Cha má kính thương,
Con vừa mới hay được tin là em Chương, con
cô Sáu ở Bình-Dương, thay mặt Cô Sáu cùng tất cả anh chị em trong gia đình,
xuống Sài-Gòn gặp An để bàn việc cấp dưỡng cho cha má để cha má an tâm tu hành.
Nghe được tin này, con vô cùng cảm động và thật sự tán thán công đức của Cô và
tất cả các em. Có lẽ đây là niềm an ủi rất lớn cho cha má trong tuổi về già.
Hay được việc các em ở Bình-Dương đã phát tâm cúng dường cho cậu mợ Hai an tâm
niệm Phật, con lại nghĩ đến một điều khá hay!
Trong thư trước, con nói đến “Phật tại môn
trung, hữu cầu tất ứng”. Con viết vừa xong thư đó thì thì hay được tin này. Sự
ứng cảm của Phật, Bồ-tát đa hình, đa dạng, vô hình, hữu hình, hiện thực, vô
thực... khó có thể lường biết được. Đây là một phước đức mà chỉ có người thực
tâm tu hành mới cảm thọ được. Thưa cha má, cái phước từ đâu mà có? Từ câu Phật
hiệu mà có. Chư Tổ dạy rằng, một lòng nhất tâm niệm Phật, thì một câu Nam-mô
A-di-đà Phật có thể phá được tám mươi ức kiếp nghiệp chướng trọng tội. Nói cách
khác, một câu chí tâm niệm Phật có một công đức, phước báu, lớn bằng tám mươi
ức kiếp làm lành. Đây là một công đức mà chư Phật gọi là “bất khả tư nghì”,
nghĩa là không thể bàn luận được, không thể giải thích được. Ngài Phổ-Hiền
Bồ-tát, trong kinh Niệm-Phật-Ba-La-Mật nói, “Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật vốn đầy
đủ vô lượng, vô biên, hằng sa công đức...”. Trong nhiều kinh điển, Phật nói
danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật là “Vạn đức hồng danh”. Đã gọi là vô lượng vô
biên rồi thì nó không có giới hạn. Đã không có giới hạn thì làm sao mà giải
thích. Chư Phật, chư Bồ-tát đều tán thán như vậy, trong khi con người vốn đã
thiếu phước đức mà không tin lời Phật dạy thì bao giờ mới có phần thiện lợi.
Người niệm Phật có hai mươi lăm vị Bồ-tát
ngày đêm hộ trì. Các vị Bồ-tát hộ trì người niệm Phật từ ngày phát tâm cho đến
ngày vãng sanh bất thối thành Phật, nếu sự phát tâm này không thối chuyển. Một
khi các Ngài đã gia trì thì người niệm Phật tự nhiên thấy vạn sự chung quanh
hình như có một sự sắp đặt ổn thỏa, thuận lợi mà mình không hay biết. Chính vì
đạo lý này cho nên con mới dám mạnh dạn khuyên cha má cứ phát tâm niệm Phật đi,
còn tất cả mọi chuyện hãy để Phật A-di-đà lo liệu. Người có phước đức thì giữ
vững lòng tin, thẳng đường tiến bước mà thành đạt đạo quả. Người nào kém phước
đức thì cứ chạy lòng vòng, lộn xộn theo sự thường tình của thế tục, tự lấy sự
mê vọng gói kín huệ mạng của mình rồi lăn vào lò lửa. Giải thoát hay đọa lạc
thực sự là có biết đón nhận sự gia trì của Bồ-tát hay không.
Bồ-tát ở đâu? Xin thưa, ở bất cứ mọi nơi mọi
chốn, vô hình hữu hình, người thân kẻ lạ, người xa kẻ gần... Trong bài kệ tán
thán A-di-đà Phật có câu: “Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ-tát chúng diệc
vô biên”. Trong ánh sáng của Phật hóa ra vô số Phật để tiếp dẫn chúng sanh,
cũng trong ánh sáng đó lại hóa ra vô số vô biên Bồ-tát để bảo hộ người niệm
Phật an toàn cho đến ngày gặp được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây-phương. Như
vậy, người niệm Phật đâu phải chỉ có hai mươi lăm vị Bồ-tát bảo vệ, mà được vô
số Bồ-tát bảo vệ mà mình không hay.
Bồ-tát sao mà nhiều vậy? Nếu thực tâm niệm
Phật thì một ngày nào đó cha má sẽ hiểu thấu suốt vấn đề này, giờ đây hãy nhìn
thẳng vào hiện tượng thực tế chung quanh để lý giải phần nào. Bồ-tát thì bảo
hộ, oan gia thì phá hoại, tất cả đang diễn ra hằng ngày. Người không tu Phật
đạo thì con cái, gia đình, vợ chồng, người thân, hàng xóm... đều trở thành oan
gia trái chủ. Người có học Phật, hiểu đạo, thì tất cả oan gia, trái chủ đều có
thể trở thành những vị có tâm Bồ-tát hộ pháp cho mình. Đây là sự thật.
Phật dạy, “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng
sanh”, hiện tượng xảy ra chung quanh chính là cái gương phản chiếu những gì
chúng ta đang làm. Nếu cái tâm biết tu hành thì hoàn cảnh chung quanh sẽ là đạo
tràng tu tập. Ngược lại, nếu cái tâm tham đắm trần tục thì hoàn cảnh chung
quanh là một trường thị phi, tranh đấu không ngừng. Cái tâm niệm Phật thì người
chung quanh là Bồ-tát hộ pháp, cái tâm phàm phu thì người chung quanh sẽ là kẻ
ác hiểm, siểm ngụy. Hoàn cảnh, môi trường, tâm thái con người, sự sinh hoạt
chung quanh... đều hình thành giống như những gì trong tâm của mình đang nghĩ
tưởng tới mà thôi.
Điều này mới nói thì nghe mơ hồ, viển vông,
nhưng nếu quán xét thật kỹ thì chúng ta mới thấy chí lý. Ví dụ, người hiền thì
được nhiều người hiền tiếp cận, gọi là “Đồng khí tương cầu” người ác tự động
lánh xa. Người ác thì chỉ tụ tập với người ác, gọi là “Đồng ác tương đảng”,
người hiền lương họ tự động tránh xa. Cùng chung một môi trường nhưng có nhiều
cảnh giới khác nhau, người ưa ăn nhậu thì kết bạn với giới nhậu nhẹt, cả ngày
say sưa, nói năng xô bồ, bất chấp tôn ti, thượng hạ. Người tu đạo thì kết bạn
với hàng tu nhân, lo trau dồi trí đức, sống cuộc đời an nhiên tự tại, tâm thái
an vui, thanh tịnh.
Cho nên, cảnh giới sống là sự hình thành bởi
chính cái tâm địa của mình. Cùng trong một môi trường nhưng hoàn cảnh xấu hay
tốt tùy theo chính cái tâm của người đó, xấu thì sống với cảnh giới xấu, tốt
thì sống trong cảnh giới tốt. Phật dạy, tất cả vạn sự vạn vật đều do tâm tưởng
hiển hiện ra, gọi là “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Đây rõ ràng là sự
thật chứ đâu có gì là viển vông. Từ sinh hoạt gần gũi như xã hội, đời sống, tâm
lý... cho đến sơn hà, đại địa, vũ trụ, hư không, pháp giới... cũng cùng một đạo
lý. Vì tâm trí của con người quá nhỏ hẹp nên không nhìn thấy thấu mà thôi!
Vì sao người không biết đạo thì tất cả người
thân kẻ sơ, người thương kẻ ghét, con cháu trong gia đình... đều sẽ trở thành
oan gia trái chu? Vì họ đang sống để chờ một ngày nào đó, khi mình lâm chung,
sẽ nhận mình vào tam đồ ác đạo, nhất là người thân yêu. Cái nguyên nhân chính
là vì không hiểu đạo, không biết cách cứu độ, chỉ biết những hành động đày đọa
người mình thương. Ví dụ, lúc người thân đang lâm chung thì kêu réo, khóc than,
níu kéo, gây đau đớn, không nỡ để người thân an lành ra đi... Họ có giữ được
chăng? Nhưng kết quả của những hành động này chỉ là đem “Oan hồn” người thân
yêu của mình ném vào cảnh giới khổ hải mà không hay! Thê thảm thay, càng thương
yêu thì càng khóc lớn, càng quý mến thì càng kéo níu mạnh, càng thân thiết thì
càng gây đau đớn nhiều!... Một ngàn người trên thế gian, có lẽ có tới chín trăm
chín mươi chín người lúc lâm chung bị cái tai họa này. Có nơi, người thân mới
tắt hơi, thần thức đang chới với chưa biết nghĩ sao, thì đã chịu cái nạn bị
liệng vào nhà xác, bị bác sĩ mổ banh ruột ra để khám nghiệm, bị cột chân cột tay
cho dễ tẩm liệm...
Kết quả của hành động phũ phàng này làm cho
người ra đi quá buồn tủi, hoặc bị hành xác quá đau đớn làm cho tâm nổi sân giận
đến cực độ, kết quả là thần thức bị chiêu cảm thẳng vào địa ngục. Thế gian này
đã có biết bao nhiêu trường hợp đau thương như vậy! Còn biết bao nhiêu hình
thức khác nữa để làm cho người thân yêu bị khổ đau. Chúng sanh trên thế gian
này từ trước tới giờ vô lượng vô biên, kiểm lại có được mấy ai thoát khỏi bàn
tay đày dọa của người thân yêu? Vậy thì thử hỏi, nếu không học Phật, có người
thân nào mà không trở thành oan gia trái chủ của người thân đâu?!...
Còn người tu hành, thì biến “oan-gia,
trái-chủ” thành Bồ-tát hộ pháp. Vì người hiểu được Phật đạo, biết niệm Phật,
thì biết định luật nhân quả, hiểu rõ sanh tử luân hồi, nhờ vậy mà biết làm lành
lánh dữ, biết bố thí giúp người, biết khuyên người tu hành, biết chọn đường
“Tịnh-Nghiệp” để đi, biết chuẩn bị ngày vãng sanh. Họ khuyên người thân niệm
Phật, họ dạy con cháu hộ niệm, họ khuyến khích bà con, làng xóm tu hành... thì
đâu còn oan gia, trái chủ nữa. Nói chung, họ biết tu cái nhân tốt, thì quả báo
chắc chắn sẽ tốt. Người ác lánh xa, người hiền tụ về, người thân hiểu đạo, tất
cả đều trở thành một đội ngũ bảo dưỡng họ lúc sống được an lạc, bảo vệ lúc lâm
chung được an toàn vãng sanh, chung quanh đều là những người có tâm Bồ-tát hộ
pháp.
Rõ ràng, một tâm hồn thiện lành thì biến
hoàn cảnh, con người chung quanh đều thiện lành. “Nhất thiết Pháp tùng tâm
tưởng sanh”, phải chăng đã hiển bày rõ rệt. Đạo lý của Phật thật sự cao siêu
mầu nhiệm, nhưng lại có thể đem ứng dụng trong bất cứ một trường hợp cụ thể
nào. Đạo Phật đâu có phải chỉ là thứ triết lý viển vông!
Người chân thành niệm Phật cầu sanh Cực-lạc
thì tự nhiên hưởng được một đại phước báu, và cái đại lợi sau cùng là sự vãng
sanh. Sự gia trì của chư Phật, chư Bồ-tát vô hình nhưng có thực, đa dạng nhưng
cụ thể. Chỉ cần có lòng tin, thành tâm, thanh tịnh, thì sự gia trì hiện ra
trong từng hơi thở, nâng đỡ từng bước chân đi. Cứ suy gẫm cho thật kỹ thì thấy
liền.
Ngày xưa, khi con chưa biết gì về đạo Phật,
con có đầy những tật xấu, đầy cả những tính ác như: săn bắn, bắt chim, tranh
cãi, háo thắng, ham danh, tham tài, sân giận... đến khi hiểu được giáo lý của
Phật rồi thì bây giờ những thứ đó nhất thiết con không thèm cầu nữa. Khi không
tu hành thì lời nói của mình không đáng giá một xu, khi thành tâm niệm Phật thì
một câu nói đơn giản cũng có thể tạo ra ân đức cứu người, đi tới đâu cũng có
thể gieo duyên lành tới đó. Tại sao vậy? Vì Phật lực gia trì trong từng hơi
thở, từng bước chân đi mà!
Khi cha má không tu học Phật thì phiền não
trùng trùng, tâm trí rối bời, lo lắng hết chuyện này đến chuyện khác, nhưng có
giải quyết được gì đâu? Còn từ ngày cha má tin Phật, bắt đầu niệm Phật thì sao?
Đám ruộng đang làm cũng không cần làm nữa, con heo đang nuôi cũng thả ra đi,
tiền bạc muốn lo thì con cái nó lo tính toán cung cấp... Rồi bây giờ, cả một
gia đình của một người em gái, những đứa cháu kêu bằng cậu ở rất xa, cũng tự
nguyện tham gia bảo trợ không cần một điều kiện, chỉ cần làm sao cho cậu mợ yên
tâm tu tịnh. Rõ ràng người thành tâm tu hành thì tự nhiên có cảm ứng. Có cảm
ứng tức là có chư Phật, Bồ-tát gia trì, và mình đang ở trên con đường thành đạo
vậy.
Thưa cha má, sự cảm ứng này từ đâu ra vậy?
Con xin thưa rõ rằng, từ câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” đó. Nếu cha má quyết
lòng xả bỏ trần lao, vui theo đường đạo, con nghĩ rằng sự cảm ứng này càng ngày
càng lan rộng, sẽ cảm hóa thêm nhiều người. Ngược lại, nếu như cha má lại quay
trở về con đường thế tục, tự mãn trước niềm tin kính của cháu con, hãnh diện
trước những lời tâng bốc của thế gian, thì cái phước báu này sẽ không còn tồn
tại nữa đâu. Nghĩa là, lại phải tiếp tục nuôi heo, nuôi gà để tạo thêm nghiệp
sát, phải trân mình ra cày cấy thửa ruộng để kiếm vài thúng thóc mà chờ ngày ngã
quỵ bên vũng sình lầy. Rồi đau ốm, rồi nghèo nàn, rồi bù đầu vào những việc
phải chẳng, thị phi, rồi đêm đêm than vắn thở dài, rồi thấy cảnh đời sao toàn
là đau khổ!... Nếu biết rằng tất cả vạn sự đều do tâm của mình mà ra, thì phước
và họa đều ở trong tay. “Phước họa tự lâm môn”, nó đến để đáp ứng cái tâm niệm
của mình mà thôi chứ có gì xa lạ đâu.
Thấy như vậy, cha má nghĩ thử, mình nên chọn
con đường nào đây? Chọn con đường trần tục để trầm luân trong tam đồ ác đạo,
nghiệp chướng trùng trùng, phiền não vô tận, quả nạn chập chùng? Hay chọn con
đường an nhàn thanh tịnh, tự tại, an vui với đạo để giải thoát? Giải thoát cho
chính mình, giải thoát cho bà con cả dòng họ, cho cửu huyền thất tổ, cho chúng
sanh...
Phàm khi làm điều gì hợp theo “Tánh Đức” thì hợp với lẽ đạo, tự nhiên được chư
Phật Bồ-tát gia trì. Ngược lại, điều gì hợp theo “Sắc Tướng” thì hợp với phàm
tục, xa lìa lẽ đạo, chư vị Bồ-tát lánh xa. Con xin đưa ra hai sự việc điển hình
làm ví dụ.
Một là, đề nghị của em An, các con cấp dưỡng
đầy đủ cho cha má, thiếu cấp thêm, dư phải đem bố thí. Đây là một đề nghị hợp
theo đạo hiếu, họp với lòng nhân, hợp với hạnh Bồ-tát, hợp cho cha má tu hành,
hợp với con cái đáp đền chữ hiếu. Về mặt thế gian thì con cái phụng dưỡng cụ
thể, không viển vông, cha má sẽ an tâm khỏi lo về chuyện sanh sống. Về mặt xuất
thế thì vẹn toàn, vừa tạo duyên cho cha má tu hành, lập hạnh buông xả, tạo
phước đức làm tư lương lót đường vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, còn con cái thì
thực hành được điều quan trọng trong đệ nhứt phước của Phật đưa ra, đó là:
“Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Vì lời đề nghị này hợp với Phật pháp, cho nên được chư
Bồ-tát gia trì. Riêng con thì chấp nhận không cần tính toán. Đến nay thì các em
ở Bình-Dương nghe vậy, cũng nhào vô yểm trợ. Sự hỗ trợ này, xét ra, đâu phải là
lòng bố thí người nghèo khó, mà chính là sự cảm ứng của lòng chân thành tu hành
đó. Được cái phước này, cha má phải vững lòng tin hơn nữa vào pháp Phật.
Trong gia đình, giả sử có người nào không
tin thì xin cha má cũng đừng lo, nên lấy câu “Tùy duyên tiêu túc nghiệp, thiết
mạc tạo tân ương” làm tiêu chuẩn, nghĩa là gặp cơ duyên dù xấu hay tốt cũng
quyết lòng làm tiêu mòn nghiệp chướng cho ta, cho người. Ai nghe theo thì tốt,
không nghe theo thì để tùy duyên của họ, riêng chính mình phải buông bỏ hết
không thèm tạo thêm nợ trần mới nữa. Cách giải quyết là, cứ một lòng nhất hướng
chuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, dần dần cái tánh đức của cha má sẽ cảm hóa
lòng người. Hơn nữa hãy tin rằng các vị Thiên-Long, Bát-Bộ, Bồ-tát Hộ-Pháp họ
đủ sức lo liệu. Cái chính yếu vẫn là cha má phải thực tâm niệm Phật cầu về
Tây-phương, phải rũ sạch bụi trần, an nhiên tự tại, an vui tịnh dưỡng tuổi già
trong đường chánh đạo là được mà thôi.
Hai là, những hành động báo hiếu sôi nổi
trong nhân gian, gây tiếng tăm cho nở mặt với thiên hạ. Đây là hình thức hoàn
toàn chạy theo sắc tướng thế gian, tham luyến danh vọng, không hợp với tánh đức
thanh tịnh, không hợp với người tu hành, chắc chắn sẽ bị chư Hộ-Pháp bỏ rơi. Dù
các Ngài không bao giờ làm hại mình, nhưng tự mình phải lo lấy, tự gây nghiệp
chướng tự thọ nghiệp báo. “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm đang tham đắm thế tục
thì chắc chắn khó có thể tránh khỏi tam đồ, lục đạo.
Những cách làm này thường thấy ở những giới
trung lưu, thượng lưu có tiền có phước báu, hoặc những kẻ thích danh, ham lợi.
Vì không hiểu đạo cho nên vô tình dễ trở thành oan gia, giết chết người thân
trong ác đạo bởi những hành động phàm tục thường tình như khóc than, kêu réo,
níu kéo... Tệ hơn nữa, vì có tiền, quá ham danh, quá mê muội, nhiều người còn
đi tìm bọn người than vay khóc mướn tới làm cho thật ồn ào náo nhiệt, để quyết
lòng đày người thân yêu của mình tới tận cùng địa ngục mới thôi. Thật đáng
thương!
Cha má ạ, phải tin lời Phật, phải thành kính
lạy Phật, phải biết quay về với Phật để cầu giải thoát. Thật rất thương hại cho
những ai đang xa lìa Phật pháp. Thời mạt pháp này, chúng sanh đau khổ lắm, lý
tưởng sống nghèo nàn, hầu hết đều lăn xả vào vũng bùn tội lỗi tạo nghiệp, nhận
cái vô thường làm mục đích, lấy hành động tạo nghiệp chướng làm nguồn vui, để
chờ ngày lãnh nạn!
Tại sao có người không tin vào Phật pháp? Lý
luận thì nhiều quá, nào là khoa học, triết học, văn học, tư tưởng, kiến giải...
Nhưng thực ra, tất cả đều bắt nguồn từ nghiệp chướng quá sâu nặng, đã kết tập
lâu đời lâu kiếp làm chướng ngại cho đường tiến hóa của tâm linh. Phật dạy
rằng, “Ác kiêu giải đãi cập tà kiến, nan tín Như-Lai vi diệu Pháp”, đây là lý
do chính. Nghĩa là, nếu không phải là ác, thì cũng là kiêu gạo, không kiêu ngạo
thì người lười biếng, người chạy theo tri thức thế gian. Như cha má đã biết,
Phật dạy rằng, có ba hạng người niệm Phật không thể vãng sanh, một là tham đắm
phước báu nhân thiên, hai là phân biệt chấp thủ, ba là người thế trí biện
thông. Phạm vào ba trường hợp này thì oan uổng cuộc đời cho họ, mãi mãi bị trầm
luân trong vòng đọa lạc, nếu không tỉnh ngộ khó có ngày thoát thân.
Tham đắm phước báu nhân thiên thuộc về ác
tham. Tiêu chuẩn của thiện là ngũ giới, thập thiện, trong đó tham, sân, si là
cái gốc tam đồ ác đạo. Tu thiện thì tốt, nhưng làm thiện để cầu phước báu lại
rơi vào cái họa khác, họa tam thế oán, càng có phước báu càng khó tu, càng dễ
làm nên tội lỗi và sau cùng bị nạn rất nặng. Cho nên, bố thí giúp người thì có
thể phá được cái tham thô thiển, nhưng coi chừng lại vướng vào cái tham vi tế.
Cái tham thô thiển dễ thấy, dễ bỏ, còn cái tham vi tế thì nằm sâu trong tâm, nó
dấu kín dưới nhiều danh xưng hay đẹp khó ai biết được, nhiều khi chính đương sự
cũng bị gạt luôn, cho nên rất khó tránh. Đây chính là chủng tử của đọa lạc làm
mất vãng sanh. Vì thế, người ham danh vọng, ham được tiếng khen trong xã hội...
thường có cái tâm tà vạy nhiều hơn kẻ lỗ mãng, cái nghiệp chướng của họ lớn hơn
và quả cũng báo xấu hơn! Cha má tuổi già gần ngày ra đi, muốn được thoát nạn
thì bắt buộc phải buông nó xuống.
Vì vậy, tu hành không phải chỉ là làm thiện.
Người đời, vì hiểu chưa thấu cái đạo lý sâu xa này thành ra thường nhầm lẫn, cứ
nói rằng ăn ở hiền lành, không giết hại ai là đủ rồi, đâu cần gì phải tu hành,
đâu cần gì phải niệm Phật. Không ngờ, hầu hết họ đang đi theo con đường sai lạc
mà không hay. Cha má đang tu hành để quyết thành Phật thì phải chú ý chuyện
này. Đời này Chánh - Tà rất khó phân minh. Phật dạy, chúng sanh trong thời mạt
pháp muốn thoát nạn phải nhớ, “y pháp bất y nhân, y ý bất y ngữ, y liễu pháp
bất y bất liễu pháp...”. Nghĩa là, thấy người ta làm sai, mặc họ! Mình cứ y
theo pháp Phật tu hành. Ai nói hay nói giỏi, kệ họ! Mình cứ theo ý Phật hành
trì.
“Liễu pháp” là pháp giải thoát viên mãn
thành Phật, siêu thoát tam giới lục đạo, còn “bất liễu pháp” là những giáo
thuyết nửa vời, mới nhìn thì hay, nhưng xét kỹ thì rốt cuộc không đi tới đâu
cả. Ví dụ như nhân đạo, thiên đạo, là tu làm lành, lánh dữ, đây là tốt. Nhưng
đó chỉ là bước khởi đầu, chứ không phải là mục đích tối hậu, vì tất cả đều là
bất liễu pháp. Vì sao? Vì đây là thiện nghiệp cầu phước, chứ không phải là tịnh
nghiệp giải thoát.
“Thiện nghiệp” là làm lành để hưởng phước,
“Tịnh nghiệp” là làm lành để đắc đạo, vãng sanh bất thối thành Phật. Người tu
hành phải hiểu chính xác, rõ ràng vấn đề, để nhất định một đời này siêu việt
tam giới, thoát ly sinh tử. Tu thiện nghiệp không giải thoát được, tốt thì có
phước trong đời này hoặc đời sau, không tốt thì ngay đời này được chút ít tiếng
khen hão huyền, rồi sau cùng tiêu tan, nhưng tất cả rốt cuộc cũng theo đường luân
hồi. Tu tịnh nghiệp mới được thoát nạn. Có nhiều chứng minh cụ thể như cụ
Triệu-Vinh-Phương 1999, ông Trần-Quang-Việt 2001, ông Nguyễn-Nhất-Quang
(Việt-Nam) 2002. Gần hơn nữa là ông bác ở Long-Khánh, chỉ cần đọc mấy cái thư,
làm theo đúng như vậy, một thời gian ngắn được vãng sanh. Những người tu đúng
theo tịnh nghiệp thì “vạn người tu, vạn người đắc”, không tu theo tịnh nghiệp
vạn người tu khó tìm một người đắc. Đây là sự thật.
Thưa cha má, cùng một cách tu, nhưng biết tu
thì giải thoát, không biết tu thì còn phải chịu trầm luân. Phật dạy, người tham
cầu phước báu Nhân-Thiên không thể vãng sanh. Phước báu Nhân là tu “Nhân đạo”,
có chỗ gọi là “Thế đạo”, cầu công danh lợi lộc, thành hiền nhân quân tử. Phước
báu Thiên là tu “Thiên đạo”, cầu thành Tiên, thành Thần, sinh lên Trời để hưởng
phước báu. Ghép chung lại gọi là tu cầu phước báu nhân thiên hay “Nhân-Thiên
thừa”. Tu phước báu nhân-thiên tốt hơn người không tu, nhưng về lâu dài thì bị
tai họa của tam thế oán. Tại sao vậy? Phật dạy, vì đây chính là phép tu bất
liễu giáo, một giáo nghĩa không toàn vẹn, khuyên người làm lành rồi thả họ giữa
đường, mông lung vô định hướng, trước bao nhiêu cạm bẫy hiểm nghèo của thời mạt
pháp. Mong cầu phước là ý nguyện muốn ở trong tam giới, lục đạo. “Nhất thiết
duy tâm tạo”, nguyện ở lại trong lục đạo thì bắt buộc phải chịu sanh-tử
luân-hồi. Cho nên người tu nhân đạo, thiên đạo không thể được vãng sanh là vì
lý do này. Cho nên, tu hành cần phải có trí huệ mới phân biệt được lợi hại. Nếu
mập mờ thì rất dễ lạc đường, thành ra tu hành suốt đời, suốt kiếp, rốt cuộc
cũng hoàn không.
Phật dạy “Bế tắc chư ác đạo, thông đạt thiện
thú môn”. Thông đạt thiện thú môn là tu thiện, bế tắc chư ác đạo là đóng cửa ba
đường ác, đóng tham, sân, si. Phải đóng ác đạo thì tu thiện mới thật là thiện.
Không đóng ác đạo thì tu thiện, nếu sơ ý, có thể biến thành ác quả. Ví dụ, làm
thiện thì tốt, phước thiện tự nhiên có, còn làm thiện để cầu hưởng phước là
không tốt, vì vô tình đã mở đường ác vi tế trong tâm. Người đời không thông đạo
lý này, cứ thấy tu thiện thì tưởng là hay, nhưng đâu ngờ có thiện môn nhưng
khai mở lòng tham vi tế, vô tình “thiện môn” là cái mồi đặt trong cái bẫy “ác
đạo” mà không hay!
Nói như vậy không có nghĩa bác bỏ sự làm
lành. Ngược lại, chúng ta phải tu thiện nhiều hơn nữa, nhưng xin đừng ngừng lại
đây. Ví dụ, như con đang ngày đêm khuyên cha má tu hành để làm tròn đạo hiếu,
đây là tu thiện. Nhưng, nếu có cái tâm niệm rằng, ngày nay ta làm cho có hiếu
với cha mẹ để ngày sau được con cái trả hiếu, thì tất cả công việc con làm biến
thành phước báu hữu lậu của nhân thiên, nói gọn hơn là tu Thiện-Nghiệp, tu
Nhân-Thiên.
Chính cái tâm tham cầu đã biến hẳn cái thể
tính của pháp tu hành. Con cái sau này có trả hiếu hay không chẳng quan hệ gì
lắm đối với việc mình đang làm, chúng nó đến theo cái nghiệp riêng của chúng
nó: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Ngược lại, việc làm giống nhau, nhưng con
chỉ có tâm cứu cha má, làm tròn chữ hiếu. Con không cầu mong được đền đáp cho
đời này, đời sau. Bao nhiêu công đức có được, thành tâm hồi hướng về Tây-phương,
hồi hướng cho tất cả chúng sanh, ai có duyên sẽ hưởng, con chỉ cầu được vãng
sanh về Tây-phương... thì con đang tu Tịnh-Nghiệp. Tu tịnh-nghiệp là tu tâm
thanh tịnh, tâm lượng rộng rãi, mong cho rất nhiều người cùng được có duyên tu
hành, có cơ hội giải thoát. Cho nên, không những con làm mà còn vận động tất cả
mọi người đều lo tròn hiếu thảo, con thành tâm muốn tất cả mọi người đều được
thiện lành, được vãng sanh. Như vậy thiện nghiệp hay tịnh nghiệp chỉ căn cứ vào
tâm tưởng. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, cùng một việc làm, cùng một
công sức nhưng kết quả lại khác nhau.
Để cho sự việc cụ thể hơn nữa, cha má đi
giúp đỡ người nghèo khó cũng nên tùy duyên, cái chính là niệm Phật. Giúp người,
nếu trong tâm cứ nghĩ để tìm phước, để đời sau khỏi khổ, thích cho thiên hạ
biết việc mình làm... thì cha má không thể vãng sanh, dù cho có tu tám chín
chục năm, tu suốt đời... cũng phải trở lại trong tam đồ, lục đạo. Vì sao? Phật
dạy, “tất cả do tâm mình tạo ra”, tâm niệm đang ở trong lục đạo luân hồi thì
phải ở trong luân hồi, chắc chắn không thể thoát ly được. Tâm duyên chúng sanh
thì phải nhập vào vòng chúng sanh, “Sanh Phật bình đẳng”, tự ta chọn lựa, tâm
mình đã chọn cảnh giới lục đạo thì Phật cũng không cứu được. Phật dạy, người
tham phước nhân thiên không thể vãng sanh. Nói cách khác, tu “Thế-đạo” và
“Thiên-đạo”không được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, chắc chắn phải
bị lọt lại trong tam đồ lục đạo để chịu nạn.
Ngược lại, cha má phát tâm bố-thí vì lòng từ
bi thương người, không thèm để ý đến tiếng khen, không cầu phước. Một bát cơm
một câu A-di-đà Phật, một đồng bạc một câu A-di-đà Phật, tâm tâm niệm niệm đều
muốn gieo duyên niệm Phật cho tất cả mọi người. Có cơ hội thì khuyên người niệm
Phật, không có cơ hội thì ngày đêm niệm Phật cầu sanh Cực-lạc. Đem tất cả những
công đức đó hồi hướng về Tây-phương để lót đường vãng sanh. Làm như vậy, gọi là
tu tịnh-nghiệp, chắc chắn được vãng sanh. Một đời này thôi siêu vượt tam-giới,
thoát ly sanh-tử luân-hồi, chờ ngày thành Phật tại Tây-phương Cực-lạc quốc.
Điểm thứ hai, người phân biệt, chấp thủ
không được vãng sanh. Đây thuộc về kiêu mạn. Trong ba độc tham, sân, si thì đây
thuộc về độc tố ngu si, vì ngu si nên mới tự cao, ngã mạn, khinh người. Kiêu
căng, ngã mạn là do tư tưởng cạn cợt, tâm địa hẹp hòi. Người không mở tâm
lượng, ích kỷ, hẹp hòi, mình niệm Phật mà không muốn người khác niệm... cũng
không thể vãng sanh.
Điểm cuối cùng, người vì quá thông minh,
hiểu biết chuyện thế gian quá nhiều cũng là một trở ngại lớn cho đường tu đạo.
Đây thuộc về vọng-tưởng, hầu hết kiến thức thế gian thuộc về hữu lậu, căn cứ
trên hiện tượng vô thường, hữu hạn, không thể thấu suốt chân tướng của vũ trụ
nhân sinh. Chấp vào kiến thức thế gian, gọi là thế trí biện thông, khó hiểu
thấu cảnh giới của Phật thành ra vô minh, không tin Phật. Người thông minh mà
biết thức ngộ thì rất dễ khai ngộ Phật pháp. Đáng tiếc, con số này rất hiếm!
Thưa cha má, học Phật rất dễ mà cũng rất
khó. Khó hay dễ đều ở chỗ có lòng tin hay không. Tin Phật khó lắm! Chỉ có người
đã trồng được đầy đủ thiện căn, phước đức, từ vô lượng kiếp đến nay rồi, cơ
duyên thành Phật nay đã đủ rồi, mới có thể tin được. Cha má đã gặp được pháp
môn niệm Phật, đã phát tâm niệm Phật, thì nên tự biết rằng chính mình đã có cái
thiện căn phước đức này, đừng sơ ý bỏ mất cơ hội.
Những năm trước đây, cứ mỗi lần con về quê
thì có ông Mười ghé thăm. Lần này con về thì ông Mười vĩnh viễn không còn tới
thăm nữa! Ông Mười lội ngang qua sông, bị dòng nước cuốn trôi và nhận thân xác
của ông tận dưới đáy rạn cây. Tội nghiệp quá! Nếu lúc đó ông vớ được một chiếc
phao thì may mắn biết bao!
Cha má ạ, con người suốt trọn cuộc đời thả
trôi huệ mạng theo dòng đời chuyển dịch, thì có khác gì họ đang hụp lặn trong
dòng nghiệp lực cuồn cuộn, để chờ ngày bị dìm chết đâu! Cha má tuổi xế chiều mà
gặp được pháp niệm Phật thì đây là một cơ duyên quá may mắn, giống như người
sắp sửa chìm đã vớ được chiếc phao. Nhất định phải bám chặt chiếc phao đó, đây
là cơ hội duy nhất để thoát nạn.
Niệm được câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà
Phật” thì có cơ hội được vãng sanh, nhưng phải nhớ hãy liệng tất cả những gì
còn mang trên lưng, trên vai, trên cổ xuống. Tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, sự
nghiệp... chỉ là giả tướng, chỉ là số không. Ân tình, nhơn nghĩa, con cái, họ
hàng... chỉ là nghiệp duyên, sinh vì nghiệp, tử theo nghiệp, để tiếp tục trả
cái kiếp vô thường nhân sinh. Vậy thì, phải biết buông bỏ tất cả để được nhẹ
nhàng giải thoát, có tự giải thoát được mới cứu được mình, cứu được họ. Nếu còn
quyến luyến thì gánh nặng này sẽ trì kéo mình lại, làm cho lật phao, phải buông
tay, đành chịu chết chìm trong dòng nghiệp chướng.
Phải sáng suốt nhận rõ đâu là lợi, đâu là
hại, đừng hy sinh vô ích mà hại mình, hại luôn người thân yêu cha má ạ. Sự vãng
sanh của cha má là một đại phúc báu cho chính cha má, cho con cái, là niềm hy
vọng cứu độ rất lớn cho cả một đại gia tộc, cho vô số chúng sanh nữa chứ không
phải thường đâu.
Cho nên, phải quyết lòng tin tưởng, quyết
định buông xả, quyết tâm niệm Phật, quyết chí cầu sanh Tịnh-độ cha má ạ.
A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, 9/12/02).