Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Kính cha má

Thành kính niệm Phật tự nhiên sẽ được Phật lực gia trì, sự cảm ứng bất khả tư nghì. Những sự cảm ứng này nhiều khi nó hiển hiện trước mắt, hoặc âm thầm xảy ra sát bên cạnh mà mình không hay. Ví dụ, chuyến về thăm gia đình, thăm cha bệnh trong tháng Sáu vừa rồi là con đã làm một việc khá liều lĩnh, bây giờ tất cả đã xong con mới dám nói lại. Thời gian con về là lúc con đang bệnh, bác sĩ cấm con không được lái xe, không được đi xa, không được đi máy bay. Bịnh của con rất kỵ trời nắng nóng, hễ nóng lên có thể bị xỉu liền. (Nay thì đã đỡ lắm rồi). Thế mà khi vừa nghe cha ngã bịnh, vì phải cần cứu cha, con quyết định liều lĩnh bay về ngay trong thời điểm thời tiết Việt-Nam rất nóng. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng tất cả những thủ tục bảo hiểm đều trả hết, và Ngọc chuẩn bị sẵn sàng bốc con ngược trở lại Úc bất cứ lúc nào. Vậy mà sự việc lại êm xuôi không có gì trở ngại. Cha má nhớ không, ngày đầu tiên con vừa bước chân về tới nhà thì trời chuyển mưa tầm tã, rồi suốt những ngày sau đó thời tiết dịu lại, trời tiếp tục mưa lai rai. Thật là một chuyện may mắn hiếm có, nhờ thế mà con ở lại quê được lâu.

Có thể đây là một chuyện trùng hợp, nhưng dù sao đi nữa, nhờ vậy mới giúp cho con làm tròn những gì con muốn làm khi gặp cha má. Gần hai ngày trước khi lên máy bay, hầu như con tự giam mình trong niệm Phật đường, để ngày đêm nguyện cầu đức A-di-đà Phật gia trì những việc con đang làm để cho con trả phần nào chữ hiếu. Thời tiết Việt-Nam lúc đó hạn hán, nóng bức. Nếu trời tiếp tục nóng như vậy không biết con có chịu nổi qua một ngày hay không?
“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Phật ở ngay trong nhà, có cầu các Ngài có ứng. Người thành tâm cầu nguyện thì cầu gì cũng được, người thành kính tu hành thì khổ nạn nào cũng được cứu thoát. Sở dĩ cầu không được cảm ứng là vì cầu không như lý như pháp, khổ nạn mà không được cứu là vì ta quay lưng lại với Phật để tự mình rước lấy khổ đau. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy rằng, “Thế gian thiện nam tử, thiện nữ nhân nhược hữu cấp nạn khủng bố, đản tự quy mạng Quán-Thế-Âm Bồ-tát, vô bất đắc giải thoát gia”, nghĩa là, ở thế gian nếu có người thiện nam tín nữ nào bị tai nạn khủng bố mà tự cầu nguyện đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát thì đều được thoát nạn. Đức Quán-Thế-Âm là vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, đứng bên trái của đức Phật A-di-đà. Người bị nạn mà thành tâm cầu Bồ-tát Quán-Thế-Âm thì được Ngài cứu thoát nạn, còn thành tâm niệm A-di-đà Phật thì Bồ-tát bảo vệ mình không bị nạn. Rõ ràng có sự khác nhau.

Thưa cha má, tu hành cần ở sự chí thành, chí kính, Ngài Ấn-Quang Đại sư nói, “một phần thành kính một phần lợi ích, mười phần thành kính mười phần lợi ích”. Lợi ích này thành tựu đạo nghiệp chứ không phải là cái lợi bình thường. “Thành tất linh”, người có lòng thành mới có được lợi ích. Con đang kiết thất niệm Phật, đạo tràng ở đây họ mở Phật thất quanh năm, mỗi lần mở mười Phật thất liên tục, mỗi Phật thất bảy ngày, nghĩa là bảy mươi ngày, bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông không gián đoạn. Có một ông già, bảy mươi tám tuổi từ Đài-Loan qua tu, ông rất yếu nhưng hằng ngày từ bốn giờ sáng cho đến chín giờ rưỡi đêm tu suốt thời khóa không bao giờ trễ nãi. Từ bốn giờ sáng là ông đã bắt đầu niệm Phật. Hằng ngày, đi kinh hành có lúc ông té vào tường nhưng rồi cũng cố gắng gượng dậy mà đi. Nhiều lần lạy Phật ông ngã lăn xuống sàn nhà, người ta tới đỡ ông lên thì ông nói, “Xiè-xiè, pũ cơ chi!”, (cảm ơn, không sao!), rồi ông lại tiếp tục lạy tiếp.

Nhìn thấy cảnh ông cụ tinh tấn tu hành mà con cảm động, ông quyết tâm xả bỏ thân này để về với Phật. Thật là dũng liệt! Gặp bất cứ người nào dù trẻ hay già ông cũng chắp tay cúi đầu thành kính chào, một lòng lễ kính không bao giờ tỏ ra ta là bậc trưởng thượng. Có nhìn thấy những cái gương này ta mới nhận ra cái giá trị của người tu hành. Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy rằng, niệm Phật nhất tâm bất loạn thì không dễ, nhưng “niệm Phật thành phiến” hay “lão thật niệm Phật” thì ai cũng có thể làm được. Lão thật niệm Phật được thì bảo đảm con đường vãng sanh. Ông già đó quyết tâm làm chuyện này. “Lão thật niệm Phật” là sao? Là người buông xả tất cả, làm như ngu ngu ngơ ngơ, bàn gì cũng không dự, hỏi gì cũng không biết... thời thời khắc khắc chỉ một lòng niệm A-di-đà Phật quyết tâm cầu về Tây-phương mà thôi.

Muốn bảo đảm chắc chắn được về Tịnh-độ trong một đời này thì phải vậy cha má ạ. Tu hành không thể ỷ lại, không thể tự mãn, đừng bao giờ tự cho là đủ mà coi chừng bị thất bại vào giờ cuối cùng. Phải tự thấy mình tu hành còn yếu mà ráng tinh tấn hơn nữa. Hãy lập thời khóa niệm Phật và giữ đúng thời khóa đó đừng giải đãi thì công phu mới thành tựu tốt được. Ban đầu lập thời khóa nhẹ một chút, sau đó tăng dần cho đến khi nào suốt ngày tâm mình gắn liền với câu Phật hiệu. Tuổi đời đã gần mãn xin cha má chớ lơ là. Ví dụ con đưa ra thời khóa mẫu:

Buổi sáng

5:00 – 7:30 thức dậy, vệ sinh, ăn sáng

7:30 – 8:00 lạy phật, nguyện vãng sanh

8:00 – 9:00 giải lao, dạo vườn cầm chuỗi niệm Phật

9:00 – 11:00 kinh hành niệm Phật

11:00... hồi hướng công đức, nghỉ giải lao,

12:00 – 2:00 cơm trưa, nghỉ, nằm niệm Phật...

Buổi chiều và tối cũng phải lập thời khóa để theo. Nhất định theo đúng thời khóa. Không có thời khoảng đi chơi, không có thời khóa thăm bà con. Quyết tâm xả bỏ nhân tình thế thái, quyết lòng niệm Phật để trong những tháng ngày phiêu phỏng còn lại này mình có đủ tiêu chuẩn vãng sanh.

Muốn kiết thất niệm Phật thì người hộ thất rất cần thiết. Người hộ thất giúp mình lo chuyện cơm nước, giặt giũ, tiếp khách... niệm Phật mà phải tiếp người này, nói chuyện nọ, lo chuyện kia... thì khó mà thành tựu. Vợ chồng em Thứ đang ở với cha má là một thuận lợi rất lớn cho cha má yên tâm niệm Phật....

Cha má ạ, tuổi già thân mạng như trái chín cây, thì hãy biết buông vạn duyên xuống để nhẹ đường thoát nạn. Vật chất, thế thái, nhân tình... thực sự là cái cùm đó, phải ghê sợ mà liệng nó đi. Còn ham tiếc tiền bạc, còn lo giữ cái nhà, còn quyến luyến con cháu, còn tham đắm danh vọng hão huyền... là tự mình đưa chân vào cùm vậy. Con xin kể một chuyện tiếu lâm nhưng có thực cho cha má nghĩ thử. Có một năm ở Việt-Nam bị bão lụt rất lớn. Ở nước ngoài mỗi lần nghe vậy người Việt-Nam thường đi quyên góp tiền bạc để giúp người bị nạn. Lúc đó, con có đưa tiễn một Sư Cô đem tiền quyên góp về Việt-Nam cứu trợ bão lụt, con có nghe kể lại rằng có một vị giàu có, có địa vị khá cao, gởi tặng mười lăm đô-la và hỏi cô có cấp biên nhận cho ông ta khai thuế lấy lại được không?

Thật là tiếu lâm! Là một người giàu có, tiền bạc trong tay tệ gì cũng có vài chục triệu đô-la, khi bố thí mười lăm đồng để giúp người đồng hương hoạn nạn mà còn hỏi tới cái giấy biên nhận để khai thuế, trong khi có nhiều người thất nghiệp, làm công khổ cực để kiếm từng đồng sống qua ngày, khi nghe tới cảnh đau lòng ở quê nhà họ cũng dám vét túi tặng vài trăm đô-la.

Bố thí giúp người không phải là giàu mới làm được, mà chỉ là người có tâm thiện lành mới làm được. “Vi phú bất nhân!”, thông thường người giàu ít có lòng nhân từ, rất khó tu. Càng hưởng phước báu càng xa đường đạo! Cho nên Phật dạy rằng, tu để cầu phước báu sẽ rơi vào nạn tam thế oán, sau cùng dẫn vào đường đọa lạc là vậy. Thực sự tội nghiệp cho họ! Giả như có cơ may họ tiếp xúc được với Phật pháp, hiểu được lý nhân quả, thì đỡ cho họ biết chừng nào! Nghĩ thử coi, có tiền mà thọ mạng không có thì tiền nhiều để làm gì? Bảy tám mươi năm trôi qua thì cát bụi cũng trở về với cát bụi, tiền bạc lúc đó nó nằm lộn xộn giống như đống rác bên lề đường, chứ có giúp ích gì cho linh hồn đang bị lôi theo nghiệp báo đọa lạc đâu!

Ở tại ngoại quốc này, hễ cha làm bác sĩ thì con cũng sẽ làm bác sĩ, không bác sĩ thì cũng tiến sĩ, luật sư... với trình độ đó chúng nó đâu cần tới tài sản của cha mẹ. Vậy mà không hiểu tại sao họ cứ thủ giữ tiền bạc cho thật nhiều để làm gì, mà không biết đem ra một ít để làm thiện, giúp người, cứu nạn, ấn tống kinh sách... để tu bồi thêm phước đức cho đời sau hưởng tiếp. Họ cứ an nhiên hưởng thọ và ra tay tàn phá cho hết cái phước báu trong mạng của mình, mà bất chấp cái hậu quả tệ hại ở kiếp sau. Thấy vậy mà con cảm thấy thương hại!

Thưa cha má, liên tục mấy thư liền con đều khuyên cha má hãy tích cực bố thí, giúp người. Gia đình mình không giàu, tiền bạc không nhiều, cái quả báo này đều có cái nguyên nhân của nó. Hiểu được lý nhân quả thì hãy lấy nhân quả mà chuyển. Sự chuyển biến quan trọng nhất là chuyển từ cái tâm, hễ cái tâm chân thành thì sự lý viên mãn. Một đồng đưa ra mà lòng thương người chân thực, thì quả báo sẽ tràn trề. Người có bạc tỷ cho ra hàng triệu để bố thí, nhưng tâm tánh kiêu mạn, thích khoe khoang sẽ không có quả báo tốt bằng người nghèo giúp cho người khó một chén cơm hẩm đâu cha má ạ.

Quả phước lớn hay nhỏ tùy theo tâm lượng chứ không phải số lượng. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm từ bi, rộng rãi, thì phước lượng bao trùm pháp giới, dù nghèo cũng thấy giàu, dù khó cũng thấy an vui. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, thiện hay ác, tốt hay xấu... nằm ngay trong tâm mình chứ không đâu xa cả.

Cho nên, “tồn hảo tâm” thì tự nhiên “hành hảo sự”. Nếu còn nghĩ rằng, “nghèo quá tiền đâu mà cho”, thì cái nghèo này là tâm nghèo chứ không phải là tiền nghèo. Cái tâm mà nghèo thì dù có nhiều tiền cuộc sống vẫn phải chịu gian nan. Thế gian này đâu thiếu những trường hợp người giàu lo làm giàu thêm mà đến quên ăn mất ngủ. Đây là đạo lý “vạn pháp duy tâm”. Thế mới biết rằng Phật pháp hay quá, siêu nhân sinh, vượt thiên đạo, siêu vượt Thánh đạo nhập vào pháp giới của Phật. Giáo lý của Phật bao trùm Lý Sự viên mãn, có thể ứng dụng bất cứ mọi trường hợp, mọi căn cơ. “Một là tất cả, tất cả là một”. Hiểu được “MỘT” thì có thể hiểu “TẤT-CẢ”, đem “TẤT-CẢ” để ứng dụng vào “MỘT” chuyện thực tế hàng ngày, chứ đâu có gì là viển vông.

“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Phật dạy muốn cầu cho khỏi nạn thì mình phải đi cứu nạn, muốn được giàu có thì phải đi bố thí tiền, muốn cho khỏe mạnh sống lâu phải từ bi hỷ xả. Biết thương người thì được người thương, biết nâng đỡ người thì được người bảo vệ... Nếu một lòng nghe lời Phật dạy mà cầu thì làm sao mà không ứng. Chỉ tội nghiệp cho chúng sanh chưa biết đạo cứ mãi lăn xả vào sự tỵ hiềm, ganh đua, vị kỷ... thì cầu làm sao cho được cảnh giới tốt trong tương lai đây?

Ở tỉnh Thiên-Tân, bên Trung-Quốc có xảy ra một câu chuyện như thế này, có một bà lão có đứa con trai tên là Tiểu-Hổ, nó ăn ở vô đạo. Con bà bị chết sớm, bà cụ già vì quá thương nhớ con, cho nên có một đêm bà cảm ứng chiêm bao biết được nơi của con mình tái sanh đang ở. Bà cụ tìm tới nơi mới hay rằng con bà đã tái sanh thành con chó và đang giữ cửa một ngôi chùa, người ta đặt tên cho nó cũng là Tiểu-Hổ.

Đây là chuyện có thực. Hòa-Thượng Tịnh-Không đã từng khuyên bà cụ nên đi phổ biến câu chuyện này ra để có thể cứu độ được nhiều người, và tu hành hồi hướng cho con chó, may ra một kiếp nào đó nó thoát nạn súc sanh. Lâu lâu, nhớ con thì bà mua vé tàu đi tới ngôi chùa đó để thăm con. Con chó thấy bà đến nó chạy tới nhảy vào lòng, người và chó ôm nhau mà nghẹn ngào rơi lệ. Mẹ là người, con là chó, thương nhau tha thiết nhưng làm sao cứu được nhau đây?! Thật là cảnh đau lòng.

Trong một cuốn sách, Thầy Thích-Chân-Tín, vị trụ trì chùa Hoằng-Pháp ở Hóc-môn, có để lại hai câu thơ:

“Nhân sinh là kiếp vô thường,

Vô thường là cảnh đoạn trường nhân sinh!”.

Hay quá, thấm thía quá! Vô-thường, đoạn-trường, là sự thực của kiếp nhân sinh! Biết vậy hãy gắng sức tu hành, phải hạ thủ công phu tu tập để vượt qua cho được tam giới lục đạo trong một báo thân này.

Thoát khỏi sanh tử luân hồi quý vô cùng, phước đức vô biên, thiện căn vô tận. Tháng 6/2002, con về thăm cha má, thì căn nhà của con ở Úc mở cửa cho mấy người đến tạm trú để niệm Phật. Họ từ Sydney tới Brisbane dự tu, bất chấp sự từ chối của Ban-Trị-Sự của Tịnh-tông-Học-Hội, vì khóa niệm Phật này người ở các nước đã đăng ký kín chỗ rồi. Họ đi liều như vậy là vì họ chứng kiến cuộc vãng sanh vào ngày 28/3/2002 của bác Nguyễn-Nhất-Quang, người Việt-Nam. Lần đầu tiên trong cuộc đời, họ chứng kiến một hiện tượng quá linh diệu, quá đỗi ngạc nhiên, quá sức cảm kích. Bác Nguyễn-Nhất-Quang, sáu mươi ba tuổi, pháp danh là Chúc-Hạ, đã vãng sanh trước mặt họ. Bác nhờ buông xả rốt ráo và niệm Phật chỉ được vài năm thôi mà viên mãn đạo quả. Lúc lâm chung có quang minh sáng ngời, hương thơm bay ra. Sau khi ra đi, người ta tiếp tục hộ niệm tám giờ, nhưng sắc diện vẫn hồng tươi, thân thể vẫn mềm mại như đang ngủ. Khi hỏa thiêu để lại rất nhiều xá lợi. Những người tới ở nhà con để tu đều là những người tham dự hộ-niệm.

Niệm Phật vãng sanh thành Phật, đây là sự thực một trăm phần trăm. Xin cha má phải tin chắc chuyện này để một đời này thôi sẽ biết thế nào là cảnh giới Tây-phương, sẽ tận mắt thấy Phật, Phật thực chứ không phải là tượng Phật. Phật dạy, người chí thành niệm Phật một lòng cầu vãng sanh về Tây-phương, thì “Giả sử đại hỏa mãn tam thiên, thừa Phật oai đức tất năng siêu”. Tất năng siêu là chắc chắn được vãng sanh. Quyết lòng trì giữ câu Phật hiệu thì dù cho lửa cháy ngập cả tam thiên đại thiên thế giới đi nữa, thì riêng mình vẫn có đường siêu thoát. Đây là lời Phật dạy. Xin cha má vững mạnh tin tưởng quyết chí mà đi, nhất định đừng chần chừ mà lỡ rơi vào cảnh đoạn trường thì đành chịu thương đau vạn kiếp.

“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, khi lòng đã chí thành, tâm đã tha thiết thì tự nhiên có ứng, ví dụ như em Thứ đã có nhiều cảm ứng không phải thường! Em nó niệm Phật mà nghe được mùi hương thanh lạc bay ra từ quyển kinh, từ tượng Phật, có lần Phật xuất hiện an ủi... Đây là những cảm ứng không phải dễ có. Đây đều là do lòng chí thành chí kính.

Tuy nhiên, hãy nói cho em biết rằng, được cảm ứng rồi thì hãy tinh tấn niệm Phật, hãy cố giữ tâm thanh-tịnh đừng vọng động, đừng cầu mong cảm ứng tiếp nữa. Một vài lần đầu thì có thể được, chư Phật, Bồ-tát thấy người có thiện căn tinh tấn tu hành, các Ngài có thể dùng phương tiện xuất hiện để an ủi, khuyến tấn mình tu hành, thì mình phải tăng trưởng lòng tin tưởng nhiều hơn nữa vào chư Phật, vào pháp niệm Phật, giữ chắc một tâm niệm cầu sanh Tịnh-độ, chứ không phải thấy cảm ứng rồi đâm ra tự kiêu tự mãn, cho mình đã có công phu tốt, hoặc tham đắm vào những điềm lạ thì không tốt đâu! Vì sao vậy? Vì một khi đã tham đắm hoặc mơ tưởng đến chuyện cảm ứng, thì tâm không còn thanh-tịnh, lý tưởng tu hành không còn đứng đắn nữa. Một khi tâm bị dao động thì oan gia, trái chủ dễ dàng lợi dụng để lấy chơn làm giả mà phá hoại mình.

Học Phật, ta phải tin Phật, đừng nên nghi ngờ. Ở quê, có người nghi ngờ hỏi rằng, Phật có vạn đức, vạn năng sao các Ngài không đem hết chúng sanh về Tây-phương có gọn hơn không? Xin thưa rằng, đâu có đơn giản như vậy. Phật có khả năng cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng vì chúng sanh không muốn được cứu, chẳng lẽ Phật phải bắt cóc chúng sanh liệng lên đó sao. Làm vậy có khác gì biến cõi Tịnh-độ thành nhà tù, làm sao còn gọi là Thanh-Lương Cực-lạc được nữa.

Trong kinh Phật có câu, “Sanh-Phật bình-đẳng”, sanh là chúng sanh, chúng sanh và Phật bình đẳng nhau. Lý đạo này rất cao, diễn tả những pháp giới bình đẳng giữa chúng sanh và Phật, tuy hai mà một, tuy một mà hai. “Tuy hai mà một” vì chúng sanh có Phật tánh, có thể thành Phật. “Tuy một mà hai” vì chúng sanh bổn lai là Phật, nhưng vì Phật tánh bị chướng ngại mà xa lìa cảnh giới Phật, để chịu đọa lạc trầm luân.

“Sanh - Phật bình-đẳng”, chúng sanh và Phật là hai lực lượng có sức mạnh vô biên như nhau. Phật thì thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ. Chúng sanh thì tham lam, sân giận, si mê. Phật thì giải thoát rốt ráo, chúng sanh thì đọa lạc triền miên, hai cái năng lực này có sức mạnh vô biên nhưng ngược nhau. Bình-đẳng là hiểu theo nghĩa cái tâm tự do hành động. Để dễ hiểu, con vẽ đồ hình dưới đây:

Chúng sanh

Phật
Hình 1: Sanh Phật bình đẳng.

Phật là đấng giác ngộ, có thể đưa chúng sanh tới chỗ sáng suốt, trí-huệ. Chúng sanh thì mê muội dẫn dắt con người vào nơi lầm lạc, tối tăm. Một tâm hồn nương theo Phật thì nhập vào cảnh giới giải thoát gọi là được “Cứu độ”. Ngược lại, nếu ham thích phàm tục, chạy theo thế gian thì bị lôi vào vòng chúng sanh, gọi là “Đọa lạc”. Như vậy, một người được cứu độ hay không là tùy theo cái tâm nó hành động, nói theo nhà Phật gọi là “Duyên”. Tâm duyên với chúng sanh thì thành chúng sanh, tâm duyên với Phật thì thành Phật. Cho nên niệm Phật thì thành Phật, không niệm Phật thì thành phàm phu. Đây là đạo lý “vạn pháp duy tâm”. Cái tâm quyết định tương lai của một người.

Chúng sanh

Hình 2: Tâm duyên...

Từ trong vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay cái tâm của chúng ta chìm sâu trong vòng chúng sanh, đã trải qua nhiều cảnh giới khác nhau rồi, như bị đọa lạc ở địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, làm người hoặc cũng đã trải qua vài cảnh giới của các cõi trời rồi mà chúng ta không hay.

Tất cả những cảnh giới đó, so với cảnh giới của Phật, đều là chúng sanh cả. Một thần thức trải qua một lần nhập thai, thọ thai, xuất thai thì đều quên tất cả những gì của quá khứ, thành ra chúng ta không biết sợ, cứ tiếp tục mê muội tạo thêm nghiệp chướng mới. Giả như ta biết rõ kiếp quá khứ, chắc chắn không ai còn dám sống hồ đồ nữa đâu. Trong kinh Phật nói, các vị chứng quả A-la-hán, biết được năm trăm kiếp quá khứ, các Ngài thấy những kiếp bị đọa địa ngục mà sợ đến đổ mồ hôi máu. Thật không phải đơn giản!

Tâm của chúng ta vừa có Phật tánh, vừa có chúng sanh tánh, gia nhập vào vòng chúng sanh thì bình đẳng với chúng sanh, gia nhập với Phật thì bình đẳng với Phật. Như vậy, cái “Tâm” cũng là một lực lượng tự do, bình đẳng. Vì tâm của chúng ta bị vọng tưởng, không có định cho nên rất dễ bị cái duyên nó chuyển. Cái duyên mạnh nhất là duyên chúng sanh, làm cho tâm chúng ta dễ tham đắm vào đó để tiếp tục trôi lăn trong luân hồi khó được giải thoát. Thật là khổ!

Ở quê trong những ngày trời mưa, đêm đến thường có loài mối có cánh, bay vào ánh đèn để chết. Chúng cũng là chúng sanh đó. Đời sống của chúng rất ngắn ngủi, mới nở ra ban chiều, chui lên khỏi lớp lá mục, chờ trời tối bay vào nhà đâm đầu vào lửa. Đời sống chỉ trải qua vài tiếng đồng hồ thế mà chúng cũng tranh giành, đánh nhau đến rụng cánh, sứt chân, trước khi tự sát. Cảnh giới của chúng sanh là vậy đó. Con người sống bảy, tám mươi tuổi tưởng là dài lắm, nhưng so với pháp thân Phật thì chẳng khác gì một giấc nghỉ trưa. Ví dụ, như đem thế gian này so sánh với cung trời Đâu-Suất thôi cũng đủ thấy cách biệt rồi.

Một vị Đẳng Giác Bồ-tát trước khi xuống trần thị hiện thành Phật, các Ngài tới tu tại nội viện Đâu-Suất Thiên, ở đó tuổi thọ trung bình bốn ngàn tuổi, một ngày dài bằng bốn trăm năm ở thế gian. Tính ra 100 năm ở thế gian này chỉ bằng 1/4 ngày ở đó. Khi ta bắt đầu sinh ra thì các Ngài bắt đầu đi dạo vườn xem hoa, các Ngài chưa kịp trở vào nhà thì chúng ta đã mãn đời rồi. Thế mà loài người tranh từng miếng ăn, miếng uống, giành từng chút danh vọng hão huyền. Thấy vậy các Ngài mới thương hại cho con người sao cứ mãi mê muội trong cảnh đoạn trường mà không chịu tìm lối thoát thân?

Thưa cha má, hiểu được nhân sinh là vậy thì mau mau tìm về cảnh Phật là trí huệ nhất. Vạn pháp duy tâm, chỉ cần đem cái tâm xả bỏ thế gian, thì ta ra khỏi thế gian. Niệm Phật, tâm ta duyên với Phật, thì ta về với Phật. Người nào biết xả bỏ thế tình, coi nhẹ tiền bạc, xa lìa danh vọng... niệm Phật thì được siêu vượt tam giới đi về Tây-phương Cực-lạc trong một đời này mà thôi. Chúng con đã cố gắng quét dọn sạch sẽ chông gai cho con đường tu hành của cha má phẳng lặng, yên ổn, thì cha má hãy quyết đi, đừng chần chờ lưỡng lự mà lỡ lọt lại đời sau, liệu còn có cơ duyên nào thù thắng tương tự để đi nữa không?

Bố-thí, giúp người, cứ tùy duyên không ai bắt buộc, nhưng đây là cách tu phước và thực hành sự buông-xả. Bố-thí phá trừ tham, giúp người nghèo khó, dù nhỏ nhưng cũng an ủi họ được phần nào. Nhìn thấy người ta vui mình cũng vui, mỗi ngày có được một chút nguồn hạnh phúc như vậy, lâu dần tâm mình sẽ từ bi hỷ xả và sau cùng mình buông xả được thế tục, tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng. Đây là tiên triệu của sự giải thoát vậy.

Còn phần con cái, anh chị em nên nghĩ đến chuyện lớn, chuyện giải thoát huệ-mạng của đấng sanh thành rất là quan trọng. Chúng ta phải cố gắng làm, nhất thiết không thể đem huệ-mạng của người sanh đẻ ra mình để đổi lấy vài cái danh hão huyền, vài cái lợi phù phiếm, vô tình hại chết đời cha má qua hàng vạn kiếp, mà mình bị mang tội ác truyền đời khó rửa sạch. Có thể anh chị em chưa hiểu thấu được cảnh giới, chưa rõ về luân hồi nhân quả, cho nên không lo sợ chuyện này, chứ thực sự đây là sự thật.

Hãy tin Phật, hãy làm theo lời Phật dạy, hãy có tâm chân thành cung kính đối với Phật, thì sẽ có duyên lành để hiểu ra chân lý. Phụng dưỡng phụ mẫu là tánh đức đầu tiên của Phật dạy. Người biết phụng dưỡng cha mẹ chắc sẽ được Phật gia trì, nghèo cũng thành giàu, khổ cũng thành sướng, làm ăn khó cũng thành dễ... Thiện nhân thiện báo, cái thiện lớn nhất của con cái là phải biết sắp xếp sự phụng dưỡng, biết niệm Phật hộ niệm cho cha má được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc vậy.

Buông bỏ thế tình thì thế tình sẽ buông bỏ. Xa lìa trần lao thì trần lao sẽ xa lìa. Từ đó, khổ ải, phiền não, từ từ nó buông mình ra. Ta sẽ thảnh thơi, an lạc, niệm Phật, vui trong nguồn đạo.

Nam-mô A-di-đà Phật,
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 22/11/02).