàng ngày là được. Về việc phụng dưỡng cha má, con cũng xin đóng góp cùng với anh chị em, việc này không ai được quyền từ chối. Cái phước đó lớn hay nhỏ tùy theo tâm tu hành của cha má. Con thường nói, hễ người có tu thì tự nhiên được hưởng phước, còn người cứ chạy cầu phước thì phước sẽ tận và rồi sẽ lận đận trong trong cảnh khó khăn, thoát không được nghiệp báo!

Cái lo chính là, tuổi già cha má đã có quyết định rõ đường đi chưa? Trong lá thư cha ký tên, còn nét chữ là người nào viết (em Thứ phải không?), chứng tỏ cha đã yếu hay đang bị bệnh, sao không nói cho con biết lý do? Cuộc đời quá vô thường, cha má không hay biết sao!

Cái nhà hư sập thì không tốt, nhưng cha má lo buồn làm chi? Hồi trước mình tới hai căn nhà thật to. Căn kia đâu rồi? Ngày bà nội còn sống, bà lo từng chút, tằn tiện từng đồng để làm vốn. Vốn đó đâu rồi? Bà đâu rồi? Ông đâu rồi? Nhà mình ruộng đất nhiều, hương quả từ đường lớn lắm... bây giờ đâu rồi? Nhìn chung quanh, ông bà Dư đâu rồi? Ông Hai Thuận, một đời lặn lội với việc nước, bây giờ đâu rồi? Con được tin ông Mười bị nạn nước, mấy năm trước chú Năm bị nạn xe, v.v... Tất cả đều đâu rồi? Thời gian như một giấc mơ, rõ ràng là một giấc mơ thôi cha má ạ. Đến giờ phút này con nghĩ cha má phải thấm thía cuộc sống vô thường, cái hão huyền của danh vọng, cái sự nghiệp phù du...

Thưa cha má, con viết đến giòng chữ này mà muốn rơi nước mắt. Con muốn rơi nước mắt hay thực sự con đang khóc đây? Nếu không thương cha má làm sao con rơi được nước mắt? Nếu cha má chưa hạ quyết tâm tu hành thì con cảm nhận rõ được đường nào cha má sẽ tới... làm sao con không nghẹn ngào cho được! Con thấy đau đến đứt ruột, đứt gan mà không biết làm sao nói thấu, làm sao cứu. Con trút tất cả tâm gan ra để khuyên cha má, nhưng khi nhận được thư thì chỉ thấy nhấn mạnh đến căn nhà “Từ Đường” mà thôi, chứ chưa có một ý định cho ngày mai mình sẽ đi đâu. Ngày mai lỡ sa lầy rồi liệu có đứng lên nổi hay không đây? Lúc mãn cái thân giả tạo này rồi, liệu có còn cái phước bước lại vào căn nhà đó để ngồi được trên bàn thờ mà hưởng mấy đồ cúng của con cháu hay không? Thưa cha má, hãy suy nghĩ cho kỹ lời con nói đi, chứ đừng nghe người khác bàn ra tán vào bừa bãi mà sau cùng, chính cha má không còn cứu vãn được nữa. Ngày nào con chưa nhận được lời hứa phát tâm niệm Phật của cha má, ngày đó con vẫn chưa an tâm, vẫn còn thấy thương tâm. Chắc rằng cái gì cũng tùy duyên, nhưng còn nước con còn cố gắng tát, còn nói tiếng nói, con còn tha thiết khuyên cha má niệm Phật. Con đã thấy được con đường giải thoát vô cùng quý giá, con không đành để cha má mất phần. Mong sao sự thành tâm của con cảm hoá được cha má. Thật quá thương hại cho chúng sanh sao cứ vẫn mê mê, mờ mờ đâm đầu vào con đường khổ lụy, không có một chút giác ngộ gì cả trước bao nhiêu sự phũ phàng trắng trợn xảy ra hằng ngày trước mắt!

Việc sửa chữa nhà “Từ-Đường” thì tốt, chứ không sao. Hiện giờ con chưa có khả năng lắm, nhưng con cũng cố gắng tiếp thêm sau.... Nhưng điều quan trọng nhất hiện giờ không phải là căn nhà từ đường, mà chính là cha má có hiểu thấu đường đi chưa? Nếu hiểu được, thì con xin đề nghị là cha má hãy giao việc sửa nhà cho anh chị Hai, anh chị Ba, hay anh chị Bốn gì đó trực tiếp làm. Con cháu giúp tiền để sửa thì hãy giao cho họ, sửa sao cũng được. Riêng cha má hãy buông xả tất cả đi, an nhàn ngồi niệm Phật. Tìm chỗ mát mẻ, treo cái võng đong đưa mà niệm Phật. Cơm nước, nói em Mười, em Thứ nấu giùm đem tới. Bỏ chuyện thăm nom bà con, bỏ chuyện lễ nghĩa phải chẳng đi. Hãy dũng mãnh, cứng rắn lo cho huệ mạng của mình. Trăm ngàn lần khuyên cha má hiểu thấu, đừng chạy theo cái tập tục thường tình của thế đời mà quên chuyện khổ đau ngàn vạn năm sau đó! Nếu sơ ý, không ai tới đó để thăm cha má, không ai tới cứu mình được đâu. Cái nhà dù muốn dù không nó cũng chỉ là một vật chúng duyên sanh, là cột kèo đất đá kết thành, nó sẽ phải “Thành-Trụ-Hoại-Không” mà thôi.

Thư này, con xin nói thẳng một điều, lấy kinh của chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra ấn chứng, thì hầu hết ông bà mình không tìm ra một người có hy vọng vãng sanh nơi tốt đẹp. Đây là một sự thực đau lòng! Cái “Từ-Đường” thì cứ việc thờ cái hình, còn người chết thì vẫn khổ đau, vẫn quằn quại than khóc ngày đêm mà mình không hay biết gì hết! Giỗ cúng ông bà chỉ là sự thương tưởng, là gương giáo dục lòng người, để giữ cho người sau biết gia phả, chứ thực tế, có ông bà nào về hưởng được đâu? Vì có được siêu thoát mới về thăm nhà, chứ bị đoạ rồi làm sao có khả năng trở lại được! Quả thật là quá oái oăm! Thật là đau buốt cả tim gan. Quặn thắt, quặn thắt đó cha má ạ!

Trong khi đó, ở đây con hằng ngày biết được từng người, từng người họ vãng sanh về với Phật. Trong kinh nói, những người có hiện tượng như vậy, họ đã trở thành Bồ-tát, hưởng phước lạc vui sướng nơi cõi Tây-phương, họ không còn bị chết nữa, họ không còn đọa lạc, họ được thần thông tự tại, du hí khắp cả mười phương, dạo chơi thoải mái. Về tới thế giới Cực-lạc rồi, đó mới chính là chỗ gặp được bà con giòng họ nhiều đời nhiều kiếp. Còn lỡ sa đọa chỉ còn một mình khổ đau thọ nghiệp báo thì làm sao về hưởng giỗ? Cho nên người ở Tây-phương Cực-lạc họ nhìn cảnh chúng sanh mà vô cùng thương hại. Họ muốn cứu giúp mà giúp không được, vì chúng sanh ngu muội không vâng lời, không chịu tin lời Phật dạy, cứ tỉnh bơ dắt nhau đâm đầu vào hầm lửa. Nghĩ như vậy mà con thật sự rơi nước mắt khi ngồi đây viết thư cho cha má.

Cha má có biết không? Vì con đường giải thoát ở ngay trước mặt của cha má, con đem đến tận tay mà cha má cứ hững hờ. Với người bình thường, Phật nói: “môt người không làm được việc công đức, nếu phát tâm Bồ-đề một lòng chuyên niệm danh hiệu A-di-đà Phật, vui vẻ tin tưởng, không sanh tâm nghi hoặc, chí thành nguyện sanh về nước Cực-lạc. Thì người đó khi lâm chung sẽ chiêm bao thấy Phật A-di-đà và cũng được vãng sanh”. (hạ bối vãng sanh, phẩm 24, kinh Vô-Lượng-Thọ). Chỉ cần chuyên cần, thật thà niệm Nam-mô A-di-đà Phật và cầu về Tây-phương Tịnh-độ thì được về với Phật. Phật không đòi hỏi gì cả, chỉ cần chí thành, không nghi, rồi phát nguyện vãng sanh là đủ. Đơn giản, dễ dàng, rốt ráo, tối thù thắng, chỉ cần một thời gian ngắn trong một đời này thôi con người có thể thực hiện một cuộc hành trình vượt qua hơn mười vạn ức cõi Phật để trở thành vị Bồ-tát Bất-thối, nghĩa là chỉ còn một đời thành Phật, sống tại thế giới Phật. Đoạn kinh trên là nói người tu dở, chưa có công đức gì cả vẫn về với Phật. Còn ta chuyên tâm niệm Phật làm sao không được đi! Chắc chắn như vậy. Thế mà sao không chịu tu?

Thưa cha má, lúc đầu con cũng đâu có tin. Nhưng khi biết được nhiều người họ về với Phật, họ vãng sanh tự nhiên, thoải mái, vui vẻ y hệt như những điều trong kinh Phật nói. Thật là một duyên lành kỳ lạ cho con gặp được Phật đạo và thấy được pháp nhiệm mầu.

Con vừa mới nhận được một quyển sách ở Mỹ gởi tặng, con sẽ gởi về cha má coi. Ở đây, những việc vãng sanh như trong sách viết con đã biết quá nhiều. Con đã hiểu tường tận cái lý của nó rồi, cho nên con gởi về cha má, anh chị em, bà con coi. Quyển sách này là ở bên Mỹ họ chụp hình, sưu tập được một số người vừa mới vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới với Phật A-di-đà trong khoảng thời gian 1995-2000. Cha má chờ khoảng một tháng nữa sẽ nhận được. Đây là quyển sách của một người Việt ở Mỹ sưu tập được một số người vãng sanh, chứ thực ra số người thành tâm niệm Phật cầu về Tây-phương được vãng sanh vô số. Con ở đây đang có hai quyển kể chuyện những người vãng sanh, con không đếm được bao nhiêu người trong đó. Nhiều quá không thể nào ghi chép cho hết. Thậm chí, có người chỉ thành tâm niệm Phật có ba ngày thôi cũng có kết quả.

Ví dụ, như cách đây không xa, có một người Hoa ở Mỹ, không phải đạo Phật, bị bệnh ung thư hết chữa được. Nhà rất giàu, gia đình tìm khắp nơi hỏi hễ người nào chữa được thì ông thù lao không cần điều kiện. May mắn gặp được Hội-Tịnh-tông (tức hội niệm Phật), họ khuyên ông ta rằng, giữ cái thân nát bét đó thêm vài ba năm nữa làm gì cho khổ, sao không buông bỏ hết đi, nguyện sanh về Tây-phương với Phật hưởng vô tận vô biên sung sướng có hơn không. Nếu mạng đã tận thì về Cực-lạc, nếu chưa tận tự nhiên hết bệnh.

Ông tin tưởng làm theo, nhờ hội tới hộ niệm giùm luôn hai ngày đêm, ông thấy có Phật tới. Lần đầu tiên ông tả người giống đức Địa-Tạng-Vương Bồ-tát. Họ bảo ông đừng đi, cứ thành tâm tiếp tục niệm Phật. Ngày thứ ba, đức Phật A-di-đà cùng Bồ-tát Quán-Thế-Âm, Thế Chí tới tiếp dẫn. Ông chắp tay cảm ơn và ra đi một cách tự nhiên. Theo kinh Phật mà nói, thì ông đã vãng sanh thành bậc Bồ-tát bất-thối chuyển, và sẽ viên mãn quả Phật tại thế giới Cực-lạc của Phật. Chuyện kể giống hệt như huyền thọai, ai không hiểu đạo nghe thì mắc cười. Nhưng, thưa cha má đó là sự thực. Một sự thật không thể tưởng tượng được. Khoa học một tỉ năm nữa cũng không giải thích được đâu!

Thưa cha má, cơ hội thoát ly khỏi lục đạo luân hồi đang ở trong tầm tay của cha má, của anh chị em, của các con cháu, của tất cả mọi người, bà con, cô bác ở xứ Đông-Lâm, xin đừng để vụt mất. Nếu ai nghe lời con, quyết định phát tâm tin Phật, niệm Phật cầu về Tây-phương. Một đời này, khi lâm chung khỏi phải trở lại làm trâu làm bò, làm người kiếm ăn từng bữa, khỏi phải sợ căn nhà bị mối ăn, khỏi phải ngày đêm lo sầu khổ cực. Đó là sự thực, con không nói ngoa chút nào hết.

Nếu ngộ được đạo, cha má cũng nên khuyên con cháu tin Phật. Nên la rầy người nào còn tự cao ngã mạn, coi thường pháp Phật. Dù họ không tin nhưng cha cũng nói, ít ra một lần, rồi tùy theo duyên lành của họ. Con xin nói thẳng thắn rằng, trí huệ của họ có ai đã đạt được đến tiến sĩ, thạc sĩ gì đâu, thì kiến thức của họ cũng chưa tới đâu mà sao lại dám vỗ ngực xưng tên, lỗ mãng... Trên thế giới nhiều người khoa học gia, tiến sĩ, bác sĩ chức vụ của họ đến chỗ chinh phục thế giới, mà khi ngộ đạo họ bỏ một cái rụp, quyết chí tìm đường vãng sanh thay, huống chi là con cháu mình, một đời loanh quanh trong một chỗ như cái ốc đảo, sự hiểu biết tới đâu, cái thấy tới đâu mà dám cao ngạo? Cái kiến thức cỏn con như ếch ngồi đáy giếng mà dám trịch thượng coi trời như cái vung à?

Cho nên, con thành tâm khuyên tất cả anh chị em hãy mau mau giác ngộ, đừng đứng đó dùng cái trí hạn hẹp của mình mà suy lường cái vi diệu siêu tuyệt của chư Phật mà mang tội khó gỡ nổi! Còn tu thì phải biết minh mẫn, phải biết giựt mình, phải biết thấy rõ giữa liễu-giáo và bất-liễu-giáo, chứ không, thì dễ bị mê trong cái kiến chấp sai lầm mà mất đường giải thoát. Trong kinh Lăng-Nghiêm, Phật nói rằng, trong buổi mạt pháp này, Ma-Vương lộng hành dưới trần thế. Họ tìm mọi cách hay ho, tự xưng là Phật, Thánh, Tiên tùm lum để dụ hoặc cho chúng sanh mất phần về Tây-phương với Phật. Vì con đã hiểu, đã thấy cho nên con rất sợ. Ngày đêm con cầu nguyện chư Phật gia trì cho cha má mau mau thức tỉnh để vững tiến con đường giải thoát.
Con đường đó là niệm Phật, trong bất cứ tình huống nào, bất cứ sự nguy hiểm nào, gặp bất cứ sự cố kinh khủng như thế nào đi nữa, nhất thiết không sợ, cứ một lòng một dạ niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Con xin nói chắc chắn rằng tất cả mọi cảnh giới hung hiểm phải tan biến ngay lập tức. Vững tâm an lành. Trong các kinh A-di-đà, kinh Vô-Lượng-Thọ, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ... Phật nói rằng người nào thành tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật thì được A-di-đà phóng quang nhiếp thọ, được tất cả chư Phật mười phương đồng hộ niệm gia trì. Vì thế, âm thanh A-di-đà Phật đã trở thành một cái siêu thần chú, có sức mạnh có thể đưa một người phàm vượt lên hàng Phật, Thánh. Nếu không nhờ đến câu Phật hiệu, thì thời đại này không cách nào thoát được cái lưới mê đạo đang bủa khắp nơi trên dương trần này đâu. Đó là điều con thấy rõ như ban ngày.

Cho nên, con xin mạnh dạn nói rằng, tu hành mà cứ lý luận rằng, tu là làm hiền, kiếm chút phước báu để đời sau tu tiếp, sống lần lần cho đến kỳ Long-Hoa, thì xin nói thực rằng coi chừng chỉ hết đời này thôi, đời sau nếu không rơi vào ba đường ác, thì cũng khó mà thoát khỏi ma chướng. Xin đọc thư con thật kỹ, đọc cho thực nhiều, kêu gọi anh chị em trong nhà cùng đọc, để giác ngộ người nào hay người đó.

Sẵn dịp con cũng xin mách một điều, là muốn biết cụ thể, người chết thần thức của họ đi về đâu, cha má có thể thử nghiệm liền, coi trong bà con, làng xóm mình có được phước báu hay không, họ chết đi đâu, bằng cách nhớ câu thơ này:

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngã Quỷ.

Bàng sanh Túc hạ hành.

Địa ngục Cước để xuất.

Nóng tại đỉnh đầu là vãng sanh về cõi Phật-Thánh: tuyệt vời, viên mãn Phật đạo; nóng chỗ con mắt thì sanh về cõi Trời: tốt; nóng tại ngực thì sanh làm người: tạm được; nóng tại bụng thì thành Ngã-quỷ: quá xấu; nóng tại đầu gối thành Súc-vật: xấu; nóng tại bàn chân xuống Địa-ngục: xấu tàn tệ.

Viết tới đây thì con vừa nhận được thư em Thứ gởi tới, cho hay tin ông Bảy Long qua đời. Tội nghiệp quá. Cuộc đời thật sự như giấc chiêm bao. Ôi! “Đản niệm vô thường, thận vô phóng dật!” cha má ơi! Ông Bảy tu hành, một đời ăn chay nhưng cuối đời ăn mặn. Em Thứ nó hỏi, như vậy là sao? Sẵn đây con nói sơ một chút, việc ăn chay, ăn mặn không đến nỗi gì lắm. Ông khổ quá, yếu sức thì vậy cũng được. Còn chuyện tu hành, dù rằng ngày con còn ở nhà chưa hiểu đạo Phật, con rất khâm phục ông, tướng mạo như tiên. Khi con biết đạo rồi, giờ suy nghĩ lại cách tu, thì ông tiếng là tu đạo Phật nhưng thực tế ông tu theo pháp Thần Tiên hơn là tu theo Phật, dù rằng ông có thờ Phật. Không biết sau này ông có thay đổi gì không? Con chỉ nói theo những gì còn nhớ lại cách đây mấy chục năm về trước mà thôi. Ông rất thân với ông thầy Bốn ở Chánh-Thạnh là người thờ Thần Tướng.

Theo lời Pháp của Hòa Thượng Tịnh Không, lấy kinh Phật-Đảnh-Thủ-Lăng-Nghiêm ấn chứng, thì đó là Quỷ-Thần-Đạo. Đã liên hệ với Quỷ Thần thì đành chịu vậy thôi! Còn tu Tiên là tu Nhân chứ không có gì khác. Tiên và Nhân cùng một cảnh giới, nhưng tiên thì sống thọ hơn một chút với một ít phép hữu lậu, thế thôi. Trong kinh Phật, thường chỉ có sáu đường luân hồi là: Thiên, Nhơn, A-Tu-La (Quỷ Thần), Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Riêng trong Kinh Phật-Đảnh-Thủ-Lăng-Nghiêm, vì để cho chúng sanh đời sau phân biệt đâu là chánh, đâu là tà, Phật mới nói đến cảnh giới Tiên, thành ra có bảy đường là: Thiên, Tiên, Nhơn, A-tu-la, Súc-Sanh, Ngạ-Quỷ, Địa-ngục.

Cho nên học Phật mà ít học pháp thì dù có tu suốt một đời, lý đạo chưa chắc đã thông! Nói với Thứ, con sẽ viết thư cho em sau. Thứ giỏi lắm đó, đáng khen!

Như vậy, tu theo đạo Tiên Hiền, nghĩa là để làm Tiên, làm người Hiền, thì dù tu có giỏi cho mấy cũng chỉ nóng ở ngực mà thôi, còn tu không giỏi thì hầu hết nóng bụng, nóng đầu gối, nóng bàn chân. Rất khó có người nóng ở mắt, thì còn gì mơ đến đỉnh đầu. Thảm thương quá!

Cũng xin nhắc nhở rằng, nếu thâm hiểu đạo thì chỉ nhìn cũng biết. Tốt nhất là thành tâm niệm Phật hộ niệm chứ đừng nên thử, vì trong vòng tám tiếng đồng hồ, thần thức vẫn còn cảm nhận. Nếu họ đang ứng cảm cảnh giới tốt, mình làm họ đau, tâm họ sân nộ, trong nháy mắt có thể bị đọa liền. Tội nghiệp lắm!.

Thôi, con xin ngừng. Qua nhiều thư từ, chắc cha má hiểu được lòng con. Mong cha má hiểu thấu lẽ đạo, xa lánh lối đời, nhất hướng chuyên niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Bí quyết thành Phật đang ở trong tay, chỉ cần nắm giữ, bước là tới. Khoảng cách giữa cha má với chư Phật chỉ cách nhau có một niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” mà thôi. Đừng nên chần chờ, lỡ vụt mất rồi “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.

(Viết xong, Úc Châu ngày 27/3/2001).