Xử thế, đối người, tiếp vật, cần giữ thái độ
nhẹ nhàng, đừng quá so đo tính toán. Thà tự ta chịu bị thiệt thòi, bị lừa gạt,
cũng không cần phải hơn thua với họ. Luôn luôn giữ tâm bình khí hòa, điều này
mới thật là quan trọng. Nếu ta đối với mọi sự đều quá so đo, tính toán, không
chịu buông bỏ thành kiến của mình, nó sẽ tạo nên chướng ngại rất lớn trong việc
vãng sanh! (PS Tịnh-Không).
Cháu Tuyết thương,
Cậu đã đọc kỹ thư cháu, trước tiên cậu khen
cháu lắm đó. Một người trẻ mà có tâm hướng Phật trong một môi trường sinh hoạt
khó khăn như cháu thật hiếm có và đáng quý. Sự hướng về Phật tu tập không phải
là việc tầm thường đâu, đây chính là thiện căn của cháu đã có từ trong những
đời trước. Ví dụ như khi cậu Năm viết thư về quê cho ông bà ngoại, thì dì Thứ
của cháu đã cảm ứng trước tất cả mọi người. Đây chính là thiện căn phúc đức và
nhân duyên của dì Thứ có đầy đủ hơn so với người khác trong gia đình. Trong đời
này chúng ta là thân thuộc, vợ chồng, cha con, cậu cháu, anh chị em với nhau…
tất cả đều do một duyên nợ từ tiền kiếp nào đó. Sau cuộc đời này có thể còn gặp
nhau, cũng có thể không bao giờ gặp lại. Cuộc sống của một chúng sanh trải dài
từ thật lâu xa trong quá khứ vô cùng cho đến mãi về tương lai thời gian vô tận.
Cháu hãy tưởng tượng có hai sợi chỉ thật dài, bỗng nhiên nó nhập lại một cái
gút, rồi sau đó lại tiếp tục đi tiếp. Mỗi sợi chỉ tượng trưng một mạng sống,
hai sợi chỉ gút lại là cái duyên nợ ân oán với nhau trong đời này. Thời gian
chúng ta ở chung với nhau nó dài cũng giống như cái gút so với chiều dài sợi
chỉ vậy cháu ạ.
Khi cháu hiểu được Phật pháp rồi cháu sẽ
thấy rõ ràng những sợi chỉ đó và những cái gút đó. Có sợi chỉ thoát được cái
gút đi lên, có sợi chỉ qua khỏi cái gút đâm đầu đi xuống. Nếu thức tỉnh quay
đầu thì vượt lên được, còn không thì đi thẳng vào nơi hiểm nạn, khổ đau vô tận.
Thư của cháu lời lẽ rất tha thiết, có hiếu có nghĩa. Cậu Năm khen lắm, cậu sẽ
theo thứ tự giúp ý kiến giải quyết những khó khăn cho cháu.
Trước hết, “Cháu lo sợ rằng ngày mãn phần
của bà Nội cháu đã gần kề”. Đọc đến dòng chữ này làm cậu Năm cũng cảm thấy ngậm
ngùi, ngậm ngùi cho Nội cháu, ngậm ngùi cho số kiếp con người. Bao nhiêu năm
bôn ba quật lộn với đời, cuối cùng chợt nghĩ lại thì những gì xảy ra trong quá
khứ tuồng như một giấc mộng lờ mờ lưu lại trong trí nhớ; cảnh hiện tại như trò
huyễn hóa, còn đây mất đó hồi nào không hay; những ước vọng cho tương lai tưởng
chừng là vàng son gấm vóc, nhưng đó cũng chỉ là những áng mây trôi, tan hợp hợp
tan chập chờn không thực! Đối diện với cảnh sắp chia ly, ai mà không buồn, ai
mà không đau xót! Nếu là người không hiểu đạo thì cảnh phũ phàng này sẽ đem đến
sự đau khổ vô cùng, thương tâm vô tận, sầu não vô biên! Nhưng hiểu cho thấu
kiếp nhân sinh thì đây là lẽ đương nhiên thôi!
Tất cả mọi người ai cũng đang đi về chỗ đó,
rồi đây tới ông bà ngoại, tới cậu, tới cha má cháu, tới cháu, tới con của
cháu... không ai tránh khỏi. Con người vừa mới sinh ra là đã bắt đầu tìm đường
đi vào phần mộ, thì cần gì phải chờ ngày già rồi mới hiểu phải không cháu? Thế
nhưng người không biết tu, không hiểu đạo họ sẽ rối bời, tâm hồn bấn loạn, mê
mê mờ mờ để đem huệ mạng của mình gởi cho vào nơi hiểm ác. Còn người biết tu
thì họ chờ đợi sự ra đi như một cơ hội để giải thoát, vẫy tay vui vẻ chào giã
biệt cuộc đời khổ nạn.
Cháu nên biết rằng, một khi mình chọn con
đường giải thoát thì mình giải thoát, an hưởng tất cả những sự sung sướng an
lạc trên đời; mình chọn con đường đoạ lạc mình chịu đau khổ vô biên, tự mình
dìm đời mình trong tăm tối phiền não triền miên vạn kiếp. Cho nên khổ đau hay
hạnh phúc đang nằm ngay trong tâm của mỗi một chúng ta. Giải thoát hay đọa lạc
đang ở ngay trước mắt, nó chỉ là sự lựa chọn tùy ý của mình mà thôi. Người lâm
chung mà được sáng suốt, tâm hồn tỉnh táo và biết đường đi họ sẽ lựa chọn con
đường tốt: “Đường về Cực-lạc”, người mê muội hoặc không biết đường đi, họ sẽ bị
nghiệp chướng lôi kéo vào ngả hiểm nguy: “Đường về đọa lạc”. “Cực-lạc” hay
“Đọa-Lạc” là do sở nguyện của mình, chính cái nguyện nó có năng lực rất mạnh,
có thể quyết định được tương lai cho mình! Nguyện vãng sanh, mình vãng sanh về
với Phật, không có lời nguyện thì mình trôi theo giòng nghiệp lực để thọ nạn.
Chính vì điểm này mà lúc nào Cậu cũng nhắc
nhở phải nhớ PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH. Người hằng ngày phát nguyện vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc với Phật, thì họ đã chuẩn bị đợi chờ ngày mãn báo thân để
được gặp Phật, thì làm sao họ sợ sệt hay hoảng hốt trước giây phút lâm chung!
Chính vì thế mà tất cả những người chí thành niệm Phật đều có tâm hồn tỉnh táo,
vui vẻ, an nhiên, tự tại trong phút giây ra đi. Họ bình tĩnh đợi đức Phật
A-di-đà đến tiếp dẫn để họ bỏ cái xác thân trần tục lại rồi đi theo quang minh
của Phật. Ấy gọi là Vãng-Sanh. Sự thành tựu này, một là do lòng tin kiên cường
và chí thành nguyện cầu của mình; hai là nhờ sự gia trì của Phật A-di-đà.
Có nhiều người họ biểu diễn đứng vãng sanh,
ngồi vãng sanh, hẹn lại ngày vãng sanh, làm tiệc vãng sanh… giống như trò xiệc
vậy. Ví dụ như pháp sư Đế-Nhàn có một người đệ tử, ông ta dốt chữ, không đọc
kinh được, không thông minh, không làm gì được cho chùa. Thế nhưng ông ta lại
muốn xuất gia, Ngài không cho nhưng ông ta cứ nằn nèo xin hoài, Ngài Đế-Nhàn
mới chấp nhận và giao cho ông ta tới một cái am vắng để niệm Phật. Ngài dặn chỉ
niệm Nam-mô A-di-đà Phật thôi, ngoài ra có giờ rảnh thì phụ với bà cụ coi chùa
lo quét dọn trước sau. Ba năm sau ông ta đứng thẳng chắp tay hướng về hướng sư
phụ mà vãng sanh. Trước khi vãng sanh, ông báo cho bà cụ biết để khỏi nấu cơm và
hãy mau đi về tự viện báo với sư phụ tới mai táng. Ông vãng sanh đứng im như
vậy ba ngày chờ đến khi sư phụ tới lo hậu sự. Đó là sự thật, một sự thật rất
khó mà giải thích! Người tu hành mà không lấy đây làm gương, không chịu niệm
Phật, không nguyện vãng sanh, đến cuối cùng hầu hết đều chịu chung số phần may
rủi như bao nhiêu nạn nhân khác! Thật là tiếc vậy! Hãy liên lạc với cậu An để
xin cuộn phim bà cụ Triệu-Vinh-Phương để coi rõ một trường hợp vãng sanh về với
Phật. Đây là một chứng cớ sống động, chứng minh những điều cậu đã nói toàn là
sự thật. Khó lắm mới có cuộn video này đó cháu, nhớ tìm cách sang ra cho nhiều
người coi, đừng để mất bổn.
Đoạn khác cháu viết “...bà Nội cháu từ nhỏ
đã theo đạo Phật, nay gặp cậu ghi thư về giúp đỡ, Nội cháu ngày đêm đã niêm
Phật”. Câu này cậu Năm thích nhất. Nội cháu ngày đêm đã niệm Phật, chỉ cần như
vậy là Nội của cháu đã khởi sự con đường về với Phật rồi đó. Nội cháu đang yếu
nặng, đang nằm một chỗ, để chờ ngày mãn phần. Ngay thời điểm cuối cùng của cuộc
đời này mà Nội cháu đã gặp được cơ may, phát được tâm nguyện niệm Phật cầu sanh
Tây-phương Cực-lạc, thì thực sự Nội của cháu đã có thiện căn phúc đức rất lớn,
lớn hơn rất nhiều người khác! Trên đời này không dễ có ai được may mắn như vậy
đâu. Đây là lời nói thành thực. Đã có rất nhiều ông bà trong dòng họ mình cũng
suốt đời tu Phật, nhưng cuối cùng đâu được ai khuyên nhắc để niệm một tiếng
Phật hiệu ở phút lâm chung. Hàng triệu, hàng tỉ người trên thế gian này đếm
được mấy người niệm được tiếng A-di-đà Phật khi lâm chung đâu cháu? Thật sự Nội
cháu có nhiều thiện căn phúc đức, chính nhờ vậy mà chỉ qua một lời khuyên trong
thư mà Nội cháu đã “ngày đêm niệm Phật”.
Người đã có thiện căn phúc đức sẵn, khi nhân
duyên đến họ phát tâm liền, họ sẽ có cơ hội về với Phật liền. Nội cháu đang nắm
trong tay cái cơ duyên ngàn đời khó gặp, ngàn vàng khó mua, tỉ người trên thế
gian này mong cầu không dễ gì có được. Cậu Năm xin nhắn lời chúc mừng Nội cháu.
Khi nhận được thư này cháu nhớ đọc cho Nội cháu nghe, nhớ đọc rõ ràng, đọc từng
chữ từng câu, không nên nói đại khái, vì nói đại khái sẽ không diễn lại được
đầy đủ ý nghĩa của Cậu nói đâu. Dù cậu không trực tiếp thấy Nội cháu trong lúc
này nhưng cậu chắc chắn rằng, dù thể chất của Nội cháu yếu đuối bất động, nhưng
tinh thần của Nội cháu đang rất sáng suốt, minh mẫn. Cháu đọc thư, Nội cháu sẽ
cảm nhận được từng lời từng ý và sẽ liễu ngộ sâu lời thư của cậu, nhiều khi còn
hơn cháu nữa đó.
Trong kinh Phật Thuyết A-di-đà, Phật dạy
rằng, người nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, lúc lâm chung tâm hồn tỉnh
táo, không điên đảo mê loạn. Nội cháu đang nằm im thiêm thiếp nhiều tháng ngày
qua, đó là trạng thái hôn mê, nhưng nay Nội cháu đã niệm Phật ngày đêm thì chắc
rằng sự hôn mê không còn nữa. Nếu Nội cháu nhứt tâm hướng về Phật A-di-đà, hàng
ngày tha thiết cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực-lạc với Phật, hàng ngày
thành tâm nguyện xin Phật A-di-đà phóng quang nhiếp thọ, rồi quyết chí niệm
A-di-đà Phật, nhất định không để phí một giây phút nào, nhất định không để một
ý tưởng nào khác chen vào, nhất định không luyến tiếc cái gì khác, nhất định
không thèm cầu sống thêm. Chỉ một lòng một dạ, một đường mà đi, cương quyết xin
về với Phật thì cơ duyên thành Phật của Nội cháu đã thành thục rồi vậy.
Ngay khi Nội cháu nghe đọc thư này, nếu Nội
cháu quyết thề niệm Phật, nhứt định phải niệm liên tục KHÔNG HOÀI NGHI, KHÔNG
GIÁN ĐOẠN, KHÔNG XEN TẠP, thì 10 câu Phật hiệu trước khi chấm dứt hơi thở cuối
cùng chắc chắn phải được. Được như vậy thì cậu Năm dám bảo đảm rằng Nội cháu
được vãng sanh, chắc chắn được vãng sanh. Đây là lời kinh nói, đây là lời Phật
dạy, đây là lời thề của Phật A-di-đà chứ không phải Cậu Năm nói bừa.
Muốn được mười niệm trước lúc lâm chung thì
ngay bây giờ phải thực tập liền, thành tâm khẩn thiết, tâm tâm nghĩ tới Phật
A-di-đà, niệm niệm hướng tới Phật A-di-đà, khi đó tự nhiên trong lúc niệm câu
Phật hiệu, thì lời nguyện vãng sanh Tây-phương nó tự hiện ra, nghĩa là chỉ cần
niệm Phật thôi nó cũng có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh trong đó rồi. Cho nên,
Tín-Hạnh-Nguyện tuy ba mà một, được một thì được ba. Đã niệm Phật rồi thì nhứt
thiết đừng sợ ma quỷ, không sợ ác mộng, không sợ mộc đè, không sợ oan gia trái
chủ, không sợ bất cứ thứ gì khác nữa. Hãy nói thật rõ với Nội cháu là trong
những lúc kiệt sức, chóng mặt ù tai, mệt mỏi, mê thấy đủ thứ, thấy Phật, thấy
ma, thấy quỷ, thấy thú dữ, thấy mộc đè, v.v... tuyệt đối không lo sợ gì cả, cứ
tiếp tục niệm Phật, niệm lớn càng tốt, niệm lớn không được thì trong tâm tiếp
tục niệm “A-di-đà Phật, A-di-đà phật…”, cứ thế thì tất cả đều được qua khỏi.
Nội đã niệm Phật thì có quang minh của Phật che chở cho Nội rồi, đừng lo ngại
chuyện gì cả. Nhớ không cháu?
Đến đây thì cậu Năm nghĩ rằng con đường vãng
sanh của Nội cháu đã đặt sẵn trước bàn chân của nội cháu rồi đó. Phẩm vị cao
thì không dám bảo đảm được nhưng được về tới cảnh giới Cực-lạc với Phật coi như
đủ tiêu chuẩn, Nội cháu sẽ nghiễm nhiên trở thành vị Bồ-tát bất thối tại cõi
Tây-phương, từ đó vĩnh viễn không sợ đọa lạc vào địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh
nữa, không sợ chết, không sợ khổ đau nữa, chỉ còn một đời chót này nữa thôi
thần thông biến hóa, an nhàn tự tại, tu hành chờ thành Phật. Điều này cậu Năm
dám khẳng định. Nếu Nội cháu vững lòng tin tưởng, ý chí cương nghị vững như
tường đồng, sắt son niệm Phật, một hướng mà đi không một chút phân vân, không
một chút do dự, không một chút hồ nghi, thì cậu Năm tin rằng chỉ một thời gian
ngắn, Nội cháu có thể cảm ứng rõ được Phật lực gia trì, nghĩa là Nội cháu sẽ
biết được ngày ra đi. Khi Nội lâm chung, cháu có thể thấy được quang minh của
Phật sáng loà cả nhà, hương thơm bay ngát cả trong ngoài. Nếu được như vậy,
phẩm vị của Nội cháu thật sự không phải tầm thường đâu. Còn nếu không thấy
quang minh, thì ít ra Nội cháu cũng được tỉnh táo niệm Phật vãng sanh.
Ngược lại đến giờ phút này mà gia đình còn
lưỡng lự, còn hỏi tới hỏi lui, còn nghi ngờ lời Phật, còn chạy cầu kiến khắp
nơi, nhất là Nội cháu không chịu tranh từng hơi thở để niệm Phật thì đành chịu
thua, không còn cách gỡ nữa đâu. Cậu Năm cầu Phật lực gia hộ cho Nội cháu, cho
cháu và toàn gia đình được sự đại may mắn, đại phước báu.
Về việc “...Cháu sợ trước và sau phút lâm
chung sẽ không có người hộ niệm, vì gia đình cháu không như gia đình của bà cụ
Triệu-Vinh-Phương”. Đây là mối lo rất đứng đắn! Thật tội nghiệp cho cháu về sự
lo lắng này. Đúng ra mối lo này phải dành cho ba cháu mới đúng! Chính ba má
cháu mới là người trực tiếp làm tròn đạo hiếu của con và dâu, còn cháu thì nặng
về nghĩa nhiều hơn.
Người học Phật phải lưỡng toàn cả Phúc và
Huệ. Tu Phúc có 3 phúc 11 điều. Ba phúc là phúc báu Nhơn-Thiên, phúc báu Nhị-Thừa,
phúc báu Đại-Thừa, trong đó phúc Nhơn Thiên là nền tảng căn bản nhứt có 4 điều:
1)Hiếu dưỡng phụ mẫu; 2) Phụng sự sư trưởng; 3)Từ tâm bất sát; 4)Tu thập thiện
nghiệp. Trong bốn điều trên thì “Hiếu dưỡng phụ mẫu” là tối quan trọng, đặt ở
hàng đầu. Một người con mà ăn ở bất hiếu với cha mẹ thì khó có thể mơ ngày
thoát ly khổ hải, nếu không nói là phải bị đọa vào cảnh cực kỳ hiểm ác sau này.
Trong pháp môn niệm Phật, đức Phật A-di-đà có khả năng cứu độ những kẻ gây tội
ngũ nghịch thập ác, nghĩa là những kẻ giết cha hại mẹ mà biết ăn năn hối lỗi.
Nhưng cháu nên nhớ cho kỹ rằng, cái lỗi lầm này là ở quá khứ, ở lúc mình còn
ngu si mê muội, mình chưa hiểu Phật pháp, chưa rõ luật nhân quả báo ứng, chứ
không phải là lỗi ở hiện tại và tương lai.
Trong quá khứ vì vô minh bất giác, tâm tính
bị ma chướng ám hại làm cho mê muội thành ra mình làm nên điều ác đức. Nay đã
hiểu ra rồi thì phải ăn năn sám hối, tận lực tu sửa thì mới được tha thứ. Phật
cứu độ là cứu trong điều kiện này. Chứ như một người không chịu phân biệt đường
chánh nẻo tà, tâm hồn cống cao ngã mạn, không lo chu toàn chữ hiếu, tiếp tục
làm ác... thì Phật làm sao cứu được?!...
Cụ Triệu-Vinh-Phương biết được ngày giờ ra
đi cho nên họ hộ niệm trước 3 ngày, còn Nội cháu đâu biết ngày nào đi cho nên
phải hộ niệm liên tục, nghĩa là hằng ngày đều tới nhắc nhở và ngồi niệm Phật
chung với Nội. Thực tế, như cụ Phương thì không cần hộ niệm cũng được vãng
sanh, vì cụ đã được Phật A-di-đà thọ ký, đã được Phật xác định ngày giờ Phật
tới tiếp dẫn, cụ đã thành tâm niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn thì cần ai hộ
niệm nữa. Nhưng người nhà cẩn thận cũng tổ chức thật đàng hoàng đó là vì lòng
hiếu kính của con cháu. Hơn nữa hộ niệm này trở thành công đức tu hành cho
chính người hộ niệm. Có lần có người hỏi thầy Ngộ-Thông rằng, “cụ Phương tu
cách nào mà ống xương biến thành tượng Phật vậy?”. Thầy trả lời, đó không phải
là công phu của cụ mà là công phu của người hộ niệm. Vì cụ đã vãng sanh về với
Phật, cụ đã trở thành Bồ-tát ở cõi Cực-lạc rồi, cụ đâu cần cái cục xương đó
nữa. Cái tượng Phật bằng xương cụ để lại là để độ cho những người hộ niệm, độ
kẻ còn ở lại.
Câu trả lời này rất hay, suy nghĩ kỹ rất có
lý. Vì ngay khi Phật phóng quang tới, tất cả những người đang hộ niệm đã trầm
mình trong ánh quang minh, họ đã xúc chạm quang minh của Phật thì cũng như được
Phật thọ ký rồi. Phật đã để lại hiện tượng: “tượng Phật bằng xương xá lợi” để
cho mọi người củng cố niềm tin, tinh tấn tu hành để được vãng sanh sau này. Do
đó, đây có thể là do thần lực của Phật A-di-đà để lại chứ đâu phải của cụ
Phương.
Nội của cháu hồi giờ theo đạo Phật, có tu
hành nhưng, theo như cậu thấy, công phu tu hành không đắc lực cho nên công đức
không thể lớn được. Về phúc đức thiện căn từ nhiều đời trước đã có mới khiến
Nội cháu niệm Phật, nhưng con cháu trong nhà cũng cần đề cao cảnh giác cao độ
về oan gia trái chủ trong đời, đó là những oan nghiệp dây dưa rất lâu rồi khó
lường sự trả thù của họ. Nếu tinh thần của Nội cháu, cương nghị, luôn luôn sáng
suốt giữ được câu Phật hiệu trong bất kỳ cảnh ngộ nào và trì niệm tới cùng thì
khỏi lo chi cả. (Đã nói qua ở trên). Giả sử như Nội cháu yếu quá, chóng mặt,
nhức đầu, ói mửa, đau nhức... mà quên mất câu Phật hiệu thì sao? Oan gia trái
chủ lợi dụng cơ hội đó nhào vô dụ dỗ, phá hoại, trả thù… liệu Nội cháu có còn
bình tĩnh được nữa không? Đây là điều rất nguy hiểm cho Nội mà con cháu cần đặc
biệt chú tâm. Hộ niệm rất cần thiết để ứng phó trong những trường hợp này. Hiếu
thảo hay không là sự quyết tâm bảo vệ người thân của mình trong những thời điểm
này đây. Hộ niệm không phải là niệm thay cho người đi, mà hộ niệm là giúp người
ra đi giữ được chánh niệm, luôn luôn nhớ được câu Phật hiệu để được vãng sanh
và cũng giúp ngăn cản nghiệp chướng phá hoại.
Trong các thư trước cậu đã nói rất rõ những
gì cần làm rồi. Lời của cậu rất chân thành, tha thiết, đầy ắp thiện ý muốn cứu
độ Nội cháu. Nhưng dù sao thì cậu Năm cũng chỉ giúp bằng lời chứ không có cách
nào hơn nữa. Trước đây vì cậu không biết nên cậu đã tĩnh bơ, an nhiên chứng
kiến nhiều người thân trong giòng họ mình ra đi trong đau khổ, trong đoạ lạc.
Giờ đây cậu đã hiểu đạo, cậu đã thấy được con đường giải thoát, cậu đã giựt
mình tỉnh ngộ, cậu cố gắng tối đa giảng giải rất kỹ, qua nhiều thư từ cậu năn
nỉ cạn lời, cậu mần mò tìm cho được những bằng chứng cụ thể để xây dựng lòng tin
cho mọi người, cũng chỉ vì một tâm nguyện duy nhứt là cứu độ được người nào hay
người đó. Giờ đây, cậu mách nước để cứu Nội cháu, nhưng cứu độ được hay không
là lương tâm, là trách nhiệm, là hiếu nghĩa của ba cháu với phận làm con, của
má cháu với phận làm dâu, của cô cháu và con cháu trong gia đình. Đã đến nước
này mà không chịu tin nữa thì thôi chứ cậu biết làm cách nào hơn, phải không
cháu?
Cậu nhắc lại, Nội cháu có cứu được hay không
hoàn toàn tùy thuộc vào:
v Một là lòng quyết tâm niệm Phật cầu sanh
của Nội cháu;
v Hai là sự hổ trợ tích cực của những người
trong gia đình.
Nếu mọi người cho rằng chết là hết, phủi tay
cuộc đời là xong nợ, không còn gì nữa cả thì cậu đành chịu thua, không có quyền
gì dám xen vào nữa. Ôi! Cậu chỉ đành cầu Phật gia hộ cho Nội cháu, sự may mắn
chỉ còn nhờ chính vào sức lực đơn độc của một cụ già yếu đuối bị bỏ rơi trong
tình trạng quá tội nghiệp, để tự chống chọi với bao nhiêu thế lực hung hiểm,
bao nhiêu cạm bẩy ác nghiệt nhất trong đời, mà đúng ra, nếu con cái có lòng
hiếu nghĩa, biết thương tưởng đến, thì chỉ cần bỏ ra một chút công sức rất nhỏ,
thì cũng có thể cứu được người thân yêu. Đó là một ơn nghĩa vô cùng vĩ đại đối
với Nội cháu, muôn ngàn đời Nội cháu không dám quên!
Riêng về phần cháu, cậu rất thông cảm sự khó khăn của cháu. Chỉ cần có tấm lòng
thiết tha của cháu cũng đủ làm cho Nội cháu được an ủi rồi. Bây giờ cháu hãy áp
dụng châm ngôn “còn nước còn tát”, quyết chí cứu Nội thì phải cố gắng làm hết
mình tới đâu hay tới đó. Nếu lòng cháu chân thành, tâm cháu chí thiết, Phật lực
sẽ gia trì cho cháu, cậu nghĩ sự cố gắng của cháu không uổng công đâu. Cứu bằng
cách nào? Cậu đề nghị mấy điểm sau đây:
1) Hãy cố gắng dành thì giờ thăm Nội thường
xuyên để chăm sóc, giúp đỡ những điều cần thiết như việc đại tiểu tiện, quạt
mát sưởi ấm, giúp xoay trở nhẹ nhàng… nói chung làm tất cả những gì Nội yêu
cầu. Nếu có thêm người trong gia đình thì thay phiên nhau mỗi lần một người một
giờ thôi.
2) Cần cho Nội cháu uống nước thường xuyên
để khỏi bị kiệt sức, cứ cỡ 15 phút uống một ngụm nước nhỏ, nên pha với nước cam
thật loãng, có thể uống thuốc bổ hoặc chích thuốc bổ và ăn cháo đều độ cho lại
sức. Cũng nên hỏi bác sĩ, nhưng phải nhớ trong khi cho uống nước cháu vẫn tiếp
tục niệm Phật. Có sức khỏe sẽ trợ lực để niệm Phật tích cực hơn. Việc chích
thuốc bổ hay chuyền nước biển để tăng sức rất tốt, nhưng khi biết sắp lâm chung
rồi thì không được chích nữa để khỏi gây đau đớn.
3) Mỗi lần tới thăm, thay vì nói: “cháu tới
thăm Nội”, hãy nói là: “Cháu tới niệm Phật với Nội đây”. Hãy chuyển chữ “Thăm”
thành chữ “Niệm Phật” để nhắc nhở Nội. Đó là hộ niệm. Vì người bệnh bị mệt mỏi
thường lười biếng dễ ngủ lì, dễ buông xuôi, thì người chăm sóc cần nhắc nhở,
khuyến khích niệm Phật luôn luôn. Đừng sợ mất ngủ, cố gắng niệm Phật cho tỉnh
táo thì tốt hơn. Khuyến khích Nội nếu nhép môi niệm theo được thì tốt, còn
không cứ niêm thầm trong tâm cũng tốt. Nhép môi là để vận dụng sức thì sức dễ
hồi tỉnh, tâm dễ tỉnh lại hơn, thế thôi.
4) Người bệnh tinh thần mệt mỏi rất dễ hôn
mê rơi vào ác mộng. Nhớ theo dõi, nếu thấy Nội đang mớ, ú-ớ là phải đánh thức
dậy và ngay lập tức niệm Phật liền. Khuyên Nội cố gắng niệm Phật trong giấc
mộng, nghĩa là khi mộng mị thấy bất cứ điều gì cũng cứ niệm Phật. Thấy Phật
cũng niệm Phật, thấy ma cũng niệm Phật, thấy thú dữ hay bất cứ thứ gì cũng niệm
Phật. Niệm Phật và vững tâm niệm Phật, tuyệt đối không đi theo bất cứ Thần,
Thánh, Tiên, Phật nào hết. Không được đi theo ông, bà, cha, mẹ, nào cả vì đó
không phải là thực đâu. Phải nhớ, ma có thể giả dạng người thân yêu, giả đến cả
Phật để dụ mình chứ không phải tầm thường. Cứ việc niệm “A-di-đà Phật” thì giả
thực sẽ biết rõ. Chỉ chờ Phật A-di-đà, chỉ được đi theo Phật A-di-đà vì chắc
chắn không ai dám giả Phật A-di-đà cả. Nói rõ cho Nội biết rằng, khi còn niệm
A-di-đà Phật thì liền được 25 vị Hộ Pháp bảo vệ, không có thế lực nào dám xâm
nhập đến mình. Mình bị ma cảnh là tại vì lúc đó mình quên niệm Phật đó thôi.
Cho nên trong giấc mộng cố gắng niệm Phật, niệm trong đó không được, thì khi
thức giấc ngay lập tức niệm liền. Chắc chắn không thể lạc đường đâu.
5) Nhắc nhở Nội nguyện vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc, đừng nguyện cầu lành bệnh hay sống lâu thêm (vì không ích lợi gì mà
còn mang thêm nghiệp báo khó gỡ, khi báo thân đã mãn dù có cầu trăm miễu ngàn
chùa cũng không sống thêm được, ngược lại làm hại cho đường vãng sanh). Cho nên
nhắc Nội nhớ nguyện vãng sanh mỗi sáng. Mỗi lần tới thăm, trước khi hộ niệm đều
mời Nội phát nguyện vãng sanh thêm một vài lần cũng tốt, bằng cách cháu thành
tâm kính cẩn, ngồi trên ghế hoặc quỳ gối, chắp tay đọc lời phát nguyện rõ ràng
cho Nội đọc theo. Phải chép lời nguyện ngắn gọn rồi để trên đầu giường, ngày
nào tới cũng đọc đúng như vậy để nhiếp vào tâm. Có thể nguyện đơn giản như vầy:
“Nam-mô A-di-đà Phật, con xin nguyện cầu hết một báo thân này được vãng sanh về
Tây-phương Cực-lạc Thế-giới. Ngưỡng nguyện A-di-đà Phật đại từ đại bi phóng
quang tiếp dẫn. Nam-mô A-di-đà Phật.”, rồi tiếp tục cùng niệm Phật.
Nên nhớ phải đọc rõ ràng từng chữ, đọc từng câu với lòng thành kính tin tưởng.
Niệm Phật cũng phải rõ ràng từng chữ, không được kéo nhựa, không được lờ mờ.
Niệm đều đều để cho Nội niệm theo. Nên theo dõi thử Nội cháu thích niệm nhanh
hay chậm, thích niệm bốn tiếng hay sáu tiếng, nên niệm bốn tiếng dễ hơn và mạnh
hơn. Nguyện nhiều lần để nhắc nhở tâm mình xác định hướng đi rõ rệt.
6) Tuyệt đối không làm ồn, không khóc lóc,
không kể lể chuyện thương tâm. Tuyệt đối không để bà con lối xóm lui tới thường
xuyên nói chuyện thăm lom và trực tiếp nói chuyện với Nội. Muốn cho Nội được an
toàn về với Phật thì dành tất cả thời giờ để Nội niệm Phật, tránh tất cả những
thói quen phàm tục tầm thường. Người bước vào phòng Nội chỉ để niệm Phật hộ
niệm, xin miễn hỏi thăm, xin miễn chúc phúc chúc lành, xin miễn mọi lời đưa
đẩy. Nếu gia đình không cứng rắn chuyện này Nội cháu sẽ mất phần vãng sanh đó.
Người muốn về với Phật tối kỵ nhất là sự
phân tâm. Vì cảm tình hàng xóm, vì vị nể coi chừng Nội cháu bị hại mà ngàn đời
ân hận. Con cháu vì quá thương mến, mà thiếu trí huệ, thường trở thành thủ phạm
hãm hại huệ mạng của người thân trong địa ngục đó. Phải nhớ, nhứt định phải nhớ
kỹ điều này.
Cho nên, ai tới thăm chỉ được tiếp xúc ở
phòng khác, đừng nói lớn tiếng ồn động đến người bệnh, sau đó dứt khoát mời họ
ra về, không được vị nể mà hại đến người thân của mình. Bà cụ Triệu-Vinh-Phương
khi vẫn còn khỏe nhưng đã quyết định vãng sanh, ai tới thăm cụ nhất định không
trả lời, không nói chuyện, không đáp lễ, ai nói gì nói cụ cứ A-di-đà Phật,
A-di-đà Phật... Quyết chắc như vậy ai nghĩ gì nghĩ, mình lo vãng sanh trước đã.
Chính nhờ vậy mới thoát vòng kiềm toả của thế tục. Cũng nên nhớ oan gia trái
chủ có thể xúi dục bà con tới khóc lóc, than thở, an ủi, thăm lom, vô tình phá
tan tâm nguyện niệm Phật cầu sanh mà cả họ lẫn mình không hay biết. Phải nhớ,
phải nhớ, phải nhớ!
7) Hãy cố gắng thuyết phục trong gia đình
tin Phật, hiểu được sự vi diệu tối thắng của pháp niệm Phật để mọi người cùng
chung chí hướng niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Tin nhân quả luân hồi. Chết là thần
thức rời bỏ nhục thể để tìm thế giới khác sống chứ không phải là Nội cháu chết.
Hiểu được như vậy thì mọi người hãy chung lo phần vãng sanh cho người, đừng để
tâm ý phàm tục khởi loạn mà khóc lóc kể lể, gây ồn ào. Đây là điều tối kỵ, tối
nguy hiểm cho Nội cháu. Tuyệt đối làm sao chỉ có tiếng niệm Phật rót vào tai
người đi, ngoài ra không còn gì nữa cả. Không được dùng bùa ngải, cầu xin nước
Tiên nước Thánh, v.v... để uống.
8) Nếu được ra đi trong không khí trên thì
chắc chắn được vãng sanh. Khi vừa vãng sanh rồi vẫn tiếp tục niệm Phật. Tuyệt
đối không đụng chạm đến nhục thể, cứ để im như vậy không cần thay đổi tư thế
nằm, cứ tiếp tục niệm Phật càng lâu càng tốt, ít nhất là tám tiếng đồng hồ mới
được ngưng. Đừng ngại để lâu thì xác cứng khó sửa, chỉ cần lấy khăn nhúng nước
nóng đắp chỗ khuỷu xương một chốc là mềm lại ngay. Đừng báo hàng xóm hay sớm,
nếu không họ sẽ tới đánh trống, thổi kèn, gây ồn ào sẽ làm mất phần vãng sanh
đó. Tất cả những thứ đó chỉ là tập tục sai lầm của người đời. Phải niệm Phật để
cứu độ người thân của mình, tám giờ sau mới tính đến chuyện tùy thuận tập quán
xã hội cũng không muộn.
Thôi đọc lại thư cho Nội nghe, đọc từng chữ
chứ đừng nói tóm tắt, vì nói tóm tắt không khéo làm sai ý cậu mà có hại cho
người nghe và cháu có lỗi đó. Thôi cháu niệm Phật đi.
Thương cháu nhiều lắm
Cậu Năm.
(Viết xong, Úc châu 4/12/01)