Cha má kính thương,
Trong thư này, như đã hứa từ thư trước, con
sẽ kể cha má nghe chuyện một bà cụ chín mươi bốn tuổi vãng sanh lưu lại ngọc xá
lợi. Vãng sanh là chuyện thường tình như những chuyện khác, giống như những
cuộn băng và sách con gởi về cho cha má về niệm Phật vãng sanh lưu xá-lợi.
Nhưng đặc biệt chuyện vãng sanh này đã được họ quay phim tại chỗ từ đầu tới
cuối. Bà cụ không những lưu lại xá-lợi mà còn lưu lại cả đến “XÁ LỢI HÌNH
PHẬT”, một hiện tượng rất hiếm có. Bà cụ ấy tên là Triệu-Vinh-Phương, người
Trung-Hoa, bà bình tĩnh niệm Phật đến hơi thở cuối cùng, đến giây phút cuối
cùng bà vẫn còn mở mắt nhìn tượng Phật A-di-đà trước khi từ từ nhắm lại ra đi.
Hồi giờ nghe nói thì nhiều, ít khi nhìn thấy, khi đã nhìn thấy rõ ràng trước
mắt, từng chi tiết một con không tránh khỏi ngạc nhiên về sự vi diệu của tiếng
niệm Phật. Chính con đã từng nghe qua, từng niệm Phật, đã từng nhìn thấy rất
nhiều hình chụp lại. Nhưng nhìn hình ảnh, đọc sách chỉ có cảm giác bình thường,
còn thấy được hiện tượng đang diễn biến thật là cảm kích.
Bà cụ Triệu-Vinh-Phương được cái phước đức
to lớn là nguyên cả một đại gia đình đều tu Phật, hiểu Phật, đều niệm Phật, cho
nên họ đã làm đúng theo như kinh Phật chỉ dạy. Bà biết được ngày giờ ra đi, ba
ngày trước ngày vãng sanh con cháu đều tề tựu về cùng nhau hộ-niệm cho bà. Cuộc
vãng sanh này được quay phim để lưu lại làm kỷ niệm. Vô tình cuộn phim đó được
phổ biến rộng ra ngoài, Hội-Tịnh-tông họ làm thành VCD để phổ biến, nhờ thế mà
con được coi. Tụi con đề nghị chuyển qua tiếng Việt và sang qua video cho người
Việt-Nam, khi nào có con sẽ tìm cách gởi về cho cha má coi. Đây là chuyện thực
sự mới vừa xảy ra. Vì hoàn toàn là tiếng Tàu cho nên con chỉ xem hình thôi,
không hiểu được nhiều chi tiết. Con xin kể lại được tới đâu hay tới đó, khi nào
dịch được ra tiếng Việt sẽ hay.
Cuốn phim quay bắt đầu từ lúc hộ-niệm. Bà cụ
vẫn tỉnh táo trên giường với tấm trải màu trắng(?), bà đắp cái mền hơi có bông
màu vàng nhợt(?). Ban đầu bà ngồi, người ta chêm mấy cái gối sau lưng và bà cụ
ngồi dựa vào thành giường niệm Phật. Phía sau đầu giường có đặt một bàn thờ nhỏ
với hình Tây-phương tam Thánh (tức là Di-Đà – Quán-Âm – Thế-Chí). Bà cụ cầm xâu
chuỗi 108 hột màu nâu sậm vừa lần hạt vừa niệm theo mọi người. Chung quanh bà
có khoảng hơn mười người hộ-niệm, có lẽ đều là người trong gia đình(?). Một
người đàn bà, có lẽ là con gái của cụ, tuổi cỡ bốn mươi ngồi bên trái giường để
giúp bà cụ trở vai, sửa mền gối. Một người đàn ông tuổi cỡ năm mươi, có lẽ là
con trai của cụ, ngồi bên phải giường cầm tấm hình Phật A-di-đà để trước mặt bà
cụ cách cỡ gần một thước, để cho bà cụ nhìn. Nếu bà cụ có xoay mặt thì ông cũng
di chuyển bức tượng theo cho bà thấy. Tấm hình Phật A-di-đà không phải là bức
tượng hẳn hoi mà là tấm hình in trên trang bìa của một quyển kinh nào đó. Tất
cả mọi người đều bình tĩnh, thành tâm niệm Phật. Họ chỉ niệm bốn chữ “A-di-đà
Phật, A-di-đà Phật...”, họ niệm hơi nhanh, hai giây đồng hồ cỡ ba tiếng Phật
hiệu. Bà cụ cũng điềm nhiên niệm Phật với mọi người. Mới nhìn vào ai cũng cứ
tưởng đó chỉ là buổi niệm Phật bình thường, và giả như chưa biết trước sự việc
thì không ai biết đây là buổi hộ niệm để đưa bà cụ về Tây-phương với Phật.
Buổi hộ-niệm hình như trải qua ba ngày,
nhưng hai ngày đầu họ chỉ quay sơ qua cảnh trí thôi. Đến giờ gần lâm chung họ
quay rất kỹ. Từ đầu tới lúc lâm chung nhìn nét mặt bà cụ không thấy gì là người
bệnh cả, vẫn còn khỏe vì ánh mắt bà cụ vẫn tươi tỉnh, trong sáng. Nét mặt hồng
hào, an nhiên, không có một chút nào tỏ vẻ đau đớn, hoảng hốt, châu mày hay mất
bình tĩnh. Lúc bà còn ngồi dựa gối thì hai tay lần chuỗi niệm A-di-đà Phật. Sau
đó ít lâu bà xoay người nằm bên phải, bà nhẹ nhàng để xâu chuỗi xuống nệm và
chắp hai tay niệm Phật. Khoảng một phút trước lúc ra đi bà cầm xâu chuỗi lên
tròng vào cổ tay phải bốn vòng để khỏi rớt, rồi chắp tay tiếp tục niệm Phật
theo mọi nguời. Một giây trước khi ra đi mắt bà vẫn còn mở nhìn vào tấm hình
Phật A-di-đà trước mặt. Ngay tới thời điểm ra đi bà từ từ nhắm lại, hai tay từ
từ lỏng ra đặt xuống nệm, nằm theo tư thế kiết tường, môi bà cụ vẫn mấp máy
niệm Phật chậm dần rồi ngưng luôn. Người ta để yên bà tư thế đó, nhẹ nhàng đắp
tấm vải vàng lên đến vai rồi tiếp tục niệm Phật luôn tám tiếng đồng hồ nữa.
Trong lúc vừa lâm chung thì tự nhiên cây mai trước vườn nở ra mấy cái hoa màu
trắng, có vài con chim bay đến đậu trong khung cửa ca hót...
Sau đó, họ vẫn tiếp tục niệm Phật cho đến
lúc tẩm liệm. Khi liệm xác, thân thể bà vẫn mềm mại, nét mặt vẫn tươi tỉnh như
đang nằm ngủ. Về việc thiêu, cái lò thiêu ở Trung-Quốc có hình dáng giống như
cái chum trộn hồ xây nhà vậy, cao cỡ một thước rưỡi, đường kính cỡ một thước.
Một chuyện rất đặc biệt xảy ra là sau lễ hỏa thiêu, khi người ta mở chum ra,
bới tro lên tìm được một số xá lợi, đồng thời phát hiện ra một khúc xương đã
biến thành xá lợi có hình dạng giống hệt một tượng Phật A-di-đà cao cỡ chừng ba
tấc. Họ quay rất rõ, con nhìn cũng rất rõ. Con rất ngạc nhiên về việc này. Con
sợ có sự lầm lẫn nào không cho nên hỏi đi hỏi lại mấy người cùng coi, họ xác
định là xá lợi hình Phật thật sự. “Tượng Phật xá lợi” đó trên đầu tóc xoắn hình
trôn ốc, một tay để ngang ngực, một tay xuôi thẳng xuống, thấy được rõ ràng cả
năm ngón tay. Hai chân Phật đứng thẳng vững vàng giống y hệt như một tượng Phật
đúc vậy đó. Riêng khuôn mặt phía bên phải bị chảy méo lại một chút và dính liền
với một mảnh xá lợi khác. Còn nữa, có một đốt xương,(có lẽ là xương sống?),lại
biến thành một đài sen có đầy đủ cánh hoa. Khi nhặt đài hoa giữa đống tro người
ta thấy có một viên xá lợi xanh biếc nằm trong đài hoa. Đem tượng Phật đặt vào
đài hoa sen thì nó vừa vặn giống như là chọn lựa vậy. Lão cư- sĩ
Triệu-Vinh-Phương vãng sanh được thâu hình để lại và họ đặt tên là
“Triệu-Vinh-Phương Lão Cư-Sĩ Vãng-Sanh Lục-Ảnh”.
Thưa cha má, câu chuyện này con kể ra đây để
cha má hiểu được sự linh diệu vô cùng vô cực của Pháp môn niệm Phật. Ở đây, con
nhìn thấy rất nhiều những hình ảnh họ chụp những trường hợp vãng sanh. Con biết
rất nhiều những người vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật. Nhưng những tấm
hình dù sao đi nữa nó cũng chỉ là một ảnh chết cứng, những bài viết dù sao cũng
chỉ là một mớ chữ để đọc, khó gây được một cảm xúc mãnh liệt bằng như chính mắt
mình xem lại những đoạn phim hiếm có này. Vì sao lại hiếm có? Vì người chết đâu
có nhiều đến nỗi người ta phải chuẩn bị quay phim. Hơn nữa khi vãng sanh họ rất
cần sự thanh tịnh trang nghiêm. Gia đình ít khi cho quay phim hay chụp hình
trong những giờ phút quan trọng nhất này, ngay cả những vị sư đôi lúc họ cũng
không cho phép làm ồn nữa là khác. Chắc chắn một vài tháng nữa khi nào cuộn
phim được chuyển dịch ra tiếng Việt con sẽ gởi về cho cha má và gia đình coi
tận mắt. Một cuộc vãng sanh thực sự chứ không phải đóng tuồng.
Vãng-sanh về với Phật là chuyện có thật một
trăm phần trăm. Kinh Phật nói ra đúng thật một trăm phần trăm. Tu hành đúng
cách đúng pháp môn trong một đời này được về sống trong thế giới của Phật là
chuyện thực tế một trăm phần trăm, nhất thiết không phải hão huyền viển vông.
“Niệm Phật thành Phật” thực sự đã có bằng chứng rõ ràng cụ thể, từng việc từng
việc đều đúng y như Phật nói trong kinh, không sai chút nào cả.
Bây giờ câu hỏi đưa ra là: Ta có muốn về với
Phật hay không? Ta có muốn vĩnh viễn hưởng cuộc đời vô cùng khoái lạc, vô cùng
trang nghiêm, vô cùng tự tại, thần thông diệu dụng, tuyệt đối vĩnh ly khổ ách,
vĩnh ly sanh tử, sống đến vô hậu vô chung tại cõi Tây-phương Cực-lạc hay không
mà thôi? Không muốn đi thì thôi khỏi nói. Còn muốn đi thì vấn đề đặt ra là:
“Làm sao ta được vãng sanh? Ta tu cách nào? Làm sao thoát cho được nợ trần? Làm
sao ta được đắc đạo về với Phật?
Thưa cha má, đây là những câu hỏi vô cùng
nghiêm chỉnh và thực tế. Câu trả lời là, chỉ cần làm đúng như Phật dạy, một
lòng Tin Phật, niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ là được. Chắc chắn như vậy. Làm sao
mà biết chắc chắn? Những người thực tâm TIN Phật, tha thiết NGUYỆN về
Tây-phương, và LÃO-THẬT-NIỆM-PHẬT thì biết chắc chắn, chính họ chứng minh điều
đó. Những cuộn phim, những lời giảng của những vị pháp sư, những người chứng
kiến tận mắt những cuộc vãng sanh kể lại, những tấm hình, những viên ngọc xá
lợi, những Phật xá lợi, v.v... rõ ràng là sự chứng minh không còn chối cãi được
nữa. Cụ bà Triệu-Vinh-Phương chín mươi bốn tuổi vãng sanh, đã được con cháu
quay phim để lại là một sự xác nhận rõ ràng rằng tất cả chúng ta không kể là Tăng
hay Tục, đều có thể về được tới thế giới Tây-phương Cực-lạc trong một đời này
thôi.
Điều cụ thể là, nếu cha má muốn được trong
đời này về tới Tây-phương Cục-lạc thì cứ làm như vầy, bắt đầu ngay từ bây giờ
phải chấm dứt coi tất cả những thứ phim ảnh phù phiếm giả tạo, liên tục coi
giảng pháp của Hòa-Thượng Tịnh-Không, nghe đi nghe lại mỗi bộ một trăm lần, hai
trăm lần, ba trăm lần... thì tự nhiên biết rõ đi như thế nào. Con sẽ tìm mọi
cách gởi về cho cha má tất cả những lời Pháp quý giá đó. Hiện giờ có bộ nào cứ
nghe bộ đó trước đã. Với lại không cần nhiều, chỉ cần nhứt tâm nghe pháp thì
một bộ cũng đủ liễu ngộ rồi. Hằng ngày trên thế giới người ta nghe lời Pháp của
Ngài, tu hành đắc đạo rất nhiều. Kẹt một nỗi là số lượng dịch ra tiếng Việt còn
hạn chế, và phương tiện gởi về Việt-Nam khó khăn, cho nên ở Việt-Nam phải chịu
thiệt thòi hơn các nơi khác. Nếu bây giờ chưa có những bộ pháp đó thì tạm thời
cha má hãy dành thì giờ đọc thư con cho nhiều, càng nhiều càng tốt, có những
thư rất quan trọng. Đọc cho đến thuộc lòng, thì tự nhiên sẽ thấy đầu mối, thấy
đường đi, nắm được chìa khóa để chuẩn bị mở lời Pháp của Ngài.
Nên nhớ, những thư của con dù sao cũng chỉ
là sự khai mở một lỗ nhỏ để cha má nhìn vào Phật đạo mà thôi, chứ con không có
khả năng làm gì khác hơn. Phần chỉ đường là của con, phần ngộ nhập vào đạo
chính cha má phải tự thực hiện lấy. Khi ngộ nhập vào đạo rồi thì những lá thư
này không còn hiệu dụng nữa. Tuy nhiên, cũng nên nhớ, khi chưa thấy được Phật
đạo thì những lá thư này vẫn còn có giá trị, vì dù chỉ là một lỗ nhỏ nhưng biết
để mắt vào đó, qua cái lỗ nhỏ ấy cũng có thể nhìn thấy được Phật Pháp chứ không
phải thường đâu!
Niệm Phật sẽ thành Phật, ai cũng thành Phật
được cả. “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” thì “nhất thiết giai thành
Phật”. Thành Phật là trở về cái vốn của chính mình sẵn có chứ không có gì xa lạ
cả. Cho nên, người nào biết đường trở về thì họ sẽ thành Phật, người nào cứ
chạy quanh quẩn theo những cái hão huyền bên ngoài thì sẽ quên đường về, sẽ mất
luôn huệ mạng trong luân hồi lục đạo, tử tử, sanh sanh trong khổ đau bất tận.
Niệm Phật là công phu tu tập rất đơn giản mà lại tối ư vi diệu để một đời viên
mãn Phật đạo. Những người tu hành với lòng tin vững chắc, nhất hướng chuyên
niệm, một đường đi tới, họ thành tựu rất dễ dàng. Trong thư trước con có kể
chuyện ông Trịnh-Tích-Tân, giảng kinh xong thì không thèm giảng nữa, kêu bạn bè
mướn nhà để vãng sanh. Về nhà người bạn, chỉ một phút niệm Phật thôi, ông leo
lên giường ngồi tréo chân vãng sanh.
Sự vãng sanh này đâu phải là chuyện trùng
hợp. Một trăm bà cụ chết, một trăm bà đau khổ, một ngàn ông cụ chết, một ngàn
ông cụ mê man bất tỉnh, một trăm ngàn người trẻ chết, một trăm ngàn người trẻ
hoảng hốt, la hét, kinh sợ, giãy giụa... Trong khi, MỘT bà cụ niệm Phật thì MỘT
bà cụ an nhiên tự tại, MỘT ông niệm Phật thì MỘT ông bình tĩnh ngồi kiết già
chắp tay niệm Phật ra đi, MỘT người trẻ niệm Phật thì MỘT người trẻ biết trước
ngày, giờ, tháng, năm vãng sanh, thì làm sao gọi là trùng hợp hay may rủi được.
Thưa cha má, con người chúng ta từ vô thủy
tới vô chung đều bất sanh bất tử. Tất cả mọi người, tất cả vạn vật đều bất sanh
bất tử. Tiếng Tư hay Sanh chỉ dùng để chỉ cho cái thân tứ đại này còn hay mất
mà thôi. Tại vì con người mê muội, quên mất cái chân ngã nên cứ đâm đầu vào chỗ
khốn cùng để đội lên lớp người, lớp thú, lớp cầm... rồi sanh tử, tử sanh trong
vòng khổ lụy. Một lần ‘Tử’ là bắt đầu cho một lần ‘Sanh’. Một lần ‘Sanh’ là
chuẩn bị cho một lần ‘Tử’. Cứ thế thần thức của một chúng sanh trôi lăn, trôi
lóc qua trùng trùng cảnh giới khác nhau, trong đó có nhiều cảnh giới đày đọa
thân tâm chúng ta khổ đau kinh khủng mà ta quên hết. Hễ người khéo tu một chút
được sanh vào loài người thành một đứa bé khóc oa oa, nhưng nó có biết gì đâu.
Giỏi lắm thì thông minh một chút, đẹp trai một chút là cùng, lớn lên tạo nghiệp
rồi chết, rồi đọa lạc. Người ngu si thì sanh thành con heo, con chó, con bò...
Lỡ chui vào loài thú rồi thì tiếp tục ngu si, bao giờ thoát khỏi kiếp mang lông
đội sừng đây! Một thần thức khi qua một cuộc cách ấm thì quên hết quá khứ, cho
nên không ai để ý tới, chứ nếu biết được thì chắc phải sợ đến toát mồ hôi máu,
ăn ngủ không yên chứ phải thường đâu!
Quyết tâm về với Phật là con đường tốt đẹp
nhất, không còn con đường nào khác có thể sánh bằng. Xác quyết được như vậy thì
bây giờ mình phải chuẩn bị sẵn sàng con đường đi. Nghĩa là tự cha má phải sẵn
sàng để tự cứu lấy cha má. Tất cả con cái trong gia đình phải sẵn sàng cứu lấy
cha mẹ mình để làm tròn chữ hiếu. Nhất định chữ hiếu đây không có nghĩa là một
vài bữa ăn, hay cung phụng rượu thịt ê hề để gây thêm nghiệp chướng cho cha mẹ
rồi sau đó ai khổ mặc ai.
Con xin quay trở lại chuyện bà cụ
Triệu-Vinh-Phương. Tại sao bà cụ biết trước ngày giờ ra đi mà gia đình còn phải
tổ chức hộ niệm liên tục ba ngày đêm, còn niệm thêm tám giờ sau khi bà ra đi.
Đây là điều rất quan trọng mà người niệm Phật nói riêng, tất cả mọi người dù
không tu Phật cũng cần phải biết. Nếu không biết dễ vô tình tạo ra những cảnh
rất thương tâm, rất thảm thương, rất tội nghiệp!
Thưa cha má, về được Tây-phương Cực-lạc rất
dễ, nhưng cũng rất khó. Biết làm đúng cách đi dễ dàng như vô lượng vô biên
người đã đi được rồi, đã giải thoát được rồi, đã thành Bồ-tát rồi, nhiều đến
nỗi ngày nay không thể nào đếm được nữa. Nhưng cũng khó, khó trong đường tơ kẽ
tóc, sơ ý một tí ti là có thể mất phần liền. Trong những thư trước con có đề
cập tới chuyện này, xin lục lại xem thêm. Hôm nay con nhấn mạnh việc làm sao
cho chắc chắn đi được? Đó là nhờ - HỘ-NIỆM - Hãy đọc thật kỹ, xin đừng phớt
qua.
Hộ-niệm: Tự mình hộ chính mình, và nhờ người
khác hộ cho mình. Niệm Phật điều quan trọng là KHÔNG HOÀI-NGHI, KHÔNG XEN-TẠP,
KHÔNG GIÁN-ĐOẠN. Người nào giữ được ba điều kiện này chắc chắn được vãng sanh,
người đó có thể tự hộ niệm cho mình không cần nhờ người khác. Nghĩa là muốn
vãng sanh là đi ngay lập tức. Liên-Trì Đại-Sư, Thiện-Đạo Đại-Sư, Vĩnh-Minh Đại
sư, v.v... rất nhiều rất nhiều vị sư nói đi, đệ tử chưa kịp hỏi: “Thầy đi đâu?”
là họ đã tịch rồi. Tăng Ni được vậy, còn cư sĩ thường như chúng ta có được
không? Thưa cha má, nhiều không kể hết. Ông Trịnh-Tích-Tân thì ngồi vãng sanh,
Cụ Hạ-Liên-Cư thì đứng vãng sanh, cụ Triệu-Vinh-Phương thì nằm kiết tường vãng
sanh, v.v... nhiều lắm. Nếu kể cho hết thì những trang giấy này không đủ chỗ
đâu.
Thế nhưng với điều kiện sinh hoạt của chúng
ta, với căn khí nghiệp chướng kết tập nhiều đời nhiều kiếp, ta thường bị nhiễu
loạn, bị phân tâm, bị xen tạp cho nên công phu huân tập của mình không đủ bảo
đảm tự vãng sanh. Lúc lâm chung sức khoẻ bị yếu, khí huyết suy giảm, thân thể
đau đớn, gia đình lộn xộn, con cháu khóc kể... tâm trí rất dễ bị rối loạn.
Trong điều kiện như vậy thường bị oan gia, trái chủ, nghiệp chướng nhào tới bủa
vây trả thù, đòi nợ, những cảnh giới hãi hùng hiện ra rất dễ làm cho ta hoảng
sợ, mê man bất tỉnh, hãi kinh! Nếu gặp phải những trường hợp này chắc chắn
không thể nào vãng sanh được. Vì thế người Niệm Phật cầu sanh về Cực-lạc thế
giới phải lo liệu cho kỹ, phải nổ lực công phu, phải niệm Phật liên tục, phải
nguyện sanh Tây-phương hằng ngày, phải nhất tâm tin tưởng pháp môn, phải quyết
chí một con đường đi về cho được với Phật... có như vậy mới giảm thiểu những
tai nạn bất ngờ vào giờ phút chót.
Trong nhiều đời nhiều kiếp mình đã giết hại
nhiều sanh linh, mình gây bao tội ác, thì chắc những oan gia đó luôn luôn rình
rập để chờ cơ hội trả thù, chỉ cần mình sơ ý là chúng tấn công ngay. Ngay cả
những người được Phật thọ ký rồi cũng vẫn phải hết sức cẩn thận. Hơn thế nữa,
người đã được Phật thọ ký họ tu còn tinh tấn gấp mười lần trước đó nữa là khác.
Họ tu ngày tu đêm, họ niệm Phật quên ăn bỏ ngủ, họ không rời A-di-đà Phật một
giây phút nào, vì đã chắc rồi cũng cần phải chắc hơn mới là chắc chắn vậy!
Hộ-niệm rất quan trọng. Ngoài những người
niệm Phật được “Nhất-tâm-bất-loạn” tự tại vãng sanh, hầu hết người được vãng
sanh là nhờ sự hộ niệm lúc lâm chung. Hộ-niệm là người khoẻ mạnh niệm Phật phụ
cho người ra đi, giữ chánh niệm cho người sắp lâm chung, nhắc nhở người ra đi
cố gắng giữ tiếng Phật hiệu liên tục để bảo đảm niệm được mười câu “A-di-đà
Phật” trước khi ra đi. Một điểm nữa là chính lòng thành tâm của người hộ niệm
góp phần rất lớn để giúp thần thức người lâm chung được chiếu xúc quang minh
của A-di-đà Phật. Người ra đi nhiều lúc quá mệt, quá yếu không cất tiếng niệm
được, thì tiếng niệm Phật của người hộ-niệm rót liên tục vào tai người đi, giúp
cho tâm họ niệm theo. Miệng không niệm được nhưng trong tâm niệm Phật vẫn được
vãng sanh như thường. Cho nên, điều kiện tối quan trọng là lâm chung tâm phải
tỉnh táo. Những người bị tai nạn, nạn nước, nạn lửa, bị bạo tử... khó được vãng
sanh vào cảnh giới tốt là vì lý do không tỉnh táo và bị hốt hoảng, bị khủng bố.
Nhưng bây giờ, làm sao cho tâm tỉnh táo?
Trong kinh Phật dạy, người nào niệm Phật thì khi lâm chung tâm hồn sẽ tỉnh táo,
“Thị nhơn chung thời tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A-di-đà Phật Cực Lạc
quốc độ”, (kinh A-di-đà).
Hỏi rằng, người khi lâm chung tỉnh táo có
chắc được vãng sanh Cực-lạc không? Chưa chắc. Vì sao? Vì tỉnh táo là điều kiện
“ắt có nhưng chưa đủ”. Tỉnh táo và niệm Phật mới đủ. Như vậy nhiều người tu
những pháp môn khác, nếu tu tinh tấn, khi lâm chung họ vẫn có thể được tỉnh
táo, nhưng chưa chắc họ sẽ được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc cảnh giới Phật. Vì
sao? Vì cái Nguyện của họ sẽ dẫn dắt họ đi vào cảnh giới khác. Ví dụ, tu Nhơn
thì nguyện tái sanh làm người; Tu Tiên thì thèm khát những phép thần thông hữu
lậu, tu Định đi có thể vào cảnh giới Trời. Còn tu mà không nguyện thì đi theo
Nghiệp, nghiệp nào lớn nhất sẽ lôi họ đi. Tu hành như vậy chẳng qua tạo được
chút phước nào đó, tất cả cũng hoàn về đọa lạc mà thôi, vì tất cả đều còn trong
lục-đạo luân-hồi, chưa thoát khỏi tam-giới. Còn người không tu hành thì thôi
miễn bàn tới! Cho nên, có thể đưa ra công thức liên hoàn như vầy: Niệm Phật thì
tâm Tỉnh Táo; Tỉnh Táo thì được Vãng Sanh; Vãng Sanh là nhờ Niệm Phật. Nói gọn
lại: “Niệm Phật - Tỉnh Táo - Vãng Sanh Cực-lạc Thế-giới”.
Thưa cha má, trong đời này cha má gặp được
Phật pháp, có người khuyến khích tu hành là cả một nhân duyên rất lớn, phúc đức
rất lớn từ tiền kiếp, thiện căn sâu dày của cha má từ quá khứ. Xin cha má đừng
bỏ lỡ cơ hội ngàn vạn đời khó kiếm này. Hãy thành tâm niệm “Nam-mô A-di-đà
Phật” thì tất cả đều thành tựu viên mãn.
A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu 4/8/2001).