Cha Má kính thương, (thư này tiếp theo
thư ngày 5/6/2001)
Vì khai triển về ý nghĩa hai mươi chữ trên
tượng đức Phật A-di-đà quá rộng, ở đây con cố gắng thâu tóm lại ngắn gọn. Một
người tu Phật nếu hiểu được hai mươi chữ này thôi cũng đủ đắc đạo vãng sanh.
Một đời tu hành của Hòa-Thượng Tịnh-Không, đến nay đã bốn mươi hai năm thuyết kinh
giảng đạo, tóm lược trong hai mươi chữ này với câu Phật hiệu A-di-đà. Hàng
triệu người khắp nơi trên thế giới ngày đêm tinh tấn tu hành và từng người từng
người giải thoát khỏi tam giới, khỏi lục đạo luân hồi, vãng sanh Tây-phương
cũng từ pháp tu Niệm Phật đó cha má ạ.
Chân-Thành, Thanh-Tịnh, Bình-Đẳng,
Chánh-Giác, Từ-Bi.
Khán-Phá, Phóng-Hạ, Tự-Tại, Tùy-Duyên,
Niệm-Phật.
Khởi đầu là “Chân-Thành”, kết thúc là
“Niệm-Phật”. “Chân Thành Niệm Phật” là pháp môn thành Phật. “Niệm-Phật” thật
“Chân-Thành” thì chỉ trong một đời này thôi ta sẽ vĩnh viễn thoát ly bể khổ
sinh tử, luân hồi, nghiệp báo. Không niệm Phật không thể thành Phật được! Chữ
đầu và chữ cuối đã thâu tóm cả một pháp môn thành Phật tối vi diệu, bằng một sự
hành trì rất đơn giản, dễ dàng, ai ai cũng có thể tu trì được, ai ai cũng thoát
khỏi tam giới vô an này được. Đó là, chỉ cần Thành Tâm Niệm A-di-đà Phật là đầy
đủ tất cả.
Còn nếu ta xét về chữ đối chữ thì ý nghĩa
cũng hay vô cùng. Hễ có lòng Chân-Thành thì tương ưng với Phật quang, giúp trí
huệ phát sinh làm cho ta nhận thức rõ ràng chân tướng vũ trụ nhân sinh, không
còn mù mờ như trước đây nữa. Cho nên “Chân-Thành” thì được “Khán-Phá” (tức là
hiểu biết), mà đã hiểu biết rồi thì chắc chắn ai cũng cần Chân-Thành niệm Phật
để được thành Phật. Rõ ràng, ai hiểu thấu lý đạo thì phải niệm Phật. Niệm Phật
là niệm Giác, Giác là trí huệ, trí huệ thì hiểu thấu rõ chân lý của nhân sinh
vũ trụ.
Còn “Thanh-Tịnh” nhờ đâu? Nhờ biết
“Phóng-Hạ”, tức là buông xả tất cả. Hễ buông xả càng nhiều càng bớt lo lắng,
mọi sự coi như không thì tự nhiên được Thanh-Tịnh. Tâm càng Thanh-Tịnh thì thúc
đẩy ta tiếp tục buông xả hơn nữa. Đường thành Phật càng ngày càng gần. Muốn
được về với Phật hưởng cuộc đời vô sanh vô tử, vĩnh viễn an vui, không có sự
khổ mà bây giờ còn quyến luyến đủ thứ, nào là: nhà cửa, vợ chồng, con cái, từ
đường, tiếng tăm, ruộng vườn, v.v... thì làm sao mà đi cho được, thì niệm Phật
sao cho “Chân-Thành”! Cho nên có “Buông-Xả” thì được “Thanh-Tịnh”. Thanh-Tịnh
được là nhờ Buông-Xả. Đọc xuôi đọc ngược, đọc ngang, đọc dọc… nó đều bổ nghĩa
cho nhau. Thật là hay! Thật là kỳ diệu! Thật là lý thú! Hai mươi chữ trên đây
nếu hiểu cho thấu, “Khán-Phá” cho cùng lý thì cũng đủ ngộ được đạo lý rồi.
Thế nhưng đâu dễ gì mà hiểu thấu! Có lúc vì
bận bịu, vì mê muội, không đủ trí tuệ! Cũng có lúc con người không muốn hiểu,
vì hiểu thì họ sẽ mất cái quyền lợi ở thế gian này đi?!... Chính vì thế mà hàng
chục lá thư con gởi về cha má cũng chỉ cầu xin sao cha má hiểu cho thấu cái lý
đạo xuất thế. Vì không dễ cho nên thế gian này hàng sáu tỉ người, mà đếm được
mấy ai chân chính tu hành. Đường thành Phật do chính đức Thích-ca Mâu-ni nói ra
cách đây gần ba ngàn năm rồi, mà mấy ai được phần giải thoát.
Tu hành lòng vòng biết bao nhiêu kiếp rồi
mới sinh được làm người, như vậy được thân người là khó. Được thân người mà gặp
được Phật pháp lại càng khó hơn. Gặp được Phật pháp mà biết pháp môn Niệm-Phật
thì vô cùng hy hữu! Chỉ có những người đại thiện-căn, phúc-đức, nhân-duyên may
ra mới gặp được! Cha má thử nghĩ, có người suốt đời thờ Phật, trường trai gần
suốt cuộc đời, mà cũng chưa chắc có dịp niệm được tiếng Phật hiệu để ra đi. Cả
cái làng Đông-Lâm, cả cái xã Nhơn-lộc, nói luôn đến cả nước Việt-Nam, cho đến
cả quả địa cầu này, đếm thử mấy người nghe được tiếng Phật hiệu và tin tưởng
làm theo? Cho nên người cất tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” thật sự không phải
là chuyện thường đâu! Trong khi đó chính cha má lại được con nhắc nhở, thiết
tha từng lời từng câu, giải nói, vạch rõ từng chi tiết một. Rõ ràng cha má đã
có cái thiện-căn phước-đức và duyên lành rất lớn mà không hay. Nếu cha má vô ý
để nó rơi mất đi rồi biết bao giờ mới gặp lại?
Cho nên, trăm ngàn lần xin cha má phải hiểu
cho thấu, hiểu cho tận đáy tâm linh. Nếu không, khó mà buông xả được, mà không
buông xả được là tự mình trói buộc huệ mạng của mình vào cảnh cùng khổ, bi thảm
từ kiếp này qua kiếp khác khó cứu nổi. Đời này hay hoặc dở là nhờ cái phước
những đời trước. Tương lai mạng của mình tốt hay xấu là nhờ vào sự hiểu biết
chân đế của đạo xuất thế gian. Hễ ngộ được lý đạo rồi thì buông xả dễ dàng để
thành Phật. Sự “Buông-Xả” có lẽ cũng chính là điều cha má đang lưỡng lự, lấn
cấn nhứt, cho nên tuổi đời đã xế chiều mà còn chần chừ chưa chịu hạ thủ công
phu niệm Phật. Thấy vậy nên con vừa viết, vừa khuyên, vừa cầu Phật gia hộ cho cha
má sớm thức tỉnh, vì chỉ có thức tỉnh mới phát tâm tìm đường giải thoát, thì sự
giải thoát mới có phần. Thế gian này có mấy ai hưởng được cái phước báu vĩ đại
này, thưa cha má?!
Điều khó thứ nhất là chưa hiểu được cái khổ
của thế giới Ta-bà, cái sướng của thế giới Cực-lạc. Thế giới Ta-bà này quá khổ,
cái gì cũng khổ, tứ khổ, bát khổ, bao nhiêu nghiệp khổ nó quay ta muốn điên
đầu, loạn óc. Cha má nghĩ thử coi, từ nhỏ đến tuổi già xét lại đã có gì thực sự
sung sướng chưa? Sống trong cảnh nhà quê, chiến tranh, giặc giã liên miên, đêm
nằm lang thang khắp chốn, ruộng vườn lo lắng từng bữa nắng, bữa mưa... Có gì
sung sướng đâu? Gia đình mình tương đối giàu có mà còn vậy, huống chi biết bao
người hiện giờ tìm từng miếng cháo lót lòng không có. Tới các xứ Châu-Phi mà
xem, con người nằm chết đói đầy đường. Bên cạnh xác của người thân chết là thân
nhân của họ đang nhìn xác người thân mà đành nằm chờ chết theo!
Khổ ghê lắm cha má ơi! Khổ kinh khủng lắm chứ có sướng gì đâu! Sống lên trong
một thế giới hận thù nhiều hơn tình thương, giành giựt thay cho lòng bác ái.
Từng người, từng người qua mấy chục năm bù đầu kiếm ăn, sau cùng chui xuống mồ
hoang, sự nghiệp tự phủi sạch sành sanh, một cắc cũng không mang theo được, lại
còn âm thầm theo nghiệp thọ báo.
Thật là quá khổ! Ấy vậy mà ít ai chú ý tới.
Người giàu có, quyền quý, tiền bạc nhiều, thế lực nhiều, họ không tin điều này
thì kệ họ đi, đó chỉ là cái phước báu lưu lại từ đời kiếp trước thì họ được
quyền hưởng! Còn người nghèo xác xơ, tìm ăn từng ngày, từng bữa chảy mồ hôi
hột, mà cũng không tin thế giới này khổ ải thì quả thật là tội nghiệp! Ở thế
gian này người ta vừa mới có cái nhà lớn một chút là tưởng mình sướng, ngồi lên
máy bay được tưởng là mình ngon lành. Thực tế những thứ này so với cảnh giới
Tây-phương đâu có nghĩa lý gì!
Con xin kể ra đây cho cha má nghe câu chuyện
một nhà sư được đức Quán-Thế-Âm cho qua thăm thế giới Cực-ạc. Ngài Khoan-Tịnh,
một vị Thiền sư ở Trung-quốc, Ngài bắt đầu đi vào ngày 25 tháng mười âm lịch
năm 1967, và về ngày 8 tháng tư âm lịch năm 1973. Thời gian Ngài đi tất cả là
sáu năm, năm tháng. Ngài Khoan-Tịnh là huynh đệ với Hòa-Thượng Tuyên-Hoá, hai
vị là đệ tử của lão Pháp-Sư Hư-Vân, thuộc phái Thiền Quy-Ngưỡng. Ngài Hư-Vân
tịch khoảng 1959. Ngài Tuyên-Hoá là người được truyền thừa bổn môn, tịch năm
1995 tại Hoa-Kỳ. Ngài xây dựng được Vạn-Phật-Thánh-Thành lớn hơn 400 mẫu tây ở
Mỹ.
Ngài Khoan-Tịnh tu ở Động Di-Lặc, núi
Cửu-Tiên, xã Thượng-Dõng, huyện Đức-Hoá, tỉnh Phúc-Kiến. Một ngày nọ, 25 tháng
mười Âm Lịch (1967), Ngài đang ngồi thiền bỗng nhiên biến mất. Đệ tử tìm kiếm
khắp nơi, nhờ luôn chính quyền địa phương tìm, nhưng bặt nhiên mất tích. Thực
ra trong suốt thời gian đó, nhục thể của Ngài vẫn ngồi tại chỗ mà không ai thấy
được, còn chính Ngài đã được Bồ-tát Quán-Thế-Âm mời đi chơi Tây-phương. Khi trở
về, tức hơn sáu năm sau, từ trong thất Ngài bước ra cửa, tất cả mọi người thất
kinh hồn vía. Ngài kể lại chuyện Tây-phương vào tháng tư, năm 1987 tại núi Nam
Phổ Đà Singapore (Tân-Gia-Ba) và được ông Lư-Thế-Hoa ghi lại và lấy tựa đề là
“Tây-phương Cực-lạc Thế-giới Du Ký”. Đây là chuyện dựa theo lời kể lại của
Ngài, rất dài, con chỉ kể đại lược vài chỗ để cha má biết vài điểm trên thế
giới Tây-phương mà thôi.
Thế giới Tây-phương Cực-lạc cách đây hơn
mười vạn ức cõi Phật độ, (mười vạn ức cỡ mười tỉ thế giới Phật). Nếu tính theo
khoa học ngày nay, từ quả đất này mà bay tới Tây-phương Cực-lạc theo tốc độ của
ánh sáng (ba trăm ngàn cây số một giây), thì phải mất cả hàng trăm kiếp mới
tới, (kiếp chứ không phải đời). Một khoảng cách xa kinh khủng như vậy mà với
một niệm, người trên thế giới Cực-lạc họ tới quả đất trong một nháy mắt, họ trở
lại Tây-phương cũng trong nháy mắt. Nghĩ thử coi cái máy bay của người thế tục
chúng ta bay được vài ngàn cây số trong một giờ có nghĩa lý gì!
Nói về nhà cửa, ở Tây-phương mọi người đều
sinh từ trong hoa sen ở ao Thất-Bảo. Hoa sen đó là nhà của ta luôn. Hoa sen lớn
hay nhỏ tùy theo công phu tu tập của ta. Trên hoa sen ta muốn lập thành nhà
lầu, cung điện, vườn hoa, kiểng cảnh gì đó tùy theo ý muốn. Hễ muốn như thế nào
nó hiện ra đúng như vậy, khỏi cần xây cất gì cả. Trong kinh nói, khi một người
ở thế giới khác bắt đầu phát tâm niệm Phật thì ngay lúc đó ở ao Thất-Bảo mọc
lên một hoa Sen. Nếu mình tinh tấn niệm Phật thì hoa sen lớn dần. Nếu mình
không niêm nữa thì hoa sen đó héo lần và có thể tàn luôn. Như vậy tất cả mọi
người, hễ ai có niệm Phật đều có phần về Tây-phương. Có người niệm Phật nhưng
không chịu xin về đó, thì hoa sen cứ đứng khơi khơi, nếu một mai mình sa đọa
thì hoa sen tàn luôn, mình mất phần giải thoát.
Có người nghĩ, ở thế gian này mình có nhà
cửa hẳn hoi, ấm cúng, lên Tây-phương ngồi chóc ngóc trong hoa sen nhỏ xíu làm
sao chịu được? Không phải vậy đâu. Kinh A-di-đà, Phật nói, “trì trung liên hoa
đại như xa luân”, (liên hoa trong ao lớn như bánh xe), đường kính của nó tối
thiểu cũng bốn mươi dặm. Đây là hoa sen cho Phẩm Hạ Sanh. Một dặm lý là chiều
dài mút tầm mắt, nếu tính theo cách đo lường ngày nay thì dài một ngàn năm trăm
sáu mươi hai (1562) mét, như vậy hoa sen nhỏ nhất ở cõi Cực-lạc cũng có đường kính
trên sáu mươi cây số, nghĩa là cỡ bằng hai tỉnh Bình-Định và Pleiku cộng lại.
Hoa sen của hàng Trung Phẩm lớn cỡ tám trăm đến chín trăm dặm, tức là cỡ một
ngàn bốn trăm (1.400) cây số. Lên đến Thượng Phẩm, có hoa sen nó lớn không còn
tính được đường kính. Hãy tưởng tượng nước Việt-Nam từ Nam chí Bắc dài
một ngàn hai trăm cây số. Như vậy một hoa sen hàng trung phẩm thôi nó đã bao
trùm cả nước Việt-Nam rồi. Còn hoa sen của chư vị Thượng Phẩm thì nước Việt-Nam
chỉ bằng một điểm nhỏ trong hoa sen mà thôi. Cái hoa sen lớn như vậy thì con
người ở đó cũng lớn vô cùng mới tương xứng, mới ở được trên hoa sen. Lớn bao
nhiêu? Ngài Khoan-Tịnh kể:
- Bồ-tát Quán-Thế-Âm nói với tôi: “Đến rồi
đó, chúng ta đã đến trung tâm điểm của thế giới Tây-phương Cực-lạc rồi, ông có
thấy không? Đức Phật A-di-đà ở ngay trước mặt ông đó!
- Tôi ngạc nhiên: “Thưa Bồ-tát, con không
thấy, ở đây là vách núi vàng ròng kia mà, che hết tầm nhìn rồi, con có thấy đức
Phật ở đây đâu?”.
- Không có vách núi gì đâu, ông đang ở trước
ngón chân cái của đức Phật A-di-đà đó.
Ngón chân cái của đức Phật A-di-đà mà đã to
sừng sững như vách núi, thì toàn thân đức Phật A-di-đà sẽ lớn đến cỡ nào? Thân
thể con người thế gian này đem so sánh với thân Phật, có khác gì như con kiến
hôi so với con người đâu. Trong nhà Phật có bài tán thán Phật trước thời công
phu như vầy:
A-di-đà Phật thân kim sắc. Tướng hảo quang
minh vô đẳng luân. Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-di. Cám mục trừng thanh tứ đại
hải. Quang trung hoá Phật vô số ức. Hoá Bồ-tát chúng diệc vô biên. Tứ thập bát
nguyện độ chúng sanh. Cửu Phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn. Nam-mô Tây-phương Cực-lạc
Thế-giới Đại-từ Đại-bi A-di-đà Phật.
Nghĩa là thân của Phật A-di-đà có sắc vàng
kim, tướng Phật đẹp và phát quang minh không gì có thể sánh bằng. Sợi lông
trắng giữa hai chân mày của Phật uốn cong như năm ngọn núi Tu-Di. Ánh mắt xanh
biếc của Phật lớn bằng bốn biển lớn... Đây là kinh Phật nói, nếu không có như
vậy Phật nào nói chơi. Hãy tưởng tượng sợi lông của Phật A-di-đà đã to bằng năm
ngọn núi Tu-Di, ánh mắt của Ngài lớn như bốn cái biển lớn thì thân thể của Phật
sẽ tính làm sao cho xuể. Cho nên Ngài Khoan-Tịnh đứng dưới ngón chân cái của
Phật chỉ thấy một vách núi cao sừng sững thì có gì gọi là lạ đâu!
Rất nhiều người tu Phật, họ tụng kinh thuộc
lòng nhưng không để ý, nhiều khi hiểu đại khái, thậm chí có người tưởng rằng
đây là lời phóng đại cho oai chứ không có. Chính vì lòng tin không vững mà công
phu tu hành khổ cực cũng chỉ để kết chút duyên thôi, chứ cơ giải thoát vẫn còn
xa tít mù xa.
Giới luật của Phật đưa ra là cấm vọng ngữ,
chẳng lẽ Phật lại nói lời vọng ngữ sao? Chỉ vì cái cảnh giới chư Phật quá thù
thắng, quá siêu tuyệt, quá trang nghiêm, vượt ngoài sự suy tư bình thường của
người thế gian, làm cho con người ta không thể nào hiểu tới. Nếu bây giờ ta cứ
đem cái kiến thức khoa học thế gian quá nhỏ bé này ra để lý luận, thì vô lượng
kiếp vẫn không bao giờ hiểu được Phật. Cái dại của chúng ta là sự cố chấp, tự
cao, ngã mạn một cách khờ khạo, cho nên ngàn đời vạn kiếp không thoát nổi trần
lao.
Cái thấy cái biết của chúng ta so với Phật
có khác gì cái nhìn của loài kiến so với con người. Cái tầm mắt của con kiến
hôi chỉ giới hạn trong vòng một phân, xa hơn nữa nó không thấy gì cả. Ấy thế mà
chúng vẫn chấp rằng mình là ngon lành nhất, oai vệ nhất, không ai bằng. Giả sử có
người tới nói với chúng rằng một ngàn cái thân kiến của tụi bay cũng không bằng
cái đầu ngón tay út của ta, chắc chắn chúng không tin, không bao giờ lãnh hội.
Chỉ vì cái chấp trước quá lớn mà ngàn đời vạn kiếp con kiến vẫn là con kiến,
không chuyển hóa được. Kiến thức con người so với Phật có khác gì hơn!
Về Thọ mạng, thì con người ở Tây-phương thọ
mạng vô lượng, nghĩa là một sanh không còn bị chết nữa. Kinh Phật nói, “Ngã tác
Phật thời thọ mạng vô lượng, quốc trung Thanh-Văn, Thiên, Nhân vô số, thọ mạng
diệc giai vô lượng” (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 6, Ng.15). Trong tất cả các cõi Phật,
đâu có mấy thế giới mà con người thọ mạng vô cùng vô tận như Cực-lạc Thế-giới?
Chính vì thế mà A-di-đà Phật còn được gọi là Vô-Lượng-Thọ Phật. Con người vãng
sanh về đó chỉ có an lạc đến vô chung để tu hành thành Phật, cho nên một người
vãng sanh về đó thì là “một đời thành Phật”. Đứng trên thời gian vô lượng nhìn
xuống kiếp người thế gian này, bảy mươi, tám mươi năm đâu có nghĩa lý gì!
Con người ở thế gian này chỉ tồn tại trong
một khoảnh khắc so với thế giới Tây-phương Cực-lạc mà thôi, vậy mà tranh giành,
lo lắng, giết chóc, đấu tranh, sầu khổ, ương ngạnh, hỗn hào, không chịu nghe
lời Phật để về với Phật. Vì không tin Phật cho nên đời này qua đời khác, ông
bà, cha mẹ, con cháu cứ kéo nhau đâm đầu vào hầm lửa. Dưới Phật nhãn, đúng là
hành động như loài thiêu thân! Con thiêu thân ngu si cũng có khác gì con kiến!
Con người không tin thọ mạng vô lượng ở Tây-phương Cực-lạc thì có khác gì hơn
loài thiêu thân! Mạng sống của chúng, chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, so với con
người thì như một giấc ngủ trưa? Ấy thế mà mình nói với nó rằng, cái thọ mạng
phù du của các ngươi chỉ bằng một giờ ta sống mà thôi, làm sao chúng nó tin!...
Vài chứng minh khác, trong kinh Phật nói cõi
Tây-phương, “Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ-đề thụ, cao tứ bá vạn lý, kỳ bổn chu vi
ngũ thiên do tuần” (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 15). “Quốc trung vô lượng sắc thụ cao
hoặc bá thiên do tuần. Đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý”, (Vô-Lượng-Thọ, Phẩm 6,
N.40). Một do tuần dài cỡ ba mươi dặm. Một cái cây trên thế giới Cực-lạc cao
bốn trăm vạn dặm. Hãy tưởng tượng nếu cây đó mọc ở quả đất này thì ngọn của nó
cao hơn mặt trăng. Chu vi năm ngàn do tuần,
nghĩa là cỡ hai trăm hai mươi lăm ngàn cây số. Chu
vi của quả địa cầu cỡ bốn mươi ngàn cây số. Như vậy, gốc cây trên thế giới
Cực-lạc lớn hơn trái đất cỡ năm lần. Hiểu được như vậy ta mới thấy sự hùng vĩ,
trang nghiêm của Cực-lạc đến mức không thể tưởng tượng được. Đúng là bất khả tư
nghị!
Thưa cha má, nhìn ngay vào cái thế giới này,
nếu suy nghĩ một chút mình cũng thấy những cảnh giới trái ngược lạ lùng, đầy
ngạc nhiên chứ cần chi nói đến Cực-lạc của Phật A-di-đà. Có những thứ bẩn thỉu
con người bỏ ra không dám nhìn tới, thì loài heo nó lại thích, nó sẵn sàng sống
chết với nhau để giành cho được. Những thứ ở đời này con người ham thích, tranh
đấu sống chết để giành giựt phải chăng là những đồ mà chư Phật xa lánh không
dám gần. Con kiến, nếu không chịu xếp cái càng lại, cứ việc tự kiêu, ngã mạn
thì ngàn đời vạn kiếp vẫn là loài kiến. Con heo, vì không lo chuyện trí huệ cứ
việc đi tranh mấy thứ phế thải cho nên ngàn kiếp khó có ngày thoát hóa kiếp
heo. Con người nếu còn chấp trước, tự cho mình là thông minh trí huệ, là chí
linh của vũ trụ vạn loài, dám vỗ ngực tự xưng ngang hàng với trời đất, còn tham
luyến trần gian, thì hầm lửa đang chờ phía trước, làm sao mơ được ngày giải
thoát!...
Như vậy, muốn tu thành Phật mà những trói
buộc của thế gian cứ đeo đẳng bên lòng, thì làm sao có ngày thấy Phật. Tất cả
những vinh hoa phú quý, tiếng tăm xưng tụng, môn đăng hộ đối, giai cấp trên đời
này nó đang làm mờ cái chơn tâm của mình, nó bịt kín đường về cõi Tịnh, nó dẫn
dắt mình xuống cái hầm nhơ tội lỗi và khổ đau của ác đạo.
Cho nên, càng tham luyến trần tục, càng xa
lìa bờ Giác. Còn mong mỏi sự nghiệp thế gian, còn lưu luyến thế thái nhân
tình... là tự mình lập nguyện ở lại trong lục đạo luân hồi để chịu khổ, dứt
khoát không thể thoát nạn. Chư Phật thấy vậy chỉ buông tiếng thở dài chứ làm
sao cứu được mình đây?!
Trong bài giảng “Thành-Phật-chi-đạo”,
Hòa-Thượng Tịnh-Không cho biết trong năm 2001, cách đây mấy tháng ở Singapore
có cụ Trần-Quang-Việt vừa mới vãng sanh. Cụ thọ tám mươi sáu tuổi, niệm Phật
bốn năm đã được “nhất tâm bất loạn!”. Năm tám mươi ba, cụ bị già yếu đi không
nổi, người ta khuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Cụ tin theo và quyết chí tu
hành. Hai năm sau đức Phật Di-Đà hiện ra thọ ký. Cụ năn nỉ Phật cho được vãng
sanh sớm, Phật bảo cụ hãy ở lại thêm hai năm nữa để hỗ trợ cho đạo tràng của cư
sĩ Lâm tại Singapore.
Ba tháng trước khi vãng sanh cụ đã biết rõ ngày giờ ra đi và thông báo cho mọi
người biết. Trước ngày vãng sanh, cụ còn ngồi trên xe lăn đến đạo tràng để tham
dự phiên họp tổ chức ban trị sự. Họp xong, vài tháng sau cụ vãng sanh. Công phu
tu tập bốn năm, ngày tám tiếng nghe băng giảng kinh của Hòa-Thượng rồi niệm
Phật. Một thời gian rất ngắn viên thành Phật đạo.
Thưa cha má, có đạo nào cao hơn Phật đạo? Có
pháp môn nào vi diệu hơn pháp Niệm Phật? Cụ Trần-Quang-Việt viên thành Phật đạo
là nhờ cái duyên được người ta khuyên lúc tuổi già. Cha má đã có cái duyên được
con khuyên nhắc, đâu có thua gì cụ đó, ấy là phước đức rất lớn của cha má mà
cha má không hay!
Hãy niệm Phật liền đi cha má. Hãy buông bỏ
tất cả để về với Phật. Từ hồi giờ mình không biết nên mang cái nghiệp lên vai,
bây giờ phải buông xuống, phải bỏ đi, phải biết liệng cái nhà đi cho con nó làm
gì làm, liệng cái chức thân hào nhân sĩ, liệng cái tiếng thị phi đi. Phải liệng
hết để niệm Phật cứu đời mình. Đi, đứng, nằm, ngồi... không rời tiếng A-di-đà
Phật trong tâm. Dùng cái “máy bấm số” con gởi về để lập công cứ, quyết tâm
không để sụt xuống. Đêm nằm còn thức còn niệm. Hít vào: “A-di-đà Phật”; thở ra:
“A-di-đà Phật”. Một lòng xin về Tây-phương, bảo đảm chắc chắc cha má sẽ được
vãng sanh.
Cha Má ơi, hãy quyết tâm lập nguyện đi: còn
một hơi thở còn niệm câu: “A-di-đà Phật”.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 15/6/2001).